Hiển thị các bài đăng có nhãn tháng 9. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tháng 9. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

"Biết" Đức Giê-su (Lc 9,18-22)

Ngày 27: Thánh Vinh Sơn Phaolô
Tuần XXV - thứ Sáu
18 Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng : "Dân chúng nói Thầy là ai ?" 19 Các ông thưa : "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." 20 Người lại hỏi : "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?" Ông Phê-rô thưa : "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa." 21 Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
22 Người còn nói : "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy."
 Chúng ta không được nhìn một người nông dân nghèo hay một phụ nữ nghèo theo dáng vẻ bên ngoài của họ, hay theo cảm nghĩ của chúng ta về trình độ hiểu biết của những người ấy, … Nhưng nếu nhìn dưới ánh sáng đức tin, chị em sẽ thấy họ là hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng đã muốn là người nghèo… (thư của thánh Vinh Sơn Phaolô gửi cho các Nữ tử Bác ái).

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Các thiên thần là ai?

Ngày 29: Tổng Lãnh Thiên Thần

Từ “thiên thần” được dịch từ tiếng danh từ Hy-lạp là angelus có nghĩa là “sứ giả, người đưa tin”. Kinh Thánh có đề cập đến các thiên thần nhưng không cho biết con số bao nhiêu (cũng không có sự phân biệt giữa các thiên thần và tổng lãnh thiên thần). Kinh thánh có nhắc đến vài vị xem ra có danh tánh riêng như Micael, Raphael, Gabriel nhưng các nhà chú giải vẫn hoài nghi, không chắc đó là tên riêng hay chỉ là biệt hiệu nhằm diễn tả một sứ vụ của họ.
Theo nguyên gốc Do-thái, Micael có nghĩa là “ai bằng Thiên Chúa?”, được nói tới ở sách Daniel (10,13), quen được giải thích là vị lãnh đạo các thiên sứ để đương đầu với Satan (Kh 12,7-12). Raphael có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chữa” và xuất hiện trong sách Tobia. Gabriel có nghĩa là “người của Thiên Chúa” cũng được nói tới ở sách Daniel (8,16; 9,21-22) và đặc biệt trong Tin Mừng Luca khi nói về cảnh truyền tin cho ông Dacaria và Đức Maria.

Những người phụ nữ theo Đức Giêsu (Lc 8,1-3)

 Tuần XXIV - thứ Sáu

Ngày 20: thánh Anrê Kimtêgon và các bạn, tử đạo

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ đặt tựa đề cho đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe là: “Những người phụ nữ đi theo Đức Giê-su”. Quả thật, trong ba câu ngắn ngủi thì chỉ có một câu đầu tiên là vừa đề cập đến sứ vụ của Đức Giê-su vừa đề cập đến Nhóm Mười Hai. Hai câu còn lại, tác giả Tin Mừng dùng để kể đến các Bà. Các bà vừa được kể tên vừa được kể thêm một yếu tố để xác định, chẳng hạn như: là người đã được chính Đức Giê-su chữa bệnh và trừ quỷ hay là vợ ông Khu-da, quản lý của vua Hêrôđê. Hơn nữa, tác giả Tin Mừng còn nói đến vai trò của các bà trong sứ vụ của Đức Giê-su: đó là cùng đi với Người và lấy của cải mình mà giúp đỡ. Nhìn kỹ danh sách trên, ta thấy những phụ nữ theo Đức Giê-su gồm đủ mọi hạng người: giàu sang có, bình dân có, bị quỷ tấn công có, những người vô danh cũng có.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Bảy sự thương khó của Đức Ma-ri-a

Ngày 15: Đức Mẹ sầu bi

Ngay sau ngày lễ “Suy tôn thánh giá ” Chúa Giê-su (ngày 14.09), Giáo hội mừng kính lễ “Đức Mẹ sầu bi ” hay còn gọi là lễ kính nhớ “bảy sự thương khó ” của Đức Ma-ri-a. Việc tôn sùng bảy sự thương khó Đức Trinh Nữ Maria, được một linh mục đạo đức là cha Jean de Coudenberghe thiết lập.


Sau đây là bảy hoàn cảnh đặc biệt đã làm cho Đức Trinh Nữ phải sầu khổ:


1. Lời tiên tri của Simêon.
2. Cuộc chạy trốn qua đất Ai cập.
3. Việc lạc mất Chúa Giêsu tại Giêrusalem.
4. Việc Chúa Giêsu vác thánh giá.
5. Việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh.
6. Việc hạ xác Chúa Giêsu khỏi Thánh giá.
7. Việc táng xác Chúa Giêsu trong mồ.

Trước đây, lễ này được cử hành vào ngày thứ sáu trước Chúa nhật Thương khó để cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Thế với những đau khổ mà Đức Ma-ri-a phải chịu. Xong, vì Giáo hội muốn thời gian mùa Chay chỉ tập trung vào cuộc khổ nạn của Đức Giê-su mà thôi nên lễ này được dời lại như ngày nay. Tuy vậy, việc cử hành ngay sau lễ “Suy tôn thánh giá “ của Đức Giê-su cũng cho thấy sự thông phần đau khổ của Mẹ với Con yêu dấu của mình.

Trong bài đọc một trích thư gửi tín hữu híp-ri chúng ta đọc thấy như sau: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người (Hr 5,8-9). Cũng vậy, ta có thể nói: Dầu là Mẹ Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a cũng nếm trải những đau khổ cuộc đời trước khi đón nhận ơn cứu độ. Mẹ là người đầu tiên được hưởng hoa trái của ơn cứu độ nhưng cũng chính Mẹ là người kết hiệp trọn vẹn với những đau khổ của Đức Giê-su. Qua thánh lễ này, xin cho những ai đang gặp đau khổ ý thức được rằng họ đang “nên một” với Đức Ki-tô trong những đau khổ của đời này và rồi họ cũng sẽ được “nên một” với Người trong vinh quang thiên quốc.

Lạy Chúa, khi Đức Ki-tô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho Hội thánh Chúa biết noi gương Thánh Mẫu mà kết hợp với Đức Ki-tô chịu khổ hình, để mai ngày được phục sinh vinh hiển cùng với Đức Ki-tô (Lời nguyện của ngày lễ 15.09).

 Tài liệu tham khảo
Theo vết chân Người, ngày 15-09.


Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Lễ Suy tôn Thánh Giá

Ngày 14: Suy tôn Thánh Giá

Thánh Kim Thông đáp lại quan tỉnh rằng: "Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được!" Thánh giá là biểu tượng của niềm tin, của sự tôn thờ, của ơn cứu độ. Các thánh đã thà chết để tỏ lòng tôn kính thánh giá chứ không chịu bước qua.

Đức Giê-su đến làm đảo lộn mọi giá trị trần gian. Những gì trần gian cho là thấp hèn, yếu kém, tầm thường, Đức Giê-su nâng lên thành những giá trị mang lại ơn cứu độ, miễn sao chúng được đón nhận trong niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh. Đau khổ ư? Buồn sầu ư? Nghèo khổ ư? Bị vu khống đủ điều ư? Bị bách hại ư? Tất cả đều mang giá trị cứu độ nếu ta biết kết hợp chúng với mầu nhiệm khổ giá và phục sinh của Người.

Từ lâu, cây thập giá là biểu tượng của cái chết ô nhục, nhưng từ khi được vinh dự đón nhận Con Thiên Chúa, nó trở thành biểu tượng của niềm tin, của chiến thắng và của ơn cứu độ: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Ý nghĩa Danh Thánh Ma-ri-a

Ngày 12: Kính Danh Thánh Đức Ma-ri-a 


Lễ kính Danh Thánh Đức Ma-ri-a được cử hành trước hết ở Cuenca, Tây Ban Nha vào ngày 12/09/1513. Năm 1683, đức thánh cha Innocentê XI cho mừng trong toàn thể Hội thánh để tạ ơn Chúa và Đức Ma-ri-a vì trận chiến thắng tại Vienne, chấm dứt đường tiến sang Châu Âu của Hồi giáo. Năm 1970 lễ này không còn nằm trong lịch phụng vụ cải tổ nhưng lại được tái lập vào năm 2002.

Vậy đâu là ý nghĩa của ngày lễ này? Xét về tầm nguyên, Ma-ri-a có gốc tiếng Do Thái là Miryam. Đây là một tên gọi phổ biến và có nhiều cách giải thích khác nhau về ý nghĩa của tên gọi này. Tuy nhiên, cách giải thích thuyết phục hơn cả là từ Miryam được ghép từ một từ gốc Ai cập và một từ gốc Do Thái. Hai từ này ghép lại có nghĩa là “người được Chúa yêu thương”. Tên này rất hợp với Đức Ma-ri-a, người được thiên sứ Gabriel chào là “kẻ được Thiên Chúa sủng ái”.

Khi kính Danh Thánh Đức Ma-ri-a, chúng ta muốn hợp lời với thiên sứ Gabriel và bà Ysave để ngợi khen Mẹ vì đã được Thiên Chúa đoái thương chọn làm thân mẫu của Chúa Cứu Thế. Vì thế chúng ta tin rằng Mẹ cũng đang quan tâm đến ơn cứu độ của mỗi người chúng ta. Đó cũng là ý nghĩa của kinh “Kính Mừng” trong đó Danh Ma-ri-a được lặp lại hai lần: lần thứ nhất mang tính chất chúc tụng ngợi ca, còn lần thứ hai thì mang tính chất khẩn cầu.


(Tóm lược từ “Hiểu để sống đức tin” của cha Phan Tấn Thành, O.P., tập 1)    

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Sinh nhật Đức Ma-ri-a (8-9)

Xét dưới khía cạnh lịch sử, không có sử liệu nào nói đến ngày sinh của Đức Ma-ri-a. các tài liệu Tân ước cũng chỉ cho ta biết Đức Ma-ri-a là người Nazarét, đã thành hôn với Giuse và là mẹ của Đức Giê-su mà thôi. Tuy nhiên, theo truyền thống cũng như sách “Tiền Phúc âm của Giacôbê” thì song thân của Đức Ma-ri-a là ông Gioakim và bà Anna. Ngoài ra, tác giả cuốn sách trên còn cho biết nhiều chi tiết về thời thơ ấu của Đức Ma-ri-a cũng như cuộc sống của song thân ngài. Tuy thế, ngày sinh của ngài cũng không được nhắc tới. Điều này cũng thật dễ hiểu vì thời đó có mấy ai để ý đến ngày sinh của mình như thời nay, huống gì là ngày sinh của người khác!
Xét dưới khía cạnh phụng vụ, có hai giả thuyết về ngày lễ này. Giả thuyết thứ nhất, lễ kính sinh nhật Đức Ma-ri-a vào ngày 8.9 bắt nguồn từ Giêrusalem. Vào thế kỷ thứ V, một ngôi nhà thờ được cất lên vào chô mà truyền thống cho rằng là nơi bà Anna đã sinh Đức Ma-ri-a. Có thể ngôi nhà thờ này được cung hiến vào ngày 8.9! Giả thuyết thứ hai cho rằng bên Đông Phương trước kia, ngày 8.9 trùng vào những ngày đầu năm dân sự, do vậy người ta muốn kính nhớ Đức Ma-ri-a vào những ngày đầu năm này. Đến giữa thế kỷ thứ VI hoặc đầu thế kỷ thứ VII lễ này được truyền bá sang Tây Phương.
Xét dưới khía cạnh thần học, lễ này liên quan đến bản thân Đức Ma-ri-a cũng như đến lịch sử cứu độ. Vì lòng quý mến Đức Ma-ri-a, Giáo hội muốn nhắc nhớ đến từng biến cố trong cuộc đời của Mẹ. Xem lịch phụng vụ trong một năm ta sẽ thấy những thánh lễ dành cho Mẹ cũng tương tự những thành lễ dành Đức Giê-su, con yêu dấu của Mẹ. Như vậy, Giáo hội vừa muốn nhắc chúng ta về mối tương quan mật thiết giữa Đức Ma-ri-a với Chúa Giê-su đồng thời cũng mời gọi ta noi theo các nhân đức của Mẹ trong cuộc đời. Lễ này cũng nhắc nhớ chúng ta về một biến cố quan trọng trong lịch sử cứu độ. Lịch sử cứu độ diễn ra với cao điểm là biến cố Nhập thể của Đức Giê-su. Do đó, ngày sinh nhật của Đức Ma-ri-a coi như là chấm dứt giai đoạn chuẩn bị. Người Mẹ ra đời báo hiệu sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế trong nay mai.
Tài liệu tham khảo
Phan Tấn Thành, Hiểu để sống đức tin, tập 1