Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

câu chuyện Nước Trời



CHÚA NHẬT 17 TN Năm A
Tin mừng: Mt 13, 44-52
Khi ấy, Đức Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn này: "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
"Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
"Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
"Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? " Họ đáp: "Thưa hiểu." Người bảo họ: "Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."
Chia sẻ: câu chuyện Nước Trời
Nước Trời không phải là điều gì xa xôi, trừu tượng. Nước Trời là cuộc sống hiện tại với sự hiện diện của Đức Giêsu. Thật vậy, chính biến cố nhập thể đã khai mở Nước Trời. Nước này đã hiện diện, đang hiện diện và sẽ đạt đến trọn vẹn trong ngày sau hết, khi con người được diện đối diện với Thiên Chúa.
Trọng tâm sứ điệp rao giảng của Đức Giêsu chính là Nước Trời. Nước ấy được Đức Giêsu minh họa bằng những câu chuyện rất bình dị trong cuộc sống, mỗi câu chuyện nói lên một đặc trưng, một khía cạnh của Nước Trời.
Câu chuyện Nước Trời trong bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay được đề cập đến với nhiều chi tiết khác nhau, nhưng hai đặc tính nổi bật nhất là giá trị cao quý và thái độ của con người đối với Nước Trời.
Giá trị cao quý của Nước Trời
Trong câu chuyện này, Nước Trời được ví như một kho báu hay như một viên ngọc quý. Chính giá trị cao quý này đã lôi cuốn, thu hút con người lên đường, tìm kiếm để sở hữu.
Nước Trời luôn có một giá trị như thế, vĩnh viễn không thay đổi. Thế nhưng ngày nay con người đang bị lôi cuốn bởi nhiều giá trị khác nhau. Có khi chỉ là những giá trị hời hợt, giả tạo bên ngoài. Chẳng hạn một cô gái muốn chứng tỏ mình là người sành điệu và biết dùng đồ hiệu nên sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu để chỉ mua một cái túi xách tay. Hay một bộ phận giới trẻ sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để đánh bóng tên tuổi của mình.
Nói chung con người ngày nay dễ đề cao và chạy theo những giá trị bên ngoài như danh tiếng, giàu sang, quyền lực… trong khi nhiều giá trị đích thực và cần thiết như nhân bản, tình thương, hy sinh thì họ lại xem nhẹ. Giá trị của Nước Trời dường như đã bị lu mờ. Nhiều người rất lười đến nhà thờ, tham dự các cử hành phụng vụ hay đơn giản chỉ là thiết lập một tương quan thân mật với Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh như thế, việc nhắc nhở nhau khám phá lại những giá trị của Nước Trời thật cần thiết biết bao!
Thái độ của con người đối với Nước Trời
Trong bài Tin mừng, giá trị của Nước Trời đã được nhận biết, do đó, con người đã lên đường, làm một cuộc tìm kiếm và khi tìm được rồi anh ta vui mừng, sẵn sàng bán đi tất cả để được sở hữu điều anh hằng mong mỏi.
Là người kitô hữu, là đoàn viên của Huynh đoàn, chắc chắn chúng ta đã được chia sẻ rất nhiều về những giá trị cao quý của Nước Trời. Thế nhưng chúng ta đã sẵn sàng hay đã bao giờ lên đường để tìm kiếm hay chưa? Chúng ta có cảm thấy vui mừng, phấn khởi và hân hoan vì những giá trị Nước Trời hay chưa? Chúng ta đã hy sinh một điều gì đó để có được Nước Trời hay chưa?
Đó là những câu hỏi mà mỗi người chúng ta cần phải suy nghĩ và tự trả lời cho chính bản thân mình.
Cuộc lên đường ở đây là quyết tâm thực hành một điều gì đó, là hành động thực tiễn, là thực thi một chương trình hay kế hoạch. Chương trình, kế hoạch đó phải nhắm mục đích hoàn thiện bản thân, xây dựng tương quan tốt với anh chị em mình và đến gần Thiên Chúa.
Thái độ hy sinh là từ bỏ một nết xấu, một thói quen hay một sở thích bình thường để đạt được những giá trị cao hơn, ý nghĩa hơn.
Làm sao cuộc đời của mỗi người kitô hữu phải là một hành trình liên tục để hướng về Nước Trời như quê hương đích thực, nơi đó ta sẽ đạt được hạnh phúc trọn vẹn trong tình yêu Thiên Chúa. Nơi đó ta sẽ thuộc trọn về Nước Trời và Nước Trời thuộc trọn về ta. Để đạt được điều đó, mỗi người phải luôn nhận thức đâu là những giá trị cần hướng đến và quyết tâm thực hiện điều đó bằng những hy sinh cần thiết.
Gợi ý chia sẻ:
1.      Điều gì làm cho con người ngày nay khó nhận ra những giá trị của cao quý của Nước Trời?

Học viện Đa Minh

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

HOÁN CẢI ĐỜI SỐNG



Thứ Ba tuần XV TN (Mt 11,20-24)
Đức Giê-su làm những phép lạ để bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời đó cũng là những dấu chỉ để dân chúng tin. Thế nhưng phần đông đã ngoảnh mặt làm ngơ.
Lý do có thể là họ cứng tin, cũng có thể là họ đã chai lỳ trong tội. Họ ưa thích lối sống dễ dãi, chiều chuộng thân xác. Cũng có thể họ thiếu khiêm tốn trong tương quan với Thiên Chúa.
Hậu quả là họ không xứng đáng với lòng nhân hậu và thương xót của Người.
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn đang làm những dấu lạ và biểu lộ các dấu chỉ qua Giáo hội, qua các cộng đoàn đức tin, qua gia đình và thậm chí trong cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, chúng ta có thánh lễ hằng ngày, chúng ta nghe Lời Chúa thường xuyên, nhưng bấy nhiêu đó có đủ để hoán cải chúng ta? Chúng ta có mấy khi quyết tâm thay đổi lối sống vì Chúa và vì Tin Mừng? Liệu chúng ta có đáng được xót thương hơn những người ở Kho-ra-din, Bết-xai-đa hay Ca-phác-na-um?

THÁNH BONAVENTURA


Ngày 15-7
Thánh nhân sinh năm 1221 tại Ý, năm 1243 Ngài gia nhập dòng Phaxnicô. Với sự khôn ngoan và bác ái, Ngài từng được bầu làm Bề trên Cả của Dòng, làm Giám mục và Hồng y. Sau khi qua đời, Ngài được phong thánh và được đặt làm tiến sĩ Hội thánh.
Ngài quan niệm: “người tu sĩ tốt là người phải hoàn tất những công việc tầm thường được giao phó một các hoàn hảo và việc luôn trung tín với công việc nhỏ nhặt là một đức tính cao cả và anh hùng.”
Điều đó không chỉ đúng với tu sĩ mà còn đúng cho tất cả chúng ta.
Lời nguyện nhập lễ hôm nay, Giáo hội xin ơn Khôn ngoan và ơn bác ái theo gương của thánh nhân.

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

TÌNH YÊU TRONG CHÚA



Thứ Hai tuần XV TN (Mt 10,34-11,1)
Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.
Bác sĩ Bogdan Chazan, người Ba Lan đã bị mất việc sau khi từ chối phá thai cho một phụ nữ cũng như không giới thiệu cô ta cho một bác sĩ khác. Ông là một trong 300 bác sĩ đã ký vào bản “Tuyên bố của đức tin” và chủ trương luật của nhà nước không thể cao hơn luật của luân lý.
Nếu yêu bản thân mình hơn, nếu yêu gia đình mình hơn, có lẽ vị bác sĩ trên đã thực hiện ca phá thai. Thế nhưng không, đối với ông, luật luân lý (hay luật của Thiên Chúa) thì cao trọng hơn. Và vì yêu Chúa nên ông chấp nhận phần thiệt thòi để luật của Chúa được thực thi.
Lời Chúa hôm nay đòi ta phải yêu mến Chúa hơn ai hết. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ yêu mến Chúa mà không quan tâm đến người khác. Đúng hơn, tình yêu của chúng ta dành cho nhau phải được nối kết với tình yêu dành cho Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa thì tình yêu chúng ta dành cho nhau mới đạt đến giá trị trọn vẹn.
Trong mọi quyết định, xin Chúa giúp con đặt tình yêu Chúa lên hàng đầu để nhờ đó chúng con luôn đúng theo thánh ý Chúa.

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

CHỈ MỘT ĐIỀU ĐÁNG SỢ DUY NHẤT



Thứ 7 tuần XIV TN (Mt 10,24-33)
Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.
Cuộc sống hôm nay có nhiều điều khiến ta hoảng sợ. Sợ bản thân thất bại trong việc học hành, trong công ăn việc làm; sợ tương lai bất định; sợ gia đình sứt mẻ, tình thân chia rẻ, làng xóm xung đột; sợ xã hội bất ổn, kinh tế suy thoái, đạo đức suy đồi. Hàng trăm thứ khiến cho ta lo sợ. Thế nhưng, lời Đức Giê-su hôm nay mời gọi ta đừng sợ. Thực ra chỉ có một điều duy nhất đáng sợ, đó là sợ đánh mất linh hồn.
Vì thế, Chúa mời gọi ta hãy tin tưởng và tín thác vào Chúa, Đấng duy nhất có thể tiêu diệt cả linh hồn lẫn thể xác. Thế nhưng Thiên Chúa không làm gì cho ta phải sợ, trái lại, Người luôn quan phòng, nâng đỡ, chăm sóc cho ta trong mọi chuyện. Chúng ta rất đáng quý trước mặt Chúa và trước mặt nhau.
Xin Chúa giúp con biết phân định đâu là điều đáng sợ, đâu là điều cần dốc lòng tìm kiếm và gìn giữ. Xin giúp con luôn tín thác vào Chúa là Đấng vẫn yêu thương và chăm sóc cho chúng con.

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

SỰ ĐỤNG CHẠM YÊU THƯƠNG




Thứ Hai tuần XIV TN (Mt 9, 18-26)
Một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Đức Giê-su và nói : “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.”
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự kỳ diệu của việc chạm tay vào Đức Giê-su hay được Đức Giê-su chạm vào. Đó là một cái chạm đầy năng lực, đầy hồng ân. Một sự đụng chạm có sức chữa lành và giải thoát. Thật diễm phúc cho ai can đảm chạm vào Đức Giê-su hay được Đức Giê-su chạm vào.
Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy chạm đến Đức Giê-su để được chữa lành khỏi sự ích kỷ, lười biếng, ương hèn của mình. Chúng ta cũng xin Chúa chạm đến và chữa lành những thương tích trong cuộc đời chúng ta.
Chúa cũng muốn chúng ta trở thành những cánh tay nối dài của Chúa để đụng chạm đến nhau, để chữa lành nhau và để giúp nhau cảm nghiệm tình thương của Chúa.