Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Phụng vụ và việc hội nhập văn hóa tại Việt Nam


Phụng vụ là hoạt động cao nhất, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo hội. Ý thức được chức năng cao cả cũng như lợi ích của việc cử hành Phụng vụ, đồng thời để cho giáo dân tham dự cách tích cực và hiệu quả hơn, Giáo hội đã muốn thực hiện một cuộc canh tân trong Phụng vụ. Việc canh tân này được thể hiện qua việc sử dụng tiếng địa phương cũng như cho phép thích nghi các nghi thức với đặc tính của dân tộc, nhất là trong những miền truyền giáo (x. SC, số 36-40).
Tinh thần canh tân của Công đồng Va-ti-ca-nô II đã được thực hiện vào thời hậu Công đồng với những chỉ dẫn áp dụng cụ thể. Bài viết này sẽ tìm hiểu những chỉ dẫn này cũng như những áp dụng mang tính hội nhập tại Việt Nam.
1.        Những chỉ dẫn về việc thích nghi Phụng vụ[1]
Tinh thần thích nghi Phụng vụ được Công đồng Va-ti-ca-nô II tập trung triển khai trong các số từ 36-40 của hiến chế về Phụng vụ thánh (SC). Tinh thần này được Bộ Phụng Tự và kỷ luật các bí tích triển khai qua Huấn thị ngày 25.1.1994. Công Đồng nói đến việc “thích nghi” trong Phụng vụ, nhưng Huấn Quyền sau này đã xử dụng cụm từ “Hội nhập Văn hóa” với ý nghĩa “Đem Tin Mừng nhập thể vào những nền văn hóa địa phương, đồng thời đưa những nền văn hóa ấy vào đời sống Giáo Hội”. Huấn thị gồm những điểm chính yếu sau.
ü  Những điều kiện cho việc hội nhập văn hóa
Việc hội nhập văn hóa trong Phụng vụ trước hết phải khởi đi từ chính những bản văn Kinh Thánh (x. Huấn thị số 28). Thực vậy, Kinh Thánh giữ một vai trò rất quan trọng trong việc cử hành Phụng vụ, do đó việc dịch Kinh Thánh, hay ít ra là những bản văn Kinh Thánh đọc trong Phụng vụ là điều kiện đầu tiên giúp cho người bản địa hiểu được tinh thần của buổi cử hành Phụng vụ.
Điều kiện thứ hai là phải xem xét hoàn cảnh cụ thể của Giáo Hội địa phương để thẩm định mức độ cần thiết của việc hội nhập văn hóa (x. Huấn thị số 29). Để thẩm định, Hội đồng Giám Mục cần phải nhờ những người có thẩm quyền về truyền thống Phụng vụ Rôma. Hơn nữa, huấn quyền cần phải đánh giá đúng về giá trị của những yếu tố trong nền văn hóa địa phương; cần có những cuộc nghiên cứu sâu rộng về phương diện lịch sử, nhân học, ngôn ngữ và thần học cũng như tham khảo kinh nghiệm của hàng giáo sĩ địa phương, nhất là của những giáo sĩ sinh trưởng tại đó (x. Huấn thị số 30).
ü  Trách nhiệm của Hội Đồng Giám Mục
Chỉ có Hàng Giáo phẩm mới đủ thẩm quyền để đánh giá xem những gì thuộc truyền thống và văn hóa địa phương có thể đưa vào Phụng vụ. hơn nữa, trước khi thay đổi, cần phải giới thiệu và có thời gian thử nghiệm trước (x. Huấn thị số 31-32). Hiến chế về Phụng vụ thánh đã trao cho Hội đồng Giám mục những nhiệm vụ sau:
 i.          Sử dụng tiếng địa phương trong Phụng vụ (PV 36)
ii.          Thích  ứng các nghi thức với tinh thần và tập tục địa phương (PV. 27-30,77,110-111,119)
iii.          Chuẩn nhận những yếu tố thiết lập nghi thức khai tâm Kitô giáo trong xứ truyền giáo (PV 65)
iv.          Thích ứng năm Phụng vụ theo điều kiện địa phương (PV 107)
v.          Thẩm quyền về nhạc điệu dân tộc (PV.119)
vi.          Cho phép sử dụng những nhạc khí khác với phong cầm khi cử hành Phụng vụ (PV 120)
vii.          Thích ứng những hình thức bên ngoài của Phụng vụ cho hợp với nhu cầu và phong hóa địa phương (PV.128.132-133)
Tuy vậy, việc hội nhập cần giữ tính thống nhất của Nghi lễ Rôma vì hội nhập không nhằm thiết lập những Nghi lễ mới.
