Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Nhận định về chính sách cấm đạo của triều Nguyễn


Ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam, đạo Công giáo đã chịu nhiều hiểu lầm và nghi kỵ, điều đó dẫn đến những cuộc bắt bớ và bách hại. Dư luận luôn có những bàn tán không tốt, triều đình có cái nhìn sai lệch cùng với những nguyên nhân khác đã dẫn đến những cuộc bách hại và cấm đạo, khốc liệt nhất phải kể là dưới các thời nhà Nguyễn. Bằng chứng là trong 117 vị thánh tử đạo Việt Nam, có đến 111 vị chết trong khoảng thời gian 1833-1862, thời của ba vị vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1941-1847) và Tự Đức (1847-1884). Nhìn lại chính sách cấm đạo của triều Nguyễn, ta có vài nhận định sau: Trước hết, chính sách này lồng trong bối cảnh nhiễu nhương chung của đất nước, nó cho thấy một cái nhìn thiếu hiểu biết của triều đình, nguyên nhân sâu xa của việc cấm đạo chính là tội “khi quân” dù cho các bản án luôn đề cập đến lý do tôn giáo.
Một chính sách trong bối cảnh nhiễu nhương
Nhà Tây Sơn tuy thống nhất được đất nước (Đàng trong và Đàng ngoài) nhưng triều đại lại quá ngắn (ba năm) nên chưa thể tạo ra một hệ thống thống nhất, điều này phải đợi đến nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn thống nhất đất nước qua việc quy về triều đình các việc quan trọng như phân bổ quan lại địa phương, thu thuế, v.v., nhưng vẫn không đủ khả năng để an dân. Việc đặt Kinh thành ở Phú xuân (Huế) buộc phải xây dựng tốn kém cũng như bắt dân chúng phải lao động vất vả qua việc xây thành, đào hào, đáp lũy. Vì không đủ khả năng an dân nên giặc dã nổi lên khắp nơi, những cuộc nổi dậy nổi tiếng như của Phan Bá Vành, Lê Văn Khôi, giặc Chày Vôi.
Để cũng cố quyền hành, nhà Nguyễn ra những điều luật rất khác khe, chẳng hạn như hạn chế xây dựng (các kiểu xây dựng phạm húy), hạn chế cách ăn mặc (chỉ có hoàng triều mới được mặc vải tơ lụa), loại bỏ chữ nôm, độc tôn tống nho. Đặc biệt, vì lo sợ việc cấu kết bè phái nên nhà Nguyễn chủ trương tứ không (không lấy Trạng nguyên, không tuyên Hoàng hậu, không phong Thái tử, không cử Tế tướng) để củng cố quyền hành, vì những người này dễ tập hợp vây cánh. Bên cạnh đó, nhà Nguyễn còn hành xử luật một cách nghiêm khắc để trừng trị và ngăm đe, ngay cả những cận thần của triều đại cũ như Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu cũng như các đại thần của chính nhà Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành. Với việc độc tôn Tống nho, nhà Nguyễn vận dụng Nho giáo theo một chiều, tức là bảo vệ phía trên chứ không bảo vệ phía dưới: Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Vua bảo thì thần dân phải nghe, nếu không nghe là bất trung. Vua luôn luôn đúng, thần dân phải tỏ lòng trung trong mọi trường hợp.  
Như vậy, nhìn vào bối cảnh chung ta thấy, nhà Nguyễn tuy thống nhất đất nước nhưng chưa thống nhất được lòng dân. Một khi lòng dân chưa thống nhất thì triều đình chưa an tâm, do đó việc áp dụng mọi luật lệ khắc khe để cai quản là điều dễ hiểu. Trong bối cảnh đó, không chỉ riêng đạo Công giáo mới chịu sự bất công nhưng nó là vấn đề chung của cả một dân tộc.
Cấm đạo, một cái nhìn thiếu hiểu biết
Qua các bản văn, ta thấy các nhận định của triều đình nhà Nguyễn đối với đạo Gia tô (Công giáo) là khá phũ phàng và thiếu hiểu biết. Vua Gia Long, dù khá thân thiện với các vị thừa sai nhưng cũng có một cái nhìn rất tiêu cực về đạo. Ông từng nhận định như sau: “Đạo Gia tô đặt ra thuyết thiên đường địa ngục khiến ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết”. Trong chiếu chỉ năm 1825, vua Minh Mạng phê phán các giáo sĩ mê hoặc lòng dân và làm bại hoại phong tục. Chiếu chỉ năm 1833 thì ông viết: “Dân ngu bị mê hoặc mà không biết… chúng lập nhà riêng nhà giảng, tụ tập nhiều người cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm”. Vua Tự Đức cũng cho là đạo “móc mắt người chết để làm thứ thuốc mê hoặc dân chúng”. 
Vì lý do gì nhà Nguyễn lại có cái nhìn thiếu hiểu biết và sai lầm về đạo như vậy? Vì sao các tội móc mắt người chết, dâm ô, bùa chú lại được gán cho đạo? Nếu nói rằng triều đình đã bị ảnh hưởng bởi dư luận và những tin đồn xấu thì thật khó thuyết phục! Dân Việt vốn hiền lành và thành tâm theo đạo (dù là đạo Phật, đạo Lão hay đạo Khổng). Nếu như đạo Gia tô thực sự xấu xa như vậy thì tại sao người dân lại tin theo một cách xác tín như vậy. Hơn nữa, trách nhiệm của triều đình là phải kiểm chứng dư luận trước khi kết án cả một tập thể lớn. Trước một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến mạng sống của nhiều người dân mà lại hờ hững như vậy thì thật là phi lý. Sự phi lý này đưa đến cách giải thích thứ hai là là triều đình cố tình hướng dẫn dư luận, tung ra những luận điều để diệt trừ đạo. Cách giải thích này cũng có cơ sở vì với tính cách độc tôn Tống nho thì triệt phá đạo Gia tô hay bất kỳ đạo nào khác là điều dễ hiểu. Điều này cũng đã được phận tích ở nhận định đầu tiên. Không riêng gì đạo Gia tô mà Phật giáo hay Lão giáo cũng gặp nhiều khó khăn. Tất cả được tạo ra nhằm cũng cố cho một quyền bính vốn còn nhiều lo sợ.
Nguyên nhân cấm đạo: Tội “khi quân” trong bản án “tôn giáo”
Từ các bản án cho đến các hình thức xử phạt ta đều thấy rõ lý do tôn giáo trong việc cấm đạo. Chiếu chỉ cấm đạo ngày 6-1-1833, vua Minh Mạng viết: “Ai trót theo đạo muốn hối thì hãy từ bỏ đạo, bước qua cây thập tự (quá khóa) được miễn tội”. Hầu hết các bản án (treo nơi cổ trước khi xử chém) đều có chữ bất khả quá khóa. Về hành động, vua Gia Long cấm tu bổ và xây dựng thánh đường. Vua Minh Mạng ra lệnh triệt hạ các nhà thờ. Vua Tự Đức cho khắc hai chữ tả đạo trên má (vì không theo Nho giáo) và ra hạn một năm để bỏ đạo. Các tín hữu dù giỏi đến đâu cũng không được tham dự các kỳ thi và nhận các chức vụ trong làng. Vua Tự Đức còn ra lệnh lùng bắt các nữ tu, phá bình địa các làng Ki-tô giáo, tịch thu tài sản, khắc chữ trên má, phân tán người có đạo. Khi pháp xâm chiếm Việt Nam, những người có đạo xung phong vào quân ngũ để ra trận thì triều đình bắt phải bước qua thập tự mới cho gia nhập. Đây rõ ràng là một hành động phi lý. Nếu sợ người Công giáo làm tay sai cho pháp sao không bắt họ bước qua lá cờ của Pháp hay hình vua nước Pháp mà lại bước qua thập giá!
Do vậy, ta dễ nhận thấy lý do tôn giáo của việc cấm đạo. Nhưng khi phân tích sâu hơn ra thấy nguyên nhân của cấm đạo là tội “khi quân”. Như đã nói, nhà Nguyễn độc tôn Tống nho, nghĩa là chỉ nhằm phục vụ “phần thượng” mà thôi. Vì vua là thiên tử nên không bao giờ sai. Vua bảo sao thì dưới phải nghe. Không nghe thì phạm tội. Vua đã cấm thì phải nghe, cấm không được thì giết để bảo vệ “uy tín” của vua cũng như để ngăm đe những người khác. Điều này thể hiện rõ nét trong vụ án của Tống Viết Bường.
Như một lời bào chữa, Tự Đức viết trong một bức thư như sau: “Ngạn ngữ có câu: vua có lỗi, thần dân không được buồn, cha xử không tốt cũng không phải là duyên cớ để con bất hiếu. Điều ấy lại càng đúng khi người cha không có ác ý… Vì thế các ngươi, tín đồ Gia tô, tình thế các ngươi chắc chắn là khó xử, nhưng các ngươi vẫn kiên gan theo đạo của mình trong lúc vẫn giữ đúng luật nước, về việc này Ta chỉ biết mừng cho các ngươi”. Những lời trên cho thấy vua Tự Đức đã lấy tư tưởng Tống Nho để biện hộ cho hành động của mình như thế nào.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là nhà Nguyễn tuy khắc khe trong việc cấm đạo nhưng là để thể hiện quyền và củng cố quyền hành của mình chứ không phải vì vui thích trong việc hành hạ người khác (điều này khác với Nêron). Bằng chứng là nhà vua không cho các quan địa phương giết người. Tất cả các án tử là do triều đình ký. Đôi khi nhà vua chần chừ thêm vào đó hai chữ giam hậu để các tín hữu có thời gian hối cải hay vì sợ mà chối đạo để được tha. Thậm chí ngay trước khi thi hành bản án tử, nếu các tín hữu chịu bước qua thập giá là lập tức được tha. Thái độ này được vua Tự Đức bày tỏ rõ ràng trong lá thư trên, sau khi bày tỏ tâm tình của mình với các tín hữu ông viết tiếp: “Đó lại càng là lý do để Ta đối xử với người Ki-tô giáo và lương như nhau, sau khi bày tỏ nhân từ với các tín hữu Gia tô và trả tự do cho họ”.
 Kết luận
Nhận định về việc cấm đạo của triều Nguyễn là một vấn đề khó khăn bởi bối cảnh phức tạp của thời này cũng như những hạn chế về mặt sử liệu. Tuy nhiên, dù bối cảnh và nguyên nhân là gì thì đây cũng là giai đoạn khốc liệt nhất của việc bắt và cấm đạo mà trách nhiệm trước hết thuộc về triều đình nhà Nguyễn. Bên cạnh đó, thời cuộc cũng như thái độ của một số vị thừa sai đã góp phần làm cho tình hình thêm phức tạp. Tuy vậy, cũng như Giáo hội trong ba thế kỷ đầu, chính lúc bị hiểu lầm và bắt bớ nhiều nhất, lại là lúc các tín hữu kiên vững bảo vệ và tuyên xưng đức tin. Máu các vị thánh tử đạo đổ ra đã mang lại cho Giáo hội Việt Nam một mùa gặt mới ngay trong chính thời bắt đạo, bằng chứng là số tín hữu vẫn luôn được duy trì ổn định./.
Tài liệu tham khảo

Đào Trung Hiệu. Cuộc lữ hành đức tin. Tập 2.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét