Hiển thị các bài đăng có nhãn Chia sẻ Tin Mừng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chia sẻ Tin Mừng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2025

 

GIỮ CHAY ĐỂ SỐNG GẦN CHÚA HƠN

SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ 6 SAU LỄ TRO

Hai chữ Mùa Chay dễ khiến ta hiểu lầm mùa này chỉ tập trung vào việc ăn chay. Thực ra theo tiếng La Tinh, mùa này được gọi là mùa 40, chỉ thời gian mời gọi ta không chỉ sám hối mà để tập luyện nhằm củng cố đức tin, biến đổi đời sống theo Tin Mừng nhằm chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh.

Thậm chí ngay cả khi giữ chay, trọng tâm cũng không phải là việc ăn uống cho bằng thái độ sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói khi chằng rễ còn hiện diện thì hãy vui mừng đã, khi nào chàng rễ bị đem đi thì mới ăn chay. Như vậy, trọng tâm của việc giữ chay là sống kết hiệp với chàng rễ là chính Chúa Giêsu. Giữ chay không phải quy về mình nhưng là hướng về Chúa, làm sao để việc giữ chay giúp ta đến gần Chúa hơn.

Ước gì trong mùa 40 này, mỗi người biết giữ chay như thế nào để có thể gắn bó với Chúa cách mật thiết hơn.

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2025

 


PHÚC – HỌA TRONG ĐỜI (Lc 6, 17.20-26)

Phúc – họa ở đời khác nhau, tùy theo quan điểm mỗi người. Khuynh hướng tự nhiên, ta vẫn dễ lệ thuộc vào tiền tài, của cải, công danh sự nghiệp. Tiếc thay, tất cả những thứ đó cũng chỉ tạm thời, có khi phúc đó nhưng tiềm ẩn bên trong là họa.

Trở lại bài Tin Mừng hôm nay, trước một cử tọa rất đông, Đức Giêsu lại ngước mắt nhìn các môn đệ và nói. Phải chăng đó là lời mời gọi dành riêng cho các môn đệ và cũng chỉ các môn đệ mới hiểu. Quả thật, so sánh các mối phúc và họa của Chúa Giêsu, ta thấy một sự ngược đời. Thật ra, phúc họa không hệ tại ở chính sự giàu nghèo cho bằng sự gắn bó với Chúa. Đúng ra, Chúa Giêsu mời gọi ta gắn bó cuộc đời mình với Chúa để tìm niềm vui, sự bình an và hạnh phúc đích thực.

Bài đọc 1 trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia khẳng định: Ai cậy nương vào Chúa thì như cây trồng bên mạch nước, dù mùa khô hạn cũng không sợ, ngược lại kẻ cậy dựa vào người đời thì dù hạnh phúc có ở bên cạnh cũng không nhận ra.

Thánh Phaolô còn nhắc nhở ta trong bài đọc 2: nếu ta chỉ đặt hy vọng vào Đức Kitô ở đời này mà thôi thì ta là kẻ đáng thương biết bao.

Lạy Chúa, xin giúp con biết đặt hy vọng nơi Chúa, để cây đời con luôn sinh nhiều hoa trái tốt tươi.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2025

 

MẪU GƯƠNG ĐỨC TIN

Đám đông theo Chúa ba ngày trời, không có gì ăn, thế nhưng họ vẫn không bỏ cuộc, đó chẳng phải là mẫu gương đời sống đức tin cho ta đó sao?

Một cụ ông gần 90 tuổi, nhờ cha đến xức dầu, cha hỏi ông có sợ, có lo lắng không, ông cười trả lời, có Chúa rồi, con chẳng sợ gì cả. đó chẳng phải là mẫu gương cho ta sao?

Một người đàn ông trung niên, quỳ gối cầu nguyện trước khi ngủ, đó chẳng phải là gương sáng cho ta noi theo sao?

Một người dù mưa phùn gió bấc thế nào cũng luôn có mặt ở nhà thờ đúng giờ mỗi buổi sáng. Đó chẳng phải là gương tốt cho ta sao?

Một người mẹ vất vả chăm lo cho đứa con tật nguyền bao nhiêu năm nay mà chẳng kêu ca trách móc, đó chẳng phải gương sáng cho ta thì là gì?

Quả thật, quanh ta vẫn có rất nhiều gương sáng về đời sống và đức tin.

Xin Chúa giúp mở mắt, mở lòng cho con nhận ra bao điều tốt đẹp vẫn đang hiện diện quanh con.

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2025

 

LÀM VIỆC VÀ NGHỈ NGƠI – SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ 7 NGÀY 08.02.2025 (Mc 6, 30-34)

Xã hội hiện đại đang chứng kiến cảnh con người vội vã bận rộn với bao công việc. Cũng dễ hiểu thôi bởi nó xuất phát từ nhu cầu tồn tại và phát triển. Tưởng rằng máy móc xuất hiện sẽ làm thay cho con người, nhờ đó ta dễ thở hơn, nhưng không, con người phải chạy đua ráo riết nếu không muốn bỏ lại phía sau!

Lời Chúa hôm nay là lời cảnh tỉnh chúng ta trước tình trạng này.

Các Tông đồ đã làm được nhiều việc tốt và xem ra các ông đang rất háo hức và phấn khởi. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại bảo các ông hãy lánh riêng ra mà nghỉ ngơi đôi chút (Mc 6,31).

Xem ra, Chúa không đặt nặng công việc cho bằng cần có một tâm hồn tĩnh lặng. Nghỉ ngơi ở đây cũng có thể hiểu là thời gian ở bên Chúa. Một công việc dù tốt đẹp đến mấy mà không có Chúa thì cũng trở nên vô ích, bởi ta có nguy cơ đánh mất mình trong công việc. Công việc để phục vụ và nuôi sống con người cách trọn vẹn chứ không phải con người làm nô lệ cho công việc.

Ước gì mỗi người luôn biết kết hợp giữa công việc và “nghỉ ngơi” để nhờ đó ta sống cách trọn vẹn và hoàn thiện chính mình.

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

THƯƠNG CON HAY HẠI CON

Dạy giáo lý hôn nhân, khi nói về vấn đề giáo dục con cái, tôi thường nhấn mạnh đến hai cách giáo dục: một là chiều con quá đáng và trở thành nô lệ cho con, hai là ra điều kiện để tập cho con cái cố gắng.

1. Nhiều người rất chiều con cái và nhầm lẫn rằng đó là thương con. Thực ra thương con không đúng cách là hại con. Con học mẫu giáo, muốn đi học phải có hộp sữa, bịch bim bim; con lên cấp một, phải có 5 ngàn, 10 ngàn mới đi học; đến khi cấp 2 phải có xe đạp mới, cấp 3 phải mua xe máy, điện thoại, v.v.. cứ thế, cha mẹ nghĩ rằng thương con nên chiều con, hậu quả là trở thành nô lệ cho con lúc nào không hay. Con muốn gì là được đó, khi được rồi chưa chắc đã học hành đàng hoàng. Con cái nghĩ rằng cha mẹ có trách nhiệm chiều con, phải cho con điều con muốn. Nhiều trường hợp đau lòng, lúc bé đã quen chiều, lúc lớn chiều không nỗi thì con đòi tự tử, thực tế đã có nhiều trường hợp đau lòng như thế.

2. Thực ra cha mẹ thương con thực sự thì phải biết cách giáo dục con cái cho đúng để giúp ích cho con. Cũng là bịch bim bim, cũng là 5 ngàn, 10 ngàn đó, nhưng thay vì cho để con đi học thì phải ra điều kiện ngược lại, con đi học ngoan về cha mẹ sẽ cho. Muốn mua xe đạp con phải học giỏi v.v.. dần dần ta sẽ gieo vào đầu con cái suy nghĩ, muốn được cái này phải làm cái kia. Chính cha mẹ ra điều kiện để con cái cố gắng. Nó muốn thực sự thì sẽ cố gắng để đạt được. Dần dần, tập có con có ý thức vươn lên và phải cố gắng để đạt được chứ không phải cứ muốn là cha mẹ sẽ chiều. Sau này lớn lên, con cái tự có ý thức cố gắng và vươn lên trong cuộc sống.

3. Đó cũng là cách Chúa Giêsu giáo dục chúng ta về đàng đức tin. “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. “Nếu anh em tha lỗi cho người ta thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha lỗi cho anh em”. Chúa tha thứ cho chúng ta, chuyện rất dễ, nhưng để đón nhận được ơn tha thứ đó, Chúa cũng có một điều kiện nho nhỏ: anh em hãy tha thứ cho nhau. Chúa làm được, nhưng Ngài không chiều theo sở thích của ta, Ngài ra điều kiện để chúng ta cố gắng đạt được. Đó chính là cách giáo dục của Chúa.

 

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ - NGÀY 22.02

 

Vừa qua, tôi có dịp thăm một bà cố ở Giáo xứ nọ. Trong câu chuyện, bà than phiền tụi nhỏ hay vào sân nhà thờ đá bóng, có cả những đứa ngoại đạo, nhiều khi còn cải nhau. Đối với bà đó là sự bất kính và lương tâm bà áy náy vì cảnh đó.

Tôi thông cảm, vì biết bà gốc Bắc, lại mộ đạo. Tôi đành lựa lời giải thích, rằng trong nhà thờ thì phải trang nghiêm vì là nơi thờ phượng, còn tụi nhỏ chơi ngoài sân nhà thờ thì không sao. Tụi nhỏ vui đùa trong khuôn viên nhà Chúa thì chắc Chúa sẽ vui hơn là đi chơi game hay tụ tập hút thuốc, uống rượu. Thậm chí nếu vì chơi với nhau mà cải cọ hay thậm chí đánh nhau đi nữa, thì chắc Chúa cũng sẽ mỉm cười mà nghĩ trong lòng: tụi nhỏ mà!

Quả thật, lúc bé mình cũng hay đá bóng trong sân nhà thờ, có lần đang lễ mà chơi ồn ào còn bị cha xứ phạt nữa. Bây giờ mình cũng muốn con nít đến sân nhà thờ chơi. Làm sao để các em cảm thấy nhà thờ là nhà của mình. Đến nhà thờ để tìm niềm vui và gặp gỡ bạn bè, dĩ nhiên là trừ những lúc cử hành phụng vụ hay trong nhà thờ. Các em ồn ào hay cải nhau ngoài sân nhà thờ còn dễ thương hơn là người lớn đứng trang nghiêm trong nhà thờ nhưng lòng đầy thù hận hay tính toán xấu xa.

Hôm nay, mừng lễ lập Tông Tòa thánh Phêrô, theo nghĩa chặt, nhắc ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, đấng kế nhiệm thánh Phêrô coi sóc Giáo Hội hoàn vũ. Nhưng theo nghĩa rộng hơn, tôi lại nghĩ đến các ngôi thánh đường và các vị mục tử trên khắp thế giới. Ước gì tất cả các ngôi thánh đường (nơi có ghế chủ tế, một cách nào đó cũng tượng trưng cho ngai tòa Phêrô) đều là ngôi nhà thân thương mà tất cả mọi người ước mong lui tới, là nơi gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau trong thân tình và chia sẻ. Để được vậy, các vị chủ chăn phải luôn nhớ đến lời nhắc nhở của thánh Phêrô: Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên (1Pr 5,2-3).

 

HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - CHÚA NHẬT 1: THIÊN CHÚA LUÔN MỞ RA MỘT CON ĐƯỜNG

 

LỜI HẰNG SỐNG: Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. (1Pr 3,18)

LỜI SUY NIỆM: Thiên Chúa như người cha, cương quyết trước tội lỗi của con mình nhưng luôn cho con một cơ hội để sửa đổi. Quả thật, Nguyên tổ phạm tội và phải lãnh lấy những hậu quả của nó cho cả giống nòi, nhưng Thiên Chúa lại hứa ban Đấng Cứu Thế để chuộc lại lỗi lầm thay cho nguyên tổ.

Trước tình trạng tội lỗi con người ngày càng lan rộng và nghiêm trọng, Thiên Chúa đã cho cơn lụt Hồng Thủy để cảnh cáo. Thế nhưng, Người vẫn mở ra một con đường sống dành cho gia đình Nôê, những người luôn sống đẹp lòng Chúa.

Thiên Chúa mở ra cơ hội nhưng con người phải biết nắm bắt thời cơ. Vậy làm thế nào để ta đón nhận ơn Cứu Độ của Thiên Chúa? Thưa, đó là hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Đây là con đường Thiên Chúa đã mở ra và mời gọi ta bước đi. Chúa mở ra con đường, Chúa nâng đỡ ta tiến bước, nhưng ta phải bước đi bằng đôi chân của chính mình. Sám hối là điều kiện để đón nhận ơn cứu độ. Sám hối toàn vẹn là tin và sống theo Tin Mừng. Tin Mừng trước hết là chính bản thân Chúa Giêsu, sau là chính giáo lý của Người. Tin vào Tin Mừng là tin Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ Thiên Chúa đã hứa ban và sống theo những điều Người dạy ta trong Tin Mừng. Đó là tất cả những gì chúng ta cần tin, cần giữ để đón nhận ơn Cứu Độ.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con, Chúa đã mở ra một con đường và luôn sẵn sàng để đồng hành với chúng con. Xin ban ơn can đảm và kiên trì để chúng con tiến bước trên con đường đó, dù có gặp muôn vàn khó khăn, vì chúng con tin, cuối con đường đó là chính Chúa đang đón đợi chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - NGÀY THỨ 04: Loại bỏ những tật xấu

 

LỜI HẰNG SỐNG: "Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 58, 9-10)

LỜI SUY NIỆM: Cuối năm, một trong những thói quen của nhiều người là dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Khi dọn dẹp, ta loại bỏ những gì cũ kỹ không dùng đến, những gì hư hỏng hay những gì không có nhu cầu, nhớ đó, ngôi nhà trở nên gọn gàng, rộng rãi và có thể để thêm nhiều cái mới.

Cũng thế, chúng ta cần dọn tâm hồn mình một cách thường xuyên, nhất là trong mùa Chay thánh này. Lời Chúa qua ngôn sứ Isaia mời gọi ta loại bỏ những cử chỉ, lời nói gây hại cho người khác, đồng thời tập luyện những điều tốt như nhường miếng ăn cho kẻ đói, an ủi, nâng đỡ những người bị khinh thường.

Vậy mỗi người hãy nhìn lại tâm hồn hồn, xem đâu là những cử chỉ, lời nói thường xuyên xúc phạm đến vợ, chồng, con cái, anh chị em, để cố gắng loại bỏ dần dần. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta trở nên trong sạch và gọn gàng để có thể đón nhận thêm những điều mới, điều hay. Đặc biệt, bí tích Hòa giải sẽ giúp ta loại bỏ những tật xấu để tâm hồn ta trở nên nơi ở xứng đáng hơn cho Chúa ngự vào.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, mỗi một mùa Chay là một cơ hội để chúng con sửa đổi đời sống và làm lại cuộc đời. Xin cho chúng con biết tận dụng cơ hội Chúa trao để nhìn lại bản thân, để đến với Chúa qua bí tích Hòa giải và nhờ đó, để xứng đáng mời Chúa ngự vào. Amen.

 



Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - NGÀY THỨ 03: Biết tội của mình


LỜI HẰNG SỐNG:
Thiên Chúa phán: "Ngươi hãy hô to, và loan báo cho dân Ta biết sự bất trung của họ, cho nhà Giacóp biết tội lỗi của nó” (Is 58, 1)

LỜI SUY NIỆM: Một trong những điều đáng sợ của virút Côrôna đó là người nhiễm lại không biết mình nhiễm cho đến khi có những triệu chúng rõ ràng và được xét nghiệm kiểm tra, khi biết mình bị nhiễm thì có thể đã lây lan cho bao người khác rồi.

Con người vốn mỏng dòn yếu đuối và dễ phạm tội, điều quan trọng là có nhận ra tội của mình để sửa đổi hay không? Có câu nói: phạm tội là con người nhưng ở lại trong tội là ma quỷ. Vì thế, nhận biết bản thân, xin ơn tha thứ và quyết tâm sửa đổi là điều quan trong trước mặt Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng nói: cả triều thần thiên quốc sẽ vui mừng hớn hở vì một người phạm tội biết ăn năn sám hối (x. Lc 15,10).

Mùa Chay là mùa thao luyện thiêng liêng. Chúng ta được mời gọi luyện tập từ những điều rất đơn giản: Mỗi tối, hãy dành vài phút thinh lặng, khiêm tốn nhìn lại đời sống để chân thành xưng thú với Chúa và làm hòa với anh chị em của mình.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con Chúa đã lập Bí tích Hòa giải để chúng con có cơ hội nhìn lại đời sống, thực lòng sám hối và quyết tâm sửa đổi. Xin ơn Chúa giúp chúng con biết nhận ra giới hạn bản thân để sống tốt hơn trong mùa Chay Thánh này.

 



HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - NGÀY THỨ 02: Hãy chọn lựa sự sống


LỜI HẰNG SỐNG:
Vậy hãy chọn lựa sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống. (Dnl 30, 19).

LỜI SUY NIỆM: Trong những ngày cận kề tết, nhiều người than vãn: mất tết rồi. thế nhưng, cũng có người đặt câu hỏi: muốn mất tết hay mất mạng? Mất tết ai cũng buồn, nhưng nếu mất mạng thì mất luôn cả tết!

Lời Chúa hôm nay ghi lại những lời trăn trối của Mô-sê, ông không bắt buộc nhưng phân tích để dân hiểu và tự mình đưa ra sự lựa chọn: Hoặc là yêu mến Thiên Chúa, nghe theo Lời Người để được sống, hoặc là sống theo bản năng của mình thì sẽ chết. Hiển nhiên dân chọn Đức Chúa để được sống.

Mùa chay, chúng ta được mời gọi nhìn lại những lựa chọn cơ bản của đời mình: nghe theo Lời Chúa hay sống theo bản năng; đời tạm hay đời đời; sám hối hay ngoan cố; hạnh phúc hay đổ vỡ; an vui hay giận hờn.

Trên lý thuyết hẳn ai cũng biết điều phải lựa chọn, nhưng để sống sự lựa chọn đó mỗi ngày thì cần ơn Chúa trợ giúp và nổ lực mỗi ngày.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đứng trước muôn vàn lựa chọn, xin cho con biết chọn Chúa. Trong mọi công việc, suy nghĩ và lời nói, xin cho con biết chọn lựa những gì để qua đó Chúa được tôn vinh. Trong gia đình, xin cho con biết chọn lựa những gì mang lại hạnh phúc cho nhau. Trong tương quan với tha nhân, xin cho con chọn lựa những gì mang lại niềm vui và bình an.

 

HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - NGÀY THỨ 01: Hãy trở về

LỜI HẰNG SỐNG: Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương. (Ge 2,12-13)

LỜI SUY NIỆM: Mùa Chay năm nay lại đồng thời điểm với mùa Covid thứ 3 tại Việt Nam. Lại một lần nữa, lời mời gọi quen thuộc “hãy ở yên” lại âm vang khắp nơi. Mọi người xem đã đã hiểu, đã ý thức và thực thi tốt.

Với các tín hữu, chúng ta có một lời mời gọi khác, cũng rất quen thuộc, đó là “Hãy trở về”.  Lời mời gọi không chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, nhưng hệ tại ở tấm lòng : hãy thực lòng ăn năn thống hối. Lý do là vì Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương. Chúa luôn mong đợi những đứa con xa lạc trở về với Ngài.

Hãy trở về với gia đình, với người thân, với tình thương. Và quan trọng hơn, trở về với lòng mình để nhận ra những lỗi lầm thiếu xót, những bổn phận chưa chu toàn, những trách nhiệm còn dang dở. Hãy trở về để quyết tâm sửa đổi, để hoàn thiện bản thân và để thánh hóa chính mình.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy chúa, xin cho chúng con biết thực lòng trở về với Chúa qua việc cầu nguyện, lãnh nhận Bí tích Hòa giải, và nhất là tham dự thánh lễ. Xin cho chúng con cũng biết trở về với gia đình, với người thân qua việc gia tăng đức mến để sống yêu thương. Xin giúp con trở về với chính mình để thăng tiến bản thân, sống đúng ơn gọi làm con Chúa.

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Lệnh truyền ra đi

 

Bài tin mừng hôm nay chỉ có 7 câu rất ngắn nhưng lại có đến 5 từ “đi”, chỉ có một từ “ở lại” mà thôi. Dễ dàng nhận thấy lệnh truyền của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ là “ra đi” chứ không phải “ngồi lại”. Lệnh truyền này xem ra ngược lại với lời mời “hãy ở yên” trong mùa dịch Covid này!

Hãy ở yên để chung tay dập dịch! Thật là chính đáng và hợp lý. Nhưng phải chăng trong mùa dịch này ta được phép quên đi lệnh truyền của Thầy Giêsu?

Chắc chắn là không. Bởi “ra đi” theo thầy Giêsu không phải để gieo chết chóc hay dịch bệnh nhưng là để chữa lành và kêu gọi người ta sám hối. Vì thế, dịch bệnh là thời điểm người môn đệ càng cần phải ra đi. Miễn sao sự ra đi đó phải mang tính chữa lành và đưa được nhiều người đến với Chúa.

Chẳng hạn như sự ra đi của các y, bác sĩ; của các lực lượng chức năng; của các linh mục; của các tu sĩ nam nữ; của các tình nguyện viên.

Mỗi người môn đệ của Thầy Giêsu cũng được mời gọi ra đi qua việc cầu nguyện với Chúa, cộng tác với các lực lượng chức năng, và việc làm bác ái để giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Chắc hẳn đó là cách ra đi theo ý Chúa và theo ước mong của nhiều người.

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

HÃY DÙNG CHI THỂ ĐỂ PHỤC VỤ THIÊN CHÚA


Anh em đừng dùng chi thể anh em để làm điều bất chính, phục vụ cho tội, trái lại… anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, hãy dùng chi thể để làm điều công chính và phục vụ Thiên Chúa (Rm 6,13)

Lạy Chúa,
xin cho con biết dùng miệng lưỡi để nói về Chúa thay vì chỉ để nói những chuyện vô bổ tầm phào;
nói những lời an ủi thay vì trách móc hờn giận;
nói những lời thứ tha thay vì thù hận; nói những lời hòa giải thay vì chia rẻ.

Xin cho con biết dùng con mắt để nhận ra những ân ban của Ngài;
để nhìn thấy những khổ đau của anh chị em;
những bất công của cuộc sống;
những cuộc đời lầm lỗi đáng thương;
những biến đổi vô thường của cõi tạm.

Xin cho con biết dùng đôi tay để mở ra với đồng loại;
để nâng đỡ những người cùng khổ;
để sẻ chia với cảnh đời đói nghèo;
để nối kết những tâm hồn nguội lạnh;
để vỗ về những tâm hồn cô đơn.

Xin cho con đôi chân dám ra đi để đến với mọi người;
luôn vững chãi để đứng vững trước những cám dỗ;
luôn can đảm để tiến bước về phía trước;
luôn linh hoạt để dừng lại trước những cảnh đời đáng thương.
Xin cho con một trí óc sáng suốt để nhận ra chân lý;
luôn minh mẫn để phân biệt đúng sai;
luôn tỉnh táo để làm lợi cho Chúa;
luôn sáng tạo để mang lại niềm vui cho anh chị em.

Xin cho con một con tim luôn cảm nhận được tình yêu Chúa;
luôn đồng cảm với anh chị em;
luôn thương cảm với những cảnh cùng khổ
và biết động lòng thương với hết cả mọi người. Amen.



Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Chúa Ba Ngôi – nguồn mạch tình yêu

Chúa nhật Chúa Ba Ngôi (Ga 3,16-18)

Ạnh chị em thân mến, hôm nay Giáo hội long trọng mừng kính mầu nhiệm quan trọng nhất: mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm trọng tâm và là nguồn mạch mọi ơn lành cho chúng ta.
Nhắc đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, có lẽ cảm giác chung của chúng ta là khó hiểu. Khó hiểu cũng phải bởi đây là mầu nhiệm của tình yêu. Mà tình yêu thì luôn khó hiểu. Tình yêu của con người đã thế phương chi tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, càng khó hiểu thì càng nói lên chiều kích sâu đậm của tình yêu Thiên Chúa.
1. Tình yêu của Chúa Cha: nhân từ và nhẫn nại
Các sách Cựu Ước giới thiệu cho chúng ta Thiên Chúa là một người Cha ân cần chăm lo cho con cái. Ngài chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo trước khi dựng nên con người để hưởng dùng. Dù tội lỗi đã cướp đi hồng ân cao cả đó nhưng Thiên Chúa vẫn mở ra những cơ hội mới để con người được sống.
Thiên Chúa còn là người cha giàu lòng từ bi và nhân ái. Dù dân nhiều lần phản bội lại giao ước nhưng Thiên Chúa vẫn cất công tìm kiếm và trao ban cơ hội sửa chữa. Dù nhiều lần con người xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa nhưng Ngài vẫn rộng lòng thứ tha một khi họ biết ăn năn sám hối.
Khi thấy con cái mình bế tắc trong việc tìm về nguồn sự sống, Thiên Chúa lại ban Con Một đến để mang lại sự sống cho ta. Thiên Chúa như người cha luôn nhẫn nại để cho con cái được sống một cách dồi dào.
Tình yêu của Chúa Cha nhắc nhở ta hãy thể hiện tình yêu qua việc ân cần chăm lo cho nhau, nhất là đối với những người nghèo, những người cô thế cô thân. Hãy đón nhận nhau với lòng từ bi và nhân ái, hãy nhẫn nại và nhất là mở ra cơ hội để giúp nhau nên hoàn thiện hơn.
2. Tình yêu của Chúa Con – hy sinh mạng sống
Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Đó là khẳng định của Ngôi Hai Thiên Chúa khi đến trần gian này. Ngài đã cho chiên được sống cách dồi dào qua việc chữa lành bệnh tật, đuổi trừ ma quỷ, ban ơn tha tội và nhất là thiết lập các bí tích để tiếp tục ban ơn thánh cho chúng ta.
Để mang lại sự sống đời đời cho con người, Con Một Thiên Chúa đã chấp nhận hy sinh chính mạng sống mình: không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Có muôn vàn cách diễn tả tình yêu nhưng Con Một Chúa đã chọn cách triệt để là cái chết khổ nhục trên thập giá. Chúng ta không thể giải thích sự chọn lựa của Thiên Chúa dựa vào ngôn ngữ của lý trí. Chỉ có ngôn ngữ tình yêu mới có thể cảm nhận được phần nào.
Hơn nữa, trước khi lên trời, Chúa Giêsu còn hứa sẽ không để các môn đệ mồ côi nhưng ban Thánh Thần để hướng dẫn và đồng hành với các ngài.
Qua tình yêu của Ngôi Con ta học được bài học dấn thân. Tình yêu không chỉ thể hiện nơi đầu môi chóp lưỡi nhưng là dấn thân vì người mình yêu, là chịu liên lụy, chịu thiệt thòi vì người mình yêu thương.
3. Tình yêu của Chúa Thánh Thần – tình yêu thánh hóa
Chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, nghĩa là giúp ta nên thánh. Ngài soi lòng mở trí giúp ta nhớ lại và hiểu những lời giảng dạy của Đức Giêsu. Nhờ đó gìn giữ ta luôn sống trong đường lối và tình yêu của Thiên Chúa.
Những ân sủng vô vàn phong phú của Chúa Thánh Thần giúp ta sống đời Kitô hữu một cách trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Giúp ta nên giống Chúa hơn mỗi ngày.
Tình yêu Chúa Thánh Thần dạy ta giúp nhau nên thánh trong tình yêu. Tình yêu đích thực phải giúp nhau nên tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Anh chị em thân mến, sự tách biệt tình yêu của từng Ngôi chỉ là tạm thời, giúp ta hiểu hơn đặc tính của từng Ngôi. Thực ra Ba Ngôi luôn hoạt động trong mọi công trình và tình yêu Thiên Chúa cũng thế. Đó là một tình yêu hiệp nhất và tràn đầy. Xin cho mỗi người chúng ta cũng luôn sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong sự hiệp nhất và tràn đầy như thế.



Chúa Thánh Thần – nguồn ơn hiệp nhất

Lễ chúa thánh thần hiện xuống (Ga 20,19-23)

Anh chị em thân mến, có thể nói trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần được mạc khải cho ta sau cùng; nhưng cũng trong Chúa Thánh Thần, ân sủng ban cho ta dồi dào phong phú. Thánh Phaolô liệt kê cho ta vô vàn những hoa trái của Thánh Thần Thiên Chúa. Ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay cũng giới thiệu cho ta những ân sủng phong phú của Chúa Thánh Thần. Qua đó, ta có thể nhận ra Chúa Thánh Thần là nguồn ơn của sự hiệp nhất.
Hiệp nhất trong ngôn ngữ
Bài đọc một trích từ sách Công vụ tông đồ là bài đọc đặc trưng nói về ơn Chúa Thánh Thần. Lưỡi tượng trưng cho bộ phận để nói. Lửa nói lên lòng hăng say, nhiệt tâm. Lưỡi lửa là lòng say mê rao giảng Lời Chúa.
Lời Chúa được cất lên bằng mọi thứ tiếng, mọi ngôn ngữ, nhưng điều dặc biệt hơn nữa là mọi người đều có thể nghe và hiểu bằng chính ngôn ngữ của mình. Xưa kia, vì tội kiêu ngạo mà con người không hiểu và chia rẻ nhau (biến cố xây tháp Baben) thì nay nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mọi ngôn ngữ đều hiệp nhất nên một. Nhờ nghe và hiểu mà mọi người lòng trí hiệp nhất: họ để mọi sự làm của chung và một lòng một ý ca tụng Thiên Chúa.
Ngày nay, chúng ta sống trong một giáo xứ, trong cùng một gia đình, nói chung một thứ tiếng nhưng lắm lúc lại không hiểu nhau. Vợ không hiểu nỗi chồng, chồng không hiểu nỗi vợ; cha mẹ không hiểu con cái và con cái không hiểu cha mẹ. Hoặc có khi hiểu nhưng không thể cảm thông và tha thứ cho nhau. Lý do là thiếu sợi dây liên kết trong đời sống chúng ta. Chúng ta loại Chúa Thánh Thần là nguồn ơn hiệp nhất ra khỏi đời sống gia đình để rồi luôn thấp thỏm trong lo âu và sợ hãi.
Hiệp nhất trong ơn Chúa vì lợi ích chung
Trong thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu ở Côrintô, Ngài khẳng định: Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách là vì ích chung. Như đã nói, ân sủng của Chúa Thánh Thần thì vô vàn. Mọi người đều được mời gọi đón nhận. Nhưng những ơn đó ban cho mỗi người không như nhau: có nhiều đăc sủng khác nhau nhưng chỉ có một Thần Khí (x. 1Cr 12,4). Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì đuọc ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người. (x. 1Cr 12,8-11).
Mỗi người trong giáo xứ, trong gia đình chúng ta đều được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần. Mỗi người mỗi cách khác nhau nhưng tất cả đều phục vụ cho một lợi ích chung. Chúng ta không lãnh nhận ơn Chúa để giữ cho riêng mình. Chúa ban ơn cho ta cũng không chỉ vì bản thân ta. Người đánh đàn, kẻ phất nhịp, người đóng góp giọng ca, có cộng tác với nhau thì mới tạo thành một bản hòa tấu hay. Cũng thế, mỗi người được mời gọi cộng tác với nhau trong ơn Chúa để xây dựng lợi ích chung.
Hiệp nhất trong ơn tha thứ và hòa giải
Chúa Giêsu Phục sinh thổi hơi vào các tông đồ và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người đó được tha. Đó không chỉ là lệnh truyền ban quyền tha tội cho các tông đồ nhưng còn là lời mời gọi mỗi người hãy sống tinh thần tha thứ và hòa giải. Ơn Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn mỗi người, giúp ta sống tinh thần này. Nếu mỗi người để cho ơn Chúa Thánh thần tác động, cộng đoàn chúng ta sẽ là một cộng đoàn biết cảm thông, tha thứ và hòa giải. Đó là cộng đoàn của sự hiệp nhất.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mỗi người để giúp chúng ta hiệp lòng hiệp ý hướng đến lợi ích chung trong tinh thần hòa giải và tha thứ.

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Lên trời – hành trình về quê hương đích thực

Chúa nhật Chúa lên trời (Mt 28, 16-20)


Chúa lên trời, hoàn tất hành trình dương thế 33 năm. Chúa từ giã trần gian để về với Cha dấu yêu. Chúa từ biệt cõi tạm để về quê hương đích thực. Tuy thế, Chúa lên trời đâu phải để kết thúc mọi sự, Ngài đang mở ra một chân trời mới. Chúa từ giã trần gian đâu phải để rời bỏ các môn đệ nhưng là để mở đường cho Đấng Bảo Trợ đến. Ngài từ biệt cõi tạm để hẹn gặp ta nơi cõi đời đời.
Quả thật, Ngài từng nói: nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em. Thầy sẽ trở lại dẫn anh em đi, để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó. Đó là lời hứa tuyệt vời cho các môn đệ và cũng là lời đầy hy vọng cho mỗi người chúng ta.
Chúa lên trời nhắc nhớ ta hướng lòng về quê hương đích thực: đó là nhà Cha ta. Nơi đó có Anh Cả là Đức Giêsu đang đợi ta. Nơi mà chúng ta có một chỗ đã được dọn sẵn.
Trong kinh Mân Côi, khi suy niệm mầu nhiệm năm sự Mừng, ta đọc: thứ hai Đức Chúa Giêsu lên trời, ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời. Những sự trên trời là những sự gì? Đang ở dưới đất mà cứ hướng lòng lên trời, đó có phải là mộng mơ ảo tưởng?
Động từ “lên” khiến cho ta hiểu lầm rằng “trời” ở đâu đó trên cao, phía trên “chín tầng trời”. Thực ra, “lên” chỉ là cách diễn tả Đức Giêsu “về” với Cha. “Trời” không nhất thiết là ở trên cao nhưng đúng hơn là nơi Cha - Con hợp nhất với nhau. “Trời” là nơi tình yêu Cha Con hiện diện cách trọn vẹn. Hay nói tóm lại “trời” là nơi có tình yêu Thiên Chúa cách tràn đầy: Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.
Như thế, yêu mến những sự trên trời là ao ước được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Sống những sự trên trời là sống tình yêu thương cách trọn vẹn. Trời là nhà Cha ta. Nơi đó có Anh cả Giêsu đang đón đợi ta; có ông bà tổ tiên, bạn hữu đang sum họp.
Hiểu như thế thì nghĩ về trời đâu phải là mộng mơ ảo tưởng. Nước trời đâu phải là chuyện của tương lai. Bởi ngay ở trần gian này ta đã bắt đầu tham dự vào sự kết hợp với Thiên Chúa rồi. Ngay lúc này ta đã có thể sống những giá trị của tình yêu rồi.
Thực vậy, mỗi khi ta cầu nguyện, mỗi khi ta tham dự thánh lễ và nhất là mỗi khi rước Mình Máu Thánh Chúa, là ta đang kết hiệp với Chúa. Đó chính là sự khởi đầu của nước Trời ở trần gian này. Khi ta sống tình yêu thương là ta đang sống các giá trị Nước Trời ngay tại trần gian này. Như thế, yêu mến những sự trên trời là khao khát kết hợp với Thiên Chúa và sống tình yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.
Yêu mến những sự trên trời còn được thể hiện bằng cách rao giảng và làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh. Điều gì ta yêu mến, ta sẽ tìm cách giới thiệu cho người khác. Rao giảng và làm chứng về Chúa cũng chính là mệnh lệnh của Đức Giêsu trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Đó đồng thời cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người chúng ta. Hằng ngày, chúng ta cầu nguyện, xin cho nước Cha trị đến, dưới đất cũng như trên trời. Đó chính là lời nguyện cho nước trời ngày càng rộng mở và hiện diện cách tràn đầy. Nhưng thiết nghĩ, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở lời nguyện mà thôi nhưng phải được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực.
Rao giảng và làm chứng về Chúa, đó chính là nhiệm vụ của mỗi kitô hữu khi còn sống ở trần gian này. Đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nhiều hy sinh, thậm chí có những nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng, Chúa mời gọi ta đừng sợ, vì có Chúa luôn ở cùng ta.
Xin cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta ý thức những giá trị của nước trời ngay ở trần gian này; khao khát sống những giá trị đó cách trọn vẹn và nhất là rao giảng, làm chứng cho những giá trị đó qua chính cuộc sống hằng ngày của mỗi người chúng ta.

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

HÃY KÝ THÁC ĐƯỜNG ĐỜI CHO CHÚA

Thứ 7 tuần XXX TNC (Lc 14, 1.7-11)
Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11).
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không nhằm dạy ta một nghệ thuật sống: chọn cái này để được cái kia. Chọn chỗ cuối để được mời lên chỗ vinh dự. Chúa mời gọi ta hãy có lòng khiêm nhường thực sự. khiêm nhường như chính Chúa đã làm gương cho chúng ta. Khiêm nhường thực sự là phó thác đời mình trong tay Chúa. Chỉ có Chúa mới biết vị trí nào phù hợp và tốt cho ta.
Những vị trí ta tự tìm lấy có thể là ảo tưởng. Để đạt được vị trí đó, đôi khi ta phải “xô đẩy” người khác để chen chân vào. Thậm chí, có khi ta còn dùng người khác như viên đá lót đường, như bàn đạp để ta tiến bước. Có thể ta sẽ đạt được những vị trí như mình mong ước nhưng chắc chắn nó sẽ không bền. Người khác cũng sẽ tìm cách để kéo ta xuống.
Cũng có thể có những người khác đưa ta vào một vị trí nào đó. Ta có một nhóm người ủng hộ để nâng ta lên, đưa ta vào vị trí ta thích. Thế nhưng, người ủng hộ ta cũng có giới hạn. Cũng sẽ có nhóm người khác không ủng hộ ta, họ cũng sẽ tìm cách đưa ta xuống để đưa người khác lên. Do vậy, vị trí đó cũng sẽ không bền.

Có một vị trí khác sẽ bền vững hơn, đó là vị trí ta để cho Chúa xếp đặt: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính người sẽ ra tay”. 

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

AI YÊU THƯƠNG THÌ KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN VIỆC XÉT XỬ

Thứ Sáu tuần XXIX TN (Lc 12,54-59)
Khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong” (Lc 12,58)
Luật cần thiết trong cuộc sống, nhưng khi đã cạn tàu ráo máng, người ta mới dùng luật với nhau. Đã dùng luật thì sẽ có người thắng kẻ thua. Niềm vui của kẻ thắng dựa trên nỗi buồn của kẻ thua. Nếu cuộc đời luôn phải xử với nhau theo kiểu thắng thua, nghĩa là luôn dùng luật với nhau thì thật nặng nề.
Chúa không muốn chúng ta dùng luật với nhau nhưng mời gọi hãy làm hòa với nhau. Không cần dùng đến luật nhưng hãy “thỏa thuận” với nhau. Đúng hơn, Đức Giêsu chỉ để lại cho chúng ta một luật duy nhất, đó là “Hãy yêu thương nhau” (Ga 15,12).
Chúa dùng một luật duy nhất để xét xử chúng ta, đó là luật yêu thương. Nếu ngay ở thế gian này chúng ta dùng luật yêu thương để đối xử với nhau thì chẳng cần quan tâm đến việc xét xử.


Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

HÃY KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN

Chúa nhật XXIX TNC (Lc 18,1-8)
Lời Chúa hôm nay với sứ điệp rất rõ ràng: Anh em hãy kiên trì cầu nguyện. Có lẽ nhiều người sẽ hỏi: Chúa nhân từ quãng đại, Chúa quyền phép vô biên, tại sao không ban ngay mà đòi hỏi ta phải kiên trì? Xin thưa, trước hết, Chúa muốn ta tin tưởng vào Ngài và thứ đến, Chúa muốn ta quý trọng điều sẽ lãnh nhận.
Thực vậy, chỉ ai tin tưởng thì mới kiên trì. Nếu không tin tưởng thì chẳng ai kiên trì làm gì! Một người đi đường chẳng may bị cảnh sát giao thông bắt dừng lại. Thường phản ứng đầu sẽ là “xin xỏ”. Khi xin, ta thường quan sát phản ứng của người đó. Nếu thấy có “hy vọng” ta sẽ kiên nhẫn để xin vì tin  có khả năng sẽ được. Còn nếu ngay từ đầu ta thấy thái độ dứt khoát của họ thì thôi, chẳng phí lời làm gì!
Thứ đến, có kiên trì xin ta mới quý trọng điều sẽ lãnh nhận. Nếu điều gì ta xin được một cách quá dễ dãi thì ta dễ coi thường. Một đứa con xin bố mẹ tiền để mua cái điện thoại hay chiếc xe. Nếu bố mẹ cho ngay mà không xét đến nhu cầu và lợi ích của nó thì sẽ dễ dẫn đến nguy cơ đứa con sẽ xem thường món đồ đó. Nó sẽ không biết giữ gìn. Nó cũng chẳng tiếc, chẳng xót khi món đồ đó bị hư. Trái lại, nếu thay vì chiều lòng con cái ngay, bố mẹ bảo con hãy cố gắng học cho giỏi rồi sẽ mua cho, hay là con hãy đi làm, dành dụm tiền rồi nếu thiếu bao nhiêu bố mẹ sẽ giúp thêm cho. Khi đó, chắc chắn đứa con sẽ trân trọng món đồ hơn, biết giữ gìn cẩn thận hơn. Nó sẽ xót xa khi món đồ đó bị hư bởi vì đó là món đồ mà nó đã đóng góp công sức vào mới có được.
Cũng vậy, khi cầu nguyện, Chúa muốn ta kiên trì, nhất là cộng tác với Chúa, để dạy ta biết trân trọng ơn Chúa ban cho. Quả thật, tất cả mọi ân huệ đều là món quà tặng nhưng không, xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng lòng thương xót Chúa không phải là sự dễ dãi. Chúa mời gọi ta phải cộng tác, phải đổ công sức vào để biết trân trọng hơn quà tặng của Thiên Chúa.
Quả thật, trong bài đọc một, Chúa có thể dùng quyền uy của mình mà cho quân Ít-ra-en chiến thắng một cách dễ dàng và mau chóng. Thế nhưng Ngài không muốn làm như vậy. Ngài muốn dân phải cộng tác: Mô-sê cầu nguyện còn Giô-suê thì cầm quân chiến đấu. Muốn chiến thắng thì phải cầu nguyện và chiến đấu chứ không phải ngồi không mà có. Dân Ít-ra-en chiến thắng là nhờ lời cầu nguyện chứ không phải nhờ vào tài năng của ông Giô-suê hay nhờ sức mạnh của dân. Bằng chứng là khi Mô-sê mỏi, hạ tay xuống thì dân Ít-ra-en thua, còn khi ông giơ tay lên thì dân thắng. Dù cho đôi khi Mô-sê có vẻ đuối sức trong khi cầu nguyện nhưng không sao, ông vẫn có thể tìm sự nâng đỡ. Có người nâng đỡ để tay ông luôn giơ lên cao trong tư thế cầu nguyện. Chúa có thể cho dân chiến thắng cách dễ dàng nhưng Người không làm như vậy. Dân phải cố gắng chiến đấu. Mô-sê phải kiên trì cầu nguyện thì chiến thắng mới đến. Chúa muốn dân ý thức chiến thắng đó là hồng ân Chúa ban qua việc cầu nguyện chứ không phải do khả năng của ai.
Trong Tin Mừng, qua câu chuyện quan tòa và bà góa, Đức Giêsu một lần nữa mời gọi ta rất rõ ràng: Hãy kiên trì cầu nguyện, Chúa sẽ cho. Không phải vì sợ ta quấy rầy như quan tòa trong câu chuyện nhưng Chúa nhận lời ta vì lòng thương xót của Ngài. Vì Ngài là người Cha giàu lòng thương xót, luôn ban điều tốt lành cho con cái mình. Ngài biết điều gì cần cho ta hơn chính bản thân ta, nhưng không vì thế mà dễ dãi. Lòng thương xót không phải là sự dễ dãi. Nếu Chúa dễ dãi, con người có nguy cơ xem thường ơn thánh của Ngài. Ngài muốn ta kiên trì cầu xin không chỉ vì muốn ta lệ thuộc vào Ngài nhưng còn vì muốn ta tin tưởng và trân trọng ơn thánh của Ngài. Đặc biệt, Ngài muốn ta cộng tác với Ngài để ơn thánh thực sự mang lại hiệu quả trên cuộc đời mỗi người chúng ta.

Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện trong tin tưởng vì lòng thương xót Chúa chắc chắn sẽ đáp lời. Chúng ta hãy cộng tác để biết trân trọng ơn món quà ân sủng mà Thiên Chúa tặng ban cho ta.

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

TĨNH LẶNG ĐỂ CẢM THÔNG

Thứ Tư, Tuần I TN (Mc, 1,29-39)
Đi từ cuộc sống: Thời buổi công nghệ, nhiều người chạy đua với thời gian. Với họ, dành thời gian để tĩnh lặng hay tham dự thánh lễ là một sự lãng phí. Cần phải tranh thủ, thời gian sẽ giúp hái ra tiền.
Lời Chúa soi đường: Với Đức Giêsu thì khác. Dù một ngày bận rộn với bao công việc nhưng Người vẫn dành thời gian sáng sớm mỗi ngày để tĩnh lặng trước mặt Cha. Lương thực của Người là thi hành ý Cha. Người đến thế gian là để thi hành ý muốn của Cha. Do đó, kết hợp với Cha thường xuyên là cách thức và động lực để chu toàn ý Cha.
Cảm nhận tình thương: Nhờ thời gian tĩnh lặng, Đức Giêsu dễ nhận ra và đồng cảm với khổ đau của con người. Thời gian tĩnh lặng cũng là thời gian Đức Giêsu đưa nỗi khổ của con người vào trong mối tương quan với Cha. Như thế, ta không còn cô đơn khi chống chọi với sự dữ ở thế gian này nhưng mọi sự vẫn luôn diễn ra dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa.    

Dấn thân phục vụ: Ta cũng hãy dành thời gian tĩnh lặng trước Chúa để tìm hiểu ý Chúa, để thêm động lực sống và nhất là để thấu cảm được nỗi khổ của anh chị em mình.