ü  Những điều được phép thích nghi
Huấn thị cũng đưa ra những điều được phép thích nghi trong Phụng vụ như: Ngôn ngữ, âm nhạc truyền thống (hình thức, điệu nhạc và nhạc khí), những cử chỉ và thái độ bên ngoài, nghệ thuật và kiến trúc. Sau cùng là những thích nghi được ghi trong các sách Phụng vụ, như Sách lễ Rôma, sách các nghi thức gia nhập Kitô giáo, nghi thức hôn phối, tang chế, việc ban phép lành, Phụng vụ giờ kinh, v.v.. (x. Huấn thị từ số 54-61).
ü  Thủ tục áp dụng những thích nghi trong các sách Phụng vụ
Hiến chế cũng như Huấn thị xác định, khi Hội đồng Giám mục soạn thảo để ấn hành những sách Phụng vụ riêng, Hội đồng phải phát biểu ý kiến về bản dịch và những cách thích nghi đã được dự liệu theo đúng giáo luật (đ. 455§2 & 838§3). Các văn kiện của Hội đồng, dựa vào kết quả đầu phiếu, phải được chủ tịch và thư ký của Hội đồng ký tên và gởi cho Bộ Phụng Tự kèm theo hai mẫu đầy đủ về đề án đã được chuẩn nhận.
Ngoài ra, trong khi chuyển giao toàn bộ hồ sơ, cần thực hiện các điều lệ sau đây:
 i.          Phải trình bày cách vắn gọn nhưng chính xác những lý do của từng trường hợp được thích nghi.
ii.          Cũng phải nói rõ những phần nào được vay mượn từ các sách Phụng vụ khác đã được chuẩn nhận và những phần nào là những phần mới được soạn thảo (x. Huấn thị từ số 62).
Trên đây là những chỉ dẫn cụ thể trong Huấn thị của Bộ Phụng Tự và kỷ luật các bí tích về việc hội nhập văn hóa trong Phụng vụ, dựa theo tinh thần của Hiến chế về Phụng vụ Thánh. Phần tiếp theo sẽ tìm hiểu những hội nhập trong Phụng vụ tại Giáo hội Việt Nam. Những hội nhập này chủ yếu thể hiện qua các ngày lễ truyền thống của dân tộc cũng như về thánh nhạc, nghệ thuật thánh và dụng cụ thánh.
2.        Hội nhập văn hóa trong Phụng vụ tại Việt Nam
2.1.   Các ngày lễ truyền thống
Hội thánh ý thức được những nhu cầu phong phú của thời đại và của con cái mình, do đó, trong lễ quy Rôma, có các nghi thức riêng và các lễ tùy nhu cầu với các bài đọc cũng như các lời nguyện riêng (QCTQ, 327-329). Ý thức tầm quan trọng của việc hội nhập các ngày lễ truyền thống vào Phụng vụ, năm 1992, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định đưa một số lễ vào trong lịch Phụng vụ tại Việt Nam, gồm có ba ngày tết Nguyên đán và ngày tết Trung thu.[2]
Trong tinh thần đó, những ngày tết dân tộc không còn đơn thuần là những ngày tết truyền thống tốt đẹp nữa mà còn là những ngày xuân giúp con người hướng về thiên quốc là nơi có mùa xuân bất tận với sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong ngày đầu năm mới này người ta thường chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, với người Công giáo, còn điều gì tốt đẹp cho bằng sự bình an vì có Chúa ở cùng. Do đó, ngay ngày đầu năm, Giáo hội đặc biệt dâng thánh lễ để cầu xin và cầu chúc bình an cho nhau. Trong tâm tình đó mà lời nguyện nhập lễ của ngày mồng một tết Nguyên đán được soạn ra như sau: Lạy chúa từ bi nhân hậu, trong ngày đầu năm mới chúng con họp nhau đây để dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa. Cúi xin Chúa mở lượng hải hà, ban cho hết mọi người chúng con trong năm mới này được bình an mạnh khỏe, càng thêm tuổi càng thêm nhân đức hầu đáng hưởng phúc lộc dồi dào.[3]
Theo truyền thống, ngày mồng một tết là ngày chúng ta mừng tuổi nhau. Con cháu chúc ông bà, cha mẹ, thêm tuổi thêm khỏe mạnh để sống lâu dài bên con cháu; ông bà cha mẹ chúc con cháu thêm tuổi thêm khôn ngoan, thành đạt. Đó là những ước muốn tốt lành trong một truyền thống tốt đẹp. Giáo hội tại Việt Nam cũng đưa tinh thần đó vào trong ngày lễ mồng một tết với nghi thức chúc mừng đơn giản của Cha xứ hay của vị đại diện dân Chúa, có nơi tiến hành những nghi thức trang trọng hơn với nghi thức ngũ bái mừng tuổi Chúa. Nghi thức ngũ bái có thể tóm tắt như sau:
Nghi thức diễn ra vào đầu lễ. Sau từng lời của người đọc văn tế, linh mục cùng với đoàn rước sẽ bái và cắm hương. Ngũ bái gồm nhất bái dành cho Chúa Cha, nhị bái dành cho Chúa con và tam bái dành cho Chúa Thánh Thần. Trong ba lần bái Chúa có thể cắm hương sau mỗi lần bái. Tứ bái dành cho Đức Mẹ và các thánh. Ngũ bái dành cho ông bà tổ tiên. Hai bái sau có thể chỉ vái hay xá và không cắm hương. Cách thức bái phải theo nhịp điệu của tiếng mõ, chiêng và trống.[4]
Ngũ bái coi như là nghi thức mừng tuổi Chúa. Sau khi mừng tuổi Chúa rồi thì Cộng đoàn giáo xứ có thể chúc tuổi nhau. Một vài giáo xứ còn có phần múa lân trong lúc này để thể hiện niềm vui của ngày đầu năm. Trong thánh lễ này thường có phần hái lộc. Đây được xem như là lộc của Chúa ban cho nhân dịp đầu năm.
Kính nhớ ông bà tổ tiên là một truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Á Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Do đó ngay trong ngày mồng hai, Giáo hội Việt Nam dâng thánh lễ để kính nhớ và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Tâm tình của Giáo hội trong ngày này được thể hiện qua lời nguyện nhập lễ như sau: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài.[5]
Để cụ thể tâm tình này, một số Giáo xứ cử hành nghi thức kính nhớ ông bà tổ tiên vào đầu thánh lễ. Nghi thức thường như sau: linh mục và đoàn dâng lễ vật tiến đến trước bàn thờ tổ tiên, sau khi nghe một bài văn tế với nghi thức cúc cung bái theo tiếng mõ và trống chiêng, sau đó thì đến phần dâng lễ vật. Lễ vật thường gồm có: trà, rượu, hoa quả, bánh trái, hương. Nghi thức thường kết thúc với bài hát về kính nhớ tổ tiên.
Ngày mồng ba tết, Giáo hội hướng tâm tình cầu nguyện đến công ăn việc làm. Người Việt Nam quan niệm khởi đầu năm mới tốt đẹp thì cả năm sẽ tốt đẹp. Trong tâm tình đó, những ngày đầu năm Giáo hội muốn con cái mình hướng về Chúa là Đấng sáng tạo mọi sự tốt đẹp cho con người hưởng dùng để xin Ngài cũng tiếp tục thánh hóa sức lao động con người bỏ ra để mang lại hiệu quả tốt đẹp. Tâm tình này thể hiện qua lời nguyện nhập lễ như sau: Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần ki-tô giáo, để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa.[6]
Trong thánh lễ này, vài giáo xứ có tổ chức việc làm phép các dụng cụ lao động cũng như các phương tiện làm ăn. Đây là một nghi thức ý nghĩa nhằm giúp người tín hữu biết tin tưởng, phó thác vào Chúa và nhận ra ý nghĩa đích thực của việc lao động.
Bên cạnh ba ngày tết truyền thống, còn có một số ngày lễ khác đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam đưa vào lịch Phụng vụ của Giáo hội Việt Nam như ngày lễ Trung thu cầu cho các em thiếu nhi. Năm 1990, theo đơn xin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép đem vào lịch chung của Giáo Hội lễ thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục, và các bạn tử đạo, mừng vào ngày 24 tháng 11, với bậc lễ nhớ.
Vì theo chu kỳ hai hoặc ba năm, thứ tư Lễ Tro thường trùng với các ngày Tết Nguyên đán tại Việt Nam, nên Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xin Toà Thánh để có thể dịch nghi lễ làm phép Tro và xức Tro, cũng như ngày ăn chay vào thứ sáu, hoặc thứ bảy sau Lễ Tro. Ngày 26-11-1998, Bộ Phụng tự đã đồng ý cho Hội đồng Giám mục Việt Nam được cử hành lễ làm phép và xức Tro vào thứ sáu, hoặc thứ bảy sau Lễ tro, cũng như việc ăn chay kiêng thịt vào hai ngày trên.
Ngoài ra, một số bản dịch Nghi thức cử hành Thánh lễ (Ordinarium Missae) Lễ Quy Rôma (Canon Romanus) hay các nghi thức theo ngôn ngữ của vài dân tộc thiểu số cũng đã được Tòa thánh phê chuẩn và được phép xử dụng trong Phụng vụ như: tiếng Churu (1966), tiếng K’Ho (1966), tiếng Bahnar (1968).
2.2.   Thánh nhạc, nghệ thuật thánh và dụng cụ thánh
Hiến chế về Phụng vụ Thánh đã dành hai chương VI và VII để nói về Thánh nhạc (số 112-121), nghệ thuật thánh và dụng cụ thánh (122-130). Quy chế tổng quát sách lễ Rôma cũng dành hai chương V và VI để nói về cách xếp đặt, trang trí thánh đường và những gì cần phải có để cử hành thánh lễ. Các phần này trình bày rất rõ những yếu tố nào được phép thích nghi với văn hóa địa phương và thích nghi như thế nào. Ở đây không trình bày lại những hướng dẫn tổng quát nhưng chủ yếu đưa ra những yếu tố mang sắc thái riêng của Giáo hội Việt Nam hay ít là của một số vùng miền trong lãnh thổ Việt Nam.
ü Thánh nhạc: Ở việt Nam, một số bài hát có âm điệu dân ca cũng đã được sáng tác và được phép xử dụng trong Phụng vụ, tuy rằng số lượng chưa nhiều nhưng nó cũng cho thấy ý thức hội nhập của Giáo hội Việt Nam trong thánh nhạc. Với một số giáo phận có nhiều tín hữu người dân tộc thiểu số, các bài hát trong Phụng vụ cũng đã được chuyển ngữ sang tiếng địa phương hay được sáng tác bằng ngôn ngữ địa phương. Bên cạnh những nhạc khí xử dụng quen thuộc trong Phụng vụ, một số nhạc cụ khác cũng đã được đưa vào xử dụng, chẳng hạn như cồng chiêng ở Tây nguyên.
Ngoài ra, sự kết hợp giữa âm nhạc và cử điệu cũng rất cần thiết để diễn tả tâm tình của con người trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Chính vì vậy, các điệu vũ cũng được kết hợp trong khi hát các kinh trong bộ lễ, đặc biệt là các thánh lễ long trọng tại giáo phận Kon Tum. Tuy nhiên cũng cần tránh những lạm dụng thái quá, chẳng hạn như quá chú tâm vào các vũ điệu mà làm mất đi tâm tình thờ phượng Chúa.
