Hiển thị các bài đăng có nhãn CN1. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn CN1. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2016

TĨNH LẶNG ĐỂ CẢM THÔNG

Thứ Tư, Tuần I TN (Mc, 1,29-39)
Đi từ cuộc sống: Thời buổi công nghệ, nhiều người chạy đua với thời gian. Với họ, dành thời gian để tĩnh lặng hay tham dự thánh lễ là một sự lãng phí. Cần phải tranh thủ, thời gian sẽ giúp hái ra tiền.
Lời Chúa soi đường: Với Đức Giêsu thì khác. Dù một ngày bận rộn với bao công việc nhưng Người vẫn dành thời gian sáng sớm mỗi ngày để tĩnh lặng trước mặt Cha. Lương thực của Người là thi hành ý Cha. Người đến thế gian là để thi hành ý muốn của Cha. Do đó, kết hợp với Cha thường xuyên là cách thức và động lực để chu toàn ý Cha.
Cảm nhận tình thương: Nhờ thời gian tĩnh lặng, Đức Giêsu dễ nhận ra và đồng cảm với khổ đau của con người. Thời gian tĩnh lặng cũng là thời gian Đức Giêsu đưa nỗi khổ của con người vào trong mối tương quan với Cha. Như thế, ta không còn cô đơn khi chống chọi với sự dữ ở thế gian này nhưng mọi sự vẫn luôn diễn ra dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa.    

Dấn thân phục vụ: Ta cũng hãy dành thời gian tĩnh lặng trước Chúa để tìm hiểu ý Chúa, để thêm động lực sống và nhất là để thấu cảm được nỗi khổ của anh chị em mình.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

ĐỂ LỜI CHÚA HẤP DẪN

Thứ Ba, Tuần I TN (Mc 1,21-28)
Đi từ cuộc sống: Đa số thiếu nhi ngày nay lơ là với việc học giáo lý. Tin Mừng dường như cũng không thu hút được giới trẻ. Phải chẳng Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội đã quá lạc hậu so với đà tiến của xã hội?
Lời Chúa soi đường: Nghe Đức Giêsu giảng dạy, dân chúng ngạc nhiên và thích thú bời giáo lý thì mới mẻ, người giảng dạy lại có uy quyền. Trong khi các Kinh sư chú tâm vào Kinh Thánh Cựu ước mà Lề luật giữ vai trò quan trọng. Dân chúng cảm thấy nặng nề. Hơn nữa, “họ nói mà không làm”. Trái lại Đức Giêsu giảng dạy về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Không chỉ giảng dạy mà thôi, Người còn cụ thể hóa lời giảng dạy bằng những hành động cụ thể. Nhờ thế, dân chúng cảm nhận được tình thương một cách cụ thể chứ không trừu tượng lý thuyết.
Cảm nhận tình thương: Đức Giêsu trở thành dấu chỉ Lòng Thương Xót Chúa bằng những hành động rất cụ thể như mục tử tìm kiếm con chiên lạc, như người cha mòn mỏi ngóng con, như người thân cận chăm sóc nạn nhân bên vệ đường. Giờ đây, Chúa cũng đang chăm sóc tôi và gia đình tôi như thế.

Dấn thân phục vụ: Thực ra giới trẻ ngày nay rất cần tình thương, một tình thương không phải nơi đầu môi chót lưỡi nhưng phải cụ thể hóa bằng hành động. Những bài giáo lý, những đoạn Tin Mừng cần được cụ thể hóa trong đời sống của những người có trách nhiệm giảng dạy. Ước gì mọi linh mục, mọi tu sĩ, mọi anh chị Giáo Lý viên, mọi bậc phụ huynh đều cụ thể hóa nhưng bài học bằng những hành động yeu thương.

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

CHÚA THƯƠNG TUYỂN CHỌN

Thứ Hai, tuần 1 TN (Mc 1,14-20)
Đi từ cuộc sống: Thông thường, thân quen là tiểu chuẩn trước hết để ta chọn người cộng tác, kế đó phải là những người có khả năng, nhanh nhẹ, nhiệt tình. Thế nhưng, qua bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy tiêu chuẩn chọn người của Đức Giêsu rất khác.
Lời Chúa soi đường: Có lẽ đây là lần đầu tiên Đức Giêsu gặp Si-mon, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Người không cần biết tính tình và khả năng của các ông như thế nào, vậy mà dám mời gọi các ông đi theo Ngài để cộng tác trong việc loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Quả thật, Ơn Gọi xuất phát từ Lòng Thương Xót của Chúa chứ không phải từ tài cán con người. Chỉ cần các ông “chịu ở” với Người, chịu quan sát và học cùng Người, Người sẽ kiên nhẫn và tin tưởng giao sứ vụ cho các ông. Các ông cũng không thi hành sứ vụ dựa vào sức riêng mình nhưng dựa vào ơn Chúa.
Cảm nhận tình thương: Ơn gọi đây không chỉ dành riêng cho linh mục tu sĩ nhưng là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu. Qua phép Rửa, tất cả chúng ta đều được mời gọi nên dấu chỉ Lòng Thương Xót Chúa. Dù cho chúng ta chưa xứng đáng nhưng Chúa vẫn mời gọi. Chỉ cần ta “chịu ở” với Người, chịu để Người uốn nắn đời sống và nương mình theo ân sủng, ta cũng sẽ hoàn tất tốt sứ mạng của mình.

Trở nên dấu chỉ: Hãy quãng đại đáp trả lời mọi gọi của Chúa. Hãy luôn giữ tâm tình tạ ơn vì sự trân trọng của Chúa dành cho ta. Hãy mạnh dạn để ơn Chúa hướng dẫn, nhờ đó ta mới chu toàn tốt sứ vụ của mình.

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

PHÉP RỬA BIỂU LỘ LÒNG THƯƠNG XÓT

Đi từ cuộc sống: Các nghi thức giữ vai trò thiết yếu trong đời sống. Nó là những dấu chỉ hữu hình đánh dấu một cột móc quan trọng, đồng thời qua đó, nó cũng trao cho người lãnh nhận một sứ vụ. Chẳng hạn các nghi thức sai đi đánh dấu kết thúc giai đoạn huấn luyện để được sai đi. Ho sẵn sàng dấn thân thi hành sứ mạng đã lãnh nhận. Nghi thức vào đời ghi nhận sự trưởng thành và trách nhiệm làm chứng trong đời sống hàng ngày. Nghi thức hôn phối đánh dấu kết thúc đời sống độc thân để chu toàn nghĩa vụ gia đình.
Lời Chúa soi đường: Phép rửa ông Gioan Tẩy giả cử hành là một trong những nghi thức quen thuộc của người Do Thái để bày tỏ tâm tình sám hối. Do vậy, nghi thức này chỉ dành cho các tội nhân. Hơn nữa, điều đặc biệt trong phép rửa của ông Gio-an là chuẩn bị lòng để đón nhận Đấng Cứu Thế. Xét về cả hai lý do trên thì Đức Giêsu không cần phải lãnh nhận bởi Ngài vô tội và Ngài chính là Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, Đức Giêsu đã tình nguyện lãnh nhận phép rửa. Vậy đâu là ý nghĩa việc làm này của Đức Giêsu.
Thứ nhất, Chúa nêu gương cho ta về đời sống khiêm nhường. Ngài không có tội nhưng tình nguyện đứng vào hàng ngũ của tội nhân. Đây là vinh dự cho chúng ta là những tội nhân vì Thiên Chúa không bỏ mặc ta, không chê ghét ta, nhưng tự nguyện trở nên đồng hàng với ta để nhờ đó nâng ta trỗi dậy. Lòng Thương Xót Chúa được diễn tả qua sự khiêm nhường. Ta hãy tạ ơn Chúa về điều đó!
Thứ hai, Chúa nêu gương cho ta về đức vâng phục. Vì yêu thương, vì Lòng Thương Xót, Đức Giêsu đã vâng phục thánh ý Chúa Cha đến ở với con người, để ban bố Lòng Thương Xót. Giờ đây, qua phép rửa này, Đức Giêsu chính thức thi hành sứ vụ của Ngài. Sứ vụ Ngài đã lãnh nhận từ Cha. Chính từ đây, cuộc đời trần thế của Ngài cũng sang trang. Ngài không còn ẩn dật ở miền quê Nazaret nữa nhưng bắt đầu hành trình rong ruổi để thi thố Lòng Thương Xót. Và quả thật, trong suốt cuộc đời, Ngài đã không mệt mỏi đi khắp đó đây để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, đó là mang Lòng Thương Xót đến cho mọi người.
Cảm nhận tình thương: Thế đấy, vì yêu thương Ngôi Hai xuống thế làm người; vì yêu thương, người tự nguyện đứng vào hàng ngũ các tội nhân để tội nhân cảm nhận được sự gần gũi yêu thương. Vì yêu thương Ngài đã “đi hết làng này đến làng khác” để thực thi Lòng Thương Xót.
Dấn thân phục vụ: Phép rửa mà Đức Giêsu đã lãnh nhận nhắc nhở mỗi người chúng ta nhớ đến phép rửa của chính bản thân mình. Qua phép rửa, chúng ta trở nên con cái Chúa, trở thành thành viên của Giáo hội, được tham dự vào đời sống ân sủng của Giáo hội. Đồng thời, với phép rửa, chúng ta cũng lãnh nhận một sứ mạng từ Thiên Chúa và Giáo hội, đó là trở nên dấu chỉ Lòng Thương Xót Chúa, làm chứng cho Lòng Thương Xót Ngài.
Như Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi thể hiện Lòng Thương Xót qua đời sống hàng ngày, qua lời nói, việc làm và nhất là cách cư xử của chúng ta với những người xung quanh. Đặc biệt, hãy thể hiện lòng thương xót qua thái độ khiêm nhường, lưu tâm đến những người nghèo khổ, những người vất vả lầm than, những người sống trong cảnh cơ cực, tủi hổ. Hãy chủ động trở nên tha nhân của mọi người, nhờ thế ta có thể chạm đến trái tim của từng người.



Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

NIỀM VUI ĐƯỢC CHỮA LÀNH


Thứ Bảy - Tuần I TN (Mc 2,13-17)
Đức Giê-su nói với các kinh sư : "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
Đi từ cuộc sống: Chắc hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh đức thánh cha Phanxicô cúi xuống rửa chân cho các tù nhân vào thứ Năm Tuần Thánh vừa qua. Hình ảnh xúc động đó đã phần nào họa lại hình ảnh Đức Giê-su, Đấng đến để kêu gọi người tội lỗi.
Lời Chúa soi đường: Người khỏe mạnh thì an vui trong sức khỏe của mình. Cũng vậy, người công chính an vui trong sự công chính. Đó là niềm vui không ai có thể lấy mất. Thế nhưng có một niềm vui lớn hơn nữa, niềm vui của người tội lỗi biết mình được cứu. Điều đó không có nghĩa là Đức Giê-su bỏ rơi những người công chính, đúng hơn, những người tội lỗi sẽ là đối tượng ưu tiên số một.
Tận hưởng niềm vui: Đó là niềm vui cho tất cả chúng ta. Chẳng ai dám vỗ ngực xưng danh rằng mình công chính. Ngược lại, ai cũng kinh nghiệm sự mong manh của mình trước những dịp tội. Mặc cảm tội lỗi rồi đến niềm vui được chữa lành là kinh nghiệm thường trực của con người. Chính trong kinh nghiệm đó mà Hội thánh đã thốt lên: “ôi tội hồng phúc!”
Chung lời cầu nguyện: Xin Chúa giúp chúng con thường xuyên đến với bí tích Hòa giải để lãnh nhận ơn tha thứ và cảm nghiệm niềm vui được chữa lành.

SỨC HÚT MANG TÊN GIÊ-SU


Thứ Sáu - Tuần I TN (Mc 2,1-12)
Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết.
Đi từ cuộc sống: Đức thánh cha Phanxicô đã được tạp chí Times bầu là nhân vật của năm 2013. Thực vậy, năm vừa qua, Đức Phanxicô đã tạo nên một sức hút mạnh mẽ nhờ những “thông điệp” người gửi cho thế giới. Một “thông điệp” mang lại niềm vui và hy vọng cho thế giới hiện tại.
Lời Chúa soi đường: Sức hút của Đức thánh cha cần được soi sáng dưới sức hút mang tên Giê-su. Dân chúng biết Đức Giê-su ở nhà đã kéo đến đông đúc đến nỗi không còn chỗ chứa. Bởi đâu Đức Giê-su tạo nên một sức hút mạnh mẽ như vậy? Thưa, bởi thông điệp tình yêu Người mang đến cho họ. Từ lời ăn, tiếng nói, hành động hay lối sống của Người đểu tỏ lộ một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn.
Tận hưởng niềm vui: Chúng ta có một Thiên Chúa yêu thương con người cách mãnh liệt. Người đã chủ động đến chỉ lối cho con người đường về trời thay vì để con người dò dẫm những bước chân lầm lạc. Thiên Chúa đã chuẩn bị chu đáo để đón đợi tôi ở cửa Nước Trời. Người mời gọi tôi tận hưởng niềm vui này cũng như chia sẻ nó cho người bên cạnh.
Chung lời cầu nguyện: Trong tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, Đức thánh cha khẳng định Đức Giê-su luôn luôn mới mẻ cho những ai trở về tận nguồn để khám phá Tin Mừng. Xin cho chúng con cũng luôn khám phá ra sự hiện diện mới mẻ của Đức Giê-su trong cuộc đời chúng con.  

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

NẾU NGÀI MUỐN


Thứ Năm – Tuần I TN (Mc 1,40-45)

Có người bị phong hủi đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng : "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."

Đi từ cuộc sống: Hằng năm, rất nhiều người về Lộ Đức để viếng Đức Mẹ. Đa số họ là những người đang mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo nào đó. Thế nhưng không phải tất cả đều đi hành hương với mục đích xin ơn chữa lành, bởi nhiều người chỉ đơn giản xin ơn can đảm chịu đựng.

Lời Chúa soi đường: Người phong hủi trong bài Tin Mừng đã quỳ xuống van xin Đức Giê-su, thế nhưng trong lời van xin, anh vẫn nhấn mạnh ba chữ “nếu Ngài muốn”. Ba chữ “nếu Ngài muốn” cũng hàm nghĩa rằng anh sẵn sàng đón nhận tình trạng của mình “nếu Ngài không muốn”. Thái độ van xin của anh vừa tha thiết vừa tôn trọng và phó thác vào quyết định của Đức Giê-su.

Tận hưởng niềm vui: Chúng ta đã xin rất nhiều nhưng đa số chúng ta cũng chỉ muốn Thiên Chúa “chiều” theo ý của ta. Ít khi ta tìm hiểu xem Chúa muốn điều gì nơi ta! Chúng ta thường càu nhàu, khó chịu khi thập giá cuộc đời xem ra nặng nề khó vác. Tuy nhiên, có một tin vui là Chúa luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho ta. Nếu ta dám buông thả đời mình trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa thì dù thế nào cuối cùng Thiên Chúa cũng sẽ nói với ta: “Ta muốn, con hãy được sạch!”

Chung lời cầu nguyện: Xin cho con can đảm đón nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời, dù đôi khi điều đó cực kỳ khó khăn.

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

CẦU NGUYỆN LÀ NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG



Thứ Tư – Tuần I TN (Mc 1,29-39)


Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Đức Giê-su đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó (Mc 1,35).

Đi từ cuộc sống: Một linh mục “hồi tục” sau một thời gian sống và thi hành sứ vụ mục tử đã chia sẻ kinh nghiệm của bản thân: Vì thiếu đời sống cầu nguyện nên tôi đã không chu toàn sứ vụ của mình.

Lời Chúa soi đường: Tin Mừng cho thấy một ngày của Đức Giê-su bận rộn với biết bao công việc: giảng dạy và chữa lành. Thế nhưng, tất cả những lời nói và việc làm của Người đều đặt nền tảng trên đời sống cầu nguyện. Một ngày trải qua với bao vất vả vẫn không ngăn cản việc Người thức dậy từ sớm để đến một nơi thanh vắng cầu nguyện. Dù là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su vẫn luôn gắn bó mật thiết đời sống của Người với Chúa Cha.

Tận hưởng niềm vui: Đức Giê-su đã nêu gương cho ta về một đời sống thống nhất. Cuộc sống trần gian không tách rời khỏi mối liên hệ với Cha trên trời. Chúng ta được mời gọi sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta không bám chặt vào mặt đất này với những mối bận tâm quá đáng. Một sự kết hợp giữa những lo âu của cuộc sống với niềm tin tưởng phó thác trong cầu nguyện là cần thiết đối với người môn đệ.

Chung lời cầu nguyện: Xin cho chúng con luôn gắn bó đời mình với Chúa qua lời cầu nguyện, để chúng con không khủng hoảng với những thất vọng nhưng cảm nhận được niềm vui vì có Chúa đồng hành.

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

UY QUYỀN CỦA ĐỨC GIÊ-SU


Thứ Ba – tuần I TN (Mc 1,21b-28)
Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau : "Thế nghĩa là gì ? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !" (Mc 1,27).

Đi từ cuộc sống: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”, đó là câu nói quen thuộc mà chúng ta thường nghe. Thế nhưng, có một sức mạnh khác không đến từ kỷ luật nhưng đến từ tình yêu thương. Uy quyền đó không khiến cho người ta sợ hãi nhưng mang lại niềm vui khôn tả.

Lời Chúa soi đường: Đức Giê-su mang đến một sự mới mẻ cả trong lời nói lẫn việc làm. Giáo lý của Người không khô khan, khó hiểu nhưng cụ thể và dễ nhớ. Việc làm của Người càng mang lại niềm vui và niềm hy vọng hơn nữa khi nó có sức chữa lành mọi bệnh tật cũng như sự thống trị của ma quỷ.

Tận hưởng niềm vui: Chúng ta có một Thiên Chúa gần gũi nhưng đầy quyền năng. Lời nói và việc làm của Người mang lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Giáo lý và hành động của Người nhằm bày tỏ tình thương của Thiên Chúa dành cho con người cũng như mời gọi con người sống mến Chúa yêu người.

Chung lời cầu nguyện: Việc Chúa đến ở giữa chúng con là một niềm vui trọng đại. Xin cho mỗi người chúng con cảm nhận được niềm vui này để nhờ đó, chúng con đủ sức vượt qua những gian khổ trong cuộc sống.