Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Tôi phải làm gì? (Mc 10,17-27)


Chúa nhật XVIII, năm B


Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Đó là câu hỏi, là thắc mắc, là nổi khắc khoải, là niềm khao khát của anh thanh niên trong bài Tin mừng hôm nay. Sự sống đời đời làm gia nghiệp, đó chính là mục đích của cuộc đời này. Thế nhưng làm thế nào để có được sự sống đó? Câu hỏi của anh thật chính đáng và Đức Giê-su đã trả lời cũng thật cặn kẽ. Người nhắc lại các điều luật đã được ghi trong Cựu ước. Đó là những điều luật quan trọng mà ai tuân giữ nó thì cũng tạm đủ để có thể có được sự sống đời đời. Sau khi nghe Đức Giê-su trả lời, anh tự nhận là tất cả những điều đó anh đã tuân giữ từ nhỏ. Anh thật là một mẫu gương tuân giữ lề luật, sống theo lề luật và vì điều đó anh được Đức Giê-su đem lòng yêu mến.

Vì đem lòng yêu mến nên Đức Giê-su đòi hỏi thêm mức độ thứ hai. Đó là bán hết tài sản, phân phát cho người nghèo và đi theo Người. Nghe điều đó, anh đã đâm ra buồn rầu và bỏ Người mà đi. Tin mừng nêu rõ lý do là vì anh ta có nhiều của cải.

Lề luật là những quy định tối thiểu giúp cho con người sống tốt hơn trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Thế nhưng tương quan giữa con người với Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở lề luật mà thôi. Đức Giê-su đến mời gọi con người một sự dấn thân triệt để hơn nữa, đó là : “Anh em hãy nên hoàn thiện như cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Do đó sống theo lề luật vẫn là lối sống thụ động và quy ngã, tức là chỉ lo cho chính bản thân mình. Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta sống một đời sống tích cực hơn, đó là chủ động giúp đỡ người khác, không lệ thuộc vào của cải vật chất để có thể theo Chúa cách trọn vẹn hơn.

Thực vậy, Đức Giê-su nói những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa. Cái khó không phải do của cải vật chất vì theo truyền thống, của cải là do hồng phúc Thiên Chúa ban cho. Cái khó chính là những hậu quả mà của cải vật chất mang lại. Của cải thay vì giúp ta biết cảm tạ Thiên Chúa cũng như giúp đỡ người khác thì nó lại trở thành vật cản, khiến ta chỉ biết giữ khư khư cho chính mình. Của cải dễ làm cho ta trở nên hẹp hòi, ích kỹ và đó là nguyên nhân khiến ta xa rời Nước Thiên Chúa.

Bài Tin mừng ngày hôm nay giúp ta tự kiểm điểm lại bản thân. Đã có bao giờ ta đặt câu hỏi tôi phải làm gì để được sự sống đời đời chưa. Tôi quan tâm đến sự sống đời đời hay tôi chỉ lo cho cuộc sống trước mắt? Tôi đã tìm mọi cách để đạt được sự sống đó chưa?


Mức độ tối thiểu là tuân giữa luật Chúa, tôi đã làm được chưa? Những điều luật mà anh thanh niên đã giữ như: chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ, v.v., tôi đã làm được chưa? Bao lời dạy của Đức Giê-su trong Tin mừng tôi có giữ được không? Có lẽ ít ai trong chúng ta dám vỗ ngực tự hào rằng mình đã tuân giữ tốt những điều trên. Nói thế không phải để bi quan nhưng là để mỗi người nhìn lại bản thân mà phấn đấu, thậm chí là phải chiến đấu mỗi ngày thì chúng ta mới có thể giữ trọn lời Chúa dạy.





Đó là chưa kể đến bổn phận bác ái mà mỗi người chúng ta cần phải thực thi. Trong ngày phán xét, việc có được vào chung hưởng hạnh phúc đời đời hay không tùy thuộc vào đức ái mà ta đã sống như câu chuyện tách biệt chiên với dê (x. Mt 25, 31-46). Bác ái không đơn thuần chỉ là việc thỉnh thoảng bỏ ra một ít tiền bạc, của cải hay thời gian để giúp đỡ và thăm viếng người nghèo nhưng trên hết đó là đức ái đặt nền tảng nơi Thiên Chúa. Việc lấy của cải cho người nghèo chỉ là nền tảng cho việc “đi theo” Đức Giê-su.

Thực vậy, trong bài Tin mừng, Đức Giê-su yêu cầu anh thanh niên bán hết của cải phân phát cho người nghèo để đi theo Người. Đi theo Đức Giê-su mới là mục đích trên hết. Bán hết của cải, khi đó ta không còn bám víu vào gì khác ngoài Đức Giê-su. Bán hết để ta có thể trông cậy vào Người với lòng tín thác trọn vẹn, không luyến tiếc.

Trong thời gian qua, anh chị em Huynh đoàn của chúng ta đã rất rộng rãi trong các công việc từ thiện bác ái. Điều đó thật đáng cỗ võ và hoan nghênh. Ước gì công việc của chúng ta không chỉ dừng lại ở đó mà thôi nhưng đạt tới mục đích sau cùng là “đi theo” Đức Giê-su cách trọn vẹn. Đó là cách thức để ta đạt được sự sống đời đời.

Gợi ý chia sẻ:

1. Bạn có bao giờ tự hỏi mình phải làm gì để có sự sống đời đời?

2. Bạn đã làm gì để “đi theo” Đức Giê-su?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét