Hiển thị các bài đăng có nhãn tháng 10. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tháng 10. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Thánh Giuđa-Tađêô Tông đồ

Ngày 28: Thánh Tađêô Tông đồ

Theo ý kiến các Thánh Giáo Phụ và Thánh Sử thì Thánh Giuđa Tađđêô Tông Đồ thuộc hoàng tộc Đavít. Thật vậy, thân phụ Thánh Tađđêô - ông Clêôpha - là bào huynh của Thánh Cả GIUSE. Thân mẫu Thánh Giuđa Tađđêô - bà Maria Clêôpha - là chị em họ với Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA.

Thánh Giuđa Tađđêô là một trong 12 Tông Đồ và theo Thánh sử Marcô, ngài chiếm hàng thứ 10, còn theo Thánh sử Luca, ngài xếp hàng thứ 11.

Lãnh vực hoạt động tông đồ của Thánh Tađđêô thật mênh mông. Trước tiên, ngài rao giảng Tin Mừng tại Giuđêa, rồi đến Mesopotamia và sau cùng tại Ba-Tư. Đi đến đâu, Thánh Tađđêô đều phổ biến chân lý Ngôi Lời nhập thể và làm nhiều phép lạ nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Rất đông môn đệ theo ngài và con số Kitô-hữu mỗi ngày một gia tăng. Ngài chỉ định các phó tế, Linh Mục, Giám Mục và thành lập các giáo đoàn địa phương tại tất cả nơi nào ngài truyền đạo.

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi, Kinh Hòa Bình

Tuy việc lần hạt Mân Côi đã có từ thời Trung cổ nhưng lễ kính Đức Mẹ Mân Côi mới được đức Piô V, một tu sĩ Dòng Đa Minh, thành lập năm 1573[i], để tạ ơn Thiên Chúa sau cuộc chiến thắng của đạo quân Công giáo ở Lepanto[ii] vào ngày 07.10.1571. Để quãng bá ngày lễ này, Dòng Đa Minh đã dành ra 15 ngày thứ Bảy và một tháng trước đó để chuẩn bị. Thay vì dâng hoa như trong tháng 5, việc đạo đức chính trong tháng 10 là lần hạt Mân Côi. Tại các nhà thờ Dòng Đa Minh, các cha cũng lợi dụng dịp này để thuyết giảng không những về Đức Ma-ri-a mà còn về toàn bộ đức tin Ki-tô giáo, tóm lại trong 15 mầu nhiệm kính nhớ việc Nhập thể và Cứu chuộc của Đức Ki-tô. Tục lệ này được đẩy mạnh hơn nữa vào hai thế kỷ 19 và 20 cùng với những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và Fatima.
Hội Mân Côi đã được cha Michele Francois, một tu sĩ Dòng Đa Minh chính thức thành lập tại thành phố Koeln, nước Đức ngày 08.09.1475. Nhờ sự rao giảng của các cha Dòng Đa Minh, Hội Mân Côi nhanh chóng truyền bá đi khắp nơi. Vào ngày 07.10.1571, các hội viên Hội Mân Côi tụ họp nhau cầu nguyện, xin Đức Ma-ri-a ban ơn thắng trận. Vì thế Đức Giáo hoàng nhìn nhận chiến thắng này là hồng ân nhờ lời chuyển cầu của Đức Ma-ri-a.
Ngày nay, Giáo hội khuyến khích đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình.trong Tông thư Kinh Mân Côi được Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.10.2002 có đoạn viết : “Một số hoàn cảnh lịch sử cũng khiến cho việc phục hồi Kinh mân nên hợp thời. Trước tiên, nhu cầu nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bình an. Kinh mân côi đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi nhiều lần đề nghị như một lời kinh cầu cho hoà bình. Vào lúc khởi đầu một ngàn năm mới với biến cố tấn công gây kinh hãi ngày 11.9.2001, chứng kiến mỗi ngày tại nhiều miền trên thế giới những cảnh đổ máu và bạo lực, khám phá lại Kinh mân côi có nghĩa là chìm sâu vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Ki-tô Đấng là bình an của chúng ta, bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,14). Vì thế, ta không thể đọc Kinh mân côi mà không cảm thấy thôi thúc dấn thân cách cụ thể để kiến tạo hoà bình, đặc biệt tại quê hương Đức Giê-su, đang bị thử thách nặng nề và đặc biệt gần gũi trong trái tim của mọi ki-tô hữu.” (số 6).

Tài liệu tham khảo
Phan Tấn Thành, O.P., Hiểu để sống đức tin, tập 1
Tông thư Kinh Mân Côi




[i] Đức Piô V bày tỏ ước muốn thiết lập lễ này nhưng ngài lại qua đời sớm, một năm sau, người kế nhiệm là Đức giáo hoàng Grêgôriô III chính thức thiết lập.
[ii] Sự bành trướng của Hồi giáo là nguy cơ lớn cho sự tồn tại của Ki-tô giáo. Đức Giáo hoàng Piô V đã phải đứng ra lập một liên quân Công giáo để chống lại sự bành trướng này. Trước khi lâm trận, ngài đã tổ chức tại Rôma ba ngày rước kiệu và đền tội. Ngài cũng kêu gọi các hồng y ăn chay mỗi tuần một ngày để cầu nguyện.

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Các thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng

Ngày 02: Các thiên thần hộ thủ

Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. (Tv 91,11-12). Lời này phải khơi dậy nơi bạn lòng cung kính, đem lại cho bạn lòng sùng mộ, và truyền đạt cho bạn niềm tin tưởng lớn lao biết chừng nào! Cung kính vì sự hiện diện của các ngài, sốt sắng vì lòng nhân từ của các ngài, tin tưởng vì được các ngài bao bọc chở che (Bài giảng của thánh Bênađo, viện phụ).

Quả thật, lời Thánh vịnh thật ngọt ngào biết bao: con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm (Tv 8,5 ). Dù con người tội lỗi và hay phản bội, thế nhưng Chúa đã cho Con Một đến để cứu độ, đã ban Thánh Thần để dẫn dắt và truyền cho thiên sứ giữ gìn ngày đêm. Rồi đây, con người sẽ cùng với các thiên sứ cất tiếng ca tụng Chúa trong Thành Đô của người.

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Giữa lòng Hội thánh, tôi sẽ là tình yêu

Ngày 1: Thánh Têrêxa Hài đồng Giê-su

Nếu Hội thánh là có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Em hiểu rằng Hội thánh có một trái tim và trái tim đó bừng cháy tình yêu. Em hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ chẳng đổ máu mình ra…(trích sách Tự thuật của thánh Têrêxa Hài đồng Giê-su).

Têrêxa sinh năm 1873 và mất năm 1897 tại Pháp, trong một gia đình có 9 người con, tuy nhiên chỉ có 5 cô con gái còn sống. Điều tuyệt vời là cả 5 cô đều đi tu! Mới bốn tuổi, mẹ Têrêxa qua đời, thế là chị lớn lên trong vòng tay yêu thương của người cha. Với quyết tâm tận hiến đời mình cho Chúa, chị đã xin vào Đan viện Cát Minh khi mới 15 tuổi. Vì chưa đủ tuổi nên chị đã xin đặc ân của Đức Giáo hoàng. Năm 24 tuổi chị qua đời trong tu viện. 28 năm sau, chị được Đức Giáo hoàng Piô XI phong hiển thánh, và đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo. Sau đó chị được đặt làm quan thầy thứ hai của nước Pháp. Năm 1997, chị được Đức Gioan Phaolô II phong tiến sĩ Hội thánh. Con đường nên thánh của Chị có thể tóm lại trong hai chữ: Tình Yêu.