Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Gia đình và Thánh Thể

“Gia đình, nơi con người được sinh ra, nơi sự sống được thăng hoa, nơi tình yêu đơm bông kết trái …” lời ca đầy chất trữ tình được hát lên bởi giọng ca Vân Khánh vừa ngọt ngào vừa tha thiết như ru gọi lòng người.
Ai lại chẳng được sinh ra và lớn lên trong gia đình, hơn nữa hầu hết những kỷ niệm đáng nhớ đều gắn liền với mái nhà, nơi đã ôm ấp, dưỡng nuôi ta. Gia đình là nơi đã khơi gợi, giữ gìn và vun đắp những ước mơ cho ta. Gia đình là chốn bình an để mọi người tìm về sau những giây phút bon chen giữacuộc sống.

Cộng đoàn, nhất là cộng đoàn các kitô hữu, là mô hình mở rộng của gia đình. Do đó, để trở thành một cộng đoàn đúng nghĩa, cộng đoàn đó phải mang những nét đặc trưng vốn có của gia đình.

Nơi con người được sinh ra.

Con người được sinh ra là hoa trái tình yêu của cha mẹ. Nhờ tình yêu, người nam và người nữ kết hợp với nhau thành một gia đình để tiếp nối công trình sáng tạo của Thiên chúa. Chính gia đình này đón nhận người con trong niềm vui và hy vọng.

Con người đến với cộng đoàn luôn mang theo những cá tính, quan điểm sống riêng biệt của mình, để rồi khi soi chiếu vào anh em, chúng ta nhận thức rằng trong mình có những điều chưa phù hợp và không cần thiết cho chính mình cũng như cộng đoàn. Có khi chính cộng đoàn chỉ cho ta biết những gì chúng ta cần phải thay đổi hoặc loại bỏ. Mỗi cá nhân đều phải loại bỏ những gì ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cộng đoàn – dĩ nhiên chúng ta vẫn giữ lại những khác biệt nhưng có tính xây dựng mà không cản trở cộng đoàn. Vì vậy mỗi cá nhân cần chết đi cùng với những tính hư tật xấu của mình và việc tái sinh trong cộng đoàn là rất cần thiết. Việc tái sinh này chỉ được thực hiện khi nào ta nhận thức và thay đổi chính mình.

Quả thật, đây là điều rất khó khăn bởi trong gia đình con người được sinh ra mà không cần được hỏi ý kiến! Thế nhưng trong cộng đoàn việc sinh ra này lại phụ thuộc chủ yếu vào thái độ của ta. Ta có khiêm tốn nhận ra những khuyết điểm của mình không? Có đủ can đảm và quyết tâm để sửa đổi hay không? Ta phải đổi mới bằng cách nào? v.v. sẽ có rất nhiều câu hỏi và quyết định mà ta sẽ phải đối diện để được tái sinh trong cộng đoàn.

Bản tính con người vốn yếu đuối và cố chấp. Do đó, tiến trình sinh ra sẽ rất khó nếu như ta chỉ cậy dựa vào sức mình.

Khởi đầu mỗi ngày sống mới, cộng đoàn chúng ta luôn tập hợp lại quanh bàn tiệc Thánh Thể để cử hành lại mầu nhiệm yêu thương của Đức Kitô. Với việc rước Chúa vào lòng, với ý thức sự hiện diện của Ngài ta phải học biết khiêm nhường, vâng phục, nhẫn nại và tự hiến. Khiêm tốn để nhận ra khuyết điểm, vâng phục để đón nhận lời góp ý, nhẫn nại để sửa đổi và tự hiến để vượt thắng những đam mê, những ham muốn nguy hại cho ta và cộng đoàn.

Đến với Bí tích Thánh Thể chính là khởi đầu của tiến trình được sinh ra.

Nơi sự sống được thăng hoa.

Con trẻ là trung tâm của đời sống gia đình. Ngay từ nhỏ chúng đã được mọi người dành cho sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương và dưỡng dục đặc biệt, nhờ đó chúng sống một cuộc sống hồn nhiên, vui tươi và tràn đầy. Chúng lớn lên mạnh khoẻ và đặt trọn niềm tin vào cuộc sống.

Sự sống thăng hoa là tiến trình tiếp theo của việc sinh ra. Nhờ sự phản chiếu của các thành viên trong cộng đoàn mà ta ý thức thức phải đổi mới chính mình. Tuy nhiên, việc đổi mới này không phải là việc của mình ta.

Thực vậy, để thực hiện quá trình đổi mới này ta cần có cộng đoàn quan tâm nâng đỡ. Làm sao để mỗi người đều là trung tâm của đời sống cộng đoàn, được mọi người nâng đỡ cách cụ thể và đặc biệt. Cộng đoàn phải giúp mỗi người tự tin vào chính mình, tin tưởng vào anh em và vào cuộc sống. Cộng đoàn phải mang lại niềm vui sống để mỗi người sống một cuộc sống đầy tràn hơn, để sự sống nơi mỗi người được thăng hoa cách trọn vẹn.

Điều này cũng sẽ gặp khó khăn bởi cộng đoàn chúng ta cũng chỉ gồm những con người mỏng dòn và ích kỷ. Do đó, chúng ta phải trở về với trung tâm của đời sống cộng đoàn là Thánh lễ và Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể gợi nhớ cho chúng ta về một sự trao ban vô vị lợi để được sống bên nhau và giúp nhau sống trọn vẹn. Vì tình yêu, Giêsu đã tụ hiến chính mình để ở lại cùng nhân loại trong hình bánh rượu, để nhờ đó nhân loại đón nhận lương thực nưôi sống linh hồn mỗi ngày. Noi theo gương của thầy Giêsu, mỗi người chúng ta cũng hãy cư xử với nhau bằng một tình yêu vị tha để giúp nhau sống một cuộc sống tràn đầy hơn.

Nơi tình yêu đơm bông kết trái.

Tình yêu của gia đình sẽ vun đắp và chắp cánh cho những ước mơ của con trẻ. Hoa trái của tình yêu vợ chồng chính là người con. Tình yêu vợ chồng không chỉ hướng thẳng về nhau mà còn cùng nhau hướng về người con. Nhờ nhận thức được tình yêu mà cha mẹ chúng dành cho nhau và cho chính mình, người con sẽ bước vào đời cách tự tin hơn, lạc quan hơn. Chúng sẽ nhìn cuộc đời cùng những thực tại cuộc sống với con mắt yêu thương.

Một cộng đoàn đích thực phải là hình ảnh của đời sống Nước Trời. Nơi đó mỗi cá nhân đối xử với nhau dựa trên nền tảng là tình yêu thương. Chúng ta giúp nhau nhận ra những yếu kém lỗi lầm, giúp nhau sửa đổi để chúng ta có thể đến gần nhau hơn. Chúng ta phải rút ngắn sợi dây ngăn cách để có thể chạm vào cuộc sống của nhau nhiều hơn. Làm sao để cộng đoàn phải là môi trường để con người thực tập khả năng yêu thương và đẩy khả năng này lên đến cao điểm.

Để làm được điều này, một lần nữa chúng ta phải đến với Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là Bí tích của tình yêu. Thánh Thể minh chứng cho tình yêu của Đức Kitô với nhân loại. Tình yêu dẫn đến hành động là tự hiến để hiện diện.

Mỗi lần rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta ý thức đến bổn phận tự hiến chính mình bằng cách chủ động phá vỡ những rào cản ngăn cách chúng ta với nhau, nhờ thế chúng ta mới có thể hiện diện bên nhau trong tình yêu.

Thánh Thể, suối nguồn của sự biến đổi.

Như vậy, cũng như gia đình, cộng đoàn là nơi mỗi cuộc đời được sinh ra, trưởng thành về sự sống và tình yêu. Để có được những tiến trình trên, mỗi cá nhân cũng như toàn thể cộng đoàn phải ý thức được giới hạn của mình để cùng nhau tìm về nguồn suối, nguồn trợ lực của sự biến đổi là Thánh lễ và Bí tích Thánh Thể.

Mỗi khi tham dự chúng ta phải ý thức về chiều sâu của mầu nhiệm cũng như khiêm tốn gửi gắm những tâm tình của ta, để cùng với sự hiện diện và đồng hành của chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta hiện diện và đồng hành cùng nhau trên bước đường thăng tiến ơn gọi của mỗi người cũng như của cộng đoàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét