Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Sống khiết tịnh, ơn gọi cho mọi người

Chúng ta đang sống trong một xã hội đang đề cao khuynh hướng hưởng thụ. Lạc thú đang là đối tượng được nhiều người ham muốn, thậm chí nhiều người còn cho rằng nền văn hóa hiện nay là văn hóa hưởng thụ! Chính vì vậy, nhiều người chủ trương gạt bỏ mọi ràng buộc luân lý về tính dục để chiều theo và thậm chí, tôn sùng bản năng tính dục. Điều đó đang làm cho xã hội ngày càng biến chất, con người ngày càng bị tha hóa, những vết thương đang ngày càng bị khoét sâu nơi cá nhân cũng như gia đình. Hậu quả của một lối sống buông thả đang tác động ngày càng mạnh mẽ trên đời sống thể lý, tâm lý cũng như tâm linh của nhiều người.
Do đâu mà có hiện trạng này? Nếu phân tích kỹ lưỡng ta sẽ thấy có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, nguyên nhân chính của hiện trạng này là con người hôm nay đang đánh mất dần ý nghĩa cao quý của sự khiết tịnh. Chính vì không nhận thức đủ giá trị cao quý của sự khiết tịnh hoặc cho rằng khiết tịnh chỉ dành cho ai sống bậc tu trì nên nhiều người dễ dàng buông thả chính mình. Chính vì vậy bài viết này nhằm khám phá lại đời sống khiết tịnh như một ơn gọi và bằng cách nào ta có thể đáp trả lại ơn gọi này.
  1. Khiết tịnh, một ơn gọi
Giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng định: “Đức khiết tịnh là một nhân đức luân lý. Nhưng đó cũng là hồng ân của Thiên Chúa, một ân sủng, một hoa trái của Thánh Thần (x. Gl 5, 22). Chúa Thánh Thần ban cho người tín hữu sức mạnh để noi theo (x. 1Ga 3, 3) sự thanh khiết của Đức Ki-tô” (số 2345). Nói đến ơn gọi trước hết ta cần xác định ba điều: Ai gọi, gọi ai và gọi để làm gì?
    1. Ai gọi
Dĩ nhiên ta cần khẳng định ngay rằng chính Thiên Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta sống đức khiết tịnh. Trong bài giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã dành mối phúc thứ sáu cho những ai “có tâm hồn trong sạch” (Mt 5,8). Tâm hồn là trung tâm của nhân cách luân lý, cũng chính “từ trong lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình và tà dâm” (Mt 15, 19). Theo Giáo lý của Hội thánh thì người có tâm hồn trong sạch là những ai biết dùng trí khôn và ý chí để sống thánh thiện như Thiên Chúa đòi hỏi, đặc biệt trong ba lãnh vực: bác ái, khiết tịnh, yêu mến chân lý và gìn giữ đức tin (x. GLHTCG, số 2518). Như vậy, lời mời gọi hãy “có tâm hồn trong sạch” cũng đồng nghĩa với lời mời gọi hãy có tâm hồn trinh khiết. Đây là lời mời gọi xuất phát từ chính Thiên Chúa và được công khai qua lời nói của Đức Giê-su.
Chỗ khác, Đức Giê-su không chỉ đồng tình với việc lên án ngoại tình, nhưng Ngài còn đi xa hơn khi đòi hỏi người ta không được có cái nhìn bất chính (x. Mt 5, 27-28). Cái nhìn bất chính, nghĩa là nhìn với sự ham muốn thì cũng là ngoại tình trong tư tưởng rồi. Qua đó, Đức Giê-su muốn mời gọi chúng ta hãy thanh luyện một cái nhìn thanh khiết để xứng đáng là môn đệ chân chính của Người.
    1. Gọi ai
Những lời mời gọi trên của Đức Giê-su không chỉ dành cho các tông đồ mà thôi nhưng là cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Đức Giê-su, nghĩa là cho những ai muốn tin và theo Người. Thực vậy, sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo cũng khẳng định mỗi người hãy giữ đức khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Người thì trong bậc trinh khiết hay độc thân của đời thánh hiến, người khác thì trong bậc gia đình hay độc thân, tùy theo luật luân lý xác định. Người có gia đình được mời gọi giữ đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng, người độc thân thì giữ đức khiết tịnh khi sống tiết dục. Như vậy, khiết tịnh không phải là “độc quyền” của những người sống đời dâng hiến như nhiều người lầm tưởng. Trái lại, khiết tịnh là lời mời gọi dành cho tất cả mọi người. Ki-tô hữu là người đã “mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3, 27), khuôn mẫu của đời sống khiết tịnh. Ai tin vào Đức Ki-tô đều được mời gọi sống đời khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình. Thánh Am-rô-xi-ô đã đúc kết lại trong ba hình thức khiết tịnh như sau: khiết tịnh của bậc hôn nhân, khiết tịnh của người góa bụa và khiết tịnh của kẻ đồng trinh (x. số 2348-2349).
    1. Gọi để làm gì
Câu hỏi thứ ba cũng đồng nghĩa với câu hỏi khiết tịnh là gì? Tại sao ta phải sống đức khiết tịnh?
Trước hết cần khẳng định khiết tịnh là một nhân đức. Là một nhân đức, khiết tịnh là lời mời gọi nhằm thăng tiến đời sống chứ không phải để hủy diệt hay cấm cản con người. Khiết tịnh không nhằm hủy bỏ khả năng tính dục nhưng hướng dẫn bản năng đó theo đòi hỏi của đức ái. Khiết tịnh cũng không phải là sự ức chế của tính dục nhưng điều khiển những ham muốn tính dục để hướng đến tình yêu đích thực.
Theo quan điểm Ki-tô giáo, khiết tịnh không chỉ đơn thuần là khả năng tự chủ bản năng tính dục vì những đòi hỏi luân lý, nhưng sâu xa hơn, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26). Thánh ý Thiên Chúa là muốn cho chúng ta sống thánh thiện để nên thánh, chính vì vậy, chúng ta hãy xa lánh sự gian dâm hay ô uế (x. 1Tx 4, 3-7). Để thực hiện được điều này, mỗi người, tùy theo ơn riêng Chúa ban, hãy sống khiết tịnh trong bậc sống của mình (x. 1Cr 7, 1-9) để được phần thưởng là sự sống bất diệt (GLHTCG, số 2347).
Hơn nữa, thánh Phao-lô khuyên mỗi người chúng ta hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô chứ đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng. Mặc lấy Đức Ki-tô cũng có nghĩa là loại bỏ những việc làm đen tối như chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng để cầm lấy vũ khí của sự sáng (x. Rm 13, 12-14). Mặc lấy Đức Ki-tô, tức là để cho Đức Ki-tô hướng dẫn và làm chủ toàn vẹn con người của mình, từ suy nghĩ, ước muốn cho tới hành động. Mặc lấy Đức Ki-tô là hiến toàn thân cho Thiên Chúa và dùng các chi thể của mình như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa chứ không phải để làm điều bất chính, phục vụ tội lỗi (x. Rm 6, 13-14). Như vậy, giá trị của đức khiết tịnh không phải ở chỗ để cho lý trí làm chủ các bản năng tính dục con người cho bằng là để Chúa Ki-tô làm chủ tất cả con người của ta, cả lý trí lẫn bản năng của ta.
  1. Khiết tịnh, một lời đáp trả
Như đã trình bày ở trên, khiết tịnh là một ơn gọi xuất phát từ Thiên Chúa để mời gọi con người sử dụng thân xác và tính dục đúng mục đích và nhất là để tôn vinh Thiên Chúa. Là một ơn gọi, khiết tịnh cũng cần có sự đáp trả của con người. Con người đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng cách thanh luyện cái nhìn của mình để có thể tôn trọng thân xác và sử dụng tính dục đúng mục đích.
    1. Thanh luyện cái nhìn
Trước hết cần phải xác định cái nhìn ở đây không đơn thuần chỉ là một tác động của đôi mắt. Tác động của đôi mắt chỉ là hình thức bên ngoài, là một bổn phận của giác quan, do đó nó vô thưởng vô phạt. Tính luân lý của hành vi không nằm ở ánh mắt nhưng nằm ở nội dung bên trong, tức là động lực hay hệ quả của ánh mắt. Chẳng hạn hành động nhìn người phụ nữ thì không tốt cũng chẳng xấu, nhưng nếu động lực thúc đẩy ta nhìn là thõa mãn dục vọng hay việc nhìn đó khơi lên những ước muốn bất chính thì cái nhìn đó lại trở thành tội. Bởi vậy Đức Giê-su đã nói, nếu nhìn người phụ nữ “mà thèm muốn” thì thà móc mắt mà ném đi để khỏi phạm tội. Đó là cái nhìn không trong sạch, cái nhìn đầy tà tâm, đầy ham muốn, đầy nhục dục. Đức Giê-su nói nhìn như thế thì cũng chính là ngoại tình ở trong lòng rồi (x. Mt 5,27-29).
Do vậy, để tránh những ước muốn và những hành động lỗi đức khiết tịnh, chúng ta cần khởi đi từ việc thanh luyện cái nhìn của mình. Cái nhìn trong sạch xuất phát từ ý hướng trong sạch, nghĩa là luôn nhắm đến cứu cánh đích thực của con người là lo tìm kiếm và chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi sự (GLHTCG, số 1752).
Xuất phát từ ý hướng trong sạch, con người mới có thể có cái nhìn trong sáng, và nhờ đó kiểm soát được tình cảm và trí tưởng tượng, can đảm khước từ những tư tưởng dâm ô và làm chủ được các hành động của mình. Nhờ thế ta mới có thể tôn trọng thân xác mình và thân xác người khác.
    1. Tôn trọng thân xác
Như vậy, theo cái nhìn Ki-tô giáo, con người (bao gồm toàn thể hồn xác) là hình ảnh Thiên Chúa, thân xác con người là phần thân thể của Đức Ki-tô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Dó đó, chúng ta có bổn phận phải tôn vinh Thiên Chúa nơi chính thân xác chúng ta (x. 1Cr 6,12-20).
Chính vì thế, dù sống đời độc thân hay trong tương quan gia đình, mỗi người tín hữu đều được mời gọi phải tôn trọng thân xác. Với người sống đời độc thân, họ không được phép sử dụng thân xác theo sở thích, không được làm thân xác mình bị tha hóa (như thủ dâm). Cũng vậy, họ được mời gọi tôn trọng thân xác người khác như là tôn trọng thân xác của chính mình vậy. Hai điều trên cũng được áp dụng cho những người sống trong tương quan vợ chồng. Hơn nữa, họ còn được mời gọi tôn trọng thân xác người bạn đời của mình nữa. Là vợ chồng, điều đó không có nghĩa là họ được sử dụng tính dục theo ý riêng khác với mục đích Thiên Chúa mong muốn. Tóm lại, Thiên Chúa và Giáo hội luôn mời gọi mỗi người hãy sử dụng thân xác để tôn vinh Thiên Chúa và xây dựng cho nhau.
    1. Sử dụng tình dục đúng mục đích
Trước hết, Giáo hội khẳng định “Những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự hiến thân cho nhau nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn” (x. GS 49, 2). Như vậy, những hành vi tình dục trong quan hệ vợ chồng là điều chính đáng. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là trong mức độ nào thì những hành vi này là chính đáng?
Qua lời dạy của hiến chế Gaudium et Spes của công đồng Vaticanô II vừa nêu trên (và sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo trích lại ở số 2362), ta thấy chỉ những hành vi nào thực hiện sự kết hợp “thân mật và thanh khiết” và được thi hành cách “thực sự nhân linh” mới là những hành vi cao quý và chính đáng. Đó mới thực sự là những hành vi diễn tả tình yêu vợ chồng và hướng đến mục đích sinh sản và giáo dục con cái (GLHTCG, số 2353). Đây cũng chính là mục đích cao cả của tình dục trong đời sống hôn nhân. Nếu ta sử dụng khả năng tình dục ngoài đời sống vợ chồng hay nếu ta ham muốn hưởng thụ tình dục cách vô độ thì nó trở thành sai trái vì nhằm thỏa mãn bản thân chứ không nhằm mục đích truyền sinh và kết hợp trong tình yêu.
Thực ra, đức mến phải là linh hồn của mọi nhân đức. Dưới ảnh hưởng của đức mến, đức khiết tịnh là trường dạy tự hiến. Người sống khiết tịnh chỉ thực hiện hành vi tính dục vì mục đích trên như một sự tự hiến cho nhau trong tình yêu. Qua đó, họ trở thành nhân chứng của Thiên Chúa trung tín và yêu thương (GLHTCG, số 2346).
Tóm lại, đức khiết tịnh không phải là một điều tiêu cực nhưng là một nhân đức, một ơn gọi dành cho tất cả mọi người. Sống đức khiết tịnh là sống một sự tự do khỏi những ham muốn của dục vọng để hướng đến những mục đích cao quí hơn. Sống khiết tịnh là thể hiện một tình yêu trọn vẹn, một đức ái hoàn hảo theo gương Đức Ki-tô. Sống khiết tịnh là một lời chứng cho một đức tin kiên vững vào tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa. Để đáp trả lại lời mời gọi cao quý nhưng cũng đầy thách thức này, mỗi người cần gia tăng cầu nguyện để xin Chúa cho ta đủ ý thức, đủ can đảm và đủ yêu thương đế sống chứng nhân cho Chúa trong thời đại này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét