Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Ghi nhận những bài học về cuộc đối thoại giữa niềm tin và lý trí trong thời Trung Cổ

Dẫn nhập
Nét đặc trưng của triết học thời trung cổ chính là mối liên hệ mật thiết giữa triết học với tôn giáo. Suy tư triết lý trong giai đoạn này là nổ lực dung hòa niềm tin và lý trí. Với người Hylạp, lý trí là dụng cụ hữu hiệu và sắc bén để tìm hiểu thế giới. Do đó lý trí giữ vai trò then chốt cả trong lãnh vực tôn giáo và việc phượng tự. Trong khi đó, nền văn hóa sémitique thì ngược lại, yếu tố tôn giáo mới là trung tâm điểm của đời sống. Trong nền văn minh này, con người đạt đến sự công chính nhờ tuân phục ý muốn Thiên Chúa. Yếu tố quan trọng nhất để sống khôn ngoan và công chính không phải là hiểu biết của lý trí mà là sự trung tín với Thiên Chúa.
Việc Kitô giáo xuất hiện và phát triển trước tiên trong thế giới của văn hóa Hylạp như Athen, Alexandria và Rôma đã tạo nên cuộc đụng độ giữa đức tin Kitô giáo và triết học. Cuộc đụng độ của hai truyền thống trên đã tạo nên một cuộc đối thoại liên hồi giữa đức tin và lý trí trong suốt thời kỳ triết học trung cổ. Trong cuộc đối thoại này, phần thắng có khi thuộc về lập trường duy tín, khi thì thuộc về duy trí và có khi là lập trường dung hòa. Sau đây chúng ta sẽ xem lại cuộc đối thoại này đồng thời rút ra từ đó những bài học cho đời sống đức tin của chúng ta.
I. Cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí
I.1. Khuynh hướng đề cao đức tin 

Tertullien được coi nhà nhà thần học quá khích khi ông chống đồi triết học một cách quyết liệt. Tertullien viết:
“có gì chung giữa người Kitô hữu và triết gia, giữa môn đồ của Hylạp và môn sinh của nước trời?”. Theo ông các triết gia là tổ phụ của những người lạc đạo. Từ thái độ như vậy, Tertullien khẳng định Đức Tin là điều khác hẳn với lý trí. Đức tin được đặt trên một nền tảng khác hẳn với lý trí: đức tin hướng đến những chân lý mà lý trí không thể thấu hiểu. Đức tin đem lại một chân lý chắc chắn hơn là lý trí: đi theo Đức Kitô, sống theo Tin Mừng, chúng ta không cần phải có những hiểu biết phù phiếm hay những dầy công nghiên cứu.
Trái ngược với lập trường đề cao đức tin của Tertullien, Scott Erigène và Duns Scotus lại đề cao vai trò của lý trí.
I.2. Khuynh hướng đề cao lý trí 
Scott Érigène cho rằng Thiên Chúa đã đặt lý trí vào trong con người như một phương tiện để đi tìm chân lý. Trước khi Kitô giáo xuất hiện, lý trí bị che mờ bởi tội nguyên tổ nên chỉ có thể tìm hiểu vũ trụ và ghi nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa mà thôi. Khi Chúa Kitô đến, chân lý được mạc khải. Với Scot Érigène, mạc khải chỉ là sự trợ giúp, là điều kiện để hướng dẫn lý trí tìm đến chân lý mà thôi. Ông nhìn nhận mạc khải được tỏ bày trong kinh thánh và mọi chân lý phải bắt đầu từ kinh thánh nhưng để hiểu biết kinh thánh và thấu hiểu đức tin phải nhờ đến vai trò của lý trí, một lý trí ngay thẳng được Thiên Chúa soi sáng.
Scot Érigène ngã theo lập trường duy lý khi nói rằng: không ai có thể lên trời nếu không nhờ triết lý. Ông cho rằng những chân lý do Thiên Chúa mạc khải và những kết luận của lý trí siêu hình có cùng một giá trị như nhau. Và Giáo lý Kitô giáo phải được trình bày như một hệ thống tư tưởng có liên hệ với nhau theo luận lý, mỗi thành phần đều được chứng minh một cách hợp lý theo lý trí. Như vậy Scot Érigène đã xem lý trí là nguyên lý căn bản, đóng vai trò duyệt chính thế giá của kinh thánh.
