Hiển thị các bài đăng có nhãn CN17. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN17. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

TỐT - XẤU

Thứ Năm, tuần XVII (Mt 13,47-53)
Cũng như chiếc lưới bao gồm cả cá xấu lẫn cá tốt, Giáo hội cũng luôn có cả người tốt lẫn người xấu. Thiên Chúa để vậy là do lòng khoan nhân của Ngài. Ngài tạo cơ hội và chờ đợi con người biến đổi. đến ngày tận thế, cơ hội sẽ chấm dứt. Mọi sự cần phân minh rõ ràng. Tốt xấu không còn chung đụng với nhau nữa.
Giáo xứ và gia đình cũng thế, luôn có người này người kia. Chúa không muốn ta loại trừ ngay những kẻ xấu nhưng muốn ta kiên nhẫn và chờ đợi, thậm chí là phải tạo cơ hội để người xấu có dịp trở về.
Thực ra, ngay chính bản thân mỗi người chúng ta cũng thế, luôn tồn tại hai khuynh hướng tốt xấu. cuộc sống hiện tại là cơ hội Chúa cho để phấn đấu, để biến đổi cái xấu trở nên tốt hơn. Cơ hội sẽ chấm dứt vào ngày kết thúc đời mình. Không ai biết đó là ngày nào, vậy nên ta phải tận dụng cơ hội này chứ đừng chủ quan.

Lạy Chúa, xin giúp con nắm lấy cơ hội này để huấn luyện bản thân ngày một tốt hơn. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

BIẾN CẢI CÁI XẤU

Thứ Ba, Tuần XVII (Mt 13,36-43)
Hạt giống tốt là con cái Nước Trời, cỏ lùng là con cái Ác thần. Ruộng chẳng phải là độc quyền của lúa tốt nhưng cỏ lùng len lỏi khá nhiều.
Thế gian không chỉ dành cho người tốt nhưng kẻ xấu cũng trà trộn khắp nơi.
Nếu như cỏ lùng không thể biến thành lúa tốt thì ngược lại, người xấu có thể trở thành người tốt.
Người Kitô hữu không chỉ được mời gọi lớn lên trong đức tin và đức ái nhưng còn phải giúp biến đổi thế gian.
Ánh sáng có nhiệm vụ đẩy lui bóng tối thế nào thì người Kitô hữu có ơn gọi biến cải cái xấu như thế.
Tâm lý chung, ta sẽ lo sợ khi thấy cái xấu tràn lan. Ta cũng dễ dàng nhận ra lý do này, lý do kia.
Thế nhưng ít khi ta nhận trách nhiệm về mình: những Kitô hữu chưa chu toàn nhiệm vụ!
Thử hỏi: Tôi đã làm gì để biến cải những cái xấu quanh tôi?
Trách nhiệm của cộng đoàn Kitô hữu là tạo nên môi trường sống lành mạnh quanh mình chứ không dừng lại ở sự hài lòng bản thân.

Xin Chúa giúp con biến cải cái xấu quanh mình để thế giới mỗi ngày một tốt hơn. Amen.

SỨC SỐNG BÊN TRONG

Thứ Hai, tuần XVII TN (Mt 13,31-35)
Hạt cải và nắm men khác với hòn đá ở sức sống bên trong.
Hòn đá đặt ở đâu vẫn trơ trọi một mình.
Ngược lại, hạt cải và nắm men nếu gặp môi trường thuận lợi sẽ lan truyền sức sống ra bên ngoài.
Bạn và tôi, chúng ta muốn là hạt cải và nắm men tràn trề sức sống hay muốn là hòn đá khô khan nguội lạnh?
Sức sống bên trong đó chính là ơn Chúa!
Qua bí tích Thanh Tẩy, mỗi Kitô hữu đều đã lãnh nhận ấn tín không phai nhòa, đó là hồng ân cao quý cùng nhiều ơn lành khác.
Đừng để những ơn đó trở nên vô hiệu nhưng hãy tạo cơ hội để ơn Chúa lan tỏa đến mọi người.
Đừng chôn vùi ơn Chúa mà không sinh ích lợi gì cho bản thân và tha nhân.
Hạt cải muốn trở sinh bông hạt phải chết đi hình dáng cũ của mình. Bột muốn dậy men, nắm men phai tiêu hao dần.
Sức sống “nội tại” có vẻ như sẽ tiêu hao đi, nhưng thực ra nó không bao giờ mất hết. Trái lại, nếu liên kết với môi trường xung quanh, nó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nhiều.



Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

KHÓ KHĂN VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT

Chúa nhật XVII TNB (Ga 6,1-15)
Đông đảo dân chúng đến với Đức Giêsu và các môn đệ:
Philipphê cảm thấy bất lực vì chỉ thấy khó khăn trước mắt và tìm cách giải quyết theo kiểu con người.
Anrê phát hiện ra một tia hy vọng khi nhìn thấy những thứ (bánh mì và cá) mà họ (đứa bé) sở hữu.
Đức Giêsu biến hy vọng nhỏ nhoi đó thành một dấu lạ.
Cuộc sống của chúng ta cũng luôn đối diện với những khó khăn thử thách như thế.
Khó khăn sẽ càng chồng chất nếu ta chỉ cậy dựa vào sức riêng mình.
Hãy học Anrê để nhìn ra những tia hy vọng, dù mong manh, nơi anh chị em chúng ta, dù là những người nhỏ nhất.
Và nhất là, hãy noi gương Đức Giêsu để dâng những tia hy vọng đó lên cho Thiên Chúa. Hãy xin Người chúc lành và biến những tia hy vọng đó thành dấu lạ, nhờ đó, khó khăn không còn là thử thách đáng sợ nữa, những là cơ hội để ta bày tỏ lòng tín trung vào Chúa.


Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

câu chuyện Nước Trời



CHÚA NHẬT 17 TN Năm A
Tin mừng: Mt 13, 44-52
Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn này: "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
"Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
"Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
"Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? " Họ đáp: "Thưa hiểu." Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."
Chia sẻ: câu chuyện Nước Trời
Nước Trời không phải là điều gì xa xôi, trừu tượng. Nước Trời là cuộc sống hiện tại với sự hiện diện của Đức Giêsu. Thật vậy, chính biến cố nhập thể đã khai mở Nước Trời. Nước này đã hiện diện, đang hiện diện và sẽ đạt đến trọn vẹn trong ngày sau hết, khi con người được diện đối diện với Thiên Chúa.
Trọng tâm sứ điệp rao giảng của Đức Giêsu chính là Nước Trời. Nước ấy được Đức Giêsu minh họa bằng những câu chuyện rất bình dị trong cuộc sống, mỗi câu chuyện nói lên một đặc trưng, một khía cạnh của Nước Trời.
Câu chuyện Nước Trời trong bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay được đề cập đến với nhiều chi tiết khác nhau, nhưng hai đặc tính nổi bật nhất là giá trị cao quý và thái độ của con người đối với Nước Trời.
Giá trị cao quý của Nước Trời
Trong câu chuyện này, Nước Trời được ví như một kho báu hay như một viên ngọc quý. Chính giá trị cao quý này đã lôi cuốn, thu hút con người lên đường, tìm kiếm để sở hữu.
Nước Trời luôn có một giá trị như thế, vĩnh viễn không thay đổi. Thế nhưng ngày nay con người đang bị lôi cuốn bởi nhiều giá trị khác nhau. Có khi chỉ là những giá trị hời hợt, giả tạo bên ngoài. Chẳng hạn một cô gái muốn chứng tỏ mình là người sành điệu và biết dùng đồ hiệu nên sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu để chỉ mua một cái túi xách tay. Hay một bộ phận giới trẻ sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để đánh bóng tên tuổi của mình.
Nói chung con người ngày nay dễ đề cao và chạy theo những giá trị bên ngoài như danh tiếng, giàu sang, quyền lực… trong khi nhiều giá trị đích thực và cần thiết như nhân bản, tình thương, hy sinh thì họ lại xem nhẹ. Giá trị của Nước Trời dường như đã bị lu mờ. Nhiều người rất lười đến nhà thờ, tham dự các cử hành phụng vụ hay đơn giản chỉ là thiết lập một tương quan thân mật với Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh như thế, việc nhắc nhở nhau khám phá lại những giá trị của Nước Trời thật cần thiết biết bao!
Thái độ của con người đối với Nước Trời
Trong bài Tin mừng, giá trị của Nước Trời đã được nhận biết, do đó, con người đã lên đường, làm một cuộc tìm kiếm và khi tìm được rồi anh ta vui mừng, sẵn sàng bán đi tất cả để được sở hữu điều anh hằng mong mỏi.
Là người kitô hữu, là đoàn viên của Huynh đoàn, chắc chắn chúng ta đã được chia sẻ rất nhiều về những giá trị cao quý của Nước Trời. Thế nhưng chúng ta đã sẵn sàng hay đã bao giờ lên đường để tìm kiếm hay chưa? Chúng ta có cảm thấy vui mừng, phấn khởi và hân hoan vì những giá trị Nước Trời hay chưa? Chúng ta đã hy sinh một điều gì đó để có được Nước Trời hay chưa?
Đó là những câu hỏi mà mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ và tự trả lời cho chính bản thân mình.
Cuộc lên đường ở đây là quyết tâm thực hành một điều gì đó, là hành động thực tiễn, là thực thi một chương trình hay kế hoạch. Chương trình, kế hoạch đó phải nhắm mục đích hoàn thiện bản thân, xây dựng tương quan tốt với anh chị em mình và đến gần Thiên Chúa.
Thái độ hy sinh là từ bỏ một nết xấu, một thói quen hay một sở thích bình thường để đạt được những giá trị cao hơn, ý nghĩa hơn.
Làm sao cuộc đời của mỗi người kitô hữu phải là một hành trình liên tục để hướng về Nước Trời như quê hương đích thực, nơi đó ta sẽ đạt được hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa. Nơi đó ta sẽ thuộc trọn về Nước Trời và Nước Trời thuộc trọn về ta. Để đạt được điều đó, mỗi người phải luôn nhận thức đâu là những giá trị cần hướng đến và quyết tâm thực hiện điều đó bằng những hy sinh cần thiết.
Gợi ý chia sẻ:
1.      Điều gì làm cho con người ngày nay khó nhận ra những giá trị của cao quý của Nước Trời?

Học viện Đa Minh

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Thành kiến (Mt 13,54-58)

Tuần XVII - thứ Sáu

Tôi chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả!” Là người đầu tiên trở về từ vụ trụ, Gagarin đã phát biểu như thế. Trái lại, nhà vật lý Ampère khẳng định “con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện”. Còn nhà sinh vật học Luis Pasteur thì vừa di chuyển bằng tàu hỏa vừa lần hạt Mân Côi. Chân lý chỉ thực sự được mạc khải cho những ai khiêm tốn tìm kiếm, còn ai kiếm tìm với thành kiến có sẵn thì sẽ chẳng bao giờ gặp.
Những người cùng quê Nadarét tiếp xúc Đức Giê-su với thành kiến có sẵn. Chứng kiến những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người cũng như những phép lạ người làm, họ đặt câu hỏi: bởi đâu ông ta được như thế? Thực ra, họ tự hào là mình biết về nguồn gốc Đức Giê-su nên thắc mắc trên chỉ xuất phát từ sự tò mò với thành kiến có sẵn (tôi biết ông ta là ai rồi). Nếu họ thắc mắc một cách chân thành và khiêm tốn tìm kiếm thì chắc họ sẽ biết nguyên do bởi đâu.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng hay tiếp xúc người khác với thành kiến có sẵn. Chúng ta nghe đồn người này thế này, người kia thế nọ; chúng ta dựa vào một vài sự kiện trước đó để dán mác cho cả một con người. Chúng ta quên rằng mỗi một con người là một mầu nhiệm với nhiều biến đổi phúc tạp và sâu sắc cần được khám phá không ngừng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cất đi những thành kiến cũ kỹ khi tiếp xúc với nhau và khiêm tốn tìm hiểu nhau với ánh mắt thiện cảm hầu có thể khám phá ra những sự thật tốt đẹp nơi tha nhân.

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Anh em cứ xin (Lc 11,1-13)

Chúa nhật XVII, năm C

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh!”, người ta vẫn than với nhau như thế. Mà đúng thật, cuộc đời ai cũng trải qua những giây phút long đong khổ sở. Có người suốt đời phải khổ với chồng với con, có người luôn sống trong khắc khoải lo âu, có người đang nhà êm cửa đẹp bỗng đâu ngọn lửa thiêu rụi tất cả. Khi bất lực trước đau khổ, con người thường nhớ đến Đấng Trên Cao và nài xin với tất cả lòng thành.
Anh em cứ xin, cứ tìm, cứ gõ,… lời Đức Giê-su phần nào khuyến khích và an ủi chúng ta. Thế nhưng chúng ta hay kinh nghiệm về sự vắng bóng của Thiên Chúa: con kêu hoài đến kiệt sức mà sao Chúa chẳng đáp lời (x.Tv 69,4). Cuộc kì kèo giữa Apraham và Thiên Chúa có lẽ phần nào soi sáng cho thắc mắc của chúng ta.
Bầu khí cuộc trò chuyện giữa Apraham với Thiên Chúa thật là thân mật. Dù ý thức mình chỉ là thân tro bụi nhưng Apraham vẫn cố kì kèo với Thiên Chúa để cứu thành Xơ-đôm. Ông dần hạ giá từ 50 người đến 45 rồi 30, 20 và sau cùng là 10 người. Tại sao ông dừng lại ở con số 10 mà không dám hạ xuống thấp nữa. Có lẽ ông ý thức được thân phận tro bụi của mình cũng như sự bất xứng của dân thành Xơ-đôm. Không phải lòng kiên nhẫn và thương xót của Thiên Chúa có giới hạn nhưng vì giới hạn của con người. Trước vinh quang Thiên Chúa, ông Apraham cũng như dân thành Xơ-đôm chỉ dám “ngã giá” tới đó mà thôi. Phần còn lại, có lẽ phó thác cho lòng nhân lành của Thiên Chúa.
Thiên Chúa nhân lành nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng công minh. Mặc dù sự kì kèo của Apraham thất bại, nhưng Thiên Chúa không để mặc cho người công chính. Người trừng phạt kẻ tội lỗi nhưng cũng đưa tay che chở người công chính. Bằng chứng là gia đình ông Lót đã được cứu.
Anh em cứ xin, cứ tìm, cứ gõ. Đó là bổn phận của chúng ta. Bổn phận nài xin lòng nhân lành của Thiên Chúa. Phần còn lại, chúng ta phó thác cho sự công minh của Người. Thiên Chúa công minh nhưng cũng là Đấng giàu lòng thương xót. Người không xét xử ta xứng với lỗi lầm ta phạm (x.Tv 103,10). Trái lại, Người đối xử với ta như người cha đối xử với con cái.  

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Lúa tốt và cỏ lùng (Mt 13,36-43)

Tuần XVII - thứ Ba

Khoảng cách giữa thiên đàng và hỏa ngục có khi chỉ là một bước chân. Ánh sáng và bóng tối luôn xen lẫn với nhau. Những ý nghĩ thánh thiện vừa lướt qua thì những toan tính đen tối xuất hiện. Thật và giả luôn đan xen, hòa quyện nhau rất khó phân biệt. Vàng thau lẫn lộn nhiều khi đánh lừa cả những nhà chuyên môn! Bác ái và trục lợi tồn tại trong chính bản thân mỗi người nhiều khi chính đương sự cũng không nhận ra.
Đó là những minh họa cho lúa tốt và cỏ lùng cùng tồn tại và lớn lên trong lòng mỗi người. Xét về hình thức, lúa tốt và cỏ lùng rất giống nhau. Vậy làm thế nào để ta phân biệt? Chỉ những ai suốt đời gắn bó với lúa mới đủ tinh ý để phân biệt. Cũng vậy, chỉ những ai tâm hồn luôn trong sáng và thánh thiện mới đủ tỉnh thức nhận ra cái gì là tốt thực sự.
Lúa tốt và cỏ lùng khác nhau về nguồn gốc và hiệu quả. Lúa tốt đến từ Thiên Chúa và cho hoa quả là mùa gặt bội thu. Cỏ lùng thì ngược lại. Cũng vậy, muốn biết việc làm của ta là “lúa tốt” hay “cỏ lùng”, ta phải thành tâm xét xem động lực của chúng là gì? Chúng đến từ tình yêu dành cho Thiên Chúa và con người hay chỉ vì vinh dự bản thân? Cũng vậy, ta xét xem hiệu quả chúng mang lại là gì? Để vinh danh Thiên Chúa và sinh ích cho tha nhân hay để vun vén cho chính mình? Chỉ trong thinh lặng nội tâm đối diện với Thiên Chúa ta mới đủ can đảm và tỉnh táo để nhận thức lúa tốt và cỏ lùng thực sự nơi bản thân của ta.

Xin Chúa cho con biết thanh lọc chính mình để những việc con làm không chỉ vì lợi ích bản thân nhưng trước hết và trên hết là vì vinh danh Chúa và lợi ích cho tha nhân.