Hiển thị các bài đăng có nhãn CN34. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN34. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

ĐỨC GIÊSU KITÔ, VỊ VUA ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT

Lễ Kitô Vua (Ga 18,33b-37)

Trong suốt năm phụng vụ, Giáo hội đã chiêm ngắm Đức Giêsu với nhiều khuôn mặt khác nhau. Trong Chúa nhật cuối cùng này, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Đức Giêsu với khuôn mặt của một vị vua.
Khi nói đến vua Kitô, ta thường hay liên tưởng ngay đến những danh hiệu như vua Vũ trụ, vua Hòa bình, vua Sự thật, vua Tình yêu, v.v.. Hôm nay, trong bối cảnh Giáo hội sắp khai mạc năm thánh ngoại thường kính Lòng Thương Xót Chúa, tôi xin mời mọi người cùng chiêm ngắm vua Kitô với gương mặt của một Đấng đầy Lòng Thương Xót.
Vua Kitô, khuôn mặt thương xót của Chúa Cha
Ngay câu đầu tiên trong Tông chiếu về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của Lòng Thương Xót Chúa Cha”. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được mạc khải là Đấng “nhân từ và đầy thương xót” (Xh 34, 6). Lòng thương xót của Thiên Chúa không chung chung trừu tượng nhưng được thể hiện qua những hành động rất cụ thể: “Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ” (Tv 146, 9) hay “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành” (Tv 147, 3).
Sau cùng, Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện cách cụ thể qua chính Con Một là Đức Giêsu Kitô. Vì thương xót con người, Con Một Chúa đã đến thế gian trong thân phận một phàm nhân. Cái chết trên thập giá là đỉnh cao của Lòng Thương Xót đó. Lòng Thương Xót đó còn được thể hiện qua giáo huấn và chính cuộc sống của Đức Giêsu Kitô.
Lòng thương xót qua những giáo huấn của Vua Kitô
Đức Giêsu khai mạc sứ vụ với bài giảng trên núi, còn gọi là Hiến chương Nước Trời. Hình ảnh này có thể cho ta hình dung Đức Giêsu như vị vua vừa khai quốc, đang đứng trước toàn dân để công bố Hiến chương của một vương quốc mới, vương quốc của Lòng Thương Xót. Nội dung Hiến chương này cũng toát lên Lòng Thương Xót của vị quốc vương. Vương quốc này không dành cho những người tự mãn về mình nhưng cho những ai đáng hưởng Lòng Thương Xót Chúa.
Lòng Thương Xót Chúa còn được thể hiện qua những dụ ngôn, đặc biệt nơi chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca. Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót không muốn đánh mất, dù là một người tội lỗi. Ngài cất công đi tìm kiếm con chiên lạc và vui mừng vác trên vai mang về. Ngài như người cha ngày đêm lo lắng, mong ngóng đứa con hoang trở về.
Lòng thương xót qua hành động của Vua Kitô
Đức Giêsu không chỉ giảng dạy về Lòng Thương Xót nhưng trên hết, chính Người đã sống Lòng Thương Xót đó. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi thấy dân chúng lầm than vất vưởng không người chăn dắt (Mt 9,36). Người chạnh lòng thương với đau khổ của người mẹ góa thành Nain trước cái chết của người con trai duy nhất (Lc 7,15). Người chạnh lòng thương trước nổi ô nhục của người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang (Ga 7,11). Người chạnh lòng thương trước cái chết của La-za-rô, bạn hữu Người (Ga 11,35). Và cuối cùng, Lòng Thương Xót Chúa thể hiện qua cuộc thương khó với cái chết trên thập giá. Vua Kitô không chỉ dạy ta về Lòng Thương Xót nhưng chính Người đã nêu gương cho chúng ta trước.
Chúng ta, những công dân của lòng thương xót

Vương quốc của Thiên Chúa là vương quốc của Lòng Thương Xót không chỉ vì Đức Giêsu Kitô là Vua Thương Xót mà còn vì chúng ta được mời gọi trở nên những công dân của Lòng Thương Xót đó. Nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, chúng ta trở nên những công dân trong vương quốc Ngài. Phần chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi sống Lòng Thương Xót với nhau trong gia đình, nơi lối xóm, trong các đoàn thể, nơi giáo xứ và ngoài xã hội, nhờ đó, chúng ta xứng đáng là những công dân của Lòng Thương Xót Chúa. 

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

LÀ KI-TÔ HỮU, BẠN HÃY MẠNH MẼ (Lc 21,12-19)



Tuần XXXIV – Thứ Tư

17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
Người ta đổ xô nhau đi xem thầy, bói toán để tìm kiếm những dấu hiệu mong manh cho một tương lai an toàn. Người ta thường hứa hẹn một tương lai bảo đảm để an ủi nhau. Người ta có khuynh hướng chạy trốn những bấp bênh của thân phận con người. Thế nhưng Đức Giê-su lại không hành xử như vậy. Mặc dù Ngài đến trần gian để thiết lập vương quốc Thiên Chúa, để mang ơn cứu độ cho con người, để đảm bảo hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Quốc. Thế nhưng Ngài cũng nhấn mạnh, Ngài đến mang theo gươm giáo, theo Ngài là vác thập giá mình mỗi ngày.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

TẠM BỢ VÀ VĨNH CỬU (Lc 21,5-11)

Tuần XXXIV – Thứ Ba
5 Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo : 6 "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào."
Hòn đảo Tacloban xanh tươi duyên dáng chỉ sau một đêm cơn bão Haiyan đổ bộ đã bị bình địa. Mọi thứ trở nên hoang tàn u ám. Không gian trĩu nặng, chết chóc đau thương lan tràn. Con người tự hỏi, liệu có gì vĩnh cửu trên cõi đời này?
Những người Do Thái cũng từng nhìn ngắm Đền Thờ Giê-ru-sa-lem với niềm hãnh diện thán phục. Quả thật, Đền Thờ là một công trình nguy nga hoành tráng. Đền Thờ đứng sừng sửng là niềm kiêu hãnh của một dân tộc. Giữa lúc họ đang tự hào như thế thì Đức Giê-su đã tiên báo một sự thật nghiệt ngã, một tương lai chẳng ai mong đợi: sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Lời tiên báo gợi lại một ký ức buồn thương và liên tưởng đến một tương lai ảm đạm. Thực vậy, trong quá khứ, Đền Thờ đã từng bị chiếm đoạt và xúc phạm bởi dân ngoại. Đó là một nỗi ô nhục mà người Do Thái không thể chịu đựng nổi. Thế nhưng nó đã xảy ra. Cũng vậy, trong một tương lai không xa (năm 70) Đền Thờ cũng bị san bằng bởi quân đội Rôma.