Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Mầu nhiệm Giáng sinh nhắc nhở tôi

Ngày xưa, Người đã đến nhà mình
Người đến nhà mình trong thân hình một trẻ thơ yếu ớt. Có gì đáng kể đâu ! chỉ là một hài nhi đỏ hỏn cất tiếng khóc oe oe. Một trẻ thơ vùng vằng trong tay mẹ rồi năm im nuốt từng dòng sửa ấm. Một trẻ thơ nhắm nghiền đôi mắt đi vào giấc ngủ bình an. Đáng kể gì đâu một hình ảnh nghèo nàn, dung dị. Thiên hạ vẫn khép cửa. Họ sưởi ấm bằng những toan tính riêng của mình. Mặc kệ ngoài kia một hài nhi lạnh lẽo.
Người đến nhà mình trong dáng dấp một anh thợ. Có gì đặc biệt đâu một anh thợ nơi làng quê ! Phải chi anh là tư tế, là vương tôn hay một danh phận quí tộc nào đó. Nhưng không. Anh là một người thợ chính danh. Anh sống hòa đồng với bạn bè làng xóm. Những cuộc vui, những buổi họp mặt, những lần gặp gỡ nơi hội đường anh luôn có mặt, đồng hành và chia sẻ. Anh là người bạn gần gũi thân thiết với những người trẻ đang lo toan kiếm sống.
Người đến nhà mình trong thân phận một chàng trai say sưa hát bài du ca tình yêu. Bài ca anh hát dành cho tất cả mọi người nhưng anh đặc biệt gửi tặng cho người nghèo. Họ là những người bệnh hoạn tật nguyền, những người bị xã hội loại bỏ như : phụ nữ, trẻ em, thu thuế. Bài tình ca này anh đã say sưa hát từ miền biển lên sườn đồi đỉnh núi ; từ đồng cỏ xanh tươi qua bờ giếng ven làng đến phố xá thành thị. Tuyệt đỉnh của bài ca được kết tinh trên thập giá nhằm mang lại sự sống cho muôn người.
Thế nhưng ...Người nhà chẳng chịu đón nhận
Người nhà đã mòn mỏi mong chờ. Sự mòn mỏi khiến đôi mắt mệt lừ và khô khốc. Nó không còn tinh nhạy. Nó thờ ơ và vô cảm trước những cảnh đời đáng thương. Nó lãnh đạm trước tình cảnh đôi vợ chồng xa quê và như thế vô tình khước từ Đấng Cứu Thế.
Người nhà chê anh thợ vì cho rằng anh chẳng hơn gì họ. Vô tình họ chống lại Đấng Cứu Tinh.
Người nhà khó chịu trước lối sống nhập thế của anh chàng say đắm hát bài tình ca. Họ quyết đưa chàng đến chỗ chết, và như vậy họ đã cố tình loại bỏ Thiên Chúa.
Người đã đến nhà mình. Mặc dù người nhà chẳng chịu đón nhận nhưng người vẫn sống và say mê lý tưởng đến cùng. Người đã đến ném lửa vào trần gian. Qua dòng thời gian, ngọn lửa có lúc bừng sáng, có lúc lu mờ. Và ngày hôm nay, Người lại đến, “đứng trước cửa và gõ” (Kh 3, 20). Người mời gọi ta khơi bùng ngọn lửa dấn thân.
Ngày nay, Người đứng trước cửa và gõ
Mừng mầu nhiệm nhập thể là dịp nhắc nhở ta rằng Người đã đến, đứng trước cửa và gõ. Không phải ta chờ đợi Người nhưng chính Người đang chờ đợi ta. Người để ta tự do đón nhận hay từ chối.
Người đứng trước cửa và gõ. Tuy nhiên danh phận của Người ta chưa biết được. Có thể trong tư cách của vị hoàng tử, hay dưới lớp áo của kẻ hành khất ; có thể một phụ nữ lỡ bước sa chân hay một trẻ thơ tiều tụy kiệt sức ; cũng có thể là một công nhân, nông dân hay một nghệ sĩ lãng mạn nào đó ; có thể là một con bệnh, một phạm nhân hay một thương nhân giàu có. Tất cả đều có thể là hình ảnh, là hiện thân của Ngôi Lời nhập thể. Và như vậy đòi hỏi tôi phải nhạy cảm để lắng nghe và tiếp đón.
Ai nghe và mở cửa Ta sẽ vào nhà
Con người ngày nay bị vây bọc bởi nhiều tiếng ồn : có tiếng ồn vật lý do con người hay thiên nhiên và cũng có tiếng ồn tâm lý do những lo toan, tính toán. Vì tinh thần luôn bận rộn và bất ổn nên con người khó lặng thinh nghe tiếng Chúa. Để nghe tiếng gõ cửa trước hết ta phải khao khát, ước muốn và mong đợi. Chỉ khi tôi sẳn sàng mở cửa tâm hồn lập tức Người sẽ ngự vào. Như vậy, hôm nay mừng mầu nhiệm Giáng sinh là mừng ngày tôi mở cửa tâm hồn ra để Ngôi Lời nhập thể vào, để trái tim tôi cùng chung nhịp đập với trái tim Người, để Người ở lại trong tôi và tôi ở lại trong Người (x. Ga 15,4). Để sau khi có Người tôi sẽ cùng Người ra đi, gõ cửa tâm hồn thế gian.
Phải chi lửa ấy đã bùng lên
Qua mầu nhiệm Nhập thể, Đức Giêsu đã châm ngòi ngọn lửa tình yêu. Hội thánh ngày nay có sứ vụ thổi bùng ngọn lửa đó bằng lối sống nhập thế của mình. Giêsu đã dành bản tình ca đặc biệt cho người nghèo. Ngày nay, phần đông những người nghèo trên thế giới, đặc biệt ở Á châu và Phi châu, vẫn chưa cảm được bàn tình ca này. Ngọn lửa tình yêu vẫn chưa chạm tới họ. Vẫn còn quá ít những nhân vật nhấp thế như mẹ Têrêxa Calcutta, Giám mục Jean Cassaigne Sanh, linh mục Vinh sơn Phaolo hay Charles de Foucauld. Giáo hội ngày nay cần lắm những chứng nhân, những người giữ lửa và truyền lửa. Cần lắm những người dấn thân đem Tin mừng cho người nghèo.
Lạy Chúa, xin cho con có tinh thần dấn thân để cùng Chúa con sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét