Hiển thị các bài đăng có nhãn CN15. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN15. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

PHÉP LẠ VÀ LÒNG SÁM HỐI

Thứ 3 tuần XV TN
Lời Chúa: “Bấy giờ Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối” (Mt 11,20)
Đi từ cuộc sống: Ngày nay còn có phép lạ nữa không? Câu hỏi này chắc sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Có người bảo không vì Chúa đã về trời. Sứ vụ của Người ở trần gian coi như đã hết. Có người bao còn vì Chúa vẫn hoạt động, vẫn quan phòng. Có người bảo tùy đức tin của mỗi người, ai nhạy cảm với ơn Chúa thì nhìn ra phép lạ, ai thờ ơ nguội lạnh thì sẽ chẳng bao giờ nhận biết. Có điều chắc chắn là hễ nghe nói ở đâu có phép lạ đang xảy ra thì hầu như ai cùng muốn một lần đi tận mắt nhìn cho biết. Không biết được mấy người tự hỏi phép lạ đó (nếu đúng) xảy ra nhằm mục đích gì?
Lời Chúa soi đường: Chúa Giêsu làm rất nhiều phép lạ. Những phép lạ Người làm nhằm bày tỏ quyền năng và tình thương Thiên Chúa. Những phép lạ đó còn cũng cố niềm tin và mời gọi người ta sám hối ăn năn. Do vậy, dù có chứng kiến nhiều phép lạ đến mấy mà không nhận ra các điều trên thì cũng như không. Thậm chí còn phải chịu trách nhiệm nặng hơn nữa. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa khiển trách những người chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm mà không chịu sám hối ăn năn. Họ sẽ chịu xét xử nghiêm khắc hơn.
Cảm nghiệm tình thương: Vì Lòng Thương Xót, Chúa đã làm nhiều dấu lạ để giúp chúng con. Qua các phép lạ Chúa bày tỏ quyền năng và tình thương, Chúa kêu gọi vững tin và sám hối. Xin cho mỗi người chúng con cảm nhận được tình thương và Lòng Thương Xót của Chúa.

Dấn thân phục vụ: Dấu lạ vẫn đang tiếp diễn hằng ngày cho những ai có đức tin. Với đức tin và tình yêu, mỗi người chúng ta cũng có thể cộng tác để nối dài những phép lạ của Chúa. Ước gì những dấu lạ đó có thể hoán cải lòng mọi người.

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

GÁNH NẶNG

Thứ Năm, tuần XV TN (Mt 11,28-30)
Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta (x Mt 11,28-30)
từ cuộc sống: Cuộc sống luôn chất lên vai ta nhiều gánh nặng. Có những điều trước kia là một hồng ân thì nay lại là gánh nặng. Tội lỗi đã chất thêm những gánh nặng lên đôi vai bé bỏng của con người. nuôi dạy con cái, hạnh phúc gia đình, công việc làm ăn, tương quan xã hội, lẽ ra mang lại thích thú và niềm vui thì nay đổi lấy thành âu lo: Cho con học trường nào? Chơi với ai? Để chúng ăn gì? Bệnh tật thì sao? Vợ/chồng tôi đang đi đâu? Làm gì? Với ai? Tiền bạc đi về đâu? … quá nhiều câu hỏi và áp lực đối với con người thời hiện đại!
Lời Chúa soi đường: Lời Chúa hôm nay là một lời an ủi cho chúng ta. Chúa không hứa sẽ cất đi những gánh nặng của ta nhưng Chúa có cách làm cho những gánh nặng đó trở nên êm ái nhẹ nhàng. Chúa sẽ đưa những gánh nặng đó trở về tình trạng nguyên thủy. Thay vì là gánh nặng, nó sẽ trở thành niềm vui của trách nhiệm. Chính Chúa Giê-su cũng đã mang lấy những gánh nặng đó, nhưng với tình yêu. Với tình yêu, mọi gánh nặng sẽ trở nên êm ái!
Tận hưởng niềm vui: Chúa không để ta gánh nặng một mình. Trên vạn nẻo đường, Chúa luôn đồng hành ngay bên. Những lúc ta mệt mỏi, muốn ngã gục, hãy chạy đến với Chúa, hãy trao gánh nặng vào tay Chúa, Chúa sẽ đỡ đần cho!

