Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Những con đường

Cơn khủng hoảng ý nghĩa
Cha Timothy Radcliffe, nguyên Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh, thường đề cập đến cơn khủng hoảng ý nghĩa trong thời đại ngày nay. Đặc biệt là khủng hoảng về ý nghĩa của ngôn từ. Cơn khủng hoảng này không chỉ diễn ra ở Âu châu nhưng lan rộng khắp thế giới và len lỏi vào từng con nguời chúng ta. Việt Nam, một nước chịu ảnh hưởng khá lớn tinh thần quân tử của Nho giáo (Tử Cống hỏi thế nào là quân tử. Khổng Tử đáp: làm trước điều mình muốn nói rồi hãy nói sau”)[1]. Thế nhưng, khi những thế hệ Nho giáo thâm niên không còn nữa thì cơn khủng hoảng này càng tấn công một cách mạnh bạo hơn. Điều này dễ nhận biết qua tivi, báo chí hằng ngày.
Đôi khi nghĩ lại mình thấy cũng hổ thẹn. Biết bao lần tôi viết với lời lẽ văn chương, những hô hào đầy cả “tâm huyết” nhưng thực lòng nhìn lại thấy đó chỉ mới là những thao thức mang tính “ngẫu hứng” chứ chưa phải là lối sống của bản thân !
Bao lần phát biểu, tôi dùng thuật hùng biện để phân tích, nhận định và thậm chí lên án người khác, có khi họ là những “đấng bậc” trên mình, trong khi bản thân chưa dám hay chưa đứng vào vai trò và vị trí của họ !
Trong cuộc sống hằng ngày, biết bao lần tôi lớn tiếng khuyên can, phê bình hoặc “thuyết” anh em nhưng đôi lúc nhìn lại cảm thấy xấu hổ vì mình cũng chẳng khác gì họ !
Có người đã nói : con đường dài nhất là con đường từ cái miệng đến đôi tay. Quả thật, bản thân tôi thấy còn xa lắm con đường từ lời nói đến việc làm !
Dĩ nhiên, trước thực tế này tôi không được phép “ngậm miệng làm thinh”, cũng không “khoanh tay bất động”. Tôi phải tìm cho mình con đường để ra khỏi sa mạc cái vô nghĩa này.
Câu chuyện về Gandhi
Gandhi được coi là một đấng thánh của người dân Ấn Độ. Ông là người đã chủ trương dùng chính sách bất bạo động để đưa dân tộc thoát khỏi sự cai trị của thực dân Anh. Ông là người gần gũi và có ảnh hưởng rất lớn đối với mọi người nên được dân tin cậy. Việc gì cũng đến xin ý kiến ông. Lần nọ có một bà mẹ dẫn con gái đến nhờ ông khuyên bảo nó bỏ thói quen ăn quá nhiều đường. Bà đã khuyên răn mãi nhưng nó không nghe. Ông nhìn đứa bé suy nghĩ rồi hẹn bà mẹ ba tuần sau hãy trở lại. Sau ba tuần, bà mẹ dắt cháu bé đến. Ông trìu mến nhìn đứa bé rồi nhẹ nhàng khuyên “con à, ăn đường nhiều không tốt đâu nó sẽ khiến con bị sâu răn đó. Con hãy cố gắng từ bỏ tật xấu này đi nhé !”. Đứa bé chăm chú lắng nghe và sau đó từ bỏ hẳn tật ăn nhiều đường. Mẹ đứa bé rất mừng nhưng vẫn lấy làm thắc mắc nên đã trở lại hỏi
Gandhi tại sao chỉ một lời khuyên đơn giản vậy thôi mà lại phải hẹn đến ba tuần. Ông chậm rãi đáp :  vì trước đó tôi cũng thích ăn ngọt, tôi không chắc mình có từ bỏ được thói xấu đó không nên phải dành ba tuần để tập trước. Sau khi đã bỏ được rồi tôi mới dám khuyên cháu.
Con đường của cha thánh Đa Minh
Cha Đa Minh đã sáng lập Dòng Anh Em Giảng thuyết. Thế nhưng tôi thấy lịch sử dường như ít nói về cha như một nhà hùng biện trứ danh. Ngược lại, đời sống chứng tá của cha được tô đậm rõ nét. Khi đang theo học tại Palencia, xảy ra một nạn đói khủng khiếp, cha đã bán hết sách vở và cả đồ dùng của mình để lập một “quỹ bố thí” nhằm trợ giúp cho người nghèo. Sáng kiến quảng đại này đã kéo théo sự hưởng ứng của các bạn học và cả các giáo sư trong trường.[2]Cha rất dễ động lòng trắc ẩn trước những nỗi đau của con nguời và thường thức suốt đêm để cầu nguyện cho các tội nhân.
Để rao giảng về đức thanh bần, cha thánh đã sống triệt để theo tinh thần của các tông đồ ; chấp nhận sự bấp bênh để hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào tình yêu Thiên Chúa quan phòng.
Kế thừa con đường đấng tổ phụ đã lập ra, Dòng Đa Minh ngày nay cũng đã xác định : “Mối bận tâm duy nhất của nguời giảng thuyết là trở nên đồng hóa với Lời của Đức Kitô, để rồi lời loan báo của nguời giảng thuyết chính là Lời Đức Kitô[3] và “tác vụ Lời không chỉ thể hiện qua lời giảng mà còn bao trùm cả cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đoàn[4].
Nhà giảng thuyết không rao giảng những sự “trên trời” nhưng rao giảng những gì gắn bó với con người, bởi Ngôi Lời đã từ trời xuống thế để mặc lấy xác phàm và rao giảng những gì đụng chạm đến con người cụ thể của thời đại.
Con đường của Ngôi Lời
Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ thể hiện qua lời các ngôn sứ mà qua các hành động. Tình yêu ấy thể hiện trọn vẹn qua mầu nhiệm Nhập Thể. Chúa Giêsu chính là con đường (Ga 14,6). Nhờ Ngài tình yêu Chúa Cha dành cho con người được mạc khải trọn vẹn và qua Ngài con người đến với Chúa Cha. Con đường của Chúa Giêsu là hòa mình vào dòng chảy của lịch sử xã hội. Ngài sống trong một thôn làng với cả những hoàn cảnh lịch sử, những đặc điểm của xã hội bấy giờ.  Chúa Giêsu không chỉ dạy về khó nghèo nhưng trên hết Ngài đã sống khó nghèo. “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu”(Mt 8,20). Không chỉ dạy về tha thứ nhưng đã tha thứ cho chính kẻ đã hành hạ mình. Không chỉ dạy về yêu thương nhưng đã yêu thương hết mọi người : Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, vào nhà ông Yakêu, để “gái điếm” rửa chân mình, trò chuyện với người phụ nữ Samari v.v.. Khi thấy dân chúng bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, Ngài không chỉ động lòng thương như các môn đệ nhưng đã hành động. Hoá bánh ra nhiều. Cuối cùng Ngài hiến chính thân mình làm bánh trường sinh.
Có thể thấy cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc đời hành động. Hành trình ba năm rao giảng là hành trình di chuyển liên tục. Đến đâu, Ngài cũng rao giảng và làm những dấu lạ (x. Lc 4).
Con đường cho tôi
Kinh nghiệm cho thấy, con đường ngắn nhất là con đường mình biết rõ nhất. Dĩ nhiên, nó sẽ không ngắn nhất cho mọi người nhưng vì tôi thường xuyên đi trên đó, đã quen với những khúc quanh, những ghồ ghề và do đó nó sẽ là ngắn nhất.
Con đường từ cái miệng đến đôi tay quả là dài thật. Thế nhưng đó là con đường của chính Chúa Giêsu, là con đường thánh Đa Minh thao thức và Gandhi đã chọn. Là môn đệ của thầy Giêsu, là con cái của thánh Đa Minh và là người ngưỡng mộ Gandhi, dĩ nhiên tôi sẽ chọn con đường này, dẫu biết rằng nó là con đường dài và chông chênh, đòi hỏi nhiều hi sinh, kiên nhẫn và quyết tâm. Dù chỉ là một lời khuyên đơn giản, Gandhi phải mất ba tuần để sống lời khuyên đó. Vì vậy, tôi ý thức mình sẽ dành trọn thời gian để đi con đường này. Tôi biết tôi sẽ phải đi nhiều lần, phải đón nhận và làm quen với những ghồ ghề, quanh co của cuộc sống để rút ngắn dần con đường này. Ước mong một lúc nào đó, tôi có thể hãnh diện mà thốt lên như thánh Giacôbê “Bạn thử cho tôi biết thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2, 18).


[1] Luận ngữ, II. 13.
[2]  Thánh Đa Minh, ân sủng Lời Chúa, Guy Bedouelle, o.p., tủ sách Đại Kết, 1992, trang 61.
[3]  Anh Em Giảng thuyết hay Anh Em Đa Minh, Guy Bedouelle và Alain Quilici, trang 93.
[4]  Sđd, trang 83.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét