Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (2)

Lớp Tập Tôma thiện chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
MẶC LẤY LÒNG NHIỆT THÀNH TRUYỀN GIÁO
CỦA ĐỨC GIÊSU


Cái hồn hoạt động truyền giáo của người tu sĩ chính là bác ái. Người tu sĩ, trước hết, phải có trái tim biết yêu thương, sẵn sàng chia sẻ tình yêu đó cho bất cứ ai mà mình gặp gỡ. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu tình yêu ấy bằng một từ khóa khác : tình yêu Thiên Chúa – động lực thúc đẩy chúng ta dấn thân vào sứ vụ truyền giáo – được hiểu như “lòng nhiệt thành” (zeal) hay “tình yêu nồng nhiệt” (zealous love).
Trong bản dịch kinh thánh tiếng Anh, tình yêu của Thiên Chúa thỉnh thoảng diễn tả bằng những hạn từ tương đương : “ghen tương” (jealousy) hay “tình yêu vị kỷ” (jealous love). Tiếng Anh vay mượn thuật ngữ “zealous” từ tiếng La Tinh “zelus”, vốn được vay mượn từ tiếng Hy lạp “zêlos”, và “jealous” xuất phát từ tiếng Pháp cổ “gelous/jelouz”, vốn được vay mượn từ tiếng La Tinh. Vì cả tiếng La tinh lẫn Castilian sử dụng hai thuật ngữ “zelus”“celo” như nhau, nên trong ý nghĩa mơ hồ của từ “zeal” hay “jealous”, thì độc giả nói tiếng Anh cần phải ghi nhớ điều này. Ý niệm của từ “zeal” (nhiệt thành, nồng nhiệt) là một quan điểm phong phú vốn thêm nét đặc biệt và tính thực thể luận trong ý niệm bác ái tông đồ.

HÀNH TRANG ĐẾN VỚI ĐỨC GIÊ-SU: YÊU THƯƠNG VÀ TIN KÍNH (Mt 8, 5-11)

Tuần I Mùa Vọng – Thứ Hai

5 Có một viên đại đội trưởng đến gặp Đức Giê-su và nài xin: 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói : “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp : 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.”
Đức Giê-su từng khẳng định Người đến để tìm kiếm con chiên lạc nhà Israen, thế nhưng, khi đối diện với viên đại đội trưởng ngoại đạo có lòng yêu người và tin kính Thiên Chúa, Người phải cất tiếng khen ngợi và ban cho ông điều ông ước muốn.
Là đại đội trưởng, ông có quyền trên nhiều tôi trai tớ gái trong nhà. Thế nhưng trong cách cư xử, ông không xem họ như những tôi tớ! Bằng chứng là ông đã cảm thấy đau đớn với nỗi đau của người tôi tớ ông yêu mến. Vì người tối tớ mà ông đích thăm đến gặp Đức Giê-su. Tác giả Luca còn cho biết ông yêu thương dân Do Thái như thế nào khi bỏ tiền ra giúp họ xây dựng hội đường. Điều đó cho thấy, bên cạnh lòng yêu thương con người, ông còn tỏ ra tin yêu và kính trọng Thiên Chúa.

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (1)

TỪ NOI GƯƠNG ĐẾN NÊN MỘT VỚI ĐỨC GIÊSU

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.


Ơn gọi tu trì của chúng ta không có mục đích nào khác hơn là gắn bó mật thiết với Đức Giêsu Kitô. Được trở thành môn đệ Đức Giêsu là mục tiêu cao cả nhất của chúng ta. Thiên Chúa Cha đã chọn chúng ta để chúng ta có thể trở nên giống Đức Giêsu (forma Christi) (Rm 13:14, Ga 6:7) ; để chúng ta có thể bắt chước Đức Giêsu và để công trình sáng tạo nơi Chúa Cha được thể hiện tròn đầy nơi chúng ta, vốn được tác tạo giống “hình ảnh của Thiên Chúa”. Chính “hình ảnh” của Đức Giêsu phải trở thành “hình ảnh” của chúng ta.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

AI SỐNG BÁC ÁI THÌ KHÔNG SỢ CÁI CHẾT

Tóm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 27-11-2013.
Cái chết cật vấn chúng ta một cách sâu xa, nhất là khi đối diện với cái chết của nhưng thân, của các trẻ em vô tội. Nếu coi cái chết là kết thúc mọi sự thì chúng ta sẽ hoảng sợ. Nó sẽ đánh gục và đe dọa chúng ta. Nó sẽ bẻ gãy mọi tương quan và cắt đứt mọi con đường. Nếu quan niệm cuộc sống chỉ là sinh ra và chết đi, nếu cuộc sống chỉ là một sự hiện hữu tình cờ và chết là tiến về hư không, chúng ta sẽ hoảng sợ. Đó là thái độ của những người vô thần.
Sâu xa trong trái tim mỗi người đều có một ước muốn vô tận, một nỗi nhớ nhung vĩnh cửu. Vậy đâu là ý nghĩa của Ki-tô giáo về cái chết? Khi đối diện với những thảm cảnh của cuộc sống, khi chứng kiến sự ra đi của một người thân, chúng ta vẫn thấy âm vang trong lòng một niềm xác tín: cuộc sống chúng ta không kết thúc với cái chết!

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

LÀ KI-TÔ HỮU, BẠN HÃY MẠNH MẼ (Lc 21,12-19)



Tuần XXXIV – Thứ Tư

17 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. 18 Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. 19 Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.
Người ta đổ xô nhau đi xem thầy, bói toán để tìm kiếm những dấu hiệu mong manh cho một tương lai an toàn. Người ta thường hứa hẹn một tương lai bảo đảm để an ủi nhau. Người ta có khuynh hướng chạy trốn những bấp bênh của thân phận con người. Thế nhưng Đức Giê-su lại không hành xử như vậy. Mặc dù Ngài đến trần gian để thiết lập vương quốc Thiên Chúa, để mang ơn cứu độ cho con người, để đảm bảo hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Quốc. Thế nhưng Ngài cũng nhấn mạnh, Ngài đến mang theo gươm giáo, theo Ngài là vác thập giá mình mỗi ngày.

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

TẠM BỢ VÀ VĨNH CỬU (Lc 21,5-11)

Tuần XXXIV – Thứ Ba
5 Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo : 6 "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào."
Hòn đảo Tacloban xanh tươi duyên dáng chỉ sau một đêm cơn bão Haiyan đổ bộ đã bị bình địa. Mọi thứ trở nên hoang tàn u ám. Không gian trĩu nặng, chết chóc đau thương lan tràn. Con người tự hỏi, liệu có gì vĩnh cửu trên cõi đời này?
Những người Do Thái cũng từng nhìn ngắm Đền Thờ Giê-ru-sa-lem với niềm hãnh diện thán phục. Quả thật, Đền Thờ là một công trình nguy nga hoành tráng. Đền Thờ đứng sừng sửng là niềm kiêu hãnh của một dân tộc. Giữa lúc họ đang tự hào như thế thì Đức Giê-su đã tiên báo một sự thật nghiệt ngã, một tương lai chẳng ai mong đợi: sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Lời tiên báo gợi lại một ký ức buồn thương và liên tưởng đến một tương lai ảm đạm. Thực vậy, trong quá khứ, Đền Thờ đã từng bị chiếm đoạt và xúc phạm bởi dân ngoại. Đó là một nỗi ô nhục mà người Do Thái không thể chịu đựng nổi. Thế nhưng nó đã xảy ra. Cũng vậy, trong một tương lai không xa (năm 70) Đền Thờ cũng bị san bằng bởi quân đội Rôma.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

HÃY CANH THỨC (Mt 24,37-44)

Chúa nhật 1 mùa vọng năm A

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42)
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su mượn câu chuyện ngày xưa để cảnh tỉnh các môn đệ. Thực vậy, vào thời ông Nô-ê, trước ngày diễn ra lụt đại hồng thủy, mọi diễn biến của đất trời chẳng có gì thay đổi. Mọi người vẫn sống bình thường. Họ vẫn vui vẻ ăn uống, vẫn cưới vợ lấy chồng như bao ngày khac. Phần đông dân chúng vẫn đang say sưa buông mình trong dục vọng. Thế rồi bất chợt dòng nước ào tới. Dòng nước trào dâng bất ngờ, mạnh mẽ, không một dấu hiệu, không chút xót thương, mang theo tất cả vết nhơ của một thế hệ đáng quên!

SỐNG ĐẠO LÀ HY SINH (Ga 17,11b-19)

Ngày 24/11: Các thánh tử đạo Việt Nam, Năm C

14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Toàn thể Hội thánh hôm nay mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam. Là con dân đất Việt, chúng ta có cảm được dòng máu nóng của các thánh tử đạo đang chảy trong mình? Là hậu duệ của các ngài, lòng chúng ta có hãnh diện và sôi sục một quyết chí dấn thân sống đạo như các ngài? Có bao giờ chúng ta dành thời gian suy gẫm về cuộc đời các ngài để rồi phóng chiếu lên cuộc đời mình? Bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp ta tìm hiểu cuộc đời các ngài dưới ánh sáng Lời Chúa cũng như đưa ra một hướng sống đạo thiết thực cho mỗi người chúng ta hôm nay.

NGÀY QUANG LÂM (Mc 13, 24-32)

Ngày 24/11: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Năm B

26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.
Đức Giê-su đến thế gian để khai mở Nước Trời. Nước đó đã khởi đầu với biến cố Đức Giê-su nhưng chưa hoàn tất. Nước Thiên Chúa chỉ hoàn thành trong ngày quang lâm như đã tiên báo. Bài Tin mừng ngày hôm nay, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người, tức là ngày Người đến để xét xử chúng ta, người sống cũng như kẻ chết.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

DÂNG BẢN THÂN MÌNH ĐỂ THỰC THI Ý CHÚA (Mt 12,46-50)

Ngày 21/11: Đức Ma-ri-a dâng mình trong đền thờ

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ kính nhớ việc Đức Ma-ri-a dâng mình trong đền thờ. Đây là một biến cố không có trong các sách Tin Mừng nhưng được truyền khẩu từ xưa. Từ đầu, Giáo hội đã tin rằng Đức Ma-ri-a đã được Thiên Chúa chọn từ trước để chuẩn bị cho việc nhập thể của Con Thiên Chúa. Để chuẩn bị xứng đáng cho mầu nhiệm cao cả này, Đức Ma-ri-a được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mọi tội lỗi, kể cả nguyên tội. Theo truyền khẩu, khi lên ba tuổi, Đức Ma-ri-a đã được song thân đem dâng cho Thiên Chúa trong đền thờ và sống ở đó cho đến năm 12 tuổi. Biến cố này nói lên việc Đức Ma-ri-a đã sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa ngay từ đầu để vâng phục và thực thi theo thánh ý Chúa. Truyền thống Đông Phương đã mừng lễ này từ sớm trong khi Tây Phương thì có muôn hơn.
Phụng vụ ngày hôm nay nhắc nhớ và mời gọi mỗi người chúng ta hãy dâng chính bản thân mình để phụng sự Thiên Chúa và thực thi ý Người. Với các bậc cha mẹ, Giáo hội mời gọi hãy noi gương song thân Đức Ma-ri-a, sẵn sàng hiến dâng con cái mình cho Thiên Chúa như một khí cụ tốt đẹp để Thiên Chúa sử dụng. Chương trình của Thiên Chúa luôn cần sự cộng tác của con người. Lời Chúa ngày hôm nay cũng nhấn mạnh đến việc thực thi thánh ý Thiên Chúa. Chỉ những ai thực thi thánh ý Người mới thực sự là thành viên trong gia đình của Người. Như vậy, Đức Ma-ri-a là mẹ Đức Giê-su trên cả hai phương diện, vượt trên phương diện huyết nhục, Mẹ là Mẹ bởi đã vâng phục và thực thi thánh ý Thiên Chúa trọn vẹn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quãng đại dâng hiến chính bản thân mình để phụng sự Chúa, để thực ý thánh ý Chúa qua những việc nhỏ nhặt hàng ngày. 

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

THIÊN CHÚA LUÔN TÌM GẶP CON NGƯỜI (Lc 19,1-10)

Tuần XXXIII - Thứ Ba

                                                 “Ta đến để tìm và cứu những gì đã mất”
Đối với nhiều người, Da kêu coi hư đã mất. Cái nghề thu thuế đã biến ông thành một “tội nhân”. Ông có tội vì đã cộng tác với chính quyền đế quốc. Hơn nữa, nghề thu thuế thường làm giàu trên chính đồng tiền của người dân, những đồng tiền được chắt chiu một cách cơ cực. Da kêu có lẽ cũng ý thức thân phận của mình nên dù quyền lực và giàu có, dù rất muốn biết Đức Giê-su là ai, thế nhưng ông vẫn không dám mời Đức Giê-su đến nhà mình. Ông chỉ có thể âm thầm leo lên cây sung để lặng lẽ quan sát! Hành động khác thường của ông dường như chẳng gây được sự chú ý của ai ngoại trừ Đức Giê-su.
Thực vậy, Đức Giê-su không chỉ thấy ông ngồi vắt vẻo trên cây sung mà dường như Người còn thấy niềm khao khát ơn cứu độ nơi ông! Đức Giê-su đã từng nhận lời mời đến nhà các Pha-ri-sêu (Lc 7,36 ; 11,37 ; 14,1), cũng như đến nhà các bạn bè, thân hữu như nhà hai chị em cô Ma-ri-a và Mác-ta (x. Ga 12,1-11). Tuy nhiên, đây là trường hợp duy nhất Đức Giê-su tự đề nghị đến thăm nhà người ta. Người không chỉ đến thăm mà còn đề nghị “ở lại” nhà ông nữa. Sự chủ động hiếm có của Đức Giê-su là để đáp trả lại nỗi khao khát nơi ông. Ông đã khao khát và tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su thì Đức Giê-su đã chủ động đến và ở lại nhà ông. Người chủ động đến để tìm và cứu những gì đã mất. Sự chủ động của Đức Giê-su cũng đã kéo theo sự chủ động của Da kêu khi ông tự nguyện bán phân nữa tài sản cho người nghèo và đền thiệt hại gấp bốn.    
Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và ông Da kêu cho ta nhiều bài học. Ai trong chúng ta cũng một lần ý thức thân phận tội lỗi của mình. Chúng ta coi như đã hư mất trước mặt Thiên Chúa và tha nhân. Thế nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Chỉ cần tìm cách để đến với Đức Giê-su thì chúng ta sẽ đón nhân được ơn cứu độ ngay trong hôm nay. Vì Thiên Chúa luôn đi tìm gặp con người. Người đến thế gian để tìm và cứu những gì đã mất. Người luôn hiện diện trong bí tích Thánh Thể để sẵn sàng đến và ở lại với chúng ta. Liệu chúng ta có sẵn sàng đón tiếp Người?

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA ANH MÙ VÀ ĐÁM ĐÔNG SÁNG MẮT (Lc 18,35-43)


Tuần XXXIII - Thứ Hai

Một người mù hành khất bên vệ đường. Nghe thấy một đám đông nhốn nháo anh liền hỏi: có chuyện gì vậy? Một người dừng bước trả lời: Giê-su Nazaret đang đi qua đây. Ồ! Giê-su Nazaret thì ta đã nghe nói nhiều, Người là một ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và việc làm. Người quả thật là con vua Đavit, Đấng Cứu độ trần gian. Nghĩ vậy, anh liền lớn tiếng hô vang: Lạy con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi! Đám đông cảm thấy khó chịu vì sự “gây rối” của anh, họ cố cấm cản nhưng anh lại kêu lớn tiếng hơn. Tiếng kêu của anh đã thấu đến Đức Giê-su. Người cho gọi anh đến và hỏi: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh trả lời ngay: Xin cho tôi nhìn thấy được.
Anh mù hàng ngày ngồi bên vệ đường để cầu xin lòng thương xót của đám đông sáng mắt, thế nhưng anh đã biết dùng đôi tai và con tim để lắng nghe. Anh ý thức tình trạng mù lòa và đáng thương xót của mình; anh ý thức Đức Giê-su có thể dủ lòng thương anh; anh ý thức và tin tưởng thái độ của Đức Giê-su đối với anh sẽ khác với thái độ của đám đông. Với tất cả ý thức và tự do, anh đã lớn tiếng nói lên khát vọng của mình. Để vượt qua áp lực của đám đông, anh phải rất xác tín, rất khao khát và bày tỏ nỗi khát khao đó ra bên ngoài.
Thái độ này tạo nên sự khác biệt giữa anh mù và đám đông sáng mắt. Đám đông nườm nượp đi theo Đức Giê-su nhưng có thể chỉ là một sự tò mò, ham vui. Trong đám đông, chắc hẳn cũng có những người biết mình đáng được xót thương, nhưng họ không tin tưởng vào quyền năng Đức Giê-su hoặc là không thực sự khao khát được đoái thương. Cũng có thể họ tin và khao khát nhưng lại ngại thể hiện niềm tin và khao khát của mình.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức tình trạng yếu đuối và đáng xót thương của mình. Chúng con đang cần một bàn tay nâng đỡ, một lời nói ủi an. Xin cho con luôn xác tín vào quyền năng của Người và can đảm bày tỏ niềm xác tín đó trong cuộc sống.

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

NƯỚC THIÊN CHÚA ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG (Lc 17,20-25)

Tuần XXXII – Thứ Năm

Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời : "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói : 'Ở đây này !' hay 'Ở kia kìa !', vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông." (Lc 17,20-21)

Thánh Âu Tinh đã từng thốt lên: Ngài ở trong con nhưng con lại loay hoay tìm kiếm Ngài ở bên ngoài. Ngài đón đợi con trong lòng nhưng con cứ mãi chạy ra ngoài để tìm kiếm. Cuối cùng thánh nhân hối tiếc: Lạy Chúa, con yêu Ngài quá muộn màng! Ngày hôm nay, nhiều người vẫn loay hoay tìm kiếm Thiên Chúa nhưng lại quên mất ngài đang chờ đợi ta trong chính cõi lòng mình.

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

CẦU XIN VÀ TẠ ƠN (Lc 17,11-19)

Tuần XXXII - Thứ Tư

“Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”.
Nhu cầu xin ơn
Con người thể hiện tương quan của mình với Thiên Chúa qua bốn tâm tình ngợi khen, cảm tạ, sám hối và xin ơn. Thế nhưng thực tế nhiều khi ta chỉ biết xin ơn mà xem nhẹ ba chiều kích kia. Điều này thể hiện qua việc cầu nguyện, xin lễ và hành hương. Bài Tin mừng hôm nay phần nào phản ánh thái độ sống này.
Suy niệm

VIỆC SÁM HỐI CHUNG

Liên quan tới các hình thức sám hối đền tội, các Hội Đồng Giám Mục đó đây trên thế giới đã gợi ý nhiều hình thức mới, phù hợp hơn với thời đại và tâm thức cũng như sự nhậy cảm của con người thời nay.
Chẳng hạn như quyên góp tiền bạc để trợ giúp các dân tộc nghèo, hay các nạn nhân thiên tai; mời gọi tín hữu kiêng thịt, rượu bia, các cuộc giải trí và các chi tiêu thừa thãi.
Hội Đồng Giám Mục Italia thì đề nghị hãm mình đền tội bằng cách không ăn các thực phẩm ưa thích, có một cử chỉ bác ái tinh thần, cầu nguyện tha thứ cho người gây khó khăn, phiền hà hay đau khổ cho mình.

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG TRONG LỜI CẦU NGUYỆN (Ga 17,15-21. 24-36)

Ngày 8: Cầu cho các Anh chị em trong Dòng đã qua đời

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.
Kính thưa cộng đoàn,
Hiệp thông là một mầu nhiệm lớn của Giáo hội. Chính vì để nhắc nhở con cái mình ý thứcsống sâu sắc hơn sự hiệp thông này, Giáo hội đã dành tháng cuối cùng của năm phụng vụ để suy niệm, cử hànhsống mầu nhiệm này.
Lời cầu nguyện của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm này cũng làm nổi bật lên chiều kích của sự hiệp thông này. Thực vậy, đây là một lời nguyện rất đẹp, giàu ý nghĩa và đầy cảm xúc. Lời đó không chỉ làm nổi bật lên mối tương quan độc nhất vô nhị giữa Đức Giê-su và Chúa Cha mà Đức Giê-su còn cầu xin để đưa các môn đệ vào trong mối tương quan đó. Lời cầu nguyện của Đức Giê-su nghe thật tha thiết: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này (tức là các môn đệ), nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta.

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

THEO ĐỨC GIÊ-SU (Lc 14,25-33)

Tuần 31 - Thứ Tư

Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14,33).
Theo Đức Giê-su có nghĩa là từ bỏ. Đây phải là một thái độ dứt khoát, không so đo tính toán, không phân biệt hơn thiệt. Thực ra, hơn thiệt đã phân biệt rất rõ giữa lựa chọn có từ bỏ để theo Đức Giê-su hay không và mỗi người đều có thể ý thức được điều đó. Vấn đề là ta có dám chọn lựa theo lời mời gọi của Đức Giê-su hay không.
Thực vậy, theo Đức Giê-su là chọn vác thập giá mỗi ngày. Nhiều khi ta đi theo Ngài nhưng ngại vác thập giá. Thử hỏi thập giá của tôi lúc này là gì?
Theo Đức Giê-su là từ bỏ chính mình. Thực ra tôi đã từ bỏ những gì từ khi đi theo Đức Giê-su? Đâu là những điều tôi hay quyến luyến không dám từ bỏ? Một tính hư tật xấu, một sở thích, một thói quen chẳng xây dựng gì cho đời tôi và cho người khác?
Theo Đức Giê-su là ưu tiên tất cả cho Ngài. Trong mọi việc tôi làm, đâu là mục đích?  Vị trí của Ngài trong quyết định của tôi như thế nào? Tôi có dám vì Ngài mà chọn một quyết định thiệt thòi theo cái nhìn nhân loại?

Lạy Chúa, xin cho con can đảm lựa chọn theo Ngài và cương quyết từ bỏ những gì làm vướng chân con trên hành trình này.

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

THÁNH MARTINÔ DE FORES

Lạy Chúa, giữa một xã hội đầy biến động của thủ đô Lima (Pêru), giữa những tăm tối của nghèo khó, bất công và kỳ thị, Chúa đã cho Martinô de Fores xuất hiện như ánh hừng đông báo hiệu mặt trời công chính. Sinh ra trong một gia cảnh đặc biệt (cha là hiệp sĩ người Tây Ban Nha, mẹ là một người da màu), Martinô vừa dễ thấu cảm với nỗi khổ đau của con ngườ, vừa có cơ hội học hành để có thể giúp đỡ họ thiết thực hơn. Với trái tim đầy thương cảm, Martinô đã không bỏ qua cơ hội nào. Những ai đến với ngài đều được hưởng xót thương xót của Thiên Chúa qua đôi tay bé nhỏ của thánh nhân. Đến với Martinô, mọi đau khổ sẽ vơi đi, mọi phẩm giá được trân trọng, mọi hy vọng được khơi lên. Đến với Martinô, người ta dễ dàng cảm nhận tình thương dạt dào của Thiên Chúa qua những tôi tớ của Người.
Lạy Chúa, thế giới ngày nay là một Lima thu nhỏ, trong đó cũng có đầy những bất công, đầy cảnh nghèo khổ đau thương. Xin Chúa cho xuất hiện ngày càng nhiều ánh hừng đông như Martinô hơn nữa, để mỗi người góp tay nhau xoa dịu nỗi đau của người khác, để mỗi người là khí cụ bày tỏ tình thương nhân hậu của Chúa, và để mọi người nhận biết rằng Chúa vẫn đang tỏ tình thương và quyền năng của Ngài qua những tôi tớ hen mọn.
Lạy thánh Martinô, xin chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con.

Thánh Martinô  (Hoài Lệ Tử)
1.      Chúng con nguyện xin thánh Martinô. Ngài là gương sáng soi của lòng nhân ái. Thuở bình sinh bởi lòng thương xót vô bờ, Người đã giang tay ôm ấp muôn người khổ đau. Thì ngày nay, trên trời vinh hiển cao sang, Người hãy thương nghe muôn tiếng chúng con khẩn cầu.
2.    Chúng con nguyện xin thánh Martinô, Người là cha những kẻ khó nghèo đau yếu. Lấy tình thương xoa dịu những nỗi u buồn. Và hãy ban ơn cho hết muôn người kêu xin : Được mạnh sức đêm ngày vui đón hy sinh. Và luôn noi theo gương sáng các nhân đức Ngài.



Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

HÌNH ẢNH ÔNG DA-KÊU (Lc 19,1-10)

Chúa nhật XXXI năm C (bài 2)

Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !" Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 
Hình ảnh ông Da-kêu xuất hiện trong bài Tin Mừng với sự trái ngược giữa thân thế và hành động. Thực vậy, ông được giới thiệu là người “đứng đầu những người thu thuế” và là “người giàu có”. Vì nghề nghiệp, người thu thuế phải tiếp xúc với đủ mọi hạng người, kể cả dân ngoại, nên họ bị coi là những người ô uế; vì khi thu thuế, họ thường tính cao hơn mức thuế đã ấn định nên họ bị coi là những người tội lỗi. Trong Tin Mừng, người thu thuế thường được kể chung với những người tội lỗi (x. Mc 5,30) và ngoại đạo (x. Mt 18,17). Da-kêu là người “đứng đầu những người thu thuế” hay là “cục thuế trưởng”, do đó ông càng bị đẩy ra bên lề xã hội Do-thái. Hơn nữa, ông còn được giới thiệu là “người giàu có”, và theo Tin Mừng Lu-ca, những người giàu có thì khó vào Nước Trời (Lc 18,24-27).

TÌM CÁCH ĐỂ BIẾT ĐỨC GIÊ-SU (Lc 19, 1-10)

Chúa nhật XXI năm C

“Ông ta (Da-kêu) tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai,”.
Gặp mặt thần tượng
Giới trẻ ngày nay rất dễ thần tượng. Vì một ca sỹ mến mộ hay một ban nhạc yêu thích, nhiều bạn trẻ cố gắng mọi cách để gặp mặt cho được. Có những bạn tuổi teen bắt bố mẹ phải nghỉ việc, vượt cả ngàn ki-lô-mét để xem thần tượng biểu diễn. Thậm chí, rất nhiều bạn trẻ còn có những hành động thể hiện sự hâm mộ một cách thái quá, thậm chí thật lố bịch. Tìm mọi cách để gặp thần tượng không hẳn là điều xấu nhưng quan trọng hơn là từ cuộc gặp gỡ đó có mang lại lợi ích gì cho người hâm mộ hay không.
Suy niệm
Trong bài Tin mừng hôm nay, Da-kêu đã tìm mọi cách để nhìn thấy Đức Giê-su, ngay cả việc ông phải leo lên cây, một hành động thường chỉ dành cho trẻ con mà thôi. Da-kêu tìm cách nhìn xem Đức Giê-su có thể vì tò mò và cũng có thể vì thần tượng Đức Giê-su sau khi nghe thiên hạ đồn thổi về Người. Dù động cơ là gì đi nữa thì việc làm của ông cũng xuất phát từ thiện chí ngay lành.

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Các thánh Nam Nữ

Ngày 01: Các thánh Nam Nữ

Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh ; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người. (1Cr 1,27-29)
Phẩm giá cao quý của con người là được Thiên Chúa dựng nên và mời gọi tham dự vào hạnh phúc vĩnh cửu với Người. Đó chính là ơn gọi nên thánh, là khát khao hướng đến sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng mỗi người. Ơn gọi này mời gọi chúng ta đón nhận cuộc sống với cái nhìn đức tin. Với đức tin, mọi sự dường như thay đổi giá trị: những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh ; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người (x.1Cr 1,27-29). Chỉ những ai được Chúa kêu gọi, cùng với ơn đức tin mới đủ can đảm thực hiện những lựa chọn này. Đây không phải là những lựa chọn không có cơ sở, vì chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa cũng đã thực hiện những lựa chọn như thế. Chính nhờ những lựa chọn như vậy mà con người được đón nhận ơn cứu độ.