Chung lời cầu nguyện: Xin chúa thêm tình yêu để con biến gánh nặng thành niềm vui, và khi con sắp ngã gục, xin cho con biết trao phó gánh nặng vào tay Chúa. Có thế, đời con sẽ không bao giờ tuyệt vọng.

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

PHÉP LẠ VÀ SÁM HỐI

Thứ Ba - tuần XV TN
Biết bao phép lạ Chúa làm là để bày tỏ quyền năng và tình thương của Thiên Chúa đồng thời chữa lành con người. Nếu như quyền năng và tình thương luôn chan chứa trong từng phép lạ thì việc chữa lành lại tuy thuộc con người. Thực vậy, việc chữa lành ở đây bao gồm chữa lành thân xác và chữa lành linh hồn. Việc chữa lành thân xác gắn liền với những đối tượng trực tiếp còn chữa lành linh hồn thì liên quan đến mọi người.
Một trong những hiệu quả của việc chữa lành linh hồn là sám hối và thay đổi lối sống. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã khiển trách nhiều người Do Thái khi chứng kiến những phép lạ tỏ tường của Người mà không hề hoán cải. Họ trơ lòng trước những việc kỳ diệu Thiên Chúa làm.
Lời khiển trách của Đức Giêsu cũng là một lời nhắc nhở với mỗi người chúng ta. Chúng ta không trực tiếp chứng kiến những phép lạ Chúa đã làm nhưng chúng ta có rất nhiều chứng tá về quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, về những việc kỳ diệu Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Thế nhưng chúng ta vẫn chai lì trong nếp sống cũ, vẫn cứng cỏi cố chấp trong những lỗi lầm của mình.

Xin Chúa giúp con quyết tâm từ bỏ một tính xấu nào đó và thực tập một tính tốt ngược lại, để cây đời con ngày một được tỉa tót nên dẹp hơn nhờ bao nhiêu ân huệ Chúa ban trong cuộc đời.

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

XỨNG VỚI THẦY

Thư Hai - Tuần XV TN
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy”
Thập giá của tôi lúc này là gì? Tôi có dám ghé vai vác lấy mà bước theo Thầy hay ngoảnh mặt làm ngơ vì thập giá xem ra nặng nề quá đỗi!
Cuộc sống hàng ngày luôn cho tôi nhiều cơ hội để lựa chọn. Tôi thường lựa chọn đứng về phía Chúa hay quay lưng lại với Ngài?
Làm sao tôi dám nhận mình xứng đáng với Thầy bởi đòi hỏi của Thầy thật dứt khoát. Đó là một tình yêu không lựa chọn bởi Thầy luôn là ưu tiên số một: cha mẹ, con cái và ngay cả mạng sống đều phải nhường bước. Ngược lại, ai vì Danh Thầy mà làm, dù chỉ một việc rất nhỏ cũng sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.

Giúp giúp con luôn can dảm chọn Thầy trong mọi tình huống cuộc sống

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

HOÁN CẢI ĐỜI SỐNG



Thứ Ba tuần XV TN (Mt 11,20-24)
Đức Giê-su làm những phép lạ để bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời đó cũng là những dấu chỉ để dân chúng tin. Thế nhưng phần đông đã ngoảnh mặt làm ngơ.
Lý do có thể là họ cứng tin, cũng có thể là họ đã chai lỳ trong tội. Họ ưa thích lối sống dễ dãi, chiều chuộng thân xác. Cũng có thể họ thiếu khiêm tốn trong tương quan với Thiên Chúa.
Hậu quả là họ không xứng đáng với lòng nhân hậu và thương xót của Người.
Ngày nay, Thiên Chúa vẫn đang làm những dấu lạ và biểu lộ các dấu chỉ qua Giáo hội, qua các cộng đoàn đức tin, qua gia đình và thậm chí trong cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, chúng ta có thánh lễ hằng ngày, chúng ta nghe Lời Chúa thường xuyên, nhưng bấy nhiêu đó có đủ để hoán cải chúng ta? Chúng ta có mấy khi quyết tâm thay đổi lối sống vì Chúa và vì Tin Mừng? Liệu chúng ta có đáng được xót thương hơn những người ở Kho-ra-din, Bết-xai-đa hay Ca-phác-na-um?

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

TÌNH YÊU TRONG CHÚA



Thứ Hai tuần XV TN (Mt 10,34-11,1)
Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.
Bác sĩ Bogdan Chazan, người Ba Lan đã bị mất việc sau khi từ chối phá thai cho một phụ nữ cũng như không giới thiệu cô ta cho một bác sĩ khác. Ông là một trong 300 bác sĩ đã ký vào bản “Tuyên bố của đức tin” và chủ trương luật của nhà nước không thể cao hơn luật của luân lý.
Nếu yêu bản thân mình hơn, nếu yêu gia đình mình hơn, có lẽ vị bác sĩ trên đã thực hiện ca phá thai. Thế nhưng không, đối với ông, luật luân lý (hay luật của Thiên Chúa) thì cao trọng hơn. Và vì yêu Chúa nên ông chấp nhận phần thiệt thòi để luật của Chúa được thực thi.
Lời Chúa hôm nay đòi ta phải yêu mến Chúa hơn ai hết. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ yêu mến Chúa mà không quan tâm đến người khác. Đúng hơn, tình yêu của chúng ta dành cho nhau phải được nối kết với tình yêu dành cho Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa thì tình yêu chúng ta dành cho nhau mới đạt đến giá trị trọn vẹn.
Trong mọi quyết định, xin Chúa giúp con đặt tình yêu Chúa lên hàng đầu để nhờ đó chúng con luôn đúng theo thánh ý Chúa.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Ai là người thân cận của tôi ? (Lc 10, 25-37)

Chúa nhật XV, năm C

Bài Tin mừng ngày hôm nay đưa chúng ta vào trọng tâm của giáo lý Do Thái giáo và Ki-tô giáo. Thực vậy, nhà thông luật đã đại diện cho toàn thể các tín hữu mọi thời đại để hỏi Đức Giê-su (dù cho ông chỉ muốn thử Người) câu hỏi quan trọng nhất: Phải làm gì để được sự sống đời đời? Qua câu trả lời của chính ông, một cách gián tiếp, Đức Giê-su cũng trả lời cho tất cả chúng ta bằng cách nhắc lại điều răn của Cựu Ước. Một điều răn căn bản mà hầu như tất cả mọi người đều biết, đó là luật mến Chúa và yêu người mà Cựu Ước đã thường xuyên nhắc đi nhắc lại.
Tuy nhiên nhà thông luật đã nêu lên một vấn nạn quan trọng, đó là: Ai là người thân cận của tôi? Theo ngôn ngữ tiếng Việt, người thân cận ám chỉ những người bà con trong gia đình, chòm xóm láng giềng gần gũi hay bạn bè thân thuộc. Xa hơn nữa, người thân cận ám chỉ những người nghèo khổ khó khăn cần sự giúp đỡ. Đây cũng chính là quan niệm của người Do Thái.
Theo não trạng của người Do Thái, chỉ những người Do Thái mới là thân cận của nhau. Còn những người khác như dân ngoại, người Sa-ma-ri không những không phải là người thân cận mà còn là những người đáng ghê tởm vì họ không cùng tôn giáo. Dù cho sách Lê-vi (x. Lv 19, 34) và sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 10, 18-19) dạy rằng những người ngoại kiều sống trong đất Do Thái cũng phải được đối xử tử tế và được yêu mến nhưng thực tế thì điều đó rất khó xảy ra.

