Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Vươn tới Thượng Đế, con đường hiện sinh đích thực

1.      Ý thức hiện sinh
Theo Jaspers, vũ trụ này chia làm ba cấp độ, cấp độ sự vật, cấp độ hiện sinh và cấp độ siêu việt. Từ cấp độ sự vật sang cấp độ hiện sinh cần có một bước nhảy mà không phải ai cũng làm được. Chính vì vậy Jaspers cho rằng nhiều người sinh ra là người nhưng chưa hẳn đã làm người, tức là đã vươn lên tới mức hiện sinh như một nhân vị tự do và độc đáo. Do vậy những người sống vô ý thức, vô trách nhiệm, những người còn để mình bị nô lệ bởi dư luận, bởi những đoàn thể, những tập truyền thì họ mới chỉ là những đơn vị người chứ chưa phải là những nhân vị tự do.
Mọi hiện hữu đều phải hướng lên và vươn lên một cách mạnh mẽ. Do vậy một con người tự do thì phải biết ý thức về quyền tự do của mình, đồng thời cũng ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình. Ý thức hiện sinh tức là phải biết mình sống trong cuộc đời này để làm gì. Mình phải đặt những câu hỏi để tìm ra ý nghĩa cuộc đời của chính mình. Một khi đã xác định được ý nghĩa cuộc đời thì phải tự chọn lấy cách thức sống, phương thế hành động để làm sao đạt được mục đích và ý nghĩa đó. Ý thức được những điều trên mới là ý thực hiện sinh đích thực, ý thức đó làm cho con người trỗi vượt hơn các sự vật và tiến lên không ngừng. Cuộc sống con người là chuyển động tiến tới không ngừng cho tới khi ta đạt được ý nghĩa mà vì nó ta đi vào hiện sinh này.
Ý thức hiện sinh của Jaspers không dừng lại ở chỗ tự ý thức về nhân vị tự do và độc đáo của mình nhưng còn là ý thức về mối thông giao với tha nhân và nhất là mối tương quan giữa mình với siêu việt là nguyên ủy của mình. Nếu không giữ mối tương quan này thì hiện sinh không trung thực hay đúng hơn hiện sinh chưa đúng với trọn vẹn ý nghĩa của nó.

2.      Ý thức nhân vị
2.1.            Tìm một ý nghĩa
Hiện sinh khác với sinh tồn ở chổ sinh tồn coi sự sống là ý nghĩa của cuộc đời mà không cần biết sống như thế nào và sống để làm gì. Ngược lại, hiện sinh trước hết là đi tìm ý nghĩa cao quý của cuộc đời và thể hiện nó một cách độc đáo.
Dĩ nhiên đây là công việc của mỗi người. Mỗi người sẽ phải có trách nhiệm đi tìm câu trả lời cho mình và có lẽ mỗi người cũng sẽ có một câu trả lời khác mang nét độc đáo riêng của mình. Tuy nhiên, Jaspers cho thấy rằng ý nghĩa đích thực của hiện sinh phải là vươn tới siêu việt, tức là tìm về với Thượng Đế là nguyên ủy của mình. Điều này quả thực rất phù hợp với đức tin Công giáo.
Quả thực, theo Thánh kinh, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và do đó con người sẽ còn khắc khoải lo âu cho tới khi nào được về với chính Đấng tác tạo nên mình (thánh Augustin). Trái cấm đã mở mắt con người và con người ý thức được rằng từ đây giữa mình và Thiên Chúa đã có một khoảng cách. Bước chân con người rời khỏi vườn Eđen khởi đầu cho hành trình tìm kiếm chính mình và cũng là để tìm về khu vườn xưa. Thiên Chúa đưa con người ra khỏi vườn Eđen để hứa ban cho con người một khu vườn khác đẹp hơn hoàn hảo hơn, khu vườn không có trái cấm, đó chính là Nước trời. Con người phải vươn lên trong hành trình làm người để với ơn cứu độ con người được trở về với nguyên ủy của mình.
Thế nhưng trong hành trình làm người này, không phải ai cũng nhân ra hay xác định đúng mục đích và ý nghĩa đời mình. Đó là lý do tại sao ngày nay nhiều người rời xa đức tin hay sống đức tin cách hời hợt. Xã hội và tôn giáo vẫn luôn cung cấp nhiều ý nghĩa và mục đích làm người nhưng những ai chỉ dừng lại ở những mục đích hay ý nghĩa tầm thường thì cuộc sống của họ chưa vươn tới tầm hiện sinh đích thực. Hiện sinh đích thực chỉ có khi ta dám lựa chọn và xây dựng chính mình dựa trên những mục đích và ý nghĩa có giá trị cao đẹp và hướng về siêu việt.
2.2.            Xây dựng chính mình
Jaspers nói rằng hiện sinh chỉ bắt đầu khi con người ý thức sâu xa cũng như chủ động để tự xây dựng nhân cách và định mệnh của mình. Ông nói cách mạnh mẽ rằng: tôi chỉ là cái tôi do chính tôi tạo nên … cái tôi trung thực đó không ở sau lưng tôi, cũng không phải là cái tôi hiện tại nhưng là cái tôi ở trước mặt tôi, là cái tôi đang trở thành, là cái mà tôi quyết tâm để trở nên.
Karl Jaspers không dừng lại ở cái tôi hiện tại nhưng ông luôn muốn tiến về phía trước. Chúng ta không chỉ xác định cho mình một mục đích để rồi để đó mà chiêm ngưỡng. Chúng ta cũng không tự thỏa mãn với ý nghĩa đã đề ra. Chúng ta chỉ được thỏa mãn khi nào hoàn thành chính mình, tức là đã tìm về được với nguyên ủy của mình. Để đạt được điều đó, mỗi người phải tự xây dựng chính mình.
Xây dựng chính mình còn là xác định cho mình lối sống và cách thế thể hiện niềm tin của chính mình. Nói tôi có đức tin mà không sống đức tin cũng sống như nói đời tôi có một ý nghĩa và mục đích nhưng thực tế ta chẳng làm gì. Xây dựng chính mình trong đời sống đức tin là sự trưởng thành không ngừng trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Xây dựng chính mình là sự hoàn thiện mình mỗi ngày.
Một khi đã xác định mục tiêu và ý nghĩa trong Thiên Chúa chúng ta phải xây dựng đời mình trong đời sống đức tin. Cái tôi không lệ thuộc quá khứ, không thỏa mãn với hiện tại nhưng hướng về tương lai, điều này mở ra cho những khát vọng của con người. Được như thế, tôi sẽ không mặc cảm với quá khứ hèn yếu của tôi, tôi sẽ không thất vọng với những vấp ngã hiện tại của mình. Cái tôi hướng về tương lai cho phép tôi đứng lên và tiến bước không ngừng.
Đời sống đức tin cần được xây dựng trên cái nhìn như thế. Đức tin là sự tiến bước trong hy vọng. Hiện tại tôi có thể bất toàn nhưng với cái nhìn đức tin tôi tin tưởng giao phó đời mình cho sự dẫn dắt của Chúa. Đời sống đức tin đòi hỏi một sự trưởng thành không ngừng. Tôi tin tưởng, tôi tiến bước tôi thất vọng và lại tin tưởng. Cuộc đời sẽ thử thách cho đến khi nào tôi hoàn toàn đặt niềm tin vào bàn tay Thiên Chúa.
2.3.            Tự do nhân vị
Ý thức nhân vị là ý thức đời ta có một mục đích và ý nghĩa, từ đó ta xây dựng đời mình và sống đời sống đó một cách tự do. Sống tự do là cách thức thể hiện nét hiện sinh trọn vẹn nhất. Tự do là khả năng cho thấy con người khác với sự vật và tự do cũng cho thấy con người không bị “quy định” bởi Thượng đế. Theo Jaspers, ý nghĩa sâu xa và hiện sinh của tự do là tự quyết và tự chọn. Đây cũng là điều rất thích hợp với đức tin Công giáo. Con người được mời gọi trở về với nguyên ủy của mình là Thiên Chúa nhưng con người không bị ép buộc. Con người có tự do để tự chọn và tự quyết hành trình của mình.
Thế nhưng phải hiểu và thực hành như thế nào mới xứng đáng là tự do của một nhân vị hướng về siêu việt.
Tự do không phải là hành động theo thúc đẩy bừa bãi của dục vọng nhưng là hành vi gắn liền với ý thức và trách nhiệm. Ý thức và trách nhiệm tức là ta phải băn khoăn suy nghĩ giữa nhiều con đường để lựa chọn. Điều này không có nghĩa là tự do của ta bị hạn chế. Ý  thức và trách nhiệm không phải là những ngoại lực tạo áp lực lên tự do của ta nhưng chính trong ý thức và trách nhiệm, hành vi tự do của ta mới mang tính nhân vị và hướng về siêu việt. Ý thức và trách nhiệm trở thành một luật của chính ta và cho chính ta.
Điều này có liên hệ đến cách sống đức tin của chúng ta. Ngày nay người ta rời bỏ Giáo hội một phần là vì họ thấy Giáo hội không đáp ứng được những đòi hỏi tự do của thời đại. Con người ngày nay bị ảnh hưởng bởi lối sống tự do thực dụng và do đó họ nhìn thấy trong Giáo hội chỉ toàn là những ràng buộc của luật lệ: Nào là không được ly dị, không được phá thai, không được sử dụng bao cao su, v.v.. Đó đây có những chống đối Giáo hội chỉ là vì họ chưa nhận ra giá trị thực sự của tự do nhân vị.
Ngay cả chúng ta, những người đang sống đức tin trong lòng Giáo hội, đôi khi chúng ta cũng sống với tinh thần nệ luật. Tôi hành động thế này là vì luật; tôi không hành động thế kia là vì luật không cho phép. Cuối cùng, có thể chúng ta vẫn sống đạo cách ngoan ngoãn nhưng xét cách sâu xa chúng ta chưa sống tự do đích thực. Hành động cách tự do xứng với nhân vị là tôi hành động như thế là vì tôi nhận ra nét cao cả của hành động đồng thời qua đó tôi thể hiện nhân vị của mình. Tôi hành động vì tôi đáng hành động như vậy chứ không phải vì luật. Sống được tinh thần tự do đích thực này tôi vẫn chu toàn luật nhưng không lệ thuộc vào luật, luật không phải là rào cản phải vượt qua nhưng là yếu tố giúp tôi thể hiện nhân vị của mình. Nếu hiểu và sống được tinh thần này thì tự do không chỉ giúp tôi thể hiện nhân vị của mình nhưng tự do này còn hướng tôi tiến đến gần nguyên ủy của mình là Thiên Chúa.
3.      Ý thức thông giao
Ý thức nhân vị của chính mình cũng đống nghĩa với việc ý thức nhận vị của người khác và tương quan với họ như là những nhân vị độc đáo và hiện sinh. Mối tương quan này được Jaspers diễn tả qua chữ thông giao. Như vậy, thông giao là mối tương quan của hai hiện sinh thực sự, tức là hai hiện sinh khác nhau, độc lập với nhau, thâm chí xung khắc với nhau nhưng mối tương quan này được thể hiện trong tình yêu thương. Jaspers cho rằng đấu tranh là nền tảng của thông giao. Không có đấu tranh thì không thể có tương quan yêu thương thực sự. Thông giao được ví như mối tình thiếu xung khắc là mối tình thiếu sâu sắc. Trong thông giao, hai yếu tố đấu tranh và yêu thương phải ngang bằng nhau.
Tư tưởng này làm vang vọng lại lời của Đức Giêsu: “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có gì là ân với nghĩa?” ( Lc 6, 32) hay “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc 6, 27). Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu vô vị lợi, một lời mời gọi mà có lẻ chỉ khi nào mức hiện sinh của ta tiến gần tới Thiên Chúa ta mới thực sự có được. Trên con đường đi tới của hiện sinh, chúng ta nhất thiết phải đạt được ý thức thông giao của Jaspers. Ý thức này đòi buộc chúng ta nhìn tha nhân như chính họ là. Một tương quan thực sự không nhất thiết là một tương quan dễ dàng. Một tương quan dễ dàng đôi khi là một tương quan hời hợt. Dưới cái nhìn đức tin, mỗi người đều mang trong mình hình ảnh Thiên Chúa, mỗi người đều là đến thờ của Chúa Thánh Thần. Do đó mỗi người đều là một nhân vị tự do và có giá trị cao cả.
Ý thức giá trị của mình đã khó, ý thức giá trị của người khác còn khó hơn. Trong tương quan với tha nhân, chúng ta phải đặt tha nhân ngang hàng với mình. Phải có cái nhìn tôn trọng chúng ta mới nhận ra những nét độc đáo và riêng biệt của tha nhân. Đây là tương quan hai chiều chứ không phải tương quan một chiều. Tương quan đích thực phải làm sao cho cả hai cùng lớn lên, cùng trưởng thành, cùng tiến về đích trong khi vẫn giữ những nét riêng của mình.
Tương quan này thực sự cần thiết trong đối thoại liên tôn, trong khi rao giảng Tin mừng cũng như trong công việc bác ái tông đồ. Đối thoại liên tôn cũng như rao giảng Tin mừng phải đặt nền tảng trên việc hiểu biết nhau, nhận ra những giá trị của nhau và giúp nhau tìm về nguyên ủy của mình. Thiếu cái nhìn tôn trọng, bình đẳng nhưng khác biệt và thạm chí xung khắc chúng ta sẽ khó đối thoại. Chân lý chỉ được nhìn thấy trong đối thoại thực sự mà đối thoại chỉ được xây dựng trên khác biệt nhưng bình đẳng và tôn trọng.
Cũng vậy trong việc mục vụ bác ái tông đồ, chúng ta hay có cái nhìn của người làm ơn. Chúng ta tự đặt mình ở địa vị khác cao hơn, trọng hơn để tương quan với người khác. Việc coi người khác là kẻ mang ơn, là người thụ động nhận sự giúp đỡ của mình là một hình thức đặt tha nhân ở dưới mình. Đây là một tương quan thiếu bình đẳng và theo Jaspers đây chưa phải là thông giao thực sự.
Chỉ khi ta có một ý thức thông giao thực sự, tức là ta xây dựng một tương quan thực sự với tha nhân khi đó ta mới là một hiện sinh đúng nghĩa. Mà theo tư tưởng của Jaspers, một hiện sinh đúng nghĩa phải là một hiện sinh hướng về Siêu Việt Thể chính là Thượng Đế.
4.      Soi vào hiện sinh, con đường tới siêu việt
Như đã trình bày, hiện sinh của Jaspers là hiện sinh trong tương quan với Siêu Việt Thể. Hiện sinh chỉ có ý nghĩa khi đặt mình trên con đường tiến tới gần Thượng Đế là nguyên ủy của mình. Vì thế có thể nói Siêu Việt thể là cùng đích của hiện sinh. Giống như Augustin, Jaspres cho rằng: hiện sinh không thể an nghĩ trong mình nó. Nó chỉ được thỏa mãn trong hữu thể siêu việt. Không có tương quan này hiện sinh không đáng là hiện sinh nữa. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thể nào để hiện sinh đạt tới nguyên ủy của mình.
Jaspers cho rằng nếu dùng lý luận để tìm Thượng Đế thì Thượng Đế chỉ là một sản phẩm của tâm trí con người. Do đó chúng ta không thể tiến tới Thượng Đế bằng con đường lý luận nhưng bằng con đường của tượng số. Tượng số là những biểu tượng qua đó ta nhận ra cái vô cùng, cái cùng kỳ lý của vũ trụ. Điều này có nghĩa là vạn vật có một ý nghĩa sâu xa của nó mà ai với mức hiện sinh của mình sẽ chịu khó suy nghĩ thì qua đó sẽ gặp được đấng Siêu việt. Jaspers đề cập đến bốn loại tượng số là vũ trụ, ý thức con người, lịch sử tinh thần con người và hiện sinh của mỗi nhân vị. Trong bốn loại trên thì loại tượng số sau cùng là quan trọng nhất. Như đã nói ở trên hiện sinh đích thực là hiện sinh trong tương quan với Siêu Việt Thể cho nên qua hiện sinh chúng ta có thể và dễ dàng nhận biết Siêu Việt Thể nhất.
Như trên đã phân tích, tự do chính là yếu tố cao quý nhất của hiện sinh. Tuy nhiên cũng vì là hiện sinh nên con người còn bị giới hạn bởi thân xác trong hoàn cảnh sống hàng ngày. Vậy nên tự do của hiện sinh cũng bị giới hạn hay điều kiện hóa với những hoàn cảnh sống cụ thể, vào những tâm tình và giáo dục của ta. Như vậy, trên con đường tiến lên siêu việt, con người gặp phải bức tường là những giới hạn của mình. Chính những bức tường này giúp cho ta chạm trán với Đấng Siêu Việt. Chính trong những hoàn cảnh bị giới hạn như đau khổ, tội lỗi, bệnh tật và cái chết mà ta dễ tiếp xúc với Siêu việt hơn.
Chính trong những kinh nghiệm đau thương mà con người nhận thấy những giới hạn, những yếu đuối, những bất toàn của mình. Và cũng chính trong những hoàn cảnh đó, con người lại càng thấy mình cần đến Thượng đế và nhất là càng dễ tiếp xúc và cảm nhận sự hiện diện của Thượng Đế hơn.
Kinh nghiệm đức tin chính là kinh nghiệm gặp gỡ. Nhìn lại lịch sử đời ta, nhất là những lúc khó khăn thất vọng chúng ta sẽ dễ nhận thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Những tri thức đến từ lý trí dĩ nhiên vẫn rất cần để soi sáng và hướng dẫn đời sống đức tin của ta. Tuy nhiên một cuộc gặp gỡ và tiếp xúc thật sự chỉ xảy ra trong kih nghiệm cuộc sống hàng ngày. Đó cũng chính là kinh nghiệm của người Do Thái. Qua bao biến cố đau thương trong lịch sử cứu độ, dân Israen đã tha thiết kêu cầu và nhận ra sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa. Những kinh nghiệm như thế chúng ta có thể gặp thấy trong rất nhiều thánh vịnh, chẳng hạn như : Sóng tử thần dồn dập chung quanh, thác diệt vong làm tôi kinh hãi,… Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa, kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi. Từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu, lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người. (x.Tv 18, 5-7). Như vậy, chính khi nhìn lại những kinh nghiệm trong cuộc hiện sinh của chính mình hay của những hiện sinh xung quanh mà ta nhận ra sự hiện diện của Đấng Siêu Việt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét