Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

TỐT - XẤU

Thứ Năm, tuần XVII (Mt 13,47-53)
Cũng như chiếc lưới bao gồm cả cá xấu lẫn cá tốt, Giáo hội cũng luôn có cả người tốt lẫn người xấu. Thiên Chúa để vậy là do lòng khoan nhân của Ngài. Ngài tạo cơ hội và chờ đợi con người biến đổi. đến ngày tận thế, cơ hội sẽ chấm dứt. Mọi sự cần phân minh rõ ràng. Tốt xấu không còn chung đụng với nhau nữa.
Giáo xứ và gia đình cũng thế, luôn có người này người kia. Chúa không muốn ta loại trừ ngay những kẻ xấu nhưng muốn ta kiên nhẫn và chờ đợi, thậm chí là phải tạo cơ hội để người xấu có dịp trở về.
Thực ra, ngay chính bản thân mỗi người chúng ta cũng thế, luôn tồn tại hai khuynh hướng tốt xấu. cuộc sống hiện tại là cơ hội Chúa cho để phấn đấu, để biến đổi cái xấu trở nên tốt hơn. Cơ hội sẽ chấm dứt vào ngày kết thúc đời mình. Không ai biết đó là ngày nào, vậy nên ta phải tận dụng cơ hội này chứ đừng chủ quan.

Lạy Chúa, xin giúp con nắm lấy cơ hội này để huấn luyện bản thân ngày một tốt hơn. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

BIẾN CẢI CÁI XẤU

Thứ Ba, Tuần XVII (Mt 13,36-43)
Hạt giống tốt là con cái Nước Trời, cỏ lùng là con cái Ác thần. Ruộng chẳng phải là độc quyền của lúa tốt nhưng cỏ lùng len lỏi khá nhiều.
Thế gian không chỉ dành cho người tốt nhưng kẻ xấu cũng trà trộn khắp nơi.
Nếu như cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt thì ngược lại, người xấu có thể trở thành người tốt.
Người Kitô hữu không chỉ được mời gọi lớn lên trong đức tin và đức ái nhưng còn phải giúp biến đổi thế gian.
Ánh sáng có nhiệm vụ đẩy lui bóng tối thế nào thì người Kitô hữu có ơn gọi biến cải cái xấu như thế.
Tâm lý chung, ta sẽ lo sợ khi thấy cái xấu tràn lan. Ta cũng dễ dàng nhận ra lý do này, lý do kia.
Thế nhưng ít khi ta nhận trách nhiệm về mình: những Kitô hữu chưa chu toàn nhiệm vụ!
Thử hỏi: Tôi đã làm gì để biến cải những cái xấu quanh tôi?
Trách nhiệm của cộng đoàn Kitô hữu là tạo nên môi trường sống lành mạnh quanh mình chứ không dừng lại ở sự hài lòng bản thân.

Xin Chúa giúp con biến cải cái xấu quanh mình để thế giới mỗi ngày một tốt hơn. Amen.

SỨC SỐNG BÊN TRONG

Thứ Hai, tuần XVII TN (Mt 13,31-35)
Hạt cải và nắm men khác với hòn đá ở sức sống bên trong.
Hòn đá đặt ở đâu vẫn trơ trọi một mình.
Ngược lại, hạt cải và nắm men nếu gặp môi trường thuận lợi sẽ lan truyền sức sống ra bên ngoài.
Bạn và tôi, chúng ta muốn là hạt cải và nắm men tràn trề sức sống hay muốn là hòn đá khô khan nguội lạnh?
Sức sống bên trong đó chính là ơn Chúa!
Qua bí tích Thanh Tẩy, mỗi Kitô hữu đều đã lãnh nhận ấn tín không phai nhòa, đó là hồng ân cao quý cùng nhiều ơn lành khác.
Đừng để những ơn đó trở nên vô hiệu nhưng hãy tạo cơ hội để ơn Chúa lan tỏa đến mọi người.
Đừng chôn vùi ơn Chúa mà không sinh ích lợi gì cho bản thân và tha nhân.
Hạt cải muốn trở sinh bông hạt phải chết đi hình dáng cũ của mình. Bột muốn dậy men, nắm men phai tiêu hao dần.
Sức sống “nội tại” có vẻ như sẽ tiêu hao đi, nhưng thực ra nó không bao giờ mất hết. Trái lại, nếu liên kết với môi trường xung quanh, nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.



Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

KHÓ KHĂN VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT

Chúa nhật XVII TNB (Ga 6,1-15)
Đông đảo dân chúng đến với Đức Giêsu và các môn đệ:
Philipphê cảm thấy bất lực vì chỉ thấy khó khăn trước mắt và tìm cách giải quyết theo kiểu con người.
Anrê phát hiện ra một tia hy vọng khi nhìn thấy những thứ (bánh mì và cá) mà họ (đứa bé) sở hữu.
Đức Giêsu biến hy vọng nhỏ nhoi đó thành một dấu lạ.
Cuộc sống của chúng ta cũng luôn đối diện với những khó khăn thử thách như thế.
Khó khăn sẽ càng chồng chất nếu ta chỉ cậy dựa vào sức riêng mình.
Hãy học Anrê để nhìn ra những tia hy vọng, dù mong manh, nơi anh chị em chúng ta, dù là những người nhỏ nhất.
Và nhất là, hãy noi gương Đức Giêsu để dâng những tia hy vọng đó lên cho Thiên Chúa. Hãy xin Người chúc lành và biến những tia hy vọng đó thành dấu lạ, nhờ đó, khó khăn không còn là thử thách đáng sợ nữa, những là cơ hội để ta bày tỏ lòng tín trung vào Chúa.


SỨ MẠNG PHỤC VỤ

Ngày 25.7: Thánh Giacôbê Tông đồ (Mt 20,20-28)
Xã hội hiện đại là xã hội của dịch vụ. Ai càng làm lớn, càng có nhiều tiền thì sử dụng càng nhiều dịch vụ. Dịch vụ là dùng tiền để yêu cầu người khác đáp ứng theo nhu cầu của mình. Trái lại, phục vụ là tự nguyện bỏ tiền bạc và công sức để đáp ứng phần nào nhu cầu người khác.
Ấy vậy mà Đức Giêsu luôn mời gọi ta hãy phục vụ chứ đừng dùng dịch vụ. Không chỉ dạy ta mà thôi, Người còn đi đầu trong việc nêu gương. Người phục vụ tất cả mọi hạng người. Người dạy dỗ, chữa lành, an ủi, cho ăn, …tột đỉnh việc phục vụ của Chúa Giêsu là hy sinh mạng sống mình trên thập tự giá.
Theo gương Thầy Giêsu, các môn đệ cũng là những người phục vụ và hiến dâng mạng sống mình, cụ thể như thánh Giacôbê mà Giáo hội mừng lễ hôm nay.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng phục vụ của Giáo hội.

Xin Chúa giúp con biết nhận ra đâu là những đối tượng Chúa mời gọi con phục vụ và liệu  con có thể làm gì được cho họ. Amen.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

ĐÁM ĐÔNG KHÁT KHAO

“Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì cạnh lòng thương” (Mc 6, 30-34)
Dường như luôn có một đám người rất đông bao quanh Đức Giêsu và các môn đệ. Người đi đâu, họ theo đó. Đôi mắt mòn mỏi, tâm hồn khát mong, đôi tai chờ đợi. Họ thèm được nghe, được thấy, được chạm đến Lời quyền năng, Lời yêu thương và Lời chữa lành.
Đức Giêsu rất thành công, các môn đệ xem ra cũng thành công, thế nhưng đám đông thèm khát vẫn luôn hiện diện bên cạnh các ngài.
Ngày nay vẫn thế, bên cạnh mỗi người Kitô hữu, vẫn luôn có một đám đông thèm khát như thế.
Ai sẽ khỏa lấp nỗi khát mong của họ? Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi trở thành cộng tác viên ban phát tình thương của Thiên Chúa.
Vậy đâu là đám đông đang ở bên tôi? Những người nào thuộc phạm vi chăm sóc của tôi? Là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp?

Xin cho con trở nên khí cụ của Chúa trong việc ban phát tình thương và loan báo Tin Mừng. 

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

GÁNH NẶNG

Thứ Năm, tuần XV TN (Mt 11,28-30)
Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta (x Mt 11,28-30)
từ cuộc sống: Cuộc sống luôn chất lên vai ta nhiều gánh nặng. Có những điều trước kia là một hồng ân thì nay lại là gánh nặng. Tội lỗi đã chất thêm những gánh nặng lên đôi vai bé bỏng của con người. nuôi dạy con cái, hạnh phúc gia đình, công việc làm ăn, tương quan xã hội, lẽ ra mang lại thích thú và niềm vui thì nay đổi lấy thành âu lo: Cho con học trường nào? Chơi với ai? Để chúng ăn gì? Bệnh tật thì sao? Vợ/chồng tôi đang đi đâu? Làm gì? Với ai? Tiền bạc đi về đâu? … quá nhiều câu hỏi và áp lực đối với con người thời hiện đại!
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay là một lời an ủi cho chúng ta. Chúa không hứa sẽ cất đi những gánh nặng của ta nhưng Chúa có cách làm cho những gánh nặng đó trở nên êm ái nhẹ nhàng. Chúa sẽ đưa những gánh nặng đó trở về tình trạng nguyên thủy. Thay vì là gánh nặng, nó sẽ trở thành niềm vui của trách nhiệm. Chính Chúa Giê-su cũng đã mang lấy những gánh nặng đó, nhưng với tình yêu. Với tình yêu, mọi gánh nặng sẽ trở nên êm ái!
Tận hưởng niềm vui: Chúa không để ta gánh nặng một mình. Trên vạn nẻo đường, Chúa luôn đồng hành ngay bên. Những lúc ta mệt mỏi, muốn ngã gục, hãy chạy đến với Chúa, hãy trao gánh nặng vào tay Chúa, Chúa sẽ đỡ đần cho!

Chung lời cầu nguyện: Xin chúa thêm tình yêu để con biến gánh nặng thành niềm vui, và khi con sắp ngã gục, xin cho con biết trao phó gánh nặng vào tay Chúa. Có thế, đời con sẽ không bao giờ tuyệt vọng.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

PHÉP LẠ VÀ SÁM HỐI

Thứ Ba - tuần XV TN
Biết bao phép lạ Chúa làm là để bày tỏ quyền năng và tình thương của Thiên Chúa đồng thời chữa lành con người. Nếu như quyền năng và tình thương luôn chan chứa trong từng phép lạ thì việc chữa lành lại tuy thuộc con người. Thực vậy, việc chữa lành ở đây bao gồm chữa lành thân xác và chữa lành linh hồn. Việc chữa lành thân xác gắn liền với những đối tượng trực tiếp còn chữa lành linh hồn thì liên quan đến mọi người.
Một trong những hiệu quả của việc chữa lành linh hồn là sám hối và thay đổi lối sống. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã khiển trách nhiều người Do Thái khi chứng kiến những phép lạ tỏ tường của Người mà không hề hoán cải. Họ trơ lòng trước những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm.
Lời khiển trách của Đức Giêsu cũng là một lời nhắc nhở với mỗi người chúng ta. Chúng ta không trực tiếp chứng kiến những phép lạ Chúa đã làm nhưng chúng ta có rất nhiều chứng tá về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, về những việc kỳ diệu Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Thế nhưng chúng ta vẫn chai lì trong nếp sống cũ, vẫn cứng cỏi cố chấp trong những lỗi lầm của mình.

Xin Chúa giúp con quyết tâm từ bỏ một tính xấu nào đó và thực tập một tính tốt ngược lại, để cây đời con ngày một được tỉa tót nên dẹp hơn nhờ bao nhiêu ân huệ Chúa ban trong cuộc đời.

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

XỨNG VỚI THẦY

Thư Hai - Tuần XV TN
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy”
Thập giá của tôi lúc này là gì? Tôi có dám ghé vai vác lấy mà bước theo Thầy hay ngoảnh mặt làm ngơ vì thập giá xem ra nặng nề quá đỗi!
Cuộc sống hàng ngày luôn cho tôi nhiều cơ hội để lựa chọn. Tôi thường lựa chọn đứng về phía Chúa hay quay lưng lại với Ngài?
Làm sao tôi dám nhận mình xứng đáng với Thầy bởi đòi hỏi của Thầy thật dứt khoát. Đó là một tình yêu không lựa chọn bởi Thầy luôn là ưu tiên số một: cha mẹ, con cái và ngay cả mạng sống đều phải nhường bước. Ngược lại, ai vì Danh Thầy mà làm, dù chỉ một việc rất nhỏ cũng sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Giúp giúp con luôn can dảm chọn Thầy trong mọi tình huống cuộc sống

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

LÊNH ĐÊNH CON CHỮ

Lênh đênh tìm con chữ
Thực tình mà nói, tìm con chữ vẫn là niềm vui của đa số các em nhưng hành trình của nó sao mà lênh đênh quá. Cũng giống như bao trẻ em người Kinh khác, được mặc trên người bộ quần áo đẹp, khoác trên vai chiếc cặp xinh xinh là niềm hãnh diện của nhiều em nhỏ Barnah. Thế nhưng khi đến trường, ngoài những trở ngại như bao em khác thì các em ở đây còn chịu một thiệt thòi rất lớn, đó là vấn đề ngôn ngữ. Nếu may mắn gặp một cô giáo Barnah, các em sẽ cảm được một sự gần gũi thân một rất tự nhiên, nhưng nếu gặp một cô giáo ngươi Kinh, các em sẽ thấy một khoảng cách vô hình, dù cho các cô đã cố xóa đi khoảng cách vô hình đó.
Đã vậy, hành trình đến với môn toán và môn văn lại càng cam go hơn. Môn toán đòi hỏi một tư duy trừu tượng, một lối tư duy vốn không phổ biến nơi người Barnah, một sắc tộc thích lối tư duy cụ thể, chi tiết. Ở một thái cực khác, môn văn đòi hỏi một sự gắn bó mang tính văn hóa và truyền thống, đòi hỏi sự cảm nhận của cái đẹp về ngôn ngữ. Thế mà đối với các em, tiếng Việt khác nào là một ngoại ngữ.
Nếu nói các em Barnah lười học thì có lẽ không chính xác, bởi ngay từ bé, hầu như các em đều thích thú với con chữ, có chăng là hành trình đến với con chữ của các em qua lênh đênh. Các em phải đối diện với các trở ngại quá sớm. Nếu là người đã đầy đủ ý thức, họ sẽ cố gắng vượt qua những trở ngại để đạt đến mục đích. Đàng này các em còn trong tuổi ăn, tuổi chơi. Khi gặp trở ngại, nếu không có sự động viên, can thiệp đúng lúc, các em sẽ rất dễ bỏ cuộc để trở về với cuộc sống “an nhiên” của mình.
Hành trình đến với con chữ của các em vốn lênh đênh, nên các em cần lắm những tấm lòng quảng đại của những người đi truyền cái chữ. Tuy thế, hành trình truyền cái chữ cũng lênh đênh không kém!
Lênh đênh truyền con chữ
Có thể nói, kiếm được một “chỗ đứng” trong ngành sư phạm hiện nay là điều khó, thường tốn kém không ít. Vì thế, thầy cô nào cũng háo hức hơn nếu được tiếp nhận một lớp người kinh, may ra sau vài năm sẽ gỡ “lại vốn”. Còn nếu nhận được một lớp các em người địa phương thì… chỉ còn biết trông cậy vào cái tâm lớn của nhà giáo dục mà thôi.
Rất may, đa phần các thầy cô mà tôi có dịp tiếp xúc trong thời gian qua vẫn còn cái tâm rất lớn. Xin phép thay mặt các em, cám ơn các thầy cô! Thế nhưng, cái tâm của các thầy cô cũng phải được thanh luyện qua nhiều thử thách.
Cảm hứng sư phạm và rào cản ngôn ngữ: kiến thức chuyên môn và sư phạm cũng cần có môi trường thuận lợi để tiếp thêm động lực và cảm hứng truyền đạt. Thế nhưng khác biệt ngôn ngữ một lần nữa lại là rào cản khó khăn. Làm sao giải thích cho các em hiểu ý niệm “căn bậc hai”, “lũy thừa”, v.v.. chỉ có cách là học vẹt, ngay cả bảng cửu chương cũng thế. Mà vì học vẹt nên sau một kỳ nghĩ thì mọi sự lại phải “khởi động” từ đầu. Thử tưởng tượng ta phải học bảng cửu chương bằng tiếng Anh thì sẽ hiểu được khó khăn của các em và nỗi khổ của giáo viên.
Đó là chưa kể đến rào cản sắc tộc. Các cô người Kinh muốn gần gũi để hiểu và cảm thông với các em cũng như để được các em tín nhiệm đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Mà một năm học thì sẽ thoáng qua với biết bao là công việc!
Thêm nữa, trong khi phụ huynh người Kinh lo lắng việc học cho con em mình nhiều khi quá đáng thì trái lại, phụ huynh người bản địa thường bỏ ngỏ điều này. Số người biết lo cho con học trường này, lớp nọ, cô kia là rất hiếm. Nếu gặp bố mẹ mà hỏi tại sao con không đi học nữa thì câu trả lời đơn giản sẽ là “hi kuă - nó không muốn”. Nó không muốn thì bố mẹ cũng chịu, không biết làm gì hơn dù con chỉ mới học cấp 1.
Các em học tự lực là chính, anh chị nào khá hơn thì còn biết chỉ cho em học chứ bố mẹ thì chịu. Các em cũng học với tinh thần rất vô tư. Xong học ở lớp là về vất sách vở và chơi. Chẳng mấy khi xem bài vở thêm ở nhà. Có vẻ như nhà trường cũng thất bại trong việc này nên chẳng mấy trường cho các em bài tập làm ở nhà. Nói chung, sự nghiệp truyền cái chữ vẫn còn lắm lênh đênh!
Lênh đênh dùng con chữ
Biểu đồ học sinh ở các xứ người địa phương sẽ là một hình kim tự tháp nhọn hoắt, bởi số lượng các em trụ lại đến cấp 3 và sau phổ thông là rất hiếm. Các bạn này thật đáng trân trọng và khuyến khích! Thế nhưng số phận lênh đênh của con chữ vẫn chưa dừng lại. Với cái chữ mà các em và gia đình đã tốn bao nhiêu công sức và tiền của, làm sao các em có thể dùng nó để nuôi sống bản thân và gia đình?
Quả là vấn nạn nhức nhối và ray rứt cho những ai quan tâm đến giáo dục! Điều này chắc cũng không cần phải nói nhiều vì nó đã là quốc nạn! Một năm bao nhiêu sinh viên ra trường? Bao nhiêu em có được việc làm đúng ngành nghề? Làm thế nào để xin việc đúng nghành nghề mà không phải mất tiền?
Vấn nạn quá lớn, xin nhường lại cho những nhà hữu trách. Ở đây xin nêu lên một băn khoăn: Nếu không dùng được thì học cho lắm cái chữ để làm gì? Có người nói, những người có học hay học nhiều thì cách cư xử, lối sống cũng sẽ khác hơn. Thế nhưng cũng có một thực tế là những làng càng gần thành phố, càng học nhiều, lại càng nhiễu nhiều tính xấu như đua đòi, trộm cắp, gia dối, v.v.. trong khi những làng càng ở xa lại càng giữ được truyền thống văn hóa, tính chân thành, đơn sơ!

Dĩ nhiên ta không phủ nhận lợi ích của cái chữ mang lại nhưng vấn đề là làm thế nào để phát huy nó, để nó thực sự hữu ích mà không phải trả một cái giá quá đắt. Song song với việc nâng cao trình độ văn hóa, ta cần làm thêm điều gì nữa? Làm thế nào để văn minh, văn hóa và nhân văn song hành cùng nhau? Đó có lẽ là vấn nạn đang đặt ra cho anh chị em Đaminh chúng ta, những người đã chọn lựa mảnh đất Tây nguyên này làm nơi dấn thân loan báo Tin Mừng sự sống. 

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

KHÔNG CÓ CHI!

 “Bĭ ‘dei kiơ! - Không có chi!” nhưng câu nói đó cứ mãi ám ảnh tôi. Lời nói thốt ra với vẻ mặt ngại ngùng. Tôi biết, họ ngại ngùng vì thầy vào nhà mà không có chi để tiếp! Họ cũng may mắn làm được căn nhà khang trang để ở, điều vẫn còn là mong ước của nhiều người, nhưng họ vẫn ý thức rằng, ngoài căn nhà ra thì “bĭ ‘dei kiơ!”
Tôi cũng ái ngại cho họ thật, nhưng ái ngại thì ít mà xót xa thì nhiều. Xót xa bởi trước đó tôi đã kịp liếc qua mâm cơm còn dang dở. Nói mâm cơm cho sang chứ thực ra chỉ có nồi cơm, chén muối ớt và ít rau luộc.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện của một cha già. Trong một lần ghé thăm nhà dân, ngài vào thăm nhà bếp. Khi cúi xuống mở nắp một chiếc nồi, ngài giật mình khi vỏn vẹn trong đó là 2 con chuột. Cùng lúc cúi xuống đó, ngài kịp nhìn thấy gói thuốc lá trong túi áo. Thế là theo sự thôi thúc của con tim, ngài quyết tâm từ bỏ thuốc là kể từ lúc đó.
“Không có chi”, trong nhiều trường hợp là lời từ chối khéo một lời khen nào đó, nhưng trong trường hợp này thì nghe thật nao lòng.
“Không có chi” cũng cho thấy một sự bất công về phát triển xã hội: có những người chẳng thấy làm chi mà cái chi cũng có, ngược lại, có những người việc chi cũng không từ nhưng trong nhà thì chẳng có cái chi.
Tôi chợt nhớ đến lời của thánh Phaolô: bị coi là vô danh tiểu tốt nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả. (x. 2Cr 6,8-10). Có thể xem là tự an ủi nhưng kỳ thực, tôi thấy nơi họ có rất nhiều thứ, những thứ mà Thiên Chúa đã ban cho họ, không ai có thể lấy mất hay thay đổi được.