Hiển thị các bài đăng có nhãn PS4. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn PS4. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2016

CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN

CON ĐƯỜNG VÀ ĐÍCH ĐẾN 
Thứ Ba tuần IV Phục Sinh (Ga 12,44-50)
Đi từ cuộc sống: con đường là cái trước mắt, đích đến thuộc về tương lai. Con đường có nhiều sự lựa chọn nhưng đích đến chỉ có một. Con đường có thể thay đổi nhưng đích đến thì không. Đối diện với con đường ta có thể mệt mỏi nhưng hướng nhìn về đích đến sẽ cho ta niềm hy vọng.
Lời Chúa soi đường: Đức Giêsu nói Ngài là đường dẫn ta về Chúa Cha. Những gì Ngài đã nói và đã làm đều nhân danh Chúa Cha và xuất phát từ Cha (Ga 12, 49). Con đường mang tên Giêsu cũng có nhiều lựa chọn khác nhau tùy theo bậc sống và hoàn cảnh của mình nhưng đích đến cũng chỉ là một. Con đường Giêsu cũng có lúc thăng lúc trầm nhưng đích đến vẫn là Cha Nhân Lành. Đi trên con đường Giêsu, hiện tại ta có thể mệt mỏi, vất vả vì phải chiến đấu và từ bỏ liên tục nhưng con đường đó chắc chắn dẫn ta đến sự sống muôn đời.
Cảm nhận tình thương: Cha tôi đã ban chúng cho tôi và không một ai có thể cướp chúng khỏi tay tôi (x Ga 10,29). Thiên Chúa yêu thương, chọn gọi và gìn giữ mỗi người chúng ta. Trên đi trên con đường Giêsu chúng ta sẽ không sợ bị lạc, cũng không sợ bị ai bắt bởi có Thiên Chúa luôn gìn giữ.

Dấn thân hành động: Xin cho chúng con luôn trung kiên để đi trọn con đường mang tên Giêsu và đến được cùng đích cuộc đời là kết hiệp cùng Thiên Chúa là Cha giàu Lòng thương xót.

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

TƯƠNG QUAN GIỮA MỤC TỬ VÀ ĐOÀN CHIÊN

Chúa nhật IV Phục Sinh
TƯƠNG QUAN GIỮA MỤC TỬ VÀ ĐOÀN CHIÊN
Bài Tin Mừng hôm nay rất ngắn gọn nhưng cho ta một cái nhìn đầy đủ và sống động về tương quan giữa mục tử và đoàn chiên. Mục tử thì biết chiên của mình và ban cho chiên sự sống đời đời. Phần chiên thì nghe tiếng mục tử và theo mục tử. Nếu từ hai phía đều thực hiện đúng như thế thì chiên sẽ không bị diệt vong và không bị cướp mất khỏi tay mục tử.
1. Mục tử biết chiên và ban cho chiên sự sống
Nếu nhìn từ bên ngoài thì chiên có vẻ giống nhau nhưng thực ra chúng rất khác. Người ngoài có thể không phân biệt được nhưng chủ nhân thì sẽ nhận ra ngay. Người mục tử (chủ nhân) thì khác với người làm thuê. Người làm thuê có thể cũng biết chiên nhưng để cho chiên được “sống và sống dồi dào” thì người làm thuê không thể bằng người mục tử. Người mục tử thì sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đàn chiên khi sói đến trong khi người làm thuê thì sẽ bỏ chạy.
Hơn nữa, biết ở đây không chỉ đơn thuần là nhận biết, là phân biệt đúng sai. Biết theo Kinh Thánh còn có nghĩa là thân mật và gần gũi. Chẳng hạn như vợ chồng biết nhau, đôi bạn biết nhau. Thánh sử Gioan còn dùng động từ biết theo một ý nghĩa rất đặc biệt nữa. Đó là cùng một lòng một ý với nhau.
Như thế, mục tử biết chiên không chỉ là sự nhận biết chung chung nhưng là biết rõ từng con một. Không chỉ là biết theo bề ngoài nhưng là có sự thân mật và gần gũi. Mục tử lý tưởng là người biết về gia cảnh, biết những tâm tình, những ưu tư lo lắng của chiên. Mục tử cần biết chiên của mình theo cái nhìn của thánh Gioan, nghĩa là cùng cảm thông chia sẻ với họ, cùng vui với những niềm vui, buồn đau với những buồn đau của chiên.
Có biết như thế, người mục tử mới có thể ban cho chiên sự sống đích thực. Sự sống ở đây không có nghĩa về vật chất mà thôi nhưng còn là sự sống tinh thần, sự sống tâm linh của con chiên. Sự sống này những con chiên không thể ban cho nhau, có chăng, chiên chỉ giúp nhau để có thể đón nhận sự sống thần linh mà mục tử thay mặt cho Thiên Chúa để ban phát.
2. Chiên nghe tiếng và đi theo mục tử
Trước hết cần nói ngay, nghe tiếng và đi theo hoàn toàn không có nghĩa thụ động. Để nghe tiếng, chiên cần chủ động lắng nghe và chọn lọc. Để đi theo, chiên cần dứt khoát từ bỏ những gì không phù hợp hay không cần thiết. Đó là một quá trình đòi hỏi phải lựa chọn và tự quyết định chứ không phải ép buộc.
Nếu mục tử biết chiên của mình thì sẽ có những lời chia sẻ, hướng dẫn, dạy dỗ thích hợp và hữu ích. Trái lại, nếu chiên biết lắng nghe thì sẽ phân biệt được đâu là tiếng của mục tử mình và đâu là tiếng của sói dữ. Nếu chiên biết lắng nghe và làm theo thì sẽ tìm tới được mạch nước trong lành và sẽ được sống dồi dào. Ngược lại, nếu chiên không biết lắng nghe và làm theo tiếng mục tử thì nguy cơ sẽ rơi vào cạm bẫy của sói dữ. Vì mục tử có khả năng ban cho chiên sự sống đời đời nên nếu chiên đi theo mục tử thì sẽ được sự sống đó.
Ngày nay, tiếng của mục tử đang bị lạc lỏng giữa rất nhiều âm thanh khác. Những âm thanh khác đó đang rất hấp dẫn và có nguy cơ kéo đàn chiên đi xa cánh đồng cỏ. Đó là tiếng của tiền bạc, của công danh sự nghiệp, của học hành. Người lớn thích ở nhà theo dõi các bộ phim dài tập hơn là quy tụ nhau để đọc kinh. Giới trẻ thích chăm lo cho phần xác hơn phần hồn. Thiếu nhi mê game, facebook hơn là học giáo lý. Những âm thanh đó không hẳn là xấu nhưng nếu ta không làm chủ bản thân, không biết chọn lọc thì dần dần nó sẽ kéo ta ra khỏi đồng cỏ xanh tươi.
Thiên Chúa chính là Mục Tử đích thực. Nếu chúng ta biết chọn lắng nghe và quyết định đi theo Người. Không ai có thể cướp chúng ta khỏi tay Người và Người sẽ không để ta phải diệt vong.

Ước mong mỗi người trong Giáo xứ chúng ta luôn tín thác vào Mục tử nhân lành là Đức Giêsu Kitô. Ta cũng xin cho Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục và Linh mục luôn là những hình ảnh sống động và trung thực của Mục tử nhân lành, để đoàn chiên được giao cho các ngài chăm sóc luôn được sống và sống dồi dào. Amen.

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

LÀ ÁNH SÁNG MUÔN DÂN

Thứ 7 tuần IV PS
Người ích kỷ thường giữ lại những gì tốt lành cho riêng mình. Họ không muốn chia sẻ vì sợ người khác cũng được như mình, vì sợ điều tốt lành của mình sẽ bị lấy mất. Tóm lại, họ chỉ nghĩ cho bản thân mà thôi.
Trái lại, người rộng lượng thường nghĩ đến người khác, mong người khác cũng nhận được những điều tốt lành như mình, lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của mình. Do vậy, họ sẵn sàng chia sẻ để được cảm nhận niềm vui của người khác.
Ơn cứu độ được Thiên Chúa thương ban cho toàn thể nhân loại qua dân Do thái. Thế nhưng, đa số người Do thái hiểu rằng đó là đặc quyền, là ơn riêng của họ. Do vậy, họ ganh tỵ và cảm thấy khó chịu khi dân ngoại nhận biết Thiên Chúa.
Thực vậy, từ lâu, Thiên Chúa đã dần hé mở chương trình cứu độ của Người, chẳng hạn như lời tiên báo của tiên tri Isaia vào năm 750 TCN: Ta sẽ đặt Ngươi làm ánh sáng muôn dân để Ngươi mang ơn cứu độ của ta đến tận cùng cõi đất (Is 49,6). Thế nhưng khi Phaolô và Banaba loan báo Tin Mừng cho dân ngoại thì gặp phải sự chống đối từ người Do Thái. Thậm chí họ còn trục xuất hai ông ra khỏi thành. (Cv 13,44-52)
Đôi khi, chính sự ích kỷ đã ngăn cản sức lan tỏa của Tin Mừng theo mong muốn của Chúa Giêsu. Đôi khi chính sự ích kỷ của bản thân người Ki-Tô hữu đã ngăn cản người khác đến với Chúa.

Đúng ra, mỗi người chúng ta đều được mời gọi trở thành ánh sáng cho người khác để dẫn đưa họ về với Đức Ki-Tô. Đó chính là trách nhiệm, là bổn phận, là ơn gọi cao quý của người Ki-Tô hữu.

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

ĐỪNG XAO XUYẾN!



Thứ Sáu tuần IV Phục sinh (x. Ga 14,1-6)
Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.
Hồi nhỏ, tôi rất sợ cảm giác mẹ vắng nhà, nhất là mỗi khi mẹ đi xa hay vắng nhà vào ban đêm. Cảm giác lo lắng, xao xuyến, bất an chẳng dễ chịu tý nào.
Tâm trạng của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay cũng vậy. Sau khi Đức Giê-su báo trước “một lát nữa anh em sẽ không thấy Thầy” vì “Thầy đi về nhà Cha”, các ông cảm thấy xao xuyến bất an. Trong hoàn cảnh đó, Đức Giê-su đã trấn an các ông. Người nói “anh em đừng xao xuyến”. Làm thế nào để “đừng xao xuyến trong hoàn cảnh như thế? Giải pháp đó là “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Những ngày qua, có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đang sống trong sự bất an. Bất an do khủng khoảng chính trị, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng niềm tin, v.v.. Thiên Chúa dường như cũng vắng bóng! Ngài vẫn lặng im trước những nỗi lo toan của con cái Ngài. Chúng ta xao xuyến vì dường như Ngài đã lãng quên hay bỏ mặc chúng ta.
Thế nhưng, trong sâu thẳm trái tim, những lời khích lệ an ủi của thầy vẫn vang vọng niềm hy vọng. Đừng xao xuyến! Đừng sợ hãi! Có Thầy đây. Thầy vẫn đồng hành bên cạnh. Anh em không thấy Thầy là vì Thầy đang “dọn chỗ” cho anh em. Anh em hãy tin. Chỉ có niềm tin mới cứu anh em gọi mọi lo toan sợ hãi. Hãy tin ngay cả khi không “thấy” gì làm bảo đảm hay bằng chứng (x. Dt 11,1). Chỉ cần tin vẫn có Thầy ngay bên là đủ cho anh em.

Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

TRÒ KHÔNG LỚN HƠN THẦY



Thứ Năm tuần IV Phục sinh (x. Ga 13,16-20)
Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi .
Tương truyền khi Phêrô bị xử chết trên cây thập giá, ông nhận thấy mình không xứng đáng để chết như Thầy. Do đó, ông xin được treo ngược!
Phêrô ý thức mình là người được sai là, là tôi tớ nên không thể hơn Thầy. Tuy nhiên điều Đức Giê-su muốn đề cập đến trong bài Tin Mừng không chỉ là “cách chết” mà thôi nhưng là “cách sống”. Đức Giê-su nói điều nay ngay sau khi Người rửa chân cho các môn đệ. Vậy, bài học ở đây là: Đức Giê-su là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân (phục vụ) anh em thì anh em cũng vậy, anh em không thể hơn Thầy. Do vậy, sứ mạng của anh em cũng chính là phục vụ.
Sứ mạng của mỗi Ki-tô hữu là phục vụ. Đó không phải là điều gì quá cao xa hay khó khăn. Thực ra, đó là làm việc với sự âm thầm, với tinh thần khiêm tốn và bác ái, là quãng đại cho đi chứ không tính toán thiệt hơn, là thêm vào hương vị yêu thương trong mỗi hành động.
Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. Xin Chúa giúp chúng con luôn hướng về Chúa như mẫu gương để nhắc nhở mình tinh thần sống đạo: yêu thương và phục vụ trong khiêm tốn.