Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Những đóng góp của thánh Basiliô cho phong trào đan tu


Thế kỷ thứ IV và V không chỉ nổi bật với những cuộc tranh luận tín lý, đặc biệt là về mầu nhiệm Ba Ngôi mà thôi nhưng còn là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào đan tu. Thực vậy, các giáo phụ trong thời gian này vừa là những nhà thần học vừa là những con người của cầu nguyện và chiêm niệm. Bên cạnh niềm say mê tìm hiểu chân lý, các ngài còn say mê với đời sống đan tu; các ngài vừa là thần học gia vừa là nhà thần bí.
Cũng như trong các lãnh vực khác, các giáo phụ vừa là những nhà tiên phong, xây dựng và đặt nền móng cho sự phát triển vững chắc sau này, đối với phong trào đan tu cũng vậy. Xuất hiện vào hậu bán thế kỷ III với thánh Antôn (251-356), người được xem như “tổ phụ các đan sĩ” đến thánh Pakhôm (292-346), người khai sinh đời tu cộng đoàn, đến nay, thánh Basiliô (330-379) cải tổ đời sống đan viện qua bộ luật đan sĩ cũng như những tư tưởng khác về đời sống tu trì của ngài. Qua đó ta có thể khẳng định ngài là một trong những nhân vật nổi bật nhất với nhiều đóng góp cho phong trào đan tu của thời kỳ này. Trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu về đời sống của thánh Basiliô và sau đó là những đóng góp của ngài cho phong trào đan tu.
Giới thiệu Basiliô[1]
Basiliô được xem là người đứng đầu trong “ba con người vĩ đại của Cappadoxia”. Basiliô sinh khoảng năm 330 tại vùng Pont trong một gia đình tri thức và đạo đức. Ông bà nội của Basiliô đã sống ẩn dật trong miền rừng Pont và đã bị mất hết tài sản vào lúc xảy ra cuộc bách hại lớn, còn ông ngoại thì đã được phúc tử đạo. Trong số 10 anh chị em thì sau này đã có đến ba người con làm Giám mục.
Sau khi học vỡ lòng với cha là một thầy giáo môn tu từ, ngài được gửi theo học các bậc thầy nổi danh: tại Césarée (thuộc Cappadoce), rồi tại Constantinople, cuối cùng tại Athène, một trung tâm trí thức mà ảnh hưởng còn đang rất lớn. Sau khi học xong ngài trở về Césarée vào năm 355, có lẽ sau một thời gian ngắn dạy môn tu từ, Basiliô thôi nghề giáo. Ngài chịu rửa tội và quyết chí tu trì theo gương các người thân trong gia tộc. Macrine, chị ngài, linh hướng của gia đình, và bà góa Emmélie, mẹ ngài, cả hai đã lập một cộng đoàn ở Pont, bên sông Iris, thuộc lãnh địa Annésoi, nơi mà một người em của Basiliô đang sống ẩn tu.
Khi ấy Basiliô có liên hệ với một nhà khổ tu ở Tiểu Á là Eustathe, người có chủ trương một lối khổ tu rất nghiêm khắc, muốn sống theo Tin mừng cách độc đáo, và ông muốn áp đặt lối sống từ bỏ của mình cho cả cộng đồng Kitô giáo. Có lẽ theo lời khuyên của ông mà vào khoảng 357 - 358, Basiliô quyết một phen tìm đến những vùng mà chế độ khổ tu phát triển : Syrie, Mesopotamie, nhất là Aicập, chiếc nôi của chế độ đan tu. Khi trở về, ngài đã cương quyết thử nghiệm và củng cố đời sống đan tu.
Cùng với các đồ đệ, Basiliô liền tới trụ trì gần Annésoi. Chính trong bối cảnh này mà Basiliô đã soạn ra bản luật, một bản văn không nhằm vạch ra cách tổ chức cộng đoàn cho bằng thu thập những huấn thị của Tân ước để giúp các Ki-tô hữu sống đúng ơn gọi của mình.
Tuy nhiên ngài chỉ sống đời đan tu được một thời gian ngắn, sau đó chịu chức linh mục (362) và giám mục (370) giáo phận Césarée. Tuy bận rộn với công tác mục tử, nhưng thánh Basiliô vẫn mang một tâm hồn đan sĩ. Đóng góp lớn nhất của thánh Basiliô vào phong trào đan tu chính là luật đan viện. Bên cạnh đó, qua các bức thư, ngài đã làm nổi bật tinh thần đời sống đan tu, cụ thể là bầu khí của đan viện và bổn phận của người đan sĩ.
Luật đan viện
Nhìn lại lịch sử và nguồn gốc của phong trào đan tu, ta thấy có một sự tiến triển rõ rệt. Ban đầu, thánh Antôn khai mào đời sống ẩn tu, đó là một cuộc sống đơn độc sau khi đã được hướng dẫn nhập môn. Cuộc sống đó bao gồm khổ chế, cầu nguyện, chiêm niệm và chiến đấu thiêng liêng. Đến thời thánh Pakhôm, người ta không còn sống đơn độc nữa nhưng là sống theo cộng đoàn. Mặc dù chưa có lời khấn nhưng đức vâng phục được coi như là mẫu mực của đời tu. Đời tu nhấn mạnh đến suy niệm kinh thánh, khổ chế chừng mực và làm việc chung.
Thánh Basiliô nâng đời sống cộng đoàn lên thành một linh đạo với nhiều cải tổ, biểu hiện cụ thể qua “những luật đời đan tu”. Dựa trên giáo lý của Tân ước, Basiliô viết nên những nguyên tắc căn bản của đường tu đức như bác ái, tiết độ và từ bỏ; về cách thức tổ chức cộng đoàn như thâu nhận ứng sinh, thời gian thử luyện, cầu nguyện cộng đoàn, việc cai quản và trách nhiệm của bề trên. Bản luật này được hầu hết các dòng tu bên Đông phương tuân giữ.
Sau đây là vài ý tưởng chính trong bộ luật đan viện của ngài:
Đời sống cộng đoàn và sự liên đới: “Nếu như mỗi người trong chúng ta chọn sự cô tịch, nhưng không phục vụ cho lợi ích chung theo như lòng Chúa muốn, nhưng chỉ thỏa mãn sở thích của mình, thì làm sao chúng ta có thể, khi bị sâu xé và phân tán như vậy, gìn giữ được sự tương trợ và sự phục vụ lẫn nhau của những chi thể và sự vâng phục đối với đầu của chúng ta là Chúa Ki-tô? Bởi vì, trong một đời sống biệt lập thì không thể nào chia vui được với ai đang được ca ngợi, cũng như không thông cảm được với ai đang đau khổ, mỗi người không thể nào biết được hoàn cảnh của người bên cạnh”.[2]
Khoản luật trên nhấn mạnh đến lợi ích chung của đời sống cộng đoàn. Mỗi người là một chi thể trong thân thể mà Đức Ki-tô là đầu. Do đó, chọn lựa của mỗi người đều có ảnh hưởng đến người khác. Khoản luật này nhằm so sánh đời sống đan tu với đời sống đơn tu. Đời sống đơn tu không những thiếu sự liên đới mà nó còn cho thấy thân thể Đức Ki-tô bị sâu xé, rời rạc, như thế thì làm sao hiệp thông và chia sẻ được. Trong khi đó đời sống đan tu thì ngược lại. Mọi người liên đới với nhau, tương trợ và phục vụ lẫn nhau. Niềm vui được nhân đôi, nỗi buồn được chia sớt, đó mới là cơ hội để hiệp thông và nên một. Hơn nữa, đời sống chung còn cho thấy sự đầy tràn của ân sủng mà mỗi người đã lãnh nhận.
Đời sống cộng đoàn và đặc sủng: “Người sống riêng lẻ có thể có một đặc sủng, nhưng người đó làm cho đặc sủng đó ra vô ích bởi sự vô dụng của mình bằng cách chôn vùi đặc sủng đó trong chính mình. … Trong khi người sống giữa tập thể lớn, thì hưởng đặc sủng riêng của mình, làm cho đặc sủng đó gia tăng khi chia sẻ nó, và cũng hưởng được đặc sủng của những người khác như là của chính mình”.[3]
Đặc sủng đích thực thì phải sinh ích cho mình và cho người khác. Nếu đặc sủng không sinh ích cho người khác thì sẽ ra vô ích, chẳng khác nào tên đầy tớ đem chôn giấu những nén bạc của mình. Đời sống cộng đoàn giúp gia tăng ân sủng và ân sủng giúp gia tăng cộng đoàn. Đó là chiều kích hai chiều của ân sủng. Không những đặc sủng của ta sinh ích cho cộng đoàn mà thôi nhưng chúng ta còn được hưởng đặc sủng của người khác nữa. Đó chính là lợi ích của cộng đoàn đối với đặc sủng.
Đời sống cộng đoàn và các nhân đức: Cộng đoàn còn là nơi để luyện tập các nhân đức cũng như tương quan đời sống huynh đệ. Cộng đoàn lý tưởng phải được xây dựng theo mẫu gương của cộng đoàn thời tiên khởi, nơi đó mọi người để mọi sự làm của chung. Mọi người một lòng lồng tâm hồn để thờ phượng Chúa. Bản luật viết: “Bãi chiến trường, con đường chắc chắn của tiến bộ, sự luyện tập thường xuyên, sự thực hành chuyên chăm những giới răn của Chúa, đó cũng chính là một cộng đoàn huynh đệ. Cộng đoàn này hướng về vinh quang của Thiên Chúa theo như huấn lệnh của chúa Giê-su Ki-tô, Người đã nói: ước gì sự sáng của anh em chiếu tỏa trước mọi người, ngõ hầu mọi người nhìn thấy mọi việc lành của anh em và ngợi khen Cha anh em ở trên trời”.[4]
Cộng đoàn và đời sống cầu nguyện: Về việc cầu nguyện chung, bản luật nhắc nhở chúng ta không được nại vào việc cầu nguyện riêng để rồi bỏ qua những giờ cầu nguyện chung. Giờ cầu nguyện chung được thiết lập trong cộng đoàn để giúp cộng đoàn bắt chước các tông đồ, hiệp ý cầu nguyện vào những giờ ấn định để ca tụng Chúa và mưu cầu lợi ích chung cho cộng đoàn cũng như cho riêng từng người. Bản luật viết: “Dầu vậy, không phải bởi vì đã có luật cho mọi người phải tạ ơn mọi lúc, và vì bản chất và lý trí chứng tỏ cho chúng ta thấy sự cần thiết của việc tạ ơn đó mà chúng ta lo là những giờ cầu nguyện đã được thiết lập cách chính thức trong những Huynh đoàn, và đã được chọn cho chúng ta, vì lợi ích đặc biệt của Chúa đã được nhắc lại bởi mỗi giờ kinh[5]. Thánh Basiliô đưa ra tám giờ kinh cố định trong ngày (giờ kinh sáng, giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, cuối ngày, lúc đêm xuống, nữa đêm và trước lúc bình minh) và cho biết lợi ích đặc biệt của mỗi giờ kinh.
Nói chung lại, Basiliô đã mô tả một lối sống cầu nguyện liên lĩ ngày đêm, học hỏi Kinh Thánh, lao động tray chân, luật về ăn mặc ngủ nghỉ rất kham khổ ; nhưng về các lãnh vực khác lại rất tự do như không đòi từ bỏ đồ đạc cá nhân, không phải vâng lời một bề trên theo kiểu tu viện, cũng không có kỷ luật chi tiết. Cộng đoàn mà Basiliô mô tả là những nhóm nhỏ giản dị theo kiểu của Eustathe, hơn là chế độ tu viện được tổ chức chặt chẽ theo kiểu Aicập. Ðóng góp chính của Basiliô cho phong trào đan tu có lẽ là đề ra lối sống theo Tin mừng có trật tự, chừng mực hơn so với chủ trương sống theo Tin Mừng một cách triệt để, thái quá của Eustathe.
Bản luật của thánh Basiliô nhấn mạnh đến chiều kích Giáo hội của đời sống đan tu. Các đan sĩ cũng theo đuổi một lý tưởng Phúc âm như các tín hữu khác, và duy trì mối liên kết với các thành phần khác của Giáo hội. Đồng thời, Basiliô cổ võ nếp sống cộng đoàn hơn là ẩn sĩ, bởi vì cộng đoàn đan tu là một biểu hiện của Giáo hội. Khuôn mẫu của cộng đoàn đan tu là Giáo hội tiên khởi ở Giê-ru-sa-lem. Lý tưởng của các đan sĩ là sống Phúc âm trọn vẹn, theo gương Đức Ki-tô. Để tránh rơi vào những quan niệm lệch lạc về khổ chế của phong trào Eustathe, thánh Basiliô nêu bật giá trị của đức ái, sống tình hiệp thông với Giáo hội.
Khác với Pakhôm, cộng đoàn của Basiliô không xa cách nhưng gần các làng mạc. Hơn nữa, cộng đoàn này gồm ít người hơn nên mối tương quan hàng ngang được đề cao hơn mối tương quan hàng dọc. Cộng đoàn được gọi là “huynh đoàn” vì mọi người coi nhau như anh em. Quan điểm về đức vâng lời của Basiliô cũng khác, vâng lời không chỉ trong tương quan trực tiếp với bề trên mà thôi nhưng tiên vàn là vâng lời Thiên Chúa. Tu luật của thánh Basiliô nhấn mạnh đến việc thực thi đức ái, không chỉ giữa các anh em mà thôi nhưng còn mở rộng cho tất cả mọi người. Lòng bác ái thể hiện qua việc rao giảng lời Chúa và giúp đỡ người nghèo.[6]
Trên đây là những nét cơ bản và nổi bật trong bản luật của thánh Basiliô, phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về bầu khí đan viện mà thánh nhân muốn các đan viện hướng tới.
Bầu khí đan viện
Bầu khí của đan viện trước hết là sự cô tịch, trong lá thư số 2 gửi Grêgorio thành Nazianzê, thánh Basiliô viết: "Sự cô tịch rất có lợi cho chúng ta, vì nó làm cho các đam mê thiếp ngủ, và cho lý trí được rảnh rang dứt bỏ chúng hoàn toàn khỏi tâm hồn. Cũng như các thú hoang dễ dàng chịu khuất phục khi được vuốt ve, thì các ham muốn, các cơn giận, những sự sợ hãi, và buồn phiền cũng thế, những con thú độc địa và hung dữ này của tâm hồn, nếu ta biết ru ngủ chúng trong tĩnh lặng thay vì làm cho chúng vùng dậy vì bị kích động liên tục, thì chúng dễ dàng khuất phục trước sức mạnh của lý trí hơn. Vậy ước gì, chốn tu trì phải được như chỗ của chúng ta, xa khỏi cảnh thế gian hỗn tạp, ngõ hầu, không có gì từ bên ngoài vào làm gián đoạn việc tu luyện”.[7]
Như thế, bầu khí cô tịch sẽ giúp các đan sĩ lắng động tâm hồn nhờ đó mà chế ngự các đam mê. Nhờ thinh lặng, những ham muốn, cơn giận dữ, những xáo động của tâm hồn sẽ không có cơ hội trỗi dậy. Đó là điều kiện thuận lợi để tu luyện và luyện tập các nhân đức. Hơn nữa, bầu khí cô tịch là xa lánh thế gian hỗn tạp để giúp các đan sĩ chú tâm vào việc cầu nguyện qua đó kết hợp với Chúa. Thánh nhận viết: “Sự thao luyện lòng đạo này nuôi dưỡng linh hồn bằng những tư tưởng thần linh. Thử hỏi, có gì hạnh phúc hơn được sống như ca đoàn các thiên thần tại thế : thức dậy lúc hừng đông để cầu nguyện và tôn vinh Ðấng Sáng Tạo bằng những khúc hát, những bài thánh thi, rồi khi mặt trời bắt đầu rực nắng thì bắt tay làm việc kèm theo sự cầu nguyện ở mọi nơi, có thể nói là để cho việc làm của mình thêm mặn nồng. Những bài thánh ca có tác dụng tốt là làm cho tâm hồn cảm thấy hân hoan, và tránh được những ưu phiền. Như vậy sự an tĩnh là bước đầu của việc thanh luyện tâm hồn”.[8]
Ngoài ra, cô tịch còn là bầu khí thuận lợi để các đan sĩ thi hành việc bổn phận, đó là suy niệm Sách Thánh cũng như hạnh các thánh. Việc làm này giúp nuôi dưỡng linh hồn, bắt chước các thánh nhân để theo Chúa Ki-tô cách trọn vẹn hơn. Thánh nhân viết: “Con đường lớn dẫn tới việc khám phá ra bổn phận, ấy là sự suy niệm các Sách Thánh được linh hứng. Chính nơi đó ta sẽ tìm thấy những qui tắc xử thế, và hạnh của các chân phúc mà Thánh Kinh truyền lại cho chúng ta là những hình ảnh sống động về cuộc sống theo Chúa, những hình ảnh đó được đưa ra là để ta bắt chước theo việc lành của các ngài”.[9]
Như vậy, bầu khí đan viện mà thánh Basiliô muốn mang lại đó là một bầu khí cô tịch để thao luyện các nhân đức, để cầu nguyện và học học nhờ đó đời tu sẽ ngày càng tiến nhanh đến bậc trọn lành.
Bổn phận người đan sĩ
Mục đích của đời tu là hướng đến sự hoàn hảo như lời mời gọi của Đức Giê-su: anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện. Đó đó, thánh Basiliô quan niệm sự hoàn hảo của đời đan tu thể hiện qua việc thánh hóa và chu toàn các bổn phận của một đan sĩ. Ở đây, thánh Basiliô nhấn mạnh đến đức vâng lời cũng như việc chu toàn bổn phận của mình. Đức vâng lời trước hết phải đặt trên nền tảng là “vì vinh quang Thiên Chúa” chứ không phải vì bề trên. Đó đó cần chấp thuận với sự khôn ngoan và xác tín. Thánh nhân viết rằng: “Mỗi người khi đã được bề trên chấp thuận, hãy làm mọi sự cách khôn ngoan, xác tín, cả đến việc ăn, việc uống, tin chắc rằng ấy là vì vinh quang Thiên Chúa”.[10]
Trong công việc hàng ngày, cần chu toàn tốt các bổn phận của mình, nên chú tâm vào công việc, trách niệm hiện tại của mình chứ không nên: Đứng núi này trông núi nọ. Tuy vậy đây không phải là điều luật cứng nhắc, vì khi người khác cần sự giúp đỡ thì ta phải sẵn sàng. Điều đó thể hiện qua hai khoản luật sau đây:
“Không được bỏ việc này sang việc nọ khi không được người có trách nhiệm điều động chấp thuận, trừ khi bất ngờ được gọi giúp đỡ người đuối sức trong trường hợp thực sự khẩn thiết”.
“Ai có việc nấy, không được xen vào việc ở ngoài phạm vi của mình, trừ khi những người có trách nhiệm xét rằng có ai đó cần được giúp đỡ”.[11]
Kết luận
Qua những phân tích trên ta thấy, thánh Basiliô đã có một đóng góp rất lớn cho phong trào đan tu vào thế kỷ thứ IV. Những đóng góp này thể hiện cụ thể qua bản luật đan tu cũng như tinh thần, bầu khí của đời sống đan tu. Bản luật này đánh dấu một bước ngoặc mới cho phong trào đan tu và mang lại một sức sống mới cho đời sống tu trì trong Giáo hội. Đóng góp này nhanh chóng được Giáo hội Đông phương đón nhận và tuân giữ. Hầu hết các tu viện ở Đông phương đều sống theo quy luật này của thánh Basiliô. Đến cuối thế kỷ thứ IV, bản luật này được Rufi dịch ra tiếng La tinh và đưa ảnh hưởng của bộ luật này vào Giáo hội La tinh.





[1] Xc. Lê Văn Chính, Giáo trình Giáo phụ học (TP.HCM: ĐCV Giuse, 2009), tr. 233-235; xem thêm Phan Tấn Thành, Về nguồn, tập 5 (Rôma, 2005), tr. 122-123
[2] Lê Văn Chính, sđd, tr. 241.
[3] Sđd, tr. 241.
[4] Sđd, tr. 241.
[5] Sđd, tr. 241.
[6] Xc. Phan Tấn Thành, sđd, tr. 128-130.
[7] Lê Văn Chính, sđd, tr. 243.
[8] Sđd, tr. 243.
[9] Sđd, tr. 243.
[10] Sđd, tr. 243.
[11] Sđd, tr. 243-244.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét