Hiển thị các bài đăng có nhãn CN23. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN23. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Trách nhiệm làm chứng (Lc 6,39-42)

Tuần XXIII - thứ Sáu

Có người nói rằng: Một cha xứ thánh thiện thì giáo dân đạo đức, một cha xứ đạo đức thì giáo dân bình thường, một cha xứ bình thường thì giáo dân tội lỗi. Dĩ nhiên không phải là tuyệt đối, nhưng câu nói trên cho thấy tầm ảnh hưởng của những người có trách nhiệm phải “dẫn dắt” người khác. Nó không chỉ đúng cho cha xứ mà thôi nhưng còn có thể áp dụng cho bất kỳ người Ki-tô hữu nào, bởi mọi tín hữu đều có nhiệm vụ “chiếu tỏa” đời sống của mình bằng ánh sáng mà họ đã nhận trong ngày rửa tội. Điều này càng đặc biệt quan trọng với các giáo lý viên, những người làm cha, làm mẹ trong gia đình, những thầy cô giáo nơi trường học, những tín hữu sống trong môi trường không Ki-tô giáo.

Mù mà lại dắt mù được sao? Trò không thể hơn thầy, có học hết cũng chỉ bằng thầy mà thôi!  

Mỗi người đều mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương. Mỗi người được mời gọi “phản chiếu” hình ảnh đó qua lời nói, việc làm, cách cư xử và tâm tình trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không thể trách giới trẻ sống đạo hời hợt nếu chúng ta cũng chỉ giữ đạo hình thức. Chúng ta không thể mời gọi người khác trở thành Ki-tô hữu nếu chúng ta chưa chu toàn bổn phận của mình. Chúng ta không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp nếu chúng ta chưa trở nên tốt hơn mỗi ngày. Chúng ta chưa thể góp phần xây dựng hòa bình nếu gia đình chúng ta vẫn còn những trục trặc.


Lạy Chúa, xin giúp con ý thức trách nhiệm làm chứng của mình, để qua đời sống của con, mọi người nhận ra tình thương của Chúa.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Hi sinh theo Thầy (Lc 14, 25-33)

Chúa nhật XXIII, năm C


“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”.
Hi sinh vì cuộc sống tạm bợ
Ngày nay, con người đang hi sinh rất nhiều để đạt được một mục đích nào đó. Có những mục tiêu chính đáng như học hành giỏi giang, cuộc sống thành đạt, gia đình hạnh phúc. Nhưng cũng có những mục tiêu bình thường hơn như giàu sang, danh vọng, địa vị. Thế nhưng cũng không thiếu những mục tiêu thật nực cười, chẳng hạn một chàng trai sẵn sàng bán đi một quả thận của mình để có tiền mua một chiếc Ipac!
Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta hi sinh cho một mục tiêu cao cả hơn, đó là làm môn đệ Người. Đây là một hi sinh rất quyết liệt vì cái giá phải trả rất đắt, đó là gia đình, người thân và cả chính mình. Hi sinh này không phải là một sự ghét bỏ nhưng là đặt tình yêu dành cho Thầy Giê-su lên trên hết. Vì mục tiêu cao cả nên đối tượng hi sinh cũng phải cân xứng.
Chính vì vậy, đây không phải là một chọn lựa hời hợt, trái lại, Đức Giê-su đòi hỏi mỗi người phải suy xét cho thật kỹ trước khi quyết định, kẻo rồi lại bỏ cuộc nửa chừng.
Mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ xem ta đã thực sự chọn lựa làm môn đệ Thầy Giê-su chưa? Ta đã hi sinh gì cho sự chọn lựa này?
Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, hi sinh quả thật là một khó khăn, nhất là phải hi sinh chính bản thân mình. Thế nhưng vì mục tiêu cao cả là làm môn đệ Thầy, xin cho con tinh thần hăng hái, nhiệt tình dấn thân để vác thập giá mình hằng ngày theo Thầy.

Tình yêu vượt trên tất cả

Tuần XXIII – thứ Hai

“Đầu tiên là tiền đâu” là câu nói mang âm hưởng chán nản của những người bất lực trước thế lực của đồng tiền. “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã trở thành quy luật bất thành văn của thời đại. Muốn được chữa bệnh nghiêm túc ư? Muốn được một môi trường giáo dục chất lượng ư? Muốn có một công việc ư? Đa số những khát vọng chính đáng của con người đều gặp phải trở lực của quy luật này. Xã hội vốn đã có nhiều quy luật chính đáng để giúp ổn định, nay người ta lại tạo ra quy luật khác để làm khổ nhau! Xét cho cùng, quy luật nào không đạt trên nền tảng tình yêu hay không nhằm phục vụ con người, đó là quy luật chết.
Bài Tin Mừng hôm nay dường như cũng cho thấy một sự một sự xung khắc nào đó, thế nhưng Đức Giê-su đã giải quyết tình huống này bằng quy luật của tình yêu. Các Kinh sư và Pharisêu là những người duy luật. Đối với họ nhìn đâu cũng thấy luật. Luật là trên hết. Cứ dựa vào luật mà đánh giá nhau. Họ quên rằng luật chỉ là biểu hiện bên ngoài của một Thiên Chúa yêu thương. Do vậy, trước người bại tay, thay vì để tình yêu triển nở, họ lại đóng lòng mình và tìm cách ngăn cản người khác qua việc rình rập Đức Giê-su.
Trái lại, Đức Giê-su không để mình bị gó bó trong lề luật hay nói đúng hơn, Người thiết lập một quy luật mới: luật của yêu thương. Tình yêu vượt trên tất cả mọi lề luật. Tình yêu cho ta tự do để hành động mà không lệ thuộc vào quy tắc nào khác.

Chúng ta cũng hay đối xử với nhau, bắt bẻ nhau dựa trên những quy tắc khô khan. Chúng ta cũng chỉ nhìn thấy luật lệ chứ không nhìn được nền tảng của luật. Mọi luật lệ, quy tắt của con người phải được xây dựng và hành xử theo quy luật của tình yêu. Chỉ có luật của tình yêu mới là luật trọn hảo.

Lựa chọn cách hành xử (Lc 6,12-19)

Tuần XXIII – thứ Ba

Đời người luôn phải đối diện với những quyết định quan trọng. Khi đó, mỗi người sẽ có cách hành xử khác nhau: có người bình tĩnh để suy xét vấn đề, có người lo lắng hỏi han những người có kinh nghiệm, có người bối rối đi “xem thầy”, “xem tướng”, có người lo sợ chỉ biết phó mặc “ý trời”, có người can đảm đón nhận mọi biến cố như là sự tất yếu, có người cầu trời khấn phật để được che chở hộ phù.
Đức Giê-su đến thế gian trong thân phận con người. Người cũng trải qua những thời điểm quan trọng cần phải quyết định. Những lúc như thế, người đã hành xử như thế nào?
Đức Giê-su đến thế gian là để thực hiện thánh ý của Chúa Cha. Do vậy, Người luôn cầu nguyện để kết hợp ý mình với thánh ý Thiên Chúa, nhất là trong mọi quyết định quan trọng. Chẳng hạn trước khi chọn các môn đệ để kế nghiệp Người trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Người đã thức suốt nhiều đêm để lên núi cầu nguyện. Lên núi cầu nguyện là tách mình ra khỏi những bận bịu lo toan của cuộc sống; là đi vào thanh vắng để gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe Thiên Chúa; là từ bỏ ý riêng mình để tìm thực hiện thánh ý Thiên Chúa.
Là người môn đệ Đức Giê-su, chúng ta sẽ có thái độ như thế nào? Chúng ta dành thời gian để cầu nguyện và lắng nghe ý Chúa hay chúng ta để mình cuốn theo những lo toan tính toán? Chúng ta tin tưởng vào những quyết định của mình với ơn trợ giúp của Thiên Chúa hay chúng ta tin vào những phán quyết hão huyền? Chúng ta can đảm đón nhận mọi biến cố (dù có những lúc ta không thể giải thích) để rồi bình tĩnh nhìn chúng dưới ánh sáng đức tin hay chúng ta chán nản, thất vọng và buông xuôi tất cả?

Lựa chọn một thái độ sống tích cực và đúng đắn chắc hẳn chẳng dễ dàng bao giờ, tuy nhiên không vì thế mà ta bỏ cuộc. Cuộc sống mời gọi chúng ta hãy hoàn thiện mỗi ngày dưới ơn trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng Hoàn Thiện.

Phúc cho những ai đang vì Con Người mà bị người ta oán ghét (Lc 6,20-26)

Tuần XXIII - thứ Tư 

Những ngày qua, tin tức các tín hữu đang bị bạch hại khắp nơi vọng về. Điều đó đôi lúc khiến tôi tự hỏi vì sao họ phải chịu nhiều thiệt thòi như vậy? Vì sao bất công vẫn luôn ngự trị và lấn lướt? Rồi đây số phận của họ sẽ ra sao? Tại sao Thiên Chúa lại để những điều đó xảy ra?

Bài Tin Mừng ngày hôm nay phần nào gợi mở cho tôi câu trả lời. “Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ mà nói”: "Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa”. Người không trình bày các mối phúc một cách chung chung như ở trong Tin Mừng Matthêu nhưng là đang trình bày cho các môn đệ. Người nói “phúc cho anh em” chứ không phải “phúc cho ai”. Dường như trong Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su đang nhắn nhủ trực tiếp với các môn đệ, là những người đã tin và đang đi theo Người. Người thấy trước tương lai của họ, một tương lai đầy khó khăn với những bắt bớ, oán ghét, khinh khi, nhục mạ. Nhưng lời của Người cũng đầy an ủi bởi rồi đây họ sẽ nhận được phần thưởng lớn lao!

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su tiên báo những khó khăn cho ai lựa chọn đi theo Người. Khó khăn là điều không thể tránh khỏi bởi chính bản thân Người cũng đã trải qua những khó khăn như thế! Hơn nữa, nhờ những khó khăn Người trải qua mà chúng ta được đón nhận ơn cứu độ. Khó khăn, tự nó không có giá trị, nhưng nó sẽ có giá trị cho những ai biết kết hợp những khó khăn mình đang chịu với cuộc khổ nạn của Đức Giê-su.


Đức Giê-su dường như vẫn đang ngước mắt lên nhìn và nói với mỗi người chúng ta: Phúc cho anh em… chúng ta chỉ ý thức khó khăn là một mối phúc khi chúng ta biết đón nhận nó với thái độ vâng phục. Chỉ trong mầu nhiệm khổ giá của Đức Ki-tô chúng ta mới tìm được câu trả lời cho chính những khó khăn của chúng ta, bởi “này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

Tuần XXIII - thứ Năm

Chưa có dữ liệu

Tuần XXIII - thứ Bảy

chưa có dữ liệu