Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

HÀNH TRANG ĐẾN VỚI ĐỨC GIÊ-SU: YÊU THƯƠNG VÀ TIN KÍNH

Thứ Bảy tuần XII TN (Mt 8, 5-17)
5 Có một viên đại đội trưởng đến gặp Đức Giê-su và nài xin: 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói : “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp : 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.”
Đức Giê-su từng khẳng định Người đến để tìm kiếm con chiên lạc nhà Israen, thế nhưng, khi đối diện với viên đại đội trưởng ngoại đạo có lòng yêu người và tin kính Thiên Chúa, Người đã khen ngợi và ban cho ông điều ông ước muốn.
Là đại đội trưởng, ông có quyền trên nhiều tôi trai tớ gái trong nhà. Thế nhưng trong cách cư xử, ông không xem họ như những tôi tớ! Bằng chứng là ông đã cảm thấy đau đớn với nỗi đau của người tôi tớ ông yêu mến. Vì người tôi tớ mà ông đích thăm đến gặp Đức Giê-su. Tác giả Luca còn cho biết ông yêu thương dân Do Thái như thế nào khi bỏ tiền ra giúp họ xây dựng hội đường. Điều đó cho thấy, bên cạnh lòng yêu thương con người, ông còn tỏ ra tin yêu và kính trọng Thiên Chúa.
Tôi không đáng Ngài vào nhà tôi nhưng xin hãy nói một lời. Câu trả lời trên vừa cho thấy ông am hiểu và tôn trọng luật Môsê cũng như tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Đức Giê-su. Luật Môsê không cho phép người Do Thái bước chân vào nhà dân ngoại vì như thế sẽ ra ô uế. Đức Giê-su không màng đến luật này khi tình nguyện “chính tôi sẽ đến chữa nó”. Thế nhưng ông đã tế nhị nói “Ngài không cần phải đến”, chỉ cần Ngài nói một lời là đủ rồi. “Nói một lời” là “động tác” của Thiên Chúa sáng tạo: Thiên Chúa phán, liền có như vậy. Với lời nói này, ông tuyên xưng Đức Giê-su có quyền năng của một Thiên Chúa sáng tạo, Người chỉ cần nói một lời thì mọi sự sẽ tuân theo.
Quả thực, viên đại đội trưởng có một tình yêu và lòng tin hiếm thấy ngay cả nơi người Do Thái. Đức Giê-su cũng đã khen ngợi ông. Tình yêu và lòng tin là hai hành trang ông mang theo khi đến với Đức Giê-su và ông đã được Người ban ơn như lòng ước nguyện. Lời tuyên xưng của ông đã đi vào lịch sử khi hàng ngày, khắp nơi trên thế giới đều lặp lại lời tuyên xưng khiêm tốn này khi cử hành thánh lễ.
Hình ảnh viên đại đội trưởng cũng gợi lên trong ta những câu hỏi chất vấn. Chúng ta đến gặp Đức Giê-su với những hành trang nào? Chúng ta đã đủ yêu mến và lòng tin khi đến với Người hay chưa?
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng cõi lòng để yêu mến những người quanh con; xin cho con đủ đức tin để đến với Chúa với tất cả niềm xác tín. Chúng con không đáng được Chúa ngự vào lòng mình nhưng Chúa đã chủ động đến với chúng con mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể. Xin cho con luôn sẵn sáng để đón tiếp Chúa.








Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

THIÊN CHÚA MUỐN CHỮA LÀNH CHÚNG TA



Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói : "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người giơ tay đụng vào anh và bảo : "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.
Theo lẽ thường, đáng ra tác giả Tin Mừng phải chú tâm vào “ước muốn” của người phong hủi vì anh ta mới là người đang thực sự muốn được chữa lành. Thế nhưng, cả anh ta, lẫn tác giả Tin Mừng đều nhấn mạnh đến “ý muốn” của Đức Giê-su. Người phong hủi không nói lên ước muốn của mình nhưng phó thác cho “ý muốn” của Đức Giê-su. Tác giả nhấn mạnh đến “ý muốn” của Đức Giê-su để cho thấy Người có thẩm quyền và mong muốn dùng thẩm quyền đó giải phóng con người.
Bài Tin Mừng hôm qua kết thúc “Bài giảng trên núi” của Đức Giê-su với sự nhìn nhận của mọi người: Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền. Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su tiếp tục thể hiện thẩm quyền của mình qua việc chữa lành một người phong hủi. Với việc chữa lành này, Đức Giê-su Đức Giê-su không chỉ bày tỏ thẩm quyền trong lời nói, nhưng còn trong việc làm; đó không chỉ là thẩm quyền giảng dạy nhưng còn là thẩm quyền chữa lành bệnh tật (cũng có nghĩa là thẩm quyền trên sự dữ, trên tội lỗi). Đức Giê-su không chỉ có thẩm quyền mà còn muốn dùng thẩm quyền đó để giải phóng con người.
Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và yêu thương. Vì yêu thương, Người muốn dùng quyền năng đó để giải phóng con người. Đó là đạo lý chắc chắn của đức tin. Phần chúng ta, chúng ta có sẵn sàng phó thác đời mình theo ý muốn của Thiên Chúa hay không? Chúng ta có tìm kiếm và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa hay chúng ta chỉ muốn Thiên Chúa chiều theo ý riêng của mình?

Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

ĐỪNG LO LẮNG



Thứ Bảy tuần XI TN (x. Mt 6,24-34)
Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
Lo lắng là một trong những căn bệnh của thời đại. Thân phận con người gắn liền với lo lắng, đó là điều tất yếu, vì quả thật cuộc sống có nhiều điều khiến ta lo lắng. Nhưng để lo lắng biến thành một “căn bệnh” thì quả là có vấn đề!
Không lo lắng, sẽ là người vô cảm; nhưng quá lo lắng, sẽ là người bối rối, bất an, thậm chí là thiếu tin tưởng vào sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa.
Đức Giê-su, trong thân phận của một con người, cũng đã trải qua những giây phút lo lắng, đó là khi đối diện với cái chết trên thập tự giá. Thế nhưng Người không để sự lo lắng thống trị. Người không làm “nô lệ” cho sự lo lắng bởi hằng tin tưởng vào thánh ý và chương trình của Thiên Chúa. Lo lắng chỉ là sự xao động của tâm lý con người trước cái chết, một biến cố trọng đại của đời người mà thôi.
Lời Chúa mời gọi chúng ta đừng làm “nô lệ” cho sự lo lắng nhưng phải biết vượt thắng nó nhờ tin tưởng và tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chỉ có một điều đáng cho ta lo lắng mà thôi, đó là làm thế nào để có được Nước Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Những xao động còn lại, Chúa mời gọi chúng ta tín thác cho Người.

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

KHO TÀNG CỦA TÔI Ở ĐÂU?



"Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” .
Trong giây phút hấp hối, người cha trăn trối với các con như sau: những gì cha có và đã tiêu xài, giờ đã hết; những gì cha có mà chưa kịp xài, rồi cũng sẽ thuộc về người khác; chỉ những gì cha có và đã cho đi, giờ đây sẽ theo cha đến bên kia cuộc đời.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nhắc nhở chúng ta hãy biết xây dựng những kho tàng chính đáng. Đó không chỉ là kho tàng nơi trần gian này với những của cải chóng qua nhưng là kho tàng vĩnh cửu trên trời.
Thật chính đáng khi chúng ta cố gắng lao động để có của nuôi thân cũng như bảo đảm đời sống gia đình. Cũng thật chính đáng khi chúng ta cố gắng làm giàu cho bản thân nhằm thăng tiến cuộc sống trong trần gian này. Nhưng nếu chỉ khư khư dừng lại ở đây mà thôi thì thật là một sai lầm và phí phạm. Cùng đích cao quý của con người không chỉ dừng lại ở những gì tạm bợ mà thôi nhưng phải vươn tới vĩnh cữu. Do vậy, chúng ta cũng hãy sử dụng của cải ở trần gian này như thế nào để đạt tới hạnh phúc đời đời.
Tôi đang xây đắp cho mình những kho tàng nào? Kho tàng tạm bợ mau hư nát hay kho tàng vĩnh cữu trên trời?

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

SỐNG LỜI NGUYỆN CẦU



Thứ Năm Tuần XI TN (x. Mt 6,7-15)
Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.
Xây dựng hòa bình thì khó hơn là tạo ra chiến tranh; sống thứ tha thì khó hơn tìm cách trả thù. Chúng ta thường chấp nhận sống theo bản năng dễ dãi hơn là cố gắng để vươn tới ơn gọi đích thực là con cái Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện, thế nhưng, Người không chỉ dạy các ông lời cầu nguyện nhưng còn nhấn mạnh cách sống lời cầu nguyện đó. Cầu nguyện không chỉ là nói nhiều lời mà được. Lời cầu nguyện phải xuất phát từ cõi lòng và được thể hiện qua hành động. Chúng ta xin Chúa tha tội cho chúng ta thì đồng thời chúng ta phải phải tha thứ cho nhau. Đã có lần Đức Giê-su nói: anh em đong bằng đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu đó.
Có lẽ chúng ta cầu nguyện rất nhiều nhưng ít khi chúng ta sống lời cầu nguyện của mình. Chúng ta xin Chúa thứ tha nhưng lại không tha thứ; chúng ta xin Chúa ban lương thực nhưng lại không thương giúp người nghèo; chúng ta xin Chúa xót thương nhưng lại hờ hững với người khác; chúng ta xin ơn bình an nhưng lại có những lời nói, hành động gây chia rẽ bất hòa.
Xin Chúa giúp con không chỉ dừng lại ở lời cầu nguyện mà thôi nhưng còn biết sống lời nguyện của mình cách sống động và cụ thể.   

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

SỐNG CHỮ TÍN




Thứ Bảy tuần X TN (x. Mt 5,33-37)
Hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
Trong kinh doanh, người ta rất coi trọng chữ tín, nhưng thực ra, chữ tín bao trùm toàn bộ đời sống con người. Người xưa có câu “một lần bất tín vạn lần bất tin” để đề cao tầm quan trọng chữ tín. Dĩ nhiên câu nói trên không thể áp dụng theo nghĩa đen, vì như thế sẽ dập tắt niềm hy vọng vào con người. Đúng hơn, ta nên áp dụng câu nói “người có chữ tín không bao giờ sợ chết đói!”
Tín, không chỉ là một đức tính nhân bản thông thường nhưng còn là một đức tính nhân bản Ki-tô giáo. Người Ki-tô hữu phải sống chữ “tín” vì Thiên Chúa là Đấng Trung tín. Nhờ Thiên Chúa trung tín với lời hứa của Người mà chúng ta đón nhận ơn cứu độ. Dù dân Ítraen thường xuyên phản bội giao ước nhưng Thiên Chúa vẫn luôn tín trung.
Trong bí tích Thanh tẩy, chúng ta cũng đã hứa từ bỏ ma quỷ cùng những cám dỗ của nó để sống đời sống mới trong Đức Ki-tô, thế nhưng thực tế, chúng ta thường xuyên “bất trung”. Mỗi khi phạm lỗi là chúng ta phản bội lời hứa! Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta sống với chữ “tín”, cụ thể là có thì nói có, không thì nói không.
Trong một xã hội đầy dẫy những gian dối, đời sống tín trung của chúng ta sẽ là một lời chứng hùng hồn. Sống chứng nhân Tin Mừng không phải là điều gì quá xa lạ, đó là sống tín trung trong từng việc nhỏ hàng ngày.