Hiển thị các bài đăng có nhãn Tản mạn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tản mạn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

NĂM TUẤT, TẢN MẠN VỀ LOÀI CHÓ


Thú thật mình không thích chó lắm, nhưng năm con chó mình cũng có vài suy tư vụn vặt về loài chó.
Mình không thích chó. Mình ở nhà thờ là nơi đông người lui tới nên không nuôi chó. Nhưng vì là “nhà chung” nên chó hàng xóm hay “viếng thăm” nhà mình. Lý do đơn giản là vào kiếm đồ ăn thừa.
Mình chẳng “keo kiệt” gì chút đồ ăn thừa đó nhưng chủ trương cho heo hoặc gà chứ không cho chó vì nó hay vào tận nơi, bới tung thùng rác làm bẩn cả nhà. Sáng sáng, mình chủ trương ngồi làm việc ngay sân nhà để tiện tiếp chuyện bà con đi lấy nước sạch uống, tranh thủ hỏi vài câu cho vui trước khi bà con kéo nhau lên rẫy. Thế nhưng nhiều bữa phải ngồi đuổi chó nhiều hơn là tiếp chuyện bà con. Cũng nhờ vậy mà mình “ngộ” ra nhiều điều cũng hay.
Thứ nhất mình chỉ cần phất tay, trừng nó một cái là nó dừng lại và êm đềm rút lui ngay. Nó biết ý mình. Nó biết mình không thích nên không dám “manh động” xông vào. Nó biết mình không tiếp nên nhanh chóng rút lui. Rút lui trong “hòa bình”. Không dám làm mặt lạnh với mình.
Thứ hai nó kiên nhẫn. Mặt dù nhanh chóng rút lui nhưng chỉ khoảng 5 phút sau là nó trở lại, chắc chắn với mục đích cũ. Thấy mình trừng mắt phất tay, nó lại rút lui. Và chẳng bao lâu sau nó lại trở lại.
Từ hôm đầu mùa chay, cũng là từ đầu năm con chó tới giờ, mình cũng cố gắng đi thăm viếng bà con, nhất là chủ trương vào nhà những người vừa có thành viên rất nhiệt tình tham gia việc giáo xứ nhưng cũng có thành viên bỏ đạo lâu năm. Mình đến, họ không dám đuổi nhưng vui vẻ đón tiếp đàng hoàng. Sau một hồi nói chuyện, ai cũng bắt tay hứa sẽ đi xưng tội trở lại. Có người đi thật. Có người đi được một lần rồi “tạm nghỉ”, chờ đến Phục Sinh đi tiếp. Có người bắt tay miễn cưỡng rồi sau đó lại không thấy đâu.
Mình chưa đi hết một vòng nhưng chợt nghĩ, chỉ đến một lần chưa ăn thua. Nhờ người khác đi thay cũng chẳng ăn thua vì tâm lý chung là bỏ lâu ngày rồi nên rất sợ “ông cha”. Do vậy ông cha đến một lần có lẽ cũng chưa đủ phá tan sự sợ hãi vô cớ đó.
Chợt nghĩ mình phải bắt chước con chó. Kiên nhẫn đến nhiều lần để đạt được mục đích. Lỡ có ai trừng mắt, phất tay thì cũng chỉ êm đềm rút lui để rồi lại đến vào một dịp khác nữa. Ôi suy nghĩ thì thấy dễ thế nhưng không biết mình có làm được không?

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

HÃY DÙNG CHI THỂ ĐỂ PHỤC VỤ THIÊN CHÚA


Anh em đừng dùng chi thể anh em để làm điều bất chính, phục vụ cho tội, trái lại… anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, hãy dùng chi thể để làm điều công chính và phục vụ Thiên Chúa (Rm 6,13)

Lạy Chúa,
xin cho con biết dùng miệng lưỡi để nói về Chúa thay vì chỉ để nói những chuyện vô bổ tầm phào;
nói những lời an ủi thay vì trách móc hờn giận;
nói những lời thứ tha thay vì thù hận; nói những lời hòa giải thay vì chia rẻ.

Xin cho con biết dùng con mắt để nhận ra những ân ban của Ngài;
để nhìn thấy những khổ đau của anh chị em;
những bất công của cuộc sống;
những cuộc đời lầm lỗi đáng thương;
những biến đổi vô thường của cõi tạm.

Xin cho con biết dùng đôi tay để mở ra với đồng loại;
để nâng đỡ những người cùng khổ;
để sẻ chia với cảnh đời đói nghèo;
để nối kết những tâm hồn nguội lạnh;
để vỗ về những tâm hồn cô đơn.

Xin cho con đôi chân dám ra đi để đến với mọi người;
luôn vững chãi để đứng vững trước những cám dỗ;
luôn can đảm để tiến bước về phía trước;
luôn linh hoạt để dừng lại trước những cảnh đời đáng thương.
Xin cho con một trí óc sáng suốt để nhận ra chân lý;
luôn minh mẫn để phân biệt đúng sai;
luôn tỉnh táo để làm lợi cho Chúa;
luôn sáng tạo để mang lại niềm vui cho anh chị em.

Xin cho con một con tim luôn cảm nhận được tình yêu Chúa;
luôn đồng cảm với anh chị em;
luôn thương cảm với những cảnh cùng khổ
và biết động lòng thương với hết cả mọi người. Amen.



Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Giàu – nghèo


-          Cha ơi, cha có nhiều bạn không?
-          Ờ, cũng tương đối nhiều
-          Thế bạn của cha có giàu không?
-          Cái này thì… hình như đa số là nghèo
Sau câu trả lời của tôi là một khoảng trống thinh lặng. Em thinh lặng có lẽ thất vọng về điều gì đó! Còn tôi thinh lặng vì nhờ câu hỏi của em mà tôi cũng chợt giật mình tự hỏi: ừ, sao bạn của mình toàn là nghèo và bình thường không vậy?
Để đánh tan cái thinh lặng không mấy dễ chịu đó, tôi hỏi Em:
-          Mà con hỏi để làm gì?
Với chút ngập ngừng, Em rụt rè:
-          Con tưởng nếu có ai giàu, thì con nhờ cha xin họ tài trợ cho các em một bộ váy đồng phục để múa. Giáo xứ mình hay múa mà các em không có bộ đồ nào cả.
Có chút thất vọng trong câu nói của em. Mình cũng hơi buồn vì có phần là “nguyên nhân” gây nên cái thất vọng đó. Thế nhưng ngay lập tức, mình nghĩ đến những chuyện khác xa xôi hơn muốn chia sẻ với Em.
1. Quả thật ông bà ta có nói “chọn bạn mà chơi”. Nhưng chọn ở đây là chọn tâm tính chứ không phải chọn giàu nghèo. Bạn bè cốt ở chỗ hiểu nhau, ở bên nhau khi khó khăn và cảm thấy vui khi có nhau. Vây nên, thà bạn nghèo mà có được cái “cốt lõi” của tình bạn còn hơn giàu mà chỉ hời hợt bên ngoài.
2. Em cần bộ đồng phục để múa. Ước mơ chính đáng. Em biết nghĩ đến cái chung, nghĩ đến các em. Nhưng đừng biến ước mơ đó thành cái mình phải “lo lắng”. Hãy giữ ước mơ đó trong lòng. Một lúc nào đó thuận tiện, ước mơ sẽ biến thành hiện thực theo nhiều cách thức riêng của nó. Còn nếu suốt ngày Em nghĩ về ước mơ đó, coi chừng, nó không còn là ước mơ, nhưng là cái để em lệ thuộc và trở thành nô lệ. Nhất là khi Em không làm chủ được ước mơ của mình mà tìm sự trợ giúp nơi người khác.
3. Trước hết hãy tự giúp mình và đừng lệ thuộc vào người khác. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề trong khả năng của mình. Đừng trả giá cho ước mơ bằng cách lệ thuộc vào người khác. Cũng đừng nghĩ nhiều đến chuyện giàu nghèo nhưng hãy tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống. Có những niềm vui mà tiền bạc không thể mua được. Đừng mặc cảm vì mình nghèo nhưng hãy mặc cảm vì chưa rộng lượng với anh chị em. Đừng mơ ước trở nên giàu có nhưng hãy mơ ước nhiều người tìm đến với mình để có niềm vui và sự bình an.
4. Đừng chủ động làm quen, kết bạn với những người giàu có vì nghĩ rằng họ sẽ giúp mình nhiều. Hãy để mọi sự đến cách tự nhiên. Cuộc đời đủ rộng lượng để gửi đến cho ta những người thật sự muốn cho đi mà không cần đáp trả. Chính Chúa sẽ gửi họ đến và cũng chính Ngài sẽ đáp trả thay cho ta.

Hãy sống với tất cả nhiệt tâm và lòng tín thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa! Người sẽ không để ta mồ côi đâu (x. Ga 14,18).

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

HẬU PHỤC SINH


Còn hơn một tiếng nữa mới bắt đầu nghi thức Thứ Bảy Tuần Thánh, mình tranh thủ đi dạo một vòng trong làng. Từ xa đã thấy hai người đàn ông đang ngồi ngay trước cổng đường vào nhà thờ. Mình tiến lại bắt chuyện:
-         Hai anh ăn cơm chưa mà ngồi đây?
-         ồ, nhà có cái gì ăn đâu! Nhà nghèo lắm! lâu lâu có tí rau thôi chứ đâu có gì đâu!
Người đàn ông có vẻ lớn tuổi hơn trả lời. Giọng rụt rè.
Người còn lại điệu đứa con nhỏ, thậm chí chẳng thèm nhìn mình. Tay cầm hộp xôi – có lẽ mua ở đâu đó.
-         ồ, có xôi ăn là ngon rồi!
Đang tính kéo dài thêm câu chuyện thì đứa bé con chú Giáo phu gọi to,
-         cha ơi, về ăn cơm.
-         ừ, cha về ngay.
Mình đành chào hai ông để về thì cả hai đều mở to mắt nhìn mình.
- Cha hả, vậy mà cứ tưởng là công an
- Tưởng công an! Vậy hai hôm nay các ông không đi lễ à?
Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ mình cũng phải về ngay, phần để nhà chú Giáo phu khỏi phải đợi, phần để tránh cho hai ông khỏi ngại.
Thế nhưng mình cũng cứ thắc mắc trong lòng, ngay trước đường vào cổng nhà thờ mà sao không nhận ra mình, khi mà mình đã ở đây hai ngày rồi!
Mình đem thắc mắc nói với chú Giáo phu thì được biết hai người đó trước đây cũng là người công giáo, sau theo lời xúi giục đi theo lạc giáo hmon. Bây giờ về làng nhưng mặc cảm, chưa hòa nhập được với dân làng.
Trong làng hiện còn khoảng 20 gia đình trong tình trạng như thế. ngay cả mẹ và chị chú Giáo phu cũng thuộc dạng này. Họ sống mặc cảm, cô lập. Con cái họ cũng thế, không học hành, đời sống khó khăn thiếu thốn vả về vật chất (vì trước đây họ cha rằng sắp tận thế - thời điểm năm 2000 – nên bỏ bê không lo làm ăn, kéo theo ảnh hưởng lâu dài) lẫn tinh thần, nhất là đời sống đức tin.
Nghe câu chuyện mà lòng thấy xót xa. Nghi thức Phục sinh sau đó diễn tiến tốt đẹp nhưng lòng mình vẫn không thấy thoải mái lắm. Nghe nói đêm nghi thức vài người trong nhóm họ cũng đi tham dự nhưng chỉ đừng ở đàng xa. Mình biết, Đấng Phục sinh sẽ không bỏ rơi họ nhưng làm thế nào để họ nhận ra điều đó.
Lúc chia tay bà còn, mình có nói gần nói xa với bà con như một lời nhắn nhủ. Hy vọng bà con sẽ là ánh lửa tiếp nối ánh lửa Phục sinh để sưởi ấm tâm hồn những anh chị em chưa hiệp nhất trọn vẹn với chúng ta.
Chia tay bà con mà lòng còn vẫn còn chút gì đó chưa trọn!


Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017

LÁ…


Nay non mơn mởn… mai sẽ già, sẽ vàng, sẽ héo, sẽ rụng, sẽ mục nát!
Cầm nhành lá trên tay… ta được nhắc nhở về sự đổi thay của con người.
Tiếng hò reo tung hô Vua Giêsu … rồi sẽ chuyển thành tiếng gào thét kết án một “Tử tội”!
Môi miệng cùng ăn chung một tấm bánh, uống chung một chén rượu … sẽ được dùng để chuyển trao một nụ hôn phản hội!
Môi miệng hào hứng thề sống chết … sẽ nhút nhát nói lời chối từ!
Những bước chân từng hăm hở theo Thầy… giờ đây co giò chạy tán loạn!
Lá là thế…tạm bợ biết bao, mỏng dòn biết mấy!
Nhưng…
Nguồn sức sống vẫn luôn luân chuyển trong thân, chẳng thay đổi bao giờ.
Con người bất trung… nhưng Chúa hằng trung tín.
Con người đổi thay vì sợ hãi… nhưng Thiên Chúa bất biến vì yêu thương.
Xin tình yêu của Chúa lấp đầy những sợ hãi trong con … để con luôn trung tín đáp trả lời mời gọi yêu thương của Ngài.




Thỉnh thoảng…


Thỉnh thoảng thức khuya để cảm thông với những người không thể ngủ dù rất muốn.
Thỉnh thoảng nhịn ăn để biết cái đói cồn cào của những người không có gì bỏ miệng.
Thỉnh thoảng đi dưới trời mưa để biết cái ướt át của những căn nhà dột nát.
Thỉnh thoảng đi đường xa trong tiết trời giá lạnh để hiểu cái rét của những người phải thức khuya dậy sớm hàng ngày để mưu sinh.
Thỉnh thoảng đi xa để biết cảm giác của những người nhớ nhà.
Thỉnh thoảng nhìn bữa ăn của những người nghèo để thấy cái sung túc của chính bản thân.
Thỉnh thoảng bỏ đi những cái lâu ngày không dùng để thấy nhiều người đang rất cần nó.
Thỉnh thoảng ngồi trò chuyện lâu giờ với một người để nhận ra những khắc khoải bên trong tâm hồn họ.
Thỉnh thoảng ngồi nhắm mắt để tâm trí được mở ra.
Thỉnh thoảng “dừng chân” để thưởng thức giá trị cuộc sống.
Thỉnh thoảng… có những phút thỉnh thoảng như trên sẽ thấy yêu cuộc sống hơn!
P/s: Thỉnh thoảng rãnh rỗi ngồi suy tư tí gọi là…



Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

KHÔNG ĐỀ





Đâu cần điện ngọc cao sang

Đâu cần đá quý bệ vàng nâng chân

Chỉ là mang một tấm thân

Cùng người khốn khó, song hành nhân gian

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

HÃY CHỌN MỘT NIỀM VUI



Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn thế! Một niềm vui nho nhỏ nhưng cũng đủ sức để xua tan đi những vất vả, lao nhọc trong suốt cả ngày. Còn gì vui hơn khi khởi đầu ngày mới bằng một niềm vui nho nhỏ. Nó là “thức ăn sáng” bổ dưỡng tuyệt vời, nhất là cho những ai ngày ngày đối diện với hàng đống công việc, dù là việc không tên.
Nỗi buồn thường tự tìm đến mà không cần hỏi ý kiến ta nhưng niềm vui thì ta có thể tự tạo cho mình. Một niềm vui dù nhỏ đến đâu, nhưng nếu cảm nhận với tất cả tấm lòng, ta cũng sẽ thấy nó rất có giá trị. Những niềm vui như thế không hề thiếu vắng nơi vùng truyền giáo này.
Với tôi, niềm vui nho nhoi đó là sáng sáng nhìn các em cắp cặp đến nhà thờ, trên tay cầm que củi để “đổi” lấy gói xôi hay ổ bánh mì trước khi đi tiếp đến trường học.
Với người thành thị, cầm 20 ngàn trong tay cũng phải phân vân xem ăn gì cho thích hợp, nhưng với các em ở đây, chỉ cần “khẩu phần” 2 ngàn đồng thôi cũng đủ. 2 ngàn chẳng đáng là bao, nhưng nhìn từng bước chân trần hân hoan của các em mẫu giáo, lớp 1 chạy đến “đổi” phần ăn sáng, tôi cũng cảm thấy ấm lòng. 2 ngàn chẳng đáng là bao, thế mà thỉnh thoảng vẫn nghe các thầy cô kể lại có em này, em kia, ngất trong lớp học vì đói và lạnh.
Thế đấy, với nhiều người, cầm 2 ngàn trong tay chẳng biết để làm gì; nhưng cũng với rất nhiều người, 2 ngàn đó có thể sưởi ấm được bao cõi lòng và nuôi dưỡng bao mơ ước.

Vậy bạn có muốn chọn cho mình một niềm vui? Dù nho nhoi, nhưng chắc chắn đó là cách khởi đầu một ngày mới rất tốt, đặc biệt là khi bạn biết phó dâng niềm vui đó trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa!

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

LÊNH ĐÊNH CON CHỮ

Lênh đênh tìm con chữ
Thực tình mà nói, tìm con chữ vẫn là niềm vui của đa số các em nhưng hành trình của nó sao mà lênh đênh quá. Cũng giống như bao trẻ em người Kinh khác, được mặc trên người bộ quần áo đẹp, khoác trên vai chiếc cặp xinh xinh là niềm hãnh diện của nhiều em nhỏ Barnah. Thế nhưng khi đến trường, ngoài những trở ngại như bao em khác thì các em ở đây còn chịu một thiệt thòi rất lớn, đó là vấn đề ngôn ngữ. Nếu may mắn gặp một cô giáo Barnah, các em sẽ cảm được một sự gần gũi thân một rất tự nhiên, nhưng nếu gặp một cô giáo ngươi Kinh, các em sẽ thấy một khoảng cách vô hình, dù cho các cô đã cố xóa đi khoảng cách vô hình đó.
Đã vậy, hành trình đến với môn toán và môn văn lại càng cam go hơn. Môn toán đòi hỏi một tư duy trừu tượng, một lối tư duy vốn không phổ biến nơi người Barnah, một sắc tộc thích lối tư duy cụ thể, chi tiết. Ở một thái cực khác, môn văn đòi hỏi một sự gắn bó mang tính văn hóa và truyền thống, đòi hỏi sự cảm nhận của cái đẹp về ngôn ngữ. Thế mà đối với các em, tiếng Việt khác nào là một ngoại ngữ.
Nếu nói các em Barnah lười học thì có lẽ không chính xác, bởi ngay từ bé, hầu như các em đều thích thú với con chữ, có chăng là hành trình đến với con chữ của các em qua lênh đênh. Các em phải đối diện với các trở ngại quá sớm. Nếu là người đã đầy đủ ý thức, họ sẽ cố gắng vượt qua những trở ngại để đạt đến mục đích. Đàng này các em còn trong tuổi ăn, tuổi chơi. Khi gặp trở ngại, nếu không có sự động viên, can thiệp đúng lúc, các em sẽ rất dễ bỏ cuộc để trở về với cuộc sống “an nhiên” của mình.
Hành trình đến với con chữ của các em vốn lênh đênh, nên các em cần lắm những tấm lòng quảng đại của những người đi truyền cái chữ. Tuy thế, hành trình truyền cái chữ cũng lênh đênh không kém!
Lênh đênh truyền con chữ
Có thể nói, kiếm được một “chỗ đứng” trong ngành sư phạm hiện nay là điều khó, thường tốn kém không ít. Vì thế, thầy cô nào cũng háo hức hơn nếu được tiếp nhận một lớp người kinh, may ra sau vài năm sẽ gỡ “lại vốn”. Còn nếu nhận được một lớp các em người địa phương thì… chỉ còn biết trông cậy vào cái tâm lớn của nhà giáo dục mà thôi.
Rất may, đa phần các thầy cô mà tôi có dịp tiếp xúc trong thời gian qua vẫn còn cái tâm rất lớn. Xin phép thay mặt các em, cám ơn các thầy cô! Thế nhưng, cái tâm của các thầy cô cũng phải được thanh luyện qua nhiều thử thách.
Cảm hứng sư phạm và rào cản ngôn ngữ: kiến thức chuyên môn và sư phạm cũng cần có môi trường thuận lợi để tiếp thêm động lực và cảm hứng truyền đạt. Thế nhưng khác biệt ngôn ngữ một lần nữa lại là rào cản khó khăn. Làm sao giải thích cho các em hiểu ý niệm “căn bậc hai”, “lũy thừa”, v.v.. chỉ có cách là học vẹt, ngay cả bảng cửu chương cũng thế. Mà vì học vẹt nên sau một kỳ nghĩ thì mọi sự lại phải “khởi động” từ đầu. Thử tưởng tượng ta phải học bảng cửu chương bằng tiếng Anh thì sẽ hiểu được khó khăn của các em và nỗi khổ của giáo viên.
Đó là chưa kể đến rào cản sắc tộc. Các cô người Kinh muốn gần gũi để hiểu và cảm thông với các em cũng như để được các em tín nhiệm đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Mà một năm học thì sẽ thoáng qua với biết bao là công việc!
Thêm nữa, trong khi phụ huynh người Kinh lo lắng việc học cho con em mình nhiều khi quá đáng thì trái lại, phụ huynh người bản địa thường bỏ ngỏ điều này. Số người biết lo cho con học trường này, lớp nọ, cô kia là rất hiếm. Nếu gặp bố mẹ mà hỏi tại sao con không đi học nữa thì câu trả lời đơn giản sẽ là “hi kuă - nó không muốn”. Nó không muốn thì bố mẹ cũng chịu, không biết làm gì hơn dù con chỉ mới học cấp 1.
Các em học tự lực là chính, anh chị nào khá hơn thì còn biết chỉ cho em học chứ bố mẹ thì chịu. Các em cũng học với tinh thần rất vô tư. Xong học ở lớp là về vất sách vở và chơi. Chẳng mấy khi xem bài vở thêm ở nhà. Có vẻ như nhà trường cũng thất bại trong việc này nên chẳng mấy trường cho các em bài tập làm ở nhà. Nói chung, sự nghiệp truyền cái chữ vẫn còn lắm lênh đênh!
Lênh đênh dùng con chữ
Biểu đồ học sinh ở các xứ người địa phương sẽ là một hình kim tự tháp nhọn hoắt, bởi số lượng các em trụ lại đến cấp 3 và sau phổ thông là rất hiếm. Các bạn này thật đáng trân trọng và khuyến khích! Thế nhưng số phận lênh đênh của con chữ vẫn chưa dừng lại. Với cái chữ mà các em và gia đình đã tốn bao nhiêu công sức và tiền của, làm sao các em có thể dùng nó để nuôi sống bản thân và gia đình?
Quả là vấn nạn nhức nhối và ray rứt cho những ai quan tâm đến giáo dục! Điều này chắc cũng không cần phải nói nhiều vì nó đã là quốc nạn! Một năm bao nhiêu sinh viên ra trường? Bao nhiêu em có được việc làm đúng ngành nghề? Làm thế nào để xin việc đúng nghành nghề mà không phải mất tiền?
Vấn nạn quá lớn, xin nhường lại cho những nhà hữu trách. Ở đây xin nêu lên một băn khoăn: Nếu không dùng được thì học cho lắm cái chữ để làm gì? Có người nói, những người có học hay học nhiều thì cách cư xử, lối sống cũng sẽ khác hơn. Thế nhưng cũng có một thực tế là những làng càng gần thành phố, càng học nhiều, lại càng nhiễu nhiều tính xấu như đua đòi, trộm cắp, gia dối, v.v.. trong khi những làng càng ở xa lại càng giữ được truyền thống văn hóa, tính chân thành, đơn sơ!

Dĩ nhiên ta không phủ nhận lợi ích của cái chữ mang lại nhưng vấn đề là làm thế nào để phát huy nó, để nó thực sự hữu ích mà không phải trả một cái giá quá đắt. Song song với việc nâng cao trình độ văn hóa, ta cần làm thêm điều gì nữa? Làm thế nào để văn minh, văn hóa và nhân văn song hành cùng nhau? Đó có lẽ là vấn nạn đang đặt ra cho anh chị em Đaminh chúng ta, những người đã chọn lựa mảnh đất Tây nguyên này làm nơi dấn thân loan báo Tin Mừng sự sống. 

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

KHÔNG CÓ CHI!

 “Bĭ ‘dei kiơ! - Không có chi!” nhưng câu nói đó cứ mãi ám ảnh tôi. Lời nói thốt ra với vẻ mặt ngại ngùng. Tôi biết, họ ngại ngùng vì thầy vào nhà mà không có chi để tiếp! Họ cũng may mắn làm được căn nhà khang trang để ở, điều vẫn còn là mong ước của nhiều người, nhưng họ vẫn ý thức rằng, ngoài căn nhà ra thì “bĭ ‘dei kiơ!”
Tôi cũng ái ngại cho họ thật, nhưng ái ngại thì ít mà xót xa thì nhiều. Xót xa bởi trước đó tôi đã kịp liếc qua mâm cơm còn dang dở. Nói mâm cơm cho sang chứ thực ra chỉ có nồi cơm, chén muối ớt và ít rau luộc.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện của một cha già. Trong một lần ghé thăm nhà dân, ngài vào thăm nhà bếp. Khi cúi xuống mở nắp một chiếc nồi, ngài giật mình khi vỏn vẹn trong đó là 2 con chuột. Cùng lúc cúi xuống đó, ngài kịp nhìn thấy gói thuốc lá trong túi áo. Thế là theo sự thôi thúc của con tim, ngài quyết tâm từ bỏ thuốc là kể từ lúc đó.
“Không có chi”, trong nhiều trường hợp là lời từ chối khéo một lời khen nào đó, nhưng trong trường hợp này thì nghe thật nao lòng.
“Không có chi” cũng cho thấy một sự bất công về phát triển xã hội: có những người chẳng thấy làm chi mà cái chi cũng có, ngược lại, có những người việc chi cũng không từ nhưng trong nhà thì chẳng có cái chi.
Tôi chợt nhớ đến lời của thánh Phaolô: bị coi là vô danh tiểu tốt nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả. (x. 2Cr 6,8-10). Có thể xem là tự an ủi nhưng kỳ thực, tôi thấy nơi họ có rất nhiều thứ, những thứ mà Thiên Chúa đã ban cho họ, không ai có thể lấy mất hay thay đổi được.


Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

NUỐI TIẾC (KỲ 1)



Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ, chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người” (Tv 68,6).

Ấn tượng với dáng ngồi tư lự, ánh mắt xa xăm, tôi lại ngồi bên em hỏi chuyện.
-          Em ngồi đây làm gì?
-          Dạ, con bán vé số. Vừa nói em vừa lấy sấp vé số trong túi áo ra.
-          Sao con không đi bán mà ngồi đây?
-          Con ngồi đây bán cho những người tới đọc kinh.
-          Con có đi học không?
-          Dạ con học buổi tối
-          Lớp mấy rồi?
-          Dạ, lớp sáu.
-          Thế con đi bán cả ngày à?
-          Dạ không, con đi bán buổi sáng, sau đó về đưa cho nội bán tiếp, con ở nhà học bài.
-          Nhà con có đông người không?
-          Nhà con có 7 người, con ở với nội và gia đình chú.
-          Thế bố mẹ con đâu?
-          Bố con mất rồi, mẹ con đã bỏ đi
Nghe giọng Em trầm buồn, tôi không dám hỏi nữa. Sợ đào sâu vào ký ức em không đúng lúc. Cầm xấp vé số trên tay, tôi định bụng sẽ mua “ủng hộ” em vài tấm. Bỗng điện thoại reo, Tôi đang có cuộc hẹn quan trọng. Thế là vội vàng đưa sấp vé số cho thằng bé, tôi định bụng lát quay lại sẽ mua. Thế nhưng khoảng 15 phút sau tôi quay lại thì chỉ thấy chiếc ghế trống. Thằng bé đã mất hút giữa dòng người xuôi ngược. Tôi nhìn quanh hối tiếc và quyết định sẽ tìm gặp lại em. (còn tiếp)

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

XIN THAY ĐỔI VỢ TÔI !

Chuyện thời sự: Sau một trận cãi nhau, anh chồng nhắn tin cho tôi nhờ cầu nguyện. Thế nhưng nội dung tin nhắn của anh là: “Xin thầy cầu nguyện cho vợ tôi thay đổi tính nết, trở nên hiền dịu hơn, quãng đại hơn, biết yêu thương phục vụ hơn.”
Tôi không biết nội dung cuộc cải vả là gì. Tôi cũng không biết ai đúng ai sai. Thế nên tôi không vui lắm với lời đề nghị của anh. Tôi trả lời rằng sẽ cầu nguyện cho cả gia đình anh, nhất là trong năm Tân Phúc Âm hóa gia đình này. Vậy mà anh vẫn cố đề nghị: xin hãy cầu nguyện cho vợ tôi thay đổi!
Chút cảm nghĩ: Để xây dựng bầu khí gia đình, nhất là sau những đổ vỡ, cần phải có sự thay đổi của cả hai. Nếu mình chỉ muốn “người kia” thay đổi mà thôi thì cũng đồng nghĩa với khẳng định: tôi luôn đúng còn “người kia” luôn sai. Với suy nghĩ và thái độ như vậy thì thật khó thay đổi tình hình.
Để đời sống hôn nhân gia đình hạnh phúc, cả hai nên thường xuyên xét lại thái độ của mình, nhất là trong việc đón nhận nhau. Khi đến với nhau, họ đã thề hứa sẽ đón nhận nhau với tất cả sự khác biệt và yếu đuối. Vậy nên, dù cho trong một tình huống nào đó, có thể là do lỗi của chỉ một người, thì người còn lại cũng cần xét lại thái độ đón nhận của mình.
Sự khác biệt và yếu đuối của người này là “món quà” Chúa gửi đến cho người kia. Sống Tin Mừng không phải là lý tưởng gì cao xa, đó là lời mời gọi đón nhận nhau như một chứng tá. “Người kia” sẽ thay đổi nếu “người này” đón nhận họ với tất cả yêu thương. Vì thế, bất chấp lời đề nghị của anh, tôi vẫn thầm cầu nguyện cho hai người!

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Sinh ký tử quy

Với người Việt, chết chưa phải là hết. Chết là rời bỏ cõi tạm để trở về với cội nguồn: lá rụng về cội. Chết là từ giã cõi đời này để “ra đi”, tiến vào một cõi khác: qua đời. Sống chỉ là một cuộc “rong chơi” vắn vỏi, tạm bợ để rồi chết là trở về “nhà”: sinh ký tử quy.
Tâm thức của người Việt thật gần gũi với quan niệm về con người và sự chết của Hội thánh Công giáo. Con người là một tổng thể xác hồn. Xác từ đất mà đến và sẽ trở về với đất; hồn do Chúa mà có và sẽ trở về với Ngài. Do vậy, sống trong cõi đời này không đơn thuần là một cuộc “rong chơi” cho “thỏa chí tang bồng”, hay chỉ để cảm nghiệm và hòa mình vào vũ trụ vạn vật như một giấc mộng vô ưu. Người tín hữu “rong chơi” dưới sự dẫn dắt của ơn thánh để cùng nhau bước qua cõi tạm tiến vào cõi phúc vĩnh hằng, cội nguồn đích thực. Hơn nữa, trở về với cõi sống không những chỉ có linh hồn mà thôi nhưng là con người trọn vẹn xác hồn, với tất cả sự hoàn hảo của nó. Đó chính là ý nghĩa, là mục đích và là niềm hy vọng của chúng ta.

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Giàu có để làm gì?

Nếu hỏi mọi người có muốn giàu có không thì có lẽ ai cũng sẽ trả lời là có. Thế nhưng nếu hỏi tiếp giàu để làm gì thì có lẽ sẽ có vô vàn câu trả lời khác nhau.
Gần đây, dư luận hay bàn tán xôn xao về các đại gia Việt Nam: Nào là mua xe khủng, đám cưới tổ chức vài chục tỷ, nào là ăn chơi sành điệu, sống đúng phong cách, đẳng cấp. Trong khi đó, ở một thái cực khác, nhiều người, nhiều gia đình suốt đời chỉ ao ước có một “ngôi nhà mơ ước” mà cũng không có. Đó phải chăng là nghịch lý mà đồng tiền mang lại: kẻ ăn không hết, người làm không ra.
Đến đây tôi lại nhớ đến Quách Tĩnh, một nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung. Quách Tĩnh được mọi người biết đến như là “chàng khờ”. Thế nhưng Kim Dung lại khéo léo “sắp xếp” để cho “chàng khờ” này có một cuộc tranh luận với Thành Cát Tư Hãn về đề tài Anh Hùng. Thành Cát Tư Hãn hãnh diện cho mình là Anh hùng vì đã đánh Tây dẹp Bắc, thâu tóm đất khắp cả thiên hạ. Quách Tĩnh chỉ cần một câu hỏi đã làm đảo ngược tình thế! Chàng hỏi: “thế khi chết người ta cần bao nhiêu đất?” Thành Cát Tư Hãn bất ngờ trước câu hỏi này và càng khó chịu hơn với cách lý luận “đơn sơ” của Quách Tĩnh : nếu khi chết họ chỉ cần một thước đất để nằm thì việc gì khi sống phải chiếm cho được nhiều đất, để rồi gây ra bao cảnh tang thương. Dù có chút cay đắng, nhưng trước cách lý luận của “chàng khờ”, Thành Cát Tư Hãn đành phải “cất” đi niềm kiêu hãnh của mình.

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Xuân xa nhà

Xuân xa nhà, lòng tôi cảm thấy bùi ngùi nhung nhớ. Tôi tự hỏi đâu là ý nghĩa xuân này ? 

Cuối năm, bao bạn trẻ đang tất bật với công việc. Quê hương vẫn mờ tít. Vẫn biết mẹ già, em thơ đang mòn mỏi mong chờ nhưng biết sao được. Đường xá, tiền bạc … là những bức tường ngăn cách vô hình. 

Xuân đến, nhiều bạn trẻ nghẹn ngào ứa lệ. Đành hẹn xuân sau ! Nhìn lại chính mình tôi thấy ấm lòng. Dù xa nhà nhưng tôi vẫn sống trong mùa xuân của lý tưởng và hiệp thông.        

Trăng và Lời

Soẹt. Điện cúp. Tôi được dịp thả lỏng tâm trí. Từ hành lang tôi cảm nhận từng làn gió nhẹ nhàng, từng cành lá rung rinh phả minh dưới ánh trăng êm dịu. Trăng sáng quá! Trăng sáng tự bao giờ thế mà mấy khi tôi nhận ra.
Tôi chợt nhớ đến Lời. Lời vốn đã tự hữu. Lời tràn ngập khắp nơi. Lời trong trăng. Lời trong gió. Lời trong cành lá đong đưa. Vậy mà mấy khi tôi nhận thấy? Chỉ khi nào dám cắt tỉa chính mình tôi mới nhận ra Lời vốn đã ở trong lòng.

Trăng

Tối nay tôi thức khuya. Hai cánh cửa vẫn mở toang để đón nhận từng cái vuốt ve mơn trớn của thiên nhiên. Ai đó rất sợ những cơn gió đêm nhưng tôi thì khác. Làn gió đêm vừa nhẹ nhàng mơn man vừa thênh thang bạt ngàn. Hôm nay tôi nhận thấy rõ gió mang theo trăng lùa vào phòng tôi.
Cuộc sống có những vẻ đẹp rất giản dị nhưng ta dễ dàng để tuột khỏi tầm tay. Ta thường bị cuốn trôi theo cuộc sống máy móc vô vị. Anh sáng của khoa học kỹ thuật mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng lấy đi của con người không ít. Hình ảnh những buổi tối mát trời, cả nhà mang chiếc chiếu hay băng ghế ra sân ngồi vừa hóng mát vừa trò chuyện chỉ còn là kỷ niệm. Thậm chí ta dường như quên luôn sự nhẫn nại của vầng trăng vẫn đang từ từ xoay chuyển. Ta có nguy cơ để lạc mất sự nhạy cảm vốn có đối với thiên nhiên. Cảm ơn một đêm trăng sáng đã gợi nhớ cho tôi bao điều.
Đã lâu lắm tôi mới có dịp ngắm trăng trong không khí bình yên thanh thản. Trăng sáng dịu êm nhưng lung linh huyền ảo. Trăng vô tư trải ánh sáng khắp không gian. Trăng mang ánh sáng chân lý đến mọi miền, len lỏi mọi ngỏ ngách. Những vệt đen chỉ là hậu quả của những vật chướng ngại mà đôi khi nhờ nó ánh sáng càng rõ nét hơn.
Ánh sáng của trăng làm tôi liên tưởng đến ánh sáng của Ngôi Lời: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu sáng mọi người” (Ga1,9). Lời Thiên Chúa là ánh sáng đem lại sự sống, là ánh sáng soi dẫn con đường đến sự sống đời đời. Lời đó đến với mọi người thuộc mọi thời đại, mọi chủng tộc, ngôn ngữ. Vậy thì tại sao lại có chiến tranh bạo lực, có thất vọng buông xuôi? Đó là vì ánh sáng của Lời bị che khuất bởi sự kiêu ngạo khinh khi, bị gạt ra bên lề, bị coi là vô bổ; hoặc là Lời như ánh trăng bị “đèn điện” che lấp. “Đèn điện” của những ham muốn bất chính, của tham vọng ngông cuồng. Dưới ánh sáng của “đèn điện”, lương tâm con người ngày càng xơ cứng như chúng ta đánh mất sự nhạy cảm của mình đối với vẻ đẹp của thiên nhiên.
Những bóng cây hay những tòa nhà tưởng là ngăn cản ánh sáng nhưng thực ra nó tiếp nhận rồi phản xạ ánh sáng đó vào mắt chúng ta. Nhờ đó ta mới nhìn thấy được.
Tôi cũng phải đón nhận Lời trong cung cách như vậy. Đón nhận Lời để được Lời biến đổi. Được Lời biến đổi nhưng tôi không giữ lại cho riêng mình. Tôi  có sứ vụ tiếp tục phản xạ ánh sáng Lời đến cho người khác. Không phải Lời lệ thuộc vào tôi nhưng vì “ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 1,19). Do vậy Ngôi Lời mời gọi tôi trong sứ vụ phản xạ ánh sáng tình yêu của Người. 
Xin cảm ơn trăng đã nhắc tôi ý nghĩa cuộc sống và ơn gọi của Kitô hữu: đó là hãy để lương tâm nhạy cảm với cuộc sống và luôn phản xạ ánh sáng của Chúa đến cho mọi người.

Tản mạn Mùa Chay

Thứ Tư Lễ Tro mở đầu cho một bầu khí mới của chu kỳ phụng vụ. Không gian dường như khoác thêm chiếc áo màu tím trầm mặc để con người sống trong bầu khí thinh lặng sám hối. Hai tiếng trở về như âm vang chủ đạo xuyên suốt mùa chay. Màu tro xám như biểu tượng trở về của vạn vật. Cùng hòa nhịp với không gian sầu lắng đó, tôi tự hỏi: mình sẽ trở về đâu? Như bước chân tội lỗi của Ađam, Evà, khập khiễng bước ra khỏi vườn địa đàng, vất vưởng trong cuộc trần dâu bể, bước chân tôi đôi lúc cũng lạc lõng đơn côi. Tôi có thể quay trở về vườn địa đàng được chăng? Có lẽ đi về phía trước đã là một định mệnh của phận người. Địa đàng chỉ còn là một quá khứ để hồi tưởng và tiếc nuối! *** Tuy nhiên, đường lối Thiên Chúa quả là toàn thiện (Tv 18, 31). Phía trước là sa mạc nóng bỏng nhưng bên kia là mảnh đất tràn trề sữa và mật. Con người bỏ lại sau lưng là vườn địa đàng nhưng tiến về phía trước là miền đất hứa. Tôi trở về không phải với mảnh đất cũ nhưng là trở về với cội nguồn. Cội nguồn trước hết là con người đích thực của mình. Để đối phó với đoạn đường đầy sỏi đá đôi khi tôi đã làm méo mó bộ dạng mình; tôi đã bọc đôi chân bằng những lớp nhung lụa êm ái. Trở về với chính mình là ý thức bàn chân đang bước trên sỏi đá; là tôi đang mang nơi mình thân phận yếu đuối, hay lỗi phạm. Trở về với chính mình chỉ mới là tiền đề để từ đó ta hướng thẳng về cội nguồn đích thực là Thiên Chúa. Ý thức thân phận mỏng dòn, con người cần có Lời Hứa để thân phận được thăng hoa. Lời Hứa chính là Mạch Nước ngầm làm dịu mát bước chân trên con đường tiến về miền đất hứa. Trở về với Chúa là cảm nhận và đón nhận Nguồn Nước thấm vào đời ta, nuôi dưỡng và nên một với ta. Càng trở về với chính mình tôi càng đến gần Thiên Chúa. Càng trở về triệt để tôi càng được đổi mới nhiều hơn. Đổi mới chính mình. Đổi mới tương quan với Thiên Chúa và nhờ đó tôi đổi mới cái nhìn về tha nhân. Như vậy trở về không phải là quay về quá khứ để tìm lại những gì đã mất nhưng là một sự đổi mới để hướng về tương lai. Đó là sự trở về đích thực. 

Tôi là ai?

Trong một Tu Viện vắng vẻ, mùi gạch ngói hòa với hương lan và vẻ dịu mát của cỏ cây tạo nên một bầu khí thanh thoát, thánh thiện. Một chàng thanh niên đang đắm mình suy tư bên cửa sổ.

Chàng đang nghĩ về một khung cảnh xa xưa, nơi đã vun đắp cho chàng bao kỷ niệm : từng nét mặt người thân, từng nụ cười, từng giây phút đắp xây cuộc đời chàng. Giờ đây, tất cả đã lui vào dĩ vãng. Chàng đang ở đây, đối diện với đời mình.

Tại sao tôi lại ở đây nhỉ ? Tôi là ai ? Tôi đang tìm gì đây ? Chẳng rõ động lực nào đã thôi thúc chàng chọn lựa vào nơi mà trước đây chàng vẫn còn xa lạ. Chỉ biết rằng chàng cảm thấy đời nhẹ nhàng, an vui. Chàng chẳng có gì phải đắn đo hối tiếc. Nơi đây đã trở nên thiết thân với chàng tự bao giờ ! Thế nhưng, khi đối diện với chính mình chàng vẫn băn khoăn tự hỏi : Tôi là ai ? Tôi đang tìm gì đây? chàng cố tìm câu trả lời nhưng trước mắt là khoảng trống mênh mông. Chàng muốn tìm một câu trả lời thật cụ thể, thật chính xác nhưng cuộc đời lại quá bao la. Chàng làm chủ cuộc đời mình nhưng lại quá nhỏ bé trước nó. Càng cố gắng, trí óc chàng lại càng mờ tối. Hai tay buông xuôi. Chàng đầu hàng trước những câu tự vấn.

Trở lại giường nhưng chàng trằn trọc mãi không ngủ được. Chàng chợt nhớ đến Sư Phụ. Phải rồi, chắc chắn phải nhờ Sư Phụ giúp thôi. Chàng rón rén đến trước phòng Thầy. Thầy vẫn chưa ngủ. Một ngọn đèn dầu nhỏ leo lét trên bàn. Thầy ngồi đó vẻ như đợi chờ ai.

- Chào Thầy, Thầy chưa ngủ ạ ?

- Ta ngủ sao được khi vẫn còn nghe thấy rất nhiều nỗi gian truân.

- Thưa Thầy, nỗi gian truân đời nào chẳng có. Liệu Thầy có nghe và giải quyết hết được chăng ?

 - Nhưng ít ra họ vẫn cần có người để nghe họ giải bày.

- … … …

- Dường như đêm nay con có tâm sự ?

- Thưa phải. Một cơn gió lạnh vừa lùa vào hồn con. Con thấy mình lạc lõng và mất phương hướng.

 - Khủng hoảng là đoạn đường con phải bước qua trên con đường trưởng thành, con ạ. Khi nào tự con vượt qua hết những khủng hoảng này, đời con sẽ an vui tự tại. Khi đó con mới là chính con.

- Vậy thưa Thầy, bây giờ con là ai ?


- Con là ai. Ta không thể trả lời thay con được. Chính con phải tự trả lời lấy. Tuy nhiên, phải cẩn trọng. Con sẽ rất dễ nhầm lẫn con người thực sự của con với con người do chính con nghĩ ra hay do người khác nhìn về con. Còn nữa, khi không tìm ra câu trả lời thì đừng cố tìm. Có người phải mất cả cuộc đời mới tìm được. Và cũng có khi câu trả lời sẽ tự đến vào lúc con không ngờ. 

Chàng ngồi lặng im nghe những lời chỉ dẫn của Thầy. Thầy không cho chàng câu trả lời, nhưng Thầy chỉ cho biết con đường nào nên đi và không nên đi. 

Chàng là ai ? dù chưa có câu trả lời nhưng qua lời Thầy, chàng đã thấy an tâm hơn. Chàng là ai ? đó không phải là câu hỏi để trả lời ngay nhưng là để sống và cảm nghiệm. 

Cáo từ Sư Phụ, chàng lui về phòng. Ngoài kia, tiếng côn trùng đang gọi nhau râm ran, đám mây mỏng nhẹ trôi giữa bầu trời mênh mông như cố níu các vì sao xích lại gần nhau hơn. Chàng thanh niên bình thản đi vào giấc ngủ như bé thơ đang say giấc trong lời ru mẹ hiền. 

Đã nhiều ngày trôi qua, cậu không còn quá bận tâm vào việc đi tìm câu trả lời nữa. Thế nhưng, nó đã là một phần trong tiềm thức của cậu. Thỉnh thoảng cậu lại giật mình và tự hỏi mình là ai. Cảnh trời đêm gợi lên cho cậu một cảm xúc dạt dào. Cậu thấy mình thật bé nhỏ giữa bầu trời quá rộng lớn bao la. So với một vì sao bé nhỏ trên kia, cậu chẳng là gì ? So với từng cơn gió đang vươn tay vuốt mặt, cậu thật nhỏ bé và yếu đuối. Cậu thấy mình như cọng cỏ, hạt bụi dưới chân. Nhưng không, cậu đâu chỉ có vậy. Cậu nhỏ bé thật, nhưng đâu yếu đuối và vô danh như hạt bụi kia. Cậu có một ý chí, một mãnh lực khát khao và một trái tim rung động. Đời sống cậu đâu chỉ như hoa sớm nở chiều tàn. Cậu đang khát khao đi tìm Thượng Đế. Cậu là một hữu thể nhỏ bé thật, nhưng cậu lại cũng rất đặc biệt. Cậu đặc biệt bởi chính Thượng Đế đã chọn gọi cậu đi vào hiện hữu. Để thông chia vinh quang và danh dự của Ngài. Ngài cho cậu một thân phận chỉ kém các thiên thần có chút xíu thôi để cậu làm chủ các công trình tạo dựng (Tv 8, 4-7). 

Một cảm xúc dạt dào chạy trong thân thể chàng. Chàng quì gối tạ ơn… Chàng là một hữu thể bé nhỏ và đặc biệt. Đã hẳn là vậy, nhưng trên đời này, ai chẳng vậy – dù họ có ý thức điều đó hay không, thậm chí cả những vật thể vô tri cũng có những vai trò đặc biệt của chúng. Vậy thì chàng khác mọi người ở chỗ nào ? làm thế nào để chàng nhận ra và thể hiện sự đặc biệt của mình ? Chàng lại dò dẫm bước những bước vô định trong đêm tối tâm hồn. Chàng lại thắc mắc Thượng Đế dựng nên chàng như vậy để làm chi ? Ngài muốn gì nơi chàng và chàng phải làm gì? Một lần nữa chàng tìm đến gặp Sư Phụ. 

- Thưa Thầy, con đến thăm Thầy. 

- Bình an cho con. Ta luôn ở bên con. 

- Thưa Thầy, tại sao suốt ngày Thầy chỉ ở một chỗ đợi chờ ?

 - Vì ta biết có nhiều người cần đến Ta. 

- Nhưng cũng có nhiều người không biết hay thờ ơ với sự hiện diện của Thầy. 

- Phải. Nhưng ta đủ kiên nhẫn để chờ đợi dù chỉ một người. vì Ta là Tình Yêu. 

- Phải chăng đó là “ơn gọi” của thầy ? 

- Đó chỉ là một phần sứ mạng của Ta. … … … 

- Thưa Thầy, con ở nhà Thầy đã lâu, nhưng tâm trí con vẫn còn mờ tối. Xin thầy giúp con nhận ơn gọi của mình.

Sau một hồi trầm tư, Sư Phụ hỏi chàng. 

- Vì sao con ở đây ? 

- Thưa, vì lời Thầy hôm nào vẫn còn vang vọng. Con muốn đi theo Thầy.

- Thế con đã đến, đã ở lại và đã xem thấy Ta làm gì ? chẳng phải con muốn theo Ta đó sao ? hãy lắng nghe, hãy cảm nghiệm và hãy làm theo những điều ta đã làm. Ta biết sức con còn yếu nhưng cứ đến với Ta. Ta sẽ bổ sức cho. 

Chàng cúi đầu thinh lặng. Nền nhà trước mặt chàng như mở rộng ra, trải dài qua vùng sa mạc hoang vu đến tận chân núi Sinai. Nơi Đức Chúa đã hiện ra và mạc khải danh Ngài cho Môisê : “Ta là Đấng Hiện Hữu”. 

“Ta là Đấng Hiện Hữu”. Phải rồi. Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu. Trong suốt lịch sử Cựu Ước và Tân Ước, Thiên Chúa luôn hiện hữu với dân Người. Chính trong sự hiện hữu của Người mà mọi loài được hiện hữu. Chính ta cũng đang hiện hữu nhờ Tình Yêu và trong Tình Yêu của Ngài. Tình yêu đáp đền Tình Yêu. Hiện hữu đáp đền hiện hữu. Vì tình yêu mà Thiên Chúa đã cho ta hiện hữu, vậy ta hãy dùng chính sự hiện hữu của mình để đáp đền tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đã hiện hữu trong Sư Phụ nên ta hãy đến cùng Sư Phụ để được hiện hữu trong tình yêu và nhờ tình yêu đó ta hiện hữu cùng vạn vật. 

Bổng chốc chàng nhận ra ơn gọi của chàng là hiện hữu. Bấy lâu nay chàng vẫn hiện hữu nhưng chàng không nhận ra no là một sứ vụ cao cả và quan trọng. Giờ đây, cũng sự hiện hữu đó nhưng nó thật ngọt ngào, êm dịu. Chàng muốn hòa tan cùng vạn vật bởi nơi đây tràn ngập Tình Yêu. Phải, sự hiện hữu của chàng đã có thêm một hương vị mới : đó là Tình Yêu. 

Chàng ngước mắt nhìn lên. Sư Phụ vẫn ngồi đó với nụ cười điểm trên môi như chia sẻ niềm vui giác ngộ của chàng. Chàng thấy hồn mình thật nhẹ nhàng hạnh phúc. Sư Phụ vẫn ngồi đó nhưng chàng lại thấy như Sư Phụ đang ở trong chàng. Thấu hiểu chàng và cùng sống với chàng. Sự cảm nghiệm này thôi thúc chàng ra đi. Chàng thấy nơi đây quá nhỏ bé với chàng và sư Phụ. Chàng cần một không gian rộng hơn, cao hơn, xa hơn để nơi đó, chàng cùng sư Phụ sẽ đến và hiện diện với mọi người.

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Tấm vé số

Mua vé số đi chú…
Thằng bé chưa nói hết câu thì hắn đã lắc đầu. Hắn lắc đầu theo thói quen vì đã từng tự nhủ sẽ chẳng bao giờ mua vé số.
Thế nhưng lần này lại khác. Hắn chợt hối tiếc khi bóng thằng bé lướt qua. Phải, hắn từng tự nhủ sẽ chẳng bao giờ mua vé số, hay nói chính xác hơn, hắn chẳng hy vọng tí gì vào tấm vé số. Thực ra, tấm vé số đã rất quen thuộc đối với hắn. Từ khi bước vào cấp 2, hắn đã quen với sấp vé số trong tay. Cũng vậy, ngày nào hắn cũng giữ lại cho mình một tấm với chút hy vọng mong manh. Mẹ hắn ngày nào cũng mua “mở hàng” cho hắn một tờ. Thế nhưng… ngày qua ngày, năm qua năm, chút hi vọng cỏn con cũng mong manh dần rồi tắt ngúm. Khi chia tay với sấp vé số cũng là lúc hắn chia tay với niềm hi vọng.
Đã bao năm trôi qua, vậy mà bỗng nhiên hôm nay hắn lại thấy một cảm giác là lạ. Hắn thấy bóng hình thằng bé sao quen thuộc quá! Hắn cũng thấy chút hi vọng năm xưa le lói trở lại. Thực ra, chẳng phải thằng bé hay tấm vé số nhưng chính hoàn cảnh gia đình đã khơi lên niềm hi vọng mong manh. Thực vậy, gia đình hắn đang “kẹt”. Hắn đang cần một số tiền. Nhưng tiền ở đâu ra? Đó là câu hỏi ám ảnh hắn mấy tháng nay. Hoàn cảnh đã đưa hắn trở về với một thưở rất xa…
Đúng là hoàn cảnh khó khăn khiến hắn bám víu vào bất cứ điều gì, kể cả những thứ mà bình thường hắn chẳng quan tâm. Hắn chợt mỉm cười với chính mình…
Hắn định tiếp tục với vận may nhưng bóng thằng bé đã khuất đi. Niềm hi vọng của hắn cũng thế mà tan biến theo. Hắn trở về với thực tại và tiếp tục đối diện với những khó khăn trước mắt.