Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Thánh Martin, chứng nhân hy vọng

Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Mt 5,5).
Ki-tô giáo không phải là một tôn giáo “khoái khổ”, càng không phải là một tôn giáo tìm mọi cách trốn tránh “bể khổ” trần gian. Nói đúng hơn, Ki-tô giáo khuyến khích đón nhận đau khổ như thực tại gắn liền với thân phận con người để qua đó vươn tới miền hạnh phúc vô tận.
Quả thật, Đức Giê-su là Con Một Thiên Chúa, là đầu của Hội thánh, thế nhưng “Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Đức Giê-su đã đón nhận tất cả đau khổ kiếp người, thế nhưng cái chết của Đức Giê-su không phải là một sự tuyệt vọng cho bản thân Người cũng như cho các môn đệ. Tuy các môn đệ từng buồn rầu bỏ về quê, thế nhưng sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại một bầu khí mới, một sức sống mới. Giờ đây tuyệt vọng và bi thương được đổi thành hy vọng và hoan lạc. Giờ của thập giá đã qua và giờ của vinh quang đã đến. Sự Phục sinh của Đức Giê-su đã mang lại một niềm hy vọng mới cho cuộc sống con người. Giờ đây, đau khổ vẫn là khổ đau nhưng không phải là khổ đau trong tuyệt vọng. Phảng phất đau đó là niềm hy vọng phục sinh cho những ai biết phó thác và kết hiệp với những khổ đau của Đức Giê-su.
1.      Thánh Martin với kinh nghiệm cá nhân
Có thể nói, Martin được sinh ra trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Cha là một sĩ quan da trắng thuộc dòng dõi Tây Ban Nha, mẹ là một người da đen gốc Panama. Màu da đen giống mẹ vô tình đã trở thành một trở ngại cho tình phụ tử. Vì sợ bị kỳ thị, người cha đã buồn rầu từ bỏ ba mẹ con sau khi thuê cho họ một căn hộ lụp xụp ở thủ đô Lima. Trong gia đình thì bị cha từ bỏ, ngoài xã hội thì đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc, những cư xử bất công với người da đen và thổ dân.

Sinh ký tử quy

Với người Việt, chết chưa phải là hết. Chết là rời bỏ cõi tạm để trở về với cội nguồn: lá rụng về cội. Chết là từ giã cõi đời này để “ra đi”, tiến vào một cõi khác: qua đời. Sống chỉ là một cuộc “rong chơi” vắn vỏi, tạm bợ để rồi chết là trở về “nhà”: sinh ký tử quy.
Tâm thức của người Việt thật gần gũi với quan niệm về con người và sự chết của Hội thánh Công giáo. Con người là một tổng thể xác hồn. Xác từ đất mà đến và sẽ trở về với đất; hồn do Chúa mà có và sẽ trở về với Ngài. Do vậy, sống trong cõi đời này không đơn thuần là một cuộc “rong chơi” cho “thỏa chí tang bồng”, hay chỉ để cảm nghiệm và hòa mình vào vũ trụ vạn vật như một giấc mộng vô ưu. Người tín hữu “rong chơi” dưới sự dẫn dắt của ơn thánh để cùng nhau bước qua cõi tạm tiến vào cõi phúc vĩnh hằng, cội nguồn đích thực. Hơn nữa, trở về với cõi sống không những chỉ có linh hồn mà thôi nhưng là con người trọn vẹn xác hồn, với tất cả sự hoàn hảo của nó. Đó chính là ý nghĩa, là mục đích và là niềm hy vọng của chúng ta.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Mâu thuẫn giữa ngôn sứ và nhà cầm quyền (Lc 13,31-35)

Tuần 30 - Thứ Năm

Có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng : "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông !" Người bảo họ : "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này : 'Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.'”

Mâu thuẫn giữa các nhà cầm quyền và các ngôn sứ của Thiên Chúa không phải là vấn đề mới mẻ. Ngay từ trong Cựu ước, khi mà “chính quyền” và “giáo quyền” đều do chính Thiên Chúa tuyển chọn và tấn phong, thì cũng đã xuất hiện những mâu thuẫn. Vấn đề cũng dễ hiểu bởi con người đã để cho tự do và tội lỗi thống trị hơn là vâng phục Thiên Chúa.

Thánh Giuđa-Tađêô Tông đồ

Ngày 28: Thánh Tađêô Tông đồ

Theo ý kiến các Thánh Giáo Phụ và Thánh Sử thì Thánh Giuđa Tađđêô Tông Đồ thuộc hoàng tộc Đavít. Thật vậy, thân phụ Thánh Tađđêô - ông Clêôpha - là bào huynh của Thánh Cả GIUSE. Thân mẫu Thánh Giuđa Tađđêô - bà Maria Clêôpha - là chị em họ với Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA.

Thánh Giuđa Tađđêô là một trong 12 Tông Đồ và theo Thánh sử Marcô, ngài chiếm hàng thứ 10, còn theo Thánh sử Luca, ngài xếp hàng thứ 11.

Lãnh vực hoạt động tông đồ của Thánh Tađđêô thật mênh mông. Trước tiên, ngài rao giảng Tin Mừng tại Giuđêa, rồi đến Mesopotamia và sau cùng tại Ba-Tư. Đi đến đâu, Thánh Tađđêô đều phổ biến chân lý Ngôi Lời nhập thể và làm nhiều phép lạ nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Rất đông môn đệ theo ngài và con số Kitô-hữu mỗi ngày một gia tăng. Ngài chỉ định các phó tế, Linh Mục, Giám Mục và thành lập các giáo đoàn địa phương tại tất cả nơi nào ngài truyền đạo.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Hãy chiến đấu để vào Nước Trời (Lc 13,22-30)

Tuần XXX - Thứ Tư 

Đức Giê-su nói : "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được".
Kể từ sau biến cố sa ngã, con người luôn ý thức về thân phận tội lỗi của mình, đồng thời con người cũng ý thức rằng để được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa thì con người cần phải được cứu độ. Đó là mối bận tâm chung của người Do-thái ngày xưa. Chính vì thế, có người đã đến gặp Đức Giê-su để đặt vấn đề: Những người được cứu thì ít có phải không?
Câu hỏi trên ngầm chỉ một sự tự hào nào đó. Thực vậy, dường như anh ta đã biết phải làm thế nào để được cứu rồi nên vấn đề anh quan tâm là số lượng người được cứu. Suy nghĩ này phản ánh thái độ của người Do-thái lúc bấy giờ nói chung. Họ tự hào mình là dân được tuyển chọn, là dân mà từ đó sẽ sinh ra Đấng Cứu Thế, vậy nên, một chỗ dành cho họ trong Nước Trời là lẽ đương nhiên!

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin

Bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các gia đình về chủ đề ”Hỡi gia đình, hãy sống niềm vui đức tin”. (ngày 26.10.2013)

1. Có một câu của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mathêu, Đấng đến gặp gỡ chúng ta: ”Hỡi tất cả những ai mệt mỏi và bị áp bức, hãy đến cùng Thầy, và Thầy sẽ bổ sức cho các con” (Mt 11,28). Cuộc sống thường vất vả. Làm việc cơ cực; tìm kiếm công ăn việc làm thật vất vả. Nhưng điều đè nặng nhất trong cuộc sống là sự thiếu tình thương. Thật là nặng nề khi không nhận được một nụ cười, không được đón nhận. Một số thinh lặng, nhiều khi trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái, giữa anh chị em với nhau, cũng thật là nặng nề. Không có tình yêu thương thì vất vả trở nên nặng nề hơn. Tôi nghĩ đến những người già cô độc, những gia đình cơ cực vì không được giúp đỡ để săn sóc những mgười trong gia đình cần được sự chú ý đặc biệt và chăm sóc. Chúa Giêsu nói:”Hãy đến cùng Thầy, hỡi tất cả những ai vất vả và bị đè nén”!

Kinh Mân Côi và gia đình: Đời sống gia đình là một lời rao giảng

Năm Sự Sáng
Thứ ba: Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng
Chủ đề: Đời sống gia đình là một lời rao giảng

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời. (Mt 5,14-16).

Đức Giê-su đến trần gian với sứ vụ khai mở Nước Trời, loan báo Tin Mừng cứu độ, thông truyền tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Ngài đi khắp nẻo đường quê hương để mời gọi người ta ăn năn sám hối. Ngài chọn lấy một lối sống bình dân, giản dị như bao người khác. Ngài hòa mình vào dòng đời, mặc lấy những khổ đau của một kiếp nhân sinh. Ngài rao giảng và làm chứng cho tình yêu bằng lời nói và hành động, bằng lời giảng dạy và cả cuộc sống. Tất cả đều quy hướng về một tình yêu đặc biệt Thiên Chúa dành cho con người.
Trong diễn văn đọc trước đại biểu của các phong trào về gia đình tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về gia đình ngày 12.10.1980, Đức Gio-an Phao-lô II đã nhắc nhở các gia đình Kitô giáo phải sống chiều kích thiêng liêng bằng những yếu tố tạo thành thực tại của gia đình, đó là tình yêu giữa vợ chồng, tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Sự cảm thông, lòng tha thứ, sự tương trợ giáo dục con cái cũng như công việc niềm vui nỗi khổ. Trong hôn nhân Ki-tô giáo, tất cả những yếu tố này được bao bọc, được thấm nhuần ơn thánh và hiệu năng của bí tích, do đó trở thành con đuờng sống Phúc âm, một trường dạy đức ái Ki-tô giáo. Gia đình là hình thức sống Tin Mừng một cách đặc biệt. Học hỏi Tin mừng, thực thi Tin mừng chính là sống trọn vẹn chiều kích thiêng liêng của gia đình.
Lạy Chúa, nhờ ân sủng của bí tích Hôn nhân, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Ma-ri-a, xin cho các gia đình thành tâm sống trọn chiều kích thiêng liêng của mình. Đó là một cách thức sống Tin Mừng và loan báo Tin Mừng hiệu quả trong bối cảnh của gia đình hiện nay.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi và Gia đình: Đời sống gia đình dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

                    Năm sự Sáng
Thứ hai: Đức Giê-su dự tiệc cưới Ca-na
Chủ đề: Đời sống gia đình dưới sự hiện diện của Thiên Chúa

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : "Họ hết rượu rồi." (Ga 2,1-3).

Đức Giê-su đã làm phép lạ đầu tiên của mình tại tiệc cưới Ca-na. hôm đó, tiệc cưới đang vui say, lòng người đang náo nức, bỗng nhiên hết rượu. Sự cố bất ngờ có nguy cơ gây đỗ vỡ. Mầm móng của lo âu xuất hiện ngay trong khởi đầu của một gia đình trẻ. May thay, đã có sự hiện diện của mẹ  Ma-ri-a và Đức Giê-su. Mẹ đã kịp thời quan sát và Đức Giê-su cũng kịp thời can thiệp. Tiệc cưới tiêp tục vui say. Hạnh phúc tiếp tục triển nở, vì đã có Chúa ở cùng.

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi và Gia đình: Gia đình sống bí tích Thanh Tẩy

MẦU NHIỆM SỰ SÁNG
Thứ nhất: Đức Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan
Chủ đề: Gia đình sống bí tích Thanh Tẩy


21 Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng : Con là Con của Cha ; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3,21-22).

Dầu là con Thiên Chúa, Đức Giê-su cũng đã khiêm tốn bước xuống dòng sông Gio-đan để nhận phép rửa của ông Gio-an. Một phép rửa tỏ lòng sám hối ăn năn dù rằng Người chẳng phạm tội. Phép rửa Người lãnh nhận tiên báo một phép rửa khác do chính Người sẽ thực hiện, đó là phép rửa trong nước và Thánh Thần. Phép rửa này không chỉ để tỏ lòng sám hối ăn năn mà thôi nhưng được thực hiện trong niềm tin vào Thiên Chúa và mang lại ơn tái sinh cho con người (x. Ga 3,5).
Con người được sinh ra nơi gia đình nhưng được tái sinh trong Giáo hội nhờ bí tích Thanh Tẩy. Ngày lãnh phép Thanh Tẩy, con người nhận lấy tấm áo trắng cùng nến sáng, biểu trưng cho sự sống mới trong đức tin. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục con người phần xác thế nào thì cũng dưỡng dục và huấn luyện đời sống đức tin như vậy. Gia đình là nơi mọi người nhắc nhở và trợ giúp nhau sống trọn vẹn đức tin của mình. Gia đình cũng là môi trường để thực hành các nhân đức Ki-tô giáo như bác ái, hy sinh, dấn thân, v.v..

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

PHARISÊU HIỆN ĐẠI (Lc 11,42-46)

Tuần XXVIII - Thứ Tư

Đức Giê-su nói: “Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.”

Pharisêu là những người tách biệt ra để sống và tuân giữ luật một cách chi ly, cặn kẽ. Nộp thuế thập phân là một nghĩa vụ của người Do thái. Luật này chỉ áp dụng cho một số nông sản nhất định. Thế nhưng những người Pharisêu đã giữ luật chi ly đến độ nộp thuế thập phân cho cả thứ hoa mầu nhỏ bé nhất trong nhà. Một “ý thức” thật tốt nếu như họ không xao lãng những điều quan trọng hơn. Thực vậy, thực thi lẽ công bình và yêu mến Thiên Chúa là điều quan trọng hơn của luật, thậm chí là quan trọng nhất, thế nhưng họ lại xao lãng. Chú trọng những điều tiểu tiết để rồi bỏ qua những điều chính yếu, thật là không đáng chút nào. Họ đáng nhận sự khiển trách của Đức Giê-su.
Thái độ của những người Pharisêu cũng có thể là thái độ của mỗi người chúng ta, những Pharisêu hiện đại. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta quá chú tâm vào những tiểu tiết mà bỏ qua những điều chính yếu cần thực hiện: chúng ta đánh giá con người dựa vào một vài lỗi lầm lặt vặt mà quên đi cả một phẩm giá và nhân vị; chúng ta tìm cách để kiếm thêm chút lợi nhuận nhỏ bé nhưng quên đi cả một cuộc sống cùng cực của những con người chân lấm tay bùn. Đôi khi vì danh dự chúng ta hủy đi một sự sống; vì quyền lợi, chúng ta bất cần danh dự, vì thành tích mà “bán” đi sự trung thực.
Xin Chúa cho con đủ thông mình để biết chọn lựa những gì là thiết yếu hơn trong cuộc sống.


Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

TRUYỀN GIÁO LÀ GÌ?

Truyền giáo là bổn phận chính yếu của Giáo hội, vì thế bên cạnh nổ lực truyền giáo mỗi ngày, hằng năm Giáo hội dành một ngày để cầu nguyện đặc biệt cho việc truyền giáo (ngày Chúa nhật áp chót của tháng 10). Năm nay, Chúa nhật truyền giáo lần thứ 87 nhằm ngày 20 tháng 10. Đây là cơ hội đặc biệt để chúng ta cùng tìm hiểu về việc truyền giáo của Giáo hội.
“Truyền giáo” được dịch từ chữ “mission” của tiếng Anh hay tiếng Pháp và chữ missio trong tiếng Latinh. Trong nguyên ngữ latinh, missio bắt nguồn bởi động từ mittere có nghĩa là “gửi đi, sai đi, phái đi”. Trong Tân ước, từ này được dùng để chỉ việc Chúa Cha sai Đức Ki-tô đến thế gian cũng như Đức Ki-tô Phục sinh sai Chúa Thánh Thần đến với Giáo hội. Từ này còn được dùng để chỉ việc Đức Ki-tô sai các Tông đồ đi rao giảng Tin mừng.
Truyền giáo là gì?
Nhân dịp 25 năm bế mạc công đồng Vaticanô II, đức Gio-an Phao-lo II đã ban hành thông điệp "Redemptoris Missio" (Sứ mạng của Đấng Cứu thế), qua đó khẳng định nền tảng của việc truyền giáo xuất phát từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Nguồn gốc và động lực của việc truyền giáo chính là thông đạt tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Như vậy, khởi nguyên và tận điểm của việc truyền giáo là tình yêu Thiên Chúa và hạnh phúc của con người.

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Ý thức tình trạng của mình (Lc 17,11-19)

                                           Chúa nhật 28 năm C
11Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13và kêu lớn tiếng : "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !" 14Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ : "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch. 15Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 
Bài Tin Mừng ngày hôm nay tường thuật lại phép lạ Đức Giê-su đã làm để chữa lành mười người phong hủi. Việc chữa lành diễn ra cách chớp nhoáng, nhanh chóng như là hệ quả tất yếu của lòng tin. Xem ra, tác giả bài Tin Mừng không nhấn mạnh đến phép lạ chữa lành cho bằng hướng độc giả chú ý đến thái độ đức tin của những người phong hủi.
Thực vậy, thời bấy giờ, phong hủi chính là căn bệnh của thế kỷ. Hình thức đáng sợ của nó khiến cho người ta nghĩ rằng đó là một căn bệnh lây nhiễm đáng sợ. Bệnh nhân bị xem là tội nhân đáng lãnh nhận hình phạt của Thiên Chúa. Do vậy, ai chạm vào họ thì sẽ bị ô uế theo. Họ không được tiếp xúc, không được đến gần người khác. bị khai trừ ra khỏi cộng đoàn, họ phải mang theo mình một cái chuông nhỏ và thường xuyên hô lên “ô uế” để ra hiệu. Như vậy, bệnh nhân phong là những người chịu đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Họ là những người đáng thương.

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi với gia đình: Bổn phận của gia đình đối với Thiên Chúa

Thứ năm: Tìm được Chúa Giê-su trong đền thánh
Chủ đề: Bổn phận của gia đình đối với Thiên Chúa

Đức Giê-su đáp : "Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?" Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói (Lc 2,49-50).

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội lên đền thờ mừng lễ Vượt qua như luật định. Năm Đức Giê-su mười hai tuổi, Người cùng cha mẹ mình thực thi nghĩa vụ này. Sau những ngày lễ, thay vì theo cha mẹ trở về Nadaret, Người âm thầm ở lại Giêsusalem. Sau ba ngày vất vả, hai ông bà mới tìm thấy cậu bé Giê-su đang ngồi đàm đạo giữa các thầy dạy Do thái. Khi được hỏi lý do tại sao lại hành động như vậy, cậu đáp: Người phải thực thi bổn phận ở nhà Cha.
Một câu trả lời không hề dễ hiểu đối với các ngài lúc bấy giờ! Bổn phận nào nữa? Chẳng phải cả gia đình đang thi hành bổn phận hành hương đền thờ đấy ư? Dù vậy, Đức Ma-ri-a vẫn giữ những lời nói đó trong lòng để “suy đi nghĩ lại”. Theo thời gian, Mẹ sẽ dần hiểu ra bổn phận đó là gì.

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Kinh Mân Côi và gia đình: Tiến dâng con cái cho Chúa

Thứ tư: Đức Ma-ri-a dâng Chúa Giê-su trong đền thánh
Chủ đề: Tiến dâng con cái cho Chúa

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” (Lc 2,22-23).

Theo luật Do thái, sau khi sinh 40 ngày, người mẹ cần được thanh tẩy (Lv 13,1-4). Cũng theo luật, mọi con trai đầu lòng phải được tiến dâng cho Chúa (Xh 13,2). Gia đình thánh gia đã chu toàn những khoản luật này một cách chu đáo. Việc dâng con trai đầu lòng cho Chúa cùng với những lễ vật kèm theo là để tưởng nhớ lại việc Thiên Chúa đã cứu mọi con trai của dân Do thái trên đất Ai cập. Dù là một nghi thức để tưởng nhớ một hồng ân trong quá khứ, tuy nhiên, việc tiến dâng con cái cho Chúa còn gợi lên một ý thức khác nơi các gia đình, đó là: Con cái là hồng ân.

Tóm lược Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo 2013 của ĐTC Phanxicô

Ngày Khánh nhật Truyền giáo năm nay diễn ra trong bầu khi kết thúc Năm Đức tin, đây là cơ hội tốt để chúng ta củng cố tình bằng hữu với Thiên Chúa.


1. Đức tin là một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban để chúng ta được thông dự vào sự sống của Ngài cũng như làm cho đời sống ta ý nghĩa hơn. Là hồng ân, đức tin cần được đáp trả với lòng biết ơn, can đảm và phó thác. Hồng ân này được ban cho tất cả mọi người và chia sẻ hồng ân này là bổn phận của mọi Ki-tô hữu. Do vậy, không thể tách việc rao giảng Tin Mừng ra khỏi việc làm môn đệ Đức Kitô. Mức độ đức tin của chúng ta, dù là cá nhân hay cộng đoàn, được đo lường qua khả năng thông truyền đức tin cho người khác.

2. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến bổn phận truyền giáo của mỗi Ki-tô hữu (Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) và mỗi cộng đoàn (giáo phận, giáo xứ, dòng tu, các đoàn thể). Đặc tính của truyền giáo không dừng lại ở ranh giới địa lý, ở các dân tộc hay các nền văn hóa nhưng là ở tâm hồn của mỗi người.

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Thiên Chúa lớn hơn các "Gôliat"

Ngài ban sức mạnh để chúng ta chiến thắng những nỗi sợ hãi.

Ai có thể quên những sự kiện ngày 11.09.2001? Chúng đã đóng dấu trong ký ức chúng ta, và như các biến cố lớn khác, chúng đã góp phần định hình cách chúng ta nhìn thế giới. Ngày kỷ niệm những cuộc tấn công này – và nhiều hoạt động khác đã diễn ra trên toàn thế giới kể từ sau đó - là cơ hội để suy tư về phản ứng và sự đáp trả của chúng ta đối với bất kỳ loại đe dọa hay nguy hiểm nào rõ ràng như thế.
Đó có thể là một mối đe dọa trên toàn cầu như khủng bố quốc tế, chiến tranh, hoặc khả năng của một đại dịch. Nó cũng có thể là một cái gì đó rất cá nhân như một sự cám dỗ nội tâm mà chúng ta dường như không thể vượt qua hoặc một cuộc khủng hoảng gia đình như vấn đề con cái hay tài chính, hoặc là một cuộc hôn nhân đổ vỡ chẳng hạn.
Khi đối diện với các thách thức như thế, chúng ta thường có ba lựa chọn. Trước hết, có thể chúng ta không hành động hoặc là do dự vì sự sợ hãi làm cho tê liệt. Thứ hai, có thể chúng ta cố gắng lãng tránh các vấn đề và tiếp tục như không có gì thay đổi. Hoặc thứ ba, chúng ta có thể phải đối mặt với vấn đề, cương quyết làm tất cả những gì có thể để vượt qua. Dĩ nhiên, chúng ta biết đó là con đường cao thượng hơn để thực hiện, nhưng nó vẫn có vẻ rất đáng sợ. Vì vậy, chúng ta hãy xem một câu chuyện từ Cựu Ước cho thấy làm thế nào một người nhỏ bé có thể thực sự thay đổi tiến trình của các sự kiện lớn hơn mình rất nhiều.
Thách thức chống lại Thiên Chúa: Vùng đất người Canaan khoảng năm 1000 trước Công nguyên, người Do Thái dưới thời vua Saun đã bị kẻ thù của họ là người Philitinh quấy rối liên tục, nhuệ khí của họ suy giảm. Hai bên dàn trận trong một trận chiến, bên này đợi bên kia xuất quân trước. Cuối cùng, người Philitinh cử nhà vô địch của họ, một chiến binh mạnh mẽ tên là Gôliat. Ngày qua ngày, hắn thách thức Ítraen gửi nhà vô địch đến chiến đấu với hắn. Ai thắng trong trận đánh đối đầu này sẽ giành chiến thắng cho toàn bộ quân đội của mình, và quân đội của kẻ thua cuộc sẽ trở thành nô lệ.

Khát khao cầu nguyện (Lc 11,1-4)

Tuần XXVII – Thứ Tư


Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông."

Cầu nguyện là nhu cầu không thể thiếu đối với con người, nhất là trong tương quan với Thiên Chúa. Bởi cầu nguyện là lúc con người trò chuyện với Thiên Chúa, thân thưa với Ngài những tâm tư, tình cảm của mình; chia sẻ với Ngài những uất ức hay sướng vui, những lo toan hay hân hoan trong cuộc sống.
Tin Mừng Luca nhiều lần đề cập đến đời sống cầu nguyện của Đức Giê-su. Người thường tách riêng ra một mình để cầu nguyện. Trước những biến cố quan trọng, Người thức suốt đêm để cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện của Đức Giê-su đã tác động các môn đệ, đã khơi lên nơi các ông nhu cầu sâu thẳm nhất của con người, khiến các ông phải chủ động đến xin Đức Giê-su dạy mình cầu nguyện.
Thường xuyên quì gối cầu nguyện say đắm cầu nguyện trong nhà thờ, nhà bác học Ampère (1775-1836) đã gây sự chú ý cho một chàng sinh viên. Lần nọ, chàng mạnh dạn tiến đến hỏi nhà bác học, để trở thành một nhà khoa học vĩ đại hay là trở thành một con người cầu nguyện, điều nào dễ hơn. Ampère đã khiêm tốn trả lời: con người chỉ trở nên vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi!
Có bao giờ đời sống cầu nguyện của chúng ta khiến cho ai khác phải tò mò tìm hiểu? Việc cầu nguyện của chúng ta có giúp đưa người khác đến gần Thiên Chúa, có khơi lên nơi người khác một khát khao nào đó cần thỏa lấp? Chỉ khi chính chúng ta đã chìm đắm trong cầu nguyện, đã khỏa lấp nỗi khát khao của chính mình thì ta mới có thể tác động nơi người khác bằng chính đời sống cầu nguyện của ta.


Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Ở lại và lắng nghe (Lc10,38-42)

Tuần XXVII - Thứ Ba

40 Cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !" 41 Chúa đáp : "Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! 42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

Một nhóm sinh viên lên kế hoạch đi thăm các cụ già neo đơn. Tôi hỏi các em đã chuẩn bị những gì. Các em đáp chẳng có gì nhiều, chủ yếu là đến trò chuyện và lắng nghe họ chia sẻ. Vâng! Người ta thường bảo người già hay nói nhiều. Cũng phải thôi khi họ sống trong cảnh neo đơn, một đời trải qua với bao kinh nghiệm, bao tâm tư vậy mà có mấy ai chịu ngồi lại với họ để nghe họ chia sẻ. Được chia sẻ và có người lắng nghe họ chia sẻ là một nhu cầu và ước muốn lớn của các cụ. Ngược lại, ở lại và lắng nghe người khác chính là cách thức bày tỏ tình yêu. Đó cũng là điều mà Đức Giê-su đã đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay.
Tất bật phục vụ khách ghé nhà là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Do thái. Chính tổ phụ Apraham cũng tự tay lấy nước và rửa chân cho ba người khách (x. St 18,4). Matta kế thừa truyền thống của dân tộc và cô cho như thế là cách phục vụ tốt nhất. Tiếc cho cô là thời đại đã đổi thay! Đức Giê-su đến đã đưa ra một cách thức phục vụ mới, đó là ở lại bên nhau và lắng nghe nhau. Đức Giê-su không nói lựa chọn của Matta là sai, nhưng nó sẽ tốt hơn nếu cô không quá lo lắng đến nỗi bỏ qua điều quan trọng là “ở lại và lắng nghe”.
Ở lại và lắng nghe là hành động của những tâm hồn thực sự yêu nhau. Vì yêu thương, họ không hề hối tiếc thời gian hay bất cứ điều gì khác để được ở bên nhau và lắng nghe nhau. Đời sống đức tin cũng mời gọi chúng ta ở lại bên Chúa để lắng nghe Chúa cũng như ở lại bên tha nhân để lắng nghe tha nhân. Đó cũng là cách thức sống điều răn mến Chúa yêu người vậy!
Chúa đã mời gọi “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9), xin cho chúng con luôn ở lại để lắng nghe và cảm nghiệm tình thương của Chúa, nhờ đó, chúng con có thể ở lại và chia sẻ tình thương Chúa cho anh chị em mình.

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Ai là người thân cận của tôi ? (Lc 10, 25-37)

Tuần XXVII - Thứ Hai


25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?" 26 Người đáp : "Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?" 27 Ông ấy thưa : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." 28 Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
29 Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : "Nhưng ai là người thân cận của tôi ?" 30 Đức Giê-su đáp : "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp...  36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?" 37 Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Bài Tin mừng ngày hôm nay đưa chúng ta vào trọng tâm của giáo lý Do Thái giáo và Ki-tô giáo. Thực vậy, nhà thông luật đã đại diện cho toàn thể các tín hữu mọi thời đại để hỏi Đức Giê-su (dù cho ông chỉ muốn thử Người) câu hỏi quan trọng nhất: Phải làm gì để được sự sống đời đời? Qua câu trả lời của chính ông, một cách gián tiếp, Đức Giê-su cũng trả lời cho tất cả chúng ta bằng cách nhắc lại điều răn của Cựu Ước. Một điều răn căn bản mà hầu như tất cả mọi người đều biết, đó là luật mến Chúa và yêu người mà Cựu Ước đã thường xuyên nhắc đi nhắc lại.
Tuy nhiên nhà thông luật đã nêu lên một vấn nạn quan trọng, đó là: Ai là người thân cận của tôi? Theo ngôn ngữ tiếng Việt, người thân cận ám chỉ những người bà con trong gia đình, chòm xóm láng giềng gần gũi hay bạn bè thân thuộc. Xa hơn nữa, người thân cận ám chỉ những người nghèo khổ khó khăn cần sự giúp đỡ. Đây cũng chính là quan niệm của người Do Thái.

Kinh Mân Côi, Kinh Hòa Bình

Tuy việc lần hạt Mân Côi đã có từ thời Trung cổ nhưng lễ kính Đức Mẹ Mân Côi mới được đức Piô V, một tu sĩ Dòng Đa Minh, thành lập năm 1573[i], để tạ ơn Thiên Chúa sau cuộc chiến thắng của đạo quân Công giáo ở Lepanto[ii] vào ngày 07.10.1571. Để quãng bá ngày lễ này, Dòng Đa Minh đã dành ra 15 ngày thứ Bảy và một tháng trước đó để chuẩn bị. Thay vì dâng hoa như trong tháng 5, việc đạo đức chính trong tháng 10 là lần hạt Mân Côi. Tại các nhà thờ Dòng Đa Minh, các cha cũng lợi dụng dịp này để thuyết giảng không những về Đức Ma-ri-a mà còn về toàn bộ đức tin Ki-tô giáo, tóm lại trong 15 mầu nhiệm kính nhớ việc Nhập thể và Cứu chuộc của Đức Ki-tô. Tục lệ này được đẩy mạnh hơn nữa vào hai thế kỷ 19 và 20 cùng với những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và Fatima.
Hội Mân Côi đã được cha Michele Francois, một tu sĩ Dòng Đa Minh chính thức thành lập tại thành phố Koeln, nước Đức ngày 08.09.1475. Nhờ sự rao giảng của các cha Dòng Đa Minh, Hội Mân Côi nhanh chóng truyền bá đi khắp nơi. Vào ngày 07.10.1571, các hội viên Hội Mân Côi tụ họp nhau cầu nguyện, xin Đức Ma-ri-a ban ơn thắng trận. Vì thế Đức Giáo hoàng nhìn nhận chiến thắng này là hồng ân nhờ lời chuyển cầu của Đức Ma-ri-a.
Ngày nay, Giáo hội khuyến khích đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho hòa bình.trong Tông thư Kinh Mân Côi được Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.10.2002 có đoạn viết : “Một số hoàn cảnh lịch sử cũng khiến cho việc phục hồi Kinh mân nên hợp thời. Trước tiên, nhu cầu nài xin Thiên Chúa ban cho ơn bình an. Kinh mân côi đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi nhiều lần đề nghị như một lời kinh cầu cho hoà bình. Vào lúc khởi đầu một ngàn năm mới với biến cố tấn công gây kinh hãi ngày 11.9.2001, chứng kiến mỗi ngày tại nhiều miền trên thế giới những cảnh đổ máu và bạo lực, khám phá lại Kinh mân côi có nghĩa là chìm sâu vào việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Ki-tô Đấng là bình an của chúng ta, bởi vì Người đã liên kết đôi bên thành một, và phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét (Ep 2,14). Vì thế, ta không thể đọc Kinh mân côi mà không cảm thấy thôi thúc dấn thân cách cụ thể để kiến tạo hoà bình, đặc biệt tại quê hương Đức Giê-su, đang bị thử thách nặng nề và đặc biệt gần gũi trong trái tim của mọi ki-tô hữu.” (số 6).

Tài liệu tham khảo
Phan Tấn Thành, O.P., Hiểu để sống đức tin, tập 1
Tông thư Kinh Mân Côi




[i] Đức Piô V bày tỏ ước muốn thiết lập lễ này nhưng ngài lại qua đời sớm, một năm sau, người kế nhiệm là Đức giáo hoàng Grêgôriô III chính thức thiết lập.
[ii] Sự bành trướng của Hồi giáo là nguy cơ lớn cho sự tồn tại của Ki-tô giáo. Đức Giáo hoàng Piô V đã phải đứng ra lập một liên quân Công giáo để chống lại sự bành trướng này. Trước khi lâm trận, ngài đã tổ chức tại Rôma ba ngày rước kiệu và đền tội. Ngài cũng kêu gọi các hồng y ăn chay mỗi tuần một ngày để cầu nguyện.

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

VIỆC BỔN PHẬN (Lc 17, 7-10)

Đức Giê-su nói: "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : 'Mau vào ăn cơm đi', chứ không bảo : 'Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !' ?  Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? Đối với anh em cũng vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."


Thuyết chính danh
Nho giáo đề cao thuyết chính danh: quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử, nghĩa là mỗi người phải sống đúng theo danh phận của mình thì xã hội sẽ tốt đẹp. Chồng sống cho ra chồng; vợ sống cho ra vợ; cha sống cho ra cha; con sống cho ra con. Ngày nay, thuyết này chẳng còn mấy ai lưu tâm nữa, đó là nguyên nhân của những bi kịch vẫn xảy ra hàng ngày: chồng bạo lực với vợ, vợ lừa chống, con đánh giá, cha giết con, v.v..
Suy niệm
Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su nhắc nhở việc bổn phận của mỗi người trong cuộc sống. Mỗi người đều có những bổn phận riêng của mình, cần phải chu toàn với lòng khiêm tốn chứ không phải để đòi công trạng.

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Sứ điệp bình an (Lc 10, 1-9)

Tuần XXVI - Thứ Năm

Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”
Bài Tin mừng hôm nay tường thuật lại việc Đức Giê-su sai bảy mươi hai môn đệ ra đi. Sau một thời gian ở với Chúa, được nghe những lời Chúa giảng, được chứng kiến những dấu lạ Người làm, nay đến lượt các ông được sai đi để dọn đường cho Chúa. Ở đây, không phải Đức Giê-su sai mười hai tông đồ nhưng là sai bảy mươi hai môn đệ. Điều này cho thấy tính phổ quát của sự việc. Đức Giê-su cần nhiều người cộng tác với Người trong việc đi đến các làng mạc mà loan báo sứ điệp của Chúa.
Điều này vẫn còn đúng trong thời đại ngày nay. Chúa đang cần nhiều cánh tay để tiếp nối sứ vụ của Chúa trong trần gian này. Chúng ta, những người Ki-tô hữu, nhờ Giáo hội và qua Giáo hội, chúng ta đã đến với Chúa, đã nghe những lời Chúa giảng, đã biết những việc Chúa làm, đã được Chúa ngự vào lòng qua bí tích Thánh Thể, đến lượt chúng ta cũng được sai đi để làm sứ giả cho Chúa. Đây là niềm hạnh phúc và là trách nhiệm của mỗi người chúng ta, vì sứ mạng truyền giáo của Giáo hội cũng là sứ mạng của mỗi thành viên. Sứ mạng của chúng ta ngày nay không nhất thiết là phải đi từ làng này đến làng khác nhưng là chính trong môi trường sống của chúng ta. Miễn sao nội dung của sứ điệp vẫn là “bình an cho nhà này!”.

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2013

Các thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng

Ngày 02: Các thiên thần hộ thủ

Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. (Tv 91,11-12). Lời này phải khơi dậy nơi bạn lòng cung kính, đem lại cho bạn lòng sùng mộ, và truyền đạt cho bạn niềm tin tưởng lớn lao biết chừng nào! Cung kính vì sự hiện diện của các ngài, sốt sắng vì lòng nhân từ của các ngài, tin tưởng vì được các ngài bao bọc chở che (Bài giảng của thánh Bênađo, viện phụ).

Quả thật, lời Thánh vịnh thật ngọt ngào biết bao: con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm (Tv 8,5 ). Dù con người tội lỗi và hay phản bội, thế nhưng Chúa đã cho Con Một đến để cứu độ, đã ban Thánh Thần để dẫn dắt và truyền cho thiên sứ giữ gìn ngày đêm. Rồi đây, con người sẽ cùng với các thiên sứ cất tiếng ca tụng Chúa trong Thành Đô của người.

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Giữa lòng Hội thánh, tôi sẽ là tình yêu

Ngày 1: Thánh Têrêxa Hài đồng Giê-su

Nếu Hội thánh là có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Em hiểu rằng Hội thánh có một trái tim và trái tim đó bừng cháy tình yêu. Em hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tông đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ chẳng đổ máu mình ra…(trích sách Tự thuật của thánh Têrêxa Hài đồng Giê-su).

Têrêxa sinh năm 1873 và mất năm 1897 tại Pháp, trong một gia đình có 9 người con, tuy nhiên chỉ có 5 cô con gái còn sống. Điều tuyệt vời là cả 5 cô đều đi tu! Mới bốn tuổi, mẹ Têrêxa qua đời, thế là chị lớn lên trong vòng tay yêu thương của người cha. Với quyết tâm tận hiến đời mình cho Chúa, chị đã xin vào Đan viện Cát Minh khi mới 15 tuổi. Vì chưa đủ tuổi nên chị đã xin đặc ân của Đức Giáo hoàng. Năm 24 tuổi chị qua đời trong tu viện. 28 năm sau, chị được Đức Giáo hoàng Piô XI phong hiển thánh, và đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo. Sau đó chị được đặt làm quan thầy thứ hai của nước Pháp. Năm 1997, chị được Đức Gioan Phaolô II phong tiến sĩ Hội thánh. Con đường nên thánh của Chị có thể tóm lại trong hai chữ: Tình Yêu.