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Tình yêu và hy lễ (Mt 12,1-8)

Tuần XV -Thứ Sáu

Một vài bạn trẻ thường tâm sự với tôi: “Em muốn đi tu nhưng thấy mình tội lỗi, không xứng đáng.” Em ý thức tình trạng tội lỗi của mình và thấy không xứng đáng, điều đó thật đúng và tốt. Thế nhưng không phải vì thế mà ta không “dám” đi tu, bởi xét cho cùng thì chẳng có ai trên cõi đời này là “xứng đáng” với Thiên Chúa.

Hiến dâng cho Chúa một tâm hồn trong trắng quả là tốt nhưng điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa từ chối một tâm hồn “hoen ố”, bởi Đức Giê-su đến là để tìm và cứu những gì đã mất (x. Lc 19,10). Điều quan trọng trong tương quan với Thiên Chúa chính là tình yêu. Dù cho tâm hồn có hoen ố nhưng nếu biết hối cải thì sẽ được tha thứ, và ai được tha thứ nhiều thì sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn (x. Lc 7,47).

Thực vậy, điều Thiên Chúa chờ đợi nơi những chính là tình yêu, sự nhận biết Thiên Chúa và vâng phục thánh ý Người chứ không phải là hy lễ hay hy tế (Hs 6,6; 1Sm 15,22). Vì thực ra, Thiên Chúa đâu cần hy tế hay hy lễ. Hy lễ là sản phẩm của con người dâng lên Thiên Chúa để bày tỏ lòng tôn kính của mình. Thế nhưng, Thiên Chúa muốn chúng ta đáp trả tình yêu của Người bằng chính cuộc sống của ta. Thiên Chúa muốn ta đến với Người không phải với hy lễ nhưng với tình yêu.

Trong cuộc sống, liệu chúng ta đã đáp ứng sự chờ đợi của Người? Liệu chúng ta có nhận ra Người trong mọi biến cố của đời sống? Liệu chúng ta đã vâng phục thánh ý Người với tất cả tình yêu?

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Lựa chọn theo Thầy (Mt 10,34-11,1)

Tuần XV - thứ Hai
Theo hay không theo Đức Giê-su, đó là lựa chọn riêng của mỗi người. Mỗi người được tự do lựa chọn và hãy can đảm chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Đây là lựa chọn ưu tiên số một, là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời. Mọi lựa chọn khác sẽ tùy thuộc và uy hướng về lựa chọn này.
Trong cuộc sống mỗi ngày, tôi có rất nhiều lựa chọn phải quyết định. Tôi đã lựa chọn như thế nào? Đâu là ưu tiên số một của tôi?
Lạy Chúa Giê-su, xin hãy giúp chúng con có những lựa chọn đúng theo ý Chúa, để những quyết định này mang lại hạnh phúc cho chúng con và đem chúng con đến gần Chúa.

Hoán cải đời sống (Mt 11,20-24)


Tuần XV - thứ Ba

Đức Giê-su làm những phép lạ để bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời đó cũng là những dấu chỉ dân chúng tin. Thế nhưng phần đông đã ngoảnh mặt làm ngơ.

Lý do có thể là họ cứng tin, cũng có thể là họ đã chai lý trong tội, họ ưa thích lối sống dễ dãi, chiều chuộng thân xác, cũng có thể họ thiếu khiêm tốn trong tương quan với Thiên Chúa.

Hậu quả là họ không xứng đáng với lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa.

Ngày nay, Thiên Chúa vẫn đang làm những dấu lạ và biểu lộ các dấu chỉ qua Giáo hội, qua các cộng đoàn đức tin, qua gia đình và thậm chí trong cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, chúng ta có thánh lễ hằng ngày, chúng ta nghe Lời Chúa thường xuyên, nhưng bấy nhiêu đó có đủ để hoán cải chúng ta? Chúng ta có mấy khi quyết tâm thay đổi lối sống vì Chúa và vì Tin Mừng? Liệu chúng ta có đáng được xót thương hơn những người ở Kho-ra-din, Bết-xai-đa hay Ca-phác-na-um?

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Gánh nặng (Mt 11,28-30)

Tuần XV - thứ Năm

Có những người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng hàng ngày phải mang trên vai gánh nặng hàng hóa để tìm kế mưu sinh. Sáng sáng, những chiếc xe hon đa chất đầy hàng xuôi ngược khắp các nẻo đường thành phố mong giải quyết chuyện cơm áo gạo tiền.
Có những người làm việc nhẹ nhàng nhưng đầu óc luôn trĩu nặng những con số. Có những người quyền cao chức trọng nhưng luôn bị áp lực đè bẹp. Có những người thành công trong sự nghiệp nhưng luôn lo lắng cho gánh nặng gia đình, con cái. Có những người thành tâm dâng hiến luôn ưu tư gánh nặng cuộc đời.
“Gánh nặng” luôn sẵn sàng để chất lên vai bất kể người nào. Chẳng ai bước vào đời với tư thế hoàn toàn thong dong tự tại. Ngay cả Đấng “không có chỗ tựa đầu” cũng ưu tư khắc khoải trước nỗi khổ của con người. Có điều “ách” của Người thì êm ái và “gánh” của Người thì nhẹ nhàng. Ách êm í và gánh nhẹ nhàng không phải vì Người là Chúa nhưng vì Người đã tự nguyện mang lấy thân phận con người cũng như tất cả những hệ lụy mà thân phận này phải chịu, ngoại trừ tội lỗi. Vì yêu thương, Người đã tự nguyện đón nhận và hóa giải tất cả, qua đó, Người cũng mời gọi chúng ta hãy đến với Người, không phải để được “cất” đi gánh nặng nhưng là để “cùng” vác với Người.
Tình yêu sẽ biến đổi tất cả. Giống như một bé gái kia, suốt ngày cõng đứa em tật nguyền trên lưng mình. Mọi người thương cảm: “Tội nghiệp đứa bé! Suốt ngày phải mang một gánh nặng trên vai.” Nghe vậy, em vui vẻ trả lời: “Cháu đâu có mang một gánh nặng đâu, cháu cõng em cháu mà!” Vâng, với mọi người, đứa bé tật nguyền là một gánh nặng, nhưng với bé gái, đó chính là em mình. Với lòng thương hại, đó là một gánh nặng nhưng với tình thương, đó là một Người Em.
Tình yêu sẽ biến đổi gánh nặng nên nhẹ nhàng, êm ái. Nhất là khi ta mang những gánh nặng đó với tình yêu của Đức Giê-su. Vì vậy, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Giê-su, ví chính Người sẽ cho ta được nghỉ ngơi dưỡng sức.

Ai là người thân cận của tôi ?


CHÚA NHẬT 15C - THƯỜNG NIÊN (Lc 10, 25-37)

Ai là người thân cận của tôi ?

Bài Tin mừng ngày hôm nay đưa chúng ta vào trọng tâm của giáo lý Do Thái giáo và Ki-tô giáo. Thực vậy, nhà thông luật đã đại diện cho toàn thể các tín hữu mọi thời đại để hỏi Đức Giê-su (dù cho ông chỉ muốn thử Người) câu hỏi quan trọng nhất: Phải làm gì để được sự sống đời đời? Qua câu trả lời của chính ông, một cách gián tiếp, Đức Giê-su cũng trả lời cho tất cả chúng ta bằng cách nhắc lại điều răn của Cựu Ước. Một điều răn căn bản mà hầu như tất cả mọi người đều biết, đó là luật mến Chúa và yêu người mà Cựu Ước đã thường xuyên nhắc đi nhắc lại.

Tuy nhiên nhà thông luật đã nêu lên một vấn nạn quan trọng, đó là: Ai là người thân cận của tôi? Theo ngôn ngữ tiếng Việt, người thân cận ám chỉ những người bà con trong gia đình, chòm xóm láng giềng gần gũi hay bạn bè thân thuộc. Xa hơn nữa, người thân cận ám chỉ những người nghèo khổ khó khăn cần sự giúp đỡ. Đây cũng chính là quan niệm của người Do Thái.

Theo não trạng của người Do Thái, chỉ những người Do Thái mới là thân cận của nhau. Còn những người khác như dân ngoại, người Sa-ma-ri không những không phải là người thân cận mà còn là những người đáng ghê tởm vì họ không cùng tôn giáo. Dù cho sách Lê-vi (x. Lv 19, 34) và sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 10, 18-19) dạy rằng những người ngoại kiều sống trong đất Do Thái cũng phải được đối xử tử tế và được yêu mến nhưng thực tế thì điều đó rất khó xảy ra.

Đức Giê-su biết rõ não trạng này nên Người đã dùng dụ ngôn “người Sa-ma-ri tốt lành” để trả lời cho nhà thông luật. Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su cho thấy người thân cận không còn giới hạn trong dân Do Thái với nhau mà thôi. Nếu như người Sa-ma-ri đã thực thi lòng thương xót với người Do Thái bị nạn thì ông chính là người thân cận của người bị nạn. Hay nói chính xác hơn, ai thực thi lòng bác ái với người khác thì họ trở thành người thân cận của chính người đó. Với quan niệm này, khái niệm “người thân cận” được mở rộng cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo. Khái niệm “người thân cận” từ đây chỉ dành cho những người biết yêu thương nhau.

Đức Giê-su còn đi xa hơn khi bảo người thông luật: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”. Đây là một lời mời gọi, một lời khuyến khích chọn lối sống chủ động. Thay vì hỏi ai là người thân cận của tôi thì ta phải chủ động trở nên người thân cận của mọi người.





Lời Chúa hôm nay quả là một lời mời gọi thiết thực cho đời sống đạo của chúng ta. Chúng ta vẫn hay quen với câu hỏi thụ động ai là thân cận của tôi và thông thường chúng ta mặc định người thân cận là những người thân bên cạnh chúng ta. Câu hỏi và câu trả lời này không sai nhưng nó chưa đủ để diễn tả tinh thần của người môn đệ Đức Giê-su. Chúng ta cần đặt lại câu hỏi tôi là người thân cận của ai và hãy bắt chước hành động của người Sa-ma-ri tốt lành cũng như thực thi lời động viên của Đức Giê-su: hãy đi và làm như vậy.

Xã hội ngày nay có biết bao người gặp nạn đang cần sự giúp đỡ. Họ có thể là nạn nhân của nghèo đói, bệnh tật; của bất công, kỳ thị. Họ cũng có thể là những người cô đơn, thất vọng, khô khan, buồn chán và nhiều lắm những nạn nhân của kinh tế, xã hội và chính trị. Thế nhưng những người Sa-ma-ri tốt lành lại ít xuất hiện. Biết bao người đi qua mới có một người mủi lòng cúi xuống trước những nạn nhân xấu số. Đôi khi chính những quy tắc xã hội lại tạo nên những rào cản khiến cho người ta ngại ngùng dừng chân để liên lụy vào cuộc đời người khác.

Thực vậy, để bỏ ra một ít tiền của giúp đỡ người khác thì dễ nhưng để “liên lụy” với họ thì thật là khó. Chẳng hạn khi gặp một tai nạn ngoài đường, người ta ngại dừng lại để đưa nạn nhân vào bệnh viện, không phải vì họ thờ ơ cho bằng họ ngại những thủ tục rườm rà kéo theo. Đó là chưa kể đến căn bệnh vô cảm mà ngày nay nhiều người đang lên án và tìm cách “chữa trị”.

Là người Ki-tô hữu, chúng ta không những không được phép vô cảm nhưng còn phải biết thực thi lời mời gọi của Đức Giê-su. Nếu mỗi người đều ý thức và chủ động ra đi để trở thành người thân cận của người khác thì Giáo hội sẽ phản ánh trung thực hơn hình ảnh của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng là đầu của Giáo hội.