Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Người tín hữu Việt Nam trước năm 1659


Theo sử liệu, các vị thừa sai đã đến Việt Nam từ năm 1533 nhưng khoảng 40 năm sau mới có tín hữu đầu tiên là cụ Đỗ Hưng Viễn (Thanh Hóa). Sau giai đoạn thăm dò của nhiều nhóm thừa sai khác nhau thì khoảng giữa đầu thế kỷ XVII (1615-1659) là giai đoạn đặt nền móng của dòng Tên. Trong giai đoạn này, số tín hữu Việt Nam không ngừng gia tăng về số lượng cũng như những sinh hoạt khác, góp phần xây dựng một Giáo hội sinh động về nhiều mặt.
Đạo đức trong nếp sống
Nếp sống đạo đức của tín hữu Việt Nam trong giai đoạn này được nhìn nhận qua thư từ cũng như báo cáo của các thừa sai gửi về cho Bề Trên hay cho Rôma. Qua đó ta có thể ghi nhận vài ý chính sau.
Ngày 12-10-1647, sau khi đi kinh lý giáo đoàn Đàng Ngoài, cha Gioan Cabral đã báo cáo về Rôma như sau: Người dân Đàng Ngoài tòng giáo chỉ vì phần rỗi linh hồn; họ từ bỏ nếp sống cũ, đến nỗi như trước đây họ chưa theo tôn giáo nào; Bổn đạo Đàng Ngoài yêu thương nhau như anh em.[1]
Một báo cáo khác đề ngày 2-11-1647, cha Cabral viết: đến xứ này con thấy giáo đoàn luôn luôn tăng trưởng về số lượng và lòng sốt sắng. Trong cõi phương Đông, chẳng dân tộc nào có những điều kiện thích hợp với Ki-tô giáo như dân tộc Đàng Ngoài. Đó là một dân tộc đơn sơ, không vướng mắc những tật xấu xa. Một khi đã được rửa tội, người Đàng Ngoài kiên trì trong đức tin. Họ gớm ghét cực độ những tật xấu thường có ở các dân tộc khác và họ mau mắn giữ luật chúa.[2]
Còn cha Gioan Barbosa thì ca tụng lòng nhiệt thành đạo đức của tín hữu Đàng Ngoài giống như các tập sinh trong một Dòng tu. Cha nhận định về người tín hữu như sau: Họ siêng năng đọc kinh chung sáng tối trong gia đình. Gia đình nào cũng có bàn thờ. Trên bàn thờ ngoài thánh giá và các ảnh tượng còn có bình nước thánh, cùng với tràng hạt Mân Côi, roi đánh tội. Một việc đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là họ có những “bàn thờ nhỏ di động” mang theo mình khi phải xa nhà.[3]
Cha Đắc Lộ còn khen ngợi lòng đạo và tâm hồn trong trắng của tín hữu Đàng Ngoài như các thiên thần. Trước ngày rước lễ, họ ăn chay đánh tội. Họ tham dự Thánh lễ sốt sắng. Đặc biệt ngày Chúa nhật, họ đến nhà thờ từ sáng sớm nếu ở xa hơn thì phải đi lễ từ chiều thứ bảy.
Trong thời gian hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bị quản thúc tại gia vào tháng 5-1628, tín hữu Đàng Ngoài tập trung trong các nhà dân cùng nhau đọc kinh bù lại Thánh lễ. Đọc kinh, xem lễ, xưng tội, rước Mình Thánh Chúa là những thứ họ khao khát, dù về mặt thông hiểu “lẽ đạo” thì còn kém. Các tín hữu đã sống Lời Chúa trọn vẹn trong việc kính Chúa yêu người, bằng cớ là nhiều nhà truyền giáo đã khen ngợi về lòng thương yêu nhau của anh chị em tín hữu. Trong bản báo cáo của cha Gaspar d’Amaral gửi cha André Palmeiro ở Macao đề ngày 31-12-1632 đã ghi nhận rằng “người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau”.[4]
Lòng đạo đức của tín hữu Đàng Trong cũng không thua kém ở Đàng Ngoài. Đặc biệt, nhà nguyện của bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi là nơi bảo đảm cho tín hữu trong thời khó khăn. Nơi đây tín hữu ngày đêm kéo đến gặp các cha đễ lãnh nhận các bí tích. Thánh lễ nào cũng chật người. Những ngày lễ trọng, các cha phải dâng nhiều thánh lễ để mọi người được tham dự.
Sống động trong chứng tá
Tuy còn trong giai đoạn đặt nền móng nhưng người tín hữu Việt Nam cũng đã để lại những chứng tá sống động, đặc biệt là bằng lời nói qua việc rao giảng và bằng việc làm qua đời sống bác ái yêu thương. Đặc biệt, chính trong thời gian các cha bị quản thúc thì số người được rửa tội lại trổi vượt hơn. Đó là nhờ tinh thần hoạt động rao giảng và tông đồ của giáo dân.
Trong bản báo cáo của cha Cardim được ấn hành năm 1646 tại Paris, cha ghi nhận một trong các lý do làm cho dân Đàng Ngoài dễ theo đạo là: Một người vừa “chịu đạo”, liền tỏ ra rất nhiệt thành, đi khắp các làng mạc, truyền bá đạo mới cho đồng bào, nhất là cho bà con thân thích.
Cụ thể, trong thời gian cha Đắc Lộ ở An Vực năm 1627, một người phong cùi được ngài rửa tội lấy tên thánh là Simon. Vì khá thành thạo chữ Hán, nên ông tình nguyện chép lại để học các kinh do cha Đắc Lộ trực tiếp đọc, sau đó ông dạy lại cho các bệnh nhân trong nhóm. Từ làng An Vực, đạo nhanh chóng được truyền sang các làng xung quanh. Mỗi giáo dân trở thành một chiến sĩ của đạo qua lời nói cũng như tinh thần bác ái.[5]
Cha Đắc Lộ còn kể về một người chị em với chúa Trịnh Tráng nhận lãnh bí tích rửa tội (1627-1628 ) với tên thánh Catarina. Bà là người có một đức tin mạnh mẽ. Với lòng đạo đức và sốt sắng, bà đã thuyết phục mẹ mình theo đạo và hai mẹ con đã giảng dạy và thuyết phục được nhiều bà quý phái khác theo đạo. Ngoài ra còn rất nhiều chứng nhân khác sau khi biết Chúa đã mạnh dạn nói cho người khác nghe, chẳng hạn như: Bà Anna đã làm cho chồng mình là viên quan cai trị Xứ Đông (vùng Hải Dương) theo đạo, chẳng những thế mỗi lần về kinh đô thay cho chồng lo một số việc, bà luôn dẫn về một số người sẵn sàng chịu phép Thánh Tẩy; hay cậu Linô 17 tuổi, sau khi theo đạo cũng làm cho chính cha nuôi là một võ quan cùng mọi người trong nhà quan được rửa tội.[6]
Trong khi đó ở Đàng Trong có bà Minh Đức Vương Thái Phi là người rất sùng đạo. Từ khi theo đạo, bà dùng uy tín của mình mà nâng đỡ bổn đạo, che chở các nhà truyền giáo khi gặp khó khăn. Chính cha Đắc Lộ đã viết về bà như sau: Bà Maria Madalena (tên thánh của bà) là chỗ nương tựa của tín hữu; gương sáng và uy tín của bà đã làm cho nhiều người lương dân cải đạo cách lạ lùng, và sau khi chịu phép rửa, nhờ bà, họ giữ vững lòng đạo đức… Ngoài ra bà còn thuyết phục nhiều người nổi tiếng khắp nước theo đạo Chúa, trong số này có cả những người thuộc vương tộc.
Trong số các người thuộc vương tộc theo đạo có công chúa Ngọc Liên. Khi chồng qua đời 1645, công chúa đến ở Hội An. Tại đây, chẳng những Ngọc Liên lo truyền giáo trực tiếp mà còn lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương), là nơi nương náu cho những người nghèo khổ, neo đơn; đằng khác công chúa còn cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng lúc đó.[7]
Tóm lại, một khi đã gia nhập đạo, người tín hữu thường cũng trở thành một nhà truyền giáo. Họ trở về giảng đạo cho gia đình, họ hàng và làng xóm. Có những người bỏ cả nghề của mình để chuyên lo việc giảng đạo. Đồng thời với chứng tá bác ái, đặc biệt là việc mở nhà thương, việc tổ chức an táng, giỗ chạp long trọng đã làm cho nhiều người cảm mến đạo mới mà theo.
Nhiệt thành trong cộng tác
Không những có đời sống đạo đức và chứng tá sống động, các tín hữu lúc bấy giờ còn nhiệt tình cộng tác với các thừa sai như giúp các ngài học ngôn ngữ, đồng hành trong các hành trình truyền giáo, dâng đất làm nhà thờ, dịch tài liệu và sáng tác các bài giáo lý bằng thơ ca.
Sau khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, nhiều người muốn theo các cha để phục vụ trong hành trình truyền giáo. Chẳng hạn như cậu Augustin, sau khi được cha Buzomi rửa tội đã tình nguyện ở lại và sau trở thành thầy giảng đầu tiên ở xứ Nam. Với lòng nhiệt thành, các tân tòng giúp các cha dịch nhiều tài liệu từ chữ hán ra chữ nôm như sách giáo lý của cha Pina.
Trong số những người theo đạo ở Quãng Nam, có nhiều người thuộc giới trí thức như các cụ nghè Giuse, Phêrô, Phaolô, và sư cụ Manuel. Các cụ hỗ trợ các cha nhiều trong việc học tiếng Việt. Đặc biệt, cụ Manuel là một sư cụ nổi tiếng ở vùng Quãng Nam, sau khi theo đạo, cụ làm tờ tuyên ngôn cho dân chúng biết vì sao cụ theo đạo, cụ rao giảng cho nhiều người và khuyên họ theo chính đạo. Với lý lẽ đơn sơ, chân thành, cụ đã lôi cuốn được nhiều người trở lại. [8]
Về lòng nhiệt tình truyền giảng đạo của tín hữu, Cha Đắc Lộ viết về thầy sãi Antôn như sau:  thầy đã khôn khéo và nhiệt thành dạy dỗ nhiều lương dân nhận đức tin… thầy làm chức vụ thầy giảng và làm tông đồ, giảng dạy và công bố các mầu nhiệm đạo ta, lay động lương tâm, thuyết phục các tâm hồn và tấn công ma quỷ. Thỉnh thoảng thầy đưa vài chục người đến xin rửa tội.[9]
Cũng trong thời gian cha Đắc Lộ ở An Vực năm 1627, một ông cụ 85 tuổi, thông thạo chữ Hán, được dân chúng trong vùng kính trọng xin gia nhập đạo và mang tên thánh là Gioakim. Tuy cao tuổi nhưng hằng ngày cụ có mặt trong nhà hai giáo sĩ để trau giồi kiến thức về đạo. Từ đó cha Đắc Lộ thường xuyên nhờ cụ chép lại một số kinh trong đạo dành cho người tân tòng. Ngoài ra cụ còn dâng cúng một miếng đất gần đó để làm một nhà thờ. Dân chúng đóng góp vật liệu như tre, gỗ, còn các thương gia Bồ Đào Nha góp công sức trang trí nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành ngày 3-5-1627 mang tước hiệu “Tìm thấy Thánh giá”.[10]
Khi theo đạo, người tín hữu Việt Nam sử dụng tất cả tài năng để phục vụ đạo. Những tín hữu trí thức sử dụng khả năng tri thức để truyền đạo. Họ viết thơ ca, vè, vãn về giáo lý, kinh thánh cũng như hạnh các thánh để đọc cũng như để dạy giáo lý. Nổi tiếng nhất trong lãnh vực này chính là bà Catarina, họ hàng với chúa Trịnh. Chẳng những mộ mến đạo Chúa hết lòng, giảng đạo cho người chung quanh và đưa 17 người trong vương tộc vào đạo, bà còn làm thơ giáo lý rất hay thuật lại từ việc Thiên Chúa tạo thành vạn vật đến khi Chúa Giêsu sinh ra, rao giảng, chịu chết, phục sinh và thăng thiên. Ở phần cuối, Catarina còn kể lại việc hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bắt đầu truyền giáo ở Đàng Ngoài. Nhờ các bài thơ, vè này mà anh chị em tân tòng học thuộc giáo lý nhanh chóng. Cả đến một số đồng bào chưa theo đạo cũng sử dụng vì loại văn thơ này rất thích hợp với họ.
Còn thầy Inhaxu thì thuyết phục lương dân bằng tài thơ ca của mình: bằng giọng thơ lưu loát, cung giọng du dương, thầy chế nhạo và giễu cợt các sai lầm và mê tín dị đoan. Nhờ đó, nhiều người đã bỏ dị đoan mà xin học giáo lý.[11]
Ngoài ra, trong thời kỳ hai giáo sĩ (Marques và Đắc Lộ) bị quản thúc năm 1629 tại Thăng Long, một nhóm tín hữu ở kinh đô có sáng kiến in lịch Công giáo, ghi lại các ngày lễ Chúa Nhật, lễ trọng, ngày ăn chay trong năm, để chẳng những tín hữu kinh đô dùng mà còn gửi đi khắp cả nước.[12]
Tóm lại, dù còn hạn chế nhiều mặt nhưng các tín hữu Việt Nam đã nhiệt thành cộng tác với các thừa sai với tất cả khả năng của mình trong việc dạy dỗ, rao giảng và làm chứng cho đạo thật.
Trưởng thành trong trách nhiệm
Dù là một Giáo hội còn non trẻ về nhiều mặt nhưng người tín hữu Việt Nam cũng đã cho thấy một sự trưởng thành, nhất là trong việc gánh lấy trách nhiệm trên chính quê hương mình.
Hội thầy giảng được thành lập (1630 ở Đàng Ngoài và 1643 ở Đàng Trong) là công lớn của các thừa sai dòng Tên, tuy nhiên các thầy đã cho thấy sự trưởng thành trong trách nhiệm của mình qua việc cộng tác với các thừa sai. Chẳng hạn như trong khoảng năm 1658- 1659, cả Đàng Ngoài chỉ có hai cha bị quản thúc, thế nhưng nhờ nhiệt tâm của các thầy giảng và kẻ giảng, cũng như nhiệt tâm của các tân tòng, với việc truyền bá Tin mừng, năm đó đã có khoảng 7000 người được rửa tội.[13]
Trách nhiệm của các thầy còn là giúp các cha trong việc giảng đạo, khuyên răn giáo dân, rửa tội, dạy giáo lý, chủ sự giờ kinh, thăm viếng người bệnh, rửa tội khi các thừa sai vắng mặt. Là chỗ dựa tinh thần của giáo đoàn, các thầy đã chu toàn rất tốt trách nhiệm của mình. Trong mười tháng vắng mặt các thừa sai, ba thầy giảng ở Đàng Ngoài là phanxicô Đức, Anrê Trí và Ignatio Nhuận đã rảo khắp các tỉnh thành dạy dỗ và rửa tội cho 3340 người, lập 20 họ đạo và nhà thờ mới.[14]
Sự trưởng thành của tín hữu Việt Nam còn thể hiện trong việc đứng ra lãnh trách nhiệm liên lạc trực tiếp với đức thánh cha qua thư từ. Bằng chứng là ngày 15-7-1640 tín hữu Đàng Trong đã dâng một tờ biểu lên đức thánh cha Urbanô VIII với nội dung là “cúi xin đức thánh cha ban phép cho thầy nào trong số các thầy ở đây được làm phép thêm sức cho bổn đạo, để họ trở thành chiến sĩ Chúa Kitô trọn vẹn hơn, hầu trung thành chiến đấu trong cuộc chiến Đức tin”. Một tài liệu khác cho thấy tín hữu Đàng Ngoài cũng liên lạc trực tiếp với đức thánh cha Urbanô VIII và cha Bề Trên dòng Tên Mutio Vitelleschi để xin các ngài giúp đỡ cách nào để nhiều người trong nước được nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa.[15]
Kiên vững trong thử thách
Giai đoạn đầu tiên của Giáo hội Việt Nam cũng là giai đoạn chịu nhiều nghi kỵ, thử thách và bắt bớ. Tuy vậy, các tín hữu luôn tỏ ra can trường trong việc làm chứng và tuyên xưng đức tin dù chịu nhiều thiệt thòi, đòn roi và cả mạng sống.
Cụ thể như ông Từ ở làng Vũ Xá gần Thăng Long, được một bà phi của chúa Trịnh Tráng giao bảo vệ từ đường rất đẹp của bà. Khi nghe cha Đắc Lộ giảng, ông quyết từ bỏ việc trên đây vì tham dự vào hành vi mê tín. Theo đạo, ông mang tên thánh là Antôn và vợ là Paula. Bà phi kia tức giận, lệnh cho quan địa phương trói ông vào cột nơi công cộng, đánh đòn. Tuy vậy cả hai ông bà vẫn hăng say truyền đạo. Mỗi lần về kinh đô là ông dẫn theo nhiều người về chịu phép Thánh Tẩy.
Hoặc như ông Phanxicô dù mới theo đạo được hai năm, nhưng can đảm thi hành đức ái triệt để “chôn xác kẻ chết”, vác xác đi chôn những người chết không nhà cửa, mà ông lại là người khiêng kiệu cho một quan lớn. Chính vì thế nên viên quan ra lệnh cấm ông chôn xác chết. Không tuân lệnh, nên Phanxicô bị quan đánh đòn, tống giam trong ngục, sau cùng quan cho chém đầu Phanxicô. Ông chính là nạn nhân đầu tiên đổ máu ở Đàng Ngoài và đó là năm 1630.
Nếu như ở Đàng Ngoài có ông Phanxicô là vị tử đạo tiên khởi thì 14 năm sau, tại Đàng Trong có thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo tại Thành Chiêm ngày 26-7-1644. Sau cái chết của thầy Anrê, cuộc bách hại ở Đàng Trong ngày càng lan rộng. Tại Quy nhơn, quan lại ra lệnh cho người có đạo phải ra báo cáo. Chỉ mới ngày đầu đã có 700 người, quan sợ có nổi loạn nên chỉ chọn và bắt trói 36 người, sau đó 35 người đã can đảm tuyên xưng niềm tin và sẵn sàng để chịu mọi khổ hình vì đạo. Những chứng nhân ở Đàng Trong cần phải kể đến ông Inhaxu và hai người họ hàng, bà Paula cùng với hai con gái ở Quy Nhơn, 9 giáo dân ở Quãng Bình-Quãng Trị và rất nhiều những tín hữu khác đã cam chịu mọi thiệt thòi, đau đớn để giữ vững đức tin.
Tóm lại trong thời gian này, các thừa sai nhiều lần bị trục xuất, kèm theo đó là sự nghi kỵ, phá rối, chống đối và bạo hành đối với người tín hữu. Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh, người tín hữu Việt Nam luôn kiên vững trong đức tin, lướt thắng mọi thử thách và vui lòng đổ máu để minh chứng cho chân lý.
Kết luận
Như vậy, trong thời gian trước năm 1659, công lớn trong việc đặt nền móng Giáo hội Việt Nam thuộc về các cha dòng Tên. Nhưng Tin mừng được lan rộng nhanh chóng và cắm rễ sâu trên mảnh đất này còn nhờ vào những đóng góp lớn lao của hàng tín hữu. Những đóng góp đó trước hết là đời sống thánh thiện đạo đức, là lòng nhiệt tâm rao giảng, là sự nhiệt thành cộng tác trong lãnh vực bác ái cũng như trí thức và cuối cùng là gương trung kiên trong đời sống chứng nhân. Với những đóng góp này ta có thể nói người tín hữu Việt Nam đã tạo nên một Giáo hội sống động và làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Giáo hội cho đến ngày nay.






[1] Xc. Đỗ Quang Chính, Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam, trích từ trang web www.dunglac.org 
[2] Xc. Nguyễn Văn Trinh, Lịch sử Giáo hội Việt Nam, tập 2 (TPHCM: ĐCV Giuse, 1994), tr 306.
[3] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[4] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[5] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[6] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[7] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[8] Xc. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển 1 (Sài Gòn: Hiện Tại, 1959), tr. 60. 75.
[9] Xc. Nguyễn Văn Trinh, sđd, tr. 340.
[10] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[11] Xc. Nguyễn Văn Trinh, sđd, tr. 341.
[12] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[13] Xc. Nguyễn Văn Trinh, sđd, tr.311.
[14] Xc. Nguyễn Hồng, sđd, tr. 206.
[15] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét