Hiển thị các bài đăng có nhãn thang 11. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thang 11. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

TỰ HÀO VÀ TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG HÀO HÙNG

Các thánh tử đạo Việt Nam (Ga 17,11-19)

Lễ các thánh Tử đạo Việt Nam luôn gợi lên trong lòng mỗi người niềm tự hào khó tả, bởi chúng ta mang trong mình dòng máu của các ngài. Hôm nay, mỗi người chúng ta đều có quyền tự hào vì là dòng dõi của các thánh nhân, là con cháu của các vị Tử đạo. Niềm tự hào đó còn khơi lên nơi chúng ta quyết tâm sống đạo để tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông.
Tự hào về cha ông: chọn cái chết để tuyên xưng đức tin
Chúng ta có quyền tự hào về gương chứng nhân anh dũng của cha ông. Trong số 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam thì có 96 vị là người Việt Nam, trong đó có 59 vị là giáo dân. Như vậy, nên thánh không chỉ là các vị nước ngoài mà thôi nhưng có rất nhiều người Việt Nam; không chỉ là các Giám mục, linh mục mà thôi nhưng có rất nhiều giáo dân. Các ngài cũng là những người bình thường như chúng ta. Có những người đang làm quan nhưng sẵn sàng mất chức, mất mạng để bảo vệ đức tin. Có những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng tinh thần vững mạnh khi tuyên xưng đức tin. Có những chàng trai tương lai đầy hy vọng nhưng lại dũng cảm chọn một tương lai chắc chắn hơn trên quê trời.
Các thánh Tử đạo cũng đón nhận một đức tin như chúng ta, các ngài cũng sống trong môi trường văn hóa, xã hội như chúng ta, thậm chí là khắc nghiệt hơn, thế nhưng các ngài đã trung kiên giữ vững đức tin của mình. Chắc chắn các ngài không được học giáo lý đầy đủ, không được tự do sống đạo như chúng ta ngày nay, thế nhưng chính sự thiếu thốn đó lại hun đúc niềm tin và tình yêu nơi các ngài.
Dù bị nghi ngại và hiểu lầm, dù gặp chống đối và ngăn trở, dù bị bách hại và cầm tù, chịu tra tấn và giết chết, các ngài vẫn không run sợ trước những quyền lực thế gian. Dù bị dụ dỗ hay hù dọa, đức tin của các ngài vẫn kiên vững.
Các chứng nhân anh dũng trên quê hương Việt Nam không chỉ là 117 vị thánh tử đạo mà thôi nhưng còn hơn 100 ngàn người khác đã hy sinh một cách âm thầm. Giữa muôn trùng thử thách, các ngài đã đứng vững, đã can đảm gìn giữ và tuyên xưng đức tin của mình. Máu các thánh Tử đạo đã đổ xuống để trổ sinh những bông hạt là đức tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống hào hùng đó để sống đức tin cho xứng đáng.
Tiếp nối truyền thống:  Hãy sống đức tin
Ngày nay, không còn nhiều cảnh bắt bớ, đánh đập, tù đày và chết chóc nhưng người tín hữu vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn thử thách mới. Nếu xét về bề ngoài có lẽ nó chẳng là gì so với xưa kia, thế nhưng chính điều đó lại là mối nguy hiểm! Nó giết hại đức tin của người tín hữu một cách âm thầm.
Ngày nay, ai ai cũng lo thăng tiến bản thân. Nhỏ lo học, lớn lên lo kiếm việc làm, rồi cố gắng duy trì và thăng tiến trong công việc. Ngoài ra còn vô số những nhu cầu của thời đại khiến ta cảm thấy phải chịu nhiều áp lực trước cuộc sống. Những áp lực đó khiến ta không còn thời gian nghĩ đến Chúa, không còn thời giờ đến nhà thờ, học giáo lý, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích hay cầu nguyện riêng tư. Dần dần chúng ta đánh mất cảm thức đức tin. Không còn thấy nhu cầu phải sống đạo.
Đôi khi phải lựa chọn giữa đức tin và công việc, giữa thực hành đức tin với những thú vui và đam mê trần thế, chúng ta thà đánh mất đức tin, mất các giá trị cao đẹp của Tin Mừng hơn là chấp nhận hy sinh thiệt thòi về phía mình.
Đời sống đức tin ngày nay đặt chúng ta trước những chọn lựa khắc nghiệt không kém. Đó là một cuộc tử đạo liên lỉ, tử đạo hàng ngày. Chọn lựa đứng về phía các giá trị của Tin Mừng là một chọn lựa cao đẹp và anh dũng không kém gì chọn lựa chết vì đạo.

Xin các thánh Tử đạo phù trợ để phận con cháu chúng con luôn giữ vững đức tin của mình. Amen.

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

BÁT PHÚC, CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Chúa nhật XXXI TNB – LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ (Mt 5,1-12a)

Con người đến từ đâu? Phải sống cuộc đời này như thế nào và rồi sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi mà nhiều người hằng thao thức. Với Hội thánh Công giáo, câu trả lời rất rõ ràng. Con người được dựng nên bởi tình yêu Thiên Chúa và cùng đích của con người là chung hưởng hạnh phúc với Ngài. Vì thế, cuốc sống trên dương gian này là hành trình con người tiến về nhà Cha, nơi hạnh phúc đích thực đang chờ đón, nơi các thánh đang quy tụ để tôn vinh Thiên Chúa.
Vậy, làm thế nào để đạt được hạnh phúc đó? Bằng cách nào để chúng ta cùng được đoàn tụ với các thánh trên Thiên Quốc? Các bài đọc trong thánh lễ hôm nay sẽ cho ta câu trả lời.
Thật vậy, trong bài đọc hai, thánh Gioan nhắc đến phẩm giá cao quý của chúng ta, đó là con Thiên Chúa. Mà đã là con thì chúng ta cũng sẽ được đồng thừa kế với Đức Giêsu: Ngài ở đâu chúng ta cũng sẽ ở đó với Ngài. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải tin vào Ngài. Đức tin đó, không chỉ đơn giản là nhận phép rửa hay chỉ tuyên xưng ra ngoài miệng một lần là xong. Đức tin đó đòi hỏi phải được tôi luyện, phải “trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh 7,14). Các thánh là những người cùng đón nhận đức tin như chúng ta. Các ngài đã trải qua những cơn thử thách khác nhau trong cuộc đời, đã trung thành với đức tin đã lãnh nhận và giờ đây đang chung hưởng hạnh phúc đích thực trước nhan Thiên Chúa.
Các thánh là những người đã sống trọn giáo huấn của Đức Giêsu, Giáo huấn đó gói trọn trong bài giảng đầu tiên, còn gọi là Bát Phúc. Bát phúc chính là con đường nên thánh. Các thánh là những người đã sống trọn đời mình theo Bát Phúc của Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua từng mối phúc đó:
Mối phúc thứ nhất: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó. Thánh Phanxicô đã chọn “Chị Nghèo” làm bạn và sống trọn mối phúc này, vì thế, ngài còn được gọi là Phanxicô Khó Khăn.
Mối phúc thứ hai: Phúc cho ai hiền lành. Thánh Phanxicô Salêsiô vốn mang bản tính nóng nảy nhưng đã noi gương Đức Giêsu cố gắng sống hiền lành và khiêm nhường.
Mối phúc thứ ba: Phúc cho ai sầu khổ. Thánh Mônica suốt đời khổ sở vì lo lắng cho chồng cho con. Thế nhưng ngài cũng luôn tin tưởng và phó thác nổi khổ sầu của mình cho Chúa và đã được Chúa thương nhận lời.
Mối phúc thứ tư: Phúc cho ai khao khát nên người công chính. Thánh Thomas More thà chết chứ không chiều theo những quyết định trái với luật hôn nhân của vua Henri VIII, vua nước Anh.
Mối phúc thứ năm: Phúc cho ai xót thương người. Thánh Têrêsa cùng với các nữ tu của mình suốt đời bày tỏ lòng thương xót qua việc phục vụ những người bần cùng nhất của xã hội.
Mối phúc thứ sáu: Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch. Maria Goretti thà chết để giữ trinh tiết còn hơn sống mà thân xác bị ô nhục.
Mối phúc thứ bảy: Phúc cho ai xây dựng hòa bình. Thánh nữ Catarina Siêna đã suốt đời rong ruổi để thực thi sứ vụ hòa giải, mang lại hòa bình cho nhiều vùng miền và ngay trong nội bộ Giáo hội.
Mối phúc thứ tám: Phúc cho ai bị bách hại vì Thầy. Các thánh tử đạo là những người đã trung kiên gìn giữ và tuyên xưng đức tin của mình, vì thế các ngài xứng đáng nhận ngành lá thiên tuế.
Bát phúc là con đường cụ thể giúp ta nên thánh. Mỗi người không nhất thiết phải sống cho trọn tám mối phúc này, nhưng chỉ cần sống trọn vẹn một mối phúc cũng đủ rồi. Bởi thật ra, tám mối phúc này không tách biệt nhau. Ai giữ trọn một mối phúc cũng có nghĩa là sống tốt những mối phúc còn lại.
Các thánh mà Giáo hội mừng hôm nay không chỉ là các vị đã được ghi danh trong sổ bộ các thánh nhưng các ngài có thể là tổ tiên, ông bà của chúng ta, là những người đã ra đi trước chúng ta. Các ngài đã trải qua cuộc thanh luyện qua việc sống các mối phúc. Xin các ngài cầu bầu cùng Chúa ban ơn để chúng ta cũng sống tốt các mối phúc hầu có thể đoàn tụ với các ngài trên Thiên Đàng. Amen.    


Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

AI SỐNG BÁC ÁI THÌ KHÔNG SỢ CÁI CHẾT

Tóm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 27-11-2013.
Cái chết cật vấn chúng ta một cách sâu xa, nhất là khi đối diện với cái chết của nhưng thân, của các trẻ em vô tội. Nếu coi cái chết là kết thúc mọi sự thì chúng ta sẽ hoảng sợ. Nó sẽ đánh gục và đe dọa chúng ta. Nó sẽ bẻ gãy mọi tương quan và cắt đứt mọi con đường. Nếu quan niệm cuộc sống chỉ là sinh ra và chết đi, nếu cuộc sống chỉ là một sự hiện hữu tình cờ và chết là tiến về hư không, chúng ta sẽ hoảng sợ. Đó là thái độ của những người vô thần.
Sâu xa trong trái tim mỗi người đều có một ước muốn vô tận, một nỗi nhớ nhung vĩnh cửu. Vậy đâu là ý nghĩa của Ki-tô giáo về cái chết? Khi đối diện với những thảm cảnh của cuộc sống, khi chứng kiến sự ra đi của một người thân, chúng ta vẫn thấy âm vang trong lòng một niềm xác tín: cuộc sống chúng ta không kết thúc với cái chết!

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

SỐNG ĐẠO LÀ HY SINH (Ga 17,11b-19)

Ngày 24/11: Các thánh tử đạo Việt Nam, Năm C

14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Toàn thể Hội thánh hôm nay mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam. Là con dân đất Việt, chúng ta có cảm được dòng máu nóng của các thánh tử đạo đang chảy trong mình? Là hậu duệ của các ngài, lòng chúng ta có hãnh diện và sôi sục một quyết chí dấn thân sống đạo như các ngài? Có bao giờ chúng ta dành thời gian suy gẫm về cuộc đời các ngài để rồi phóng chiếu lên cuộc đời mình? Bài Tin Mừng hôm nay sẽ giúp ta tìm hiểu cuộc đời các ngài dưới ánh sáng Lời Chúa cũng như đưa ra một hướng sống đạo thiết thực cho mỗi người chúng ta hôm nay.

NGÀY QUANG LÂM (Mc 13, 24-32)

Ngày 24/11: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Năm B

26 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 27 Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.
Đức Giê-su đến thế gian để khai mở Nước Trời. Nước đó đã khởi đầu với biến cố Đức Giê-su nhưng chưa hoàn tất. Nước Thiên Chúa chỉ hoàn thành trong ngày quang lâm như đã tiên báo. Bài Tin mừng ngày hôm nay, Đức Giê-su nói với các môn đệ về ngày quang lâm của Người, tức là ngày Người đến để xét xử chúng ta, người sống cũng như kẻ chết.

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

DÂNG BẢN THÂN MÌNH ĐỂ THỰC THI Ý CHÚA (Mt 12,46-50)

Ngày 21/11: Đức Ma-ri-a dâng mình trong đền thờ

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ kính nhớ việc Đức Ma-ri-a dâng mình trong đền thờ. Đây là một biến cố không có trong các sách Tin Mừng nhưng được truyền khẩu từ xưa. Từ đầu, Giáo hội đã tin rằng Đức Ma-ri-a đã được Thiên Chúa chọn từ trước để chuẩn bị cho việc nhập thể của Con Thiên Chúa. Để chuẩn bị xứng đáng cho mầu nhiệm cao cả này, Đức Ma-ri-a được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mọi tội lỗi, kể cả nguyên tội. Theo truyền khẩu, khi lên ba tuổi, Đức Ma-ri-a đã được song thân đem dâng cho Thiên Chúa trong đền thờ và sống ở đó cho đến năm 12 tuổi. Biến cố này nói lên việc Đức Ma-ri-a đã sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn bản thân cho Thiên Chúa ngay từ đầu để vâng phục và thực thi theo thánh ý Chúa. Truyền thống Đông Phương đã mừng lễ này từ sớm trong khi Tây Phương thì có muôn hơn.
Phụng vụ ngày hôm nay nhắc nhớ và mời gọi mỗi người chúng ta hãy dâng chính bản thân mình để phụng sự Thiên Chúa và thực thi ý Người. Với các bậc cha mẹ, Giáo hội mời gọi hãy noi gương song thân Đức Ma-ri-a, sẵn sàng hiến dâng con cái mình cho Thiên Chúa như một khí cụ tốt đẹp để Thiên Chúa sử dụng. Chương trình của Thiên Chúa luôn cần sự cộng tác của con người. Lời Chúa ngày hôm nay cũng nhấn mạnh đến việc thực thi thánh ý Thiên Chúa. Chỉ những ai thực thi thánh ý Người mới thực sự là thành viên trong gia đình của Người. Như vậy, Đức Ma-ri-a là mẹ Đức Giê-su trên cả hai phương diện, vượt trên phương diện huyết nhục, Mẹ là Mẹ bởi đã vâng phục và thực thi thánh ý Thiên Chúa trọn vẹn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết quãng đại dâng hiến chính bản thân mình để phụng sự Chúa, để thực ý thánh ý Chúa qua những việc nhỏ nhặt hàng ngày. 

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

VIỆC SÁM HỐI CHUNG

Liên quan tới các hình thức sám hối đền tội, các Hội Đồng Giám Mục đó đây trên thế giới đã gợi ý nhiều hình thức mới, phù hợp hơn với thời đại và tâm thức cũng như sự nhậy cảm của con người thời nay.
Chẳng hạn như quyên góp tiền bạc để trợ giúp các dân tộc nghèo, hay các nạn nhân thiên tai; mời gọi tín hữu kiêng thịt, rượu bia, các cuộc giải trí và các chi tiêu thừa thãi.
Hội Đồng Giám Mục Italia thì đề nghị hãm mình đền tội bằng cách không ăn các thực phẩm ưa thích, có một cử chỉ bác ái tinh thần, cầu nguyện tha thứ cho người gây khó khăn, phiền hà hay đau khổ cho mình.

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG TRONG LỜI CẦU NGUYỆN (Ga 17,15-21. 24-36)

Ngày 8: Cầu cho các Anh chị em trong Dòng đã qua đời

Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.
Kính thưa cộng đoàn,
Hiệp thông là một mầu nhiệm lớn của Giáo hội. Chính vì để nhắc nhở con cái mình ý thứcsống sâu sắc hơn sự hiệp thông này, Giáo hội đã dành tháng cuối cùng của năm phụng vụ để suy niệm, cử hànhsống mầu nhiệm này.
Lời cầu nguyện của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm này cũng làm nổi bật lên chiều kích của sự hiệp thông này. Thực vậy, đây là một lời nguyện rất đẹp, giàu ý nghĩa và đầy cảm xúc. Lời đó không chỉ làm nổi bật lên mối tương quan độc nhất vô nhị giữa Đức Giê-su và Chúa Cha mà Đức Giê-su còn cầu xin để đưa các môn đệ vào trong mối tương quan đó. Lời cầu nguyện của Đức Giê-su nghe thật tha thiết: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này (tức là các môn đệ), nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta.

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

THÁNH MARTINÔ DE FORES

Lạy Chúa, giữa một xã hội đầy biến động của thủ đô Lima (Pêru), giữa những tăm tối của nghèo khó, bất công và kỳ thị, Chúa đã cho Martinô de Fores xuất hiện như ánh hừng đông báo hiệu mặt trời công chính. Sinh ra trong một gia cảnh đặc biệt (cha là hiệp sĩ người Tây Ban Nha, mẹ là một người da màu), Martinô vừa dễ thấu cảm với nỗi khổ đau của con ngườ, vừa có cơ hội học hành để có thể giúp đỡ họ thiết thực hơn. Với trái tim đầy thương cảm, Martinô đã không bỏ qua cơ hội nào. Những ai đến với ngài đều được hưởng xót thương xót của Thiên Chúa qua đôi tay bé nhỏ của thánh nhân. Đến với Martinô, mọi đau khổ sẽ vơi đi, mọi phẩm giá được trân trọng, mọi hy vọng được khơi lên. Đến với Martinô, người ta dễ dàng cảm nhận tình thương dạt dào của Thiên Chúa qua những tôi tớ của Người.
Lạy Chúa, thế giới ngày nay là một Lima thu nhỏ, trong đó cũng có đầy những bất công, đầy cảnh nghèo khổ đau thương. Xin Chúa cho xuất hiện ngày càng nhiều ánh hừng đông như Martinô hơn nữa, để mỗi người góp tay nhau xoa dịu nỗi đau của người khác, để mỗi người là khí cụ bày tỏ tình thương nhân hậu của Chúa, và để mọi người nhận biết rằng Chúa vẫn đang tỏ tình thương và quyền năng của Ngài qua những tôi tớ hen mọn.
Lạy thánh Martinô, xin chuyển cầu cùng Chúa cho chúng con.

Thánh Martinô  (Hoài Lệ Tử)
1.      Chúng con nguyện xin thánh Martinô. Ngài là gương sáng soi của lòng nhân ái. Thuở bình sinh bởi lòng thương xót vô bờ, Người đã giang tay ôm ấp muôn người khổ đau. Thì ngày nay, trên trời vinh hiển cao sang, Người hãy thương nghe muôn tiếng chúng con khẩn cầu.
2.    Chúng con nguyện xin thánh Martinô, Người là cha những kẻ khó nghèo đau yếu. Lấy tình thương xoa dịu những nỗi u buồn. Và hãy ban ơn cho hết muôn người kêu xin : Được mạnh sức đêm ngày vui đón hy sinh. Và luôn noi theo gương sáng các nhân đức Ngài.



Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thánh Martin, chứng nhân hy vọng

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Mt 5,5).
Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo “khoái khổ”, càng không phải là một tôn giáo tìm mọi cách trốn tránh “bể khổ” trần gian. Nói đúng hơn, Ki-tô giáo khuyến khích đón nhận đau khổ như thực tại gắn liền với thân phận con người để qua đó vươn tới miền hạnh phúc vô tận.
Quả thật, Đức Giê-su là Con Một Thiên Chúa, là đầu của Hội thánh, thế nhưng “Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Đức Giê-su đã đón nhận tất cả đau khổ kiếp người, thế nhưng cái chết của Đức Giê-su không phải là một sự tuyệt vọng cho bản thân Người cũng như cho các môn đệ. Tuy các môn đệ từng buồn rầu bỏ về quê, thế nhưng sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại một bầu khí mới, một sức sống mới. Giờ đây tuyệt vọng và bi thương được đổi thành hy vọng và hoan lạc. Giờ của thập giá đã qua và giờ của vinh quang đã đến. Sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại một niềm hy vọng mới cho cuộc sống con người. Giờ đây, đau khổ vẫn là khổ đau nhưng không phải là khổ đau trong tuyệt vọng. Phảng phất đau đó là niềm hy vọng phục sinh cho những ai biết phó thác và kết hiệp với những khổ đau của Đức Giê-su.
1.      Thánh Martin với kinh nghiệm cá nhân
Có thể nói, Martin được sinh ra trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Cha là một sĩ quan da trắng thuộc dòng dõi Tây Ban Nha, mẹ là một người da đen gốc Panama. Màu da đen giống mẹ vô tình đã trở thành một trở ngại cho tình phụ tử. Vì sợ bị kỳ thị, người cha đã buồn rầu từ bỏ ba mẹ con sau khi thuê cho họ một căn hộ lụp xụp ở thủ đô Lima. Trong gia đình thì bị cha từ bỏ, ngoài xã hội thì đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc, những cư xử bất công với người da đen và thổ dân.

Sinh ký tử quy

Với người Việt, chết chưa phải là hết. Chết là rời bỏ cõi tạm để trở về với cội nguồn: lá rụng về cội. Chết là từ giã cõi đời này để “ra đi”, tiến vào một cõi khác: qua đời. Sống chỉ là một cuộc “rong chơi” vắn vỏi, tạm bợ để rồi chết là trở về “nhà”: sinh ký tử quy.
Tâm thức của người Việt thật gần gũi với quan niệm về con người và sự chết của Hội thánh Công giáo. Con người là một tổng thể xác hồn. Xác từ đất mà đến và sẽ trở về với đất; hồn do Chúa mà có và sẽ trở về với Ngài. Do vậy, sống trong cõi đời này không đơn thuần là một cuộc “rong chơi” cho “thỏa chí tang bồng”, hay chỉ để cảm nghiệm và hòa mình vào vũ trụ vạn vật như một giấc mộng vô ưu. Người tín hữu “rong chơi” dưới sự dẫn dắt của ơn thánh để cùng nhau bước qua cõi tạm tiến vào cõi phúc vĩnh hằng, cội nguồn đích thực. Hơn nữa, trở về với cõi sống không những chỉ có linh hồn mà thôi nhưng là con người trọn vẹn xác hồn, với tất cả sự hoàn hảo của nó. Đó chính là ý nghĩa, là mục đích và là niềm hy vọng của chúng ta.