Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Gio-an Tẩy Giả – con người của sự thật

Ngày 24: Sinh nhật Gioan Tẩy giả

Có lần Đức Giê-su đã nhận xét về Gio-an Tẩy Giả như sau: “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gio-an Tẩy Giả”. Thế nhưng chỗ đứng của ông trong lòng mọi người vẫn còn khá khiêm tốn, có lẽ vì người nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông (x. Mt 11,11). Tuy thế, cả 4 sách Tin Mừng đều nhắc đến Gio-an. Qua đó ta thấy cuộc đời của ông gắn liền với sự thật. Có thể nói Gio-an Tẩy Giả là con người của sự thật.
1. Thái độ dứt khoát với sự thật
Bên sông Gio-đan, khi đối diện với những người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc, ông đã không ngần ngại nói thẳng: “Nòi Rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ sắp giáng xuống” (Mt 3,7). Với Gio-an, thời của Đấng Mê-si-a đã sẵn sàng, “cái rìu đã đặt sát gốc cây” (Mt 3,10). Đối tượng không ai khác hơn là những người đang đối diện với ông để xin lãnh nhận phép rửa. Tuy thẳng thắn nhưng ông vẫn làm phép rửa cho họ với lời nhắn nhủ: “hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối” (Mt 3,8). Với những người thu thuế và binh lính ông cũng chỉ dẫn cho họ những việc làm cụ thể để tỏ lòng sám hối ăn năn (x. Lc 3,12-14).
Đối diện với sự thật, Gio-an nói thật, nói thẳng, không e dè sợ sệt, không rào trước đón sau, cũng chẳng sợ mất đầu. Trước những tội ác của tiểu vương Hê-rô-đê, nhất là việc ông này cưới chị dâu mình làm vợ, ông Gio-an đã can ngăn và khiển trách nhà vua, hậu quả là ông bị tống giam và sẽ chết vì những lời can ngăn này (x. Mt 14, 3-12).
Trong khi ngồi tù, Gio-an sai các môn đệ đến hỏi Đức Giê-su: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Câu hỏi này có hai cách giải thích, hoặc là ông muốn các môn đệ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với Đức Giê-su để tin vào Ngài hơn, hoặc là chính ông cũng thắc mắc về cách xử sự của Đức Giê-su (không như vị Mê-si-a thẩm phán mà ông từng loan báo) . Dù giải thích cách nào thì thái độ của ông đối với sự thật rất rõ ràng. Hoặc là ông muốn các môn đệ có sự tiếp xúc thật, có cái nhìn đúng và nhận biết căn tính đích thực của Đức Giê-su; hoặc là chính ông cũng được xác tín hơn về Đấng mà ông đã từng loan báo. Cả hai đều nói lên thái độ dứt khoát của ông đối với sự thật, ông không muốn chính mình và các môn đệ phải ngờ vực trong lòng.
Qua ba sự kiện trên ta thấy Gio-an là người thẳng thắn, không úp mở né tránh, cũng chẳng muốn giữ thái độ hoài nghi. Sự thẳng thắn và yêu mến sự thật đó là hành trang giúp ông thi hành sứ vụ.
2. Lời chứng cho sự thật
Sự thẳng thắn giúp cho Gio-an ý thức sự thật về chính mình. Gioan xuất hiện trong hoang địa với hình ảnh một ngôn sứ (qua cách ăn mặc). Phong cách đơn sơ, lối sống khiêm nhường và nhiệt thành trong sứ vụ tạo nên một sự thống nhất nơi con người Gio-an. Sự thống nhất trong cách sống và lời giảng là yếu tố quan trọng của người làm chứng. Sự thống nhất này bày tỏ sự thật về căn tính của chính ông.
Hơn nữa Gio-an còn ý thức rất rõ về sứ vụ của mình. Đó là tư cách của người dọn đường. Ông chỉ là người đi trước để chuẩn bị cho Đấng quyền thế hơn sẽ đến sau ông. Vì thế ông ý thức Đấng ấy sẽ nổi bật lên còn ông thì lu mờ đi và ông vui mừng khi thấy những gì mình loan báo được nên trọn (x. Ga 3,28-30). Không những thế, ông còn giới thiệu Đức Giê-su cho các môn đệ của mình để các ông theo Đức Giê-su (x. Ga 1,35-39). Đây là hành động rất cao đẹp và cũng là một hy sinh lớn của Gio-an. Nỗi lòng của ông đã được thi vị hóa qua những vần thơ sau đây:
“Đây Chiên Thiên Chúa, hỡi An-rê
Này Gio-an hỡi, Chúa đã về
Tôi nói mà môi run run lạnh
Chẳng bởi hoài nghi, mà tái tê”
Gio-an có thể thoáng chút bịn rịn nhưng sứ vụ của ông vẫn là giới thiệu mọi người đến với Đức Giê-su, Đấng là sự thật đích thực.
3. Sự thật với ơn gọi của chúng ta
Ngày nay người ta nói nhiều đến điều nghịch lại với sự thật là dối trá và những hình thức khác của nó. Đây quả là một mớ bòng bong mà chúng ta không thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
Trong đời sống Giáo Hội có nhiều đặc sủng và ơn gọi khác nhau nhưng thiết tưởng nền tảng sự thật vẫn là điều cốt yếu. Đó là sống thật với chính mình, thật trong tương quan với tha nhân và thật với Thiên Chúa, Đấng Chân Thật.
Sống thật với chính mình là tự ý thức về bản thân, về những ưu khuyết điểm, về sở thích, sở trường và quan trọng là nhận định đúng ơn gọi của mình. Một khi đã nhận định đúng còn cần phải sống đúng nữa. Sống đúng ơn gọi tức là có sự thống nhất trong suy nghĩ, lời nói và việc làm. Tất cả đều phải khởi đi từ động lực đúng đắn trong ơn gọi của mình.
Chúng ta không thể sống ơn gọi qua những tương quan mập mờ, không rõ ràng. Sống thật trong tương quan tức là chân thành trong lời ăn tiếng nói, trong cách đối nhân xử thế. Thông thường người ta ngại nói sự thật vì nhiều lý do. Dĩ nhiên có nhiều cách thức khác nhau để nói lên sự thật nhưng điều quan trọng là có một tấm lòng đơn sơ chân thành. Có chân thành ta sẽ không sợ tương quan đổ vỡ.
Sống thật với chính mình, với tha nhân là bước đầu để sống thật với Thiên Chúa. Tương quan với Thiên Chúa xuất phát từ thâm sâu cõi lòng mỗi người, không ai có khả năng và thẩm quyền để phán đoán. Tuy nhiên Đức Giê-su đã khẳng định Ngài chính là sự thật (x. Ga 14,6). Ngài là sự thật bởi Ngài đến để mạc khải sự thật về mầu nhiệm Thiên Chúa cũng như chỉ cho con người biết cách sống phù hợp ý Thiên Chúa bằng cách tin và sống theo lời giáo huấn của Đức Giê-su. Nơi khác Đức Giê-su đã cầu nguyện cùng Chúa Cha để cho chúng ta được thánh hiến nhờ sự thật (x. Ga 17,17-19). Vậy chúng ta đã sống sự thật Đức Giêsu mạc khải như thế nào? Cụ thể hơn, chúng ta đã sống và thực thi Lời Chúa ra sao? Chúng ta đã để cho sự thật thánh hiến hay chưa? Câu trả lời có lẽ để dành cho mỗi người qua việc tự vấn lương tâm mình.
Giáo Hội qua công đồng chung Va-ti-ca-nô II đã nhắc nhở “mỗi môn đệ đều có bổn phận quan trọng đối với Chúa Ki-tô, Thầy Chí thánh của mình, là phải luôn luôn tìm cách thấu hiểu chân lý mà Người đã trao ban, phải trung thành loan truyền và can đảm bảo vệ” . Chúng ta sẽ không thể làm chứng cho sự thật bao lâu chúng ta chưa sống sự thật. Do đó Giáo Hội nhắc nhở trước hết phải tìm cách thấu hiểu, tức là tin và sống, có như vậy ta mới có thể trung thành loan truyền và can đảm bảo vệ sự thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét