Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

ĐỨC GIÊSU KITÔ, VỊ VUA ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT

Lễ Kitô Vua (Ga 18,33b-37)

Trong suốt năm phụng vụ, Giáo hội đã chiêm ngắm Đức Giêsu với nhiều khuôn mặt khác nhau. Trong Chúa nhật cuối cùng này, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Đức Giêsu với khuôn mặt của một vị vua.
Khi nói đến vua Kitô, ta thường hay liên tưởng ngay đến những danh hiệu như vua Vũ trụ, vua Hòa bình, vua Sự thật, vua Tình yêu, v.v.. Hôm nay, trong bối cảnh Giáo hội sắp khai mạc năm thánh ngoại thường kính Lòng Thương Xót Chúa, tôi xin mời mọi người cùng chiêm ngắm vua Kitô với gương mặt của một Đấng đầy Lòng Thương Xót.
Vua Kitô, khuôn mặt thương xót của Chúa Cha
Ngay câu đầu tiên trong Tông chiếu về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định “Chúa Giêsu Kitô là khuôn mặt của Lòng Thương Xót Chúa Cha”. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được mạc khải là Đấng “nhân từ và đầy thương xót” (Xh 34, 6). Lòng thương xót của Thiên Chúa không chung chung trừu tượng nhưng được thể hiện qua những hành động rất cụ thể: “Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ” (Tv 146, 9) hay “Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành” (Tv 147, 3).
Sau cùng, Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện cách cụ thể qua chính Con Một là Đức Giêsu Kitô. Vì thương xót con người, Con Một Chúa đã đến thế gian trong thân phận một phàm nhân. Cái chết trên thập giá là đỉnh cao của Lòng Thương Xót đó. Lòng Thương Xót đó còn được thể hiện qua giáo huấn và chính cuộc sống của Đức Giêsu Kitô.
Lòng thương xót qua những giáo huấn của Vua Kitô
Đức Giêsu khai mạc sứ vụ với bài giảng trên núi, còn gọi là Hiến chương Nước Trời. Hình ảnh này có thể cho ta hình dung Đức Giêsu như vị vua vừa khai quốc, đang đứng trước toàn dân để công bố Hiến chương của một vương quốc mới, vương quốc của Lòng Thương Xót. Nội dung Hiến chương này cũng toát lên Lòng Thương Xót của vị quốc vương. Vương quốc này không dành cho những người tự mãn về mình nhưng cho những ai đáng hưởng Lòng Thương Xót Chúa.
Lòng Thương Xót Chúa còn được thể hiện qua những dụ ngôn, đặc biệt nơi chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca. Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót không muốn đánh mất, dù là một người tội lỗi. Ngài cất công đi tìm kiếm con chiên lạc và vui mừng vác trên vai mang về. Ngài như người cha ngày đêm lo lắng, mong ngóng đứa con hoang trở về.
Lòng thương xót qua hành động của Vua Kitô
Đức Giêsu không chỉ giảng dạy về Lòng Thương Xót nhưng trên hết, chính Người đã sống Lòng Thương Xót đó. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi thấy dân chúng lầm than vất vưởng không người chăn dắt (Mt 9,36). Người chạnh lòng thương với đau khổ của người mẹ góa thành Nain trước cái chết của người con trai duy nhất (Lc 7,15). Người chạnh lòng thương trước nổi ô nhục của người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang (Ga 7,11). Người chạnh lòng thương trước cái chết của La-za-rô, bạn hữu Người (Ga 11,35). Và cuối cùng, Lòng Thương Xót Chúa thể hiện qua cuộc thương khó với cái chết trên thập giá. Vua Kitô không chỉ dạy ta về Lòng Thương Xót nhưng chính Người đã nêu gương cho chúng ta trước.
Chúng ta, những công dân của lòng thương xót

Vương quốc của Thiên Chúa là vương quốc của Lòng Thương Xót không chỉ vì Đức Giêsu Kitô là Vua Thương Xót mà còn vì chúng ta được mời gọi trở nên những công dân của Lòng Thương Xót đó. Nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, chúng ta trở nên những công dân trong vương quốc Ngài. Phần chúng ta, chúng ta cũng được mời gọi sống Lòng Thương Xót với nhau trong gia đình, nơi lối xóm, trong các đoàn thể, nơi giáo xứ và ngoài xã hội, nhờ đó, chúng ta xứng đáng là những công dân của Lòng Thương Xót Chúa. 

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

TỰ HÀO VÀ TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG HÀO HÙNG

Các thánh tử đạo Việt Nam (Ga 17,11-19)

Lễ các thánh Tử đạo Việt Nam luôn gợi lên trong lòng mỗi người niềm tự hào khó tả, bởi chúng ta mang trong mình dòng máu của các ngài. Hôm nay, mỗi người chúng ta đều có quyền tự hào vì là dòng dõi của các thánh nhân, là con cháu của các vị Tử đạo. Niềm tự hào đó còn khơi lên nơi chúng ta quyết tâm sống đạo để tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông.
Tự hào về cha ông: chọn cái chết để tuyên xưng đức tin
Chúng ta có quyền tự hào về gương chứng nhân anh dũng của cha ông. Trong số 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam thì có 96 vị là người Việt Nam, trong đó có 59 vị là giáo dân. Như vậy, nên thánh không chỉ là các vị nước ngoài mà thôi nhưng có rất nhiều người Việt Nam; không chỉ là các Giám mục, linh mục mà thôi nhưng có rất nhiều giáo dân. Các ngài cũng là những người bình thường như chúng ta. Có những người đang làm quan nhưng sẵn sàng mất chức, mất mạng để bảo vệ đức tin. Có những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng tinh thần vững mạnh khi tuyên xưng đức tin. Có những chàng trai tương lai đầy hy vọng nhưng lại dũng cảm chọn một tương lai chắc chắn hơn trên quê trời.
Các thánh Tử đạo cũng đón nhận một đức tin như chúng ta, các ngài cũng sống trong môi trường văn hóa, xã hội như chúng ta, thậm chí là khắc nghiệt hơn, thế nhưng các ngài đã trung kiên giữ vững đức tin của mình. Chắc chắn các ngài không được học giáo lý đầy đủ, không được tự do sống đạo như chúng ta ngày nay, thế nhưng chính sự thiếu thốn đó lại hun đúc niềm tin và tình yêu nơi các ngài.
Dù bị nghi ngại và hiểu lầm, dù gặp chống đối và ngăn trở, dù bị bách hại và cầm tù, chịu tra tấn và giết chết, các ngài vẫn không run sợ trước những quyền lực thế gian. Dù bị dụ dỗ hay hù dọa, đức tin của các ngài vẫn kiên vững.
Các chứng nhân anh dũng trên quê hương Việt Nam không chỉ là 117 vị thánh tử đạo mà thôi nhưng còn hơn 100 ngàn người khác đã hy sinh một cách âm thầm. Giữa muôn trùng thử thách, các ngài đã đứng vững, đã can đảm gìn giữ và tuyên xưng đức tin của mình. Máu các thánh Tử đạo đã đổ xuống để trổ sinh những bông hạt là đức tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống hào hùng đó để sống đức tin cho xứng đáng.
Tiếp nối truyền thống:  Hãy sống đức tin
Ngày nay, không còn nhiều cảnh bắt bớ, đánh đập, tù đày và chết chóc nhưng người tín hữu vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn thử thách mới. Nếu xét về bề ngoài có lẽ nó chẳng là gì so với xưa kia, thế nhưng chính điều đó lại là mối nguy hiểm! Nó giết hại đức tin của người tín hữu một cách âm thầm.
Ngày nay, ai ai cũng lo thăng tiến bản thân. Nhỏ lo học, lớn lên lo kiếm việc làm, rồi cố gắng duy trì và thăng tiến trong công việc. Ngoài ra còn vô số những nhu cầu của thời đại khiến ta cảm thấy phải chịu nhiều áp lực trước cuộc sống. Những áp lực đó khiến ta không còn thời gian nghĩ đến Chúa, không còn thời giờ đến nhà thờ, học giáo lý, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích hay cầu nguyện riêng tư. Dần dần chúng ta đánh mất cảm thức đức tin. Không còn thấy nhu cầu phải sống đạo.
Đôi khi phải lựa chọn giữa đức tin và công việc, giữa thực hành đức tin với những thú vui và đam mê trần thế, chúng ta thà đánh mất đức tin, mất các giá trị cao đẹp của Tin Mừng hơn là chấp nhận hy sinh thiệt thòi về phía mình.
Đời sống đức tin ngày nay đặt chúng ta trước những chọn lựa khắc nghiệt không kém. Đó là một cuộc tử đạo liên lỉ, tử đạo hàng ngày. Chọn lựa đứng về phía các giá trị của Tin Mừng là một chọn lựa cao đẹp và anh dũng không kém gì chọn lựa chết vì đạo.

Xin các thánh Tử đạo phù trợ để phận con cháu chúng con luôn giữ vững đức tin của mình. Amen.

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

HÌNH THỨC BÊN NGOÀI VÀ TÌNH YÊU BÊN TRONG

Chúa nhật XXXII TN (Mc 12,38-44)

Kính thưa ông bà anh chị em, hình thức bên ngoài và chất lượng bên trong là hai điều mà người ta dựa vào để đánh giá chất lượng của sản phẩm. Thông thường, tiêu chuẩn đầu tiên vẫn là hình thức bên ngoài. Để mua một chiếc xe hay chiếc điện thoại, trước hết người ta xem dòng xe hay điện thoại đó có hợp thời không, dáng dấp thế nào, rồi sau đó mới so sánh đến chất lượng bên trong. Khi xem quảng cáo, điều đập vào mắt ta trước tiên vẫn là mẫu mả bên ngoài. Vì thế mới dẫn đến tình trạng con người đánh giá “đẳng cấp” của nhau theo những gì họ đang sở hữu hay thể hiện ra bên ngoài.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay giúp ta có một cái nhìn khác, không phải là hình thức bên ngoài nhưng là cốt lõi bên trong, đó chính là tình yêu.
Các bài đọc hôm nay làm nổi bật lên hai hình ảnh trái ngược. Hình ảnh các kinh sư xúng xính trong những bộ áo lộng lẫy, hay xuất hiện ở những nơi công cộng, thích được người ta chào hỏi, nhưng bên trong sự xúng xính, sang trọng đó là những mưu mô tính toán, là áp bức đặt trên người nghèo. Trái lại, các bà góa, những người thuộc tầng lớp “thấp cổ bé miệng” nhưng bên trong lại dạt dào một tình yêu. Một tình yêu dám hi sinh cho đi những gì mình đang cần chứ không phải chỉ cho đi những của cải dư thừa.
Bà góa thành Za-rép-ta dám hi sinh những gì còn lại cuối cùng để chia sẻ cho ông Ê-li-a và bà đã được trả công xứng đáng. Bà góa trong bài Tin Mừng đã hi sinh đồng bạc kẽm ít ỏi của mình để dâng cúng cho Đền Thờ và bà cũng đã được Chúa tuyên dương. Tình yêu thực sự đòi hỏi ta phải hi sinh những gì người khác thực sự cần chứ không phải cho đi những gì mình dư thừa. Hành động của những bà góa giúp ta nhìn lại thái độ của mình, tình yêu của mình trước lời mời gọi của Chúa Giêsu và Hội thánh.
Thiên Chúa yêu thương tôi rất nhiều thế nhưng tôi đang đáp trả lại tình yêu của Người như thế nào? Giáo hội đã và đang cho tôi rất nhiều, thế nhưng tôi đã hi sinh những gì để đóng góp xây dựng Giáo hội? Tôi đã lãnh nhận rất nhiều từ những người xung quanh nhưng tôi có nhìn ra và đáp ứng nhu cầu của những anh chị em bên cạnh? Làm việc nhiều chưa hẳn vì yêu, cho đi rất nhiều chưa hẳn là hi sinh, nếu như thiếu vắng tình yêu thực sự. Nếu thiếu vắng tình yêu, tất cả cũng chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài. Mà hình thức bên ngoài nhiều khi là để “quãng cáo” cho chính mình. Chỉ có tình yêu mới hướng việc làm ta đến với tha nhân thực sự.
Qua các bài đọc hôm nay, Đức Giêsu cũng dạy cho các môn đệ và qua đó, dạy mỗi người chúng ta đừng đánh giá người khác theo dáng vẻ bên ngoài nhưng phải thấu cảm tận trong thâm sâu cõi lòng. Bên ngoài có thể ăn mặc bình dị, cũ kỹ, thậm chí là dơ bẩn, rách rưới nhưng bên trong sự dơ bẩn rách rưới đó có thể là một tấm lòng cao thượng, hết lòng hi sinh cho vợ, cho con. Có thể họ chấp nhận phần thiệt thòi về mình để vợ con được no ấm. Con người dễ đánh giá nhau theo dáng vẻ bên ngoài nhưng Thiên Chúa nhìn thấy tận tam can.
Muốn có cái nhìn như Chúa, người môn đệ chúng ta cần phải học hỏi cùng Chúa, hãy chậm rãi quan sát chứ đừng vội nhận xét. Để có thể thấu hiểu cõi lòng một ai đó cần có thời gian, có sự quan tâm, có dịp gặp gỡ tiếp xúc. Giống như hai môn đệ ông Gio-an tẩy giả, muốn biết Đức Giêsu phải đến xem và ở lại với Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi đến với nhau bằng tất cả thiện chí, “ở lại” với nhau bằng tất cả tình yêu, có như vậy ta mới có thể có được cái nhìn thấu cảm về hoàn cảnh của anh chị em mình.
Ước gì người với người đến với nhau bằng tình yêu thực sự! Ước gì ai ai cũng có cái nhìn thấu cảm như Đức Giêsu! Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Amen.



BÁT PHÚC, CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Chúa nhật XXXI TNB – LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ (Mt 5,1-12a)

Con người đến từ đâu? Phải sống cuộc đời này như thế nào và rồi sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi mà nhiều người hằng thao thức. Với Hội thánh Công giáo, câu trả lời rất rõ ràng. Con người được dựng nên bởi tình yêu Thiên Chúa và cùng đích của con người là chung hưởng hạnh phúc với Ngài. Vì thế, cuốc sống trên dương gian này là hành trình con người tiến về nhà Cha, nơi hạnh phúc đích thực đang chờ đón, nơi các thánh đang quy tụ để tôn vinh Thiên Chúa.
Vậy, làm thế nào để đạt được hạnh phúc đó? Bằng cách nào để chúng ta cùng được đoàn tụ với các thánh trên Thiên Quốc? Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay sẽ cho ta câu trả lời.
Thật vậy, trong bài đọc hai, thánh Gioan nhắc đến phẩm giá cao quý của chúng ta, đó là con Thiên Chúa. Mà đã là con thì chúng ta cũng sẽ được đồng thừa kế với Đức Giêsu: Ngài ở đâu chúng ta cũng sẽ ở đó với Ngài. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải tin vào Ngài. Đức tin đó, không chỉ đơn giản là nhận phép rửa hay chỉ tuyên xưng ra ngoài miệng một lần là xong. Đức tin đó đòi hỏi phải được tôi luyện, phải “trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh 7,14). Các thánh là những người cùng đón nhận đức tin như chúng ta. Các ngài đã trải qua những cơn thử thách khác nhau trong cuộc đời, đã trung thành với đức tin đã lãnh nhận và giờ đây đang chung hưởng hạnh phúc đích thực trước nhan Thiên Chúa.
Các thánh là những người đã sống trọn giáo huấn của Đức Giêsu, Giáo huấn đó gói trọn trong bài giảng đầu tiên, còn gọi là Bát Phúc. Bát phúc chính là con đường nên thánh. Các thánh là những người đã sống trọn đời mình theo Bát Phúc của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua từng mối phúc đó:
Mối phúc thứ nhất: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó. Thánh Phanxicô đã chọn “Chị Nghèo” làm bạn và sống trọn mối phúc này, vì thế, ngài còn được gọi là Phanxicô Khó Khăn.
Mối phúc thứ hai: Phúc cho ai hiền lành. Thánh Phanxicô Salêsiô vốn mang bản tính nóng nảy nhưng đã noi gương Đức Giêsu cố gắng sống hiền lành và khiêm nhường.
Mối phúc thứ ba: Phúc cho ai sầu khổ. Thánh Mônica suốt đời khổ sở vì lo lắng cho chồng cho con. Thế nhưng ngài cũng luôn tin tưởng và phó thác nổi khổ sầu của mình cho Chúa và đã được Chúa thương nhận lời.
Mối phúc thứ tư: Phúc cho ai khao khát nên người công chính. Thánh Thomas More thà chết chứ không chiều theo những quyết định trái với luật hôn nhân của vua Henri VIII, vua nước Anh.
Mối phúc thứ năm: Phúc cho ai xót thương người. Thánh Têrêsa cùng với các nữ tu của mình suốt đời bày tỏ lòng thương xót qua việc phục vụ những người bần cùng nhất của xã hội.
Mối phúc thứ sáu: Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch. Maria Goretti thà chết để giữ trinh tiết còn hơn sống mà thân xác bị ô nhục.
Mối phúc thứ bảy: Phúc cho ai xây dựng hòa bình. Thánh nữ Catarina Siêna đã suốt đời rong ruổi để thực thi sứ vụ hòa giải, mang lại hòa bình cho nhiều vùng miền và ngay trong nội bộ Giáo hội.
Mối phúc thứ tám: Phúc cho ai bị bách hại vì Thầy. Các thánh tử đạo là những người đã trung kiên gìn giữ và tuyên xưng đức tin của mình, vì thế các ngài xứng đáng nhận ngành lá thiên tuế.
Bát phúc là con đường cụ thể giúp ta nên thánh. Mỗi người không nhất thiết phải sống cho trọn tám mối phúc này, nhưng chỉ cần sống trọn vẹn một mối phúc cũng đủ rồi. Bởi thật ra, tám mối phúc này không tách biệt nhau. Ai giữ trọn một mối phúc cũng có nghĩa là sống tốt những mối phúc còn lại.
Các thánh mà Giáo hội mừng hôm nay không chỉ là các vị đã được ghi danh trong sổ bộ các thánh nhưng các ngài có thể là tổ tiên, ông bà của chúng ta, là những người đã ra đi trước chúng ta. Các ngài đã trải qua cuộc thanh luyện qua việc sống các mối phúc. Xin các ngài cầu bầu cùng Chúa ban ơn để chúng ta cũng sống tốt các mối phúc hầu có thể đoàn tụ với các ngài trên Thiên Đàng. Amen.    


Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

KHÔNG ĐỀ





Đâu cần điện ngọc cao sang

Đâu cần đá quý bệ vàng nâng chân

Chỉ là mang một tấm thân

Cùng người khốn khó, song hành nhân gian