Hiển thị các bài đăng có nhãn mùa chay và phục sinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn mùa chay và phục sinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2025

 

GIỮ CHAY ĐỂ SỐNG GẦN CHÚA HƠN

SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ 6 SAU LỄ TRO

Hai chữ Mùa Chay dễ khiến ta hiểu lầm mùa này chỉ tập trung vào việc ăn chay. Thực ra theo tiếng La Tinh, mùa này được gọi là mùa 40, chỉ thời gian mời gọi ta không chỉ sám hối mà để tập luyện nhằm củng cố đức tin, biến đổi đời sống theo Tin Mừng nhằm chuẩn bị mừng Đại Lễ Phục Sinh.

Thậm chí ngay cả khi giữ chay, trọng tâm cũng không phải là việc ăn uống cho bằng thái độ sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói khi chằng rễ còn hiện diện thì hãy vui mừng đã, khi nào chàng rễ bị đem đi thì mới ăn chay. Như vậy, trọng tâm của việc giữ chay là sống kết hiệp với chàng rễ là chính Chúa Giêsu. Giữ chay không phải quy về mình nhưng là hướng về Chúa, làm sao để việc giữ chay giúp ta đến gần Chúa hơn.

Ước gì trong mùa 40 này, mỗi người biết giữ chay như thế nào để có thể gắn bó với Chúa cách mật thiết hơn.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - CHÚA NHẬT 1: THIÊN CHÚA LUÔN MỞ RA MỘT CON ĐƯỜNG

 

LỜI HẰNG SỐNG: Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. (1Pr 3,18)

LỜI SUY NIỆM: Thiên Chúa như người cha, cương quyết trước tội lỗi của con mình nhưng luôn cho con một cơ hội để sửa đổi. Quả thật, Nguyên tổ phạm tội và phải lãnh lấy những hậu quả của nó cho cả giống nòi, nhưng Thiên Chúa lại hứa ban Đấng Cứu Thế để chuộc lại lỗi lầm thay cho nguyên tổ.

Trước tình trạng tội lỗi con người ngày càng lan rộng và nghiêm trọng, Thiên Chúa đã cho cơn lụt Hồng Thủy để cảnh cáo. Thế nhưng, Người vẫn mở ra một con đường sống dành cho gia đình Nôê, những người luôn sống đẹp lòng Chúa.

Thiên Chúa mở ra cơ hội nhưng con người phải biết nắm bắt thời cơ. Vậy làm thế nào để ta đón nhận ơn Cứu Độ của Thiên Chúa? Thưa, đó là hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Đây là con đường Thiên Chúa đã mở ra và mời gọi ta bước đi. Chúa mở ra con đường, Chúa nâng đỡ ta tiến bước, nhưng ta phải bước đi bằng đôi chân của chính mình. Sám hối là điều kiện để đón nhận ơn cứu độ. Sám hối toàn vẹn là tin và sống theo Tin Mừng. Tin Mừng trước hết là chính bản thân Chúa Giêsu, sau là chính giáo lý của Người. Tin vào Tin Mừng là tin Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ Thiên Chúa đã hứa ban và sống theo những điều Người dạy ta trong Tin Mừng. Đó là tất cả những gì chúng ta cần tin, cần giữ để đón nhận ơn Cứu Độ.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con, Chúa đã mở ra một con đường và luôn sẵn sàng để đồng hành với chúng con. Xin ban ơn can đảm và kiên trì để chúng con tiến bước trên con đường đó, dù có gặp muôn vàn khó khăn, vì chúng con tin, cuối con đường đó là chính Chúa đang đón đợi chúng con. Amen.

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - NGÀY THỨ 04: Loại bỏ những tật xấu

 

LỜI HẰNG SỐNG: "Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe doạ và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 58, 9-10)

LỜI SUY NIỆM: Cuối năm, một trong những thói quen của nhiều người là dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Khi dọn dẹp, ta loại bỏ những gì cũ kỹ không dùng đến, những gì hư hỏng hay những gì không có nhu cầu, nhớ đó, ngôi nhà trở nên gọn gàng, rộng rãi và có thể để thêm nhiều cái mới.

Cũng thế, chúng ta cần dọn tâm hồn mình một cách thường xuyên, nhất là trong mùa Chay thánh này. Lời Chúa qua ngôn sứ Isaia mời gọi ta loại bỏ những cử chỉ, lời nói gây hại cho người khác, đồng thời tập luyện những điều tốt như nhường miếng ăn cho kẻ đói, an ủi, nâng đỡ những người bị khinh thường.

Vậy mỗi người hãy nhìn lại tâm hồn hồn, xem đâu là những cử chỉ, lời nói thường xuyên xúc phạm đến vợ, chồng, con cái, anh chị em, để cố gắng loại bỏ dần dần. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta trở nên trong sạch và gọn gàng để có thể đón nhận thêm những điều mới, điều hay. Đặc biệt, bí tích Hòa giải sẽ giúp ta loại bỏ những tật xấu để tâm hồn ta trở nên nơi ở xứng đáng hơn cho Chúa ngự vào.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, mỗi một mùa Chay là một cơ hội để chúng con sửa đổi đời sống và làm lại cuộc đời. Xin cho chúng con biết tận dụng cơ hội Chúa trao để nhìn lại bản thân, để đến với Chúa qua bí tích Hòa giải và nhờ đó, để xứng đáng mời Chúa ngự vào. Amen.

 



Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - NGÀY THỨ 03: Biết tội của mình


LỜI HẰNG SỐNG:
Thiên Chúa phán: "Ngươi hãy hô to, và loan báo cho dân Ta biết sự bất trung của họ, cho nhà Giacóp biết tội lỗi của nó” (Is 58, 1)

LỜI SUY NIỆM: Một trong những điều đáng sợ của virút Côrôna đó là người nhiễm lại không biết mình nhiễm cho đến khi có những triệu chúng rõ ràng và được xét nghiệm kiểm tra, khi biết mình bị nhiễm thì có thể đã lây lan cho bao người khác rồi.

Con người vốn mỏng dòn yếu đuối và dễ phạm tội, điều quan trọng là có nhận ra tội của mình để sửa đổi hay không? Có câu nói: phạm tội là con người nhưng ở lại trong tội là ma quỷ. Vì thế, nhận biết bản thân, xin ơn tha thứ và quyết tâm sửa đổi là điều quan trong trước mặt Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng nói: cả triều thần thiên quốc sẽ vui mừng hớn hở vì một người phạm tội biết ăn năn sám hối (x. Lc 15,10).

Mùa Chay là mùa thao luyện thiêng liêng. Chúng ta được mời gọi luyện tập từ những điều rất đơn giản: Mỗi tối, hãy dành vài phút thinh lặng, khiêm tốn nhìn lại đời sống để chân thành xưng thú với Chúa và làm hòa với anh chị em của mình.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con Chúa đã lập Bí tích Hòa giải để chúng con có cơ hội nhìn lại đời sống, thực lòng sám hối và quyết tâm sửa đổi. Xin ơn Chúa giúp chúng con biết nhận ra giới hạn bản thân để sống tốt hơn trong mùa Chay Thánh này.

 



HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - NGÀY THỨ 02: Hãy chọn lựa sự sống


LỜI HẰNG SỐNG:
Vậy hãy chọn lựa sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống. (Dnl 30, 19).

LỜI SUY NIỆM: Trong những ngày cận kề tết, nhiều người than vãn: mất tết rồi. thế nhưng, cũng có người đặt câu hỏi: muốn mất tết hay mất mạng? Mất tết ai cũng buồn, nhưng nếu mất mạng thì mất luôn cả tết!

Lời Chúa hôm nay ghi lại những lời trăn trối của Mô-sê, ông không bắt buộc nhưng phân tích để dân hiểu và tự mình đưa ra sự lựa chọn: Hoặc là yêu mến Thiên Chúa, nghe theo Lời Người để được sống, hoặc là sống theo bản năng của mình thì sẽ chết. Hiển nhiên dân chọn Đức Chúa để được sống.

Mùa chay, chúng ta được mời gọi nhìn lại những lựa chọn cơ bản của đời mình: nghe theo Lời Chúa hay sống theo bản năng; đời tạm hay đời đời; sám hối hay ngoan cố; hạnh phúc hay đổ vỡ; an vui hay giận hờn.

Trên lý thuyết hẳn ai cũng biết điều phải lựa chọn, nhưng để sống sự lựa chọn đó mỗi ngày thì cần ơn Chúa trợ giúp và nổ lực mỗi ngày.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đứng trước muôn vàn lựa chọn, xin cho con biết chọn Chúa. Trong mọi công việc, suy nghĩ và lời nói, xin cho con biết chọn lựa những gì để qua đó Chúa được tôn vinh. Trong gia đình, xin cho con biết chọn lựa những gì mang lại hạnh phúc cho nhau. Trong tương quan với tha nhân, xin cho con chọn lựa những gì mang lại niềm vui và bình an.

 

HÀNH TRÌNH 40 NGÀY CHAY THÁNH - NGÀY THỨ 01: Hãy trở về

LỜI HẰNG SỐNG: Hãy trở về cùng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương. (Ge 2,12-13)

LỜI SUY NIỆM: Mùa Chay năm nay lại đồng thời điểm với mùa Covid thứ 3 tại Việt Nam. Lại một lần nữa, lời mời gọi quen thuộc “hãy ở yên” lại âm vang khắp nơi. Mọi người xem đã đã hiểu, đã ý thức và thực thi tốt.

Với các tín hữu, chúng ta có một lời mời gọi khác, cũng rất quen thuộc, đó là “Hãy trở về”.  Lời mời gọi không chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài, nhưng hệ tại ở tấm lòng : hãy thực lòng ăn năn thống hối. Lý do là vì Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương. Chúa luôn mong đợi những đứa con xa lạc trở về với Ngài.

Hãy trở về với gia đình, với người thân, với tình thương. Và quan trọng hơn, trở về với lòng mình để nhận ra những lỗi lầm thiếu xót, những bổn phận chưa chu toàn, những trách nhiệm còn dang dở. Hãy trở về để quyết tâm sửa đổi, để hoàn thiện bản thân và để thánh hóa chính mình.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy chúa, xin cho chúng con biết thực lòng trở về với Chúa qua việc cầu nguyện, lãnh nhận Bí tích Hòa giải, và nhất là tham dự thánh lễ. Xin cho chúng con cũng biết trở về với gia đình, với người thân qua việc gia tăng đức mến để sống yêu thương. Xin giúp con trở về với chính mình để thăng tiến bản thân, sống đúng ơn gọi làm con Chúa.

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2017

Đừng xao xuyến!

Chúa nhật 5 Phục Sinh (Ga 14,1-12)

“Chia tay” là cụm từ mà có lẽ chẳng ai muốn dùng đến. Chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đủ tạo cho ta những cảm xúc xao xuyến bồi hồi. Nhất là khi chia tay với một ai đã từng gắn bó lâu dài, thân mật với ta. Cảm giác xao xuyến khó chịu biết bao!
Các môn đệ cũng đã trải qua kinh nghiệm như thế trong buổi tiệc ly. Không bồi hồi xao xuyến sao được khi mà Đức Giêsu tiên báo trước sẽ có cuộc chia ly. Các ông đã gắn bó với Thầy suốt ba năm qua. Bao nhiêu bình an, vinh dự đều nhờ sự hiện diện của Thầy mà có. Các ông biết rõ “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Các ông cũng đã vài lần kinh nghiệm cảm giác vắng Thầy (Mt 14,22-33). Ôi! Đáng sợ biết bao! Bởi vậy, thật dễ hiểu khi các ông xao xuyến. Không gian như chùng xuống hẳn.
Đức Giêsu biết vậy nên trấn an các ông: Anh em đừng xao xuyến! Tại sao đừng xao xuyến? Đức Giêsu đưa ra ít là ba lý do:
Sự vắng mặt tạm thời: “Tạm thời” ở đây được hiểu theo hai nghĩa: thời gian và không gian. Xét về thời gian, Đức Giêsu chỉ vắng mặt một “ít lâu” mà thôi (Ga 16,16). Sau đó, Người sẽ trở lại để đem các ông đi. Xét về không gian, Đức Giêsu chỉ vắng mặt (vắng sự hiện diện thể lý) chứ không bỏ rơi hoàn toàn. Bằng chứng là sau khi sống lại và lên trời, Chúa vẫn tiếp tục hoạt động với các Tông đồ.
Thầy đi dọn chỗ cho anh em: Lời động viên thật ngọt ngào biết bao! Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi trước để dọn chỗ cho Anh em. Ngọt ngào ở chỗ Đức Giêsu cho ta biết “nhà Cha” có nhiều chỗ ở. Do vậy, chúng ta không sợ mất phần, bởi đơn giản, đó là nhà của Cha chúng ta. Chúng ta là con, chúng ta có phần dành sẵn cho mình rồi, không sợ thiếu, không sợ mất. Có điều là phải chuẩn bị chút thôi! Nhưng ai sẽ chuẩn bị chỗ ở cho ta. Là Đức Giêsu, Anh Cả của ta. Không ngọt ngào sao được, không xúc động sao được khi chính Đức Giêsu lại tự nguyện chuẩn bị chỗ ở cho ta. Thông thường, người bé phải phục vụ người lớn, người dưới phải phục vụ người trên. Nhưng ở đây, chính Đức Giêsu lại nêu gương phục vụ cho ta: Con Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mc 10,45). Còn lời an ủi nào ngọt ngào hơn nữa? Còn lý do gì nữa để mà xao xuyến?
Lời hứa ở bên nhau: Để trấn an thêm các môn đệ, Đức Giêsu hứa sẽ trở lại và đem anh em đi, để Thầy ở đâu thì anh em cũng sẽ ở đó. Còn gì sung sướng bằng! Còn gì hạnh phúc hơn! Thầy đã hứa không bỏ rơi, sẽ ở bên nhau mãi mãi. Đó là bảo đảm để anh em đừng xao xuyến.
Với những lý do đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy tin.
Anh chị em thân mến, lời hứa và lời mời gọi đó, ngày nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục đặt ra cho mỗi người chúng ta.
Ngày nay, có quá nhiều lý do khiến cho anh chị em xao xuyến. Đó không chỉ là cảm giác vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc đời mình, nhưng còn bao nhiêu thử thách khác đang vây bủa xung quanh. Làm sao để gìn giữ hạnh phúc gia đình tránh khỏi những đổ vỡ? Làm sao để đảm bảo kinh tế cho gia đình? Làm thế nào để bảo vệ con cái trước những lôi kéo của xã hội?
Như xưa, Chúa đã trấn an các môn đệ như thế nào, ngày nay, Chúa vẫn tiếp tục ngỏ lời với mỗi người chúng ta như thế.
Anh chị em đừng xao xuyến, vì có Chúa luôn ở bên chúng ta. Sự vắng mặt thể lý của Ngài chỉ là tạm thời. Ngài vẫn luôn đồng hành cách thiêng liêng bên cạnh chúng ta như xưa kia đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài sẵn sàng đưa tay nâng đỡ khi ta ngã ngục. Nhất là Ngài đã dọn sẵn cho ta một chỗ trong nhà Cha. Còn chần chờ gì nữa, hãy để lại những xao xuyến sau lưng và mặc lấy Thần khí Chúa để can đảm tiến bước về nhà Cha.


Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

HẬU PHỤC SINH


Còn hơn một tiếng nữa mới bắt đầu nghi thức Thứ Bảy Tuần Thánh, mình tranh thủ đi dạo một vòng trong làng. Từ xa đã thấy hai người đàn ông đang ngồi ngay trước cổng đường vào nhà thờ. Mình tiến lại bắt chuyện:
-         Hai anh ăn cơm chưa mà ngồi đây?
-         ồ, nhà có cái gì ăn đâu! Nhà nghèo lắm! lâu lâu có tí rau thôi chứ đâu có gì đâu!
Người đàn ông có vẻ lớn tuổi hơn trả lời. Giọng rụt rè.
Người còn lại điệu đứa con nhỏ, thậm chí chẳng thèm nhìn mình. Tay cầm hộp xôi – có lẽ mua ở đâu đó.
-         ồ, có xôi ăn là ngon rồi!
Đang tính kéo dài thêm câu chuyện thì đứa bé con chú Giáo phu gọi to,
-         cha ơi, về ăn cơm.
-         ừ, cha về ngay.
Mình đành chào hai ông để về thì cả hai đều mở to mắt nhìn mình.
- Cha hả, vậy mà cứ tưởng là công an
- Tưởng công an! Vậy hai hôm nay các ông không đi lễ à?
Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ mình cũng phải về ngay, phần để nhà chú Giáo phu khỏi phải đợi, phần để tránh cho hai ông khỏi ngại.
Thế nhưng mình cũng cứ thắc mắc trong lòng, ngay trước đường vào cổng nhà thờ mà sao không nhận ra mình, khi mà mình đã ở đây hai ngày rồi!
Mình đem thắc mắc nói với chú Giáo phu thì được biết hai người đó trước đây cũng là người công giáo, sau theo lời xúi giục đi theo lạc giáo hmon. Bây giờ về làng nhưng mặc cảm, chưa hòa nhập được với dân làng.
Trong làng hiện còn khoảng 20 gia đình trong tình trạng như thế. ngay cả mẹ và chị chú Giáo phu cũng thuộc dạng này. Họ sống mặc cảm, cô lập. Con cái họ cũng thế, không học hành, đời sống khó khăn thiếu thốn vả về vật chất (vì trước đây họ cha rằng sắp tận thế - thời điểm năm 2000 – nên bỏ bê không lo làm ăn, kéo theo ảnh hưởng lâu dài) lẫn tinh thần, nhất là đời sống đức tin.
Nghe câu chuyện mà lòng thấy xót xa. Nghi thức Phục sinh sau đó diễn tiến tốt đẹp nhưng lòng mình vẫn không thấy thoải mái lắm. Nghe nói đêm nghi thức vài người trong nhóm họ cũng đi tham dự nhưng chỉ đừng ở đàng xa. Mình biết, Đấng Phục sinh sẽ không bỏ rơi họ nhưng làm thế nào để họ nhận ra điều đó.
Lúc chia tay bà còn, mình có nói gần nói xa với bà con như một lời nhắn nhủ. Hy vọng bà con sẽ là ánh lửa tiếp nối ánh lửa Phục sinh để sưởi ấm tâm hồn những anh chị em chưa hiệp nhất trọn vẹn với chúng ta.
Chia tay bà con mà lòng còn vẫn còn chút gì đó chưa trọn!


Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

CẢM NGHIỆM VÀ CHIA SẺ LÒNG THƯƠNG XÓT

Chúa nhật II Phục sinh – Chúa nhật Lòng Thương Xót
CẢM NGHIỆM VÀ CHIA SẺ LÒNG THƯƠNG XÓT
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Giáo hội đang sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Chúa nhật hôm nay lại được gọi là Chúa nhật của Lòng Thương Xót. Vì vậy, đây quả là dịp đặc biệt để chúng ta chiêm ngắm Lòng Thương Xót Chúa đối với Giáo hội cũng như đối với mỗi người chúng ta.
Bài đọc một hôm nay trích từ sách Công vụ Tông Đồ cho ta thấy Lòng Thương Xót của Chúa được thực hiện qua bàn tay của các Tông Đồ: “nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các Tông Đồ” (Cv 5,22). Bệnh nhân từ khắp nơi được đưa đến để ít ra nhờ cái bóng của Phêrô phủ lên cũng sẽ được lành. Chúa Giêsu tuy không còn hiện diện cách thể lý nhưng ân sủng và Lòng Thương Xót của Ngài vẫn tiếp tục hoạt động qua các Tông Đồ. Những dấu lạ điềm thiêng vẫn tiếp tục được thể hiện, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa để bày tỏ Lòng Thương Xót Chúa cũng như củng cố đức tin cho cộng đoàn tiên khởi nhỏ bé đang dần hình thành.
Lòng Thương Xót Chúa còn được thể hiện cách đặc biệt trong bài Tin Mừng. Trong đêm Đức Giêsu bị bắt, tình trạng các Tông Đồ có thể nói là thê thảm. Các ông phân tán mỗi người mỗi nơi. Kẻ ở gần thì phản bội, người theo chân Chúa từ xa xa thì chối bỏ, người thì tháo chạy thoát thân. Sau những ngày đau thương đó, có lẽ các ông đang mang trong mình những mặc cảm: mặc cảm vì đã bỏ thầy, đã chối Thầy.
Thế rồi, Chúa Giêsu Phục sinh hiện đến, đứng giữa các ông. Người không hề quở trách, cũng chẳng có ý nhắc lại chuyện cũ. Trái lại, người chào cách thân tình: Bình an cho anh em! Đối với Người, các môn đệ vẫn là những người anh em yêu quý. Không những không nhắc lại chuyện cũ, Người còn tin tưởng giao cho các ông nhiệm vụ quan trọng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Vì biết đây là nhiệm vụ khó khăn nên Người không để các ông cô độc. Người thổi hơi để ban Thánh Thần cho các ông. Tất cả những thái độ, lời nói, hành động của Đức Giêsu đối với các Tông Đồ đều bày tỏ Lòng Thương Xót của Ngài đối với các ông.
Với Lòng Thương Xót, Đức Giêsu nhìn ra hoàn cảnh của các môn đệ để ban ơn bình an và tha thứ. Ngài cảm thông và trao cho các ông cơ hội để làm lại cuộc đời. Lòng Thương Xót gàn gắn lại những đổ vỡ trong quá khứ và mở ra một tương lai. Lòng thương Xót nối lại tình Thầy trò và gắn kết nghĩa anh em. Lòng Thương Xót quên đi những lỗi lầm và thiếu sót của người khác.
Anh chị em thân mến, Chúa nhật thứ hai Phục sinh, chúng ta được mời gọi cảm nghiệm Lòng Thương Xót Chúa đồng thời chia sẻ Lòng Thương Xót cho nhau.
Chúng ta hãy dành ít phút tĩnh lặng để nhớ lại xem đã bao lần ta lỗi phạm với Chúa. Trong đời sống, có thể ta không công khai chối Chúa như Phêrô nhưng chắc cũng nhiều lần ta né tránh tuyên xưng Chúa. Ta không đến nỗi bán Chúa như Giuđa nhưng chắc cũng nhiều lần quay lưng lại với tình yêu Chúa  dành cho ta. Ta không đến nỗi trút bỏ tấm áo để chạy trốn như người môn đệ trong vườn Giêtsêmani nhưng chắc cũng có lần trốn tránh lời mời gọi dấn thân của Chúa. Thế nhưng, như Chúa đã tỏ lòng thương xót với các Tông Đồ thì Chúa cũng tỏ lòng thương xót với chúng ta. Có thể như các tông đồ, chúng ta mặc cảm về những tội lỗi, thiếu sót của mình nhưng qua Bí Tích Hòa Giải, Chúa sẽ tha thứ. Chúa sẽ không nhắc chuyện cũ nhưng tin tưởng và trao cho ta cơ hội để làm lại cuộc đời. Vì thế ta hãy cảm tạ Chúa vì Ngài luôn bày tỏ Lòng Thương Xót cho chúng ta.
Một khi đã cảm nghiệm Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta cũng được mời gọi bày tỏ lòng thương xót cho nhau. Đừng gán mác cho nhau theo những lỗi lầm trong quá khứ của họ. Hãy tin tưởng và trao cho nhau cơ hội làm lại cuộc đời. Đừng nhìn nhau với cái nhìn oán hờn, giận dữ hay trách móc nhưng hãy cảm thông và giúp nhau mở ra những tương lai. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang được mời gọi sống khẩu hiệu của Năm Thánh Lòng Thương Xót: đó là hãy “Thương Xót như Chúa Cha” (Lc 6,36).  


TẢNG ĐÁ ĐÃ LĂN RA MỘT BÊN

Chúa nhật phục sinh
TẢNG ĐÁ ĐÃ LĂN RA MỘT BÊN
Thân xác tan nát của Đức Giêsu được chôn trong huyệt đá, có tảng đá to lấp cửa mồ. Tảng đá che lấp cửa mồ là hình ảnh của thất bại, của quá khứ. Tảng đá ngăn cách giữa sự sống và sự chết. Tảng đá phân cách giữa ánh sáng và bóng tối. Tảng đá che lấp niềm hy vọng.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, các bà ra mộ”. Không biết đêm hôm trước các bà có ngủ được không sau bao biến cố đau thương? Nhưng có cảm tưởng bước chân buổi sáng sớm của các bà có phần vội vả và hồi hộp. Vội vả để gặp lại Thầy thân thương, dù chỉ là cái xác không hồn. Hồi hộp vì không biết thân xác Thầy đã ra như thế nào?
Nhưng không! Thân xác Thầy đâu còn đây nữa! Tảng đá đã được lăn khỏi mộ. Các bà hoang mang lo lắng, chưa hiểu chuyện gì. Nhưng rồi các bà sẽ được giải thích cho biết. Người sống không còn ở giữa kẻ chết. Tảng đá kia dù to lớn cũng đâu đủ sức ngăn cản Thầy. Thất bại đã lui vào quá khứ. Tương lai với ngôi mộ trống mở ra nhiều huyền nhiệm. Sự sống và sự chết không còn bị ngăn cách bởi tảng đá nhưng được nối liền bởi ánh sáng phục sinh. Tảng đá không còn ngăn cách ánh sáng chiếu soi vào mọi  ngỏ ngách của cuộc sống. Niềm hy vọng được mở ra cho mọi kẻ đang an giấc ngàn thu.
Anh chị em thân mến, hình ảnh tảng đá đã được lăn khỏi mộ liên hệ gì đến cuốc sống của anh chị em?
Chúa đã phục sinh. Tảng đá ngăn cách cửa mộ không còn. Thế nhưng nhiều khi ta vẫn còn giữ lại những tảng đá vô hình ngăn cách ta đến với Chúa và với nhau.
Tảng đá vô hình ngăn cách ta đến với Chúa: đó là sự hoài nghi, thất vọng, dửng dưng, vô ơn. Đó là ham muốn những sự thuộc về hạ giới. Mãi mê tìm kiếm danh vọng, tiền bạc hay lạc thú trần gian.  
Tảng đá vô hình ngăn cách chúng ta đến với nhau: đó là sự ganh tỵ, hiềm thù, ghen ghét, giận hờn, nói hành nói xấu, v.v..
Tảng đá vô hình giữ chặt ta trong đời sống cũ, đời sống của xác thịt, đó là: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ say sưa” (Gl 5,19-21).
Chúa đã sống lại. Tảng đá đã được lăn ra một bên. Chúng ta cũng được mời gọi đóng đinh tính xác thịt vào thập giá Chúa để mặc lấy hoa trái của Thần Khí, đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).
Tảng đá đã được lăn ra một bên để chúng ta bước ra khỏi chốn âm u của cõi chết mà tiến vào nơi tràn ngập ánh sáng Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta được mời gọi bước ra khỏi đời sống cũ để bước vào đời sống mới. Bước ra khỏi ách nô lệ tội lỗi để đón nhận sự sống mới trong Chúa Phục sinh.
Anh chị em rất thân mến! Chúa đã Phục sinh. Hòn đá đã lăn ra khỏi mộ. Chúng ta không thể giữ mãi nếp sống cũ. Chúng ta đã được tái sinh trong Bí tích Thanh Tẩy. Chúng ta đã mặc lấy Đức Kitô Phục sinh. Hình ảnh cây nến phục sinh nhắc chúng ta nhớ đến lời mời gọi loan báo Tin Mừng Phục sinh. Giống như các Tông đồ, giống như các phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Đấng Phục sinh.

Xin Đấng Phục sinh ban ơn cho mỗi người chúng con, để chúng con luôn ý thức trách nhiệm làm chứng của mình. Xin cho lời nói và đời sống chúng con, góp phần mang ánh sáng Phục sinh Chúa chiếu tỏa đến mọi người. Nhờ đó, tất cả mọi người đều cảm nhận được ánh sáng của Lòng Thương Xót Chúa. Amen.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

SỐNG VỚI CHÚA THÁNH THẦN



Thứ 2 tuần VI PS (Ga 15,26-16,4)

Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.



Chúa Thánh Thần được giới thiệu với hai danh hiệu là Đấng Bảo Trợ và Thần Khí sự thật. Là Thần Khí sự thật, Người sẽ soi sáng cho ta biết đâu là sự thật đích thực, làm thế nào để đón nhận và can đảm làm chứng cho sự thật; Là Đấng Bảo Trợ, Người sẽ cầu thay nguyện giúp cho ta cũng như giúp ta vượt qua những gian nguy trong cuộc sống.
Chúng ta cũng hãy sống thân mật với Chúa Thánh Thần trong hai mối tương quan này.

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

THẾ GIAN THÙ GHÉT



Thứ 7 tuần V PS (x. Ga 15,18-21)
Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.
Cho đến nay, Giáo hội vẫn đang bị nghi kỵ, bị đối xử lạnh nhạt, bị phá rối và thậm chí bị chống đối ở nhiều nơi. Chúng ta đã làm gì để bị “thế gian” thù ghét như thế?
Thực ra, Đức Giê-su cũng đã tiên báo điều này từ trước, bởi trò không thể hơn Thầy. Thế gian thù ghét trò là vì thế gian đã thù ghét Thầy. Lý do của sự thù ghét là vì trò không thuộc về thế gian nhưng thuộc về Đức Giê-su, mà thế gian thì không tin vào Đức Giê-su nên họ thù ghét Người.
Đức Giê-su không thuộc về thế gian nhưng thuộc về Thiên Chúa. Giáo huấn của Người cũng khác xa với tư tưởng của thế gian, thậm chí là đi ngược lại, thế nên thế gian thù ghét Người. Giáo huấn của Người mang lại niềm vui cho người nghèo, giải thoát kẻ bị áp bức gông cùng, mang công lý đến chiếu sáng những chỗ bất công. Giáo huấn đó gây cản trở và “thiệt hại” cho thế gian là những người ưa bóng tối hơn ánh sáng. Vì thế, thế gian không tin, không đi theo Người. Hậu quả là những ai theo Người cũng sẽ bị thù ghét và bách hại.
Lời tiên báo của Thầy Giê-su đã ứng nghiệm trong suốt hai ngàn năm qua. Thế nhưng, Đức Giê-su đã thắng thế gian, nên các môn đệ của Người rồi cũng sẽ thắng thế gian. Sự thù ghét đó chẳng đủ để làm cho người môn đệ phải nao núng. Chính khi các môn đệ bị thù ghét nhất thì cũng là lúc xuất hiện nhiều chứng nhân anh hùng. Lịch sử Giáo hội đã chứng minh điều đó.
Xin Chúa giúp con luôn kiên vững trong đức tin vì chúng con biết rằng với ơn Chúa chúng con rồi sẽ vượt thắng “sự thù ghét”.

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

LỜI TRĂN TRỐI



Thứ 6 tuần V PS (x. Ga 15,12-17).
Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
Những lời nói trước lúc biệt ly là những lời chân thành và đầy tâm huyết. Nó như chúc thư nhắn gửi cho người ở lại! Cũng vậy, những lời của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn thật tha thiết. Lời đó lặp đi lặp lại như những cung đàn từ từ thấm nhập vào tâm hồn các môn đệ. Những âm vang đó là: anh em hãy ghi nhớ, hãy giữ, hãy thực hiện những điều Thầy truyền dạy; Đó là điều răn mới, điều răn duy nhất, điều răn quan trọng Thầy để lại cho anh em: hãy yêu thương nhau. Yêu thương nhau như Chúa Cha đã yêu thương Thầy và như Thầy đã yêu thương anh em. Vì yêu thương anh em nên những gì Thầy biết, những gì có thể, Thầy đã thực hiện để anh em được sống. Thầy không coi anh em như những tôi tớ nhưng như bạn hữu. Vậy anh em cũng hãy đối xử với nhau như thế: hãy yêu thương nhau.
Lời trăn trối của Thầy tha thiết là thế nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Lòng chúng con vẫn còn nhiều bất hòa, hơn thua, giận hờn. Thế giới vẫn còn nhiều thù hận, tranh chấp, ganh đua. Xin cho công lý Chúa ngự trị và tình thương Chúa chan hòa mặt đất. Xin cho ngọn lửa yêu mến đốt cháy tâm hồn chúng con để tình yêu Chúa lan tỏa đến những người con gặp gỡ.