Hiển thị các bài đăng có nhãn CN5. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN5. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2025

 

MẪU GƯƠNG ĐỨC TIN

Đám đông theo Chúa ba ngày trời, không có gì ăn, thế nhưng họ vẫn không bỏ cuộc, đó chẳng phải là mẫu gương đời sống đức tin cho ta đó sao?

Một cụ ông gần 90 tuổi, nhờ cha đến xức dầu, cha hỏi ông có sợ, có lo lắng không, ông cười trả lời, có Chúa rồi, con chẳng sợ gì cả. đó chẳng phải là mẫu gương cho ta sao?

Một người đàn ông trung niên, quỳ gối cầu nguyện trước khi ngủ, đó chẳng phải là gương sáng cho ta noi theo sao?

Một người dù mưa phùn gió bấc thế nào cũng luôn có mặt ở nhà thờ đúng giờ mỗi buổi sáng. Đó chẳng phải là gương tốt cho ta sao?

Một người mẹ vất vả chăm lo cho đứa con tật nguyền bao nhiêu năm nay mà chẳng kêu ca trách móc, đó chẳng phải gương sáng cho ta thì là gì?

Quả thật, quanh ta vẫn có rất nhiều gương sáng về đời sống và đức tin.

Xin Chúa giúp mở mắt, mở lòng cho con nhận ra bao điều tốt đẹp vẫn đang hiện diện quanh con.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2025

 

GIAO TIẾP HIỆU QUẢ (Mc 7,31-37)

Gần đây mạng xã hội thông tin cho ta biết về nhiều vụ hành hung các shipper hay rộng hơn là bạo lực đường phố. Điều đó cho thấy trong xã hội hiện đại và công nghệ, dường như con người đã mất dần khả năng giao tiếp với nhau. Công nghệ giúp con người mở rộng phậm vi và tốc độ giao tiếp nhưng thiếu hẳn chiều sâu, để rồi con người chủ trương giao tiếp bằng bạo lực, mạnh được yếu thua!

Tin mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người vừa điếc vừa ngọng. Vì điếc nên không thể tiếp nhận rõ ràng thông tin từ người khác; Vì ngọng nên không thể diễn tả rõ ràng ý tưởng của mình. Cả hai đều ngăn cản ta trong việc giao tiếp với người khác.

Thế nhưng rất may là anh vẫn có cách để giao tiếp với những người khác và chính họ đã mang anh đến với Đức Giêsu, nhờ đó mà anh được chữa lành. Tai và miệng mở ra để anh có thể giao tiếp tốt hơn nữa.

Xin Chúa cũng hãy mở tai, mở miệng, mở mắt, mở trí và nhất là mở lòng con ra, để con có thể giao tiếp tốt với Chúa và hiệu quả với anh chị em mình.

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2025

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA - THỨ 6 TUẦN IV TNC (Mc 6, 14-29)

“Điều tốt, tôi muốn làm thì tôi lại không làm, còn điều xấu tôi không muốn làm thì tôi lại làm” (Rm 7,18-19)

Điều đó cho thấy con đường từ cái đầu đến đôi tay khác biệt biết bao!

Cũng như Hêrôđê biết Gioan là người công chính, rất thích nghe ông nhưng cuối cùng lại cho giết ông, vua quyết định một điều hoàn toàn trái với lương tâm.

Trong đời sống chúng ta cũng thế, rất nhiều điều biết là sai đó, nhưng ta vẫn cứ làm! Đó là khi ta sống theo bản năng của mình.

Ước gì ta luôn sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí, để nhờ đó luôn làm theo tiếng gọi của lương tâm trong sạch.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

TÌNH YÊU DIỄN TẢ BẰNG HÀNH ĐỘNG



Thứ Bảy, Tuần V TN (Mc 8,1-10)
Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn ! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường.
Đi từ cuộc sống: Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, cứ 5 giây thì có một đứa trẻ chết vì đói. Ngược lại, theo dõi báo chí, thỉnh thoảng ta vẫn thấy có những “đại gia” bỏ ra ca chục triệu cho một bữa ăn. Nếu mỗi người đều biết chạnh lòng thương khi thấy người khác đói khát thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn biết mấy!
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su đã nhiều lần chạnh lòng thương khi chứng kiến cảnh con người bơ vơ khổ cực. Không chỉ chạnh lòng thương, Người còn chuyển lòng thương xót thành những hành động. Tình thương của Chúa luôn thể hiện bằng hành động, nhờ đó, mọi người cảm nhận được tình thương cách cụ thể hơn, gần gũi hơn, thân thiết hơn.
Tận hưởng niềm vui: Khi nói đến tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta được phép liên tưởng đến một chương trình, một kế hoạch để thực hiện tình yêu đó. Khi nói Thiên Chúa yêu thương bạn, nghĩa là Thiên Chúa có một kế hoạch dành cho bạn. Đó là một niềm vui mà ít khi ta biết tận hưởng.
Chung lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng nói lời yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi nhưng biểu lộ bằng những hành động cụ thể, những hành động giúp nhau đạt đến sự sống trọn vẹn, viên mãn.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

ĐỨC TIN KHÔNG BIÊN GIỚI

Thứ Năm, tuần V TN (Mc 7,24-30)
Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Đức Giê-su, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà.
Đi từ cuộc sống: Trước tết, tôi được một người quen mời dự tất niên. Địa điểm cách thành phố Pleiku khoảng 40 km về hướng Bắc. Cuộc họp mặt gồm có vài người Kinh, 3 Yá (nữ tu người dân tộc) người Sê Đăng và những người hàng xóm người Ba Na. Cuộc hội ngộ tuy gồm những người khác nhau về sắc tộc nhưng lại có chung một ngữ: ngôn ngữ đức tin. Đức tin xóa tan mọi khoảng cách để tôi cảm thấy gần gũi hơn, thân quen hơn.
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su ưu tiên sứ vụ của người cho “những con chiên lạc nhà Israel”, thế nhưng, không ít lần Người đã chứng kiến một đức tin mãnh liệt nơi những người bị coi là “ngoại đạo”. Bài Tin Mừng ngày hôm nay cũng thế, đứng trước đức tin mãnh mẽ của một phụ nữ người Hy-lạp, Đức Giê-su đã cảm phục và làm phép lạ theo lời cầu xin của bà. Bà đã chứng tỏ rằng đức tin không bị giới hạn trong một lãnh thổ địa lý nào nhưng là ngôn ngữ chung của mọi dân tộc.
Tận hưởng niềm vui: Đức tin không có biên giới. Đức tin là ngôn ngữ chung của mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi tiếng nói. Có thể người ta không hiểu ngôn ngữ của tiếng nói nhưng ngôn ngữ của đức tin thì có thể cảm nhận được.
Chung lời cầu nguyện: Giữa một thế giới còn nhiều khác biệt, xin Chúa cho tất cả được hiệp nhất trong cùng một đức tin.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

HÌNH THỨC VÀ TẤM LÒNG

Thứ Tư, tuần V TN (Mc 7,14-23)
Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.
Đi từ cuộc sống: Vào những ngày đầu năm, người ta đổ xô đến các chùa trong khắp cả nước. Thế nhưng trong dòng người chen lấn nhau đó, không biết có được mấy người thành tâm hướng về “cõi thiêng” như các cụ già sáng sáng vẫn đều đặn đến các ngôi thánh đường? Một người đàn ông bên ngoài trong lịch lãm nhưng bên trong chưa hẳn là một người chồng tốt, một người cha hiền! Những hình thức bên ngoài chẳng đáng là gì so với giá trị nội tâm.
Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su một lần nữa phê phán những người trọng hình thức bên ngoài mà xem nhẹ nội dung bên trong. Truyền thống của người Do thái bày ra đủ thứ hình thức thanh tẩy bên ngoài rồi dựa vào đó mà đánh giá nhau. Đức Giê-su nhắc nhở chiều kích nội tâm khi giữ luật mới là điều quan trọng. Trong tâm đã xấu thì có giữ đầy đủ hình thức bên ngoài cũng chẳng có ý nghĩa gì!
Tận hưởng niềm vui: Chúa không đánh giá ta theo hình thức bên ngoài. Do đó, giàu hay nghèo, sang hay hèn, có địa vị hay hèn kém, lanh lợi hay chậm chạp, khôn ngoan hay khù khờ, v.v., tất cả đều không quan trọng. Một tấm lòng đơn thành xuất phát từ một con tim thanh sạch khi đến với Chúa và cư xử với nhau, đó mời là điều Chúa cần.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa cho con có một trái tim trong sạch để con được ngắm nhìn Thiên Chúa.

TRUYỀN THỐNG CON NGƯỜI VÀ ĐIỀU RĂN THIÊN CHÚA



Thứ Ba, tuần V TN (Mc 7,1-13)
Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.
Đi từ cuộc sống: Để duy trì nề nếp gia phong, nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại bắt con cái mình phá hủy các thai nhi ngoài ý muốn. Để giữ gìn truyền thống gia đình, người ta đang tâm giết chết những mầm sống thiêng liêng mà đáng lý chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền định đoạt. Để duy trì truyền thống, người ta gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa: chớ giết người.
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa dạy phải thảo kính cha mẹ, thế mà truyền thống của người Do thái đã chấp nhận miễn thi hành điều răn này nếu người con dâng hiến cho Chúa những gì lẽ ra phải để phụng dưỡng cha mẹ. Theo truyền thống, người con có thể lấy cớ là đã dâng hiến tài sản cho Thiên Chúa và được miễn thi hành nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ. Như vậy, họ đã đề cao truyền thống do chính cha ông họ đặt ra và gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa.
Tận hưởng niềm vui: Đức Giê-su khẳng định lại những điều răn của Thiên Chúa thì có giá trị bất biến, mọi truyền thống của con người không thể thay thế được. Nếu một truyền thống đi ngược lại với điều răn của Thiên Chúa thì đó là truyền thống sai lầm. Truyền thống của con người phải quy chiếu về điều răn của Thiên Chúa chứ không phải ngược lại. Đức Giê-su đã phân biệt rạch ròi giữa truyền thống của con người và điều răn của Thiên Chúa.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp con biết chu toàn luật Chúa trên mọi thứ luật lệ hay truyền thống của con người.

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

CHÚA LUÔN CHỮA LÀNH

Thứ Hai, Tuần V TN (Mc 6,53-56)

Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người ; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

Đi từ cuộc sống: Các bệnh viện tại Việt Nam luôn trong tình trạng quá tải. Tình trạng 2, 3 bệnh nhân nằm chung một giường là chuyện bình thường. Thậm chí giường không đủ, bệnh nhân phải trải chiếu nằm dưới nền nhà. Khi các bệnh viện không đáp ứng đủ nhu cầu chữa bệnh thì bệnh nhân chạy đến với thần linh. Hầu hết trong các bệnh viện đều có một nơi “đặc biệt” để các bệnh nhân và người nhà tìm đến với chút hy vọng nào đó.

Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay cho thấy, dù Đức Giê-su đi đến đâu, làng mạc hay thành thị, người ta đều đem các bệnh nhân đến cho Người với hy vọng Người dủ lòng thương. Và Thiên Chúa đã tỏ tình thương khi bất cứ ai chạm đến Người đều được chữa lành. Hành động chữa lành của Đức Giê-su tiếp nối công trình sáng tạo của Thiên Chúa khi làm cho mọi thứ trở về tình trạng tốt đẹp nguyên thủy của nó.

Tận hưởng niềm vui: Ngày nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục dủ thương và chữa lành chúng ta. Những ai tìm đến với Người với lòng thành tín, Thiên Chúa sẽ chữa lành ta theo cách thức của Người. Chắc chắn Người sẽ làm cho đời ta trở nên tốt lành hơn. Người đưa ta trở về với tình trạng tốt đẹp ban đầu với điều kiện là ta phải tìm cách “chạm” đến Người.

Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa chữa lành chúng con khỏi mọi bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn.



Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

SỨ MẠNG NGƯỜI MÔN ĐỆ



Chúa nhật V TNA (Mt 5,13-16)
Kính thưa cộng đoàn,
Ngay trước bài Tin Mừng này là bản văn nói về Bát Phúc. Bát Phúc chính là hiến chương của Nước Trời, là lối sống của người môn đệ để xứng đáng với Vương Quốc mà Đức Giê-su đã loan báo. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay, Đức Giê-su đề cập đến sứ mạng của người môn đệ. Sứ mạng đó là nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.
Nói về tác dụng của muối đối với thức ăn, có lẽ mọi người đều biết rõ. Muối không chỉ giữ cho thực phẩm khỏi hư mà còn làm cho thức ăn thêm gia vị. Nấu ăn mà không có muối thì dù có là sơn hào hải vị cũng sẽ trở nên nhạt nhẽo. Muối có tác dụng với thức ăn như thế nào thì sứ vụ của người môn đệ đối với môi trường sống cũng vậy.

HÃY LÀ MUỐI MẶN

Chúa nhật V TNA (Mt 5,13-16)

Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
Đi từ cuộc sống: Một Giám mục nọ tha thiết mời gọi các linh mục thỉnh thoảng hãy “đóng cửa” nhà xứ để đến với những con chiên xa xôi. Có ra đi, các ngài mới có cơ hội gặp gỡ nhiều đối tượng khác nhau, nhiều cảnh đời khác nhau. Đó cũng là cơ hội để các ngài tiếp xúc và ướp mặn trần gian. Thiết nghĩ đó cũng là lời mời gọi dành cho mỗi người Ki-tô hữu.
Lời Chúa soi đường: Chúa nói chính chúng ta là muối cho đời. Muối muốn ướp mặn thì phải chấp nhận hòa tan. Không có tiếp xúc và hòa tan thì muối cũng thành vô dụng. Người Ki-tô hữu đã lãnh nhận rất nhiều từ Thiên Chúa và Giáo hội. Nhưng nếu họ chỉ lãnh nhận cho mình mà thôi thì cũng như nén bạc bị chốn dấu. Họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa và có khi còn phải trắng tay.
Tận hưởng niềm vui: Trong lịch sử Giáo hội đã có nhiều chứng nhân biết cách ướp mặn cuộc đời bằng sự hiện diện đầy ý nghĩa. Chẳng hạn như thánh Phanxicô Khó Khăn và thánh Đa Minh đã “ướp mặn” thời đại các ngài bằng lối sống đậm chất Tin Mừng; thánh Têrêsa Calcutta đã “ướp mặn” xã hội Ấn Độ bằng sự hiện diện đầy yêu thương bác ái. Mỗi người chúng ta cũng có thể chọn một lối sống tương tự như thế.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp con luôn ý thức mình là muối và sứ mệnh của con là “ướp mặn” môi trường con đang hiện diện.