Đồng khuynh hướng đề cao lý trí còn có Duns Scotus. Như các nhà kinh viện khác, Duns Scotus cũng tìm cách dung hòa lý trí và đức tin, nhưng giải đáp của ông thiên về lý trí hơn. Ông cũng công nhận thế giá của kinh thánh và huấn quyền với điều kiện là những điều đó phải phù hợp với lý trí. Duns Scotus luôn cố gắng chứng minh tính cách đáng tin của kinh thánh bằng những lý chứng của lý trí. Vậy với Duns scotus, lý trí có thế giá tuyệt đối, còn sách thánh chỉ có thế giá tương đối tùy theo những điều kiện khác.
I.3. Khuynh hướng dung hòa 
justin là người Kitô hữu đầu tiên có chủ trương dung hợp triết lý Hy La với mạc khải Kitô giáo. Trong cuốn biện giáo (Apologies) ông cho thấy những điểm tương đồng giữa giáo lý Kitô giáo với các triết thuyết và khẳng định cả hai đều phát sinh từ cùng một gốc là Ngôi Lời của Thiên Chúa (logos). Một mầm móng của Ngôi Lời đã hiện diện trong lý trí của loài người, vì thế các triết gia cũng tìm ra chân, thiện, mỹ. Có điều vì không biết lý trí toàn vẹn (Logos) là đức Kitô nên lắm lúc họ sai lầm. Justin cho rằng nhiều triết gia ngoại giáo đã chịu ảnh hưởng của mạc khải Kitô giáo.
Thánh Clément D’Alexandrie còn táo bạo hơn thánh Justin khi so sánh vai trò của triết học với vai trò của cựu ước: lề luật (kinh thánh cựu ước) dẫn người Do Thái đến với Đức Kitô thế nào thì triết học cũng dẫn đưa người Hylạp tới Đức Kitô như vậy. Thánh nhân nghĩ rằng triết học là một hồng ân Chúa ban cho dân ngoại giống như luật Maisen được ban cho dân Dothái. Tuy nhiên thánh nhân cũng nhấn mạnh triết học không thể thay thế mạc khải, triết học chỉ chuẩn bị tâm hồn để đón nhận và để hiểu nội dung đức tin.
Sau khoảng 9 năm theo giáo phái manichéisme, Augustin kinh nghiệm rằng phải tìm những điểm hợp lý của hành vi đức tin nói chung, cũng như sự tuân phục của lý trí trước quyền bính đặc biệt của Kitô giáo. Từ biến cố trở lại, Augustin coi thế giới của kinh thánh là nguồn mạch chắc chắn hơn mảnh đất của lý luận: đức tin chắc chắn hơn là sự hiểu biết. Với Augustin, đức tin và lý trí có sự liên hệ mật thiết với nhau: Tin tưởng cũng là một hình thái suy tư. Một người không có khả năng suy tư thì cũng không có khả năng tin tưởng. Do đó, tin cũng là một cấp độ hiểu biết. Augustin đã để lại công thức nổi tiếng trong “bài giảng 43” như sau: “intellige ut credas; crede ut intelligas” (hãy tin để hiểu; hãy hiểu để tin). Hãy tin tưởng để rồi suy tư. Nghĩa là triết lý không tách rời với những tin tưởng sâu xa của người tín hữu. Công thức ngược lại, tức là hãy suy tư để rồi tin tưởng cũng có phần đúng lý của nó, nghĩa là lý tính cần phải hoạt động trước hết như điều kiện chuẩn bị để ta có thể nhìn nhận Thiên Chúa bằng tín ngưỡng. Nhưng công thức thứ hai chỉ được sáng tỏ hoàn toàn là nhờ ở công thức thứ nhất. Như vậy tựu trung Augustin chỉ muốn chủ trương rằng khả năng suy luận theo lý trí phải được phục vụ cho sự am tường thêm tín ngưỡng. Và do vậy, ngài thường sử dụng triết lý để minh giải thêm một vài khía cạnh nào đó của giáo lý Kitô giáo.
Anselme là người chịu nhiều ảnh hưởng của Augustin. Vì là một tín đồ hăng say, nên với Anselme, những tín lý của Kitô giáo thì trước hết phải tin đã, rồi mới suy nghĩ và tranh luận sau. Trước hết, ông muốn dùng lý trí của mình để tìm hiểu thêm những điều mình đã tin, để rồi chứng minh những điều mình tin bằng những lý lẽ của trí khôn tự nhiên cho những ai chưa tin. Anselme cho rằng trong những chân lý thuộc kitô giáo, vai trò của đức tin không khác gì vai trò của kinh nghiệm trong việc am hiểu vũ trụ. Do đó ai không tin thì sẽ không bao giờ am hiểu. Tuy nhiên, Anselme đã đề tựa phụ cho quyển Proslogion của ông là Fides quoerens intellectum (đức tin tìm kiếm lý trí), nghĩa là đức tin phải được soi sáng bằng lý trí. Điều này không những không hạ giá lý trí, đức tin còn hướng dẫn lý trí và cung cấp cho nó chất liệu để suy tư.
I.4. Khuynh hướng độc lập 
Cũng là người muốn dung hòa giữa đức tin và lý trí nhưng với Thosma vai trò đức tin và lý trí được phân định một cách phân minh hơn trong tư tưởng của Augustin. Không còn phải soi sáng những huyền bí của đức tin bằng lý trí như Augustin, Thomas phân biệt rạch ròi thuộc lĩnh vực lý trí tất cả những chân lý đã biết được hay có thể biết được một cách hiển nhiên bằng kinh nghiệm hay bằng chứng minh; thuộc lãnh vực đức tin tất cả mọi chân lý không biết được bằng hiển nhiên nội tại mà phải bằng mạc khải.
Đức tin vượt quá lý trí trong khả năng đạt tới những đối tượng siêu việt mà một lý trí tự nhiên sâu sắc nhất cũng không thể nào vươn tới. Tuy nhiên, đức tin không vượt quá lý trí về phương diện nhận thức vì xét trong lĩnh vực này, đức tin là một loại kiến thức mờ tối. Niềm tin giúp ta đạt thẳng tới một đối tượng siêu việt nhưng lại không cho ta biết những nẻo đường, trật tự, kết cấu, diễn biến tuần tự để đi đến kết luận đó; còn lý trí thì vượt trội hơn niềm tin ở chỗ soi sáng từng bước hành trình của con người nhưng lại không chắc chắn đạt tới chân lý đích thực và trọn vẹn.
Tuy nhiên không có mâu thuẫn hay tranh chấp giữa chân lý của đức tin và chân lý của lý trí, vì Thiên Chúa là thực tại và chân lý duy nhất chung cho cả đức tin và tri thức. Khi có sự tranh chấp giữa một tín điều và một khẳng định của lý trí thì chỉ vì chân lý tự phụ là hợp lý ấy là một điều sai lầm. Ngay trong trường hợp nhà triết học kiến tạo được một tri thức như một toàn bích bên ngoài đức tin, thì nhà thần học vẫn là người bảo trợ cho nhà triết học. Như thế đối với thomas vai trò của lý trí bị thu hẹp hơn đối với augustin.
II. Những bài học
Bởi vì triết lý và tôn giáo luôn tồn tại và đồng hành cùng với con người nên mối liên hệ giữa đức tin và lý trí cũng có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ sống của người tín hữu. Anh hưởng này không chỉ bao trùm thời kỳ Trung Cổ mà còn liên lụy đến ngày nay. Nhìn lại cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí trong triết học Trung Cổ đồng thời dưới ánh sáng Huấn quyền của Giáo hội ta đã có thể rút ra lập trường của Giáo hội trong vấn đề này. Lập trường này được công đồng Vatican I diễn tả như sau: “Con người không thể nhờ duy chỉ lý trí tự nhiên mà đạt được đức tin hoặc giải đáp những dữ kiện của đức tin. Ngược lại, con người cũng không thể dùng những hiểu biết của đức tin để giải quyết những vấn đề của lý trí, cụ thể là những vấn đề khoa học. Đức tin và lý trí là hai lãnh vực hoàn toàn khác biệt và tự trị đối với nhau. Tuy nhiên điều đó không bao hàm một sự xung đột nào mà con bổ túc cho nhau”. Chính vì thế trong thông điệp đức tin và lý trí, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết "Đức tin và lý trí giống như hai đôi cánh, nhờ đó, tinh thần con người được nâng lên đến chỗ chiêm niệm chân lý".
Như thế, đức tin và lý trí là hai lãnh vực khác nhau và hoạt động theo hai phương thế khác nhau. Tuy nhiên cả hai không hề mâu thuẫn nhau vì xét cho cùng nó có chung một mục đích là đạt tới chân lý đích thực là Thiên Chúa. Con đường của Giáo hội sẽ không phải là con đường duy tín mà cũng không phải là duy lý. Tùy trong từng trường hợp mà ta phải tuân theo tiếng nói của đức tin hay của lý trí. Tuy nhiên, chân lý đích thực ít khi nào chỉ là hoa quả của riêng đức tin hay lý trí. Đức tin và lý trí luôn đồng thời hiện diện bên nhau và thậm chí tồn tại trong nhau để giúp cho con người đạt tới chân lý. Chính vì vậy trong phần này sẽ trình bày về những mối liên hệ sâu xa và nhân quả giữa đức tin và lý trí.
II.1. Triết lý chuẩn bị và đào sâu đức tin 
Với các tín hữu thời tiên khởi và trong các thế kỷ đầu Kitô giáo, thế giới của hiểu biết bị xem là phù phiếm và nguy hiểm. Tuy nhiên Clêmentê đã làm một cuộc cách mạng khi chủ trương rằng khước từ mọi hiểu biết tự nhiên là một thái độ không có nền tảng. Ông cho rằng chính Thiên Chúa đã chọn nền triết lý của dân ngoại như một con đường đặc biệt để dẫn đưa về với Đức Kitô cũng như đã ban bố lề luật cho dân Dothái.
Quả thật, từ lâu con người đã khắc khoải với những câu hỏi mang tính triết lý như con người là ai, con người từ đâu đến và rồi con người sẽ đi về đâu. Cuộc sống này có ý nghĩa gì ? Trong nổ lực đi tìm kiếm câu trả lời, nhiều người đã cảm thấy bế tắc để rồi chỉ khi đến với tôn giáo họ mới tìm được sự thỏa mãn. Thực vậy, con người không thể tự mình hay cậy dựa vào khả năng suy nghĩ của lý trí để trả lời những vấn nạn trên. Đây là những câu hỏi không phải chỉ để suy nghĩ và trả lời nhưng là những câu hỏi để sống và cảm nghiệm. Do đó, chỉ có niềm tin vào tôn giáo mới có thể cho con người sống và cảm nghiệm những điều trên.
Trong cuộc hành trình tìm kiếm chân lý, lý trí con người phải qua nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, lý trí cần có sự trợ giúp của triết lý, nhờ đó con người có thể bước sang giai đoạn thứ hai là đức tin. Đọc lại tiểu sử của các giáo phụ ta sẽ thấy rõ mối liên hệ trên.
Thánh Justin sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo tại Palestin. Với niềm khao khát tìm kiếm chân lý, thánh nhân đã tìm đến với các triết gia khắc kỷ, sau đó lại đến với một triết gia theo khuynh hướng Aristote, làm đồ đệ của phái Pythagore, sau cùng ngài đến với phái Platon và mới thấy được rằng nơi đây ngài có thể gặp gỡ Thiên Chúa. Với một tâm hồn khao khát chân lý, Justin đã đi từ nền triết lý này sang nền triết lý khác nhưng vẫn không thỏa mãn được khao khát mãnh liệt trong ông. Sau cùng Justin mới hiểu ra rằng một nền triết lý đích thực phải mang lại hạnh phúc và nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa.
Hành trình đến với niềm tin tôn giáo qua con đường triết học lại càng đúng hơn với thánh Augustin. Với một tâm hồn nhạy cảm và một óc lý luận sáng suốt, ngài đã khắc khoải cất bước đi tìm chân lý. Với đầu óc lý luận sắc bén, ngài dần nhận ra những lỗ hỏng, những sai lầm trong các giáo phái lúc bấy giờ. Ngài cảm thấy không thỏa mãn với những triết lý không dẫn đến Thiên Chúa. Tâm hồn ngài luôn bồi hồi xao xuyến cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa. Thánh nhân đã đúc kết vấn đề trong câu nói nổi tiếng “tin để hiểu và hiểu để tin”. Con người có thể tìm đến với đức tin qua nẻo đường của suy tư, của triết học nhưng như thế không có nghĩa là đức tin xuất phát từ lý trí. Trong nổ lực chuẩn bị, khao khát tìm kiếm của mình, lý trí sẽ dọn chỗ cho đức tin. “Hiểu để tin” còn là quá trình học hỏi sau khi đã nhận đức tin, để làm cho đức tin sáng tỏ và lan tỏa trong nhiều lãnh vực của đời sống. Như thế vai trò của lý trí xuất hiện trong cả hai giai đoạn: trước và sau khi tin.
Niềm tin Kitô giáo không phải là nhắm mắt tin theo một số các giáo điều nhưng là một đức tin sống động và thăng tiến không ngừng. Nếu không có học hỏi, con người không thể hiểu những giáo lý của đức tin. Một đức tin chính chắn cần phải biết lãnh hội những tư tưởng đúng và bác bỏ những tư tưởng sai lạc. Việc đào sâu đức tin này không thể không cần đến triết lý.
Trong giai đoạn thứ hai này, triết lý không còn dò dẫm trong đêm tối nữa nhưng nó sẽ đồng hành cùng đức tin. Lý trí sẽ đặt ra những câu hỏi, những vấn nạn trong đời sống tôn giáo và rồi sẽ tìm hiểu và trả lời nó dưới sự soi sáng của đức tin. Lý trí sẽ được đức tin soi dẫn để lý giải về kho tàng mạc khải. Đức tin giải phóng và bảo vệ lý trí khỏi những sai lầm. Lý trí có thể đạt tới một số chân lý đức tin, nhưng cần phải có sự soi sáng của mạc khải.
II.2. Triết lý bảo vệ và trình bày đức tin 
Bên cạnh việc khởi đầu và đào sâu đức tin, lý trí còn góp phần trong việc bảo vệ và trình bày đức tin. Trước hết, triết lý cần thiết để bảo vệ đức tin chống lại những người lạc giáo. Thánh Clemente nói: khi ngươi mang trên người những chiếc đai của triết lý, đức tin của ngươi sẽ không sợ bị ngụy biện tấn công. Thời kỳ Trung Cổ cũng chính là thời kỳ xuất hiện nhiều giáo phái và lạc thuyết. Chính vì vậy đa số các giáo phụ hay các triết gia sau này đã ra sức bảo vệ giáo lý tinh ròng của Giáo hội với những lý luận hết sức chặt chẽ và thuyết phục.
Thánh Justin được coi là người đầu tiên dung hợp triết lý Hy La với mạc khải Kitô giáo. Do đó sau khi trở lại, ngài đã soạn nhiều sách biện minh cho chân lý Kitô giáo. Trong số đó có hai bộ “Minh giáo” được soạn ra để bác bỏ những điều vu khống cho Kitô giáo đang phổ biến trong dân chúng. Ngoài ra còn có cuốn “Đối thoại” nhằm biện hộ cho Kitô giáo đối với Dothái giáo.
Thánh Clemente cũng đề lại nhiều tác phẩm phê bình việc phụng tự đối với các thần, nêu lên những sai lầm của các triết gia về vấn đề Thượng Đế.
Với một trực cảm tâm linh mạnh mẽ và một cuộc đời trôi nổi, thánh Augustin đã nếm đủ mùi vị của các lạc giáo. Chính ngài đã ngâm mình trong giáo phái Manichée chín năm nên sau khi trở lại niềm tin Kitô giáo, thánh nhân đã sử dụng những lập luận triết học để chống lại giáo phái này và cả phái Hoài Nghi.
Với thánh Thomas, ngài để lại cho chúng ta một bộ Tổng Luận chống Lương Dân (Summa contra gentiles), đây là một tác phẩm tùy cảnh dành cho những vị truyền giáo trong thế giới Hồi Giáo và cũng nhắm chung cho những người sai lạc đường hướng. Thánh nhân cũng nhấn mạnh để có thể đối thoại với người lương dân cần phải biết trình bày giáo lý Kitô giáo một cách rõ ràng và khúc chiết. Triết lý sẽ giúp chúng ta làm điều này. Thánh clemente nói: nếu có ai đi tìm sự khôn ngoan thì cần phải trình bày cho họ những điều hợp lý và quen thuộc với họ, để qua chính khẳng định của họ, họ từ từ được dẫn tới đức tin trong chân lý.
Ngày nay, trình độ con người đã tiến bộ rất nhiều. Chúng ta không thể trình bày niềm tin chỉ dựa theo cảm nhận bản thân nhưng phải lý luận bằng những phương thế của triết học. Chính Giáo hội đã nhìn nhận “nơi triết học một phương cách nhận biết những chân lý nền tảng, liên quan đến cuộc sống của con người. Đồng thời Giáo hội coi triết học như một trợ lực không thể thiếu để thấu hiểu đức tin và để truyền thông chân lý của Tin mừng cho những ai chưa biết đến” .
II.3. Đức tin định hướng cho triết lý 
Tự sức mình, triết lý có thể nhận biết những chân lý tự nhiên nhưng nó hoàn toàn bất lực để có thể tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Sau biến cố sa ngã, lý trí con người gặp phải những giới hạn nhất định trong việc nhận biết Thiên Chúa, do đó “lý trí cần được đức tin soi sáng để giải thoát khỏi những mong manh và những giới hạn phát sinh do sự bất tuân của tội lỗi, và tìm được sức mạnh cần thiết để vươn mình lên đến chỗ nhận biết mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba ngôi.”
Trên con đường tìm kiếm chân lý, nhờ ánh sáng đức tin, lý trí sẽ có được những cột móc chỉ đường vững chắc, có thể giúp con người tìm thấy lời giải đáp cho những thắc mắc của lý trí, nhất là với những thắc mắc mà lý trí không thể nào đạt tới được. Vì Chỉ một mình đức tin mới cho chúng ta vào sâu trong mầu nhiệm và giúp ta thấu hiểu mầu nhiệm cho mạch lạc.
Nếu lý tri mất sự trợ lực của đức tin thì sẽ đi theo những con đường nhánh, liều mình đánh mất cứu cánh của mình. Ngược lại nếu đức tin thiếu lý trí sẽ rơi vào tình trạng chỉ chú ý đến tình cảm và kinh nghiệm, do đó có nguy cơ không còn là mệnh đề phổ quát.
Cũng vậy, dưới ánh sáng đức tin, Huấn quyền của Giáo Hội có thể và phải thi hành quyền biện phân phê phán riêng biệt của mình đối với những triết học, và những chủ trương tương phản với đạo lý Kitô giáo . Trước hết nhiệm vụ của Huấn quyền là chỉ cho thấy những tiền đề và những kết luận triết lý nào không phù hợp với chân lý mặc khải, do đó theo quan điểm đức tin đưa ra những đòi hỏi buộc triết học phải theo. Vì những gì Giáo hội trình bày cho con người không do sự suy tư riêng của Giáo hội, nhưng là kiến thức đã được đón nhận từ lời Thiên Chúa trong đức tin (1 Tx 2,13).

Kết luận
Tóm lại ta thấy đức tin không hủy hoại kiến thức nhưng còn bảo tồn và nâng nó lên một mục đích cao hơn; ngước lại, sự hiểu biết của con người cũng không đáng làm cho đức tin sợ hãi. Đức tin và lý trí là hai hình thức hiểu biết khác biệt nhau, với mục đích và đối tượng khác nhau. Do đó, đức tin và lý trí không loại bỏ nhau nhưng cùng hướng về một sự hiểu biết thâm sâu cao cả hơn, đó là sự kết hợp với chân lý là Thiên Chúa.
Tuy nhiên, sự cứu rỗi của con người lại tùy thuộc vào sự hiểu biết Thiên Chúa, mà sự hiểu biết này chỉ thủ đắc được cách chắc chắn nhờ mạc khải. Hay nói cách khác, đức tin vẫn là điều tối cần cho sự sống đời đời của con người. Trong Kitô giáo, không phải chỉ những người có khả năng suy tư triết lý mới có thể tìm được con đường giải thoát nhưng là ơn cứu độ dánh cho những người bé mọn tầm thường (Mt 11, 25-26). Như vậy, điều kiện để đón nhận ơn cứu độ không phải là sự khôn ngoan, nhưng là niềm tin, không phải là kỹ thuật thanh luyện nhưng là lòng trung tín, không phải là bị chinh phục do sự khéo léo của ngôn ngữ nhưng là do sức mạnh của Thánh thần. Yếu tố nền tảng của Kitô giáo là ân sủng thần linh, ngược lại với đức tin căn bản của triết học hyla là sự khôn ngoan./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét