Hiển thị các bài đăng có nhãn MV1. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn MV1. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

SỨ VỤ MỤC TỬ (Mt 9,35-10,1.6-8)

Tuần I Mùa Vọng - Thứ Bảy

36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."
10 1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.8 …Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
Hình ảnh đám đông bơ vơ vất vưởng không người chăn dắt gợi nhớ đến một hình ảnh trong sách Êdêkien chương 34, nơi mô tả một đàn chiên tan tác vì mục tử chỉ biết bản thân mình chứ không chăm lo cho đàn chiên. Trong bối cảnh đó, Thiên Chúa hứa ban một vị mục tử nhân lành, người ssẵn sàng hy sinh bản thân mình để bảo vệ đàn chiên khỏi sói dữ đang gầm gừ đêm ngày. Hình ảnh Đức Giê-su “chạnh lòng thương” chính là hình ảnh vị mục tử nhân lành đã được hứa ban.
Người chăm lo cho đàn chiên bằng cách giảng dạy, loan báo tin vui, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, thắp lên niềm hy vọng. Không chỉ vậy, người còn tuyển chọn các môn đệ và ban cho các ông quyền chữa lành mọi bệnh tật cũng như khử trừ ma quỷ. Nhiệm vụ của các ông cũng là rao giảng Nước Trời đã gần đến. Như vậy, các ông được mời gọi cộng tác với Đức Giê-su trong sứ vụ chăm lo cho đàn chiên, cả phương diện giảng dạy cũng như chữa lành. Sự vụ của các ông không khác với sứ vụ của Đức Giê-su chỉ có quyền năng là các ông lãnh nhận từ Đức Giê-su. Các ông ra đi nhân danh Đức Giê-su. Các ông đã được cho không thì các ông cũng phải cho không. Các ông không lãnh nhận chỉ để giữ cho riêng mình. Vì sứ vụ mà các ông đã được ban cho. Các ông còn được mời gọi cầu nguyện để Cha trên trời ban cho nhiều thợ gặt khác nữa vì cánh đồng lúa chín thì nhiều.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi cộng tác vào sứ vụ của Đức Giê-su. Chúng ta cũng lãnh nhận được nhiều ơn lành từ Thiên Chúa. Những ơn đó không được để trở nên vô hiệu nhưng phải được sử dụng để sinh thêm nhiều hoa trái. Cánh đồng lúa vẫn bát ngát mênh mong, nhiều đàn chiên Chúa vẫn đang bơ vơ thiếu người chăm sóc. Lời mời gọi cộng tác của Đức Giê-su trở nên tha thiết hơn bao giờ hết.

Xin Chúa cho Giáo hội ngày càng có nhiều thợ gặt lành nghề trong cánh đồng truyền giáo để đến mùa gặt, những bó lúa vàng trĩu hạt được gặt về cho Chúa. Xin cho đàn chiên Chúa luôn được các mục tử chăm sóc giữ gìn khỏi mọi cạm bẩy và luôn an vui với những đồng cỏ xanh tươi.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

THỜI GIAN THIÊN CHÚA IM LẶNG (Mt 9,27-31)



Tuần I Mùa Vọng - Thứ Sáu


27 Đức Giê-su đang đi đường, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng : "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi !" 28 Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ : "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?"
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su có vẻ thờ ơ với lời kêu xin của hai người mù. Thực vậy, khác với những lần trước, Đức Giê-su chủ động trong việc lắng nghe hay nhận thấy tiếng kêu xin của các bệnh nhân, lần này, Đức Giê-su dường như chẳng hay biết gì dù hai người mù đã kêu xin ngay khi Người đang đi đường. Tác giả Tin Mừng không cho biết đoạn đường từ đó về đến nhà là bao xa nhưng chắc chắn nó là đoạn đừng khá dài với hai người mù! Khởi đầu lời kêu xin, hai người mù đã bày tỏ niềm tin của mình qua việc dùng tước hiệu “Con Vua Đa-vít” để gọi Đức Giê-su. Thế nhưng, Người vẫn im lặng. Đoạn đường của im lặng này chính là đoạn đường của đức tin được tôi luyện.
Đoạn đường này có lẽ mỗi người chúng ta cũng đã từng bước đi. Chúng ta đã cất lời kêu xin với với tất cả đức tin của mình. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn im lặng. Sự im lặng của Thiên Chúa đôi khi làm ta cảm thấy khó chịu. Cái im lặng khiến ta thấy cuộc đời thật nghiệt ngã! Thế rồi ta dễ tủi thân, trách hờn Thiên Chúa thậm chí “nghĩ chơi” với Người. Đó có thể là thời gian khiến ta thất vọng, buông xuôi.
Quả thực, sự im lặng của Thiên Chúa đôi khi là một mầu nhiệm ta không thể lý giải bằng lý trí của mình. Thế nhưng có một điều chắc chắn, giống như đoạn kết của câu chuyện này, đó là sau thời gian im lặng, Thiên Chúa sẽ lên tiếng khi con người kiên trung đến cùng.
Lạy Chúa, xin cho con giữa vững đức tin đến cùng để dù phải trải qua thời gian im lặng của Chúa thì con vẫn luôn xác tin rằng rồi cũng đến lúc Ngài sẽ ra tay!

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

VIỆC LÀM, HOA TRÁI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA ĐỨC TIN (Mt 7,21.24-27)

Tuần I Mùa Vọng – Thứ Năm

Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa ! lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.
Đức tin là quà tặng Thiên Chúa thương ban cho con người nhưng đồng thời đức tin cũng phải là lời đáp trả của con người đối với Thiên Chúa. Thực vậy, con người không thể lãnh nhận đức tin một lần rồi chôn vùi trong ảo tưởng rằng mình đã được cứu độ! Những ai đón nhận đức tin như thế chẳng khác nào người xây nhà trên cát. Mưa to gió lớn sẽ làm ngã nghiêng và chẳng mấy chốc sụp đổ tan tành. Đức tin như thế chẳng khác nào là lớp vỏ bộc bên ngoài, là sự an ủi giả tạo và chưa phải là đức tin thực sự.
Một đức tin thực sự không phải lãnh nhận để chôn vùi nhưng để sống, để hành động, để thực thi ý muốn của Cha, để trổ sinh hoa trái là những việc lành. Đó mới là một đức tin đích thực mà Đức Giê-su đòi hỏi ở các môn đệ. Đức tin không chỉ để tuyên xưng ngoài môi ngoài miệng nhưng phải được tuyên xưng bằng hành động theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng cho biết một đức tin như Chúa đòi hỏi thì phải sinh hoa trái là mọi thứ việc lành và ngày càng hiểu biết Thiên Chúa hơn (Cl 1,10). Thánh Giacôbê thì còn khẳng định mạnh hơn nữa: đức tin không có việc làm là đức tin chết (Gc 2,17).
Như vậy, việc làm vừa là hoa trái của đức tin vừa là bằng chứng của đức tin. Là hoa trái bởi đức tin Ki-tô giáo nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải hành động như vậy. Một đức tin đúng nghĩa phải mang lại những việc lành như bác ái, yêu thương, tha thứ, thiền hòa, nhân hậu, v.v.. đó là những hoa trái mà thánh Phaolô gọi là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Là bằng chứng vì qua những việc lành này, người ta nhận thấy “anh em là môn đệ” của Thầy Giê-su.
Lạy Chúa, xin cho con không chỉ tuyên xưng Chúa trên môi miệng khi ở nhà thờ mà thôi nhưng biết tuyên xưng Chúa qua đời sống bằng những việc làm cụ thể của mình. Có như thế đức tin của con mới sinh hoa trái và con mới làm chứng cho niềm tin của mình được.



Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

VAI TRÒ TRUNG GIAN (Mt 15,29-37)

Tuần I Mùa Vọng - Thứ Tư

30 Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành. 36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại hai phép lạ đặc biệt Đức Giê-su đã thực hiện. Gọi là hai nhưng thực ra cũng có thể gọi là rất nhiều bởi trong phép lạ thứ nhất, ta không thể biết chính xác bao nhiêu người đã được Đức Giê-su trực tiếp chữa lành bệnh tật. Có thể xem việc Đức Giê-su chữa lành cho từng người cũng là từng phép lạ riêng rồi! Tuy nhiên, mối bận tâm của tác giả Tin Mừng có vẻ như không phải là con số các phép lạ cho bằng vai trò trung gian của những người xung quanh.
Thực vậy, trong việc chữa lành bệnh tật, tác giả nhấn mạnh đến việc có những đám đông dân chúng đến với Đức Giê-su. Khi đi, họ không mang theo lương thực nhưng là những người bệnh tật. Tác giả kể ra đủ thứ bệnh tật cho thấy rằng dường như mọi loại bệnh trên trần gian này đều được mang đến với Đức Giê-su. Khi đến nơi, họ đặt những người bệnh đó dưới chân Người để được chữa lành. Như vậy, trong phép lạ này, vai trò trung gian của đám đông, những người khỏe mạnh là rất quan trọng trong việc giúp đỡ và mang người khác đến với Chúa.
Có lẽ vì bận “mang” người khác đến với Đức Giê-su mà họ quên “mang” theo thức ăn chăng? Tác giả Tin Mừng chỉ cho biết là Đức Giê-su đã chạnh lòng thương trước đám đông theo Người ba ngày rồi mà không có gì ăn. Tuy sự chạnh lòng thương của Người đến trực tiếp từ đám đông nhưng Người không hỏi đám đông có gì ăn không mà lại hỏi riêng các môn đệ. Người không lấy thức ăn từ đám đông để làm phép lạ nhưng lấy từ các môn đệ. Khi làm phép lạ xong, Đức Giê-su không nhờ đám đông giúp việc phân phát nhưng trao cho các môn đệ và các môn đệ phân phát cho đám đông. Như vậy, trong phép la hóa bánh ra nhiều, tác giả Tin Mừng dường như muốn nhấn mạnh đến vai trò trung gian của các môn đệ trong việc trung chuyển lòng thương xót và ân huệ của Thiên Chúa cho dân chúng.
Lạy Chúa, chắc Chúa cũng muốn mỗi người chúng con là trung gian trong việc mang người khác đến với Chúa cũng như mang ơn Chúa đến cho người khác. Xin cho chúng con luôn ý thức mình là khí cụ tình thương của lòng thương xót Ngài.


Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

TIN VUI CHO NGƯỜI BÉ MỌN (Lc 10,21-24)

Tuần I Mùa Vọng – Thứ Ba

Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
Bài Tin Mừng hôm nay có thể được đặt tựa đề là tin vui cho người bé mọn. Những người bé mọn theo Tin Mừng Luca là những người nghèo, hèn mọn, khiêm nhường, đơn sơ, những tội nhân thành thật hoán cải. Chính họ là những người sẵn sàng đón nhận ơn Chúa ban.
Tin vui cho người bé mọn vì hai lý do. Thứ nhất, họ là những người được Thiên Chúa Cha lựa chọn để mạc khải mầu nhiệm nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm thật khó hiểu đối với trí tuệ con người. Do đó, những ai càng tự hào và dựa vào tài trí khôn ngoan của mình thì càng xa rời nước Thiên Chúa. Khi đó, Nước Thiên Chúa bị giấu kín không phải bởi Thiên Chúa keo kiệt nhưng bởi con người đã đóng kín lòng mình!
Thứ hai, những người bé mọn là những người được Đức Giê-su chọn lựa để mạc khải cho thấy những dấu hiệu của vương quyền Thiên Chúa. Những lời giảng dạy đầy quyền uy của Người; những phép lạ lẫy lừng người đã làm; tất cả đều diễn ra trước mắt mọi người, thế nhưng, chỉ những người bé mọn mới mau mắn tin tưởng và đi theo Người. Họ là các môn đệ, là những người tội lỗi, bệnh tật, đau yếu, là những người không có chức quyền trong đời sống tôn giáo cũng như xã hội. Thế nhưng họ là những người xác tín vào quyền năng của Đức Giê-su.

Lạy Chúa, xin cho con luôn đến với Chúa bằng tâm hồn đơn sơ tín thác để con cũng là một trong số những người bé mọn được ngài mạc khả cho biết mầu nhiệm Nước Trời.

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

HÀNH TRANG ĐẾN VỚI ĐỨC GIÊ-SU: YÊU THƯƠNG VÀ TIN KÍNH (Mt 8, 5-11)

Tuần I Mùa Vọng – Thứ Hai

5 Có một viên đại đội trưởng đến gặp Đức Giê-su và nài xin: 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói : “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp : 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.”
Đức Giê-su từng khẳng định Người đến để tìm kiếm con chiên lạc nhà Israen, thế nhưng, khi đối diện với viên đại đội trưởng ngoại đạo có lòng yêu người và tin kính Thiên Chúa, Người phải cất tiếng khen ngợi và ban cho ông điều ông ước muốn.
Là đại đội trưởng, ông có quyền trên nhiều tôi trai tớ gái trong nhà. Thế nhưng trong cách cư xử, ông không xem họ như những tôi tớ! Bằng chứng là ông đã cảm thấy đau đớn với nỗi đau của người tôi tớ ông yêu mến. Vì người tối tớ mà ông đích thăm đến gặp Đức Giê-su. Tác giả Luca còn cho biết ông yêu thương dân Do Thái như thế nào khi bỏ tiền ra giúp họ xây dựng hội đường. Điều đó cho thấy, bên cạnh lòng yêu thương con người, ông còn tỏ ra tin yêu và kính trọng Thiên Chúa.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

HÃY CANH THỨC (Mt 24,37-44)

Chúa nhật 1 mùa vọng năm A

Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24,42)
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su mượn câu chuyện ngày xưa để cảnh tỉnh các môn đệ. Thực vậy, vào thời ông Nô-ê, trước ngày diễn ra lụt đại hồng thủy, mọi diễn biến của đất trời chẳng có gì thay đổi. Mọi người vẫn sống bình thường. Họ vẫn vui vẻ ăn uống, vẫn cưới vợ lấy chồng như bao ngày khac. Phần đông dân chúng vẫn đang say sưa buông mình trong dục vọng. Thế rồi bất chợt dòng nước ào tới. Dòng nước trào dâng bất ngờ, mạnh mẽ, không một dấu hiệu, không chút xót thương, mang theo tất cả vết nhơ của một thế hệ đáng quên!