Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO!



Thứ Năm – Tuần 2 Mùa Chay (Lc 16,19-31)
Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no.
Đi từ cuộc sống: “Đừng quên người nghèo!”, đó là những chữ đề tặng ở trang đầu cuốn sách tôi nhận được từ một linh mục. Hình như đây là thói quen của ngài khi tặng sách cho ai đó. Cũng dễ hiểu bởi ngài đang là trưởng Caritas của một giáo phận. Đời linh mục của ngài “gắn liền” với người nghèo, do đó, người nghèo là ưu tiên số một trong sứ vụ của ngài. Lời nhắc nhở trên cũng là lời kêu gọi hiệp thông liên đới trong sứ mạng chung của Giáo hội.
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay là hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược nhau. Trong dụ ngôn, ta không hề thấy ông nhà giàu “ngược đãi” kẻ ăn mày. Thế nhưng, việc để cho anh ta “thèm” được ăn những thứ trên bàn rơi xuống đã là một tội: tội thiếu liên đới. Thực vậy, trong ngày chung thẩm, Đấng Thẩm Phán sẽ xét xử về những hành động liên đới và bác ái ta đã làm cho nhau, vì khi liên đới với nhau là ta đã thiết lập mối tương giao với chính Chúa.
Tận hưởng niềm vui: Bên cạnh việc truyền giáo, Giáo hội vẫn không quên nhiệm vụ thăng tiến con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Đó là tin vui và cũng là lời mời gọi cộng tác của mọi người, nhất là trong mùa Chay này. 
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp con biết mở rộng tầm mắt đến những người xung quanh và chạnh lòng thương với nỗi khổ của họ.

THINH LẶNG GẶP GỠ VÀ THỰC THI Ý CHÚA



Thứ Tư: Lễ thánh Giuse (Mt 1,16.18-21)
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
Đi từ cuộc sống: Tĩnh tâm là thời gian chúng ta tạm xa lánh những ồn ào náo động để bình lặng tâm hồn. Chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa và đủ quyết tâm để thực thi lời Người. Kinh nghiệm cho thấy, ai thường xuyên giữ một khoảng lặng trong tâm hồn, người đó càng sống gần với Chúa hơn.
Lời Chúa soi đường: Hình ảnh thánh Giuse trong Tin Mừng luôn là một người thầm lặng. Người thầm lặng bên cạnh Đức Ma-ri-a; âm thầm bên cạnh Đức Giê-su. Cũng nhờ thầm lặng như thế mà người rất nhạy cảm với thánh ý Thiên Chúa. Một khi đã biết được thánh ý Thiên Chúa, người mau mắn thi hành với trọn niềm tín thác.
Tận hưởng niềm vui: Giây phút thinh lặng là cơ hội để ta gặp gỡ và khám phá ý muốn của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Đức Giê-su cũng thường xuyên dành những khoảng thời gian thinh lặng để cầu nguyện riêng với Cha trên trời. Chúa dạy các môn đệ hãy lánh riêng ra nơi thanh vắng mà “nghỉ ngơi” đôi chút. Chúa dặn ta hãy vào “phòng kín” mà cầu nguyện để chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi. Giây phút thinh lặng bên Chúa là giây phút tận hưởng niềm vui của sự gặp gỡ. Đó là nguồn gốc và động lực cho mọi hoạt động khác của ta.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp chúng con biết dành thời gian thinh lặng hàng ngày để gặp gỡ Chúa, để tìm kiếm và thực thi thánh ý Ngài.

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

CON ĐƯỜNG DÀI NHẤT



Thứ Ba, tuần 2 mùa Chay (Mt 23,1-12)
Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.
Đi từ cuộc sống: Gandhi được coi là một đấng thánh của người dân Ấn Độ. Lần nọ, một bà mẹ dẫn con gái đến nhờ ông khuyên bỏ thói quen ăn quá nhiều đường. Ông nhìn đứa bé suy nghĩ rồi hẹn ba tuần sau hãy trở lại. Ba tuần sau, ông trìu mến nhìn đứa bé rồi nhẹ nhàng khuyên “Con à, ăn đường nhiều không tốt đâu nó sẽ khiến con bị sâu răn đó. Con hãy cố gắng từ bỏ tật xấu này đi nhé !” Đứa bé chăm chú lắng nghe và hứa sẽ nghe lời ông. Mẹ đứa bé lấy làm thắc mắc tại sao chỉ một lời khuyên đơn giản vậy thôi mà lại phải hẹn đến ba tuần. Ông chậm rãi đáp:  vì trước đó tôi cũng thích ăn ngọt, tôi không chắc mình có từ bỏ được thói xấu đó không nên phải dành ba tuần để tập trước. Sau khi đã bỏ được rồi tôi mới dám khuyên cháu.
Lời Chúa soi đường: Các kinh sư và Pharisêu là những thầy dạy của dân, thế nhưng họ nói mà không làm. Họ dạy dân những điều luật chi li phải giữ, họ chất lên vai dân gánh nặng của luật còn chính họ thì ung dung với những hình thức khoe khoang bên ngoài.
Tận hưởng niềm vui: Con đường dài nhất là con đường từ cái miệng đến đôi tay. Chúng ta nói rất dễ nhưng làm thì rất khó. Chúng ta dễ dàng đưa ra một lời khuyên nhưng chính bản thân ta thì hay làm ngược lại. Đức Giê-su đã làm tất cả những gì Người dạy chúng ta, cụ thể là tình yêu được thể hiện qua cái chết của Người.
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa cho con biết khiêm tốn khi đưa ra lời khuyên và biết sống những gì mình đã hay sẽ nói.

THỨ THA



Thứ Hai tuần 2 mùa Chay (Lc 6,36-38)
Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.
Câu chuyện: Zenkai là người giúp việc cho một viên chức của triều đình. Vì yêu người vợ ông chủ nên anh tìm cách giết ông ta và cùng bà đến một vùng đất xa lạ sinh sống. Tiếc thay cuộc sống với bà ta cũng chẳng trọn vẹn, anh lại bỏ bà đến một nơi khác. Trong cảnh bần cùng, Zenkai hồi tâm lại những hành động tội lỗi của mình. Anh hối hận và quyết tâm làm một việc thiện để đền bù.
Zenkai đến một vùng núi hiểm trở, cuộc sống khổ cực nơi đây cách biệt với thế giới bên ngoài vì đường xá đi lại khó khăn. Anh quyết định đem sức lực còn lại đào một con đường xuyên núi để mọi người có thể mở ra với thế giới.
Thế rồi ban ngày Zenkai đi khất thực, ban đêm cặm cụi đào hầm. Công việc ròng rã 30 năm trời, Zenkai vẫn trung thành với quyết tâm của mình.
Trong khi đó, người con của viên chức triều đình cũng quyết tâm trả thù cho cha mình. Cuối cùng, chàng ta cũng tìm ra tung tích của Zenkai. Chàng tìm đến đúng lúc Zenkai đang hì hục với công việc của mình. Biết rằng không thể trốn tránh, Zenkai cầu xin anh ta một điều: đó là hoàn tất đường hầm. Trước thái độ thành khẩn của Zenkai và biết rằng Zenkai không thể trốn đi đâu nữa, con của viên chức bằng lòng ngồi chờ.
Thời gian chậm rãi trôi qua, người thanh niên không biết làm gì ngoài việc ngồi chờ. Chàng quyết định phụ với Zenkai một tay để công trình sớm hoàn tất và chàng cũng sớm trả thù. Nhưng chỉ sau một thời gian làm việc với kẻ giết cha mình, chàng ta cảm thấy ý muốn báo thù tan biết mất, thay vào đó là lòng cảm phục trước sự nhẫn nhục và ý chí của Zenkai. Rồi con đường cũng hoàn thành trước dự tính. Giờ đây dân làng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nghẹn ngào nói: “Làm sao tôi có thể chém đầu thầy tôi được?” (Lẽ Sống).
Lời bình: Nhiều người ôm mối sầu hận suốt đời để rồi héo hon tháng ngày trong khi “kẻ thù” vẫn sống bình thản. Tha thứ là cách chữa lành đời mình vì việc xét xử đã có Thiên Chúa lo liệu. Tha thứ còn là cách tạo “công phúc” cho cho mình, cho người khác và cho xã hội. Biết là khó nhưng nhờ ơn Chúa giúp cùng với quyết tâm của ý chí ta có thể lay động con tim. Hãy tin mình làm được!

THỰC TẠI LINH THÁNH



Chúa nhật 2 mùa Chay (Mt 17,1-9)
Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay!
Đi từ cuộc sống: Theo nghiên cứu về cái chết lâm sàn (những người mà y khoa chứng nhận đã chết một thời gian ngắn, sau đó tỉnh lại), những người trở về từ “bên kia” thế giới đều mô tả rằng họ đã bước đi trong một hành lang với ánh sáng dịu huyền và tiếng nhạc du dương. Một cảm giá thật quyền rũ mà họ không muốn dứt ra. Trở về với thực tại là một sự luyến tiếc đối với họ. Không biết những mô tả đó thực hư thế nào, nhưng nó phần nào cho thấy thái độ của con người trước thực tại siêu linh.
Lời Chúa soi đường: Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy thái độ của ba môn đệ trước thực tại vinh quang của Đức Giê-su. Chứng kiến dung mạo chói sáng của Đức Giê-su, Phêrô đã muốn “cắm lều” tại chỗ. Ông không muốn rời bỏ nơi chốn linh thiêng và giây phút tuyệt diệu này. Thế nhưng ông vẫn phải trở lại với thực tế cuộc sống. Giây phút vinh quang vẫn là một hứa hẹn trong tương lai và là động lực để đương đầu với thực tại, thực tại thập giá!
Tận hưởng niềm vui: Chúa vẫn “biến hình” hàng ngày trong Thánh Thể. Chúa vẫn hiện diện khi cộng đoàn phụng vụ quy tụ cử hành bí tích. Đó cũng là những thực tại linh thiêng, quý giá, thế nhưng mấy khi con cảm nhận được rằng “chúng con ở đây thật là hay”. Chúa vẫn âm thầm và kiên nhẫn chờ đợi nơi nhà chầu, nhưng chúng con mấy khi ghé mắt nhìn?
Chung lời cầu nguyện: xin Chúa giúp con ý thức sự hiện diện linh thánh của Chúa trong cuộc đời.