Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Kinh nghiệm

Những ai ưa thích điện ảnh chắc đã xem qua bộ phim slumdog millionaire (triệu phú khu ổ chuột). Bộ phim đã gây một tiếng vang lớn và đã đoạt nhiều giải Oscar. Nhân vật chính của phim là Jamal Malik, một cậu bé 18 tuổi, mồ côi, không được học hành và sống ở khu ổ chuột. Anh đã tham gia chương trình Who wants to be a millionaire? (Ai là triệu phú?) và đã trả lời tất cả các câu hỏi bằng chính những trải nghiệm của chính mình. Những người tổ chức chương trình và cảnh sát đã nghi ngờ anh gian lận nhưng với sự chân thật, anh kể lại cuộc đời của mình và mỗi một biến cố (thường là những biến cố đau thương) đã cho anh một chìa khóa để trả lời một câu hỏi.
Dĩ nhiên đây chỉ là điện ảnh và câu chuyện như một giấc mơ. Trong thực tế, kinh nghiệm không thể giúp ta giải quyết tất cả mọi vấn đề. Tuy nhiên, trong lãnh vực đức tin, kinh nghiệm lại giữ một vai trò rất quan trọng.
Tin mừng tuần Bát nhật Phục sinh nói lên toàn những kinh nghiệm như thế. Mấy người phụ nữ sau khi thấy ngôi mộ trống và nghe thiên thần nói Người đã trổi dậy, thánh sử Luca đã mô tả các bà như sau: vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai vì sợ hãi. (x. Mc 16, 1-8). Chỉ đến khi chính Đức Giêsu hiện ra với các bà thì các bà mới hết sợ. (x. Mt 28, 9-10).
Sau khi có kinh nghiệm thấy Chúa, các bà đi báo tin cho các môn đệ nhưng các ông vẫn không tin, đơn giản bởi các ông chưa có kinh nghiệm thấy Chúa Phục sinh. Thậm chí có hai môn đệ lại dứt khoát bỏ về quê với nỗi thất vọng chứ không chịu tin vào lời mấy người phụ nữ. (x. Lc 14, 23-24). Kinh nghiệm gặp gỡ của người khác chẳng ăn thua gì với chính bản thân mình. Chỉ khi chính bản thân “ngộ” ra Chúa hai ông mới được biến đổi thực sự.

Chính các tông đồ cũng không thoát khỏi tình trạng này. Tin tức Đức Giêsu sống lại liên hồi được báo về nhưng lòng các ông vẫn hoang mang. Thậm chí có người còn cứng tin đến độ đòi xỏ ngón tay vào lỗ đinh trên thân thể Chúa. Đến khi chính Đức Giêsu đứng giữa các ông thì các ông thực sự xác tín.
Thế mới thấy, đời sống đức tin của chúng ta rất chênh vênh. Đôi lúc chúng ta mong được “thấy” một điều gì đó nhưng Đức Giêsu thì bảo “phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).
Thời các tông đồ, Tin mừng Phục sinh được loan báo từ chính những người tận mắt thấy Chúa Phục sinh thế nhưng tin mừng đó cũng chỉ được đón nhận cách hời hợt, nếu không có những lần hiện ra thì không biết Tin mừng đó có “sống” nổi không ?
Con người ngày nay càng sống cách xa các ngài, thời đại hôm nay cũng khác xa thời đại các ngài, vì thế Tin mừng Phục sinh xem ra có vẻ viển vông! Thế giá của Tin mừng, truyền thống của Giáo hội, chứng nhân của bao vị thánh có đủ thay thế cho một cái “thấy” hay không?
Với tôi, tôi tin tương vào ơn tác động của Chúa Thánh Thần. Tôi không được phúc “thấy” bằng con mắt xác thịt nhưng tôi “cảm” được nhờ kinh nghiệm cuộc sống. Kinh nghiệm không giải quyết hết các vấn nạn nhưng ít ra nó giúp tôi trả lời những câu hỏi cơ bản của đức tin. Phải chăng đó chính là cái ‘thấy” của con mắt đức tin nhờ tác động của Thần Khí.
Loan báo Tin mừng hôm nay có lẻ cũng như ngày xưa, chúng ta không chỉ dừng lại ở kiến thức hay kinh nghiệm của chính mình nhưng quan trọng là chúng ta chuẩn bị để nhờ ơn Chúa họ sẳn sàng đón nhận những kinh nghiệm đức tin của chính mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét