Hiển thị các bài đăng có nhãn tháng 7. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tháng 7. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

SỨ MẠNG PHỤC VỤ

Ngày 25.7: Thánh Giacôbê Tông đồ (Mt 20,20-28)
Xã hội hiện đại là xã hội của dịch vụ. Ai càng làm lớn, càng có nhiều tiền thì sử dụng càng nhiều dịch vụ. Dịch vụ là dùng tiền để yêu cầu người khác đáp ứng theo nhu cầu của mình. Trái lại, phục vụ là tự nguyện bỏ tiền bạc và công sức để đáp ứng phần nào nhu cầu người khác.
Ấy vậy mà Đức Giêsu luôn mời gọi ta hãy phục vụ chứ đừng dùng dịch vụ. Không chỉ dạy ta mà thôi, Người còn đi đầu trong việc nêu gương. Người phục vụ tất cả mọi hạng người. Người dạy dỗ, chữa lành, an ủi, cho ăn, …tột đỉnh việc phục vụ của Chúa Giêsu là hy sinh mạng sống mình trên thập tự giá.
Theo gương Thầy Giêsu, các môn đệ cũng là những người phục vụ và hiến dâng mạng sống mình, cụ thể như thánh Giacôbê mà Giáo hội mừng lễ hôm nay.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng phục vụ của Giáo hội.

Xin Chúa giúp con biết nhận ra đâu là những đối tượng Chúa mời gọi con phục vụ và liệu  con có thể làm gì được cho họ. Amen.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

THÁNH BONAVENTURA


Ngày 15-7
Thánh nhân sinh năm 1221 tại Ý, năm 1243 Ngài gia nhập dòng Phaxnicô. Với sự khôn ngoan và bác ái, Ngài từng được bầu làm Bề trên Cả của Dòng, làm Giám mục và Hồng y. Sau khi qua đời, Ngài được phong thánh và được đặt làm tiến sĩ Hội thánh.
Ngài quan niệm: “người tu sĩ tốt là người phải hoàn tất những công việc tầm thường được giao phó một các hoàn hảo và việc luôn trung tín với công việc nhỏ nhặt là một đức tính cao cả và anh hùng.”
Điều đó không chỉ đúng với tu sĩ mà còn đúng cho tất cả chúng ta.
Lời nguyện nhập lễ hôm nay, Giáo hội xin ơn Khôn ngoan và ơn bác ái theo gương của thánh nhân.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Thánh Matta

Ngày 29 Tháng 7: Thánh Matta

Nhiều người cảm thấy mệt mỏi khi tham gia hội đoàn này, đoàn thể kia. Có người cảm thấy việc phục vụ Hội thánh, giáo phận, giáo xứ sao mà mệt mỏi, khó khăn đủ điều. Thậm chí có người muốn rút lui cho được yên thân. Họ đã không phân biệt “việc của Chúa và chính Chúa” như lời của Đức cố Hồng y Phanxicô.
Cuộc đời thánh nữ Matta có thể làm mẫu gương cho ta. Ngài chính là điển hình cho con người phục vụ. Ngài bận bịu phục vụ đến nỗi cảm thấy mệt mỏi và từ mệt mỏi chuyển sáng bực tức. Giới hạn của sự chịu đựng đã hết. Ngài cất tiếng phàn nàn về người thân (x. Lc 10,38-42). Sau lời nhắc nhở của Đức Giê-su, có vẻ như ngài đã rút kinh nghiệm. Trong lần Lagiarô qua đời, ngài không còn đóng vai người chị bận rộn trong gia đình nữa. Ngài mau mắn chạy đến gặp Đức Giê-su khi nghe tin Người đến. Trong lần gặp gỡ này, ngài đã tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (x. Ga 11,1-53), một công thức tuyên xưng tương tự như tông đồ trưởng Phêrô (x. Mt 16,16). Trong lần mô tả sau cùng của Tin mừng tại gia đình của ba chị em, Matta vẫn đóng vai một người phục vụ bận rộn. Nhưng lần này chị không còn bực tức, cũng chẳng còn phàn nàn. Lúc này trong đầu chị không chỉ là công việc mà thôi, nhưng chị biết chị đang làm gì và làm cho ai (x. Ga 12,1-9).

Lạy Chúa, xin cho con gặp được Chúa trong mọi việc con làm để công việc không còn là một gánh nặng nhưng là cơ hội để con gặp gỡ chính Chúa.

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Truyền thống tôn giáo trong gia đình

Ngày 26 Tháng 7:  Lễ thánh Anna và Gioakim

Trong một buổi sinh hoạt với huynh đoàn Đaminh. Các cụ than thở: “Tụi nhỏ bây giờ chẳng để ý gì đến đạo nghĩa”. Tôi hỏi: “Thế gia đình các cụ có giờ kinh chung hay giờ đọc Lời Chúa chung với nhau không?” Các cụ đáp: “Chúng nó đi vắng suốt, về đến nhà thì lo học hành, có thời gian đâu mà kinh với kệ”. Tôi hỏi tiếp: “Thế có bao giờ các cụ kể chuyện kinh thánh hay hanh các thánh cho con cháu nghe không?” Các cụ nhăn mặt: “Chúng có chịu nghe đâu, hễ có thời gian rỗi là chúng lao vào game với chát chít chứ có chịu nghe mình ngồi kể đâu!” Đúng là khó thật! Phải chăng chúng ta đang đánh mất một điều gì đó?

Lạy Thiên Chúa, tai chúng con đã từng được nghe truyện cha ông vẫn thường kể lại về công trình Chúa đã làm nên thời các cụ thuở xa xưa ấy” (TV 44,2). Đó chính là truyền thống gia đình và tôn giáo của người Do thái. Gia đình tụ họp, kể lại cho nhau nghe những kỳ công Chúa đã làm. Một bầu khí tôn giáo ngay từ trong gia đình. Chắc hẳn Đức Maria đã đón nhận truyền thống này từ song thân của mình là bà Anna và ông Gioakim. Theo truyền thống, mà Anna son sẻ khi tuổi về già nhưng hai ông bà luôn trông cậy và nguyện cầu cùng Chúa, cuối cùng Chúa đã đoái thương và cho sinh hạ Đức Maria. Ngay từ bé, Đức Maria đã được bố mẹ dâng hiến cho Chúa. Chính trong bầu khí tôn giáo của gia đình mà sau này, Đức Maria đã rất mau mắn lắng nghe và đáp trả tiếng Chúa.

Thánh Anna và Gioakim đã nêu gương cho các bậc làm cha mẹ ngày nay, đó là tạo bầu khí tôn giáo ngay từ chính trong gia đình của mình. “Gia đình là Hội thánh tại gia”, gia đình phải là nơi đầu tiên nói về Chúa cho con trẻ, gia đình cũng là nơi Lời Chúa được cảm nghiệp, chia sẻ và sinh hoa quả. Ước gì các bậc làm cha mẹ ngày nay, ý thức trách nhiệm và ơn gọi cao quý của mình. Nếu như ngay từ bé, con trẻ không quen nghe nói về Chúa thì càng lớn lên sẽ càng khó để chúng có thể lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa.

Xin thánh Anna và thánh Gioakim bảo trợ cho các bậc làm cha mẹ biết biết tạo bầu khí tâm linh trong chính gia đình mình và quãng đại hiến dâng con cái mình cho Thiên Chúa. Amen.