ü Nghệ thuật thánh: Hội thánh cũng công nhận mỹ thuật của mỗi địa phương và tiếp nhận những cách thích nghi hợp với não trạng và truyền thống của mỗi dân tộc, miễn là mỹ thuật phải đơn sơ, trang nhã. Nghệ thuật này được thể hiện qua cách xây dựng và bố trí ngôi thánh đường, qua chất liệu và hình thức các vật dụng xử dụng trong thánh lễ cũng như phẩm phục của các thừa tác viên. Đặc biệt là hoa văn trong Phụng vụ. Một số nơi khăn trải bàn thờ, phẩm phục của thừa tác viên có thêu những hoa văn quen thuộc đặc trưng của từng vùng, chẳng hạn như hoa văn của các dân tộc thiểu số. Việc làm này sẽ tạo cho tín hữu cảm giác thân thuộc gần gũi khi tham gia nghi thức Phụng vụ.
ü Các dụng cụ thánh: các dụng cụ xử dụng trong Phụng vụ được thích nghi với văn hóa của Việt Nam rất nhiều. Chẳng hạn như việc xử dụng lư hương và nhang thay cho hương trầm. Tuy trong một số trường hợp, việc xử dụng nhang không nói lên hết ý nghĩa của việc cử hành nhưng việc cắm nhang cũng là một hình ảnh rất quen thuộc và gần gũi với tín hữu Việt Nam. Một số dụng cụ khác cũng mang tính chất việt như chiêng, trống, mõ, lá dừa, v.v..
Kết luận:
Rõ ràng, việc hội nhập văn hóa trong cử hành Phụng vụ có tầm rất quan trọng, nó giúp cho người tín hữu cảm thấy gần gũi hơn với tâm tình và tâm thức tâm linh ngay trong chính quê hương của mình. Tuy thế cũng có vài điểm cần lưu ý trong quá trình hội nhập này. Thứ nhất, như Công đồng khẳng định, Phụng vụ của Giáo Hội không được xa lạ đối với bất cứ quốc gia, dân tộc hay cá nhân nào, nhưng đồng thời cũng phải vượt trên tính chất riêng tư của các chủng tộc và các quốc gia (x. Huấn thị, số 18). Do vậy, việc hội nhập văn hóa trong Phụng vụ phải được chọn lọc kỹ càng và phải được sự cho phép của các vị có trách nhiệm trong Giáo hội như Tòa Thánh, Hội Đồng Giám mục và Giám mục giáo phận.
Cần phải lưu tâm, không để cho việc hội nhập văn hóa mang tính cách hòa đồng tôn giáo. Với những xứ có nhiều nền văn hóa khác nhau, cần tránh nguy cơ việc hội nhập ngăn cách các cộng đoàn với nhau, cần phải tìm được sự quân bình để tôn trọng những quyền lợi riêng biệt của các nhóm, các bộ lạc mà vẫn không làm cho các lễ nghi Phụng vụ trở thành cá biệt một cách thái quá.
Mục đích của việc hội nhập văn hóa vào Phụng vụ là để giúp diễn tả tinh thần Phụng vụ một cách rõ ràng và giúp giáo dân dễ hiểu mà tham dự Phụng vụ một cách tích cực và hiệu quả hơn. Do đó cần tránh những hình còn mơ hồ chưa rõ ràng hay tránh việc hội nhập thái quá. Cần hết sức cân nhắc trước khi đưa một yếu tố văn hóa hội nhập vào trong việc cử hành Phụng vụ để sao cho việc hội nhập thực sự giúp nâng tâm hồn người tín hữu lên gần Chúa.







[1] Xc. Trần Đình Tứ, Phụng vụ nhập môn (TP.HCM: ĐCV Giuse, 1998), tr. 98-113.
[2] Xc. ủy ban Phụng tự, hội đồng giám mục Việt Nam, Phụng tự tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010), http://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx
[3] Xc. Sách lễ Rôma, 1992, tr.1040.
[4] Một số nơi củng cử hành nghi thức ngũ bái nhưng đối tượng có chút thay đổi như nhất bái dành cho Chúa Ba Ngôi, nhị bái cho đức mẹ, tam bái cho thánh Giuse, tứ bái cho các thánh và ngũ bái cho ông bà tổ tiên.
[5] Sách lễ Rôma, 1992, tr.1042.
[6] Sđd, tr.1044.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét