Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo hội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giáo hội. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH TẠI VATICAN



Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa (Mt 5,9).
Việc kiến tạo hòa bình còn đòi hỏi nhiều sự can đảm hơn là trong chiến tranh.” Đó là phát biểu của Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Vatican. ĐTC lưu ý tiếp, lịch sử đã cho thấy rằng hòa bình không thể hiện hữu chỉ đơn thuần bởi sức mạnh của con người. “Đó là lý do tại sao chúng ta ở đây, bởi vì chúng ta biết và chúng ta tin rằng, chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta không rũ bỏ trách nhiệm của mình, nhưng chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa trong hành động có tính trách nhiệm cao trước lương tâm của chúng ta và trước dân tộc của chúng ta.”
Kế đến, Tổng thống Israel Shimon Peres đã đưa ra một lời kêu gọi cho hòa bình. Ông nói, “Tôi đến đây để kêu gọi hòa bình giữa các quốc gia.” Ông cũng thừa nhận rằng, “hòa bình không đến một cách dễ dàng nhưng chúng ta vẫn phải theo đuổi để khiến nó trở nên gần gũi.” Ông nhấn mạnh, “chúng ta được lệnh phải theo đuổi hòa bình”. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng “nếu chúng ta theo đuổi hòa bình với quyết tâm, với đức tin, chúng ta sẽ đạt được nó.”
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thì dựa theo lời cầu nguyện để khẩn cầu cùng Thiên Chúa : “Lạy Chúa, xin ban cho khu vực và người dân của chúng con sự an toàn và ổn định. Hãy gìn giữ thành phố được chúc phúc Giêrusalem; trước hết là Thánh địa Kiblah, sau đó là Đền thánh Hồi giáo, thứ ba Thánh Địa Hồi giáo Mecca và các thành phố của phước lành và hòa bình với tất cả những gì bao quanh nó.”
Buổi cầu nguyện kết thúc bằng những cái bắt tay hòa bình giữa các nhà lãnh đạo, và trồng một cây ô liu, biểu tượng của ước mơ hòa bình.

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO ƠN GỌI



Ngày 15-01-2014 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã ký và cho công bố sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi. Năm 1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI quyết định cử hành ngày này hằng năm vào Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục sinh
Sứ điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi lần thứ 51 của Đức Thánh Cha Phanxicô có chủ đề “Ơn gọi, chứng tá cho sự thật” trong đó Đức Thánh Cha yêu cầu người Công Giáo hãy "mở lòng chúng ta ra cho những lý tưởng tuyệt vời, cho những điều cao cả".

Dưới đây là tóm lược sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô:
Trước hết, ĐTC trích dẫn đoạn Kinh Thánh Mt 9,35-38 trong đó có câu: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ gặt sai thợ ra gặt lúa về”. ĐTC lưu ý rằng Đức Giê-su cho biết “lúa đã chín” và đang “thiếu thợ gặt”, Đức Giê-su không hề đề cập đến việc gieo trồng. Vậy ai đã gieo trồng? ĐTC khẳng định “cánh đồng lúa” chính là nhân loại và “tác động đầy hiệu quả đã giúp sản sinh ra nhiều hoa trái là ân sủng của Thiên Chúa”. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở các tín hữu thành Côrintô rằng: “Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa” (1 Cr 3:9). Chính Thiên Chúa đã tác động để có một “mùa bội thu” và Ngài mời gọi con người cộng tác trong việc thu hoạch.

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: QUÀ TẶNG HAY ÂN SỦNG (3)

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
         3.    KHAO KHÁT VÀ NỖ LỰC CHIẾN ĐẤU
        Người tu sĩ phải khao khát và hăng hái kiếm tìm ân huệ của sự công chính Nước Trời ; ở giữa và cùng với dân Chúa, người tu sĩ phải nỗ để kín múc lấy ân sủng của sự trưởng thành tròn đầy nơi Đức Kitô.
         3.1.      Tầm quan trọng của khao khát
         Chúng ta phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “khao khát”. Khao khát nghĩa là để ân sủng của Thiên Chúa quyến rũ mọi động lực cá nhân của chúng ta, để chúng ta chuyển động lực đó đến với ân sủng và để cho ân sủng dẫn dắt. Nuôi dưỡng những khát khao tốt là con đường đúng đắn nhất để đón nhận trải nghiệm của ân sủng. Những khát khao tốt được nuôi dưỡng bởi những ai không quên đi lời họ đã nghe được, và luôn chiêm niệm những ân sủng Chúa, đồng thời nỗ lực để không đánh mất sự chiêm ngắm những dấu vết của Thiên Chúa qua lịch sử. Trong phạm vi nào đó, khi ân sủng Thiên Chúa luôn được duy trì qua việc chiêm ngắm và thấu hiểu ; ở cùng phạm vi đó, thì ân sủng ấy được khát khao chiêm niệm sâu hơn. Khao khát đánh thức một tình yêu mãnh liệt. Khao khát làm cho lời cầu nguyện được thốt ra. Như thánh Âu-Tinh đã viết :

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: QUÀ TẶNG HAY ÂN SỦNG (2)

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.

Thiên Chúa Cha đã mời gọi chúng ta hầu chúng ta có thể đạt đến sự trưởng thành tròn đầy trong Đức Kitô. Như nền tảng cho lời kêu gọi này khi đọc thư Ê-phê-xô 4, 13 :
            “Và chính Người đã “ban” ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái”(Ep 4, 11-16).

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU: QUÀ TẶNG HAY ÂN SỦNG (1)



Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.



1.   TÂM LINH NHƯ MỘT HÀNH TRÌNH : ÂN SỦNG VÀ DẤN THÂN
Cái chìa khóa mà người tu sĩ chúng ta phải nắm bắt và theo đuổi tiến trình đời tu của mình cách tích cực chính là một ân sủng ưu việt, đòi chúng ta phải mở lòng mình ra qua hai cách đáp trảnghe theo.
“Hành trình tâm linh” của một tu sĩ là kết quả tuyệt vời của cuộc đối thoại trong tự do từ cả hai phía : Thiên Chúa và con người. Điều này có thể được giải thích theo những thuật ngữ trong hai khung cảnh Tin Mừng liên quan đến Phê-rô : Đầu tiên là việc thoát khỏi tù cách lạ thường (x. Cv 12, 1-11) ; thứ đến là nỗ lực của ông đi trên mặt biển hồ Ga-li-lê (x. Mt 14, 25-32).
1.1.      Hai khung cảnh Tin Mừng
khung cảnh đầu tiên chúng ta biết Phê-rô đang ở tù. Thiên sứ của Chúa đánh thức ông, giải thoát ông khỏi xiềng xích, mở mọi cửa nẻo cho ông, và cả cổng thành. Phê-rô được trao tặng con đường toàn vẹn dẫn đến tự do. Đây được xem như là món quà tinh tuyền mà Phê-rô nhận được. Thiên sứ chỉ cho ông cơ hội tuyệt vời này bằng những từ ngữ mang tính mệnh lệnh sau : “đứng dậy mau đi…, mặc quần áo vào…, xỏ dép vào…, khoác áo choàng vào…, đi theo tôi !”. Điều duy nhất đòi nơi Phê-rô là hãy đặt niềm tin vào người báo cho ông sự giải thoát, và ông phải có ước muốn được giải thoát mạnh mẽ. Phê-rô sẽ phải cất bước hướng đến tự do, được thúc đẩy bởi niềm tin, và tín thác rằng sự giải thoát sẽ được tỏ lộ khi ông vượt qua mọi thử thách có thể xảy ra trong hành trình đạt đến mục tiêu. Và thực ra, Phê-rô đã chấp nhận mọi rủi ro, đã tín thác vào Người ban cho ông cơ hội thoát khỏi ngục tù nhờ vào sự tín thác của ông.

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (6)

ĐỒNG NHẤT VỚI ĐỨC KITÔ
QUA BỆNH TẬT VÀ CÁI CHẾT
Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Khái niệm sứ vụ thường bị giản lược chỉ còn là một “hoạt động” thì khái niệm ấy không đầy đủ. Nếu rơi vào trường hợp ấy, sứ vụ lúc ấy chỉ tồn tại khi có những hoạt động tông đồ nào đó được thực hiện ; sứ vụ được đồng nhất với hoạt động tông đồ hay chỉ là thói quen. Quả thực sứ vụ là “hoạt động”, nhưng cũng là “cuộc khổ hình”.
Đức Giêsu, trong khi chịu đựng đau đớn một cách kiên nhẫn trên Thập giá, đã đưa sứ vụ của Người đến sự hoàn trọn trong trường hợp hoàn toàn bị động, trong khoảnh khắc vừa đủ thốt lên, trong giây phút chẳng thể mang đến cho ai niềm an ủi. Chính trong khoảnh khắc ấy mà Người đã kêu lớn tiếng rằng : “mọi sự đã hoàn tất”. Chúng ta hãy chịu đựng bệnh tật, đau khổ bằng sự khiêm tốn và vâng phục hướng về tình yêu nơi Thiên Chúa, để nhận ra rằng qua những đau khổ chúng ta lấp đầy những gì là thiếu thốn trong nỗi đau của Đức Kitô. Khi đó chúng ta hãy cho thấy sự kiên nhẫn tuyệt vời để hứng chịu bệnh tật hay bất kỳ thiếu thốn nào đó do sự nghèo nàn của chúng ta. Bằng cách này chúng ta có thể thuyết phục người khác bằng chính đời sống chứng tá của chúng ta.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (5)




Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.


Người tu sĩ theo Đức Giêsu không sống cho riêng mình. Họ sống theo một cách khác. Họ sẵn sàng sống mạo hiểm khi sứ vụ cần đến. Đức Giêsu đã nói với những kẻ theo Người về sự nguy hiểm trong sứ vụ được giao phó : “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10, 16). Hình ảnh đàn chiên ở giữa bầy sói mới chỉ là một chút kinh khiếp thôi.
Người tông đồ Đức Giêsu cũng dễ bị tổn thương như chiên con ; họ (người tông đồ) hoàn toàn không được bảo vệ và bị tước đi sự phòng vệ. Khi ấy, sức mạnh ở trong tay những kẻ chống đối. Ấy vậy mà Đức Giêsu muốn những người đi theo Người hãy thực thi sứ vụ ngay giữa thế giới thù địch như thế. Người yêu cầu họ không vội vàng, thiếu suy nghĩ (“khôn ngoan như rắn”), nhưng Người không muốn họ chơi trò chơi giả dối (“đơn sơ như bồ câu”). Chúng ta hãy nhớ lại những lời Người phán : “Ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35), và vì thế chúng ta định hình cuộc sống theo cương lĩnh phục vụ anh chị em chúng ta ngay cả phải hy sinh mạng sống mình.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (4)

NÊN MỘT VỚI ĐỨC KITÔ, ĐẤNG CỨU THẾ
Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Những cách thế trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã chịu đau khổ và chịu chết vì chúng ta, khai mở đường tâm linh cho bất kỳ tu sĩ chính danh nào bước theo Người. Chính Thánh Thần, Đấng xây dựng con người nội tâm, dẫn người tu sĩ đến việc từ bỏ mọi thứ, ngay cả bản thân mình, để có thể đem mọi thứ và mọi người về với Đức Kitô.
Khi kêu gọi các tông đồ, Đức Giêsu đã nói : “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Tuy nhiên đây không là lời mời gọi dấn thân vào con đường buồn chán và đau khổ. Chính sự khiêm hạ mới là chìa khóa đưa người tu sĩ đến hạnh phúc, đó cũng là từ bỏ bản thân, bất chấp những đòi hỏi quyết liệt của việc từ bỏ để cùng chia sẻ niềm vui với Đức Giêsu.

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (3)

Lớp Tập Tôma thiện (O.P.) chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
Thánh Phaolô nói với chúng ta : “Giữa các anh em, hãy có tâm tình của Đức Giêsu Kitô, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, … nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:5-9). Những lời này thúc giục chúng ta đồng hóa chính mình với Đức Giêsu khiêm nhường. Tuy nhiên, khiêm nhường là gì ? Chức năng của đức khiêm nhường trong việc thực thi đời sống tu trì là gì ?
Những gì chúng ta coi là to lớn thì Thiên Chúa xem là nhỏ nhặt, những gì chúng ta coi là lố bịch, Thiên Chúa xem là cao cả[1]. Khiêm nhường là sức mạnh hay là nhân đức nhằm đặt để chúng ta vào trong nhãn quan của Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể đánh giá lại và nhìn mọi thứ như chúng là. Khiêm nhường là một quà tặng, một nhân đức giúp chúng ta phần nào hiểu được những gì là đáng giá dưới ánh mắt Thiên Chúa, cũng như những gì Ngài muốn nơi mỗi người chúng ta. Khi Chúa Cha kêu gọi chúng ta nên giống Chúa Giêsu, Ngài kêu gọi chúng ta nên giống với những tình cảm sâu kín nhất của Chúa Giêsu.

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ (2)

Lớp Tập Tôma thiện chuyển ngữ từ tác phẩm “Conformity with Jesus”, Spiritual Itinerary of Religious của tác giả Joseù Cristo Rey García Paredes, CMF.
MẶC LẤY LÒNG NHIỆT THÀNH TRUYỀN GIÁO
CỦA ĐỨC GIÊSU


Cái hồn hoạt động truyền giáo của người tu sĩ chính là bác ái. Người tu sĩ, trước hết, phải có trái tim biết yêu thương, sẵn sàng chia sẻ tình yêu đó cho bất cứ ai mà mình gặp gỡ. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu tình yêu ấy bằng một từ khóa khác : tình yêu Thiên Chúa – động lực thúc đẩy chúng ta dấn thân vào sứ vụ truyền giáo – được hiểu như “lòng nhiệt thành” (zeal) hay “tình yêu nồng nhiệt” (zealous love).
Trong bản dịch kinh thánh tiếng Anh, tình yêu của Thiên Chúa thỉnh thoảng diễn tả bằng những hạn từ tương đương : “ghen tương” (jealousy) hay “tình yêu vị kỷ” (jealous love). Tiếng Anh vay mượn thuật ngữ “zealous” từ tiếng La Tinh “zelus”, vốn được vay mượn từ tiếng Hy lạp “zêlos”, và “jealous” xuất phát từ tiếng Pháp cổ “gelous/jelouz”, vốn được vay mượn từ tiếng La Tinh. Vì cả tiếng La tinh lẫn Castilian sử dụng hai thuật ngữ “zelus”“celo” như nhau, nên trong ý nghĩa mơ hồ của từ “zeal” hay “jealous”, thì độc giả nói tiếng Anh cần phải ghi nhớ điều này. Ý niệm của từ “zeal” (nhiệt thành, nồng nhiệt) là một quan điểm phong phú vốn thêm nét đặc biệt và tính thực thể luận trong ý niệm bác ái tông đồ.

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

AI SỐNG BÁC ÁI THÌ KHÔNG SỢ CÁI CHẾT

Tóm bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 27-11-2013.
Cái chết cật vấn chúng ta một cách sâu xa, nhất là khi đối diện với cái chết của nhưng thân, của các trẻ em vô tội. Nếu coi cái chết là kết thúc mọi sự thì chúng ta sẽ hoảng sợ. Nó sẽ đánh gục và đe dọa chúng ta. Nó sẽ bẻ gãy mọi tương quan và cắt đứt mọi con đường. Nếu quan niệm cuộc sống chỉ là sinh ra và chết đi, nếu cuộc sống chỉ là một sự hiện hữu tình cờ và chết là tiến về hư không, chúng ta sẽ hoảng sợ. Đó là thái độ của những người vô thần.
Sâu xa trong trái tim mỗi người đều có một ước muốn vô tận, một nỗi nhớ nhung vĩnh cửu. Vậy đâu là ý nghĩa của Ki-tô giáo về cái chết? Khi đối diện với những thảm cảnh của cuộc sống, khi chứng kiến sự ra đi của một người thân, chúng ta vẫn thấy âm vang trong lòng một niềm xác tín: cuộc sống chúng ta không kết thúc với cái chết!

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

TRUYỀN GIÁO LÀ GÌ?

Truyền giáo là bổn phận chính yếu của Giáo hội, vì thế bên cạnh nổ lực truyền giáo mỗi ngày, hằng năm Giáo hội dành một ngày để cầu nguyện đặc biệt cho việc truyền giáo (ngày Chúa nhật áp chót của tháng 10). Năm nay, Chúa nhật truyền giáo lần thứ 87 nhằm ngày 20 tháng 10. Đây là cơ hội đặc biệt để chúng ta cùng tìm hiểu về việc truyền giáo của Giáo hội.
“Truyền giáo” được dịch từ chữ “mission” của tiếng Anh hay tiếng Pháp và chữ missio trong tiếng Latinh. Trong nguyên ngữ latinh, missio bắt nguồn bởi động từ mittere có nghĩa là “gửi đi, sai đi, phái đi”. Trong Tân ước, từ này được dùng để chỉ việc Chúa Cha sai Đức Ki-tô đến thế gian cũng như Đức Ki-tô Phục sinh sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo hội. Từ này còn được dùng để chỉ việc Đức Ki-tô sai các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng.
Truyền giáo là gì?
Nhân dịp 25 năm bế mạc công đồng Vaticanô II, đức Gio-an Phao-lo II đã ban hành thông điệp "Redemptoris Missio" (Sứ mạng của Đấng Cứu thế), qua đó khẳng định nền tảng của việc truyền giáo xuất phát từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Nguồn gốc và động lực của việc truyền giáo chính là thông đạt tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Như vậy, khởi nguyên và tận điểm của việc truyền giáo là tình yêu Thiên Chúa và hạnh phúc của con người.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Tóm lược Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2013 của ĐTC Phanxicô

Ngày Khánh nhật Truyền giáo năm nay diễn ra trong bầu khi kết thúc Năm Đức tin, đây là cơ hội tốt để chúng ta củng cố tình bằng hữu với Thiên Chúa.


1. Đức tin là một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta được thông dự vào sự sống của Ngài cũng như làm cho đời sống ta ý nghĩa hơn. Là hồng ân, đức tin cần được đáp trả với lòng biết ơn, can đảm và phó thác. Hồng ân này được ban cho tất cả mọi người và chia sẻ hồng ân này là bổn phận của mọi Ki-tô hữu. Do vậy, không thể tách việc rao giảng Tin Mừng ra khỏi việc làm môn đệ Đức Kitô. Mức độ đức tin của chúng ta, dù là cá nhân hay cộng đoàn, được đo lường qua khả năng thông truyền đức tin cho người khác.

2. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến bổn phận truyền giáo của mỗi Ki-tô hữu (Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) và mỗi cộng đoàn (giáo phận, giáo xứ, dòng tu, các đoàn thể). Đặc tính của truyền giáo không dừng lại ở ranh giới địa lý, ở các dân tộc hay các nền văn hóa nhưng là ở tâm hồn của mỗi người.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Hãy mở cánh cửa!


Làm thế nào để tăng trưởng đức tin của bạn trong suốt Năm Đức Tin này?
Lược dịch bài viết tại http://wau.org/archives/article/open_the_door/

Khi thông báo về Năm Đức Tin vào tháng Mười vừa qua, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI quả quyết với chúng ta rằng “cánh cửa đức tin luôn mở cho chúng ta… chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi lời của Thiên Chúa được công bố và tâm hồn chúng ta được định dạng theo sự biến đổi của ân sủng”.
Hãy suy nghĩ về những lời đầy khích lệ này! Có những cánh cửa luôn mở. Có vài cánh cửa mở rất dễ dàng. Nhưng cũng có những cánh cửa khác đòi hỏi nhiều thách thức hơn. Đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, sự nhẫn nại và nỗ lực.
Theo một nghĩa nào đó, việc mở cánh cửa đức tin vừa đơn giản vừa không thể đoán trước. Nó đơn giản như việc ta nói “xin vâng” với Thiên Chúa nhưng cùng lúc đó chúng ta kinh ngạc khi thấy đường lối “xin vâng” này hoạt động trên chúng ta. Hãy nhìn gương các vị truyền giáo, các tông đồ, các vị tử đạo và những vị thánh khác trong lịch sử!
Nhưng không có gì bất ngờ chờ đợi chúng ta phía sau cánh cửa đức tin, chúng ta có thể trả lời người khác rằng: Đức Giê-su đã sẵn sàng ở đó để chờ đón chúng ta. Và còn tuyệt vời hơn nữa, Người cất bước cùng ta dọc theo hành trình đức tin.
Đức tin của con đã cứu con: Chúng ta sẽ dừng lại ở lời nói đầy khích lệ mà Đức Giê-su đã nói với bốn người đã đi qua cánh cửa này: “Đức tin của con đã cứu con”. Những người này là anh mù tên Ba-ti-mê (Mc 10,52), người phụ nữ bị băng huyết (Mt 9,22), người phong hủi Samari (Lc 17,19) và người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,50). Chúng ta thử xem bằng cách nào họ đã đi qua cánh cửa và ở bên kia cánh cửa, Đức Giê-su trao cho họ điều gì. Có thể những câu chuyện của họ sẽ giúp chúng ta khi chúng ta đi qua cánh cửa đức tin của mình mỗi ngày!
Điều trước hết chúng ta có thể nhìn thấy trong mỗi câu chuyện trên là cách thức Đức Giê-su chọn những người này và khen ngợi lòng tin cũng như sự chân thành của họ (thường tương phản với những người xung quanh, những người dường như không cho thấy một lòng tin như thế). Dường như loại lòng tin mà lôi kéo được sự chú ý của Đức Giê-su cũng chính là lòng tin khiến cho người ta tiến đến với Người. Nó khiến người ta ra khỏi đường lối của chính mình và thậm chí có thể là nguyên do họ có mặt ở đó.
Những ai có lòng tin này trước hết có thể tìm thấy một sự chữa lành đặc biệt, nhưng thỉnh thoảng những điều khác nữa cũng có thể xảy ra theo cách này. Không chỉ thể lý được chữa lành nhưng cả những trái tim cũng được chữa lành. Không chỉ mặc cảm tội lỗi được chữa lành nhưng ký ức của họ cũng được chữa lành. Vì vậy, khi bạn nhìn vào mỗi câu chuyện này, hãy tự hỏi “lòng tin của tôi có đưa tôi đến gần Đức Giê-su không? Khi đến gần Đức Giê-su tôi cảm thấy thế nào?”
Ba-ti-mê (Mc 10,46-52): Bệnh mù lòa ngày nay hầu như không thảm khốc như thời Đức Giê-su. Những người mù có thể được thấy trở lại và họ có thể tìm được một việc làm để kiếm sống. Trừ khi không được gia đình chăm sóc, họ mới phải đi nài xin bất kỳ sự giúp đỡ nào có thể. Điều này giống với Ba-ti-mê: ngồi ăn xin bên vệ đường khi Đức Giê-su và các môn đệ đi ngang qua.
Khi Ba-ti-mê cảm nhận được sự xôi động do Đức Giê-su và đám đông theo Người gây ra, anh đã la lớn “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Khi biết đó chỉ là một người ăn xin, nhiều người trong đám đông đã cố gắng bảo anh im đi. Nhưng điều đó chỉ làm cho anh ta thêm cương quyết. Và anh la to hơn! Đức Giê-su dừng lại, gọi Ba-ti-mê đến và hỏi anh muốn gì. Anh ta trả lời “Thưa Thầy, tôi muốn được thấy”. Khi đó, Đức Giê-su nói những lời này: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”.
Sự tương phản giữa Ba-ti-mê và đám đông là khá nổi bật. Anh không bị từ chối. Anh đã tin. Anh đã kêu lên. Anh đã nói với Đức Giê-su chính xác điều anh cần. Như một kết quả, anh đã được tưởng thưởng. Lòng tin của anh đã giúp anh được cứu và sự chữa lành.
Người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5,21-43): Cô ta đã chịu cảnh băng huyết đã 12 năm và không ai có thể giúp cô. Nhưng khi nghe Đức Giê-su đang đi ngang qua thị trấn của mình, cô đã đi tìm Người. Cô nghĩ “nếu tôi có thể chạm vào áo của Người, tôi sẽ được cứu”. Vì thế cô lách qua đám đông và chạm vào áo choàng của Người. Ngay tập tức cô được chữa lành!
Biết rằng có một năng lực nơi mình phát ra, Đức Giê-su quay lại đám đông và hỏi: “Ai đã chạm vào tôi?” Người phụ nữ tiến đến và nói với Đức Giê-su những gì đã xảy ra và Đức Giê-su đã nói với cô: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Hãy suy nghĩ về sự khác nhau giữa người phụ nữ này với những người khác, những người đã phải chen lấn với Đức Giê-su khi cùng đi với Người. Về thể lý, họ gần Đức Giê-su hơn người phụ nữ. Nhưng sự gần gũi thể lý không giống sự gần gũi Thiên Chúa trong đức tin. Qua đức tin, chúng ta có thể nối kết với ân sủng, điều luôn có nơi Đức Giê-su, ân sủng mang lại sức mạnh, sự chữa lành, các nhân đức. Giống như Ba-ti-mê, người phụ nữ này mời gọi chúng ta tiến về Đức Giê-su, tin rằng Người có quyền năng mà chúng ta đang cần.
Người phụ nữ “tội lỗi” (Lc 7,36-50): Simon, một người Pharisêu đã mời Đức Giê-su ăn tối cùng với vài người bạn của ông. Mọi thứ đang tiếp diễn tốt đẹp cho đến khi một người phụ nữ nổi tiếng xấu xa xuất hiện dù không được mời. Cô ta đứng bên cạnh Đức Giê-su, nước mắt rơi trên chân Người. Sau đó cô cúi xuống, lấy tóc lau chân Người và lấy lọ dầu quý giá mà xức.

Cử chỉ này đã đánh động Đức Giê-su lẫn ông Simon. Về phần mình, ông Simon có ý khinh Đức Giê-su, ông kinh ngạc bởi làm thế nào một ngôn sứ lại cho phép một người phụ nữ như thế chạm vào người mình. Thế nhưng, Đức Giê-su nhìn thấy tình yêu và thái độ ẩn bên trong hành động của người phụ nữ, Người nói với cô ta: “Lòng tin của chị đã cứu chị”.
Sự tương phản giữa người phụ nữ tội lỗi và ông Simon cũng khá rõ ràng. Ông Simon muốn nói với Đức Giê-su. Có lẽ ông muốn hiểu biết thêm về Người cũng như những lời giảng dạy của Người. Nhưng sau tối hôm đó những nghi ngờ của ông vẫn còn đọng lại, thậm chí còn tăng thêm nữa.
Còn người phụ nữ thì không đến để trò chuyện. Cô ta vào nhà, nơi cô biết rằng mình không được chào đón, vì vậy cô đã chạm đến ân sủng của Đức Giê-su bằng cách ở với Người. Nếu có cô ta ở đây lúc này, cô sẽ nói với chúng ta rằng: “Hãy đến với Đức Giê-su và xưng thú tội lỗi của mình. Người giàu lòng thương xót. Chính tôi là một bằng chứng, không có tội nào là không thể tha thứ”.
Người phong hủi Samari (Lc 17,11-19): Câu chuyện này có chút khác biệt với những câu chuyện khác, mười người phong hủi đều được chữa lành, và cả mười người làm theo lời của Đức Giê-su khi đi trình diện các tư tế theo luật Môsê. Tất cả họ đều được hội nhập vào xã hội, và hầu hết có lẽ đã trở về với gia đình và bắt đầu lại nếp sống cũ. Nhưng một trong mười người đó quay trở lại ngợi khen và cảm ơn Đức Giê-su vì Người đã chữa lành anh. Anh ta lại là một người Samari.
Dường như chỉ có một người này được Đức Giê-su nói là “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Rõ ràng là anh ta đã kinh nghiệm được một điều gì đó hơn cả sự chữa lành thể lý.
Câu chuyện này nói với chúng ta rằng “được chữa lành” không luôn luôn là “được tất cả”. Người thanh niên này đã kinh nghiệm được cả hai, và đó là lý do tại sao anh ta quay trở lại. Nếu anh ta ở đây với chúng ta hôm nay, anh ta sẽ nói với chúng ta “sự chữa lành thể lý thì tốt nhưng sự chữa lành tâm linh thì tốt hơn”.
Sự táo bạo của những đứa trẻ: Cả bốn người này đã bước qua cánh cửa đức tin và tất cả đã được tưởng thưởng. Theo cách này, Đức Giê-su muốn khích lệ chúng ta hãy đi qua cánh cửa và hãy tin trong suốt Năm Đức Tin này. Đức tin của chúng ta nhiều hay ít không thành vấn đề, Người đang mời gọi chúng ta hãy táo bạo giống như bốn người này khi chúng ta bước tới phía trước.
Có lẽ cùng vì đó mà Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy đến với Người như những đứa trẻ. Những đứa trẻ có thể rất táo bạo - thậm chí dai dẳng -  với bố mẹ của chúng. Chúng không ngần ngại yêu cầu suốt ngày. Chúng sẽ dùng mọi cách có thể để đạt được điều chúng muốn. Khi bố mẹ chúng nói “không”, chúng chỉ nhượng bộ tạm thời và sau đó lại tiếp tục đòi hỏi.
Vì vậy, hãy giống như một đứa trẻ. Hãy kiên trì. Hãy táo bạo. Đừng ngại yêu cầu Đức Giê-su điều gì.
Hãy giống như Ba-ti-mê và la lên với Đức Giê-su.
Hãy giống như người phụ nữ bị băng huyết và hãy tiến đến với Đức Giê-su.
Hãy giống như người phụ nữ tội lỗi và nói với Đức Giê-su rằng bạn yêu mếnbiết ơn Người nhiều như thế nào vì lòng thương xót và tình yêu của Người.
Hãy giống như người phong hủi Samari và quỳ xuống dưới chân Người để thờ phượngtôn vinh Người.
Nếu bạn làm thế, bạn sẽ nghe Đức Giê-su nói những lời tốt đẹp này: “Lòng tin của con đã cứu con”.


Người tín hữu Việt Nam trước năm 1659


Theo sử liệu, các vị thừa sai đã đến Việt Nam từ năm 1533 nhưng khoảng 40 năm sau mới có tín hữu đầu tiên là cụ Đỗ Hưng Viễn (Thanh Hóa). Sau giai đoạn thăm dò của nhiều nhóm thừa sai khác nhau thì khoảng giữa đầu thế kỷ XVII (1615-1659) là giai đoạn đặt nền móng của dòng Tên. Trong giai đoạn này, số tín hữu Việt Nam không ngừng gia tăng về số lượng cũng như những sinh hoạt khác, góp phần xây dựng một Giáo hội sinh động về nhiều mặt.
Đạo đức trong nếp sống
Nếp sống đạo đức của tín hữu Việt Nam trong giai đoạn này được nhìn nhận qua thư từ cũng như báo cáo của các thừa sai gửi về cho Bề Trên hay cho Rôma. Qua đó ta có thể ghi nhận vài ý chính sau.
Ngày 12-10-1647, sau khi đi kinh lý giáo đoàn Đàng Ngoài, cha Gioan Cabral đã báo cáo về Rôma như sau: Người dân Đàng Ngoài tòng giáo chỉ vì phần rỗi linh hồn; họ từ bỏ nếp sống cũ, đến nỗi như trước đây họ chưa theo tôn giáo nào; Bổn đạo Đàng Ngoài yêu thương nhau như anh em.[1]
Một báo cáo khác đề ngày 2-11-1647, cha Cabral viết: đến xứ này con thấy giáo đoàn luôn luôn tăng trưởng về số lượng và lòng sốt sắng. Trong cõi phương Đông, chẳng dân tộc nào có những điều kiện thích hợp với Ki-tô giáo như dân tộc Đàng Ngoài. Đó là một dân tộc đơn sơ, không vướng mắc những tật xấu xa. Một khi đã được rửa tội, người Đàng Ngoài kiên trì trong đức tin. Họ gớm ghét cực độ những tật xấu thường có ở các dân tộc khác và họ mau mắn giữ luật chúa.[2]
Còn cha Gioan Barbosa thì ca tụng lòng nhiệt thành đạo đức của tín hữu Đàng Ngoài giống như các tập sinh trong một Dòng tu. Cha nhận định về người tín hữu như sau: Họ siêng năng đọc kinh chung sáng tối trong gia đình. Gia đình nào cũng có bàn thờ. Trên bàn thờ ngoài thánh giá và các ảnh tượng còn có bình nước thánh, cùng với tràng hạt Mân Côi, roi đánh tội. Một việc đáng ngạc nhiên hơn nữa, đó là họ có những “bàn thờ nhỏ di động” mang theo mình khi phải xa nhà.[3]
Cha Đắc Lộ còn khen ngợi lòng đạo và tâm hồn trong trắng của tín hữu Đàng Ngoài như các thiên thần. Trước ngày rước lễ, họ ăn chay đánh tội. Họ tham dự Thánh lễ sốt sắng. Đặc biệt ngày Chúa nhật, họ đến nhà thờ từ sáng sớm nếu ở xa hơn thì phải đi lễ từ chiều thứ bảy.
Trong thời gian hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bị quản thúc tại gia vào tháng 5-1628, tín hữu Đàng Ngoài tập trung trong các nhà dân cùng nhau đọc kinh bù lại Thánh lễ. Đọc kinh, xem lễ, xưng tội, rước Mình Thánh Chúa là những thứ họ khao khát, dù về mặt thông hiểu “lẽ đạo” thì còn kém. Các tín hữu đã sống Lời Chúa trọn vẹn trong việc kính Chúa yêu người, bằng cớ là nhiều nhà truyền giáo đã khen ngợi về lòng thương yêu nhau của anh chị em tín hữu. Trong bản báo cáo của cha Gaspar d’Amaral gửi cha André Palmeiro ở Macao đề ngày 31-12-1632 đã ghi nhận rằng “người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau”.[4]
Lòng đạo đức của tín hữu Đàng Trong cũng không thua kém ở Đàng Ngoài. Đặc biệt, nhà nguyện của bà Maria Minh Đức Vương Thái Phi là nơi bảo đảm cho tín hữu trong thời khó khăn. Nơi đây tín hữu ngày đêm kéo đến gặp các cha đễ lãnh nhận các bí tích. Thánh lễ nào cũng chật người. Những ngày lễ trọng, các cha phải dâng nhiều thánh lễ để mọi người được tham dự.
Sống động trong chứng tá
Tuy còn trong giai đoạn đặt nền móng nhưng người tín hữu Việt Nam cũng đã để lại những chứng tá sống động, đặc biệt là bằng lời nói qua việc rao giảng và bằng việc làm qua đời sống bác ái yêu thương. Đặc biệt, chính trong thời gian các cha bị quản thúc thì số người được rửa tội lại trổi vượt hơn. Đó là nhờ tinh thần hoạt động rao giảng và tông đồ của giáo dân.
Trong bản báo cáo của cha Cardim được ấn hành năm 1646 tại Paris, cha ghi nhận một trong các lý do làm cho dân Đàng Ngoài dễ theo đạo là: Một người vừa “chịu đạo”, liền tỏ ra rất nhiệt thành, đi khắp các làng mạc, truyền bá đạo mới cho đồng bào, nhất là cho bà con thân thích.
Cụ thể, trong thời gian cha Đắc Lộ ở An Vực năm 1627, một người phong cùi được ngài rửa tội lấy tên thánh là Simon. Vì khá thành thạo chữ Hán, nên ông tình nguyện chép lại để học các kinh do cha Đắc Lộ trực tiếp đọc, sau đó ông dạy lại cho các bệnh nhân trong nhóm. Từ làng An Vực, đạo nhanh chóng được truyền sang các làng xung quanh. Mỗi giáo dân trở thành một chiến sĩ của đạo qua lời nói cũng như tinh thần bác ái.[5]
Cha Đắc Lộ còn kể về một người chị em với chúa Trịnh Tráng nhận lãnh bí tích rửa tội (1627-1628 ) với tên thánh Catarina. Bà là người có một đức tin mạnh mẽ. Với lòng đạo đức và sốt sắng, bà đã thuyết phục mẹ mình theo đạo và hai mẹ con đã giảng dạy và thuyết phục được nhiều bà quý phái khác theo đạo. Ngoài ra còn rất nhiều chứng nhân khác sau khi biết Chúa đã mạnh dạn nói cho người khác nghe, chẳng hạn như: Bà Anna đã làm cho chồng mình là viên quan cai trị Xứ Đông (vùng Hải Dương) theo đạo, chẳng những thế mỗi lần về kinh đô thay cho chồng lo một số việc, bà luôn dẫn về một số người sẵn sàng chịu phép Thánh Tẩy; hay cậu Linô 17 tuổi, sau khi theo đạo cũng làm cho chính cha nuôi là một võ quan cùng mọi người trong nhà quan được rửa tội.[6]
Trong khi đó ở Đàng Trong có bà Minh Đức Vương Thái Phi là người rất sùng đạo. Từ khi theo đạo, bà dùng uy tín của mình mà nâng đỡ bổn đạo, che chở các nhà truyền giáo khi gặp khó khăn. Chính cha Đắc Lộ đã viết về bà như sau: Bà Maria Madalena (tên thánh của bà) là chỗ nương tựa của tín hữu; gương sáng và uy tín của bà đã làm cho nhiều người lương dân cải đạo cách lạ lùng, và sau khi chịu phép rửa, nhờ bà, họ giữ vững lòng đạo đức… Ngoài ra bà còn thuyết phục nhiều người nổi tiếng khắp nước theo đạo Chúa, trong số này có cả những người thuộc vương tộc.
Trong số các người thuộc vương tộc theo đạo có công chúa Ngọc Liên. Khi chồng qua đời 1645, công chúa đến ở Hội An. Tại đây, chẳng những Ngọc Liên lo truyền giáo trực tiếp mà còn lập nhà thương xót (gọi tắt là nhà thương), là nơi nương náu cho những người nghèo khổ, neo đơn; đằng khác công chúa còn cung cấp lương thực cho 12 thầy giảng lúc đó.[7]
Tóm lại, một khi đã gia nhập đạo, người tín hữu thường cũng trở thành một nhà truyền giáo. Họ trở về giảng đạo cho gia đình, họ hàng và làng xóm. Có những người bỏ cả nghề của mình để chuyên lo việc giảng đạo. Đồng thời với chứng tá bác ái, đặc biệt là việc mở nhà thương, việc tổ chức an táng, giỗ chạp long trọng đã làm cho nhiều người cảm mến đạo mới mà theo.
Nhiệt thành trong cộng tác
Không những có đời sống đạo đức và chứng tá sống động, các tín hữu lúc bấy giờ còn nhiệt tình cộng tác với các thừa sai như giúp các ngài học ngôn ngữ, đồng hành trong các hành trình truyền giáo, dâng đất làm nhà thờ, dịch tài liệu và sáng tác các bài giáo lý bằng thơ ca.
Sau khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, nhiều người muốn theo các cha để phục vụ trong hành trình truyền giáo. Chẳng hạn như cậu Augustin, sau khi được cha Buzomi rửa tội đã tình nguyện ở lại và sau trở thành thầy giảng đầu tiên ở xứ Nam. Với lòng nhiệt thành, các tân tòng giúp các cha dịch nhiều tài liệu từ chữ hán ra chữ nôm như sách giáo lý của cha Pina.
Trong số những người theo đạo ở Quãng Nam, có nhiều người thuộc giới trí thức như các cụ nghè Giuse, Phêrô, Phaolô, và sư cụ Manuel. Các cụ hỗ trợ các cha nhiều trong việc học tiếng Việt. Đặc biệt, cụ Manuel là một sư cụ nổi tiếng ở vùng Quãng Nam, sau khi theo đạo, cụ làm tờ tuyên ngôn cho dân chúng biết vì sao cụ theo đạo, cụ rao giảng cho nhiều người và khuyên họ theo chính đạo. Với lý lẽ đơn sơ, chân thành, cụ đã lôi cuốn được nhiều người trở lại. [8]
Về lòng nhiệt tình truyền giảng đạo của tín hữu, Cha Đắc Lộ viết về thầy sãi Antôn như sau:  thầy đã khôn khéo và nhiệt thành dạy dỗ nhiều lương dân nhận đức tin… thầy làm chức vụ thầy giảng và làm tông đồ, giảng dạy và công bố các mầu nhiệm đạo ta, lay động lương tâm, thuyết phục các tâm hồn và tấn công ma quỷ. Thỉnh thoảng thầy đưa vài chục người đến xin rửa tội.[9]
Cũng trong thời gian cha Đắc Lộ ở An Vực năm 1627, một ông cụ 85 tuổi, thông thạo chữ Hán, được dân chúng trong vùng kính trọng xin gia nhập đạo và mang tên thánh là Gioakim. Tuy cao tuổi nhưng hằng ngày cụ có mặt trong nhà hai giáo sĩ để trau giồi kiến thức về đạo. Từ đó cha Đắc Lộ thường xuyên nhờ cụ chép lại một số kinh trong đạo dành cho người tân tòng. Ngoài ra cụ còn dâng cúng một miếng đất gần đó để làm một nhà thờ. Dân chúng đóng góp vật liệu như tre, gỗ, còn các thương gia Bồ Đào Nha góp công sức trang trí nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành ngày 3-5-1627 mang tước hiệu “Tìm thấy Thánh giá”.[10]
Khi theo đạo, người tín hữu Việt Nam sử dụng tất cả tài năng để phục vụ đạo. Những tín hữu trí thức sử dụng khả năng tri thức để truyền đạo. Họ viết thơ ca, vè, vãn về giáo lý, kinh thánh cũng như hạnh các thánh để đọc cũng như để dạy giáo lý. Nổi tiếng nhất trong lãnh vực này chính là bà Catarina, họ hàng với chúa Trịnh. Chẳng những mộ mến đạo Chúa hết lòng, giảng đạo cho người chung quanh và đưa 17 người trong vương tộc vào đạo, bà còn làm thơ giáo lý rất hay thuật lại từ việc Thiên Chúa tạo thành vạn vật đến khi Chúa Giêsu sinh ra, rao giảng, chịu chết, phục sinh và thăng thiên. Ở phần cuối, Catarina còn kể lại việc hai giáo sĩ Marques và Đắc Lộ bắt đầu truyền giáo ở Đàng Ngoài. Nhờ các bài thơ, vè này mà anh chị em tân tòng học thuộc giáo lý nhanh chóng. Cả đến một số đồng bào chưa theo đạo cũng sử dụng vì loại văn thơ này rất thích hợp với họ.
Còn thầy Inhaxu thì thuyết phục lương dân bằng tài thơ ca của mình: bằng giọng thơ lưu loát, cung giọng du dương, thầy chế nhạo và giễu cợt các sai lầm và mê tín dị đoan. Nhờ đó, nhiều người đã bỏ dị đoan mà xin học giáo lý.[11]
Ngoài ra, trong thời kỳ hai giáo sĩ (Marques và Đắc Lộ) bị quản thúc năm 1629 tại Thăng Long, một nhóm tín hữu ở kinh đô có sáng kiến in lịch Công giáo, ghi lại các ngày lễ Chúa Nhật, lễ trọng, ngày ăn chay trong năm, để chẳng những tín hữu kinh đô dùng mà còn gửi đi khắp cả nước.[12]
Tóm lại, dù còn hạn chế nhiều mặt nhưng các tín hữu Việt Nam đã nhiệt thành cộng tác với các thừa sai với tất cả khả năng của mình trong việc dạy dỗ, rao giảng và làm chứng cho đạo thật.
Trưởng thành trong trách nhiệm
Dù là một Giáo hội còn non trẻ về nhiều mặt nhưng người tín hữu Việt Nam cũng đã cho thấy một sự trưởng thành, nhất là trong việc gánh lấy trách nhiệm trên chính quê hương mình.
Hội thầy giảng được thành lập (1630 ở Đàng Ngoài và 1643 ở Đàng Trong) là công lớn của các thừa sai dòng Tên, tuy nhiên các thầy đã cho thấy sự trưởng thành trong trách nhiệm của mình qua việc cộng tác với các thừa sai. Chẳng hạn như trong khoảng năm 1658- 1659, cả Đàng Ngoài chỉ có hai cha bị quản thúc, thế nhưng nhờ nhiệt tâm của các thầy giảng và kẻ giảng, cũng như nhiệt tâm của các tân tòng, với việc truyền bá Tin mừng, năm đó đã có khoảng 7000 người được rửa tội.[13]
Trách nhiệm của các thầy còn là giúp các cha trong việc giảng đạo, khuyên răn giáo dân, rửa tội, dạy giáo lý, chủ sự giờ kinh, thăm viếng người bệnh, rửa tội khi các thừa sai vắng mặt. Là chỗ dựa tinh thần của giáo đoàn, các thầy đã chu toàn rất tốt trách nhiệm của mình. Trong mười tháng vắng mặt các thừa sai, ba thầy giảng ở Đàng Ngoài là phanxicô Đức, Anrê Trí và Ignatio Nhuận đã rảo khắp các tỉnh thành dạy dỗ và rửa tội cho 3340 người, lập 20 họ đạo và nhà thờ mới.[14]
Sự trưởng thành của tín hữu Việt Nam còn thể hiện trong việc đứng ra lãnh trách nhiệm liên lạc trực tiếp với đức thánh cha qua thư từ. Bằng chứng là ngày 15-7-1640 tín hữu Đàng Trong đã dâng một tờ biểu lên đức thánh cha Urbanô VIII với nội dung là “cúi xin đức thánh cha ban phép cho thầy nào trong số các thầy ở đây được làm phép thêm sức cho bổn đạo, để họ trở thành chiến sĩ Chúa Kitô trọn vẹn hơn, hầu trung thành chiến đấu trong cuộc chiến Đức tin”. Một tài liệu khác cho thấy tín hữu Đàng Ngoài cũng liên lạc trực tiếp với đức thánh cha Urbanô VIII và cha Bề Trên dòng Tên Mutio Vitelleschi để xin các ngài giúp đỡ cách nào để nhiều người trong nước được nhận biết và thờ phượng Thiên Chúa.[15]
Kiên vững trong thử thách
Giai đoạn đầu tiên của Giáo hội Việt Nam cũng là giai đoạn chịu nhiều nghi kỵ, thử thách và bắt bớ. Tuy vậy, các tín hữu luôn tỏ ra can trường trong việc làm chứng và tuyên xưng đức tin dù chịu nhiều thiệt thòi, đòn roi và cả mạng sống.
Cụ thể như ông Từ ở làng Vũ Xá gần Thăng Long, được một bà phi của chúa Trịnh Tráng giao bảo vệ từ đường rất đẹp của bà. Khi nghe cha Đắc Lộ giảng, ông quyết từ bỏ việc trên đây vì tham dự vào hành vi mê tín. Theo đạo, ông mang tên thánh là Antôn và vợ là Paula. Bà phi kia tức giận, lệnh cho quan địa phương trói ông vào cột nơi công cộng, đánh đòn. Tuy vậy cả hai ông bà vẫn hăng say truyền đạo. Mỗi lần về kinh đô là ông dẫn theo nhiều người về chịu phép Thánh Tẩy.
Hoặc như ông Phanxicô dù mới theo đạo được hai năm, nhưng can đảm thi hành đức ái triệt để “chôn xác kẻ chết”, vác xác đi chôn những người chết không nhà cửa, mà ông lại là người khiêng kiệu cho một quan lớn. Chính vì thế nên viên quan ra lệnh cấm ông chôn xác chết. Không tuân lệnh, nên Phanxicô bị quan đánh đòn, tống giam trong ngục, sau cùng quan cho chém đầu Phanxicô. Ông chính là nạn nhân đầu tiên đổ máu ở Đàng Ngoài và đó là năm 1630.
Nếu như ở Đàng Ngoài có ông Phanxicô là vị tử đạo tiên khởi thì 14 năm sau, tại Đàng Trong có thầy giảng Anrê Phú Yên tử đạo tại Thành Chiêm ngày 26-7-1644. Sau cái chết của thầy Anrê, cuộc bách hại ở Đàng Trong ngày càng lan rộng. Tại Quy nhơn, quan lại ra lệnh cho người có đạo phải ra báo cáo. Chỉ mới ngày đầu đã có 700 người, quan sợ có nổi loạn nên chỉ chọn và bắt trói 36 người, sau đó 35 người đã can đảm tuyên xưng niềm tin và sẵn sàng để chịu mọi khổ hình vì đạo. Những chứng nhân ở Đàng Trong cần phải kể đến ông Inhaxu và hai người họ hàng, bà Paula cùng với hai con gái ở Quy Nhơn, 9 giáo dân ở Quãng Bình-Quãng Trị và rất nhiều những tín hữu khác đã cam chịu mọi thiệt thòi, đau đớn để giữ vững đức tin.
Tóm lại trong thời gian này, các thừa sai nhiều lần bị trục xuất, kèm theo đó là sự nghi kỵ, phá rối, chống đối và bạo hành đối với người tín hữu. Tuy nhiên trong mọi hoàn cảnh, người tín hữu Việt Nam luôn kiên vững trong đức tin, lướt thắng mọi thử thách và vui lòng đổ máu để minh chứng cho chân lý.
Kết luận
Như vậy, trong thời gian trước năm 1659, công lớn trong việc đặt nền móng Giáo hội Việt Nam thuộc về các cha dòng Tên. Nhưng Tin mừng được lan rộng nhanh chóng và cắm rễ sâu trên mảnh đất này còn nhờ vào những đóng góp lớn lao của hàng tín hữu. Những đóng góp đó trước hết là đời sống thánh thiện đạo đức, là lòng nhiệt tâm rao giảng, là sự nhiệt thành cộng tác trong lãnh vực bác ái cũng như trí thức và cuối cùng là gương trung kiên trong đời sống chứng nhân. Với những đóng góp này ta có thể nói người tín hữu Việt Nam đã tạo nên một Giáo hội sống động và làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Giáo hội cho đến ngày nay.






[1] Xc. Đỗ Quang Chính, Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam, trích từ trang web www.dunglac.org 
[2] Xc. Nguyễn Văn Trinh, Lịch sử Giáo hội Việt Nam, tập 2 (TPHCM: ĐCV Giuse, 1994), tr 306.
[3] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[4] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[5] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[6] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[7] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[8] Xc. Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển 1 (Sài Gòn: Hiện Tại, 1959), tr. 60. 75.
[9] Xc. Nguyễn Văn Trinh, sđd, tr. 340.
[10] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[11] Xc. Nguyễn Văn Trinh, sđd, tr. 341.
[12] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.
[13] Xc. Nguyễn Văn Trinh, sđd, tr.311.
[14] Xc. Nguyễn Hồng, sđd, tr. 206.
[15] Xc. Đỗ Quang Chính, nt.