Hiển thị các bài đăng có nhãn CN12. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN12. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

HÀNH TRANG ĐẾN VỚI ĐỨC GIÊ-SU: YÊU THƯƠNG VÀ TIN KÍNH

Thứ Bảy tuần XII TN (Mt 8, 5-17)
5 Có một viên đại đội trưởng đến gặp Đức Giê-su và nài xin: 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói : “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp : 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.”
Đức Giê-su từng khẳng định Người đến để tìm kiếm con chiên lạc nhà Israen, thế nhưng, khi đối diện với viên đại đội trưởng ngoại đạo có lòng yêu người và tin kính Thiên Chúa, Người đã khen ngợi và ban cho ông điều ông ước muốn.
Là đại đội trưởng, ông có quyền trên nhiều tôi trai tớ gái trong nhà. Thế nhưng trong cách cư xử, ông không xem họ như những tôi tớ! Bằng chứng là ông đã cảm thấy đau đớn với nỗi đau của người tôi tớ ông yêu mến. Vì người tôi tớ mà ông đích thăm đến gặp Đức Giê-su. Tác giả Luca còn cho biết ông yêu thương dân Do Thái như thế nào khi bỏ tiền ra giúp họ xây dựng hội đường. Điều đó cho thấy, bên cạnh lòng yêu thương con người, ông còn tỏ ra tin yêu và kính trọng Thiên Chúa.
Tôi không đáng Ngài vào nhà tôi nhưng xin hãy nói một lời. Câu trả lời trên vừa cho thấy ông am hiểu và tôn trọng luật Môsê cũng như tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Đức Giê-su. Luật Môsê không cho phép người Do Thái bước chân vào nhà dân ngoại vì như thế sẽ ra ô uế. Đức Giê-su không màng đến luật này khi tình nguyện “chính tôi sẽ đến chữa nó”. Thế nhưng ông đã tế nhị nói “Ngài không cần phải đến”, chỉ cần Ngài nói một lời là đủ rồi. “Nói một lời” là “động tác” của Thiên Chúa sáng tạo: Thiên Chúa phán, liền có như vậy. Với lời nói này, ông tuyên xưng Đức Giê-su có quyền năng của một Thiên Chúa sáng tạo, Người chỉ cần nói một lời thì mọi sự sẽ tuân theo.
Quả thực, viên đại đội trưởng có một tình yêu và lòng tin hiếm thấy ngay cả nơi người Do Thái. Đức Giê-su cũng đã khen ngợi ông. Tình yêu và lòng tin là hai hành trang ông mang theo khi đến với Đức Giê-su và ông đã được Người ban ơn như lòng ước nguyện. Lời tuyên xưng của ông đã đi vào lịch sử khi hàng ngày, khắp nơi trên thế giới đều lặp lại lời tuyên xưng khiêm tốn này khi cử hành thánh lễ.
Hình ảnh viên đại đội trưởng cũng gợi lên trong ta những câu hỏi chất vấn. Chúng ta đến gặp Đức Giê-su với những hành trang nào? Chúng ta đã đủ yêu mến và lòng tin khi đến với Người hay chưa?
Lạy Chúa, xin cho con biết mở rộng cõi lòng để yêu mến những người quanh con; xin cho con đủ đức tin để đến với Chúa với tất cả niềm xác tín. Chúng con không đáng được Chúa ngự vào lòng mình nhưng Chúa đã chủ động đến với chúng con mỗi ngày qua bí tích Thánh Thể. Xin cho con luôn sẵn sáng để đón tiếp Chúa.








Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

THIÊN CHÚA MUỐN CHỮA LÀNH CHÚNG TA



Bỗng có một người phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói : "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người giơ tay đụng vào anh và bảo : "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.
Theo lẽ thường, đáng ra tác giả Tin Mừng phải chú tâm vào “ước muốn” của người phong hủi vì anh ta mới là người đang thực sự muốn được chữa lành. Thế nhưng, cả anh ta, lẫn tác giả Tin Mừng đều nhấn mạnh đến “ý muốn” của Đức Giê-su. Người phong hủi không nói lên ước muốn của mình nhưng phó thác cho “ý muốn” của Đức Giê-su. Tác giả nhấn mạnh đến “ý muốn” của Đức Giê-su để cho thấy Người có thẩm quyền và mong muốn dùng thẩm quyền đó giải phóng con người.
Bài Tin Mừng hôm qua kết thúc “Bài giảng trên núi” của Đức Giê-su với sự nhìn nhận của mọi người: Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền. Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su tiếp tục thể hiện thẩm quyền của mình qua việc chữa lành một người phong hủi. Với việc chữa lành này, Đức Giê-su Đức Giê-su không chỉ bày tỏ thẩm quyền trong lời nói, nhưng còn trong việc làm; đó không chỉ là thẩm quyền giảng dạy nhưng còn là thẩm quyền chữa lành bệnh tật (cũng có nghĩa là thẩm quyền trên sự dữ, trên tội lỗi). Đức Giê-su không chỉ có thẩm quyền mà còn muốn dùng thẩm quyền đó để giải phóng con người.
Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và yêu thương. Vì yêu thương, Người muốn dùng quyền năng đó để giải phóng con người. Đó là đạo lý chắc chắn của đức tin. Phần chúng ta, chúng ta có sẵn sàng phó thác đời mình theo ý muốn của Thiên Chúa hay không? Chúng ta có tìm kiếm và tuân theo ý muốn của Thiên Chúa hay chúng ta chỉ muốn Thiên Chúa chiều theo ý riêng của mình?

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Anh em bảo Thầy là ai?

CHÚA NHẬT 12C - THƯỜNG NIÊN (Lc 9, 18-24)

Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?
Sau một thời gian bôn ba khắp nơi rao giảng Tin mừng cứu độ và chữa lành bệnh tật cho nhiều người, chắc chắn danh tiếng của Đức Giê-su đã được biết đến rất nhiều. Từ khắp nơi, người ta đồn thổi về con người lạ lùng này và tự hỏi ông là ai. Từ trong dân chúng, có nhiều quan niệm khác nhau về căn tính và nguồn gốc của Đức Giê-su. Nói chung, họ đồng hóa Người với một trong các ngôn sứ vĩ đại thời xưa sống lại. Với sự đồng hóa như thế, họ nghĩ rằng mình đã dành cho Đức Giê-su sự tôn trọng nhất có thể. Chắc chắn Đức Giê-su biết nhận định của dân chúng về chính bản thân mình. Tuy vậy, Người vẫn hỏi các môn đệ xem “dân chúng nói Thầy là ai?” Người hỏi không chỉ để biết nhưng để từ đó dẫn các môn đệ đi xa hơn cái nhìn của dân chúng.
Thực vậy, sau khi nghe các ông trả lời xong, Người liền hỏi tiếp: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đức Giê-su muốn chính bản thân các môn đệ phải xác định căn tính và nguồn gốc Thầy mình chứ không phải chỉ nghe theo dân chúng mà thôi. Mỗi người cần xác định rõ quan điểm của mình về Đức Giê-su để từ đó có thể xây dựng một tương quan đúng đắn và tốt đẹp. Khi được hỏi, ông Phê-rô đã nhanh nhảu thưa ngay “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Phê-rô trả lời đúng căn tính của Đức Giê-su, Người là Đấng Ki-tô, nghĩa là Đấng Mê-si-a, Đấng được xức dầu, Đấng mà dân Do thái vẫn hằng mong đợi để giải thoát họ. Thế nhưng ông chưa hiểu đường lối hoạt động của Người. Người

Do thái, trong đó có cả các môn đệ, vẫn hiểu và mong đợi Đấng Ki-tô theo nghĩa chính trị, là Đấng giải thoát họ khỏi ách đô hộ Rô-ma. Chính vì thế, Đức Giê-su đã nghiêm giọng không cho các ông nói điều đó với ai.
Tiếp đó, Đức Giê-su phải giải thích cho họ biết đường lối và cách thức hoạt động của Đấng Mê-si-a qua việc loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất. Người nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Đây quả là một đường lối mà các môn đệ không thể hình dung nổi. Nó nằm ngoài suy nghĩ và trí tưởng tượng của các ông. Chính vì thế, Đức Giê-su còn phải nhiều lần nhắc đi nhắc lại cho các ông biết Người sẽ bị đối xử như thế nào và kết cục sẽ ra sao.
Từ chỗ mạc khải về chính mình như thế, Đức Giê-su cũng mời gọi các môn đệ, những người muốn đi theo Người cũng phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Đức Giê-su muốn các môn đệ ý thức rõ, theo Người không phải là con đường bằng phẳng với vinh hoa phú quý chờ sẵn, nhưng theo Người là chấp nhận từ bỏ nhiều thứ như có lần Phê-rô đã nói: phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy (x. Mt 19,27). Theo Người còn có nghĩa là phải vác thập giá mình, không chỉ một lần nhưng là hằng ngày.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta cần xác định lại căn tính và nguồn gốc của Đức Giê-su. Người là ai? Từ đâu đến? Đến để làm gì và bằng cách nào? Có như vậy ta mới xây dựng mối tương quan và có thái độ hợp lý với Người. Thực vậy, câu trả lời của Phê-rô giúp chúng ta xác định Đức Giê-su là ai. Các sách Tin mừng cho ta câu trả lời chính xác về mục đích và cách thức Thiên Chúa cứu độ con người. Thế nhưng dường như ta vẫn thờ ơ, dửng dưng trước bao nhiêu ân huệ đã lãnh nhận. Lắm khi ta đến với Chúa như một cái máy, tham dự thánh lễ một cách hình thức, cầu nguyện cách hời hợt. Đó là chưa kể những lần nguội lạnh, né tránh hay cố tình xa rời Chúa.
Chúng ta chấp nhận đi theo Chúa qua Bí tích Thanh tẩy, qua đó Chúa mời gọi chúng ta gột rửa con người cũ và thay thế bằng con người mới. Thế nhưng chúng ta đã từ bỏ những gì? Đời sống chúng ta đã có gì thay đổi? Chúng ta đã dám từ bỏ lối sống của xác thịt để mặc lấy đời sống của Thần Khí! Đó là chưa kể những lần chúng ta ngại hy sinh, ngại vác thập giá. Thập giá quả là nặng nề và khó nhọc nhưng đó lại là con đường duy nhất để theo Đức Giê-su. Vì như Đức Giê-su đã bước qua thập giá để vào vinh quang như thế nào thì con người cũng phải vác thập giá mình để tham dự bàn tiệc vinh quang với Chúa như vậy.