Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Sân bóng cuộc đời

 - Tuýt …
     Tiếng còi hết thúc trận bóng vang lên. Các cầu thủ rời sân mỗi người mỗi vẻ. Lặng im. Phấn khởi. Tiếc nuối. Hỉ hoan … Dù với tâm trạng nào thì những hình ảnh của trận cầu vừa qua vẫn luôn sống động trong mỗi cầu thủ. Chính những trãi nghiệm này khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh cuộc sống.
     Tương quan với “đồng đội” :
     Ai cũng biết bóng đá là môn chơi tập thể. Trong đó, mỗi cầu thủ thể hiện thái độ của mình với cuộc sống đồng thời xây dựng các mối tương quan với đồng đội. Do đó, dù cho các cầu thủ có kỹ thuật cá nhân tốt nhưng không biết quan sát và phối hợp nhuần nhuyễn với nhau thì sẽ đá không hiệu quả. Cuộc sống cũng vậy. Nếu tôi không quan sát hướng “di chuyển” của đồng đội và không biết liên kết với họ thì công việc sẽ không đạt hiệu quả. Điều này có thể có hai lý do:
     Lý do thứ nhất: Tôi lạm dụng kỹ thuật cá nhân và không có tính đồng đội. Tôi hẹp hòi ích kỷ, muốn thể hiện mình, bất hợp tác. Tôi làm việc chỉ để thỏa mãn mình chứ không hướng đến mục đích chung. Nếu vậy, tôi phải tự vấn để điều chỉnh suy nghĩ cũng như lối sống của mình.
     Lý do thứ hai: Tôi muốn phối hợp nhưng không được do khả năng quan sát kém, chưa hiểu ý đồng đội, chuyền bóng chưa chính xác nên để đồng đội rơi vào thế việt vị hay “bẻ lưng” họ. Như vậy tôi có ý tốt nhưng thiếu các kỹ năng sống. Tôi chưa quan sát, chưa quan tâm đến đồng đội nên không đọc được ý họ, không đoán được họ sẽ di chuyển hướng nào để phối hợp ăn ý. Do đó tôi phải tập quan sát và quan tâm để thấu cảm người khác. Cũng có thể tôi đã quan sát và thấy hướng di chuyển của đồng đội nhưng chuyền bóng không đến họ, tức là tôi thiếu “kỹ thuật cá nhân”. Vậy tôi phải luyện tập thường xuyên để có khả năng chia sẻ, an ủi và cảm thông với người khác. Tôi phải luyện tập khả năng giảng thuyết. “Thánh Đa Minh là con người biết nói năng. Thánh nhân tin rằng có lý thôi chưa đủ mà còn phải biết cách thuyết phục” (Anh em giảng thuyết hay anh em Đa Minh, trang 88).
     Thêm nữa, trong đội bóng mỗi người chơi ở một vị trí nhất định. Mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì đội bóng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc sống cũng vậy, mỗi người hãy giữ một vai trò khác nhau phù hợp với sở trường của mình vì “Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Ngài muốn” (1Cr 12, 18).
     Chiến thuật nào đây ? 
     Trên đây là mối tương quan của từng cầu thủ với đồng đội của mình. Còn với đối phương thì sao ? Ở đây, đối phương là cuộc sống ; quả bóng là cơ hội. “Cơ hội” luôn được “cuộc sống” đẩy đưa. Tôi phải chọn chiến thuật nào để nắm lấy cơ hội và gặt hái thành công ? tôi chọn phòng thủ hay là tấn công ? Tấn công là lối đá đẹp mắt ai cũng thích. Cả người cống hiến lẫn người thưởng thức. Lối đá “Pressing” toàn diện là lối đá được tôn vinh. Trong lối đá này bạn luôn chơi tích cực. Cống hiến hết mình. Bạn đừng chờ “cơ hội” đến tay nhưng luôn tỉnh táo, phán đoán và tích cực đeo đuổi đề giành lấy “cơ hội”. Nếu chậm bạn sẽ để bóng ra “đường biên”. Ngược lại, nếu chủ động tìm kiếm “cơ hội” sẽ nằm trong tay bạn. “cứ tìm thì sẽ thấy” (Mt 7,7). 
     Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả. Do đó bạn phải “biết mình biết ta”. Tuy chưa đẹp mắt nhưng đôi lúc chiến thuật “phòng thủ chặt, tấn công nhanh” lại là lựa chọn khôn ngoan. Khi gặp sóng to gió lớn, bạn đừng dại mà đối đầu ngay. Hãy phòng thủ chặt trong thời gian đầu của hiệp đấu để thăm dò, phân tích và tìm kẻ hở để phản công. Cuộc sống tuy vất vả khó khăn nhưng “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10 22). 
     Ngoài hai chiến thuật trên còn có chiến thuật thứ ba. Thủ cứng. Đây là thái độ sống tiêu cực, bị động. Lý do có thể vì tự ti, thấy mình quá yếu kém, nhát đảm. Chọn chiến thuật này bạn sẽ luôn bị cuộc sống dồn ép. Bạn phải luôn gồng mình để đối phó với những đợt sống gió vây hãm cuộc đời. Đây là lối sống của kẻ ngồi chờ sung rụng, nó sẽ vùi dập cuộc đời bạn. 
     Hãy chú ý…! Có hai điều mà các cầu thủ rất sợ: chấn thương và thẻ phạt. Để tránh thẻ phạt bạn phải chơi đẹp. Bạn phải cố đoạt giải “fairplay” chứ đừng “thô bạo” với cuộc đời. Đừng xông thẳng vào mà cũng đừng đá sau lưng. Nếu “thô bạo” bạn có thể sẽ bị “chấn thương”. Đừng ghét bỏ các biến cố xảy ra trong đời bạn. Hãy ôm ấp, tôn trọng và nâng niu nó vì đó là một phần cuộc sống của bạn. Ghét nó tức là bạn ghét chính mình. Bạn cần phải tự chủ, bình tĩnh và công bằng nhìn nhận sự việc. Bạn sẽ học được nhiều điều từ nó đấy. 
     Còn một điều này nữa, dù cầu thủ và đội bóng hay đến mấy cũng cần có huấn luyện viên (HLV). Bạn đừng cho rằng HLV không biết gì vì không ở vào vị trí của bạn. Bạn đã lầm! HLV chính là linh hồn của đội bóng. Dù không ở vào vị trí của bạn nhưng với kinh nghiệm và chuyên môn của mình, họ sẽ hướng dẫn bạn phải theo chiến thuật nào. Cuộc sống của bạn, tập thể của bạn cũng cần một HLV. Bạn được lợi thế hơn các cầu thủ ở chỗ bạn tự chọn HLV cho mình. Các bạn thân mến, mỗi ngày chúng ta đều phải tham gia các trận đấu. Trước khi vào trận, các bạn hãy trầm tư, hãy cùng trao đổi với HLV của mình để chọn “chiến thuật” phù hợp cho trận đấu trong ngày. Hãy lắng nghe và trung thành với “ý đồ” của HLV. Dù chọn chiến thuật nào bạn hãy chơi hết mình. 
     Nào, tiếng còi đã thổi, chúng ta cùng vào trận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét