Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Chiều kích liên đới trong Bí tích Thánh Thể


Trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su đã cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ. Một loạt những hành động của Đức Giê-su được thực hiện trên một tấm bánh. Cùng một tấm bánh, Người đã bẻ ra và trao cho các môn đệ. Cũng vậy, từ một chén rượu, Đức Giê-su cũng thánh hóa và trao cho các ông. Hành động “bẻ ra” và “trao” cho thấy tất cả các môn đệ đều liên đới với nhau và cùng liên đới với Thầy chí thánh của mình. Lời dặn dò: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19) như là lời nhắc nhở “anh em” hãy liên đới với nhau qua việc làm này để qua đó liên đới với Thầy và nhờ việc này mà liên đới với tất cả mọi người. Đó cũng chính là ba chiều kích của sự liên đới trong bí tích cực trọng này.
Chiều kích liên đới với Đức Giê-su trong bí tích Thánh Thể là một chiều kích lớn, và mang tính kết hiệp, thông hiệp nhiều hơn là liên đới. Thực vậy, với Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi kết hiệp với Người qua việc rước Mình và Máu Thánh; với “anh em” chúng ta được nhắc nhở đến chiều kích hiệp thông trong những chi thể của cùng một thân thể; nhưng với những “người ngoài” thì chúng ta được mời gọi liên đới với họ trong tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ hơn là sự hiệp thông. Do đó bài viết này chủ yếu suy tư về hai chiều kích còn lại, liên đới giữa các “anh em” với nhau và liên đới giữa “anh em” với “người ngoài”. Hơn nữa hai chiều kích này không được suy tư cách riêng biệt nhưng được lồng ghép vào nhau và phân thành hai mục, đó là liên đới với những người nghèo cũng như liên đới với những người vắng mặt.
1.      Liên đới với người nghèo
Trước hết, bí tích Thánh Thể là bí tích liên đới với những người nghèo, những người nghèo thực sự, cái nghèo của vật chất, của cơm ăn áo mặc và đây là cái nghèo của phần đông nhân loại đang phải trải qua trong cuộc sống hàng ngày hiện nay. Làm sao để bí tích Thánh Thể làm cho những người nghèo cảm thấy no đủ?
Trong phép lạ Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất (x. Mt 14, 13-21), khi thấy dân chúng đi theo rất đông nhưng họ không có gì ăn, các môn đệ đưa ra một giải pháp là giải tán đám đông, về họ vào các làng mạc mà tự kiếm lấy thức ăn. Đây có thể xem là một giải pháp khôn ngoan nhưng Đức Giê-su không đồng ý, Ngài đề nghị một giải pháp mang tính liên đới hơn, đó là chính anh em hãy cho họ ăn. Giải pháp này làm cho các ông băn khoăn vì các ông chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Nhưng liên đới là vậy. Sự liên đới không bao giờ một một giải pháp dễ dàng. Nó đòi hỏi mỗi người phải dấn thân, phải có trách nhiệm và thậm chí chịu liên lụy với người cần được liên đới. Sự liên đới đòi hỏi rất nhiều nhưng không hề gì, vì có Đức Giê-su ở giữa họ.
Mặc dù bữa tiệc ly năm xưa là bữa ăn riêng của Đức Giê-su và các Tông đồ với nhau, thế nhưng ý nghĩa của bữa ăn không chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Đúng hơn, đó là bữa ăn mà Đức Giê-su đã thiết lập để các môn đệ (những người tin qua các thế hệ) tiếp tục cử hành trong sự hiệp thông và liên đới với nhau. Nếu như khi còn sống trên dương gian, Đức Giê-su quan tâm đến những người nghèo như thế nào thì khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su cũng ưu tiên cho người nghèo như vậy. Trong bí tích Thánh Thể, mọi người phải liên đới với nhau và người nghèo phải là đối tượng ưu tiên của sự liên đới đó.
Các môn đệ ý thức được điều đó nhưng không phải luôn thực hiện được như vậy. Thực vậy, đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô Tông đồ gửi cho các tin hữu ở Cô-rin-tô ta sẽ thấy rõ hoàn cảnh của cộng đoàn lúc ấy. Các tín hữu họp nhau trong lễ Bẻ bánh, khi đi họ mang theo đồ ăn. Thay vì phải chia sẻ của ăn cho nhau, nhất là những người nghèo thì họ lại tụ tập với nhau theo tính cục bộ, những người có của với những người có của. Kết cục là những người giàu có thì ăn uông linh đình còn những người túng thiếu thì bị mặc cảm và bị loại ra ngoài. Chính vì thế mà thánh Phao-lô đã khiển trách với những lời lẻ rất mạnh. Ngài nói “Thaät vaäy, moãi ngöôøi lo aên böõa rieâng cuûa mình tröôùc, vaø nhö theá, keû thì ñoùi, ngöôøi laïi say. Anh em khoâng coù nhaø ñeå aên uoáng sao? Hay anh em khinh deå Hoäi Thaùnh cuûa Thieân Chuùa vaø laøm nhuïc nhöõng ngöôøi khoâng coù cuûa? Cho neân, thöa anh em, khi hoïp nhau ñeå duøng böõa, anh em haõy ñôïi nhau. Ai ñoùi, thì aên ôû nhaø, keûo anh em ñeán hoïp maø hoaù ra ñeå bò keát aùn” 1Cr 11, 21-34. Như thế ngài nói thật “bất xứng” khi một cộng đoàn Ki-tô hữu cùng tham dự vào bữa ăn của Chúa trong sự chia rẽ và dửng dưng đối với người nghèo.
Đến thời các Giáo phụ, các ngài vẫn nhấn mạnh đến việc phải liên đới với người nghèo cũng như phải chăm sóc họ cách đặc biệt. Về việc phân phát cho người nghèo, thánh Justinô nói: “Những ai dư giả, sẽ ban phát cho kẻ khác tùy nhu cầu. Tất cả những gì thu nhận được đều được đem đến cho vị chủ tọa. Ngài sẽ giúp đỡ các trẻ mồ côi và các bà góa, di dân, tù nhân túng thiếu … và những ai cần đến như người bệnh hoạn hay vì những lý do khác. Tóm lại ngài giúp đỡ những ai cần thiết”. Ngài còn nói về cộng đoàn của mình như sau: “Chúng tôi luôn nhắc nhớ nhau về việc này. Người có của chăm sóc cho kẻ thiếu thốn, và chúng tôi giữ với nhau như thế[1]
Còn thánh Gio-an Kim khẩu khi nói về bí tích Thánh Thể thì ngài cũng nhấn mạnh đến bí tích này như là một đạo đức xã hội. Đó là việc chia sẽ cho người thiếu thốn, không được khinh chê và sỉ nhục người nghèo vì Đức Ki-tô đã hiến mình cho tất cả chúng ta. Cái nhìn của thánh Gio-an Kim Khẩu không phải là cái nhìn giảm thiểu về bí tích nhưng nó cho thấy chiều kích nhập thể của bí tích. Đó không chỉ là một bí tích để ta chiêm ngưỡng và lãnh nhận mà thôi nhưng người lãnh nhận còn có trách nhiệm làm cho bí tích được hoàn trọn trong trần thế bằng cách liên đới với những người nghèo để chính họ cũng thấy rằng mình được Đức Ki-tô hiến mình cho.
Điều này đã được Đức Gio-an Phao-lô II nhắc lại trong Tông Thư Dominicae Venae như sau: ý nghĩa chính xác của bí tích Thánh Thể, tự nó trở thành một trường học yêu thương hướng về tha nhân. Nếu việc tôn sùng Thánh Thể có giá trị đích thực, thì sẽ làm nảy sinh trong chúng ta ý thức về nhân phẩm của mọi người. Ý thức phẩm giá này trở thành lý do sâu thẳm nhất cho tương quan của chúng ta với tha nhân (số 6). Như vậy, việc cử hành và tôn sùng bí tích Thánh Thể không thể tách rời khỏi mối tương quan với tha nhân, nhất là với những người nghèo. Chính vì thế, Đức Giáo hoàng, qua Tông thư này đã gọi bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu, là nguồn mạch của đời sống đức ái. Lòng tôn sùng Thánh Thể sẽ phải đưa chúng ta đến việc thực thi đức ái (x. số 5).
Ngay nay, Giáo hội phát triển khắp nơi trên thế giới. Mỗi ngày, mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn đều cử hành tiệc Thánh Thể với một lễ vật và phẩm giá như nhau. Thế nhưng sau đó, mỗi người sẽ phải đối diện với những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống của mình. Những hoàn cảnh đôi khi trái ngược và bất công. Thậm chí đôi khi ngay trong một giáo xứ, một cộng đoàn cũng đã có sự phân biệt như thế rồi. Liệu những người nghèo có tự tin đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể như một thành viên chính thức với đầy đủ quyền lợi và phẩm giá hay không; Hay họ đến với thái độ e dè, sợ sệt hay họ được nhìn dưới những ánh mắt khinh khi, coi thường? Liệu những người nghèo có thực sự cảm thấy mình được liên đới?
Trong thánh lễ chúng ta đã có những lời nguyện xin đặc biệt cho những người nghèo, chẳng hạn như trong kinh nguyện Thánh Thể cầu cho Hội thánh trên đường hợp nhất có lời nguyện như sau: Xin Chúa mở mắt chúng con để chúng con nhận biết những nhu cầu của anh chị em, xin Chúa khơi gợi cho chúng con những lời nói và việc làm, để chúng con giúp sức cho những người làm lụng vất vả và gồng gánh nặng nề, xin cho chúng con chân thành phục vụ họ theo mẫu gương và lệnh truyền của Đức Ki-tô. Vấn đề còn lại là việc chúng ta thực thi điều đó trong cuộc sống hằng ngày bằng sự quan tâm, nâng đỡ để người nghèo cảm thấy họ thực sự thuộc về Giáo hội và Giáo hội thực sự là Giáo hội của người nghèo.
Công đồng chung Va-ti-ca-nô II cũng đã thấy rõ một khung cảnh đầy lo âu và hy vọng: Chưa bao giờ nhân loại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như ngày nay, vậy mà tới nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang quằn quại vì đói ăn và thiếu thốn, rồi không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ.[2] Sự phân cách giàu nghèo không chỉ xảy ra trên bình diện quốc tế mà thôi nhưng còn cả trong từng quốc gia, giáo xứ và cộng đoàn. Chính vì thế Công đồng đưa ra định hướng: Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền xử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái.[3] Trước con số quá lớn những người đói khổ trong thế giới, Thánh Công Ðồng thiết tha kêu gọi mọi người hoặc mọi chính quyền hãy nhớ lại lời sau đây của các Giáo Phụ: “hãy cho kẻ sắp chết đói của ăn, vì nếu không cho họ ăn tức là đã giết họ”. Tùy theo khả năng, họ nên thực sự san sẻ và dùng của cải của mình đặc biệt để giúp phương tiện cho mỗi người hoặc cả một dân tộc để chính họ có thể tự túc và phát triển.
Theo lời dạy của Công đồng, mỗi người cần ý thức trách nhiệm của mình trong việc liên đới, chia sẻ của cải với người khác, đặc biệt là những người nghèo. Có như thế chúng ta mới cho ý nghĩa của bí tích Thánh Thể nên trọn vẹn trong cuộc sống thường ngày vì Đức Ki-tô đến thế gian là để liên đới và trao hiến bản thân cho tất cả mọi người, đặc biệt, những người nghèo luôn có chỗ đứng đặc biệt trong chương trình yêu thương của Thiên Chúa.
2.      Liên đới với người vắng mặt
Bên cạnh việc liên đới với người nghèo, bí tích Thánh Thể còn được xét trong trong sự liên đới với những người vắng mặt. Những người vắng mặt ở đây có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và với nhiều lý do khác nhau. Đó có thể là sự vắng mặt thể lý, là sự vắng mặt tinh thần (cùng niềm tin nhưng không hiệp thông, xa rời cộng đoàn), và cũng có thể là sự vắng mặt tâm linh (khác niềm tin hay chưa tin). Vắng mặt có thể do hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, do bệnh tật hay do đang gặp khủng hoảng.
Đức Giê-su đến để cứu rỗi toàn thể nhân loại. Máu Người đổ ra trên thập giá là cho tất cả mọi người. Người đã muốn mời gọi tất cả nhân loại đến dự tiệc cưới Nước Trời và chính vì thế, Thánh Thể Người để lại cho Giáo hội cũng là để trao ban cho tất cả mọi người như là lương thực trên con đường tiến về quê hương vĩnh cữu. Ý thức được điều đó, Giáo hội ngay từ thời sơ khai đã đề cập đến việc mang “của ăn đàng” này đến cho những người vắng mặt trong cuộc hội họp cộng đoàn.
Thánh Justinô đã tường thuật lại việc làm này như sau: Sau khi làm phép Rửa cho người đã tin và đã gia nhập cộng đoàn, chúng tôi đưa người đó đến nơi tụ họp các người chúng tôi gọi là anh em của chúng tôi. Chúng tôi sốt sắng cùng nhau cầu nguyện cho chính chúng tôi, cho người vừa được giác ngộ, cho tất cả mọi người ở bất cứ nơi đâu, để chúng tôi, sau khi học hỏi chân lý, được ơn làm những việc lành và tuân giữ các giới răn sao cho đạt được ơn cứu độ đời đời. Kinh nguyện xong, chúng tôi hôn nhau chúc nhau bình an. Sau đó người ta đem đến cho vị chủ tọa của các anh em bánh và một chén có nước và rượu. Người cầm lấy, dâng lời ngợi khen và tôn vinh Đấng là Cha vũ trụ nhân danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần, sau đó Người đọc lên một kinh Tạ ơn dài vì tất cả các hồng ân mà chúng tôi nhận được từ Thiên Chúa. Khi vị chủ tọa đã tạ ơn, và toàn dân đã đáp lại, các thừa tác viên mà chúng tôi gọi là phó tế phân phát cho mỗi người có mặt bánh, rượu và nước đã thánh hiến, và cũng đem phần cho những kẻ vắng măt.[4] Như vậy, ngay từ thời kỳ đầu của Giáo hội, phân phát Thánh Thể (bánh và rượu đã thánh hiến) đã là phận vụ riêng của các phó tế. Những người vắng mặt không bị bỏ quên trong các buổi hội họp cộng đoàn.
Những người vắng mặt trước hết phải được hiểu là các bệnh nhân và những người già cả. Vì bệnh tật, hay tuổi tác, họ không thể hiện diện thể lý cùng cộng đoàn. Tuy vậy, trong tinh thần hiệp thông, họ vẫn hướng về cộng đoàn và cộng đoàn vẫn hướng về họ. Chính vì thế, họ luôn được nhớ tới và được dành phần riêng để không bị thiệt thòi. Cũng chính vì nhu cầu “của ăn đàng” cho những người vắng mặt này mà trong Giáo hội dần hình thành việc lưu giữ Mình Thánh Chúa trong các nhà Tạm.
Tuy nhiên, trong chiều kích rộng nhất của sự liên đới, chúng ta không chỉ liên đới với những người vắng mặt thể lý mà thôi nhưng còn là liên đới với những người vắng mặt tinh thần hay tâm linh nữa. Vì thế, mỗi khi cử hành thánh lễ, không phải là chỉ vị chủ tế với cộng đoàn đang hiện diện mà thôi nhưng đó là một sự hiệp thông liên đới với toàn thể Hội thánh, và dĩ nhiên không thể bỏ qua những chi thể của Hội thánh nhưng đang bị một tổn thương nào đó ngăn cản họ. Trong Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, Đức Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II cũng đầ cập đến sự liên đới này như sau: Hy tế Thánh Thể, dù luôn được cử hành tại một cộng đoàn cụ thể, không bao giờ là việc cử hành của một mình cộng đoàn đó mà thôi. Quả vậy, khi nhận lãnh sự hiện diện Thánh Thể của Chúa, cộng đoàn cũng nhận lãnh toàn bộ hồng ân cứu độ và tỏ lộ rằng, dù trong một dạng thức tồn tại hữu hình nhất định, nó là hình ảnh và là sự hiện diện thật sự của Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Từ đó dẫn đến hệ quả là một cộng đoàn Thánh Thể thực sự không thể khép kín vào chính mình, như thể tự mình là đủ; trái lại cộng đoàn ấy cần hòa hợp với các cộng đoàn Công Giáo khác.[5]
Không chỉ dừng lại nơi toàn thể Hội thánh mà thôi, Thông điệp còn mở rộng sự liên đới ra toàn thể thế giới: Nhờ kết hiệp với Đức Kitô, Dân của Giao ước Mới, thay vì khép kín, đã trở thành một “bí tích” cho nhân loại, một dấu chỉ và khí cụ mang lại ơn Cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện, ánh sáng cho thế giới và muối cho trần gian (x. Mt 5,13-16), nhằm cứu chuộc mọi người.[6]
Trong thánh lễ, chúng ta cũng có những lời cầu đặc biệt cho những thành phần thường vắng mặt trong chính các thành lễ đó. Những lời cầu này thường liên kết với bí tích Thánh Thể để cho thấy chính bí tích cực trọng này là nguồn mạch nói lên sự liên đới và nâng đỡ này. Chẳng hạn để liên đới với những tín hữu đang bị bạch hại, Hội thánh có lời nguyện hiệp lễ như sau: Lạy Chúa, xin cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận củng cố lòng tin của cộng đoàn dân thánh. Xin giúp các anh chị em chúng con đang trải qua cơn thử thách ngặt nghèo biết can đảm vác thập giá đi theo Đức Ki-tô; và trước mặt người thế, dám hiên ngang nhận mình là Ki-tô hữu mà không hề hổ thẹn.
Với các bệnh nhân, Hội thánh kết hợp những lời cầu xin cho các bệnh nhân với lễ vật dâng tiến để đoái xin Thiên Chúa thương chấp nhận qua lời nguyện tiến lễ như sau: Lạy Chúa, Chúa lấy tình phụ tử bao bọc chúng con, qua hết mọi thăng trầm của cuộc sống. Xin chấp nhận lễ vật chúng con dâng để cầu cho anh chị em yếu đau bệnh tật. Ước gì những lo lắng buồn phiền của chúng con vì tình trạng sức khỏe của họ, mau biến thành niềm vui và thành lời kinh cảm tạ Chúa. Và lời nguyện hiệp lễ cầu cho bệnh nhân thì nói: Lạy Chúa, Chúa để tâm săn sóc chúng con khi ban cho chúng con bánh đem lại sự sống muôn đời. Xin cũng để tâm săn sóc các anh chị em yếu đau bệnh tật. Ước gì thánh lễ này ban cho chúng con thêm lòng bác ái để chúng con hết tình lo cho anh em, nâng đỡ tinh thần họ, giúp họ mau tìm lại sức khỏe nếu đó là điều đẹp lòng Chúa.
Với toàn thể nhân loại, Hội thánh liên đới qua lời cầu xin cho các dân tộc được phát triển và có được bình an hóa thuận bên nhau: Lạy Chúa, chúng con đã tìm được sức mạnh nơi bàn tiệc thánh thể, đó là tiệc Chúa ban để quy tụ gia đình nhân loại. Xin Chúa cho bí tích chúng con vừa lãnh nhận đem lại cho chúng con một tình yêu mãnh liệt và tinh tuyền giúp chúng con tích cực góp phần vào công cuộc phát triển các dân tộc, được vậy, chúng con sẽ có thể xây dựng một xã hội công bình hơn nhờ tinh thần bác ái Ki-tô giáo.
Kết luận
Bí tích Thánh Thể tự bản chất mang tính liên đới, đó là sự liên đới của Con Thiên chúa trong việc nuôi dưỡng dân Người và ban cho dân Người lương thực trên đường tiến về quê trời. Ta cũng có thể tìm được chiều kích liên đới này qua lời dạy của các Giáo phụ, của huấn quyền Hội thánh và đặc biệt trong việc cử hành phụng vụ. Điều quan trọng là làm sao để chiều kích liên đới này ngày càng được thể hiện rõ nét hơn trong cử hành cũng như trong thực hành đời sống. Để rõ hơn trong việc cử hành, cần có thêm nhiều suy tư và hướng dẫn của các đấng có thẩm quyền và trách nhiệm. Để thực hành trong đời sống, cần có sự dấn thân của mọi tín hữu. Mỗi người phải ý thức trách nhiệm liên đới của mình, của cộng đoàn mình với tha nhân, đặc biệt là với những người nghèo, những người ốm đau bệnh tật. Có như vậy thì việc cử hành và rước Thánh Thể mỗi ngày của chúng ta mới đạt được trọn vẹn ý nghĩa, tức là nhờ được nuôi dưỡng bởi thần lương Thiên Chúa ban, mỗi người chúng ta có trách nhiệm làm cho ơn ích của thần lương đó sinh thêm hiệu hiệu quả qua đời sống bác ái của mình. Ngõ hầu mọi thành phần dân Chúa đều nhận được lương thực nuôi sống trên đường lữ hành tiến về quê trời.





[1] Trích lại trong Giáo trình, trang 209.
[2] Gs, số 4.
[3] Gs, số 69.
[4] Xc. Koch, Bearbeitet V. Günter, Bí tích học qua các tác giả, Köln, 1991, tr. 443.
[5] Xc. Gio-an Phao-lô II, Ecclesia de Eucharistia, số 39.
[6] Xc. Gio-an Phao-lô II, Ecclesia de Eucharistia, số 22.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét