Hiển thị các bài đăng có nhãn CN20. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN20. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

CON ĐƯỜNG DÀI NHẤT



Thứ Bảy tuần XX TN (Mt 23,1-12)
Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.
Đi từ cuộc sống: Gandhi được coi là một đấng thánh của người dân Ấn Độ. Lần nọ, một bà mẹ dẫn con gái đến nhờ ông khuyên bỏ thói quen ăn quá nhiều đường. Ông nhìn đứa bé suy nghĩ rồi hẹn ba tuần sau hãy trở lại. Ba tuần sau, ông trìu mến nhìn đứa bé rồi nhẹ nhàng khuyên “Con à, ăn đường nhiều không tốt đâu nó sẽ khiến con bị sâu răn đó. Con hãy cố gắng từ bỏ tật xấu này đi nhé !” Đứa bé chăm chú lắng nghe và hứa sẽ nghe lời ông. Mẹ đứa bé lấy làm thắc mắc tại sao chỉ một lời khuyên đơn giản vậy thôi mà lại phải hẹn đến ba tuần. Ông chậm rãi đáp:  vì trước đó tôi cũng thích ăn ngọt, tôi không chắc mình có từ bỏ được thói xấu đó không nên phải dành ba tuần để tập trước. Sau khi đã bỏ được rồi tôi mới dám khuyên cháu.
Lời Chúa soi đường: Các kinh sư và Pharisêu là những thầy dạy của dân, thế nhưng họ nói mà không làm. Họ dạy dân những điều luật chi li phải giữ, họ chất lên vai dân gánh nặng của luật còn chính họ thì ung dung với những hình thức khoe khoang bên ngoài.
Tận hưởng niềm vui: Con đường dài nhất là con đường từ cái miệng đến đôi tay. Chúng ta nói rất dễ nhưng làm thì rất khó. Chúng ta dễ dàng đưa ra một lời khuyên nhưng chính bản thân ta thì hay làm ngược lại. Đức Giê-su đã làm tất cả những gì Người dạy chúng ta, cụ thể là tình yêu được thể hiện qua cái chết của Người.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa cho con biết khiêm tốn khi đưa ra lời khuyên và biết sống những gì mình đã hay sẽ nói.

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

THEO CHÚA LÀ LỘI NGƯỢC DÒNG



Thứ 3 tuần XX TN (Mt 19,23-30)
“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì ?”
Lời mời gọi của Đức Giê-su luôn là cuộc lội ngược dòng. Theo Đức Giê-su thường là đi “ngược dòng” thời đại. Chẳng hạn trong khi mọi người cố vun vén cho mình thì lời mời gọi của Đức Giê-su là “từ bỏ”.
Thế nhưng, lời mời gọi đó không phải là vô lý. Giống như ông bà nguyên tổ, càng rời xa vườn địa đàng để tiến về phía trước là càng lìa xa Thiên Chúa, chỉ có quay ngược dòng mới có cơ may gặp được Ngài; chúng ta cũng vậy, chỉ khi can đảm lội ngược dòng, chúng ta sẽ có cơ may gặp Chúa nhiều hơn.
Đức Giê-su mời gọi ta từ bỏ, nhưng Ngài cũng nói rõ, từ bỏ vì cái gì và từ bỏ để được gì.
Vì danh Đức Giê-su, chúng ta đã từ bỏ điều gì chưa? Nếu phải lựa chọn, ta sẽ chọn điều gì? Để đưa ra một quyết định cụ thể chắc chắn không đơn giản. Xin Chúa trợ giúp thêm cho chúng con.

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể (Mt 19,23-30)

Tuần XX - thứ Ba

Đối với con người thì không thể được nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.
Người giàu có khó vào Nước Trời”. Tại sao Đức Giê-su lại nói như vậy? Đoạn Tin mừng trước đó, có một người đến gặp Đức Giê-su để hỏi về sự sống đời đời, Đức Giê-su bảo anh hãy tuân giữ các điều răn, bán hết của cải, phân phát cho người nghèo và theo Người. Nghe vậy người này buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải. Thấy vậy Đức Giê-su mới bảo : “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.
Câu nói này đã làm cho các môn đệ sửng sốt. Các ông sửng sốt là phải, vì theo truyền thống Do thái, của cải là hồng ân Thiên Chúa ban cho. Do đó, giàu có là dấu hiệu được Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc. Thế nhưng ở đây, Đức Giê-su lại bảo người giàu khó vào Nước Thiên Chúa. Một điều hoàn toàn mới mẻ, trái ngược lại với suy nghĩ và quan niệm của họ. Chính vì thế mà các môn đệ mới sửng sốt và hỏi thế thì ai mới có thể được cứu.
Đức Giê-su trả lời, đối với con người thì không thể được nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Điều đó có nghĩa là ơn cứu độ không xuất phát từ chúng ta, cũng không do công trạng của chúng ta nhưng ơn cứu độ xuất phát từ Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa. Quả vậy, dù nổ lực cách mấy đi nữa thì con người cũng không thể cứu độ chính chính nếu không có ơn Chúa. Ơn cứu độ là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, là sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa và con người chỉ có thể đón nhận bằng cách tích cực cộng tác với Thiên Chúa mà thôi.
Các môn đệ đã cộng tác bằng cách “bỏ mọi sự mà theo Thầy” và Đức Giê-su đã hứa hẹn với các ông: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”. Quả thật, với những ai dám từ bỏ mọi sự mà theo Đức Giê-su thì Người không để thiệt thòi nhưng hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cả ở đời này lẫn đời sau.
Phần chúng ta, chúng ta đã từ bỏ những gì? Chúng ta đã cộng tác với Thiên Chúa chưa và cộng tác như thế nào?
Từ ngày lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta được mời gọi từ bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới để đi theo Đức Giê-su. Từ bỏ con người cũ không có nghĩa là Chúa đòi hỏi tất cả mọi người phải từ bỏ nhà cửa, gia đình và tài sản nhưng Chúa mời gọi mỗi người hãy từ bỏ những tính hư nết xấu, những đam mê dục vọng, những yếu đuối hư hèn để xứng đáng theo Chúa hay để làm sáng danh Chúa. Từ bỏ con người cũ tức là từ bỏ của cải vật chất, là những thứ làm vướng chân ta trong hành trình theo Chúa, là những thứ có nguy cơ làm cho ta cậy dựa vào đó hơn là phó thác nơi Thiên Chúa. Từ bỏ con người cũ chính là nhìn nhận con người bất lực trong việc giải thoát chính mình để từ đó tìm kiếm ơn cứu độ nơi Thiên Chúa. Từ bỏ con người cũ để cộng tác với Thiên Chúa trong hành trình đi theo Đức Giê-su.
Chúng ta có thể cộng tác với Thiên Chúa như thế nào? Các môn đệ đã cộng tác với Đức Giê-su bằng cách từ bỏ một cách triệt để và dấn thân theo Người. Cộng tác với Người trong việc rao giảng và làm chứng nhân. Đó cũng là sứ vụ mà Đức Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác. Chúng ta có thể rao giảng về Chúa trong bất kỳ môi trường nào, với bất cứ hình thức nào, cho bất kỳ ai. Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi lãnh vực. Vấn đề quan trọng là chúng ta có ý thực trách nhiệm rao giảng và làm chứng của mình hay không?

Nếu chúng ta ý thức và thực thi trách nhiệm này thì bất kể kết quả như thế nào, chúng ta cũng sẽ nhận được phần thưởng như Đức Giê-su đã hứa với các môn đệ khi xưa, đó là được gấp trăm ở đời này cùng với sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp, vì ơn cứu độ không đến từ chúng ta nhưng đến từ Thiên Chúa.

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Tuân giữ luật và làm môn đệ (Mt 19,16-22)

Tuần XX - thứ Hai

“Của đi thay người”, dân ta vẫn thường nói thế. Câu nói xem ra chỉ để an ủi, động viên nhưng ẩn chứa bên trong là một triết lý sống: Sự sống con người thì quý hơn của cải vật chất. Nhờ triết lý này mà các doanh nhân ở ta ít phải chọn cách tử tự như là giải pháp khi đối diện với thất bại giống như một số quốc gia khác.   
“Người thanh niên buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều quả cải”. Anh là người giàu có và của cải là điều gì thân thiết, gắn liền với anh. Anh có quan tâm đến sự sống đời đời. Anh đã giữ các điều luật Môsê từ tấm bé. Anh là mẫu người tiêu biểu cho tôn giáo cũ: Tuân giữ luật cách đầy đủ. Thế nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để làm môn đệ Đức Giê-su. Với Đức Giê-su, đó chỉ là những điều căn bản cần phải giữ, còn “nếu muốn hoàn thiện”, anh cần bán tài sản của mình để đi theo Đức Giê-su.
Đòi hỏi của Đức Giê-su không dừng lại ở việc tuân giữ luật một cách hình thức nhưng là dấn thân triệt để vào mối tương quan với Ngài. Là từ bỏ những gì xem ra là thân thiết, là bảo đảm ở đời này để đi theo Đức Giê-su, để gia nhập đoàn môn đệ của Người, hoàn toàn tín thác vào Người.
Chúng ta cũng hay giữ đạo một cách hình thức. Chúng ta chú tâm vào điều luật này, giới răn kia mà ít khi quan tâm đến mối tương quan của mình với chính Đức Giê-su. Trong những khó khăn cần phải quyết định, chúng ta ít tín thác vào Đức Giê-su, ít khi chúng ta từ bỏ những gì là thân thiết để được làm môn đệ Người cách trọn vẹn.
Lạy Chúa, xin giúp con biết cắt tỉa đời mình để cây đời con xin nhiều hoa trái. Xin cho con biết tín thác vào Chúa trong mọi biến cố để mai sau được hưởng sự sống đời đời.