Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

LÀM CHỨNG

Thứ Hai, tuần VI TN (Ga 15,27 – 16,4)
Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu”.
Làm chứng cho Thầy, đó là trách nhiệm và nghĩa vụ cao quý của người môn đệ. Chỉ những ai ở với Thầy ngay từ đầu mới có thể làm chứng cho Thầy. Nếu chúng ta chưa đủ can đảm, nếu chúng ta không biết cách làm chứng cho Thầy, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta chưa ở lại trong Thầy. Chưa ở lại trong Thầy, chưa thấy động lực, chưa đủ quyết tâm, chưa có lòng mến nên sẽ rụt rè và dễ bỏ cuộc. Bởi, làm chứng cho Thầy không bao giờ là việc dễ dàng.
Thầy đã tiên báo trước, ai làm chứng về Thầy sẽ bị  người ta loại bỏ, loại trừ. Thậm chí, loại bỏ và loại trừ người làm chứng còn là thành tích và mục tiêu hàng đầu của “họ”, là công trạng mà họ ngỡ rằng sẽ được lãnh nhận trước mặt Thiên Chúa.
Biết bao người vì mang danh kitô hữu mà mất công ăn việc làm, con cái hết đường tiến thân. Biết bao người vì giữ nếp sống đạo mà bị loại trừ khỏi những sinh hoạt của xã hội, chịu bao thiệt thòi mất mát. Thậm chí họ còn bị nhìn với cái nhìn ác cảm. Như những người theo tà giáo vậy, dù cho họ đang thờ phượng một Thiên Chúa chân thật.
Thế nhưng, điều quan trọng là sau tất cả những khó khăn thử thách đó, họ vẫn cảm nhận được một niềm vui và sự bình an. Sự bình an không phải theo kiểu thế gian, một sự bình an không ai có thể lấy mất được, bởi nó có nền tảng nơi Thiên Chúa. Chỉ những ai thường xuyên ở lại trong Thiên Chúa mới cảm nhận được sự bình an quý giá này.

Ước gì mỗi kitô hữu chúng ta đều thường xuyên ở lại trong Thiên Chúa để có đủ nghị lực và lòng mến mà làm chứng cho Thầy, dù cho có phải trải qua những khó khăn thử thách nhưng sự bình an của Đấng Phục sinh vẫn luôn ở với chúng ta. Được vậy, chắc chắn chúng ta sẽ không còn sợ hãi. 

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

LÀ ÁNH SÁNG MUÔN DÂN

Thứ 7 tuần IV PS
Người ích kỷ thường giữ lại những gì tốt lành cho riêng mình. Họ không muốn chia sẻ vì sợ người khác cũng được như mình, vì sợ điều tốt lành của mình sẽ bị lấy mất. Tóm lại, họ chỉ nghĩ cho bản thân mà thôi.
Trái lại, người rộng lượng thường nghĩ đến người khác, mong người khác cũng nhận được những điều tốt lành như mình, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình. Do vậy, họ sẵn sàng chia sẻ để được cảm nhận niềm vui của người khác.
Ơn cứu độ được Thiên Chúa thương ban cho toàn thể nhân loại qua dân Do thái. Thế nhưng, đa số người Do thái hiểu rằng đó là đặc quyền, là ơn riêng của họ. Do vậy, họ ganh tỵ và cảm thấy khó chịu khi dân ngoại nhận biết Thiên Chúa.
Thực vậy, từ lâu, Thiên Chúa đã dần hé mở chương trình cứu độ của Người, chẳng hạn như lời tiên báo của tiên tri Isaia vào năm 750 TCN: Ta sẽ đặt Ngươi làm ánh sáng muôn dân để Ngươi mang ơn cứu độ của ta đến tận cùng cõi đất (Is 49,6). Thế nhưng khi Phaolô và Banaba loan báo Tin Mừng cho dân ngoại thì gặp phải sự chống đối từ người Do Thái. Thậm chí họ còn trục xuất hai ông ra khỏi thành. (Cv 13,44-52)
Đôi khi, chính sự ích kỷ đã ngăn cản sức lan tỏa của Tin Mừng theo mong muốn của Chúa Giêsu. Đôi khi chính sự ích kỷ của bản thân người Ki-Tô hữu đã ngăn cản người khác đến với Chúa.

Đúng ra, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở thành ánh sáng cho người khác để dẫn đưa họ về với Đức Ki-Tô. Đó chính là trách nhiệm, là bổn phận, là ơn gọi cao quý của người Ki-Tô hữu.