Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Giàu có để làm gì?

Nếu hỏi mọi người có muốn giàu có không thì có lẽ ai cũng sẽ trả lời là có. Thế nhưng nếu hỏi tiếp giàu để làm gì thì có lẽ sẽ có vô vàn câu trả lời khác nhau.
Gần đây, dư luận hay bàn tán xôn xao về các đại gia Việt Nam: Nào là mua xe khủng, đám cưới tổ chức vài chục tỷ, nào là ăn chơi sành điệu, sống đúng phong cách, đẳng cấp. Trong khi đó, ở một thái cực khác, nhiều người, nhiều gia đình suốt đời chỉ ao ước có một “ngôi nhà mơ ước” mà cũng không có. Đó phải chăng là nghịch lý mà đồng tiền mang lại: kẻ ăn không hết, người làm không ra.
Đến đây tôi lại nhớ đến Quách Tĩnh, một nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung. Quách Tĩnh được mọi người biết đến như là “chàng khờ”. Thế nhưng Kim Dung lại khéo léo “sắp xếp” để cho “chàng khờ” này có một cuộc tranh luận với Thành Cát Tư Hãn về đề tài Anh Hùng. Thành Cát Tư Hãn hãnh diện cho mình là Anh hùng vì đã đánh Tây dẹp Bắc, thâu tóm đất khắp cả thiên hạ. Quách Tĩnh chỉ cần một câu hỏi đã làm đảo ngược tình thế! Chàng hỏi: “thế khi chết người ta cần bao nhiêu đất?” Thành Cát Tư Hãn bất ngờ trước câu hỏi này và càng khó chịu hơn với cách lý luận “đơn sơ” của Quách Tĩnh : nếu khi chết họ chỉ cần một thước đất để nằm thì việc gì khi sống phải chiếm cho được nhiều đất, để rồi gây ra bao cảnh tang thương. Dù có chút cay đắng, nhưng trước cách lý luận của “chàng khờ”, Thành Cát Tư Hãn đành phải “cất” đi niềm kiêu hãnh của mình.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Mầu nhiệm thánh ý Chúa (Lc 9,43-56)

Tuần XXV - thứ Bảy

43 Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ : 44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời." 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy. 46 Một câu hỏi chợt đến với các ông : trong các ông, ai là người lớn nhất ? 

Tai nạn thảm khốc xảy ra, trời như sụp đổ. Những người đang trong độ tuổi sung mãn nhất của đời người phải nằm đất động hoặc ra đi mãi mãi. Đối diện với những hoàn cảnh đó, con người không ngừng thốt lên câu hỏi tại sao. Tại sao lại là tôi? Tại sao là gia đình tôi chứ không phải ai khác? Thiên Chúa ở đâu? Ngài muốn gì? Có những người ngã gục trước những câu hỏi không lời giải đáp nhưng cũng có những người mạnh mẽ đứng dậy sau những tháng ngày miệt mài tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

"Biết" Đức Giê-su (Lc 9,18-22)

Ngày 27: Thánh Vinh Sơn Phaolô
Tuần XXV - thứ Sáu
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : "Dân chúng nói Thầy là ai ?" 19 Các ông thưa : "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." 20 Người lại hỏi : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Phê-rô thưa : "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa." 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói : "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."
 Chúng ta không được nhìn một người nông dân nghèo hay một phụ nữ nghèo theo dáng vẻ bên ngoài của họ, hay theo cảm nghĩ của chúng ta về trình độ hiểu biết của những người ấy, … Nhưng nếu nhìn dưới ánh sáng đức tin, chị em sẽ thấy họ là hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo… (thư của thánh Vinh Sơn Phaolô gửi cho các Nữ tử Bác ái).

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Hoán cải là gì?

Làm thế nào để sự lựa chọn của ta và ân sủng của Thiên Chúa kết hợp với nhau?

Trong sách Công vụ Tông đồ, thánh Luca kể một số câu chuyện về những người dân ngoại gia nhập Giáo hội sơ khai như thế nào. Trong vài thế kỷ đầu, tiến trình điển hình gồm ba giai đoạn: loan báo Phúc âm, sự hoán cải và sau đó là phép rửa.
Ngày nay, trình tự này có thể sẽ khác nhưng cả ba yếu tố này vẫn là thiết yếu: loan báo Phúc âm_chia sẻ Tin Mừng; hoán cải_một quyết định từ bỏ thế gian và trở về cùng Thiên Chúa; phép rửa_sự dồi dào của ân sủng Chúa để tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi và biến thành con cái Thiên Chúa cũng như là thành viên của Giáo hội. Chúng ta hãy lần lượt nhìn vào ba yếu tố chìa khóa này.

Trở nên sự thắc mắc cho người khác (Lc 9,7-9)

                                                      Tuần XXV – thứ Năm

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói : "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy." Kẻ khác nói : "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy !" Kẻ khác nữa lại nói : "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại." Còn vua Hê-rô-đê thì nói : "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?" Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

Trong tác phẩm “Dân Làng Hồ” (tường thuật về công cuộc truyền giáo tại Kontum), cha cố Ân (Dourisboure) đã thuật lại những lời thắc mắc của người dân bản địa về các thừa sai ngoại quốc như sau: Tại sao các ông từ bỏ cha mẹ, từ bỏ gia đình, quê hương đất nước để đến nơi khỉ ho gà gáy này? Các ông không thương yêu cha mẹ, gia đình sao? Các ông không sợ khổ sao? Các vị thừa sai đã trả lời những câu hỏi của họ bằng chính cuộc đời mình.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 8,19-21)

Tuần XXV - thứ Ba

 Người ta báo cho Đức Giê-su biết : "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." Người đáp lại : "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
Khởi đầu năm mới, hầu như mọi người Công giáo đều muốn chọn cho mình một câu Lời Chúa (hái lộc) để làm kim chỉ nam hướng dẫn đời sống mình trong năm mới. Đây là một thói quen tốt lành và rất đáng được phát huy! Thế nhưng thực tế nhiều khi ta chỉ làm theo thói quen, theo phong trào, vì thử hỏi sau khoảng 3 tháng, mấy ai trong chúng ta còn nhớ câu Lời Chúa của mình là gì?
Có lẽ những lo toan của cuộc sống đã chiếm hết thời gian. Và rồi Lời Chúa giống như hạt giống được gieo vào giữa bụi gai, bị bóp ghẹt giữa bộn bề cuộc sống. Cũng có thể ta sống quá hời hợt, do đó Lời Chúa như hạt giống gieo bên vệ đường, bị chim trời là những thú vui tạm bợ tha mất. Thế nhưng sâu xa, có lẽ do chúng ta thiếu thói quen “nghe và thực hành” Lời Chúa. Chúng ta nghe nhưng thiếu một quyết tâm, hoặc có quyết tâm nhưng thiếu dấn thân, quyết tâm chưa mãnh liệt, do đó chúng ta dễ dàng buông xuôi.
Đức Giê-su luôn nhấn mạnh Lời của Người không phải chỉ để nghe mà thôi nhưng còn phải đem ra thực hành. Chính khi thực thi Lời Chúa chúng ta mới trở thành những môn đệ đích thực. Cựu ước cũng luôn nhấn mạnh đến việc phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Vâng phục có gì khác hơn là nghe và đem ra thực hành!

Lạy Chúa, chúng con đã nghe Lời Chúa rất nhiều nhưng chưa chú tâm thực thi bao nhiêu. Xin cho con có đủ can đảm để thực thi và sống Lời Người mỗi ngày một trọn vẹn hơn.

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Cách thức lắng nghe (Lc 8,16-18)

Tuần XXV - thứ Hai

 “Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất" (Lc 8,18).
Vừa bước ra khỏi nhà thờ, có người hỏi tôi, bài Tin Mừng hôm nay nói về điều gì vậy. Tôi bất chợt giật mình và bắt đầu lục lọi ký ức. Chắc hản đó là kinh nghiệm mà nhiều người đã trải qua. Đơn giản là bởi ta nghe Lời Chúa với một trí lòng đóng kín.
Các nhà tu đức có nhiều chỉ dẫn về cách thức lắng nghe và đọc Lời Chúa, nhưng tựu trung là phải sẵn sàng để cho Chúa Thánh Thần tác động. Người sẽ có nhiều cách thức để tác động nơi ta. Đó có thể là sự tác động nơi trí tưởng tượng, hoặc cũng có thể là sự tác động nơi trí hiểu giúp ta có một sự liên hệ thực tế để dễ hiểu Lời Chúa hơn. Đó cũng có thể là sự tác động nơi trái tim giúp ta thêm lòng yêu mến Chúa và tha nhân hơn, hoặc đó là sự tác động nơi ý chí giúp ta thêm quyết tâm thực thi Lời Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp con mỗi khi lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, để Lời Chúa luôn là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Các thiên thần là ai?

Ngày 29: Tổng Lãnh Thiên Thần

Từ “thiên thần” được dịch từ tiếng danh từ Hy-lạp là angelus có nghĩa là “sứ giả, người đưa tin”. Kinh Thánh có đề cập đến các thiên thần nhưng không cho biết con số bao nhiêu (cũng không có sự phân biệt giữa các thiên thần và tổng lãnh thiên thần). Kinh thánh có nhắc đến vài vị xem ra có danh tánh riêng như Micael, Raphael, Gabriel nhưng các nhà chú giải vẫn hoài nghi, không chắc đó là tên riêng hay chỉ là biệt hiệu nhằm diễn tả một sứ vụ của họ.
Theo nguyên gốc Do-thái, Micael có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa?”, được nói tới ở sách Daniel (10,13), quen được giải thích là vị lãnh đạo các thiên sứ để đương đầu với Satan (Kh 12,7-12). Raphael có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chữa” và xuất hiện trong sách Tobia. Gabriel có nghĩa là “người của Thiên Chúa” cũng được nói tới ở sách Daniel (8,16; 9,21-22) và đặc biệt trong Tin Mừng Luca khi nói về cảnh truyền tin cho ông Dacaria và Đức Maria.

Những người phụ nữ theo Đức Giêsu (Lc 8,1-3)

 Tuần XXIV - thứ Sáu

Ngày 20: thánh Anrê Kimtêgon và các bạn, tử đạo

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ đặt tựa đề cho đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là: “Những người phụ nữ đi theo Đức Giê-su”. Quả thật, trong ba câu ngắn ngủi thì chỉ có một câu đầu tiên là vừa đề cập đến sứ vụ của Đức Giê-su vừa đề cập đến Nhóm Mười Hai. Hai câu còn lại, tác giả Tin Mừng dùng để kể đến các Bà. Các bà vừa được kể tên vừa được kể thêm một yếu tố để xác định, chẳng hạn như: là người đã được chính Đức Giê-su chữa bệnh và trừ quỷ hay là vợ ông Khu-da, quản lý của vua Hêrôđê. Hơn nữa, tác giả Tin Mừng còn nói đến vai trò của các bà trong sứ vụ của Đức Giê-su: đó là cùng đi với Người và lấy của cải mình mà giúp đỡ. Nhìn kỹ danh sách trên, ta thấy những phụ nữ theo Đức Giê-su gồm đủ mọi hạng người: giàu sang có, bình dân có, bị quỷ tấn công có, những người vô danh cũng có.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Kinh Mân Côi với gia đình: Gia đình sống thánh ý Thiên Chúa

Thứ ba: Đức Ma-ri-a sinh Chúa Giê-su nơi hang đá
Chủ đề: Gia đình sống thánh ý Thiên Chúa

Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa (Gs 24,15)

Thánh ý Thiên Chúa bước đầu đã được thực hiện. Mẹ đã đón nhận Đấng Cứu Thế vào cung lòng mình, thánh Giuse đã đón nhận, che chở và chăm sóc cho hai mẹ con, Ngôi Hai đã nhập thể giữa lòng nhân loại. Mỗi người một cách thế khác nhau, nhưng từng thành viên trong gia đình thánh gia đã vui vẻ và mau mắn đón nhận cũng như chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Thánh ý Thiên Chúa là trung tâm của đời sống gia đình. Mọi thành viên từ bỏ những ý riêng của mình để phục vụ thánh ý Thiên Chúa, làm cho thánh ý được thể hiện giữa lòng nhân loại. Một khi đón nhận và sống thánh ý Thiên Chúa, gia đình thánh gia đã góp phần mang ơn cứu độ đến cho nhân loại.
Các gia đình ngày nay ít dành thời gian cho Thiên Chúa. Còn đâu những bữa cơm thân mật quây quần trong tâm tình tạ ơn! Còn đâu những giờ kinh thiêng liêng thân thưa với niềm phó thác! Thiên Chúa không còn là trung tâm của đời sống gia đình. Ngài dường như không đủ sức quy tụ gia đình lại với nhau. Ngài cũng chẳng còn là “đối tượng” được ưu tiên hàng đầu trong mọi quyết định của gia đình. Người ta sẵn sàng li dị hay chia tay, người ta đang tâm phá thai hay đưa ra những quyết định trái nghịch luân lý mà chẳng quy về giáo huấn của Chúa. Người ta đặt lợi ích của bản thân lên trên tất cả chứ không phải là tìm và thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình biết đặt Chúa ở trung tâm của đời sống. Xin cho trong mọi quyết định, gia đình luôn hướng về Chúa là Đấng gìn giữ và dẫn dắt mọi biến cố, để gia đình thực sự là nơi tình yêu Chúa được thể hiện trọn vẹn.

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Hai cách đón tiếp Đức Giê-su (Lc 7,36-50)

Tuần XXIV - thứ Năm

Bài Tin mừng ngày hôm nay nói đến hai cách tiếp đón Đức Giê-su.  Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu và một người phụ nữ tội lỗi. Ông Pha-ri-sêu, chắc hẳn là một người nổi tiếng trong thành, là chủ nhà, đã mời Đức Giê-su đến dùng bữa với mình; còn người phụ nữ, cũng là người nổi tiếng trong thành, nhưng chị được gán mác là một người tội lỗi. Tuy chỉ là một người “khách không mời mà đến” nhưng chị lại “đón tiếp” Đức Giê-su cách đặc biệt. Một loạt những hành động của chị chắc hẳn đã gây sửng sờ cho những ai chứng kiến. Thực vậy, chị không dám đến trước mặt Đức Giê-su nhưng chỉ rón rén đứng đàng sau, khóc sụt sùi, để nước mắt tưới ướt chân Người, lấy tóc mà lau, cúi xuống hôn lên đôi chân của Đức Giê-su và lấy dầu thơm mà đổ lên. Cách đón tiếp này hoàn toàn khác với cách đón tiếp lạnh nhạt của ông chủ nhà Pha-ri-sêu.

Đừng lấy mình làm trung tâm (Lc 7, 31-35)

Tuần XXIV – thứ Tư 



           “Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
            mà các anh không nhảy múa ;
            tụi tôi hát bài đưa đám,
            mà các anh không khóc than.”

Đó là lời trách hờn của những đứa trẻ lấy mình làm trung tâm và bắt những đứa trẻ khác phải làm theo ý mình, bất chấp tâm tình và ý muốn của chúng ra sao. Thực ra, đó chẳng phải là thái độ của những đứa trẻ mà thôi nhưng là đặc trưng của mỗi người chúng ta: Lấy mình làm trung tâm và muốn người khác chiều theo ý mình. Một khi không được như ý thì ta nói họ thế này, thế nọ. Ta đứng ở thế của một quan tòa luôn nắm giữ chân lý để phê phán người khác chứ ít khi suy xét lại thái độ của mình. Điều tệ hơn nữa, chúng ta không chỉ cư xử với nhau như thế mà thôi nhưng đôi khi ta cũng cư xử với Thiên Chúa như vậy!

Nhiều khi ta không tìm hiểu thánh ý Thiên Chúa để điều chỉnh đời sống của mình nhưng bắt Chúa phải chiều theo sở thích của ta. Khi cầu nguyện, ta không xin cho “ý Cha được thể hiện” nhưng muốn Cha chiều theo ý mình. Khi gặp một biến cố đau buồn, ta không hỏi “con phải làm gì?” nhưng chất vấn “tại sao như vậy?”.

Lạy Chúa, xin cho con đủ khiêm tốn để nhìn nhận mình và tôn trọng tha nhân. Xin cho con biết khiêm nhường để phó thác đời con theo thánh ý Ngài.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

KHÔN KHÉO (Lc 16, 1-8)

Chúa nhật 25, năm C

“Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”.
                                                                   Khôn khéo của người đời
Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, mỗi một quyết định đưa ra cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán thiệt hơn và đòi hỏi sự khôn ngoan. Chẳng hạn có người còn giảm giá 50% giá trị sản phẩm để bán được hàng, thế nhưng không ai cho đó là dại. Họ sẵn sàng bỏ qua cái lợi trước mắt để có được cái lợi lâu dài hơn. Đó chính là khôn ngoan của người đời.
Suy niệm
Bài tin mừng hôm nay, Đức Giê-su kể câu chuyện về người quản gia. Ông đoán được tương lai ảm đạm của mình nên đã tính toán rất kỹ và đã chọn lựa cho mình giải pháp tốt nhất.
Theo tục lệ, người quản gia có quyền hưởng một phần lợi nhuận từ những gì chủ đã cho vay. Người quản gia này giảm nợ cho các con nợ tức là hy sinh phần lợi nhuận của chính mình. Việc làm này đã chiếm được tình cảm của các con nợ. Đức Giê-su khen ông ta không phải vì phung phí của cải ông chủ nhưng vì đã hành động khôn khéo để đảm bảo cho tương lai của mình.
Qua câu chuyện này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta biết hy sinh những lợi nhuận trước mắt để được bảo đảm cho tương lai. Dám bỏ qua cái lợi trần thế để chọn lựa cái lợi Nước Trời, đó mới là sự khôn ngoan đích thực mà người tín hữu phải lựa chọn mỗi ngày.
 Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết chọn lựa Chúa, dù cho sự lựa chọn khó đòi hỏi con phải có nhiều hy sinh, vì con biết rằng những hy sinh đó sẽ mang lại cho sự sự bảo đảm của Nước Trời.

Bảy sự thương khó của Đức Ma-ri-a

Ngày 15: Đức Mẹ sầu bi

Ngay sau ngày lễ “Suy tôn thánh giá ” Chúa Giê-su (ngày 14.09), Giáo hội mừng kính lễ “Đức Mẹ sầu bi ” hay còn gọi là lễ kính nhớ “bảy sự thương khó ” của Đức Ma-ri-a. Việc tôn sùng bảy sự thương khó Đức Trinh Nữ Maria, được một linh mục đạo đức là cha Jean de Coudenberghe thiết lập.


Sau đây là bảy hoàn cảnh đặc biệt đã làm cho Đức Trinh Nữ phải sầu khổ:


1. Lời tiên tri của Simêon.
2. Cuộc chạy trốn qua đất Ai cập.
3. Việc lạc mất Chúa Giêsu tại Giêrusalem.
4. Việc Chúa Giêsu vác thánh giá.
5. Việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
6. Việc hạ xác Chúa Giêsu khỏi Thánh giá.
7. Việc táng xác Chúa Giêsu trong mồ.

Trước đây, lễ này được cử hành vào ngày thứ sáu trước Chúa nhật Thương khó để cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Thế với những đau khổ mà Đức Ma-ri-a phải chịu. Xong, vì Giáo hội muốn thời gian mùa Chay chỉ tập trung vào cuộc khổ nạn của Đức Giê-su mà thôi nên lễ này được dời lại như ngày nay. Tuy vậy, việc cử hành ngay sau lễ “Suy tôn thánh giá “ của Đức Giê-su cũng cho thấy sự thông phần đau khổ của Mẹ với Con yêu dấu của mình.

Trong bài đọc một trích thư gửi tín hữu híp-ri chúng ta đọc thấy như sau: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (Hr 5,8-9). Cũng vậy, ta có thể nói: Dầu là Mẹ Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a cũng nếm trải những đau khổ cuộc đời trước khi đón nhận ơn cứu độ. Mẹ là người đầu tiên được hưởng hoa trái của ơn cứu độ nhưng cũng chính Mẹ là người kết hiệp trọn vẹn với những đau khổ của Đức Giê-su. Qua thánh lễ này, xin cho những ai đang gặp đau khổ ý thức được rằng họ đang “nên một” với Đức Ki-tô trong những đau khổ của đời này và rồi họ cũng sẽ được “nên một” với Người trong vinh quang thiên quốc.

Lạy Chúa, khi Đức Ki-tô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội thánh Chúa biết noi gương Thánh Mẫu mà kết hợp với Đức Ki-tô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Đức Ki-tô (Lời nguyện của ngày lễ 15.09).

 Tài liệu tham khảo
Theo vết chân Người, ngày 15-09.


Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Lễ Suy tôn Thánh Giá

Ngày 14: Suy tôn Thánh Giá

Thánh Kim Thông đáp lại quan tỉnh rằng: "Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được!" Thánh giá là biểu tượng của niềm tin, của sự tôn thờ, của ơn cứu độ. Các thánh đã thà chết để tỏ lòng tôn kính thánh giá chứ không chịu bước qua.

Đức Giê-su đến làm đảo lộn mọi giá trị trần gian. Những gì trần gian cho là thấp hèn, yếu kém, tầm thường, Đức Giê-su nâng lên thành những giá trị mang lại ơn cứu độ, miễn sao chúng được đón nhận trong niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh. Đau khổ ư? Buồn sầu ư? Nghèo khổ ư? Bị vu khống đủ điều ư? Bị bách hại ư? Tất cả đều mang giá trị cứu độ nếu ta biết kết hợp chúng với mầu nhiệm khổ giá và phục sinh của Người.

Từ lâu, cây thập giá là biểu tượng của cái chết ô nhục, nhưng từ khi được vinh dự đón nhận Con Thiên Chúa, nó trở thành biểu tượng của niềm tin, của chiến thắng và của ơn cứu độ: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Phải yêu kẻ thù như thế nào? (Mt 5,43-45)

Tìm hiểu từ ngữ
Đức Giê-su từng dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Nhiều người không thể hiểu nổi cũng như cảm thấy không thể thực hiện được điều răn này. Liệu Đức Giê-su có đòi hỏi chúng ta quá đáng chăng? Để hiểu rõ hơn lời mời gọi này, chúng ta cần tìm hiểu xem điều thực sự Đức Giê-su muốn nói ở đây là gì.
Trong tiếng Việt, “yêu” là động từ được dùng để diễn tả mọi “tình yêu” nói chung. Trong khi đó, các bản văn Tin Mừng dùng đến 4 động từ tiếng Hy Lạp khác nhau để diễn tả “tình yêu”.
Trước hết là động từ eraô (động từ này là gốc của danh từ erôs). Động từ này được dùng để diễn tả tình yêu lãng mạn và trần tục. Nó gắn liền với cảm xúc, với sự hấp dẫn phái tính theo bản năng và tự phát. Đôi khi nó cũng ám chỉ đến tình yêu thân mật.
Động từ thứ hai là stergô. Động từ này diễn tả tình yêu trong các mối tương quan nơi gia đình. Tình yêu này không tìm công trạng vì nó tự xuất phát bởi sự ràng buộc của các mối tương quan. Chẳng hạn tình yêu tự nhiên giữa cha mẹ dành cho con cái, của anh em dành cho nhau.
Động từ thứ ba là phileô. Động từ này diễn tả tình yêu bằng hữu, tình cảm thân mật giữa hai người bạn với nhau. Tình yêu này thường bao hàm một lời đáp trả, một sự hỗ tương.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Ý nghĩa Danh Thánh Ma-ri-a

Ngày 12: Kính Danh Thánh Đức Ma-ri-a 


Lễ kính Danh Thánh Đức Ma-ri-a được cử hành trước hết ở Cuenca, Tây Ban Nha vào ngày 12/09/1513. Năm 1683, đức thánh cha Innocentê XI cho mừng trong toàn thể Hội thánh để tạ ơn Chúa và Đức Ma-ri-a vì trận chiến thắng tại Vienne, chấm dứt đường tiến sang Châu Âu của Hồi giáo. Năm 1970 lễ này không còn nằm trong lịch phụng vụ cải tổ nhưng lại được tái lập vào năm 2002.

Vậy đâu là ý nghĩa của ngày lễ này? Xét về tầm nguyên, Ma-ri-a có gốc tiếng Do Thái là Miryam. Đây là một tên gọi phổ biến và có nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của tên gọi này. Tuy nhiên, cách giải thích thuyết phục hơn cả là từ Miryam được ghép từ một từ gốc Ai cập và một từ gốc Do Thái. Hai từ này ghép lại có nghĩa là “người được Chúa yêu thương”. Tên này rất hợp với Đức Ma-ri-a, người được thiên sứ Gabriel chào là “kẻ được Thiên Chúa sủng ái”.

Khi kính Danh Thánh Đức Ma-ri-a, chúng ta muốn hợp lời với thiên sứ Gabriel và bà Ysave để ngợi khen Mẹ vì đã được Thiên Chúa đoái thương chọn làm thân mẫu của Chúa Cứu Thế. Vì thế chúng ta tin rằng Mẹ cũng đang quan tâm đến ơn cứu độ của mỗi người chúng ta. Đó cũng là ý nghĩa của kinh “Kính Mừng” trong đó Danh Ma-ri-a được lặp lại hai lần: lần thứ nhất mang tính chất chúc tụng ngợi ca, còn lần thứ hai thì mang tính chất khẩn cầu.


(Tóm lược từ “Hiểu để sống đức tin” của cha Phan Tấn Thành, O.P., tập 1)    

Trách nhiệm làm chứng (Lc 6,39-42)

Tuần XXIII - thứ Sáu

Có người nói rằng: Một cha xứ thánh thiện thì giáo dân đạo đức, một cha xứ đạo đức thì giáo dân bình thường, một cha xứ bình thường thì giáo dân tội lỗi. Dĩ nhiên không phải là tuyệt đối, nhưng câu nói trên cho thấy tầm ảnh hưởng của những người có trách nhiệm phải “dẫn dắt” người khác. Nó không chỉ đúng cho cha xứ mà thôi nhưng còn có thể áp dụng cho bất kỳ người Ki-tô hữu nào, bởi mọi tín hữu đều có nhiệm vụ “chiếu tỏa” đời sống của mình bằng ánh sáng mà họ đã nhận trong ngày rửa tội. Điều này càng đặc biệt quan trọng với các giáo lý viên, những người làm cha, làm mẹ trong gia đình, những thầy cô giáo nơi trường học, những tín hữu sống trong môi trường không Ki-tô giáo.

Mù mà lại dắt mù được sao? Trò không thể hơn thầy, có học hết cũng chỉ bằng thầy mà thôi!  

Mỗi người đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương. Mỗi người được mời gọi “phản chiếu” hình ảnh đó qua lời nói, việc làm, cách cư xử và tâm tình trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không thể trách giới trẻ sống đạo hời hợt nếu chúng ta cũng chỉ giữ đạo hình thức. Chúng ta không thể mời gọi người khác trở thành Ki-tô hữu nếu chúng ta chưa chu toàn bổn phận của mình. Chúng ta không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp nếu chúng ta chưa trở nên tốt hơn mỗi ngày. Chúng ta chưa thể góp phần xây dựng hòa bình nếu gia đình chúng ta vẫn còn những trục trặc.


Lạy Chúa, xin giúp con ý thức trách nhiệm làm chứng của mình, để qua đời sống của con, mọi người nhận ra tình thương của Chúa.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI TỘI NHÂN

Chúa nhật XXIV, năm C (Lc 15, 1-10)

“Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”.
Từ một phiên tòa
Gần đây có một phiên tòa gây nhiều sự chú ý trong dư luận. Đối tượng chưa tròn tuổi thành niên nhưng đã ra tay sát hại rất dã man cả một gia đình. Tội ác đã rõ. Đến ngày xử án, người xem chỉ mong nhìn thấy một sự ăn năn hối cải nơi đương sự. Thế nhưng, mọi người đều thất vọng vì từ đầu đến cuối phiên tòa, vẫn là một gương mặt lạnh lùng, không chút ăn năn.
Suy niệm
Đức Giê-su khẳng định: người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, kẻ ốm đau mới cần. Người đến để chữa lành bao tâm hồn tan vỡ, bao tội ác chất chồng. Thế nhưng, vẫn phải có một điều kiện là hối nhân phải biết ăn năn sám hối.
Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư xầm xì vì họ ganh tỵ với những người tội lỗi. Đức Giê-su thì mời gọi chúng ta hãy quảng đại thứ tha và vui mừng hớn hở vì một người tội lỗi biết ăn năn sám hối.
Cuộc sống quanh ta vẫn có rất nhiều người tội lỗi. Thậm chí chính chúng ta cũng là kẻ tội lỗi đáng thương. Vậy chúng ta chọn lựa thái độ của những người Pha-ri-sêu và kinh sư hay thái độ của Đức Giê-su?
Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, là thân phận mỏng dòn yếu đuối, chúng con hay phạm tội với Chúa và với tha nhân. Mỗi lần phạm tội, xin cho con nhớ rằng tình thường Chúa vẫn luôn chờ đợi, để mỗi lần hối cải ăn năn là chúng cho nhận tình tình yêu tha thứ của Chúa.

Chúa nhật XXIV, năm A

chưa có nội dung

Chúa nhật XXIV, năm B

chưa có nội dung

Tuần XXIV - thứ Hai

chưa có nội dung

Tuần XXIV - thứ Ba

chưa có nội dung

Tuần XXIV - thứ Tư

chưa có nội dung

Tuần XXIV - thứ Năm

chưa có nội dung

Tuần XXIV - thứ Sáu

chưa có nội dung

Tuần XXIV - thứ Bảy

chưa có nội dung

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Sách Thánh Cựu ước gồm bao nhiêu quyển?

Nếu đối chiếu bộ Kinh Thánh giữa Công giáo và Tin lành ta sẽ thấy có một sự khác biệt. Các sách Cựu ước của Công giáo có 46 cuốn trong khi các sách Cựu ước của Tin lành chỉ có 39 cuốn. Vậy do đâu mà có sự khác biệt này?
Để tìm hiểu nguyên do, ta cần trở lại với lịch sử hình thành Sách Thánh của người Do thái. Việc thu gom các sách thánh một cách chính thức đã được người Do thái thực hiện từ lâu (trước lưu đày) nhưng vẫn chưa định hình được bộ Quy điển Kinh Thánh. Lý do là một số sách đã được xác định về ơn linh hứng cũng như chân lý mạc khải nên được nhìn nhận là Sách Thánh (39 cuốn). Tuy vậy cũng có một số sách chưa được xác định rõ ràng.  
Trong khi đó, tại Alexandre, một số cộng đồng Híp-ri không còn hiểu tiếp Hipri nên đã sử dụng một bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Hy lạp. Bản dịch này được gọi là bản “Bảy Mươi” vì theo truyền thống, bản này đã được phiên dịch bởi 70 học giả. Trong bản dịch này, ngoài 39 cuốn của những người Hipri ở Palestin còn có một số sách được viết trực tiếp bằng tiếng Hy lạp hay được dịch sang tiếp Hy lạp mà bản gốc bằng tiếng Hipri không còn. Dĩ nhiên người Hipri ở Palestin không thể chấp nhận điều này.
Các Ki-tô hữu trong thời kỳ đầu đã phân tán khắp đế quốc, nơi mà tiếng Hipri không được dùng phổ biến mà thay vào đó là tiếng Hy lạp. Chính vì thế, các Ki-tô hữu này khi dùng đến các sách Cựu ước thì dùng Bộ Quy điển Kinh Thánh bằng tiếp Hy lạp. Điều đó cũng có nghĩa là họ cũng sử dụng 7 cuốn đang còn tranh cãi này (Kn, Hc, Br, Tb, Gdt, 1,2Mcb).
Để phản ứng lại việc này, cũng như việc phản ứng các Ki-tô hữu nhìn nhận Đức Giê-su người Nazaret là Đấng mà Cựu ước đã tiên báo, quãng năm 100 SCN, trong Thượng Hội Đồng Do Thái giáo tại Jamnia, các thầy Rabbi đã chính thức khóa sổ Sách Thánh gồm 39 cuốn (được gọi là Quy điển Giêrusalem để phân biệt với Quy điển Alexandre).
Như vậy, vào thời kỳ đầu, Giáo hội Công giáo đả sử dụng phổ biến bộ Kinh thánh theo Quy điển Alexandre, dù rằng chưa chính thức công bố con số chính xác. Khi Marin Luther khởi sự cuộc ly giáo vào năm 1517 và muốn đi theo Quy điển ngắn của người Hipri, Giáo hội Công giáo, qua sắc lệnh “De Canonicis Scripturis” ban hành ngày 8.4.1546, công đồng Trent Quy điển Kinh Thánh được xác định cách dứt khoát gồm cả 7 cuốn mà Tin lành từ chối. Bảy cuốn này còn được gọi là “Đệ nhị Quy điển” với ý nghĩa là được đưa vào Quy điển Kinh Thánh ở giai đoạn thứ hai.
Thực ra, 7 cuốn sách này trình bày cho ta những đạo lý quan trọng như sự sống lại của kẻ chết, vấn đề thiên thần, quan niệm thưởng phạt, khái niệm kuyện ngục. Khi loại bỏ 7 sách này là loại bỏ những mắc xích quý giá đối với sự tiến triển và duy nhất của mạc khải. Vì thế hiện nay, một số bản Kinh Thánh của Tin lành đã xếp 7 cuốn này ở cuối cùng. Hy vọng rằng trong một tương lai gần, 7 cuốn này được nhìn nhận một cách chính thức để phục hồi lại sự hiệp nhất vốn đã có từ ban đầu.

Tóm lược từ cuốn “Chúng ta biết gì về Kinh thánh?” của tác giả Ariel Álvarez Valdés (lm Vũ Lượng O.P chuyển ngữ).

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Hi sinh theo Thầy (Lc 14, 25-33)

Chúa nhật XXIII, năm C


“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Hi sinh vì cuộc sống tạm bợ
Ngày nay, con người đang hi sinh rất nhiều để đạt được một mục đích nào đó. Có những mục tiêu chính đáng như học hành giỏi giang, cuộc sống thành đạt, gia đình hạnh phúc. Nhưng cũng có những mục tiêu bình thường hơn như giàu sang, danh vọng, địa vị. Thế nhưng cũng không thiếu những mục tiêu thật nực cười, chẳng hạn một chàng trai sẵn sàng bán đi một quả thận của mình để có tiền mua một chiếc Ipac!
Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta hi sinh cho một mục tiêu cao cả hơn, đó là làm môn đệ Người. Đây là một hi sinh rất quyết liệt vì cái giá phải trả rất đắt, đó là gia đình, người thân và cả chính mình. Hi sinh này không phải là một sự ghét bỏ nhưng là đặt tình yêu dành cho Thầy Giê-su lên trên hết. Vì mục tiêu cao cả nên đối tượng hi sinh cũng phải cân xứng.
Chính vì vậy, đây không phải là một chọn lựa hời hợt, trái lại, Đức Giê-su đòi hỏi mỗi người phải suy xét cho thật kỹ trước khi quyết định, kẻo rồi lại bỏ cuộc nửa chừng.
Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ xem ta đã thực sự chọn lựa làm môn đệ Thầy Giê-su chưa? Ta đã hi sinh gì cho sự chọn lựa này?
Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, hi sinh quả thật là một khó khăn, nhất là phải hi sinh chính bản thân mình. Thế nhưng vì mục tiêu cao cả là làm môn đệ Thầy, xin cho con tinh thần hăng hái, nhiệt tình dấn thân để vác thập giá mình hằng ngày theo Thầy.

Tình yêu vượt trên tất cả

Tuần XXIII – thứ Hai

“Đầu tiên là tiền đâu” là câu nói mang âm hưởng chán nản của những người bất lực trước thế lực của đồng tiền. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã trở thành quy luật bất thành văn của thời đại. Muốn được chữa bệnh nghiêm túc ư? Muốn được một môi trường giáo dục chất lượng ư? Muốn có một công việc ư? Đa số những khát vọng chính đáng của con người đều gặp phải trở lực của quy luật này. Xã hội vốn đã có nhiều quy luật chính đáng để giúp ổn định, nay người ta lại tạo ra quy luật khác để làm khổ nhau! Xét cho cùng, quy luật nào không đạt trên nền tảng tình yêu hay không nhằm phục vụ con người, đó là quy luật chết.
Bài Tin Mừng hôm nay dường như cũng cho thấy một sự một sự xung khắc nào đó, thế nhưng Đức Giê-su đã giải quyết tình huống này bằng quy luật của tình yêu. Các Kinh sư và Pharisêu là những người duy luật. Đối với họ nhìn đâu cũng thấy luật. Luật là trên hết. Cứ dựa vào luật mà đánh giá nhau. Họ quên rằng luật chỉ là biểu hiện bên ngoài của một Thiên Chúa yêu thương. Do vậy, trước người bại tay, thay vì để tình yêu triển nở, họ lại đóng lòng mình và tìm cách ngăn cản người khác qua việc rình rập Đức Giê-su.
Trái lại, Đức Giê-su không để mình bị gó bó trong lề luật hay nói đúng hơn, Người thiết lập một quy luật mới: luật của yêu thương. Tình yêu vượt trên tất cả mọi lề luật. Tình yêu cho ta tự do để hành động mà không lệ thuộc vào quy tắc nào khác.

Chúng ta cũng hay đối xử với nhau, bắt bẻ nhau dựa trên những quy tắc khô khan. Chúng ta cũng chỉ nhìn thấy luật lệ chứ không nhìn được nền tảng của luật. Mọi luật lệ, quy tắt của con người phải được xây dựng và hành xử theo quy luật của tình yêu. Chỉ có luật của tình yêu mới là luật trọn hảo.

Lựa chọn cách hành xử (Lc 6,12-19)

Tuần XXIII – thứ Ba

Đời người luôn phải đối diện với những quyết định quan trọng. Khi đó, mỗi người sẽ có cách hành xử khác nhau: có người bình tĩnh để suy xét vấn đề, có người lo lắng hỏi han những người có kinh nghiệm, có người bối rối đi “xem thầy”, “xem tướng”, có người lo sợ chỉ biết phó mặc “ý trời”, có người can đảm đón nhận mọi biến cố như là sự tất yếu, có người cầu trời khấn phật để được che chở hộ phù.
Đức Giê-su đến thế gian trong thân phận con người. Người cũng trải qua những thời điểm quan trọng cần phải quyết định. Những lúc như thế, người đã hành xử như thế nào?
Đức Giê-su đến thế gian là để thực hiện thánh ý của Chúa Cha. Do vậy, Người luôn cầu nguyện để kết hợp ý mình với thánh ý Thiên Chúa, nhất là trong mọi quyết định quan trọng. Chẳng hạn trước khi chọn các môn đệ để kế nghiệp Người trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Người đã thức suốt nhiều đêm để lên núi cầu nguyện. Lên núi cầu nguyện là tách mình ra khỏi những bận bịu lo toan của cuộc sống; là đi vào thanh vắng để gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe Thiên Chúa; là từ bỏ ý riêng mình để tìm thực hiện thánh ý Thiên Chúa.
Là người môn đệ Đức Giê-su, chúng ta sẽ có thái độ như thế nào? Chúng ta dành thời gian để cầu nguyện và lắng nghe ý Chúa hay chúng ta để mình cuốn theo những lo toan tính toán? Chúng ta tin tưởng vào những quyết định của mình với ơn trợ giúp của Thiên Chúa hay chúng ta tin vào những phán quyết hão huyền? Chúng ta can đảm đón nhận mọi biến cố (dù có những lúc ta không thể giải thích) để rồi bình tĩnh nhìn chúng dưới ánh sáng đức tin hay chúng ta chán nản, thất vọng và buông xuôi tất cả?

Lựa chọn một thái độ sống tích cực và đúng đắn chắc hẳn chẳng dễ dàng bao giờ, tuy nhiên không vì thế mà ta bỏ cuộc. Cuộc sống mời gọi chúng ta hãy hoàn thiện mỗi ngày dưới ơn trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng Hoàn Thiện.

Phúc cho những ai đang vì Con Người mà bị người ta oán ghét (Lc 6,20-26)

Tuần XXIII - thứ Tư 

Những ngày qua, tin tức các tín hữu đang bị bạch hại khắp nơi vọng về. Điều đó đôi lúc khiến tôi tự hỏi vì sao họ phải chịu nhiều thiệt thòi như vậy? Vì sao bất công vẫn luôn ngự trị và lấn lướt? Rồi đây số phận của họ sẽ ra sao? Tại sao Thiên Chúa lại để những điều đó xảy ra?

Bài Tin Mừng ngày hôm nay phần nào gợi mở cho tôi câu trả lời. “Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ mà nói”: "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa”. Người không trình bày các mối phúc một cách chung chung như ở trong Tin Mừng Matthêu nhưng là đang trình bày cho các môn đệ. Người nói “phúc cho anh em” chứ không phải “phúc cho ai”. Dường như trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đang nhắn nhủ trực tiếp với các môn đệ, là những người đã tin và đang đi theo Người. Người thấy trước tương lai của họ, một tương lai đầy khó khăn với những bắt bớ, oán ghét, khinh khi, nhục mạ. Nhưng lời của Người cũng đầy an ủi bởi rồi đây họ sẽ nhận được phần thưởng lớn lao!

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su tiên báo những khó khăn cho ai lựa chọn đi theo Người. Khó khăn là điều không thể tránh khỏi bởi chính bản thân Người cũng đã trải qua những khó khăn như thế! Hơn nữa, nhờ những khó khăn Người trải qua mà chúng ta được đón nhận ơn cứu độ. Khó khăn, tự nó không có giá trị, nhưng nó sẽ có giá trị cho những ai biết kết hợp những khó khăn mình đang chịu với cuộc khổ nạn của Đức Giê-su.


Đức Giê-su dường như vẫn đang ngước mắt lên nhìn và nói với mỗi người chúng ta: Phúc cho anh em… chúng ta chỉ ý thức khó khăn là một mối phúc khi chúng ta biết đón nhận nó với thái độ vâng phục. Chỉ trong mầu nhiệm khổ giá của Đức Ki-tô chúng ta mới tìm được câu trả lời cho chính những khó khăn của chúng ta, bởi “này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

Tuần XXIII - thứ Năm

Chưa có dữ liệu

Tuần XXIII - thứ Bảy

chưa có dữ liệu

Ai là người thân cận của tôi ? (Lc 10, 25-37)

Chúa nhật XV, năm C

Bài Tin mừng ngày hôm nay đưa chúng ta vào trọng tâm của giáo lý Do Thái giáo và Ki-tô giáo. Thực vậy, nhà thông luật đã đại diện cho toàn thể các tín hữu mọi thời đại để hỏi Đức Giê-su (dù cho ông chỉ muốn thử Người) câu hỏi quan trọng nhất: Phải làm gì để được sự sống đời đời? Qua câu trả lời của chính ông, một cách gián tiếp, Đức Giê-su cũng trả lời cho tất cả chúng ta bằng cách nhắc lại điều răn của Cựu Ước. Một điều răn căn bản mà hầu như tất cả mọi người đều biết, đó là luật mến Chúa và yêu người mà Cựu Ước đã thường xuyên nhắc đi nhắc lại.
Tuy nhiên nhà thông luật đã nêu lên một vấn nạn quan trọng, đó là: Ai là người thân cận của tôi? Theo ngôn ngữ tiếng Việt, người thân cận ám chỉ những người bà con trong gia đình, chòm xóm láng giềng gần gũi hay bạn bè thân thuộc. Xa hơn nữa, người thân cận ám chỉ những người nghèo khổ khó khăn cần sự giúp đỡ. Đây cũng chính là quan niệm của người Do Thái.
Theo não trạng của người Do Thái, chỉ những người Do Thái mới là thân cận của nhau. Còn những người khác như dân ngoại, người Sa-ma-ri không những không phải là người thân cận mà còn là những người đáng ghê tởm vì họ không cùng tôn giáo. Dù cho sách Lê-vi (x. Lv 19, 34) và sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 10, 18-19) dạy rằng những người ngoại kiều sống trong đất Do Thái cũng phải được đối xử tử tế và được yêu mến nhưng thực tế thì điều đó rất khó xảy ra.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Sinh nhật Đức Ma-ri-a (8-9)

Xét dưới khía cạnh lịch sử, không có sử liệu nào nói đến ngày sinh của Đức Ma-ri-a. các tài liệu Tân ước cũng chỉ cho ta biết Đức Ma-ri-a là người Nazarét, đã thành hôn với Giuse và là mẹ của Đức Giê-su mà thôi. Tuy nhiên, theo truyền thống cũng như sách “Tiền Phúc âm của Giacôbê” thì song thân của Đức Ma-ri-a là ông Gioakim và bà Anna. Ngoài ra, tác giả cuốn sách trên còn cho biết nhiều chi tiết về thời thơ ấu của Đức Ma-ri-a cũng như cuộc sống của song thân ngài. Tuy thế, ngày sinh của ngài cũng không được nhắc tới. Điều này cũng thật dễ hiểu vì thời đó có mấy ai để ý đến ngày sinh của mình như thời nay, huống gì là ngày sinh của người khác!
Xét dưới khía cạnh phụng vụ, có hai giả thuyết về ngày lễ này. Giả thuyết thứ nhất, lễ kính sinh nhật Đức Ma-ri-a vào ngày 8.9 bắt nguồn từ Giêrusalem. Vào thế kỷ thứ V, một ngôi nhà thờ được cất lên vào chô mà truyền thống cho rằng là nơi bà Anna đã sinh Đức Ma-ri-a. Có thể ngôi nhà thờ này được cung hiến vào ngày 8.9! Giả thuyết thứ hai cho rằng bên Đông Phương trước kia, ngày 8.9 trùng vào những ngày đầu năm dân sự, do vậy người ta muốn kính nhớ Đức Ma-ri-a vào những ngày đầu năm này. Đến giữa thế kỷ thứ VI hoặc đầu thế kỷ thứ VII lễ này được truyền bá sang Tây Phương.
Xét dưới khía cạnh thần học, lễ này liên quan đến bản thân Đức Ma-ri-a cũng như đến lịch sử cứu độ. Vì lòng quý mến Đức Ma-ri-a, Giáo hội muốn nhắc nhớ đến từng biến cố trong cuộc đời của Mẹ. Xem lịch phụng vụ trong một năm ta sẽ thấy những thánh lễ dành cho Mẹ cũng tương tự những thành lễ dành Đức Giê-su, con yêu dấu của Mẹ. Như vậy, Giáo hội vừa muốn nhắc chúng ta về mối tương quan mật thiết giữa Đức Ma-ri-a với Chúa Giê-su đồng thời cũng mời gọi ta noi theo các nhân đức của Mẹ trong cuộc đời. Lễ này cũng nhắc nhớ chúng ta về một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ. Lịch sử cứu độ diễn ra với cao điểm là biến cố Nhập thể của Đức Giê-su. Do đó, ngày sinh nhật của Đức Ma-ri-a coi như là chấm dứt giai đoạn chuẩn bị. Người Mẹ ra đời báo hiệu sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế trong nay mai.
Tài liệu tham khảo
Phan Tấn Thành, Hiểu để sống đức tin, tập 1

Kinh Mân Côi với gia đình: Chia sẻ trong gia đình

      Mầu nhiệm vui
Thứ hai: Đức Ma-ri-a đi thăm bà Ê-li-sa-bét
Chủ đề: chia sẻ trong gia đình
Chớ để (tâm) hồn con chìm đắm trong phiền muộn, cũng đừng để mình nặng trĩu những ưu tư” (Hc 30,21)

Được tin người chị họ đang mang thai khi tuổi đã xế bóng, Đức Ma-ri-a đã “vội vã lên đường”. Hình ảnh Mẹ hăng say băng đồi vượt dốc cho thấy niềm vui và nhu cầu cần được chia sẻ trong cuộc sống. Thời gian ba tháng sống bên nhau là thời gian hai người mẹ tương lai tâm sự với nhau về những điều lạ lùng Thiên Chúa đã can thiệp trong cuộc đời mình, về niềm vui cũng như những băn khoăn lo lắng cho tương lai của hai con trẻ, và chắc chắn là còn về nhiều điều khác nữa trong cuộc sống.

Tâm sự với nhau thực sự là nhu cầu cần thiết trong mọi gia đình. Qua đó, những nỗi niềm, những ưu tư, những khát vọng được nói lên, được lắng nghe và được chia sẻ. Ngày nay, nhiều gia đình không sắp xếp được thời gian để ngồi trò chuyện trực tiếp với nhau. Những cuộc trò chuyện trên điện thoại, qua máy tính nhiều khi còn nhiều hơn là tiếp xúc trực tiếp với nhau. Hậu quả là con người dần trở nên khô cứng, vô cảm.

Lạy Chúa Giê-su, chia sẻ với nhau chính là một cách để thông chia tình yêu và sống mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin cho các gia đình biết trân trọng những giây phút bên nhau và dành thời gian cho nhau. Trong những giờ quây quần đáng quý đó, xin Chúa hiện diện giữa họ và đồng hành với họ trong mọi biến cố vui buồn của gia đình. Amen. 

Kinh Mân Côi với gia đình_Hồng ân sự sống

Mầu nhiệm vui

Thứ nhất: Thiên thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a

Chủ đề: Hồng ân sự sống

Con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127,3)

Đang tận hưởng cuộc sống bình yên giữa làng quê êm ả Nadarét, bỗng đâu sứ thần xuất hiện với thông điệp bất ngờ. Tuy có chút bối rối, nhưng khi biết sự sống mà mình sẽ cưu mang đến từ Thiên Chúa và là hồng ân cho cả nhân loại, Đức Ma-ri-a đã vui nhận đáp lời xin vâng.
Mỗi một mầm non sự sống đều là ân lộc Chúa ban. Chính Thiên Chúa đã thiết lập quy trình tình yêu: hoa trái của tình yêu chính là một sức sống mới. Dẫu cho thực tế, có những sự sống không phải là kết quả của tình yêu nhân loại, nhưng chắc chắn khơi nguồn từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là chủ sự sống đã thổi sinh khí vào con người. Một vài phụ huynh có thể lo âu về sự sống này, nhưng nếu họ hiểu rằng mọi người bước vào trần gian đều mang theo một sứ mệnh thì có lẽ họ sẽ không nở từ chối các mầm non sự sống này.

Lạy Chúa, càng ngày càng có nhiều người mẹ đang tâm bỏ đi sự sống do chính mình góp phần tạo nên. Xin cho họ, nhờ lời chuyển cầu của mẹ  Ma-ri-a, nhận ra sự sống không phải là một món nợ nhưng là một quà tặng, không phải là tội lỗi nhưng rất linh thiêng, không phải là bóng tối hướng về quá khứ nhưng là ánh sáng chiếu đến tương lai, nơi sự sống đó sẽ thi hành sứ mệnh độc đáo duy nhất của mình. Amen.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Cầu nguyện cho cuộc khủng hoảng Syria: Cầu cho những người lính


“Ðối với những ai hy sinh phục vụ tổ quốc trong quân ngũ, họ cũng phải coi mình như những người đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc. Và nếu họ chu toàn bổn phận này, họ thực sự đóng góp vào việc củng cố hòa bình” (Hiến chế Mục vụ, số 79).

Hình ảnh những người lính mặc quân phục, tay cầm vũ khí, đã trở nên nỗi ám ảnh cho nhiều người. Giáo huấn của Giáo hội nhìn nhận sự hiện diện cần thiết của họ nhưng giáo huấn cũng nói rõ nhiệm vụ của họ là “đem lại an ninh và tự do cho các dân tộc”. Như vậy, người lính không phải là hình ảnh của sự bạo lực, chết chóc nhưng là người gìn giữ hòa bình. Nhiệm vụ của họ là mang lại sự an tâm và an toàn cho người dân. Họ là những người gìn giữ quyền lợi không chỉ cho đất nước của họ mà thôi nhưng là “cho các dân tộc”.

Xin Chúa cho những người lính biết ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ cao quý của mình. Xưa kia, trên thập giá, Chúa đã xin Cha tha tội cho những người lính vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23,34), nay, xin Chúa cũng thứ tha cho những người lính chưa ý thức đủ về vai trò và trách nhiệm của mình. Đồng thời, xin Chúa cũng soi sáng để họ có thể chu toàn tốt bổn phận của mình hầu góp phần vào việc xây dựng và củng cố hòa bình. Amen.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Cầu nguyện cho cuộc khủng hoảng Syria: Cầu cho những nạn nhân


Một cuộc tấn công bị nghi ngờ có sử dụng vũ khí hóa học. Hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng, hàng trăm người chết, trong đó có nhiều trẻ em.

Lạy Chúa, một lần nữa, những người dân đơn sơ chất phác trở thành nạn nhân của một cuộc khủng hoảng chính trị. Thay vì an vui với cuộc sống thanh bình, sớm chiều làm lụng kiếm sống, nay họ phải sống trong cảnh nơm nớp lo âu. Thay vì hằng đêm gia đình đoàn tụ, nay họ phải sống trong cảnh chia lìa. Thay vì sống trong một căn nhà ấm cúng, nay họ phải lủi thủi kiếm chỗ nương thân. Thay vì tin tưởng và phó thác vào Thượng Đế, nay bao nghi vấn gợi lên trong đầu họ. Thay vì cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, nay họ nghi kỵ và căm thù nhau.


Xin đừng bỏ rơi họ, Lạy Chúa. Trong cuộc sống dương thế, Chúa cũng đã trải qua những kinh nghiệm đau thương này, những kinh nghiệm đau thương của thân phận con người. Nhưng rồi, Chúa đón nhận tất cả vì vâng phục thánh ý Chúa Cha cũng như vì yêu thương chúng con. Xin Chúa biến những đau thương thành cơ hội để họ nhận ra những giá trị cao quý khác trong cuộc sống. Xin Chúa biến những thất vọng thành cơ may để họ tìm về nương tựa vào Đấng là Núi Đá Bền Vững. Xin Chúa chạm đến những tâm hồn đang đau khổ để họ cảm được sự êm ái dịu ngọt của Chúa. Xin Chúa thực hiện nơi họ mối phúc mà Ngài đã hứa khi nói: “Phúc cho ai sầu khổ vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,5). 

Cầu nguyện và cầu bầu cho hòa bình tại Syria

Đây là kinh nguyện cho ngày 2 trong một tuần cầu nguyện cho Syria. Chiến dịch cầu nguyện được cơ quan Bác Ái Công Giáo trợ giúp cho Giáo Hội nghèo khó.
trích nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/113749.htm 

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu,
Xin lắng nghe tiếng than khóc của người dân Syria
Xin nâng đỡ những ai chịu đau khổ vì bạo tàn
Xin an ủi những ai đang thương khóc kẻ chết
Xin ban sức mạnh cho các nước láng giềng của Syria để họ tiếp đón những người tị nạn
Xin cải hóa tâm hồn những người đang cầm vũ khí
Và bảo vệ cho những ai đang dấn thân kiến tạo hòa bình.
Lạy Thiên Chúa của niềm hy vọng,
Xin soi sáng cho các vị lãnh dạo để họ lựa chọn hòa bình thay vì chiến tranh, và tìm kiếm sự hòa giải với những kẻ thù của họ
Xin đốt nóng Giáo Hội hoàn vũ với ngọn lửa của sự thương cảm đối với người dân Syria
Và ban cho chúng con niềm hy vọng cho một tương lai được xây dựng trên công lý cho tất cả mọi người
Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Hoàng Tử của Hòa Bình và Ánh Sáng thế gian.
Amen

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Thái độ của đức tin (Lc 4,16-30)

Tuần XXII - thứ Hai

Sau khi đã nổi tiếng khắp vùng, Đức Giê-su quyết định trở về quê quán của Người. Hẳn dân làng Na-da-rét cũng đã nghe đồn thổi về Người. Giờ đây, tại hội đường của quê hương, chính tai họ lại được nghe những lời ân sủng thốt ra từ miệng Người và họ đã không giấu được sự thán phục của mình.
Thế nhưng, với họ như thế vẫn chưa đủ. Làm sao họ có thể chấp nhận chuyện một người mà họ nghĩ là mình biết rất rõ, một người đã lớn lên giữa họ, lại trở thành một người nổi tiếng sau một thời gian ngắn vắng mặt? Câu hỏi của họ liên quan đến nguồn gốc của Đức Giê-su vừa bày tỏ sự ngạc nhiên vừa lộ vẻ khinh miệt. Lòng kiêu căng và tính ích kỷ đã ngăn cản họ. Do vậy, chỉ dựa vào những lời hay ý đẹp của Người mà thôi thì chưa đủ. Họ còn muốn chứng kiến những phép lạ! Họ nên giống cha ông mình, cứng lòng trước các ngôn sứ.
Đức Giê-su hiểu thấu tâm can họ nhưng Người không chiều theo đòi hỏi của họ. Phép lạ Người làm là để bày tỏ quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không phải để thoả mãn sự tò mò của con người. Người cũng không muốn người khác tin nhận mình chỉ dựa vào các phép lạ mà thôi, vì đó là một niềm tin không có nền tảng vững chắc. Niềm tin cần phải được đặt nền trên toàn bộ sứ vụ của Đức Giê-su, nghĩa là cả cuộc sống và công trình cứu độ mà Người thực hiện.
Khi không được đáp ứng, họ nổi cơn thịnh nộ và muốn giết Người. Đó là thái độ của người Do thái xưa kia. Thế còn thái độ của chúng ta ngày nay thì sao?
Chúa Giê-su đã nói: Phúc cho ai không thấy mà tin (Ga 20,29). Vậy thì chúng ta là những người có phúc vì chúng ta đã không nghe trực tiếp những lời Người nói và không thấy tận mắt những việc Người làm. Thế nhưng chúng ta đã sống đức tin đó như thế nào? Liệu có phải lúc nào chúng ta cũng xác tín vững vàng vào Thiên Chúa hay không? Có lẽ ít ai trong chúng ta dám khẳng định điều đó. Vì thực tế trong cuộc sống, đức tin của chúng ta bị thử thách rất nhiều và ắt hẳn đã có lần chúng ta tỏ ra nghi ngờ niềm tin của mình.
Thực vậy, trong cuộc sống ngày nay, đức tin của chúng ta đang đối diện với rất nhiều thử thách. Thử thách đó có thể là những sự dữ đang xảy ra quanh ta hay cho chính chúng ta, đó có thể là những tai ương bệnh tật, là nghèo đói đau khổ, là bất công oan ức. Nhất là khi đối diện với những nghịch cảnh đó, chúng ta cầu nguyện nhưng không thấy Chúa nhận lời.
Chúng ta vẫn đến nhà thờ, vẫn tham dự thánh lễ, đọc kinh và làm các việc đạo đức, vẫn nghe lời Chúa thường xuyên, thế nhưng đời sống đức tin của chúng ta vẫn khô khan nguội lạnh! Chúng ta vẫn giữ đạo nhưng gia đình thì đổ vỡ, con cái thì hư hỏng, công việc làm ăn đôi khi cũng thất bại. Đó là những lúc đức tin của chúng ta bị thử thách nặng nề.
Trong những lúc như thế, liệu chúng ta có thách thức Thiên Chúa hay khiêm tốn để sẵn sàng lắng nghe và tìm hiểu thánh ý Người; liệu chúng ta ủ rũ thất vọng và trách móc Thiên Chúa hay chúng ta tin tưởng, cậy trông và tín thác vào tình thương Thiên Chúa.
Quả thật, nhiều lúc chúng ta cảm thấy Chúa vắng bóng trong cuộc đời mình, thế nhưng thực tế thì Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Do vậy, để đứng vững trong đức tin đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rất nhiều. Hơn thế nữa, chúng ta cần ý thức chính bản thân mình để khiếm tốn nói như các tông đồ: Con tin, nhưng xin thầy thêm đức tin cho chúng con (x. Lc 17,5).
Đức tin là một hồng ân, chính Chúa Thánh Thần ngự trong linh hồn và thúc giục chúng ta tin tưởng, yêu mến Thiên Chúa. Chính vì thế, để nuôi dưỡng và gia tăng đức tin, chúng ta phải cầu nguyện không ngừng. Nhất là khi chúng ta đang sống trong năm đức tin, năm mà Giáo hội mời gọi mỗi người hãy tái khám phá lại đức tin của mình, đồng thời gia tăng niềm tin ấy mỗi ngày. Một trong những cách thức cụ thể mà Giáo hội đề nghị cho mỗi người, đó là xây dựng mối tương qua gần gũi, thân mật với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ chúng ta.

 Gợi ý chia sẻ:
1.      Có khi nào đức tin của bạn bị lung lay?

2.      Bạn có kế hoạch nào để sống năm đức tin cách cụ thể hơn?

Khiêm nhường đích thực là cho đi chính bản thân mình (Lc 14,1.7-14)

Chúa nhật XXII, năm C

“Có qua có lại mới toại lòng nhau”, nhân gian vẫn thường quan niệm như thế. Đó cũng là quy tắc ứng xử thông thường trong cuộc sống. Ngày nay, dòng đời được đánh dấu bằng những bữa tiệc, nào là thôi nôi, sinh nhật, cưới hỏi, kỷ niệm hôn phối, giổ quảy, v.v.. những bữa tiệc nhiều đến nỗi nó trở thành một hình thức trả lễ, một nghĩa vụ phải chu toàn.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không nhằm đưa ra một quy tắc ứng xử. Người cũng không dạy ta một bài học nhân bản về đức khiêm nhường. Đó cũng chẳng phải là một nghệ thuật sống: chọn chỗ cuối để được mời lên chỗ nhất. Điều Người muốn dạy ta là nhân đức khiêm nhường đích thực: Khiêm nhường là cho đi chính bản thân mình.

Khi đãi tiệc hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Theo Tin mừng Luca, đây là những từ diễn tả sự quy tụ của Nước Trời. Khi mời những đối tượng trên, chủ tiệc không thể mong đợi sự đáp trả, và như thế là ông cho đi không chỉ những gì ông có hay dư thừa nhưng là cho đi chính bản thân mình. Ông cho đi chính mồ hồi, nước mắt của ông. Đó là sự cho đi của tình yêu.

Chính đứa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về cả hai khía cạnh của bài Tin Mừng hôm nay. Người đã khước từ địa vị vốn có của mình để tự nguyện chọn lấy chỗ rốt hết trên trần gian này, đó chính là cây thập giá. Bằng lựa chọn này, Đức Giê-su không chỉ cho chúng ta những gì Người có hay sở hữu, nhưng là cho đi chính mạng sống Người. Nhờ sự cho đi này, Người đã quy tụ muôn dân nước trong bữa tiệc Nước Trời. Chuyện còn lại tùy thuộc vào thái độ đáp của chúng ta nữa mà thôi.


Qua bài Tin Mừng này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy sống khiêm nhường, không phải để được tôn vinh trước mặt người đời nhưng là trước mặt Thiên Chúa. Muốn vậy, ta phải dám cho đi chính bản thân mình để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, để quy tụ mọi người trong bàn tiệc Thiên Quốc.