Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Hãy mở cánh cửa!


Làm thế nào để tăng trưởng đức tin của bạn trong suốt Năm Đức Tin này?
Lược dịch bài viết tại http://wau.org/archives/article/open_the_door/

Khi thông báo về Năm Đức Tin vào tháng Mười vừa qua, Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI quả quyết với chúng ta rằng “cánh cửa đức tin luôn mở cho chúng ta… chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi lời của Thiên Chúa được công bố và tâm hồn chúng ta được định dạng theo sự biến đổi của ân sủng”.
Hãy suy nghĩ về những lời đầy khích lệ này! Có những cánh cửa luôn mở. Có vài cánh cửa mở rất dễ dàng. Nhưng cũng có những cánh cửa khác đòi hỏi nhiều thách thức hơn. Đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, sự nhẫn nại và nỗ lực.
Theo một nghĩa nào đó, việc mở cánh cửa đức tin vừa đơn giản vừa không thể đoán trước. Nó đơn giản như việc ta nói “xin vâng” với Thiên Chúa nhưng cùng lúc đó chúng ta kinh ngạc khi thấy đường lối “xin vâng” này hoạt động trên chúng ta. Hãy nhìn gương các vị truyền giáo, các tông đồ, các vị tử đạo và những vị thánh khác trong lịch sử!
Nhưng không có gì bất ngờ chờ đợi chúng ta phía sau cánh cửa đức tin, chúng ta có thể trả lời người khác rằng: Đức Giê-su đã sẵn sàng ở đó để chờ đón chúng ta. Và còn tuyệt vời hơn nữa, Người cất bước cùng ta dọc theo hành trình đức tin.
Đức tin của con đã cứu con: Chúng ta sẽ dừng lại ở lời nói đầy khích lệ mà Đức Giê-su đã nói với bốn người đã đi qua cánh cửa này: “Đức tin của con đã cứu con”. Những người này là anh mù tên Ba-ti-mê (Mc 10,52), người phụ nữ bị băng huyết (Mt 9,22), người phong hủi Samari (Lc 17,19) và người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,50). Chúng ta thử xem bằng cách nào họ đã đi qua cánh cửa và ở bên kia cánh cửa, Đức Giê-su trao cho họ điều gì. Có thể những câu chuyện của họ sẽ giúp chúng ta khi chúng ta đi qua cánh cửa đức tin của mình mỗi ngày!
Điều trước hết chúng ta có thể nhìn thấy trong mỗi câu chuyện trên là cách thức Đức Giê-su chọn những người này và khen ngợi lòng tin cũng như sự chân thành của họ (thường tương phản với những người xung quanh, những người dường như không cho thấy một lòng tin như thế). Dường như loại lòng tin mà lôi kéo được sự chú ý của Đức Giê-su cũng chính là lòng tin khiến cho người ta tiến đến với Người. Nó khiến người ta ra khỏi đường lối của chính mình và thậm chí có thể là nguyên do họ có mặt ở đó.
Những ai có lòng tin này trước hết có thể tìm thấy một sự chữa lành đặc biệt, nhưng thỉnh thoảng những điều khác nữa cũng có thể xảy ra theo cách này. Không chỉ thể lý được chữa lành nhưng cả những trái tim cũng được chữa lành. Không chỉ mặc cảm tội lỗi được chữa lành nhưng ký ức của họ cũng được chữa lành. Vì vậy, khi bạn nhìn vào mỗi câu chuyện này, hãy tự hỏi “lòng tin của tôi có đưa tôi đến gần Đức Giê-su không? Khi đến gần Đức Giê-su tôi cảm thấy thế nào?”
Ba-ti-mê (Mc 10,46-52): Bệnh mù lòa ngày nay hầu như không thảm khốc như thời Đức Giê-su. Những người mù có thể được thấy trở lại và họ có thể tìm được một việc làm để kiếm sống. Trừ khi không được gia đình chăm sóc, họ mới phải đi nài xin bất kỳ sự giúp đỡ nào có thể. Điều này giống với Ba-ti-mê: ngồi ăn xin bên vệ đường khi Đức Giê-su và các môn đệ đi ngang qua.
Khi Ba-ti-mê cảm nhận được sự xôi động do Đức Giê-su và đám đông theo Người gây ra, anh đã la lớn “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!” Khi biết đó chỉ là một người ăn xin, nhiều người trong đám đông đã cố gắng bảo anh im đi. Nhưng điều đó chỉ làm cho anh ta thêm cương quyết. Và anh la to hơn! Đức Giê-su dừng lại, gọi Ba-ti-mê đến và hỏi anh muốn gì. Anh ta trả lời “Thưa Thầy, tôi muốn được thấy”. Khi đó, Đức Giê-su nói những lời này: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”.
Sự tương phản giữa Ba-ti-mê và đám đông là khá nổi bật. Anh không bị từ chối. Anh đã tin. Anh đã kêu lên. Anh đã nói với Đức Giê-su chính xác điều anh cần. Như một kết quả, anh đã được tưởng thưởng. Lòng tin của anh đã giúp anh được cứu và sự chữa lành.
Người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5,21-43): Cô ta đã chịu cảnh băng huyết đã 12 năm và không ai có thể giúp cô. Nhưng khi nghe Đức Giê-su đang đi ngang qua thị trấn của mình, cô đã đi tìm Người. Cô nghĩ “nếu tôi có thể chạm vào áo của Người, tôi sẽ được cứu”. Vì thế cô lách qua đám đông và chạm vào áo choàng của Người. Ngay tập tức cô được chữa lành!
Biết rằng có một năng lực nơi mình phát ra, Đức Giê-su quay lại đám đông và hỏi: “Ai đã chạm vào tôi?” Người phụ nữ tiến đến và nói với Đức Giê-su những gì đã xảy ra và Đức Giê-su đã nói với cô: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Hãy suy nghĩ về sự khác nhau giữa người phụ nữ này với những người khác, những người đã phải chen lấn với Đức Giê-su khi cùng đi với Người. Về thể lý, họ gần Đức Giê-su hơn người phụ nữ. Nhưng sự gần gũi thể lý không giống sự gần gũi Thiên Chúa trong đức tin. Qua đức tin, chúng ta có thể nối kết với ân sủng, điều luôn có nơi Đức Giê-su, ân sủng mang lại sức mạnh, sự chữa lành, các nhân đức. Giống như Ba-ti-mê, người phụ nữ này mời gọi chúng ta tiến về Đức Giê-su, tin rằng Người có quyền năng mà chúng ta đang cần.
Người phụ nữ “tội lỗi” (Lc 7,36-50): Simon, một người Pharisêu đã mời Đức Giê-su ăn tối cùng với vài người bạn của ông. Mọi thứ đang tiếp diễn tốt đẹp cho đến khi một người phụ nữ nổi tiếng xấu xa xuất hiện dù không được mời. Cô ta đứng bên cạnh Đức Giê-su, nước mắt rơi trên chân Người. Sau đó cô cúi xuống, lấy tóc lau chân Người và lấy lọ dầu quý giá mà xức.

Cử chỉ này đã đánh động Đức Giê-su lẫn ông Simon. Về phần mình, ông Simon có ý khinh Đức Giê-su, ông kinh ngạc bởi làm thế nào một ngôn sứ lại cho phép một người phụ nữ như thế chạm vào người mình. Thế nhưng, Đức Giê-su nhìn thấy tình yêu và thái độ ẩn bên trong hành động của người phụ nữ, Người nói với cô ta: “Lòng tin của chị đã cứu chị”.
Sự tương phản giữa người phụ nữ tội lỗi và ông Simon cũng khá rõ ràng. Ông Simon muốn nói với Đức Giê-su. Có lẽ ông muốn hiểu biết thêm về Người cũng như những lời giảng dạy của Người. Nhưng sau tối hôm đó những nghi ngờ của ông vẫn còn đọng lại, thậm chí còn tăng thêm nữa.
Còn người phụ nữ thì không đến để trò chuyện. Cô ta vào nhà, nơi cô biết rằng mình không được chào đón, vì vậy cô đã chạm đến ân sủng của Đức Giê-su bằng cách ở với Người. Nếu có cô ta ở đây lúc này, cô sẽ nói với chúng ta rằng: “Hãy đến với Đức Giê-su và xưng thú tội lỗi của mình. Người giàu lòng thương xót. Chính tôi là một bằng chứng, không có tội nào là không thể tha thứ”.
Người phong hủi Samari (Lc 17,11-19): Câu chuyện này có chút khác biệt với những câu chuyện khác, mười người phong hủi đều được chữa lành, và cả mười người làm theo lời của Đức Giê-su khi đi trình diện các tư tế theo luật Môsê. Tất cả họ đều được hội nhập vào xã hội, và hầu hết có lẽ đã trở về với gia đình và bắt đầu lại nếp sống cũ. Nhưng một trong mười người đó quay trở lại ngợi khen và cảm ơn Đức Giê-su vì Người đã chữa lành anh. Anh ta lại là một người Samari.
Dường như chỉ có một người này được Đức Giê-su nói là “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Rõ ràng là anh ta đã kinh nghiệm được một điều gì đó hơn cả sự chữa lành thể lý.
Câu chuyện này nói với chúng ta rằng “được chữa lành” không luôn luôn là “được tất cả”. Người thanh niên này đã kinh nghiệm được cả hai, và đó là lý do tại sao anh ta quay trở lại. Nếu anh ta ở đây với chúng ta hôm nay, anh ta sẽ nói với chúng ta “sự chữa lành thể lý thì tốt nhưng sự chữa lành tâm linh thì tốt hơn”.
Sự táo bạo của những đứa trẻ: Cả bốn người này đã bước qua cánh cửa đức tin và tất cả đã được tưởng thưởng. Theo cách này, Đức Giê-su muốn khích lệ chúng ta hãy đi qua cánh cửa và hãy tin trong suốt Năm Đức Tin này. Đức tin của chúng ta nhiều hay ít không thành vấn đề, Người đang mời gọi chúng ta hãy táo bạo giống như bốn người này khi chúng ta bước tới phía trước.
Có lẽ cùng vì đó mà Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy đến với Người như những đứa trẻ. Những đứa trẻ có thể rất táo bạo - thậm chí dai dẳng -  với bố mẹ của chúng. Chúng không ngần ngại yêu cầu suốt ngày. Chúng sẽ dùng mọi cách có thể để đạt được điều chúng muốn. Khi bố mẹ chúng nói “không”, chúng chỉ nhượng bộ tạm thời và sau đó lại tiếp tục đòi hỏi.
Vì vậy, hãy giống như một đứa trẻ. Hãy kiên trì. Hãy táo bạo. Đừng ngại yêu cầu Đức Giê-su điều gì.
Hãy giống như Ba-ti-mê và la lên với Đức Giê-su.
Hãy giống như người phụ nữ bị băng huyết và hãy tiến đến với Đức Giê-su.
Hãy giống như người phụ nữ tội lỗi và nói với Đức Giê-su rằng bạn yêu mếnbiết ơn Người nhiều như thế nào vì lòng thương xót và tình yêu của Người.
Hãy giống như người phong hủi Samari và quỳ xuống dưới chân Người để thờ phượngtôn vinh Người.
Nếu bạn làm thế, bạn sẽ nghe Đức Giê-su nói những lời tốt đẹp này: “Lòng tin của con đã cứu con”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét