Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Khôn và dại

Có thể nói điều hấp dẫn từ bộ phim  “Anh hùng xạ điêu” không đến từ Anh hùng xạ điêu (Quách Tĩnh) cho bằng đến từ Hoàng Dung, một cô gái trẻ trung, năng động, nhanh trí, khôn ngoan và … xinh đẹp. Điều nổi bật nhất nơi Hoàng Dung chính là sự khôn ngoan lanh lợi, nhờ đó mà nhiều lần cô đã thoát hiểm trong gang tấc. Nhưng cũng có thể nói sự khôn ngoan của Hoàng Dung nổi bật một phần là do sự chậm chạp của Quách Tĩnh, người luôn sát cánh bên cô. Nói Quánh Tĩnh dại thì hơi quá nhưng nói chàng chậm chạp, khù khờ thì quả không sai. Tuy nhiên, điều thú vị là nhiều khi chính cái khù khờ đó cũng giúp chàng thoát nạn. Điều thú vị hơn nữa là giữa hai nhân vật xem như tương phản này lại rất ăn ý và hòa hợp với nhau. Có lẽ chính cái chân chất thật thà và cái tâm trong sáng là chất xúc tác đưa cái khôn và cái khù khờ lại gần nhau.
Thông thường, những kẻ điên dại bị người ta xem thường, không để ý lưu tâm, coi như hạng người bên lề xã hội. Chính vì thế nhiều người rất khôn ngoan nhưng lúc sa cơ thất thế thì phải mặc lấy cái điên dại để được yên thân. Cái điên, cái dại đôi khi chỉ là vỏ bộc để che dấu cái khôn bên trong.
Dại khôn – khôn dại ở đời thật là tương đối. Có lẽ cảm nghiệm được điều này mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thốt lên: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ người khôn người đến chốn lao xao. Mới nghe thì có vẻ ông tự nhận mình dại để khen người khôn nhưng thực ra đó là lời mỉa mai của kẻ khôn ẩn giấu đàng sau cái dại.
Thánh sư Tôma, nhà thần học có một không hai bởi sự uyên bác của mình, đã để lại cho hậu thế những tác phẩm đầy chất trí tuệ, vậy mà khi cuối đời ngài dường như “ngộ” ra mình cũng dại để rồi xem tất cả những gì là khôn ngoan uyên bác kia đều ra rơm rác!
Bài đọc 1 kinh sách thứ Tư tuần XII TN trích từ sách Giảng viên, tác giả cũng có một quan niệm tương tự về cái khôn cái dại: Người khôn biết mở mắt nhìn, kẻ dại bước đi trong tăm tối. Còn tôi, tôi biết : cả hai sẽ cùng chung một số phận. Và tôi tự nhủ : "Số phận của kẻ dại làm sao, thì số phận của tôi cũng như thế. Vậy tôi khôn cho lắm để làm gì ?" Tôi lại tự nhủ : đó cũng chỉ là phù vân. (Gv 2, 14-15).
Thế nhưng, cái khôn cái dại cần phải nhìn xa hơn. Thánh Ghêgôriô chú giải đoạn sách trên như sau: có biết bao người dấn thân chiến đấu cho những điều cao cả, khi họ chăm lo suy niệm về những điều thực sự hiện hữu, mà lại bị coi là đui mù và vô dụng. Thánh Phaolô lấy làm hãnh diện về điều đó, khi người nói mình điên dại vì Đức Kitô. Vì vậy người nói: chúng tôi điên dại vì Đức Kitô. Vì thế thánh Phaolô đã không có nhà ở, phải sống nghèo nàn, lang thang, trần trụi và đói khát (trích từ bài đọc hai cùng ngày). Nếu Phaolô có điên dại thì chắc hẳn ngài cũng theo gương mẫu của Thầy Giêsu!

Khi biết tôi đi tu có lẽ nhiều người thầm nghĩ thằng này dại. Ngày xưa, dân thành Athen đã dùng cái khôn ngoan của mình để chế nhạo cái điên dại của Phaolô. Ngày nay có lẽ nhiều người cũng đang cười chê cái điên dại của Tôi! Ngày xưa, Phaolô bỏ thành Athen mà đi dù cũng có vài người theo ngài. Ngày nay tôi sẽ phản ứng ra sao? Tôi có dám sống cái điên dại hết mình và để cho Đấng Khôn Ngoan hoạt động qua cái điên dại đó không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét