Hiển thị các bài đăng có nhãn Các Thánh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Các Thánh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ - NGÀY 22.02

 

Vừa qua, tôi có dịp thăm một bà cố ở Giáo xứ nọ. Trong câu chuyện, bà than phiền tụi nhỏ hay vào sân nhà thờ đá bóng, có cả những đứa ngoại đạo, nhiều khi còn cải nhau. Đối với bà đó là sự bất kính và lương tâm bà áy náy vì cảnh đó.

Tôi thông cảm, vì biết bà gốc Bắc, lại mộ đạo. Tôi đành lựa lời giải thích, rằng trong nhà thờ thì phải trang nghiêm vì là nơi thờ phượng, còn tụi nhỏ chơi ngoài sân nhà thờ thì không sao. Tụi nhỏ vui đùa trong khuôn viên nhà Chúa thì chắc Chúa sẽ vui hơn là đi chơi game hay tụ tập hút thuốc, uống rượu. Thậm chí nếu vì chơi với nhau mà cải cọ hay thậm chí đánh nhau đi nữa, thì chắc Chúa cũng sẽ mỉm cười mà nghĩ trong lòng: tụi nhỏ mà!

Quả thật, lúc bé mình cũng hay đá bóng trong sân nhà thờ, có lần đang lễ mà chơi ồn ào còn bị cha xứ phạt nữa. Bây giờ mình cũng muốn con nít đến sân nhà thờ chơi. Làm sao để các em cảm thấy nhà thờ là nhà của mình. Đến nhà thờ để tìm niềm vui và gặp gỡ bạn bè, dĩ nhiên là trừ những lúc cử hành phụng vụ hay trong nhà thờ. Các em ồn ào hay cải nhau ngoài sân nhà thờ còn dễ thương hơn là người lớn đứng trang nghiêm trong nhà thờ nhưng lòng đầy thù hận hay tính toán xấu xa.

Hôm nay, mừng lễ lập Tông Tòa thánh Phêrô, theo nghĩa chặt, nhắc ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, đấng kế nhiệm thánh Phêrô coi sóc Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng theo nghĩa rộng hơn, tôi lại nghĩ đến các ngôi thánh đường và các vị mục tử trên khắp thế giới. Ước gì tất cả các ngôi thánh đường (nơi có ghế chủ tế, một cách nào đó cũng tượng trưng cho ngai tòa Phêrô) đều là ngôi nhà thân thương mà tất cả mọi người ước mong lui tới, là nơi gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau trong thân tình và chia sẻ. Để được vậy, các vị chủ chăn phải luôn nhớ đến lời nhắc nhở của thánh Phêrô: Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên (1Pr 5,2-3).

 

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

TỰ HÀO VÀ TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG HÀO HÙNG

Các thánh tử đạo Việt Nam (Ga 17,11-19)

Lễ các thánh Tử đạo Việt Nam luôn gợi lên trong lòng mỗi người niềm tự hào khó tả, bởi chúng ta mang trong mình dòng máu của các ngài. Hôm nay, mỗi người chúng ta đều có quyền tự hào vì là dòng dõi của các thánh nhân, là con cháu của các vị Tử đạo. Niềm tự hào đó còn khơi lên nơi chúng ta quyết tâm sống đạo để tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông.
Tự hào về cha ông: chọn cái chết để tuyên xưng đức tin
Chúng ta có quyền tự hào về gương chứng nhân anh dũng của cha ông. Trong số 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam thì có 96 vị là người Việt Nam, trong đó có 59 vị là giáo dân. Như vậy, nên thánh không chỉ là các vị nước ngoài mà thôi nhưng có rất nhiều người Việt Nam; không chỉ là các Giám mục, linh mục mà thôi nhưng có rất nhiều giáo dân. Các ngài cũng là những người bình thường như chúng ta. Có những người đang làm quan nhưng sẵn sàng mất chức, mất mạng để bảo vệ đức tin. Có những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng tinh thần vững mạnh khi tuyên xưng đức tin. Có những chàng trai tương lai đầy hy vọng nhưng lại dũng cảm chọn một tương lai chắc chắn hơn trên quê trời.
Các thánh Tử đạo cũng đón nhận một đức tin như chúng ta, các ngài cũng sống trong môi trường văn hóa, xã hội như chúng ta, thậm chí là khắc nghiệt hơn, thế nhưng các ngài đã trung kiên giữ vững đức tin của mình. Chắc chắn các ngài không được học giáo lý đầy đủ, không được tự do sống đạo như chúng ta ngày nay, thế nhưng chính sự thiếu thốn đó lại hun đúc niềm tin và tình yêu nơi các ngài.
Dù bị nghi ngại và hiểu lầm, dù gặp chống đối và ngăn trở, dù bị bách hại và cầm tù, chịu tra tấn và giết chết, các ngài vẫn không run sợ trước những quyền lực thế gian. Dù bị dụ dỗ hay hù dọa, đức tin của các ngài vẫn kiên vững.
Các chứng nhân anh dũng trên quê hương Việt Nam không chỉ là 117 vị thánh tử đạo mà thôi nhưng còn hơn 100 ngàn người khác đã hy sinh một cách âm thầm. Giữa muôn trùng thử thách, các ngài đã đứng vững, đã can đảm gìn giữ và tuyên xưng đức tin của mình. Máu các thánh Tử đạo đã đổ xuống để trổ sinh những bông hạt là đức tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống hào hùng đó để sống đức tin cho xứng đáng.
Tiếp nối truyền thống:  Hãy sống đức tin
Ngày nay, không còn nhiều cảnh bắt bớ, đánh đập, tù đày và chết chóc nhưng người tín hữu vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn thử thách mới. Nếu xét về bề ngoài có lẽ nó chẳng là gì so với xưa kia, thế nhưng chính điều đó lại là mối nguy hiểm! Nó giết hại đức tin của người tín hữu một cách âm thầm.
Ngày nay, ai ai cũng lo thăng tiến bản thân. Nhỏ lo học, lớn lên lo kiếm việc làm, rồi cố gắng duy trì và thăng tiến trong công việc. Ngoài ra còn vô số những nhu cầu của thời đại khiến ta cảm thấy phải chịu nhiều áp lực trước cuộc sống. Những áp lực đó khiến ta không còn thời gian nghĩ đến Chúa, không còn thời giờ đến nhà thờ, học giáo lý, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích hay cầu nguyện riêng tư. Dần dần chúng ta đánh mất cảm thức đức tin. Không còn thấy nhu cầu phải sống đạo.
Đôi khi phải lựa chọn giữa đức tin và công việc, giữa thực hành đức tin với những thú vui và đam mê trần thế, chúng ta thà đánh mất đức tin, mất các giá trị cao đẹp của Tin Mừng hơn là chấp nhận hy sinh thiệt thòi về phía mình.
Đời sống đức tin ngày nay đặt chúng ta trước những chọn lựa khắc nghiệt không kém. Đó là một cuộc tử đạo liên lỉ, tử đạo hàng ngày. Chọn lựa đứng về phía các giá trị của Tin Mừng là một chọn lựa cao đẹp và anh dũng không kém gì chọn lựa chết vì đạo.

Xin các thánh Tử đạo phù trợ để phận con cháu chúng con luôn giữ vững đức tin của mình. Amen.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Nói với Chúa và nói về Chúa

Ngày 8 tháng 8: Thánh Đa Minh

Cha Đa Minh đã sống trọn điều răn mến Chúa yêu người qua câu châm ngôn: Nói với Chúa và nói về Chúa.
Trước hết, cha luôn dành mọi thời gian có thể để “nói với Chúa”. Ngài nói với Chúa qua những giờ cầu nguyện sốt sắng, những giây phút cảm tạ, ngợi khen về bao công việc tốt đẹp Thiên Chúa đã thực hiện qua cuộc đời mình. Ngài nói với Chúa qua những hành động sám hối về những lỗi lầm, thiếu sót của mình cũng như của tha nhân. Ngài nói với Chúa qua những lời khẩn cầu tha thiết cho anh em và cho những người đang đắm chìm trong đau khổ, lầm lạc. Nói với Chúa là thời gian ngài lắng nghe tiếng gọi của Chúa cũng như nhu cầu của tha nhân. Nói với Chúa là thời gian ngài chìm đắm trong ân sủng qua đó ngài kín múc hồng ân và trao tặng cho tha nhân.

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Cho đi_thánh Laurenso

Ngày 9 tháng 8: Thánh Laurenso

Bên vệ đường, một cụ già ngồi trầm ngâm với chiếc nón trong tay, một người mẹ trẻ trao cho con gái tờ năm ngàn, em nhanh nhảu chạy đến bỏ tờ tiền vào nón với vẻ lễ phép. Sau thánh lễ, mọi người lặng lẽ lấy ví ra, rút một tờ tiền cho vào bao thư và đóng góp vào quỷ truyền giáo của Giáo hội. Trong giây phút sinh tử, một thanh niên quyết định nhường áo phao cho một phụ nữ để rồi phải nằm lại dưới lòng sông. Một nữ tu quyết định suốt đời dấn thân phục vụ các bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. v.v.
Bên cạnh những tệ nạn cướp giật diễn ra hằng ngày, vẫn còn đó những gương sáng về sự cho đi. Có sự cho đi vì lòng thương hại nhưng cũng có sự cho đi vì mục đích cao quý; có sự cho đi được quyết định trong chốc lát nhưng cũng có sự cho đi là lựa chọn suốt cả cuộc đời; có sự cho đi những thứ bên ngoài như tiền bạc nhưng cũng có sự cho đi bằng cả mạng sống mình.

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Thánh nữ Mônica, tình mẹ bao la

Ngày 27: Thánh monica
 
Mẹ chẳng còn trông mong gì trên đời này nữa. Trước đây, lý do duy nhất khiến mẹ ước mong được nán lại thêm một chút trong cuộc sống này là để nhìn thấy con thành một Ki-tô hữu trong Hội thánh Công giáo trước khi mẹ nhắm mắt lìa đời.[1] Đó là một trong những lời tâm sự cuối cùng của thánh nữ Mônica mà thánh Âu-tinh đã ghi lại trong cuốn Tự thuật.

Ước mơ thật giản dị, nhưng cũng thật lớn lao của một người mẹ. Giản dị bởi đó không phải là ước mơ cho con cái trở nên khôn ngoan, nổi tiếng, giàu sang hay quyền lực. Giản dị vì ngài chỉ mong ước con mình trở nên một Ki-tô hữu trong lòng Hội thánh. Nhưng, mong ước đó cũng thật lớn lao. Lớn lao bởi ngài đã dành trọn tâm tư, tình cảm và cả sức lực nữa để thực hiện ước mơ đó. Tấm lòng người mẹ thật bao la. Ngài đã theo chân con suốt một chặng đường dài để chăm sóc, để khuyên bảo, để cầu nguyện cho con nhận ra ánh sáng Chân lý đích thực.

Lạy Chúa, tình mẹ thật thiêng liêng và cao cả. Tình mẹ chính là hình ảnh rõ nét nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ngày nay, nhiều người mẹ vẫn dành trọn cuộc đời mình cho con cái, nhưng đích đến không còn là trở thành một Ki-tô hữu trong lòng Hội thánh. Thực vậy, nhiều người mẹ dành nhiều tiền bạc, thời gian và cả sức lực để lo cho con cái được ăn học đàng hoàng, được có chỗ làm ổn định, có tương lai khá giả; còn việc trở thành một Ki-tô hữu như thế nào thì họ phó mặc cho Giáo hội. Họ chỉ biết chở con đến nhà thờ mà không biết con mình học cái gì và học như thế nào. Trở thành một Ki-tô hữu trưởng thành là mục tiêu thứ yếu khuất chìm trong bao thứ mục tiêu khác.    
Xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ Mônica, soi sáng cho những ai đang sống thiên chức làm mẹ, biết hướng dẫn con mình đến mục tiêu hệ trọng nhất của đời người, đó là: sống với Chúa và sống cho Chúa.





[1] Trích bài đọc kinh Sách lễ thánh Mônica.

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Gioan Tẩy giả bị trảm quyết (Mc 6,17-29)


Ngày 29 - Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

Dân ta có câu: “thuốc đắng giả tật, sự thật mất lòng”. Nhà văn Trần Mạnh Hảo thì nói: “con người sợ nhất là sự thật”. Cái chết của Gio-an Tẩy Giả phần nào minh chứng cho tính chính xác của những câu nói trên.
Có thể nói sứ mệnh của Gio-an là làm chứng cho sự thật. Ông đến giúp cho mọi người nhìn vào sự thật của chính mình để thấy những lỗ hỏng, những thiếu sót khiến họ phải thốt lên: vậy chúng tôi phải làm gì? Ông đến để loan báo sự thật về thời Đấng Mê-si-a. Thời Đấng Mê-si-a không phải là một lời hứa suông nhưng là một thực tại đang đến ngay bên, thời đó đã gần kề.
Cũng vì nói lên sự thật về những hành vi trái luân lý mà Gio-an đã khiến cho nhiều người căm ghét để rồi ông phải trả giá bằng chính mạng sống mình. Tuy nhiên, cái chết của ông lại trở thành lời chứng hùng hồn hơn cả.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói “sự thật sẽ giải thoát anh em”. Xin cho chúng con biết yêu mến và can đảm làm chứng cho sự thật, để nhờ đó chúng con được giải thoát và được kết hiệp với Chúa là Sự Thật duy nhất.

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Ngài Phải Lớn Lên, Còn Tôi Phải Nhỏ Đi (Lc 1,57-66.80)

Ngày 29 - Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết


Trở thành ngôn sứ là ơn gọi đặc biệt được chính Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa đã từng phán với ngôn sứ Giêrêmia : ”Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1, 4-5). Lời Chúa phán trên cũng thật đúng cho trường hợp của Gioan Tẩy Giả.
Sự ra đời của Gioan Tẩy Giả đã gây thắc mắc cho nhiều người. Ai nghe thấy cũng đều để tâm suy niệm và tự hỏi : ”Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào ?” (Lc 3,16). Ba mươi năm sau, trong khi thi hành sứ vụ, người Dothái hỏi chính Gioan : “Ông là ai ?”, “Ông nói gì về chính mình ?”. Gioan đã trả lời : “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa” (Ga 1,23). Gioan tự nhận mình là tiếng hô đi trước để chuẩn bị cho Lời sẽ đến sau. Cuộc đời Gioan sẽ là hình ảnh tuyệt hảo cho người ngôn sứ.

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

CHÍNH CHÚA CHỌN TA



Ngày 14.5: Thánh Mathia tông đồ
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em (Ga 15,9-17).
Sự sống không phải là ngẫu nhiên hay vô tình, bởi “trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết người” (Gr 1,5). Thiên Chúa mời gọi tôi đi vào hiện hữu và trao cho tôi một sứ vụ. Một sứ vụ không ai có thể thay thế.
Chính Đức Giê-su cũng đã chủ động mời gọi các môn đệ để các ông ở với Người và để Người sai các ông ra đi. Khi các môn đệ quy tụ nhau để chọn người thay thế Giuđa – kẻ nộp Chúa, họ cầu nguyện rằng: xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai. Không phải các môn đệ chọn nhưng là chính Thiên Chúa chọn để cộng tác với các tông đồ làm chứng cho Chúa Phục sinh. Tuy thế, các ông cũng đưa ra một tiêu chuẩn là phải theo Chúa ngay từ đầu, phải ở với Chúa và là chứng nhân cho sự phục sinh.
Mỗi người chúng ta cũng hiện hữu không phải một cách vô tình nhưng là trong chương trình yêu thương của Chúa. Chúa mời gọi chúng ta cộng tác với nhau để làm chứng cho Chúa.
Làm chứng cho Chúa tùy theo trách nhiệm, vị trí, môi trường sống của mình, đó là ơn gọi mà mỗi người cần khám phá nhờ ơn Chúa trợ giúp.

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

TIN VUI



Thứ Ba: Truyền tin (Lc 1,26-38)
Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.
Đi từ cuộc sống: Người Việt chúng ta hay dùng kiểu nói “chơi chữ”. Chẳng hạn như “tin tức” thì người ta tách ta thành “tin thấy mà tức”. Mà quả thật, “tin tức” hàng ngày bây giờ đúng là “tin thấy mà tức”. Nào là ngang nhiên chặt tay cướp của giữa phố, “mẹ mìn” hoạt động dễ dàng trong các bệnh viện, tham nhũng, hối lộ cả tiền tỷ nhưng chẳng mấy ai phanh phui, vụ nào không che dấu nổi mới chấp nhận công khai trên báo chí. Hiếm hoi lắm mới có được một Tin Vui chen chân giữa muôn ngàn tin giật gân. Thấy mà xót xa!
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay quả là một Tin Vui cho chúng ta. Đó là tin mà bao thế hệ mong đợi, tin mang lại niềm vui, niềm hy vọng và sự sống cho con người. Đó là tin mà theo các giáo phụ: cả trên trời lẫn dưới đất đều im lặng hồi hộp lắng nghe và chờ đợi lời đáp trả của Mẹ: tin Con Thiên Chúa nhập thể làm người vì chúng ta.
Tận hưởng niềm vui: Chúa đã mang Tin Vui đến cho chúng ta. Chúa cũng sai chúng ta mang Tin Vui đó đến cho muôn người. Trách nhiệm của người Ki-tô hữu không phải là loan báo những tin giật gân hay tin buồn mà là tin mang lại niềm vui và hy vọng. Sự hiện diện của người Ki-tô hữu trong thế giới cũng phải là sự hiện diện mang lại niềm an ủi cho tha nhân để tin tưởng vào một thế giới tốt đẹp hơn.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp ý thức trách nhiệm loan báo Tin Vui qua chính cách sống và sự hiện diện của con.

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

THINH LẶNG GẶP GỠ VÀ THỰC THI Ý CHÚA



Thứ Tư: Lễ thánh Giuse (Mt 1,16.18-21)
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
Đi từ cuộc sống: Tĩnh tâm là thời gian chúng ta tạm xa lánh những ồn ào náo động để bình lặng tâm hồn. Chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa và đủ quyết tâm để thực thi lời Người. Kinh nghiệm cho thấy, ai thường xuyên giữ một khoảng lặng trong tâm hồn, người đó càng sống gần với Chúa hơn.
Lời Chúa soi đường: Hình ảnh thánh Giuse trong Tin Mừng luôn là một người thầm lặng. Người thầm lặng bên cạnh Đức Ma-ri-a; âm thầm bên cạnh Đức Giê-su. Cũng nhờ thầm lặng như thế mà người rất nhạy cảm với thánh ý Thiên Chúa. Một khi đã biết được thánh ý Thiên Chúa, người mau mắn thi hành với trọn niềm tín thác.
Tận hưởng niềm vui: Giây phút thinh lặng là cơ hội để ta gặp gỡ và khám phá ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Đức Giê-su cũng thường xuyên dành những khoảng thời gian thinh lặng để cầu nguyện riêng với Cha trên trời. Chúa dạy các môn đệ hãy lánh riêng ra nơi thanh vắng mà “nghỉ ngơi” đôi chút. Chúa dặn ta hãy vào “phòng kín” mà cầu nguyện để chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi. Giây phút thinh lặng bên Chúa là giây phút tận hưởng niềm vui của sự gặp gỡ. Đó là nguồn gốc và động lực cho mọi hoạt động khác của ta.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp chúng con biết dành thời gian thinh lặng hàng ngày để gặp gỡ Chúa, để tìm kiếm và thực thi thánh ý Ngài.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

THÁNH GIOAN THÁNH GIÁ

Ngày 14 tháng 12

Thánh Gioan Thánh Giá được tôn xưng là nhà thần bí lớn trong Giáo Hội. Khi còn sống, những tư tưởng về đời sống tâm linh đã được đúc kết bằng những khổ đau trong chính cuộc đời mình.
Cha ngài thuộc dòng dõi quí tộc, nhưng bị khai trừ vì cưới một thường dân làm vợ. Ông qua đời lúc ngài vừa sinh được vài tháng nên gia đình phải sống trong cảnh nghèo túng. Tuy vậy Gioan cũng đã được học hành đàng hoàng nhờ vừa đi làm vừa tự học. Đến năm 21 tuổi, ngài gia nhập Dòng Carmêlô.
Dòng Carmêlô ở Tây Ban Nha được ngưởng mộ vì thực hành một đời sống tâm linh sâu sắc, nghiêm túc giữ luật dòng và đời sống cầu nguyện. Nhưng vào thời kỳ của Gioan thì kỷ luật bị buông lỏng và tinh thần đạo đức sa sút. Gioan chịu chức linh mục năm 1567 và được giới thiệu với thánh Têrêxa Avila, đấng đang lãnh đạo phong trào cải tổ sâu rộng dòng Carmêlô.
Cả hai trở nên thân thiết vì có chung một chí hướng. Tinh thần cải tổ rất nguy hiểm trong thời kỳ có Pháp đình Tôn giáo, Cơ quan này sẵn sàng kết án những ai có tư tưởng không theo rập khuôn mẫu tôn giáo đã được ấn định vào thời bây giờ. Thánh Gioan là nạn nhân của anh em trong dòng. Vào năm 1577, thánh Gioan bị bắt cóc đem nhốt vào một phòng giam trong tu viện ở Toledo. Sau chín tháng bị giam cầm, Gioan đã trốn thoát được ra ngoài trong đêm tối.
Sau một thời gian, thánh Gioan được anh em mời trở về dòng nhưng những đau khổ vẫn mãi dồn dập. Gioan vẫn viết lên những lời thơ thần bí để lại cho hậu thế ngưỡng mộ. Gioan chết vào ngày 12 tháng 12 năm 1591 trong cô đơn sau một thời gian bị bệnh lâu dài.
Sự đau khổ đã nung nấu ý chí và tạo nên đời sống tâm linh huyền bí. Tác phẩm lớn là “Đêm tối tăm của linh hồn” được sáng tác với kinh nghiệm lúc bị giam ở Toledo. Gioan tả linh hồn như một người đang yêu trốn ra trong đêm tối đến hẹn hò với Nhân Tình. Đau khổ làm cho linh hồn tinh khiết như cây củi được đốt trong lò sưởi, lửa cháy làm tan nát và thiêu hủy cây củi nhưng tạo được ngọn lửa hồng trong sáng.
 Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Gioan linh mục lòng nhiệt thành yêu mến thánh giá và hoàn toàn từ bỏ chính mình. Xin cho chúng con hằng biết noi gương sáng của người để mai sau được chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển (Lời nguyện nhập lễ thánh Gioan thánh giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh ).
Tóm lược theo Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác


Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

NGÀY 13: KÍNH THÁNH NỮ LUCIA

Ngày 13 tháng 12 là Lễ kính Thánh Nữ Lucia, trinh nữ tử đạo, năm 304. Bạn biết gì về vị Thánh này ? Tại sao gương của Thánh nữ lại quan trọng ? Đây là vài lý do:
Thứ nhất, có biểu tượng về tên của bà. Chữ Lucia có gốc từ tiếng Latin, nghĩa là ánh sáng – “Lux” hoặc “Lucis”. Lucia là vị Thánh của Ánh Sáng trong Mùa Vọng, Mùa Ánh Sáng. Ánh Sáng Mùa Vọng xuất hiện trong thời gian tối tăm trong năm. Với công việc tốt lành, sự trong sạch và tình yêu dành cho người nghèo, Thánh Lucia đã tỏa sáng ánh sáng thật của Sự Sống.
Thứ nhì, Thánh Lucia đối lập với Luxiphe. Luxiphe vốn là thiên thần, là “người mang ánh sáng” nhưng đã rơi vào thung lũng bóng tối. Luxiphe là ánh sáng sai lầm, còn Thánh Lucia phản chiếu ánh sáng thật của Ngôi Lời, Ánh Sáng Đức Kitô trong thế giới tối tăm và trụy lạc. Thánh Phaolô nói rằng các Thánh chiếu sáng như những vì sao trong đêm tối. Luxiphe được gọi là “Sao Mai Sáng” nhưng ánh sáng đó đã trở thành bóng tối khi ánh sáng chói lói của các Thánh chiếu tỏa.
Thứ ba, Thánh Lucia là vị Thánh của Ánh Sáng nhưng bà cũng “bị mất ánh sáng”, tức là bị mù. Tại sao ? Hồi đó, Lucia là cô gái xinh đẹp, có một anh chàng ngoại giáo nói yêu đôi mắt đẹp của Lucia, thế là Thánh nữ móc mắt mình cho người đó vì muốn giữ mình trọn đời đồng trinh vì Nước Trời. Do đó, Thánh Lucia là bổn mạng của những người khiếm thị. Thánh Lucia nhắc nhở chúng ta phải luôn cố gắng bước đi trên “con đường ánh sáng”, nghĩa là Thánh Lucia đã trao ánh sáng cho chúng ta !
Thứ tư, Thánh Lucia từ chối kết hôn với người ngoại giáo. Thời đó, ngoại giáo bị coi là tà giáo. Người ngoại giáo đó có quyền hành, chức tước, địa vị, của cải... Làm vợ người đó thì tương lai tươi sáng và rộng mở, nhưng Thánh Lucia vẫn nhất quyết từ chối. Đó là điều không dễ đối với một cô gái đẹp còn trẻ, vì sự cám dỗ về vật chất rất mạnh mẽ.
Thật xứng đáng để chúng ta yêu mến Thánh Lucia, vì bà đã không chịu thỏa hiệp. Thánh Lucia là một thiếu nữ nhưng sống như một anh hùng, một chiến binh can đảm vì Đức Kitô. Thánh Lucia nhắc chúng ta rằng nếu chúng ta không cương quyết thì chúng ta sẽ không được vào Nước Trời.
Lạy Thánh Nữ Lucia, xin nguyện giúp cầu thay. Amen.
TRẦM THIÊN THU, chuyển ngữ từ Patheos.com


Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

TÍN ĐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI



Dẫn nhập
Nếu như hai tín điều đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và Trọn Đời Đồng Trinh được Giáo hội tuyên xưng từ rất sớm (vào thế kỷ thứ IV), thì hai tín điều Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời mới được Giáo hội tuyên xưng vào thế kỷ XIX và XX. Điều đó không có nghĩa là hai tín điều này mới được mạc khải nhưng vì Giáo hội cần một thời gian suy tư dưới sự soi sáng của Chúa Thánh thần mới có thể hiểu nội dung súc tích của các tín điều này.
Lịch sử hình thành tín điều[1]
Ngay từ thời các giáo phụ, người ta đã ghi nhận sự thánh thiện của đức Maria nhưng không mấy ai đặt vần đề đức Maria thánh thiện (được khỏi tội) từ lúc nào. Thánh Anselmô là người khởi đầu cho những cuộc khảo luận thần học về đức Maria vô nhiễm. Ngài nêu lên vấn nạn: nếu đức Maria được sạch tội ngay từ lúc thụ thai thì hóa ra người không cần đến ơn cứu chuộc hay sao? Và rồi ngài trả lời rằng đức Maria được hoàn toàn cứu chuộc ngay từ trước khi sinh ra. Tuy nhiên không phải tất cả các nhà thần học đều đồng ý với lập luận ấy vì những vấn nạn về ơn cứu chuộc. Gulielmô de Ware và Gioan Scôtô giải quyết vấn nạn bằng cách phân biệt giữa ơn thánh “rào đón” và ơn thánh “chữa trị”. Cả hai đều là hiệu quả ơn cứu chuộc của Đức Kitô nhưng đức Maria được ơn “dự phòng”, nghĩa là người được giữ gìn khỏi tội vì nhắm thấy trước những công nghiệp của đức Kitô. Vào năm 1661, đức Giáo hoàng Alexandrô VII cho rằng đạo lý đã có tính cách phổ quát và cấm nói ngược lại. Vào năm 1849 sau khi tham khảo ý kiến của tất cả các Giám mục hoàn cầu, tín điều đức Mẹ vô nhiễm đã được công bố ngày 8/12/1854.[2]

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

LỜI MỜI GỌI TRUYỀN GIÁO (1Cr 9,16-19.22-23)

Ngày 03: Thánh Phanxicô Xaviê

Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !
Thánh nhân sinh năm 1506 trong một gia đình quyền quý thuộc miền Bắc nước Tây ban Nha ngày nay. Năm 19 tuổi, Ngài đến Paris học. Tại Paris Ngài sống trong cùng một căn phòng với Thánh I Nhã. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của Thánh I Nhã khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi ngài chịu chức linh mục tại Venezia miền Bắc nước Ý (1537). Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III. Những vùng đất đã in đậm dấu chân ngài là Ấn Độ, Malaisia, Inđônêsia và Nhật Bản. Ngài ước mong vào Trung Hoa truyền đạo nhưng không được mãn nguyện bởi ngài đã chết trên đường đến đó vào ngày 03/12/1552. Ngài được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh I Nhã vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. Thánh Phanxicô Xaviê là vị truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời mới. Ngài hòa nhập vào dân mà ngài muốn mang Tin Mừng đến ; ngài sống nghèo với những người lao động. Ngài hoạt động thật năng nổ cho cuộc truyền đạo và kích thích được tinh thần này ở Âu Châu. Hàng nghìn người đã theo gương ngài để mang Tin Mừng đi muôn phương.[1]
Truyền giáo là lời mời gọi dành cho hết mọi tín hữu. Mỗi người đều có thể thực hiện tùy theo địa vị và hoàn cảnh của mình. Ngày nay, Giáo hội đang mời gọi các Ki-tô hữu “tân phúc âm hóa” đời sống, khởi đi từ chính bản thân, gia đình giáo xứ và xã hội. Như vậy, truyền giáo ngày nay không nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải bước chân ra đi đến các vùng xa xôi, việc đó dĩ nhiên vẫn rất cần thiết nhưng chỉ phù hợp cho những ai có đặc sủng riêng biệt. Còn nhiệm vụ thiết thực của mỗi người là truyền giáo ngay nơi mình đang sống, là thánh hóa bản thân và từ đó giúp thánh hóa môi trường xung quanh. Truyền giáo ngày nay là giúp mọi người, kể cả các tín hữu, tái khám phá sự hiện diện sống động của Đức Giê-su trong cuộc đời mình, là làm mới lại Tin Mừng được rao giảng và lắng nghe.
Hơn nữa, chúng ta cũng có thể cộng tác vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội bằng nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là những lời cầu nguyện hàng ngày, cũng có thể là những hy sinh nhỏ bé dâng lên Thiên Chúa để cầu nguyện cho những bước chân truyền giáo. Đó cũng có thể là những đóng góp cụ thể bằng vật chất cho những vùng sâu vùng xa, những nơi đang cần sự nâng đỡ của những tấm lòng bác ái. Những công việc tưởng chừng nhỏ nhặt đó sẽ đem lại những lợi ích lớn lao nếu ta thực hiện với tất cả lòng yêu mến.
Ước gì lệnh truyền của Đức Giê-su (Mc 16,15-20) trước khi về trời cũng như lời bày tỏ của thánh Phaolô luôn vang vọng trong tim mỗi người. Ước gì mỗi tín hữu là một chứng nhân truyền giáo thì gương mặt và giáo lý của Đức Giê-su sẽ nhanh chóng được mọi người nhận biết và áp dụng vào cuộc sống.



[1] Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

SỐNG ĐẠO LÀ HY SINH (Ga 17,11b-19)

Ngày 24/11: Các thánh tử đạo Việt Nam, Năm C

14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Toàn thể Hội thánh hôm nay mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam. Là con dân đất Việt, chúng ta có cảm được dòng máu nóng của các thánh tử đạo đang chảy trong mình? Là hậu duệ của các ngài, lòng chúng ta có hãnh diện và sôi sục một quyết chí dấn thân sống đạo như các ngài? Có bao giờ chúng ta dành thời gian suy gẫm về cuộc đời các ngài để rồi phóng chiếu lên cuộc đời mình? Bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp ta tìm hiểu cuộc đời các ngài dưới ánh sáng Lời Chúa cũng như đưa ra một hướng sống đạo thiết thực cho mỗi người chúng ta hôm nay.