Hiển thị các bài đăng có nhãn CN14. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN14. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

CHỈ MỘT ĐIỀU ĐÁNG SỢ DUY NHẤT



Thứ 7 tuần XIV TN (Mt 10,24-33)
Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.
Cuộc sống hôm nay có nhiều điều khiến ta hoảng sợ. Sợ bản thân thất bại trong việc học hành, trong công ăn việc làm; sợ tương lai bất định; sợ gia đình sứt mẻ, tình thân chia rẻ, làng xóm xung đột; sợ xã hội bất ổn, kinh tế suy thoái, đạo đức suy đồi. Hàng trăm thứ khiến cho ta lo sợ. Thế nhưng, lời Đức Giê-su hôm nay mời gọi ta đừng sợ. Thực ra chỉ có một điều duy nhất đáng sợ, đó là sợ đánh mất linh hồn.
Vì thế, Chúa mời gọi ta hãy tin tưởng và tín thác vào Chúa, Đấng duy nhất có thể tiêu diệt cả linh hồn lẫn thể xác. Thế nhưng Thiên Chúa không làm gì cho ta phải sợ, trái lại, Người luôn quan phòng, nâng đỡ, chăm sóc cho ta trong mọi chuyện. Chúng ta rất đáng quý trước mặt Chúa và trước mặt nhau.
Xin Chúa giúp con biết phân định đâu là điều đáng sợ, đâu là điều cần dốc lòng tìm kiếm và gìn giữ. Xin giúp con luôn tín thác vào Chúa là Đấng vẫn yêu thương và chăm sóc cho chúng con.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

SỰ ĐỤNG CHẠM YÊU THƯƠNG




Thứ Hai tuần XIV TN (Mt 9, 18-26)
Một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Đức Giê-su và nói : “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.”
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự kỳ diệu của việc chạm tay vào Đức Giê-su hay được Đức Giê-su chạm vào. Đó là một cái chạm đầy năng lực, đầy hồng ân. Một sự đụng chạm có sức chữa lành và giải thoát. Thật diễm phúc cho ai can đảm chạm vào Đức Giê-su hay được Đức Giê-su chạm vào.
Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy chạm đến Đức Giê-su để được chữa lành khỏi sự ích kỷ, lười biếng, ương hèn của mình. Chúng ta cũng xin Chúa chạm đến và chữa lành những thương tích trong cuộc đời chúng ta.
Chúa cũng muốn chúng ta trở thành những cánh tay nối dài của Chúa để đụng chạm đến nhau, để chữa lành nhau và để giúp nhau cảm nghiệm tình thương của Chúa.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Bình an cho nhà này! (Lc 10, 1-9)


CHÚA NHẬT 14C - THƯỜNG NIÊN (Lc 10, 1-9)

Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”

Bài Tin mừng hôm nay tường thuật lại việc Đức Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi. Sau một thời gian ở với Chúa, được nghe những lời Chúa giảng, được chứng kiến những dấu lạ Người làm, nay đến lượt các ông được sai đi để dọn đường cho Chúa. Ở đây, không phải Đức Giê-su sai mười hai tông đồ nhưng là sai bảy mươi hai môn đệ. Điều này cho thấy tính phổ quát của sự việc. Đức Giê-su cần nhiều người cộng tác với Người trong việc đi đến các làng mạc mà loan báo sứ điệp của Chúa.

Điều này vẫn còn đúng trong thời đại ngày nay. Chúa đang cần nhiều cánh tay để tiếp nối sứ vụ của Chúa trong trần gian này. Chúng ta, những người Ki-tô hữu, nhờ Giáo hội và qua Giáo hội, chúng ta đã đến với Chúa, đã nghe những lời Chúa giảng, đã biết những việc Chúa làm, đã được Chúa ngự vào lòng qua bí tích Thánh Thể, đến lượt chúng ta cũng được sai đi để làm sứ giả cho Chúa. Đây là niềm hạnh phúc và là trách nhiệm của mỗi người chúng ta, vì sứ mạng truyền giáo của Giáo hội cũng là sứ mạng của mỗi thành viên. Sứ mạng của chúng ta ngày nay không nhất thiết là phải đi từ làng này đến làng khác nhưng là chính trong môi trường sống của chúng ta. Miễn sao nội dung của sứ điệp vẫn là “bình an cho nhà này!”.

Thực vậy, Đức Giê-su đã sai các môn đệ ra đi với sứ điệp bình an, sứ điệp mà chính Người đã mang đến trần gian qua lời các thiên thần trong đêm Giáng sinh cũng như qua chính miệng Người sau khi sống lại. Bình an vẫn là điều mà con người qua các thời đại vẫn hằng khao khát nhưng dường như chưa bao giờ thõa mãn.

Quả thực, xã hội ngày nay đang đầy dẫy những bất an. Chiến tranh, bạo lực đang đe dọa các quốc gia. Đời sống kinh tế, xã hội đầy những bất ổn. Các tệ nạn đang hoành hành, đạo đức xuống dốc. Con người đang sống với bao lo âu, sợ hãi. Nhiều người trẻ lo ngại trong việc lập gia đình; nhiều thanh niên ưu tư cho nghề nghiệp tương lai; nhiều cha mẹ lo lắng cho con cái. Trong nhà thì sợ gia đình đỗ vỡ; ra ngoài thì sợ công việc bất định; vào xã hội thì sợ bao tai nạn, rủi ro rình rập. Khuôn mặt của con người ngày nay là khuôn mặt của những ưu tư lo lắng.





Thực ra, những điều làm cho chúng ta ưu tư lo lắng phần lớn là những điều thuộc về đời sống trước mắt và thuộc về bên ngoài. Vì quá lệ thuộc vào chúng nên chúng ta ít khi có được bình an thực sự. Nếu chúng ta ý thức cùng đích cuộc đời là gì, ý nghĩa cuộc sống ở đâu, đâu là nền tảng của hạnh phúc thực thì chúng ta cũng sẽ nhận ra những điều ta lo lắng cũng chỉ là những điều tạm bợ, chóng qua mà thôi.

Vậy đâu là bình an đích thực? Làm thế nào để có được bình an đó?

Trong đêm Giáng sinh, các thiên thần đã ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Trong các lần hiện ra sau phục sinh, Đức Giê-su cũng chào các môn đệ: “Bình an cho anh em”. Vậy bình an đích thực chỉ có nơi Đức Giê-su. Sự hiện diện của Đức Giê-su mang lại nguồn bình an đích thực cho những ai thành tâm thiện chí. Vắng Đức Giê-su, chúng ta sẽ bất an lo lắng. Có Đức Giê-su, chúng ta sẽ an dạ vững lòng.

Vậy để có được bình an đích thực, chúng ta phải luôn tin tưởng có Chúa ở cùng ta. Chúng ta luôn ý thức Chúa yêu thương, chăm lo, gìn giữ ta. Để rồi từ ý thức và niềm tin đó, chúng ta đến với Chúa cách thường xuyên hơn qua việc tham dự thánh lễ, cử hành các giờ kinh nguyện, đặc biệt là cầu nguyện, chuyện trò với Chúa thường xuyên hơn. Có như vậy chúng ta mới cảm nhận được sự bình an đích thực trong tâm hồn. Một sự bình an mà những xao động bên ngoài không thể lay chuyển hay lấy mất đi.

Một khi chính bản thân chúng ta có được sự bình an này rồi thì chúng ta mới có thể chuyển trao nó cho người khác. Ước gì mỗi Ki-tô hữu đều biết được bình an đích thực là gì và tìm mọi cách để có được nó. Chỉ như vậy thì mỗi người mới có thể trở thành sứ giả của Chúa và mang bình an đến cho mọi người, mọi nhà.