Hiển thị các bài đăng có nhãn Le phuc sinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Le phuc sinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

TẢNG ĐÁ ĐÃ LĂN RA MỘT BÊN

Chúa nhật phục sinh
TẢNG ĐÁ ĐÃ LĂN RA MỘT BÊN
Thân xác tan nát của Đức Giêsu được chôn trong huyệt đá, có tảng đá to lấp cửa mồ. Tảng đá che lấp cửa mồ là hình ảnh của thất bại, của quá khứ. Tảng đá ngăn cách giữa sự sống và sự chết. Tảng đá phân cách giữa ánh sáng và bóng tối. Tảng đá che lấp niềm hy vọng.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, các bà ra mộ”. Không biết đêm hôm trước các bà có ngủ được không sau bao biến cố đau thương? Nhưng có cảm tưởng bước chân buổi sáng sớm của các bà có phần vội vả và hồi hộp. Vội vả để gặp lại Thầy thân thương, dù chỉ là cái xác không hồn. Hồi hộp vì không biết thân xác Thầy đã ra như thế nào?
Nhưng không! Thân xác Thầy đâu còn đây nữa! Tảng đá đã được lăn khỏi mộ. Các bà hoang mang lo lắng, chưa hiểu chuyện gì. Nhưng rồi các bà sẽ được giải thích cho biết. Người sống không còn ở giữa kẻ chết. Tảng đá kia dù to lớn cũng đâu đủ sức ngăn cản Thầy. Thất bại đã lui vào quá khứ. Tương lai với ngôi mộ trống mở ra nhiều huyền nhiệm. Sự sống và sự chết không còn bị ngăn cách bởi tảng đá nhưng được nối liền bởi ánh sáng phục sinh. Tảng đá không còn ngăn cách ánh sáng chiếu soi vào mọi  ngỏ ngách của cuộc sống. Niềm hy vọng được mở ra cho mọi kẻ đang an giấc ngàn thu.
Anh chị em thân mến, hình ảnh tảng đá đã được lăn khỏi mộ liên hệ gì đến cuốc sống của anh chị em?
Chúa đã phục sinh. Tảng đá ngăn cách cửa mộ không còn. Thế nhưng nhiều khi ta vẫn còn giữ lại những tảng đá vô hình ngăn cách ta đến với Chúa và với nhau.
Tảng đá vô hình ngăn cách ta đến với Chúa: đó là sự hoài nghi, thất vọng, dửng dưng, vô ơn. Đó là ham muốn những sự thuộc về hạ giới. Mãi mê tìm kiếm danh vọng, tiền bạc hay lạc thú trần gian.  
Tảng đá vô hình ngăn cách chúng ta đến với nhau: đó là sự ganh tỵ, hiềm thù, ghen ghét, giận hờn, nói hành nói xấu, v.v..
Tảng đá vô hình giữ chặt ta trong đời sống cũ, đời sống của xác thịt, đó là: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ say sưa” (Gl 5,19-21).
Chúa đã sống lại. Tảng đá đã được lăn ra một bên. Chúng ta cũng được mời gọi đóng đinh tính xác thịt vào thập giá Chúa để mặc lấy hoa trái của Thần Khí, đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).
Tảng đá đã được lăn ra một bên để chúng ta bước ra khỏi chốn âm u của cõi chết mà tiến vào nơi tràn ngập ánh sáng Lòng Thương Xót Chúa. Chúng ta được mời gọi bước ra khỏi đời sống cũ để bước vào đời sống mới. Bước ra khỏi ách nô lệ tội lỗi để đón nhận sự sống mới trong Chúa Phục sinh.
Anh chị em rất thân mến! Chúa đã Phục sinh. Hòn đá đã lăn ra khỏi mộ. Chúng ta không thể giữ mãi nếp sống cũ. Chúng ta đã được tái sinh trong Bí tích Thanh Tẩy. Chúng ta đã mặc lấy Đức Kitô Phục sinh. Hình ảnh cây nến phục sinh nhắc chúng ta nhớ đến lời mời gọi loan báo Tin Mừng Phục sinh. Giống như các Tông đồ, giống như các phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta cũng được mời gọi làm chứng cho Đấng Phục sinh.

Xin Đấng Phục sinh ban ơn cho mỗi người chúng con, để chúng con luôn ý thức trách nhiệm làm chứng của mình. Xin cho lời nói và đời sống chúng con, góp phần mang ánh sáng Phục sinh Chúa chiếu tỏa đến mọi người. Nhờ đó, tất cả mọi người đều cảm nhận được ánh sáng của Lòng Thương Xót Chúa. Amen.

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Sao lại tìm Người Sống giữa kẻ chết? (Lc 24,1-12)

Vọng Phục Sinh, Năm C

Trong suốt ba năm rao giảng, nhiều lần Đức Giê-su đã tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, thế nhưng mọi người dường như chẳng hiểu và chẳng lưu tâm. Để rồi khi sự việc xảy ra, họ lại chán nản, thất vọng. Bài Tin mừng hôm nay cho thấy, từ sáng sớm các bà đã ra mộ, mang theo bình dầu thơm. Mục đích của việc đi ra mộ là để xức dầu cho xác Chúa. Thực vậy, vì việc táng xác Chúa diễn ra trong ngày áp lễ Vượt Qua, nên các bà mới chỉ kịp “lấy tấm vải gai mà liệm” (Lc, 23,53). Điều đó cho thấy trong tâm trí các bà, Đức Giê-su vẫn đang nằm bất động trong ngôi mộ.
Thế nhưng, những gì vừa chứng kiến khiến các bà phân vân. Tại sao các bà lại tìm Người Sống giữa kẻ chết? Có lẽ các bà vẫn chưa hiểu câu hỏi của các thiên thần. Tuy thế, các bà không phải thắc mắc lâu, các thiên thần sẽ giải thích bằng cách nhắc lại lời của Đức Giê-su. Nhờ thế, các bà nhớ lại và tin. Các bà lập tức chạy về loan báo cho các môn đệ.
Sao lại tìm Người Sống giữa kẻ chết? Câu hỏi này đối với chúng ta ngày nay đã rõ. Đức Giê-su chính là Con Một của Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ chúng ta là những kẻ sẽ phải chết. Dầu mặc lấy một thân phận con người giống như chúng ta nhưng Người vẫn là Thiên Chúa. Trong kinh Tin Kính, chúng ta vẫn tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô đồng bản tính với Đức Chúa Cha. Mà Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống. Hơn nữa Đức Giê-su cũng đã từng nói, Người là đường, là sự thật và là sự sống. Thế nên cái chết không có quyền chi đối với Người (x. Rm 6,9).
Trong biến cố thương khó và phục sinh. Đức Giê-su phải chịu đau khổ và cả cái chết. Thế nhưng, cái chết đó chỉ chi phối bản tính con người nơi Người mà thôi, còn bản tính Thiên Chúa thì bất diệt. Chính vì thế, đến ngày thứ ba, thân xác Người lại được phục sinh vinh hiển.
Như vậy, Đức Ki-tô đã chiến thắng sự chết để sống lại vinh quang. Nhờ Đức Ki-tô, sự chết không còn là nỗi tuyệt vọng chôn vùi con người nhưng là cửa ngỏ để dẫn vào cõi sống. Cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô mở ra cho chúng ta nhiều hy vọng.

Trước hết, truyền thống Giáo hội luôn gắn liền việc cử hành bí tích Thanh Tẩy với nghi thức đêm vọng phục sinh. Thực vậy, giống như Đức Ki-tô, Đấng đã chết và đã sống lại, mỗi người chúng ta cũng đã chết đi với tội lỗi của mình và sống lại cuộc sống mới qua bí tích Thanh Tẩy (x. Rm 6, 1-11). Qua bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được mời gọi sống một cuộc đời mới theo hình ảnh Con Thiên Chúa. Tội lỗi và sự chết sẽ không còn thống trị chúng ta, trái lại, chúng ta được kêu gọi để chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa trên Nước Trời.
Qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su, chúng ta xác tín rằng sự dữ sẽ không thống trị mãi. Có những biến cố đối với con người là đớn đau tuyệt vọng nhưng với Thiên Chúa thì vẫn là sự sống bất diệt. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa Hằng Sống vẫn luôn hiện diện trong mỗi bi kịch của chúng ta? Có những lúc, cuộc sống tưởng chừng như bế tắc, đôi khi chúng ta phải đối diện với những thực tại khổ đau, tương lai dường như mù mịt, đối với con người thì mọi sự dường như đã hết!
Những lúc như thế chúng ta dường như quên hết những lời dạy của Chúa Giê-su, giống như các người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay, kể cả các môn đệ. Thế nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Đau khổ có khi là cơ hội để Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Người. Lời của các thiên thần mời gọi chúng ta hãy nhớ lại lời dạy của Đức Giê-su, nhất là khi gặp thử thách gian lao. Lời Chúa sẽ soi sáng cho những biến cố trong cuộc đời chúng ta. Giúp chúng ta hiểu ra ý định, ý muốn của Chúa trong cuộc đời mình để nhờ đó chúng ta tin và đón nhận thánh ý Người. Hơn nữa, giống như các phụ nữ trong bài Tin mừng, chúng ta còn có nhiệm vụ phải loan báo và làm chứng cho người khác.
Chúng ta đang sống trong năm đức tin, điều đó mời gọi mỗi người chúng ta xác tín mạnh mẽ niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô phục sinh. Đức Giê-su Ki-tô phục sinh là Thiên Chúa, đó là niềm tin cơ bản mà các tông đồ đã loan báo. Giáo hội ngày nay cũng mời gọi chúng ta sống và tuyên xưng niềm tin đó trong cuộc sống mỗi ngày. Nhờ đó chúng ta cũng sẽ được sống lại với Đức Giê-su vào ngày Chúa đến lần thứ hai.