Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Bệnh tật và sự chết trong Thánh vịnh


1.                 Giới thiệu chung
Bệnh tật và cái chết luôn gắn liền với cuộc sống của con người. Con người luôn tìm cách né tránh nhưng không thể tránh khỏi. Từ đó con người đánh đón nhận và tìm cho nó một ý nghĩa. Người Do thái, dân tộc được Chúa tuyển chọn và luôn quy hướng về Chúa trong mọi biến cố của cuộc sống, cũng đi tìm cho mình lời giải đáp. Với ý thức tôn giáo của mình, dĩ nhiên, họ không thể tách rời bệnh tật và sự chết ra khỏi tôn giáo. Giữa chúng luôn có một mối tương quan khắng khít. Đâu là mối tương quan giữa bệnh tật và cái chết với tội lỗi? Cuộc sống sau cái chết như thế nào? Con người phải có thái độ như thế nào? Những câu hỏi này được các tác giả Kinh thánh đặt ra và tìm lời giải đáp. Đặc biệt là trong các Thánh vịnh. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu kỹ vấn đề trong các Thánh vịnh, chúng ta cần tìm hiểu sơ qua những quan niệm của người Do thái về một số vấn đề liên quan. Trước hết là mối tương quan giữa bệnh tật và tội lỗi.
a.                      Tương quan giữa bệnh tật và tội lỗi theo quan niệm Do Thái
Trong một thế giới mà tất cả đều tùy thuộc vào Thiên Chúa như là nguyên nhân, thì bệnh tật cũng không tránh khỏi quy luật này. Trong bệnh tật người ta có thể dễ dàng nhìn thấy hành động của Thiên Chúa đánh phạt con người (Xin Ngài thôi đừng đánh con nữa/tay Ngài giáng xuống, thân này nát tan_Tv 39,11). Theo khuynh hướng tự nhiên, cảm quan tôn giáo của con người thiết lập mối tương quan giữa bệnh tật với tội lỗi. Mặc khải kinh thánh không chối bỏ quan điểm này nhưng xác nhận bệnh tật chỉ đi vào trong thế gian như hậu quả của tội lỗi (x. St 3,16-19). Nó là một trong những dấu chỉ sự giận dữ của Thiên Chúa trước thế gian tội lỗi. Thế nên, kinh nghiệm về bệnh tật phải đưa đến kết quả là gợi lên trong con người ý thức về tội lỗi. Thực vậy, trong các thánh vịnh cầu khẩn, lời van xin chữa lành luôn kèm theo sự thú nhận các lỗi lầm (Tv 38, 2-6). Cụ thể nhất cho mối liên hệ này là bệnh phong cùi. Đây được coi là hình phạt Chúa dùng để trừng phạt người tội lỗi. Do vậy, trên nguyên tắc, bệnh phong cùi chính là dấu chỉ của tội lỗi.
Thế còn những người công chính thì sao? Bệnh tật của họ có liên hệ gì với tội lỗi hay không? Câu trả lời của Cựu ước là nếu người công chính bị bệnh tật thì đó là một thử thách lòng trung tín của họ (ông Gióp, Tobit).
Chính vì quan niệm về bệnh tật và tội lỗi như thế nên bệnh nhân trước hết phải kêu cầu Thiên Chúa vì Người là danh y tuyệt hảo. Do đó, bệnh nhân phải đến gặp các thầy tư tế và các ngôn sứ để khiêm nhường xưng thú tội lỗi đồng thời xin ơn được chữa lành.[1]
b.                     Quan niệm của người Do thái về cái chết
Đối với người Do thái, người chết không còn nữa, nhưng chết không phải là hoàn toàn bị hủy diệt. Tuy thân xác được đặt vào trong lòng đất nhưng một cái gì đó của người quá cố, một bóng hình vẫn còn tồn tại trong Sêol. Người ta quan niệm âm phủ (Sêol) như một vực thẳm, một cái giếng sâu, một chốn cô quạnh (Tv 115,17), một nơi hư vong, tối tăm, quên lãng (Tv 88,12). Tất cả những người quá cố đều được tập trung vào nơi đó để cùng chịu một số phận đau khổ như nhau, tuy có nhiều loại cực hình khác nhau. Sự hiện diện của họ chỉ còn là một giấc ngủ (Tv 13,4), họ không còn hy vọng, không còn biết Thiên Chúa, không còn ca ngợi Thiên Chúa nữa (Tv 6,6). Một khi bước vào Sêol thì họ không còn trở ra được nữa, chính Thiên Chúa cũng quên họ. Đó là một viễn tượng đau lòng mà sự chết mở rộng cho con người. Đó là định mệnh chung của tất cả mọi người.
Vì âm hưởng bi thảm của cái chết là như thế nên nó không thể đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa không dựng nên con người để hư nát, để chết, nhưng cũng như bệnh tật, cái chết chỉ du nhập vào trần gian vì tội lỗi. Thế nhưng, làm thế nào để giải thích cái chết của người công chính? Ý thức thân phận tội lỗi của mình, con người tin rằng chỉ có Thiên Chúa mới cứu được con người khỏi chết. Vì thế khi sắp chết, con người hết lòng kêu cầu lên Chúa với hy vọng Người sẽ không bỏ rơi họ (Tv 16,10).  Với niềm hy vọng và tin tưởng này, họ hoán cải cuộc sống để được Thiên Chúa giải thoát khỏi cái chết. Đó chính là khởi điểm của niềm hy vọng mà sau này sẽ nảy nở trong viễn tượng bất tử. [2]
c.                       Bệnh tật và sự chết trong thánh vịnh
Các Thánh vịnh cho ta hiểu suy nghĩ và thái độ con người thời Cựu ước đối với bệnh tật. Bệnh tật do Thiên Chúa gởi đến, nên cũng chỉ chờ đợi sự chữa lành từ nơi Người. Các Thánh vịnh giải thích lý do Chúa gởi tật bệnh, thường là hình phạt do tội (Tv 38,4; 41,5). Đây là quan niệm cổ truyền được các thù địch của các tác giả Thánh vịnh khai thác để đối kháng. Trong các Thánh Vịnh, người kêu cầu hay nói về mình như là một bệnh nhân. Vì thế, chúng ta phải coi bệnh tật như là một trong những dữ kiện chính yếu của lời nguyện Thánh Vịnh.
Đa số các thánh vịnh được viết trước sách Khôn ngoan và Ma-ca-bê nên quan niệm về cái chết còn nhiều hạn chế. Cho đến nửa sau thế kỷ II trước công nguyên, thần học Do thái vẫn chưa có một quan niệm rõ ràng và đầy đủ về "cuộc sống bên kia". Trong các thánh vịnh sự chết được đồng hóa với biển, vực thẳm (Tv 18, 5), chỗ sình lầy, loài thủy quái (Tv 69. 15-16). Sự chết được nhân cách hóa qua ý muốn của Tử Thần.
Bệnh tật và cái chết là chủ đề nằm rãi rác trong các thể loại Thánh vịnh ai ca (cá nhân, tập thể), tạ ơn, giáo huấn, hỗn hợp. Khi tìm hiểu kỳ chủ đề này, ta sẽ thấy nó có nội dung chính với các yếu tố như sau: Kêu cầu, nêu hoàn cảnh, những lý do Thiên Chúa cứu nguy, sự tin tưởng và tạ ơn.
Thực vậy, trong cơn khốn khổ, lời kêu van của tác giả nhắc đến sự tốt lành quảng đại của Chúa đối với những ai van xin Người. Lời than thở bộc bạch những nhu cầu với những tình tiết, giải bày nỗi lo âu trước những hiểm nguy đang đe dọa và thú nhận sự yếu đuối bất lực của mình. Tác giả cầu khẩn Chúa hãy lắng nghe, hãy thức dậy, hãy ghé mắt thương đến cứu giúp, bảo vệ, chở che.... Tác giả Thánh vịnh viện dẫn những lý do đảm bảo cho lời cầu được Chúa nhận lời: Chúa xót thương, nhân hậu, công bằng... Chúa là Đấng cứu độ, là sức mạnh... ngoài ra tác giả còn diễn tả lòng tín thác vào Chúa và dâng lời ca tụng tạ ơn sự chữa lành và giải thoát của Người.
2.                 Phân tích các nội dung chính
a.                      Kêu cầu
Vì quan niệm bệnh tật có liên hệ với tội lỗi, điều đó cũng có nghĩa là bệnh nhân đã xúc phạm đến Chúa và khiến Ngài nổi giận. Do vậy, các bệnh nhân thường dâng lời khẩn khoản nài xin Thiên Chúa một cách thống thiết để mong Ngài mau ra tay cứu giúp và chữa lành.
Cầu xin giải thoát khỏi bệnh tật và cái chết gần như là một điệp khúc của các thánh vịnh. Vì nghĩ rằng tương quan của con người với Thiên Chúa sẽ chấm dứt sau cái chết nên những lời khóc than, kêu cầu, kể lễ, tin tưởng và ca tụng xuất hiện trong nhiều thành vịnh. Qua những lời kêu cầu này, tác giả xin Chúa mau tỉnh giấc, đến, nghe, giúp, che chở, và cứu chữa tác giả.
Trong cơn đau đớn của bệnh tật, tác giả kêu xin lên Chúa suốt ngày: Lạy Chúa, suốt cả ngày con kêu lên Chúa/và giơ tay hướng thẳng về Ngài (Tv 88,10). Có lẽ tác giả đang bị bệnh phong cùi vì mọi người đều gạt bỏ xa lánh. Tác giả xin Thiên Chúa can thiệp trước khi bị xuống âm phủ vì khi đó thì đã quá muộn. Thực vậy, ý thức tình trạng hệnh tật của mình, ý thức sự sống đang tan biến dần, tác giả thổn thức và rên siết hàng đêm: Rên siết đã nhiều, nên con mệt mỏi/trên giường ngủ, những thổn thức năm canh/từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối (Tv 6, 7).
Qua các lời kêu xin của người bệnh trong các Thánh Vịnh, thường ta không phân biệt được những mức độ nghiêm trọng của căn bệnh, bởi vì đối với họ, mọi bệnh tật, dù nặng hay nhẹ, đều cho thấy bộ mặt của chính sự chết ở mức độ tuyệt đối.
b.                     Hoàn cảnh
Dường như để lời cầu xin của mình được Thiên Chúa mau nhận lời, tác giả thường kể lễ về hoàn cảnh của mình, đó là một hoàn cảnh thật bi đát và đáng thương. Ta có thể phân biệt thành hai hoàn cảnh, hoàn cảnh thể xác và hoàn cảnh tinh thần.
Hoàn cảnh thể xác: Chẳng hạn ở các Thánh vịnh 38, 88 và 102, tác giả than van kể khổ để nhẹ bớt nổi lòng cũng như để Chúa động lòng thương. Tác giả than van về các vết thương, các khổ đau trong thân xác: da thịt không chỗ nào lành, vết thương nặng mùi rửa nát, tim hồi hộp, mắt mờ, da bọc xương… đau đớn. Bệnh tật làm cho tác giả ngày không ăn, đêm không ngủ đến độ chỉ còn da bọc xương. Tác giả cảm thấy mình bị kiệt sức, chẳng còn làm được chi.
Qua các lời than van của các bệnh nhân, chúng ta có thể kể ra đây những tình trạng của căn bệnh. Trước hết là người nóng như lửa. bệnh nhân cảm thấy “cổ họng khô ran như ngói” hơn nữa lưỡi với hàm thì “dính lại cùng nhau” (Tv 22,16). Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm nhận được xương tủy mình “nóng ran như hỏa lò” (Tv 102, 4).
Triệu chứng thứ hai là gân cốt rã rời. Từ ngữ “xương cốt” cũng đồng nghĩa với “sức lực”, hay một cách đơn giản, đồng nghĩa với “khả năng đứng vững được”. Vì thế, câu nói “gân cốt rã rời” thường diễn tả tình trạng đuối sức,“Gân cốt con rời rã” tương đương với “sức lực con cạn kiệt” và “tháng năm tàn lụi” (Tv 31, 11).
Triệu chứng thứ ba là đôi mắt mòn mỏi. Bệnh tật và sầu khổ làm phương hại đến đôi mắt, và đây là một trong những nét đánh động nhất và mang nhiều ý nghĩa nhất: Quá sầu đau, mắt đà mòn mỏi/hồn ảo não và thân hình tiều tuỵ (Tv 31, 10). Mắt bị mòn mỏi và mờ đi, điều này có nghĩa là mất đi niềm vui chiêm ngưỡng ánh sáng mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Nó cũng đồng nghĩa với cái chết. Sự toàn vẹn của đôi mắt mang ý nghĩa sự toàn vẹn của sự sống.
Hoàn cảnh tinh thần: Bên cạnh nỗi đau thể xác, bệnh nhân còn cảm thấy mình nên trò cười cho thiên hạ. Cả hàng xóm láng giềng lẫn bạn bè thân thích đều kinh hãi và tránh xa. Bệnh nhân thấy mình như một món đồ bị hư và bị vất bỏ, chẳng còn ai chớ đến. Đau đớn hơn, mọi người còn buông những lời độc địa, toa rập với nhau để chống lại bệnh nhân (Tv 31,12-14). Như vậy, tâm hồn tác giả tràn ngập đau khổ vì thấy mạng sống mình đã gần kề âm phủ. Khi đó, tác giả hình dung mình nằm trong mồ mả như bao tử thi khác và đã bị Chúa quên đi, không còn được Ngài săn sóc nữa. Tác giả tưởng như cơn giận Chúa đang đè nặng thân mình.
Kinh nghiệm cho thấy rằng tình cảnh bị bỏ rơi có khả năng giết chết người ta còn hơn là bệnh tật. Tuy nhiên, các Thánh vịnh còn đi xa hơn cả sự cô đơn chết người, vì các Thánh vịnh còn nói đến sự ruồng bỏ. Thật vậy, trong Thánh vịnh, những tai họa luôn luôn có khuynh hướng hội tụ lại: người bị tố cáo phải ra tòa gần như luôn là người bệnh; và người bệnh gần như luôn là người bị tố cáo (x. Tv 6). Do vậy, bệnh nhân thường cũng là nạn nhân. Họ không chỉ đau khổ vì bị thương tổn, nhưng còn vì bị người khác bỏ rơi, bị ruồng bỏ, bị săn đuổi và thậm chí bị tố cáo, bị lên án, bị thù ghét. Chẳng hạn trong Tv 6, tác giả thốt lên lời nguyện: “Lạy Đức Chúa, xin chữa lành con” (v. 3), đó là lời cầu nguyện của một bệnh nhân; thế nhưng cũng chính bệnh nhân này lại mơ ước có ngày kẻ thù của mình sẽ thối lui!
Trong Tv 38, sau khi mô tả rất chi tiết về bệnh tật của mình, bệnh nhân còn nói mình bị bạn bè bỏ rơi, và bị tố cáo bởi kẻ xấu. Hay người bị bệnh “liệt giường liệt chiếu” (Tv 41, 4) kêu lên: « Lạy Chúa, xin thương xót và chữa lành con » (c. 5), không chỉ bị kẻ thù lên án mà còn bị bạn bè phản bội (c. 6-10).
c.                       Lý do
Sau khi trình bày hoàn cảnh của mình, tác giả Thánh vịnh đưa ra những lý do để được Chúa cứu chữa. Lý do thường xuyên mà tác giả đưa ra là nếu tác giả chết và vào chốn âm ty thì ai sẽ nhớ đến và ca ngợi tình thương của Chúa, ai sẽ tán dương lòng thành tín của Ngài, những kỳ công Chúa ai sẽ tán dương, đức công chính của Ngài ai sẽ ca ngợi? Do đó Chúa chẳng được lợi ích gì nếu tác giả phải chết (Tv 30,10; 88, 12-13).
Một lý do nữa mà tác giả đã đưa ra, đó là hành động của Thiên Chúa trong quá khứ. Có lẽ tác giả nhớ lại lịch sử của dân tộc mình và nghiệm ra rằng trong quá khứ, nhiều lần tổ tiên họ sa ngã hay gặp nguy hiểm, họ đã kêu cầu, cậy trông Thiên Chúa và Ngài đã cứu giúp họ. (Tv 22,4-6). Đó là lý do mà tác giả tin rằng bây giờ Thiên Chúa cũng sẽ hành động như vậy để cứu giúp tác giả khỏi bệnh tật và cái chết.
Hơn nữa, chính Thiên Chúa đã đón nhận và che chở tác giả ngay từ khi mới sinh: Chào đời con được dâng cho Chúa/được Ngài là Chúa tự sơ sinh (Tv 22,11). Do vậy, Thiên Chúa không có lý do gì để bỏ rơi hay xa lìa tác giả. Vì Chúa là phần sản nghiệp, là chén phúc lộc của tác giả, chính ngài nắm giữ số mạng của tác giả nên hiển nhiên là tác giả phải kêu cứu đến Ngài và chắc Ngài sẽ không nỡ giả điếc làm ngơ! (Tv 6,5). Vì Thiên Chúa là phần gia nghiệp của tác giả nên Ngài sẽ chẳng đành bỏ mặc kẻ hiếu trung (tác giả) phải hư nát trong phần mộ. Trái lại, Ngài sẽ dạy cho tác giả biết con đường dẫn đến sự sống (Tv 6, 10-11).
Tóm lại, các lý do mà tác giả đưa ra đều nại về phía Thiên Chúa. Vì tình thương, lẽ công bằng, danh dự của Ngài mà không nên để tác giả chết. Nếu tác giả chết thì không thể ca tụng Chúa được nữa và điều đó cũng chẳng có ích lợi gì cho chính Thiên Chúa.
d.                     Sự tin tưởng
Sau khi trình bày những lý do để được Thiên Chúa cứu chữa, tác giả bày tỏ sự tin tưởng tín thác của mình. Thời gian sống trên cõi đời thì chóng qua mà những thử thách lo âu thì dầy đặc, chính vì thế, tác giả hy vọng Thiên Chúa sẽ mau đáp lời: Muôn lạy Chúa, xin đừng bỏ mặc/ đừng nỡ xa con, lạy Thiên Chúa con thờ./ Lạy Chúa cứu độ con, xin Ngài mau phù trợ (Tv 31, 22-23). Hơn nữa, chính Thiên Chúa đã nuôi dưỡng niềm hy vọng và đã để cho niềm hy vọng này được nối dài: Ngài đã không giao tôi cho thần chết (Tv 118, 18).
Đoạn Thánh vịnh 16,9-10 diễn tả niềm vui sướng vô cùng của tác giả khi hy vọng được Thiên Chúa cứu khỏi cái chết, khỏi âm phủ, tức shéol. Chính sách Cv 2,31; 13,35-36 đã trích dẫn hai câu này để nói đến sự Phục Sinh của Đức Giê-Su. J. Harvey cho rằng qua tư tưởng này (câu 9-10) hình như tác giả chỉ nhằm đến sự hiện diện của Thiên Chúa, và như vậy đã mặc nhiên nhằm đến cuộc sống vĩnh cửu. Điểm mà tác giả ước ao đó là tiếp tục sống mãi trước thánh nhan Thiên Chúa ngay ở đời này, một khi đã được cứu cho khỏi chết (Tv 49,16; 118,7).[3] Như vậy, hai câu Thánh Vịnh này diễn tả niềm tin tưởng, hy vọng vào một sự sống vĩnh cửu thường tồn bên cạnh Thiên Chúa, nhưng đó là sự sống ở đời này. Đây là khát vọng hợp với thời đại Thánh vịnh ra đời.
Tác giả tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ dạy cho tác giả biết con đường về “cõi sống”, đó là nơi “vui sướng tràn trề” và “hoan lạc chẳng hề vơi” vì có Thiên Chúa ở cùng. Liệu “đường về cõi sống” có phải là cõi sống lại đời sau hay không? Theo J. Harvey thì “Lời khuyên của Thiên Chúa (Tv 16,11) chính là trực giác đức tin về sự sống”. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã chú thích câu thánh vịnh này như sau: Nỗi vui mừng hân hoan của tác giả dựa vào niềm hy vọng liên quan đến hai điểm. Một là tác giả sống thân mật với Thiên Chúa sẽ thoát khỏi cái chết, vì cái chết làm cho con người phải rơi vào âm phủ là nơi không còn có liên lạc gì với Thiên Chúa, theo quan điểm của người Do thái. Như thế, tác giả sẽ kéo dài cuộc sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Thứ hai là tác giả sẽ chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa và mãi mãi sống hạnh phúc bên Người. Niềm hy vọng đó còn mù mờ, nhưng đã khai mào cho lòng tin vào sự phục sinh. Khi trích dẫn Tv 16,10 theo LXX (hư nát thay thế phần mộ), thánh Phêrô (Cv 2,27) và thánh Phaolô (Cv 13,35) đã áp dụng cho Đức Ki-tô sống lại.[4] Như vậy qua đoạn thánh vịnh này, tác giả tin tưởng rằng mình sẽ được sống, được hưởng hạnh phúc lâu dài bên Chúa.
Tác giả xác tín rằng mình chỉ tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa mà thôi vì tác giả biết là Thiên Chúa ghét những ai “thờ thần hư ảo”, do đó tác giả phó thác hồn mình vào trong tay “Chúa Trời thành tín”. Chính vì phó thác như thế, tác giả tin là Chúa đã đoái nhìn đến thân phận của tác giả, đã lo lắng chăm nom khi tác giả lâm cảnh ngặt nghèo (Tv 31, 6-9). Từ đó tác giả mời gọi toàn thể mọi người hãy hiếu trung, hãy yêu mến và cậy trông vào Chúa vì Chúa sẽ gìn giữ người thành tín và trừng trị kẻ kiêu căng (Tv 31, 24-25).
Tác giả cho thấy những kẻ khác thì cậy vào của cải, do đó chúng vênh vang khi có lắm bạc tiền. Tác giả thì trái lại, chỉ tin cậy vào một mình Thiên Chúa mà thôi vì chỉ có Ngài mới chuộc được mạng tác giả và gỡ tác giả “ra khỏi quyền lực âm phủ” (Tv 111,7.16).
Trong hoàn cảnh bị bệnh tật và bị mọi người xunh quanh nhạo báng chế giễu, tác giả xác tín rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ nhận lời. Do vậy, tác giả thốt lên: Đi cho khuất, hỡi bọn làm điều ác/vì Chúa đã nghe tiếng nức nở ta rồi (Tv 6,9). Từ đó tác giả ước gì những kẻ thù của tác giả phải nhục nhã mà tháo lui một cách ê chề.
e.      Tạ ơn và hy lễ
Trong khi tin tưởng và cầu xin, bệnh nhân không quên hứa sẽ tạ ơn Thiên Chúa. Thậm chí tạ ơn Thiên Chúa có khi lại chính là lý do để xin Chúa cứu. Thực vậy, tác giả Thánh vịnh 9 xin Thiên Chúa dủ lòng thương kéo tác giả lên khỏi ngục tử thần “để” tác giả dâng muôn lời ca tụng Chúa tại cửa thành Xi-on! (Tv 9,14-15).
Lời hứa sẽ ca tụng Chúa thường được đưa ra trong lời kêu cầu như lý lẽ để đạt được điều nguyện xin. Lý lẽ có thể được nêu hoặc dưới hình thức tiêu cực: “Nếu Chúa để con chết đi, Danh Ngài sẽ không được chúc tụng”, hoặc dưới hình thức tích cực: “Nếu Chúa cứu sống con, Danh Ngài sẽ được ca tụng”.
Trong trường hợp thứ nhất, nghĩa là “nếu Chúa để cho con chết đi”, người kêu cầu khi thì cho rằng kẻ thù của mình sẽ có dịp để nhạo cười (Tv 41,12), khi thì cho rằng đức tin của các bạn hữu sẽ bị yếu đi, hoặc chính mình rốt cuộc sẽ phải ngừng ca tụng Thiên Chúa, bởi vì mình bị nộp cho thần chết và những người chết thì không ca tụng được (Tv 6, 6).
Trong trường hợp thứ hai, nghĩa là “nếu Chúa cứu con sống”, người kêu cầu cho rằng kẻ thù của mình sẽ phải câm miệng, và các bạn hữu của mình sẽ được củng cố trong đức tin (Tv 40, 4). Và nhất là chính người kêu cầu sẽ khởi xướng lời ca tụng và mời gọi những người khác cũng ca tụng Thiên Chúa (Tv 40, 17).
Thánh vịnh 30 là một thánh vịnh tạ ơn của tác giả để ca tụng Thiên Chúa vì đã được Ngài chữa lành bệnh tật và cứu khỏi chết. Mở đầu, tác giả tạ ơn Chúa đã cho tác giả được bình phục và cứu khỏi chết (c.2-4). Thế nên tác giả tán dương Thiên Chúa đồng thời mời gọi mọi người (những kẻ tín trung) cùng tạ ơn (c.5). Qua việc được cứu chữa này, tác giả nghiệm ra rằng Thiên Chúa chỉ giận trong giây lát nhưng Ngài lại yêu thương suốt cả cuộc đời. Cơn giận không làm lu mờ đi hình ảnh một Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu. Vì thế, tác giả xin Thiên Chúa tiếp tục che chở (7-11) và với niềm tin tưởng, tác giả lại tiếp tục ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa (12-13).
Tương tự như thế ở thánh vịnh 31. Dù bị bệnh tật đến “gân cốt rã rời” và bị bao người chống đối và “mưu toan lấy mạng”, tác giả vẫn bày tỏ niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa (c.15). Không chỉ vậy, tác giả còn ca ngợi tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho những ai kính sợ Người. Tác giả chúc tụng Thiên Chúa vì đã tỏ tình thương kỳ diệu với tác giả bằng cách che chở họ khỏi “người đời mưu hại”, khỏi “tầm lưỡi thị phi”. Vì cảm nghiệm được điều này nên tác giả mời gọi hết “mọi người tín trung”, “những ai thành tín” hãy yêu mến, can đảm, cậy trông vào Chúa vì Người sẽ luôn giữ gìn họ cũng như sẽ thẳng tay trừng trị bọn ác nhân (20-25).
Không chỉ dâng lời chúc tụng và ngợi khen mà thôi, bệnh nhân còn dâng lễ tạ ơn như đã hứa nữa. Thánh vịnh 116 cho thấy sau khi được ơn, tác giả dâng lễ tạ ơn mà ông đã khấn hứa khi gặp tai nạn (14.18). hy lễ tạ ơn gồm có việc dâng chén cứu độ (13), có lẽ là chén rượu dâng để tạ ơn Chúa vì đã ban ơn cứu độ, và những lễ hy sinh (chiên bò).
3.                 Bệnh tật và sự chết được hoàn trọn ý nghĩa trong Đức Ki-tô[5]
Như đã nói ở phần giới thiệu chung, quan điểm người Do thái trong Cựu ước, nhất là qua các Thánh vịnh cho rằng giữa bệnh tật và tội lỗi có mối liên hệ với nhau. Do vậy, bệnh tật cũng chính là một sự dữ. Sau này, các ngôn sứ, qua những lời hứa về thời cánh chung, loan báo rằng bệnh tật sẽ bị hủy diệt trong thế giới mới. Khi đó, sẽ không còn người tật nguyền (Is 35,5), không còn đau khổ và nước mắt (Is 25,8). Khi Người Công Chính chịu đau khổ tự gánh lấy những bệnh tật của chúng ta, chúng ta sẽ được chữa lành nhờ những vết thương của Ngài (Is 53,4).
Thật vậy, Người Công Chính đó chính là Đức Giê-su, Người đã gặp rất nhiều bệnh nhân trong thời gian đi rao giảng. Qua những tiếp xúc với bệnh nhân, Người cho thấy bệnh tật là một tai họa mà con người phải gánh chịu, một hậu quả của tội lỗi, một dấu chỉ của quyền năng Satan trên loài người (Lc 13,16). Người đã cảm thương và chữa lành họ. Tình thương và quyền năng của Người luôn song hành với nhau. Dù Người không chữa lành hết mọi bệnh tật cho tất cả mọi người trên trần gian này, nhưng qua đó cũng chứng tỏ tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa.
Việc chữa lành phần nào tiên báo sự toàn thiện sau cùng trong vương quốc Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su đã thông dự vào thân phận của nhân loại đau khổ để sau cùng có thể vinh thắng trên mọi sự dữ. Hơn nữa, thánh Phaolô còn khẳng định khi gánh lấy trên mình những bệnh tật của chúng ta trong cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su đã mặc cho chúng một ý nghĩa mới: như mọi đau khổ, từ đây bệnh tật có một giá trị cứu chuộc (x Gl 4,13; 2Cr 1,8). Theo thánh nhân, bệnh tật liên kết con người với Đức Ki-tô (2Cr 4,10).
Với cái chết cũng vậy. Thần chết thống trị cho đến thời Đức Ki-tô. Khi Chúa Ki-tô đến và chiến thắng Thần chết bằng chính cái chết của Người thì cũng là lúc sự chết mang một ý nghĩa mới: đó là cùng chết với Đức Ki-tô để được sống lại với Người. Để giải thoát chúng ta khỏi sự chết, trước hết Đức Ki-tô đã mặc lấy thân phận phải chết của chúng ta. Cái chết của Người không phải là một sự ngẫu nhiên vì chính Người đã nhiều lần báo trước (Mc 8,31). Người đã chấp nhận cái chết như một sửa phạt do luật định. Người liên đới với dân người khi đón nhận hình phạt (cái chết) dành cho Tội của con người. Vì thế, khi chết người đã tước đoạt tất cả quyền lực của Tội và hòa giải chúng ta với Thiên Chúa. Người đã vào âm phủ với tư cách chủ nhân và đã tự ý ra khỏi đó. Người đã trở thành trưởng tử những người quá cố (Cl 1,18). Người đã vô hiệu hóa kẻ nắm giữ quyền lực sự chết, tức là ma quỷ (Hr 2,14). Kể từ đó, mối tương qua giữa con người với sự chết cũng thay đổi. Họ đã được Đức Ki-tô giải thoát khỏi luật và sự chết và sau cùng người sẽ cho tất cả được phục sinh để hưởng sự sống đời đời với Thiên Chúa, điều mà các tác giả thánh vịnh hằng mơ ước và nguyện xin đêm ngày.
Những đau khổ, bệnh tật, những lời nguyện xin cho khỏi phải uống “chén đắng”, những hất hủi mà tác giả thánh vịnh và cũng là bệnh nhân đã trải qua thì chính Đức Giê-su cũng đã trải qua. Nhiều câu thánh vịnh như ám chỉ, báo trước cho những điều Đức Giê-su sẽ phải chịu. Đức Giê-su đã đón nhận tất cả để rồi qua Người, Người thánh hóa và làm cho tất cả trở nên một ý nghĩa mới mẻ, một kinh nghiệm cần thiết cho ơn cứu độ.
 Dưới ánh sáng của Tân ước, ngày nay Giáo hội vẫn dùng các thánh vịnh để cầu nguyện với Thiên Chúa. Khi gặp phải những thánh vịnh này, Giáo hội đọc với tâm tình hiệp thông và cầu nguyện cho những người đang gặp đau khổ bệnh tật, nhất là những người đang đối diện với cái chết. Noi gương vịnh gia, Hội thánh cũng trình bày những hoàn cảnh khốn khó của mình để kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa. Dù trong bất cứ tình huống nào, Hội thánh vẫn tin tưởng Thiên Chúa sẽ đoái thương an ủi, nâng đỡ và chữa lành. Nhất là khi nhìn vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Ki-tô, chúng ta ý thức rằng những đau khổ mà mình đang phải đón nhận là một cách thức để hiệp thông với những cuộc thương khó của Đức Ki-tô và cũng như Ngài, chắc chắn chúng ta cũng sẽ chiến thắng bệnh tật và cái chết để được hưởng hạnh phúc vinh quang với Người.

Tài liệu tham khảo
Kinh thánh. Bản dịch của Nhóm CGKPV. Hà nội: Tôn giáo, 2011.
Điễn ngữ Thần học Thánh kinh. Bản dịch của Giáo hoàng Học viện Piô X.
Hoàng Đắc Ánh, Trần Phúc Nhân. Như hương trầm. TP HCM, Tủ sách đại kết, 1992.
Harvey. Thánh Vịnh. Bản dịch của Giáo hoàng Học viện Piô X.
Cầu nguyện với Thánh vịnh. Chủng viện Phan Thiết, 2002.




[1] Xc. Điễn ngữ Thần học Thánh kinh, bản Việt ngữ của Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, mục từ Bệnh tật. Phong cùi.
[2] Xc. Sđd, mục từ Chết.
[3] J. Harvey, Thánh Vịnh, bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X, trang 89-90.
[4] Kinh thánh, bản dịch của Nhóm CGKPV, Hà nội: Tôn giáo, 2011.
[5] Xc. Điễn ngữ Thần học Thánh kinh, sđd, mục từ Bệnh tật/Phong cùi/Chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét