Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp ( Lc 13, 22-30)

Chúa nhật XXI, năm C

Các bạn trẻ thân mến,
Giữa bầu khí nóng bức của chiều hôm nay, giữa những bề bộn lo toan của cuộc sống, các bạn đã tề tựu về chật ngôi thánh đường này. Có bao giờ các bạn tự hỏi: Tại sao tôi có mặt ở đây? Tôi đang tìm kiếm điều gì? Tôi bị cha mẹ thúc ép, bị luật Hội thánh đòi buộc hay tôi tự do tìm đến vì một lý do nào khác?
Trong bài Tin mừng các bạn vừa nghe, có một người đã thắc mắc với Đức Giê-su: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?” Câu hỏi ngầm phản ánh suy nghĩ của người Do thái đương thời về ơn cứu độ. Thực vậy, nếu câu trả lời là “phải”, nghĩa là chỉ có một số ít được cứu thoát, thì con người sẽ dễ rơi vào thái độ “chịu vậy”, ta cứ sống tà tà vì cố gắng cho lắm thì cũng chỉ có một số ít được cứu. Trái lại, nếu câu trả lời là “không phải” thì con người sẽ dễ rơi vào thái độ ỷ lại, đàng nào cũng có nhiều người được cứu, vậy cần gì phải nhọc công, phí sức. Hơn nữa, người Do thái vẫn tự hào mình là dân được tuyển chọn nên đương nhiên họ sẽ là thành phần ưu tiên được cứu thoát.
Các bạn trẻ thân mến, trong khi câu hỏi trên có vẻ lý thuyết vì chỉ quan tâm đến số lượng người được cứu thì Đức Giê-su đưa sự quan tâm của thính giả đến khía cạnh thực hành. Vấn đề không phải nhiều hay ít mà là phải vào cho được. Không phải là tìm cách vào nhưng là hãy chiến đấu để vào. Câu trả lời của Đức Giê-su đưa ra một cách thức để được vào Nước Trời.
Câu hỏi của người Do thái có thể bị cho là dở. Thế nhưng, các bạn trẻ thân mến, Các bạn có câu hỏi nào không? Các bạn có bao giờ quan tâm, suy nghĩ đến ơn cứu độ của mình và của người khác không? Câu trả lời của Đức Giê-su có gợi cho các bạn một suy nghĩ, một quyết tâm nào không?
Tôi biết, trong thực tế cuộc sống, để có được một tương lai tương đối đảm bảo các bạn phải tính toán, phải chiến đấu và hy sinh nhiều lắm. Cứ mỗi kỳ thi vào đại học, nhiều bạn trẻ phải thức khuya dậy sớm, ngày đêm dồi mài kinh sử. Ai muốn vào những trường danh giá còn phải chiến đấu với một tỷ lệ “chọi” rất cao. Dù cho một số bạn hay kêu ca rằng “học tài thi phận” thế nhưng ta không thể chối bỏ sự thật là phần thưởng chỉ dành cho những ai phải thực sự vật lộn với kiến thức. Cũng vậy, để có một công việc ổn định sau khi ra trường, các bạn phải vất vả ngược xuôi. Đó là chưa kể nhiều khi “có tài mà cậy chi tài”, nghĩa là chỉ dựa vào tài năng mà thôi thì chưa đủ. Điều này có lẽ các bạn hiểu biết và kinh nghiệm hơn tôi. Tôi có biết một bạn trẻ học rất giỏi. Tốt nghiệp đại học loại giỏi. Kỹ năng tiếng anh cũng rất tốt và đạt điểm cao nhất khi thi tuyển vào công ty. Thế nhưng khi đến vòng thi phỏng vấn thì bạn bị “nock out” ngay lập tức chỉ vì lý do, theo bạn giải thích, là không có phong bì!
Các bạn thân mến, để đạt được những giá trị tương đối trong cuộc sống này, các bạn đã phải vất vả rất nhiều, và hy sinh cũng rất nhiều nhưng kết quả đạt được thì vẫn còn bỏ ngõ! Thế thì, với các giá trị của Nước Trời thì sao?
Đức Giê-su đã từng ví Nước Trời như viên ngọc quý mà người ta sẵn sàng từ bỏ tất cả để sở hữu. Những hình ảnh đó nói lên giá trị cao quý của Nước Trời. Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su còn nói thêm rằng: cánh cửa Nước Trời đã mở để sẳn sàng đón nhận tất cả mọi người. Thực vậy, trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ I-sai-a cho biết vào ngày Cánh chung, Thiên Chúa sẽ tập họp trong Vương Quốc của Người mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ, cả những hải đảo xa xăm chưa hề được nghe và chưa hề thấy vinh quang Thiên Chúa. Cánh cửa đã mở để sẵn sàng đón nhận tất cả, vấn đề còn lại tùy thuộc vào sự tự do lựa chọn của mỗi người chúng ta.
Thực vậy, ở đây có một hình ảnh rất đẹp, đó là cánh cửa Nước Trời thì hẹp nhưng mọi dân sẽ đến tụ hội đông đủ. Tuy nhiên, không phải mọi người cứ việc ung dung bước vào nhưng là phải chiến đấu để vào. Khi nói điều này, Đức Giê-su muốn ám chỉ đến người Do thái, rằng: Đặc quyền về chủng tộc không đảm bảo một vị trí trong Nước Trời. Điều này cũng áp dụng cho mỗi người chúng ta. Chúng ta là Ki-tô hữu, chúng ta đang tham dự tiệc Thánh Thể, nhưng một giờ ngắn ngủi ngày Chúa nhật không đủ đảm bảo cho chúng ta một chỗ trong Nước Trời. Nước Trời chỉ dành cho những ai biết chia sẻ với những nỗi gian truân, biết thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô. Thực vậy, tác giả thư Hip-ri đã khuyến khích các Ki-tô hữu gốc Do thái, là những người đang phải chịu nhiều khốn khó từ phía đế quốc Rô-ma lẫn phía Do thái giáo, rằng họ không được ngã lòng trước những gian truân khốn khó vì Thiên Chúa cho phép những điều ấy xảy ra là để sửa dạy và thử thách họ.
Vậy, để qua cánh cửa hẹp của Nước Trời chúng ta phải chiến đấu với cái gì và chiến đấu như thế nào?
Thánh sử Lu-ca đã khéo léo đặt bài trình thuật này trong bối cảnh “trên đường lên Giê-ru-sa-lem”. Đường lên Giê-ru-sa-lem không bao giờ là con đường dễ dàng bởi nơi đó có cánh cửa hẹp là đỉnh đồi Gôn-gô-tha. Thực vậy, các môn đệ đã có lần ngăn cản, xin Đức Giê-su đừng lên Giê-ru-sa-lem (Mt 16,22). Đứng trước cánh cửa hẹp là cái chết, Đức Giê-su cũng đã có lần cảm thấy mệt mỏi, lo sợ, cô đơn cùng cực đến nỗi phải thốt lên: Lạy Thiên Chúa, sao Ngài bỏ rơi con. Thế nhưng, chính qua cánh cửa hẹp Gôn-gô-tha mà thập giá đã nở hoa cứu độ.
Là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng phải chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào cõi vinh quang. Qua đó, Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta hãy chiến đấu với Ngài. Cánh cửa hẹp đối với chúng ta là con người cũ với cái nhìn hạn hẹp về mục đích và ý nghĩa cuộc sống; với đức tin nghèo nàn khi bám víu vào những thực tại chóng qua; với thói ích kỹ khi chỉ biết ky cóp cho riêng mình. Bước qua cánh cửa hẹp là hoán cải và đổi mới đời sống theo mẫu gương Đức Giê-su và theo giáo huấn của Tin Mừng. Đó là đời sống chứng tá cho một đức tin sống động, một đức ái nồng nàn và một niềm hy vọng kiên vững. Dẫu biết rằng để sống và làm chứng các giá trị này trong bối cảnh xã hội ngày nay chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều khi phải chấp nhận những thiệt thòi thua thiệt. Thế nhưng các bạn hãy xác tín rằng những thua thiệt tạm thời này rồi sẽ qua và một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón các bạn phía sau cánh cửa.

Muốn vậy các bạn cần phải tái khám phá và làm mới lại mối tương quan của mỗi người với Đức Ki-tô. Đó cũng chính là lời mời gọi của Giáo hội trong năm đức tin này. Các bạn không nên do dự vì cánh cửa đã mở để sẵn sàng đón nhận các bạn. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét