Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Anh em bảo Thầy là ai?

CHÚA NHẬT 12C - THƯỜNG NIÊN (Lc 9, 18-24)

Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?
Sau một thời gian bôn ba khắp nơi rao giảng Tin mừng cứu độ và chữa lành bệnh tật cho nhiều người, chắc chắn danh tiếng của Đức Giê-su đã được biết đến rất nhiều. Từ khắp nơi, người ta đồn thổi về con người lạ lùng này và tự hỏi ông là ai. Từ trong dân chúng, có nhiều quan niệm khác nhau về căn tính và nguồn gốc của Đức Giê-su. Nói chung, họ đồng hóa Người với một trong các ngôn sứ vĩ đại thời xưa sống lại. Với sự đồng hóa như thế, họ nghĩ rằng mình đã dành cho Đức Giê-su sự tôn trọng nhất có thể. Chắc chắn Đức Giê-su biết nhận định của dân chúng về chính bản thân mình. Tuy vậy, Người vẫn hỏi các môn đệ xem “dân chúng nói Thầy là ai?” Người hỏi không chỉ để biết nhưng để từ đó dẫn các môn đệ đi xa hơn cái nhìn của dân chúng.
Thực vậy, sau khi nghe các ông trả lời xong, Người liền hỏi tiếp: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đức Giê-su muốn chính bản thân các môn đệ phải xác định căn tính và nguồn gốc Thầy mình chứ không phải chỉ nghe theo dân chúng mà thôi. Mỗi người cần xác định rõ quan điểm của mình về Đức Giê-su để từ đó có thể xây dựng một tương quan đúng đắn và tốt đẹp. Khi được hỏi, ông Phê-rô đã nhanh nhảu thưa ngay “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Với câu trả lời này, Phê-rô trả lời đúng căn tính của Đức Giê-su, Người là Đấng Ki-tô, nghĩa là Đấng Mê-si-a, Đấng được xức dầu, Đấng mà dân Do thái vẫn hằng mong đợi để giải thoát họ. Thế nhưng ông chưa hiểu đường lối hoạt động của Người. Người

Do thái, trong đó có cả các môn đệ, vẫn hiểu và mong đợi Đấng Ki-tô theo nghĩa chính trị, là Đấng giải thoát họ khỏi ách đô hộ Rô-ma. Chính vì thế, Đức Giê-su đã nghiêm giọng không cho các ông nói điều đó với ai.
Tiếp đó, Đức Giê-su phải giải thích cho họ biết đường lối và cách thức hoạt động của Đấng Mê-si-a qua việc loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất. Người nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Đây quả là một đường lối mà các môn đệ không thể hình dung nổi. Nó nằm ngoài suy nghĩ và trí tưởng tượng của các ông. Chính vì thế, Đức Giê-su còn phải nhiều lần nhắc đi nhắc lại cho các ông biết Người sẽ bị đối xử như thế nào và kết cục sẽ ra sao.
Từ chỗ mạc khải về chính mình như thế, Đức Giê-su cũng mời gọi các môn đệ, những người muốn đi theo Người cũng phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Đức Giê-su muốn các môn đệ ý thức rõ, theo Người không phải là con đường bằng phẳng với vinh hoa phú quý chờ sẵn, nhưng theo Người là chấp nhận từ bỏ nhiều thứ như có lần Phê-rô đã nói: phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy (x. Mt 19,27). Theo Người còn có nghĩa là phải vác thập giá mình, không chỉ một lần nhưng là hằng ngày.
Qua bài Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta cần xác định lại căn tính và nguồn gốc của Đức Giê-su. Người là ai? Từ đâu đến? Đến để làm gì và bằng cách nào? Có như vậy ta mới xây dựng mối tương quan và có thái độ hợp lý với Người. Thực vậy, câu trả lời của Phê-rô giúp chúng ta xác định Đức Giê-su là ai. Các sách Tin mừng cho ta câu trả lời chính xác về mục đích và cách thức Thiên Chúa cứu độ con người. Thế nhưng dường như ta vẫn thờ ơ, dửng dưng trước bao nhiêu ân huệ đã lãnh nhận. Lắm khi ta đến với Chúa như một cái máy, tham dự thánh lễ một cách hình thức, cầu nguyện cách hời hợt. Đó là chưa kể những lần nguội lạnh, né tránh hay cố tình xa rời Chúa.
Chúng ta chấp nhận đi theo Chúa qua Bí tích Thanh tẩy, qua đó Chúa mời gọi chúng ta gột rửa con người cũ và thay thế bằng con người mới. Thế nhưng chúng ta đã từ bỏ những gì? Đời sống chúng ta đã có gì thay đổi? Chúng ta đã dám từ bỏ lối sống của xác thịt để mặc lấy đời sống của Thần Khí! Đó là chưa kể những lần chúng ta ngại hy sinh, ngại vác thập giá. Thập giá quả là nặng nề và khó nhọc nhưng đó lại là con đường duy nhất để theo Đức Giê-su. Vì như Đức Giê-su đã bước qua thập giá để vào vinh quang như thế nào thì con người cũng phải vác thập giá mình để tham dự bàn tiệc vinh quang với Chúa như vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét